Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.198
123.205.088
 
Nói Iại với Phạm Đình Ân
Inrasara

1. Nhà thơ Phạm Đình Ân, trong bài “Tác giả phê bình và sản phẩm phê bình” đăng trên Văn nghệ trẻ số 1&2, 2010, Phongdiep.net ngày 21-1-2010 đăng lại, ở mục “Phân loại phê bình” có nhắc đến tôi nguyên văn như sau:

 

“Cũng mới đây, nhà thơ Inrasara lại có thêm cách phân loại như sau:

- Phê bình độn giai thoại

- Phê bình và tán

- Phê bình chung chung

- Phê bình hũ nút

- Phê bình núp bóng

- Phê bình bè phái

- Phê bình quan phương

- Phê bình hàng hai

Cách phân loại này quả là rất "nghệ sĩ"! Đây có lẽ là phân loại theo kiểu, cách, thủ pháp chứ không phải là theo loại hình (Inrasara nhấn mạnh).

 

Như vậy, có lẽ cách chia phê bình thành ba loại hình: báo chí, hàn lâm và nghệ sĩ là thỏa đáng hơn cả”.

Có lẽ bởi không đọc kĩ bài tôi viết, nên anh vội đưa ra nhận định như thế.

 

Ở đây tôi không thảo luận với anh về cách phân loại (ví dụ, tôi có thể đặt câu hỏi rằng thế nào là phê bình nghệ sĩ?) mà chỉ nhấn vào khía cạnh của vấn đề [phê bình] tôi bàn đến trong bài báo. “Điểm danh căn bệnh phê bình hôm nay” đăng trên vài tờ báo, sau đó được đưa lên website Hoinhavanvietnam, 24-10-2008, tôi hoàn toàn chưa đề cập đến loại hình, chức năng hay “kiểu, cách, thủ pháp” phê bình gì gì cả, mà chỉ nêu căn bệnh. Tiếp nhận các phát hiện của người đi trước đồng thời qua sự quan sát hiện tình sinh hoạt văn học Việt Nam đương đại, tôi nêu “căn bệnh” của phê bình hôm nay với vài dẫn chứng minh họa sơ bộ, như tiêu đề bài báo chỉ rõ. Tôi chưa hề “phân loại hình” mà chỉ “điểm danh căn bệnh”, chuyện hoàn toàn khác. Khác cả về mục đích lẫn thao tác.

 

2. Về hình thức hay loại hình phê bình (tùy cách gọi), tôi có nói lướt qua trong bài trả lời phỏng vấn “Thiếu tư tưởng nên ăn theo sáng tác” do MT thực hiện, báo Lao động, số 185, 11-8-2007.

 

“Hỏi: Khủng hoảng lớn nhất hiện nay trong phê bình văn học là gì, thưa ông?

 

Inrasara: Phê bình văn học Việt Nam thiếu tư tưởng nên mãi ăn theo sáng tác, chịu phận làm nô bộc cung cúc tận tụy cho sáng tác. Từ đó ta hay có lối phát biểu khá lạc hậu là, bởi chưa có sáng tác hay nên nền phê bình ta dậm chân tại chỗ. Nói phê bình ăn theo sáng tác là chưa rốt ráo. Phê bình vẫn có khả năng gợi mở, thậm chí – dẫn đạo sáng tác, nếu đó là phê bình lí thuyết. Tiếc là loại phê bình này chưa có mặt ở Việt Nam. Một hình thức phê bình mang tính tư tưởng sẵn sàng đánh đổ và cho lưu kho các hệ thẩm mĩ từng thống ngự nền văn học trước đó, một phê bình ý hướng qui phạm hóa cái đẹp mới, nó mang ở tự thân khả tính làm thay đổi và mở rộng cách đọc và nhìn nhận của chúng ta về văn học. Phê bình như thế làm chùn bước các nhà phê bình ngoan cố trụ lại nơi căn cứ địa thẩm mĩ lỗi thời, gây bất an cho những người viết còn ẩn nấp trong túp lều quan niệm sáng tạo cũ.

 

(…) Sài Gòn vài năm qua hoàn toàn vắng bóng nhà phê bình. Hà Nội may ra còn có nhà phê bình báo chí (…), nhà phê bình thực hành (…). Riêng tôi, tôi cư trú lấp lửng giữa phê bình thực hành có lấn sang sân phê bình lí thuyết”.

 

3. Thế kỉ qua, phê bình văn học trên thế giới đã tiến những bước dài, phát triển đa dạng với nhiều trào lưu lớn ảnh hưởng đến sáng tác và thưởng ngoạn văn chương.

 

Chuyện phân loại đối tượng, hình thức, chức năng… phê bình đã được các lí thuyết gia thượng thặng làm từ lâu rồi. Bây giờ nếu tham vọng làm lí thuyết gia phê bình, có 3 hướng đề ra: Thứ nhất, hoặc ta làm cuộc cách mạng lật đổ nếu ta tự tin tài năng lớn; thứ hai, hoặc ta đứng trên vai họ để phát triển sâu, rộng hơn; cuối cùng một cách khiêm cung, ta chỉ làm bổn phận tiếp nhận và vận dụng. Còn nếu mãi hôm nay ta còn mò mẫm trong vùng mơ hồ, thì thậm vô ích.

Tôi không là nhà phê bình chuyên nghiệp, bởi yêu văn chương mà đã dấn vào nó. Vào cõi phê bình, tôi chỉ tự đề ra cho mình một nhiệm vụ khiêm tốn: Tiếp nhận các lí thuyết phê bình phương Tây hiện đại và vận dụng vào “đọc” thơ đương đại Việt Nam.

 

Biết thêm: Về phê bình, có thể tóm lược như sau:

Phê bình đa dạng ở đối tượng. Nhà phê bình có thể phê bình về một tác phẩm hay một tác giả, một trào lưu hoặc thời đoạn văn chương, cũng có thể nhấn vào việc đọc, viết hay vào chính phê bình. Phê bình đa dạng ở hình thức. Hình thức có thể là phê bình báo chí, phê bình học thuật, phê bình thực hành và phê bình lí thuyết. Phê bình đương đại còn thể hiện qua sự đa dạng ở góc nhìn, để đánh giá hay/ dở của tác phẩm, các diễn dịch văn bản khác nhau hay sự phát hiện cái đẹp, cái mới của tác phẩm,…

Như vậy về hình thức, 4 loại phê bình đã được các nhà lí thuyết xác lập là: phê bình báo chí, phê bình học thuật, phê bình thực hành và phê bình lí thuyết (Xem thêm: Nguyễn Hưng Quốc, Mấy vấn đề phê bình và lí thuyết văn học, NXB Văn Mới, Hoa Kì, 2007, tr. 89-92).

 

Chuyện “nói lại” này tuy nhỏ nhưng cần thiết, là vậy./.

 

Sài Gòn, 21-1-2010.

 

Inrasara
Số lần đọc: 2983
Ngày đăng: 24.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thế Mạc – nhà thơ ẩn khuất miền đá ong xứ Đoài - Dương Kiều Minh
Tâm thức "trôi" trong thơ Văn Cao - Trần Hoài Anh
Cấu trúc ngôn ngữ và hình ảnh trong tập thơ và đột nhiên gió thổi của Mai Văn Phấn - Đào Duy Hiệp
Tiêu đình và tập truyện mộng du giữa ngày - Huỳnh Minh Tâm
Sẻ chia với Hạ Giang qua Lời chim non - Nguyễn Tam Phù Sa
Đọc lại Kỷ Vật cho em (*) - Nguyễn Lệ Uyên
Tâm sự trái tim - Bùi Công Thuấn
Bàn tay ấm giọt sương đông - Lâm Xuân Vi
Gặp miền ký ức trong ra ngoài ngàn năm của Trương Nam Hương - Huệ Triệu
Lang thang... Quán (*) - Nguyễn Lệ Uyên
Cùng một tác giả
Hành trình Katê (dân tộc học)
Muộn (thơ)
Tạ ơn (thơ)
La cà tết kinh (tạp văn)