Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.072
123.233.895
 
Gặp Nhà Văn Phó Mộc Lương Văn Chi cùng Những Truyện Ngắn ấn Tượng của Anh
Nguyễn Long Khánh

Tôi biết Thiện, con trai Lương Văn Chi: một chàng trai khôi ngô, cao lớn 33 tuổi làm đại lý hãng Sơn, chỉ huy mấy tay thợ trẻ chuyên sơn các công trình, Xí nghiệp, nhà ở... Tình cờ, tốp thợ của Thiện sơn nhà tôi trong dịp đón Tết, nhân chuyện lan man lúc ngồi uống nước, biết tôi làm văn chương, điện ảnh, Thiện khoe:

- Bố cháu viết văn lâu lắm rồi, nhưng viết khó nhọc lắm. Hơn hai chục năm đâu được 15, 16 truyện ngắn. Có khi 4-5 năm bố cháu bỏ viết, tưởng nghỉ hẳn... rồi lại viết.

Tôi ngạc nhiên hỏi Thiện:

- Thế bố cháu không viết, nghỉ thì làm gì? Đi du lịch chơi, hay nuôi chim, cá cảnh ?

 

Thiện cười, lắc đầu:

- Bố cháu làm gì có tiền mà chơi những thứ ấy? Bố cháu là thợ mộc, nghỉ làm là gay ngay !

Tôi “à” một tiếng, gật gù, nổi hứng tò mò tìm đọc truyện ngắn của anh – nhà văn phó mộc Lương Văn Chi: người luôn cho rằng văn chương là sự tra tấn, đau đớn, vò xé tâm hồn, một thứ “ma tuý” đặc biệt đã trót dấn thân mắc phải... Nó đeo đẳng, hành hạ suốt cuộc đời, luôn đến rủ rê anh. Bao cảnh đời đau đớn, xót xa của những người chân đất anh gặp, bắt anh cầm bút viết hộ nỗi lòng cay đắng, tuyệt vọng của họ. Anh viết vào những giờ nghỉ hiếm hoi, giữa những cơn sốt vật vã phải nghỉ làm, viết vào những đêm khuya giá rét khi vợ con anh yên giấc. Anh viết khó nhọc, đánh vật từng chữ, từng dòng, đẩy lùi những khoảng trống lạnh người trên trang giấy:  truyện   của anh hệt những tảng nham thạch thô ráp, xù xì, thấm đẫm mồ hôi của người lao động cùng khổ, như “nhát búa chí mạng khắc vào hồn phố” (thơ Thanh Tùng), mang nỗi đau thiêng liêng của phe nước mắt, vặn xé tâm can lần lượt ra đời. Truyện ngắn đầu tiên “Chuyện một người bạn cũ” được đăng trên tạp chí Cửa biển 1982, rồi đến Hy râu (1984), Một ngày kiếm việc, Những điều mới lạ (1985) Chuyến xe đêm, Con trai tôi, Ở Quãng đường vòng, Phong bì trắng (từ năm 1992 – 1995). Có đến 5-6 năm anh bỏ viết vì gia đình khó khăn quá. Từ năm 2001 anh viết lại ngoài một số bài bình luận thơ văn, truyện truyền thanh, có các truyện ngắn: Cún con, Khẩu phục, Kịch độc (2008)... Các truyện ngắn của Lương Văn Chi in ở các báo, tạp chí Trung ương và địa phương để lại ấn tượng đặc biệt đối với người đọc. Người ta tìm thấy những nhân vật đời thường bất hạnh, đau khổ, cùng cực nhưng vẫn đấu tranh không mệt mỏi muốn vươn lên trong các truyện ngắn của anh. Các mạng Văn chương Việt .org, Việt Nam thư quán trong mục truyện ngắn đã đăng tải 5-6 truyện ngắn của anh, hẳn một mục tác giả: Lương Văn Chi trân trọng, đàng hoàng ...

 

Lương Văn Chi sinh ngày 23/10/1955 tại làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, Nam Định. Quê nội anh ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Dòng họ anh không có người làm văn chương, có lẽ anh là người duy nhất. Anh xuất thân từ gia đình lao động nghèo, vất vả từ tấm bé. Năm 1958 từ Nam Định, gia đình anh ra sống ở Hải Phòng. Bố làm thợ cắt tóc, mẹ nội trợ, nhà có 6 anh em. Năm học cấp 3, thấy gia đình nghèo khó, anh liền nghỉ học xin đi làm giúp cha mẹ, bất chấp lời can ngăn của gia đình, thầy cô giáo , bè bạn (Đặc biệt là thầy Nguyễn Văn Lộc (hiệu trưởng trường cấp 3 Phan Chu Trinh ở Hải Phòng) bởi thầy thấy Chi có khả năng văn học phát lộ từ sớm, có những bài thơ, văn, truyện ngắn hay được bạn bè truyền đọc, thích thú (có những người bạn học sau 40 năm gặp lại Chi vẫn còn nhớ những bài thơ, văn của Chi).

 

Cả thời niên thiếu, Lương Văn Chi sơ tán sống ở đất Đại Bản, huyện An Hải. Anh làm tất cả công việc của một trẻ em  nông thôn: cất vó tép, đánh dậm, giấm lờ, tát cá, đi mót củi dọc triền sông Vân Dương. Nghề đánh dậm kéo dài tận năm Chi 35 tuổi (khi đã có vợ con là công nhân Nhà nước) anh vẫn đánh dậm ở bờ sông Cần Quay, ở những ao, vũng trong phường Trại Chuối... mỗi lúc nhà cơ nhỡ. Năm 1973 Chi học nghề rồi làm công nhân ở xí nghiệp gỗ 6/1 Hải Phòng. 18 năm làm thợ máy chế biến gỗ rồi thợ mộc, Chi không làm một chức vụ gì cho đến tháng 10/1989 anh về nghỉ chế độ một cục...  làm thợ mộc tự do cho đến nay.

 

Lương Văn Chi viết từ năm 1982, các truyện ngắn đầu tay được in ở tạp chí Cửa Biển Hải Phòng. Năm 1984 truyện ngắn “Hy râu” đăng tải ở một vài tạp chí, được giới văn nghệ thành phố đánh giá cao. Chính truyện ngắn Hy râu đã làm anh lao đao với bộ phận quản lý văn hoá thành phố người ta đặt câu hỏi: “Sao anh lại xây dựng nhân vật Hy Râu chỉ vì tính ngay thẳng, cục cằn mà bị nghỉ việc?”... Đã thế còn bôi bẩn mặt mày, hoá trang thành kẻ xấu để trà trộn vào những kẻ lang thang, du thủ, du thực kiếm việc làm? Nếu lãnh đạo nhà máy không cứu vớt, người công nhân Hy râu sẽ đi đến đâu? Sa ngã đến mức nào?... Rất may cho anh nhân vật Hy râu đã được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt, nhiều người tìm thấy sự vất vả, đau đớn, giằng xé ở tính cách Hy râu và họ bênh vực , giúp anh thoát nạn (Hơn nữa, đài PT Hải Phòng hồi đó anh Tô Hoàng Vũ còn làm phó phòng biên tập thường phát những truyện truyền thanh và bài viết về thơ văn của Chi nên anh được yên ổn...).

 

Năm 1985, Lương Văn Chi được kết nạp vào Hội VHNT Hải Phòng. Năm 1988 anh được Hội văn nghệ cử đi học trường viết văn Nguyễn Du khoá I cùng nhà thơ Dư Thi Hoàn. Nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, con còn nhỏ, vợ chồng thất nghiệp, khoá học lại không có học bổng nên mê văn chương đến mấy, anh đành bấm bụng thở dài không theo  được.

 

Sau khi nghỉ chế độ một lần, nhà túng quá, có đến 6 năm Lương Văn Chi không cầm bút viết vì “áo cơm ghì xuống đất” như Nam Cao  viết. Anh tập trung làm ông phó mộc chăm chỉ với nghề để vực gia đình thoát cảnh nghèo. Anh tự nhủ “quyết cạch cái nghiệp văn chương ghê gớm ấy”. Nhưng làm sao bỏ được khi văn chương đã ngấm vào máu, vào não  anh? Đến năm 1998 các con  lớn, kinh tế tạm ổn, những  người bạn nghèo khổ ngày ngày vật lộn trong cuộc sống, họ bị dồn đuổi đến tận chân tường, dở khóc, dở cười tìm đến thở than về cảnh đời khốn khổ  mong anh giúp họ viết lại, kể cho mọi người về tất cả sự đau đớn, tuyệt vọng ,cả lời nguyện cầu của họ gửi về thế giới mai sau...Và Lương Văn Chi buộc phải cầm bút viết. Những truyện ngắn của anh hệt những cuốn phim phóng sự ngắn mang hơi thở nóng bỏng cuộc sống đời thường: như nhân vật Lương bị thất nghiệp mệt nhoài, tuyệt vọng trong truyện  “Một ngày kiếm việc”; như anh phu xe Trần mệt mỏi, rã rời, cam chịu trong “Chuyến xe đêm”; như những nhân vật khốn khổ trong gia đình bé Mai: từ cái chết của chú chó cún con, dẫn đến cái chết của người bố đạp xích lô cùng nỗi đau đớn cùng cực của 3 mẹ con bé Mai trong truyện “Cún con” ... Rồi hàng loạt các nhân vật đớn đau, chua xót khác trong các truyện ngắn: Con trai tôi; Ở quãng đường vòng; Ly rượu cuối; Phong bì trắng, Khẩu phục; Kịch đốc... đã để lại ấn tượng đặc biệt với người đọc. Họ tìm thấy ở Lương Văn Chi sự chia sẻ, cảm thông chân thành với tầng lớp dưới đáy xã hội. Anh trở thành nhà văn cơ bắp, ngòi bút đẫm mồ hôi và cả nước mắt – người phản ảnh hiện thực xuất sắc sự cùng khổ tầng lớp thợ thuyền.

 

Lương Văn Chi có một truyện ngắn hài độc đáo, truyện Khẩu phục  nhân vật chính là “tôi” (có lẽ chính anh) mua được mảnh đất lồi lõm, ngập bùn ở ngoại thành, vì nghèo phải bán đi ngôi nhà nhỏ trong ngõ phố. Do thành phố mở mang, làm đường ngang , dọc, bỗng dưng mảnh đất anh mua ở cạnh mặt đường, anh làm được nhà mới trên mảnh đất đó. Ngày liên hoan khánh thành nhà, các quan chức địa phương, họ hàng, bè bạn xúm vào kể lể, bắt anh phải chịu ơn: nào phải ơn từ cơ chế, chính sách của Nhà nước thời mở cửa, ơn cả việc về chế độ 1 cục làm “cái khó ló cái khôn”, ơn uỷ ban phường đã cho phép làm nhà, ơn cái này, ơn cái khác... khiến nhân vật “tôi” dù biết trong bụng chẳng ơn cái gì đã phải hét lên “tôi biết rồi, còn ơn gì nữa kể hết ra, để tôi trả ơn đến chết” rồi “tôi” sùi bọt mép, ngã vật ra như trúng gió. Thật hài hước, chua chát biết chừng nào?

 

Truyện ngắn gần nhất “Kịch độc” của Lương Văn Chi đã làm nhiều người đọc giật mình kinh sợ: nhân vật Thuần – một cô gái quê vì hoàn cảnh xô đẩy để giúp gia đình thoát nghèo phải đi làm bằng cái vốn tự có của mình dưới mác  “công nhân giày da” ở tỉnh. Không may cho cô, ông chú ruột truỵ lạc, tham lam, xấu xa hay đi chơi “phò” lại biết cái “bí mật gớm giếc” của cô. Nhân vụ xô xát vì quyền lợi đất đai với bố cô, bị đứa em trai  cô cầm dao gây thương tích ở tay, ông chú ruột quyết tâm kiện bố, em trai cô ra toà… cho cả lũ vào tù cho biết mặt. Ông bắn tin cho cô cháu gái muốn ông ngừng kiện thì phải nôn ra cho ông 20 triệu đền bù. Nếu không ông sẽ kiện đến cùng và cho cả làng, xã biết cái nghề “cao quý” của cô... Người đọc thót tim, ghê sợ khi đọc 2 nhân vật ông chú và cô cháu mà Lương Văn Chi mô tả. Và thật bất ngờ trước màn “kịch độc” đậm chất xi nê của cô cháu nghĩ ra khi Chi cho cô cháu gái cởi quần áo “khoả thân” nằm “tênh hênh” trên giường mời ông chú ruột “xơi” để được khoản “20 triệu” đền bù? Thật độc đáo, dữ dội biết bao? Chỉ có Lương Văn Chi luôn va đập với đời thường mới nghĩ ra cái kết truyện như thế (truyện ngắn “Kịch độc” đã được đăng trên báo Văn nghệ, tạp chí Sông Hương, tạp chí Cửa biển và một số trang web trên mạng cuối năm 2008).

 

Có điều mừng: các nhân vật khốn khổ trong truyện ngắn của Lương Văn Chi bị xô đẩy vào hoàn cảnh đen tối đến thế nào, ở họ vẫn toát lên tấm lòng yêu thương đồng loại,  niềm hy vọng vào tương lai dù bé nhỏ.

 

Chi kể với tôi: Chi có anh bạn thân làm chức kha khá ở một ban Công an thành phố thỉnh thoảng nhớ đến bạn nghèo, anh hay mời Chi đi ăn nhậu. Khi cao hứng, anh thường giới thiệu bạn mình thật oách: đây là nhà văn Lương Văn Chi viết những truyện ngắn... Ngay lúc ấy, Lương Văn Chi cắt lời ngay: “Xin lỗi các bạn, văn chương gì đâu, tôi viết cho vui ấy mà, còn tôi là thợ mộc tay nghề khá, vị nào có việc xin gọi, tôi có thể chữa từ cái chạn bát cho đến cánh cửa, cầu thang, đóng mới tủ, giường, bàn ghế... ôkê tất !”. Nhờ nói đúng chỗ bạn bè quan tâm nên đủ việc làm…Anh cười bảo thế !

 

Anh tâm sự: “Mình chỉ là gã thợ mộc cơ bắp, áo đẫm mồ hôi với một dúm chữ nghĩa trong đầu. Vậy mà lại dám chơi trội viết văn. Một trò chơi xa xỉ chẳng ra tiền có khi còn hệ lụy tới bản thân. Có điều, gặp những người lao động cùng cảnh ngộ, khổ đau chịu bao thiệt thòi, bất hạnh chẳng biết kêu ai, mình lại phải viết. Thôi thì chẳng biết viết có tới được đến đâu? Mình phải kêu than kể giúp họ vài tiếng, giúp người, âu cũng là giúp mình”.

Anh nói thế, nghĩ thế và cầm bút viết.

 

Đúng lắm ! Phải viết, Lương Văn Chi ạ ! Anh đang làm một việc rất ý nghĩa trong đời. Nhà văn có nhân cách thì thật thiêng liêng, rất đáng trân trọng, nên phải viết và viết hay, nhiều hơn nữa. Mong được đọc tập truyện ngắn đầy đặn tập hợp đủ các truyện anh đã viết, trong ngày rất gần, Chi nhé./.

 

Nguyễn Long Khánh
Số lần đọc: 1940
Ngày đăng: 25.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Alain Robbe- Grillet, Tác Giả Tiểu-Thuyết-Mới - Võ Công Liêm
Nhà thơ FRED MARCHANT đồng điệu, thâm tình - Võ Quê
Xích Điểu – Nhà Báo Lớn , Nhà Thơ Trào Phúng Xuất Sắc 1910 – 2003 (*) - Đoàn Minh Tuấn
Vũ Anh Khanh : Một bài thơ sống mãi với đời - Lê Ngọc Trác
Mừng tuổi người hết lòng với chữ Việt cổ - Nguyễn Khắc Phục
Giới thiệu Tới ngọn hải đăng của Virginia Woolf - Nguyễn Thành Nhân
Joseph Brodsky , Một Đời Vong Quốc - Võ Công Liêm
Krishnamurti tâm thức vô sư - Võ Công Liêm
Têrêxa , Hỡi Thánh nhỏ, Người lớn lắm. - Nguyễn Hữu An
Lý Văn Sâm và hành trình tìm kiếm nhân vật lý tưởng - Bùi Công Thuấn