Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.153
123.225.077
 
Đại gia
Nguyễn Viện

1.

Năm 1975. Trong ba ngày liền, trước khi Long Khánh được giải phóng, hàng ngàn quả pháo đã nã vào tỉnh lỵ nhỏ bé là cửa ngõ của thủ đô miền Nam này. Những quả đạn đại bác 122 ly đầu tiên của quân giải phóng đã rơi vào giữa chợ vào thời điểm đông người nhất. Người chết và bị thương nằm la liệt. Mọi người chạy tán loạn tìm chỗ ẩn nấp. Nhưng chẳng có chỗ nào thực sự an toàn. Từng căn nhà đổ sập.

 

Và khi tiếng bánh sắt của những xe tăng T54 nghiến trên mặt đường hùng hổ tiến vào thành phố, một sư đoàn bộ binh phòng thủ của quân đội miền Nam được tăng cường thêm một lữ đoàn Dù hoảng loạn bỏ chạy. Người dân hoang mang sợ hãi cũng hối hả chạy theo.

 

Một toán quân giải phóng án ngữ ngay dưới chân đèo Mẹ Bồng Con. Dù chạy bộ hay bằng các phương tiện cơ giới, tất cả mọi người đều bị chặn lại. Một số được cho đi, nhưng cũng có những nhóm người bị dẫn vô rừng. Không ai biết số phận của họ sau đó ra sao.

 

2.

Hai ngày sau khi Long Khánh được bình định, hơn ba trăm người còn kẹt lại trong rừng cao su dưới chân đèo, thuộc xã Tân Lập. Tiếng súng vẫn nổ ở phía họ muốn đi tới. Họ không muốn quay lại nên đành phải cắm trại chờ nghe ngóng tình hình. Trong số họ, có một nghĩa quân còn giấu theo cây súng. Và anh ta đã không dằn được lòng khi phát hiện một bộ đội đi lẻ loi. Chỉ bằng một phát duy nhất, anh nghĩa quân đã bắn chết anh bộ đội giải phóng.

 

Tất cả hơn ba trăm người bất kể già trẻ lớn bé bị dồn ra giữa khoảng đất trống. Họ được yêu cầu chỉ mặt kẻ đã bắn chết anh bộ đội. Mọi người khiếp đảm, kêu gào khóc lóc, nhưng không ai khai. Thật sự họ không biết gì để khai.

 

Viên đại uý đại đội trưởng ra lệnh: “Bắn.” Súng nổ. Gần một nửa số người chết gục ngay tại chỗ.

Tất cả những người còn sống bị buộc đứng lên. Tiếng kêu khóc hoảng loạn vang một góc trời. Đàn bà, trẻ con sụp lạy, rên rỉ.

Lần thứ hai, viên đại uý lại ra lệnh: “Bắn. Không để sót một người nào.”

 

3.

Ba mươi năm sau. Thân nhân của những người chết ở xã Tân Lập vẫn làm đám giỗ vào ngày 23 tháng 4, nhưng không một ai đến tận nơi xảy ra cuộc thảm sát để thắp nhang. Ký ức không phải bị quên lãng mà được dấu kín. Một cán bộ được chi tiền để qui tập hài cốt trong khu vực, nhưng anh ta đã dùng xe ủi cào bằng ngôi mộ tập thể của hơn ba trăm thường dân và những ngôi mộ lẻ tẻ của các chiến binh giải phóng khác.

 

Viên đại uý năm xưa đã giải ngũ, ra khỏi đảng và lấy cô gái con một tên tư sản mại bản làm vợ. Hắn trở thành đại gia sau đó ít năm. Người ta gọi hắn là anh Sáu.

 

4.

Đại – thiếu tá biệt kích quân đội Việt Nam Cộng Hoà, sau khi Long Khánh thất thủ, đã chạy một hơi tới Philippines. Ở trại tỵ nạn, người Mỹ hỏi: “Ai tình nguyện đi Phi châu chiến đấu?” Đại đăng ký. Anh được đưa thẳng tới Zimbabwe, tiếp tục đeo lon thiếu tá và hưởng lương theo tiêu chuẩn Mỹ.

 

Những cuộc thảm sát diệt chủng khắp Phi châu không làm Đại lạnh lưng, nhưng anh sởn gai ốc mỗi khi gặp người da vàng nói tiếng Hoa trong khu vực này. Không phải vì sợ. Người Trung Quốc như một nỗi ám ảnh trong cuộc chiến của chính anh, dân tộc anh, mặc dù chưa bao giờ anh chạm trán họ trên chiến trường. Bởi thế, chỉ sau ít năm, từ Zimbabwe đến Sudan, Đại quyết định giải ngũ và xin định cư ở Bắc Cali, Mỹ.

 

Đại mở một tiệm bán rượu và làm đơn bảo lãnh cho vợ con đoàn tụ.

 

5.

Khi đến Mỹ, hai con trai đầu của Đại vào thẳng đại học. Cô gái út vào trung học. Cuộc sống êm đềm cho đến khi cả hai ông con tốt nghiệp ngành kinh tế. Ông em, tên Định muốn học tiếp lấy tiến sĩ. Trong khi ông anh, tên Đức muốn về Việt Nam làm ăn. Đại nói với Đức: “Con chờ bố một thời gian.” Đại mở cho Đức một quán rượu khác trên Lake Tahoe.

 

Đại mua thêm một chiếc xe 16 chỗ. Mỗi cuối tuần, anh chở thuê cho đám sinh viên Việt Nam du học đi chơi. Những câu chuyện về cuộc đời anh làm bọn trẻ mê hoặc, nhất là những câu chuyện ăn chơi liên quan đến những nghệ sĩ nổi tiếng trước kia ở Sài Gòn. Nhưng đối với Thi, cô gái Bắc, học năm cuối ngành tài chánh lại thích nhất câu chuyện về việc anh đã có hai triệu đô vào năm 24 tuổi và làm mất nó như thế nào. Một người lính Fulro trên Dakto, Kontum đã cắt cổ một người Mỹ khi anh này mang tiền lên chi cho bọn phản loạn. Đại và người bạn đã cướp được số tiền đó. Anh xuống Đà Nẵng xài vung vít trong các bar và tìm cách gửi tiền về cho mẹ ở Sài Gòn. Nhưng một em cave đã ngửi được chỗ anh giấu tiền. Và sau đó anh nhận được lá thư cảm ơn của Mặt trận Giải phóng.

 

Thi hỏi anh: “Chú có tiếc không?”

Đại nói: “Tôi chưa phải tiếc một điều gì trong đời. Nhưng tôi sẽ rất tiếc nếu Thi về Việt Nam.”

Thi nói: “Thì thuê nhà cho Thi ở để khỏi tiếc.”

Chuyện nhỏ. Mỗi nửa đêm, Đại mở cửa sau, lén vợ lái xe đến nhà Thi. Đại cũng giấu tất cả bạn bè mối quan hệ không bình thường này.

 

Chiếc răng khểnh, cái lưỡi rám và cách yêu đương nghiến ngấu của Đại làm Thi mê mệt. Nhưng mối tình nặng phần sinh lý này cũng chỉ kéo dài chưa đầy một năm. Thi về nước để điều hành một dự án của ông bố.

Trên chuyến bay của hãng Eva từ San Francisco về Việt Nam, Đức ngồi cạnh Thi.

 

6.

Đức nói: “Tôi rất thích những khu rừng ở Mỹ. Nó luôn cho tôi cái cảm giác bí ẩn cần khám phá nhưng lại không quá nguy hiểm.”

Thi bảo: “Em cũng thích rừng. Đặc biệt thích loại cây ở khu 17 Miles. Đẹp cổ kính như trong cổ tích.”

“Khu đó đã thuộc về người Nhật rồi.” Đức nói.

Thi bảo: “Một ngày nào đó, em sẽ trở lại Mỹ và mua một cánh rừng.”

“Để làm du lịch?” Đức hỏi.

“Không, để nghỉ ngơi.” Thi nói tiếp. “Khó có thể tìm ở Việt Nam một cảm giác bình an như trong những cánh rừng của Mỹ.”

“Ô, tuyệt vời.” Đức tán thành. “Nhưng tôi chưa có khái niệm nghỉ ngơi.”

“Cũng phải thôi.” Thi nói. “Chẳng có lý do gì lại không tận hưởng cuộc sống.”

“Rất giống bố tôi.” Đức nói tự nhiên.

Thi cười: “Tôi nghĩ là tôi biết ông ấy. Và tôi tự hỏi là sao anh không giống ông ấy tí nào vậy?”

“Em biết bố tôi?”

“Có gì lạ đâu. Chuyến bay này do bố anh sắp xếp mà.”

 

7.

Anh Sáu đã giải ngũ sau khi được chuyển công tác về cơ quan thuế. Và anh bị buộc ra khỏi đảng khi quyết định cưới cô gái mà anh đã gặp trong đợt đánh tư sản. Có một chi tiết trong cuộc hôn nhân của anh được giấu kín, đó là sự hàm ơn của gia đình vợ đối với việc anh đã để cho họ tẩu tán tất cả đô la, vàng bạc, nữ trang trong lúc anh được phân công canh gác và kiểm kê nhà cô gái.

 

Bản thân anh được chính quyền chia cho căn nhà đã lấy của gia đình cô gái, sau khi gia đình này bị đuổi đi kinh tế mới.

Anh Sáu tin vào số phận của mình. Anh cũng tin vào số phận của hơn ba trăm người mà anh đã ra lệnh tàn sát. Sự nhân đạo bất ngờ mà anh có được đối với gia đình cô gái chỉ vì anh thấy cô quá đẹp và cũng vì mẹ của cô đã dúi vào túi quần anh mấy lạng vàng.

 

Anh đã hoàn toàn đúng. Sau nhiều năm lưu lạc, cô gái là con chủ cũ của căn nhà anh đang ở quay trở về đề nghị mua lại. Anh nói: “Tôi không bán. Nhưng tôi rất vui lòng đón cô và gia đình về ở với tôi.”

 

8.

Đám cưới của anh Sáu có mặt tất cả bạn bè cùng đơn vị cũ, cũng như những người bạn trong cơ quan thuế của anh hiện tại. Anh không muốn bỏ sót một ai, bởi vì anh biết sẽ đến lúc anh cần đến bạn mình.

 

Với phần góp vốn của gia đình vợ, anh Sáu mở một cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng. Anh đã bắt mạch đúng hướng đi của xã hội và mau chóng phất lên. Người ta đã đi từ thái cực của sự lén lút đến thái cực của sự khoe của. Hệ thống lý thuyết điều hành xã hội mất định hướng. Đó cũng là thời cơ tuyệt vời cho những kẻ cơ hội. Từ thương mại, anh Sáu nhảy vào sản xuất, một thương hiệu gạch bông mang tên Plus do anh làm chủ, tuy không độc chiếm thị trường, nhưng có một thị phần đáng kể, đặc biệt trong các công trình công cộng, anh có ưu thế tuyệt đối, bởi anh biết tận dụng mọi mối quen biết.

 

Triết lý hành động của anh đơn giản. Mình ăn cơm thì cho người khác ăn cháo. Đôi khi cháo ngon hơn cơm, anh chấp nhận chia sẻ như một nguyên tắc. Bởi thế, hoá đơn bán hàng của anh cho các đơn vị nhà nước, sản phẩm loại 2 được kê giá loại 1, khoản chênh lệch anh được hưởng 30%. Môi giới các công trình, anh ăn 10%. Với các đại lý, anh giữ uy tín tuyệt đối và kiểm soát giá bán. Phần khai thuế, anh giao hẳn cho trưởng phòng Thuế thu xếp. Khoản trốn tránh nghĩa vụ được chia 1/3 cho người phụ trách. Chính quyền các cấp đều ít nhiều hưởng bổng lộc của anh. Bởi thế, các dự án trong khu vực ảnh hưởng của anh ít khi tuột khỏi tay anh, nhất là các dự án liên quan đến đất đai. Đôi khi, anh cũng vẽ ra các dự án. Và anh cũng vẽ ra các cuộc đời.

 

9.

Thành phố vào loại đẹp nhất Việt Nam, Đà Lạt cấp cho anh 100 mẫu đất bên hông ngọn núi Lang Biang với điều kiện Sáu phải qui tụ và lập một làng những người Hà Nội nổi tiếng. Đây sẽ là một mô hình dân cư sang trọng tầm cỡ thế giới và sự độc đáo của nó phải mang tính thời đại Hồ Chí Minh. Ai sẽ được chia phần và qui chuẩn sự nổi tiếng như thế nào do anh Sáu toàn quyền quyết định.

 

Vấn đề đầu tiên cần giải quyết là giải phóng mặt bằng. Bằng một quyết định hành chánh, dựa trên qui hoạch của thành phố, chính quyền yêu cầu mọi cư dân trong khu vực phải di dời trong vòng 4 tháng và được đền bù giải toả theo giá đất nông nghiệp.

 

Hơn 200 gia đình mất đất canh tác và không còn chỗ dung thân. Không ai biết số phận của họ sau đó ra sao.

 

Làng những người Hà Nội nổi tiếng được hình thành trên bản vẽ, nói cho công bằng cũng khá đẹp và trong thực tế thì cũng không thể nói là xấu, mặc dầu nó là một quần thể lộn xộn và đầy tính lai tạp, khoe khoang. Người nổi tiếng nhất ở đó tất nhiên là Sáu vì anh được gọi là Già Làng. Nhưng Già Làng chỉ xây khách sạn, một năm anh ở ít ngày. Những cư dân còn lại tuy không được nổi tiếng như chính quyền mong ước, nhưng bản thân họ rất hài lòng, vì họ sống trong làng được gọi là của những người nổi tiếng.

 

10.

Tuy không phải người Hà Nội, nhưng Thi nói giọng Bắc, cô được anh Sáu chia cho một mẫu với một khoản đóng góp tượng trưng bằng 50% giá thị trường. Sự ưu đãi của anh Sáu dành cho Thi không chỉ bởi Thi đẹp, mà bởi cô còn là một cô gái đầy tiềm năng của một lãnh vực kinh doanh mà anh Sáu rất muốn vươn tới, thị trường tài chính. Quan trọng hơn, Thi là con gái của một “nhân vật mà ai cũng muốn bắt quàng làm họ.”

 

Thi xây chùa. Cô nói, kinh doanh niềm tin chắc chắn không lỗ. Cô thuê người trụ trì giỏi bói toán và thuê cả người quản lý nguồn tài chính do sáng kiến “du lịch tâm linh” mang lại. Doanh thu từ chùa của Thi mang lại nhiều hơn khách sạn của anh Sáu.

 

11.

Làm thế nào để kết thân với “nhân vật mà ai cũng muốn bắt quàng làm họ” là mục tiêu lớn nhất của Đức khi quyết định về đầu tư tại Việt Nam. Cũng như anh Sáu, Đức biết rằng luật không bằng lệ, và cũng chẳng có cái lệ nào không có biệt lệ. Chiếc cầu dẫn đến “nhân vật mà ai cũng muốn bắt quàng làm họ” đã nhờ bố anh mà có. Tuy nhiên, anh vẫn phải tự mình tạo ra một mối ràng buộc cần thiết với nhân vật ấy ngoài sự quen biết thông thường trong tính cách gia đình qua Thi.

 

Cơ may hình như lúc nào cũng sẵn sàng đợi anh. Ông đại sứ Mỹ tại Hà Nội mời Đức ăn cơm tối. Ông cho biết có một người bạn ở đại học MIT, người bạn giáo sư này muốn nhờ ông cứu anh con trai đang bị chính quyền Việt Nam bắt giữ vì gây tai nạn chết người. Ông đại sứ không thể ra mặt làm chuyện này, bởi thế hỏi Đức có thể giúp được không?

Đức gọi điện thoại cho mẹ Thi, cho biết sự việc.

Mẹ Thi nói: “Tôi ra điều kiện nhé.”

Đức: “Vâng.”

 

Mẹ Thi: “Tôi cần hai xuất học bổng trọn gói, từ lúc bắt đầu nhập học đến khi tốt nghiệp, tôi nhắc lại là tốt nghiệp đại học MIT. Hết.”

Đức trình bày lại với ông đại sứ. Sau khi gọi điện thoại về Mỹ, quay sang Đức, ông đại sứ bảo: “Nói với bà ấy, được.”

Trong vòng 48 tiếng, anh con trai người Mỹ lái xe gây chết người được hộ tống ra sân bay đi Hồng Kông.

 

12.

Hai xuất học bổng đại học MIT với cam kết tốt nghiệp không biết “nhân vật mà ai cũng muốn bắt quàng làm họ” tặng hay bán lại cho ai. Chỉ biết rằng sau đó một năm, “nhân vật mà ai cũng muốn bắt quàng làm họ” đã trở thành “nhân vật mà ai cũng phải sợ.”

 

Chính vì thế, một hệ thống các nhà hàng và vũ trường mang tên LUK đã lần lượt ra đời ở những vị trí tốt nhất, không những tại Sài Gòn mà cả ở Hà Nội, do Việt kiều tên Đức làm chủ. Không một ai biết cái bí mật thành công của hệ thống LUK nằm ở chỗ 4/10 lợi nhuận được chia cho bà vợ của “nhân vật mà ai cũng phải sợ” mà mệnh phụ phu nhân này không phải bỏ ra một đồng vốn nào.

 

13.

Sự thắng lợi của hệ thống LUK trước hết là công của Đức. Anh có những tính toán của một người biết đo lường nhiệt độ chính trị và tận dụng những mối quan hệ đó. Nhưng để kinh doanh thành công thì phải kể đến linh hồn của nhà này, đó là Định.

 

Tiến sĩ kinh tế của đại học Harvard, nhưng nhờ di truyền dòng máu lang bạt của ông bố, Định theo anh về Việt Nam với tham vọng dựng nên một thương hiệu riêng cho gia đình.

 

Cả hai anh em nhà này đều nhất trí rằng, một xã hội càng thiếu minh bạch, càng tham nhũng thì càng dễ làm ăn. Bởi thế, chiến lược kinh doanh của họ được xúc tiến như sau:

Bước 1: Tìm kiếm sự bảo kê của một nhân vật quan trọng trong chính quyền.

Bước 2: Xây dựng mô hình kinh doanh dành cho đối tượng là giai cấp trung lưu đô thị với mức giá cạnh tranh nhưng vẫn giữ được sự sang trọng.

Bước 3: Bằng mọi giá tìm kiếm những địa điểm tốt nhất dựa trên mối quan hệ với thế lực cầm quyền.

Bước 4: Nhân rộng địa bàn hoạt động.

Không một nhân vật giang hồ, xã hội đen hay đỏ nào dám đến quấy nhiễu khi biết hệ thống LUK do bà vợ “nhân vật mà ai cũng phải sợ” bảo kê.

 

14.

Nhân có bố về Việt Nam chơi, Đức đưa cả gia đình và bố lên Đà Lạt. Họ nghỉ ở khách sạn Bồng Lai của anh Sáu.

 

Định nói với Đức: “Có lẽ đến lúc chúng ta cần có cơ sở ở xứ du lịch này.”

Đức bảo: “Đúng. Tiền sảnh của khách sạn này nên là chỗ bắt đầu chúng ta cắm rễ ở đây.”

Liên là bạn học cũ của Thi thời trung học, trưởng nhóm săn lùng địa điểm, được yêu cầu đến trao đổi với giám đốc khách sạn Bồng Lai.

 

Liên nói với anh Sáu: “LUK muốn thuê cái tiền sảnh và một nửa sân trước của khách sạn. Hy vọng rằng sự góp mặt của nhà hàng LUK sẽ làm tăng thêm sự hấp dẫn của Bồng Lai.”

Anh Sáu nói: “Rất tiếc là chúng tôi không muốn có sự chung đụng của một thương hiệu khác trong giang sơn của mình.”

Liên: “Em nghĩ vấn đề nằm ở chỗ khác.”

Anh Sáu: “Ý cô muốn gì?”

Liên: “Dạ, không phải em muốn, nhưng sếp em muốn.”

Anh Sáu: “Cô về nói với sếp, tôi không thích chơi với Việt kiều.”

Liên: “Thưa anh Sáu, em có một sếp khác.”

Anh Sáu: “Sếp nào cũng thế thôi. Phiền cô nhé.”

Liên: “Anh nghe em nói rồi hãy đi cũng chưa muộn. Sếp em là “nhân vật mà ai cũng phải sợ.”

Anh Sáu: “Thật không?”

Liên: “Tin em đi. Anh sẽ không thiệt thòi.”

 

15.

Thật bất ngờ, anh Sáu nhận được lời mời đến gặp “nhân vật mà ai cũng phải sợ.” Ông ta cho biết mục đích: “Chúng tôi muốn tạo cơ hội cho anh.”

Anh Sáu: “Vâng, em xin thỉnh giáo.”

 

Ông ta: “Chúng tôi muốn anh có mối giao hảo với gia đình nhà LUK. Anh sẽ đi du lịch Mỹ cùng với ông Đại, bố của Đức. Cứ ăn chơi thoải mái. Và bằng cách nào đó, qua ông Đại, anh tổ chức mua giùm chúng tôi một số thiết bị an ninh viễn thông. Theo chỗ chúng tôi biết, ông Đại có mối quan hệ với các tổ chức tuyển mộ lính đánh thuê ở Mỹ. Danh mục cần mua sẽ được thông báo sau.”

 

Anh Sáu: “Thưa anh, chuyện này ngoài chuyên môn của em.”

Ông ta: “Chính vì nó ngoài chuyên môn của anh, chúng tôi mới cần anh. Vấn đề kỹ thuật sẽ có người phụ anh. Hãy làm như một người lính. Và giữ bí mật, kể cả cuộc gặp tôi.”

Anh Sáu cảm thấy không có đường rút lui.

 

16.

Cùng vào thời điểm đó, Thi thành lập một công ty mới chuyên kinh doanh vật tư viễn thông.

 

17.

Đại được anh Sáu mời đi Nha Trang xem thi hoa hậu. Đại phát biểu: “Gái Việt Nam càng ngày càng đẹp. Nếu xã hội Việt Nam cũng phát triển được như thế thì hay nhỉ.”

Anh Sáu: “Chuyện gì cũng phải có thời gian. Được tới đâu chúng ta hưởng tới đó.”

Đại: “Vấn đề là người dân có được hưởng không?”

Anh Sáu: “Người dân thì không chắc, nhưng với anh thì được.”

Đại chợt hiểu ý anh Sáu, tuy nhiên vẫn còn ngờ vực: “Các em danh giá thế thì chắc khó.”

Anh Sáu: “Nếu anh muốn, mọi chuyện tôi lo, trừ hoa hậu ra, anh chọn ai cũng được.”

Đại cười: “Nếu tôi chỉ thích hoa hậu thôi thì sao?”

Anh Sáu: “Khó hơn một chút. Nhưng không phải là không thể.”

Đại lại cười: “Sau đó thì sao?”

Anh Sáu: “Chẳng sao cả. Tôi với anh là bạn.”

Đại hỏi tiếp: “Anh chờ đợi gì ở tôi?”

Anh Sáu: “Chỉ mong được là bạn anh.”

Sau đêm đó, họ hẹn nhau ở Đà Lạt. Ba ngày sau, khi Đại đến khách sạn Bồng Lai, cô hoa hậu đã đợi anh sẵn trong phòng.

 

18.

Đại hỏi cô hoa hậu: “Em mất trinh từ khi nào?”

Hoa hậu: “Đêm sinh nhật 16.”

Đại: “Cho bồ hay bị hiếp?”

Hoa hậu: “Chính xác là bán.”

Đại: “Và tiếp tục bán đến bây giờ?”

Hoa hậu: “Dạ, nhưng chỉ khi nào cần tiền thôi.”

Đại: “Chúc mừng em có code giá mới.”

Cô hoa hậu làm tình như thợ.

 

19.

Đại gặp Thi trong bữa ăn sáng tại khách sạn.

Đại hỏi: “Em lên đây lâu chưa?”

Thi: “Chiều hôm qua. Còn anh?”

Đại: “Cũng hôm qua.”

Thi: “Anh đi một mình?”

Đại: “Em lên phòng anh nhé. Lâu quá rồi...”

Thi: “Cũng được.”

Đại: “Chồng con em thế nào?”

Thi: “Không có vấn đề gì.”

Đại: “Còn đám bạn sinh viên của em hồi đó có về Việt Nam hết không?”

Thi: “Nói chung, chỉ những đứa có tiền và thế lực như em mới về. Còn những đứa nghèo thì nó ở lại để thay đổi cuộc đời.”

Trong phòng của Đại, họ cùng cố tìm lại những cảm giác cũ.

 

20.

Quê hương, đồng nghĩa với những cô gái Việt mà Đại có thể dẫn vào khách sạn. Bởi thế, khi anh Sáu hỏi:

“Anh nghĩ gì về quê hương?”

Đại chỉ cười: “Có lẽ cũng tuỳ thời điểm. Với tôi bây giờ, quê hương chỉ là những vùng địa lý trên thân thể phụ nữ, là những cảm xúc mà tôi có thể cưỡi lên chúng.”

Anh Sáu: “Nhưng nếu cần làm một điều gì đó cho quê hương thì anh vẫn sẵn sàng chứ?”

Đại: “Nếu điều đó cho tôi một cảm xúc chân thật.”

Anh Sáu: “Có lẽ anh nói đúng. Thật ra, quê hương không chỉ là một nơi mà ta có cha mẹ, anh em, bạn bè hoặc một người thân thương ở đó.”

Đại: “Nó cũng là nơi mà ta có quyền lợi.”

Anh Sáu: “Vậy thì, nó cũng là nơi ta có trách nhiệm.”

Đại: “Trách nhiệm là một điều sáo rỗng. Tôi đã từng cầm súng để bảo vệ một phía khác của quê hương như anh, và tôi cũng từng cầm súng đánh thuê như một người vô tổ quốc. Và tôi thấy, vấn đề của con người ở bất cứ đâu là các điều kiện.”

Anh Sáu: “Tôi thích sự sòng phẳng của anh.”

 

21.

Đêm Noel, vũ trường LUK đông nghẹt. Mùi rượu, khói thuốc, son phấn và nước hoa các loại cùng với âm thanh cường độ mạnh làm cho bầu không khí bị dồn ép quánh đặc. Đức thoáng thấy bóng của Hoàng-Đôla. Anh mỉm cười. Thằng nhóc này là một trong số các công tử đang làm giàu cho Đức. Không mấy đêm vắng mặt bọn nó. Đức ghé đến quầy tính tiền, anh liếc qua phiếu ghi của bàn Hoàng-Đôla, gần mười ngàn đô tiền rượu. Gấp năm ngày thường. Đức nói với quản lý: “Mang thêm cho Hoàng-Đôla một chai rượu, nói tôi tặng.”

Tổng doanh thu đêm đó của riêng vũ trường LUK, Đức thu được gần 200 ngàn đô.

Ba ngày sau, Liên xin phép được gặp sếp.

Liên nói: “Anh Hoàng gửi lời cám ơn anh.”

Đức: “Có gì đâu.”

Liên: “Anh Hoàng cũng nhờ em nói với anh, anh ấy muốn mua lại hệ thống LUK.”

Đức: “Cô nói sao?”

Liên: “Anh Hoàng muốn mua lại toàn bộ nhà hàng, vũ trường của LUK.”

Đức: “Hoàng nói với cô từ bao giờ?”

Liên: “Dạ, mới sáng nay. Anh ấy bảo anh cho một cái hẹn để gặp.”

Đức: “Tôi chưa bao giờ có ý định sẽ bán LUK.”

Liên: “Anh Hoàng bảo anh nên thu xếp.”

 

22.

Đức đến gặp bà vợ của “nhân vật mà ai cũng phải sợ.”

Đức: “Hoàng–Đôla bắn tiếng cho em rằng nó muốn mua lại toàn bộ LUK.”

Bà ta: “Tôi biết chuyện đó.”

Đức giật mình: “Nó đã gặp chị?”

Bà ta: “Phải. Nó đề nghị chia cho tôi sáu phần mười.”

Đức nhẫn nhịn: “Em xin lỗi chị. Để em tính lại, từ tháng tới em sẽ biếu chị theo tỉ lệ mới.”

Ra đường, Đức văng tục: “Địt mẹ con đĩ chó.”

 

23.

“Con đĩ chó” có bộ mặt béo phị như lợn nhưng khôn lanh như cáo. Bà gọi Hoàng–Đôla đến, bảo: “Có bốn chục ký hêrôin đã được đánh tráo trong kho tang vật của cơ quan an ninh và cần phải tái xuất. Cậu lo giùm việc này nhé.”

Hoàng: “Phần em bao nhiêu?”

Bà ta: “Tuỳ cậu.”

Hoàng: “Ba mươi phần trăm.”

Bà ta: “Cậu đánh giá mình hơi cao đấy.”

Hoàng: “Thôi chị cho xin hai mươi. Dưới mức đó em rút lui.”

Bà ta: “Được rồi. Tôi sẽ cho người hộ tống cậu qua cửa khẩu.”

 

24.

“Con đĩ chó” cho gọi Định.

Bà ta nói: “Tôi đánh giá cao công sức của anh em nhà cậu. Vì thế, tôi muốn có món quà cho cậu.”

 

Định cười cười: “Có đáng gì đâu chị.”

Bà ta: “Đây là một việc tôi luôn ấp ủ, cho đất nước, cho giới trẻ và cũng là cho tôi. Đó là xây dựng một đại học tầm cỡ quốc tế. Tôi nghĩ cậu có thể giúp tôi thực hiện ước mơ này. Vấn đề tiền bạc, tôi nói luôn, cậu không phải bận tâm. Tất cả do tôi đầu tư và tôi muốn cậu đóng vai trò cố vấn cho tôi cũng như cho nhà trường sau này. Công sức của cậu được tính trị giá 20% cổ phần. Cậu về soạn hợp đồng làm việc rồi mang cho tôi coi. Không cần phải bàn cãi nữa, phải không?”

Định: “Cám ơn chị.”

 

Anh ta nhủ thầm: Con mẹ này không chỉ tham mà còn muốn lưu danh thiên hạ. Định biết, kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục đại học béo bở chẳng thua gì bất động sản.

Bà ta: “Nhân tiện, tôi cũng nhờ cậu về Mỹ tìm kiếm mua giùm tôi một căn nhà, ở Cali nhưng tránh xa cái bọn Little Saigon mắc dịch ra.”

 

25.

Công ty nhập khẩu vật tư viễn thông của Thi chỉ là một văn phòng nhỏ. Nhưng doanh thu của nó không ai kiểm soát được. Tất cả hàng nhập về đều đi thẳng tới các kho của quân đội. Và lợi nhuận của công ty này được chia một phần ba cho anh Sáu.

 

26.

Anh Sáu ít quan tâm đến gái, mặc dù anh vẫn phải thường xuyên chiêu đãi nhân vật này, nhân vật kia cái khoản giải trí tươi mát ấy. Nhưng anh ái mộ Thi cả về tài năng lẫn nhan sắc. Đôi lần anh tỏ tình với Thi, cô chỉ cười bảo: “Anh nên tìm các cô chân dài cho đỡ mệt óc.”

 

Yêu Thi, anh Sáu đột nhiên trở thành thi sĩ. Anh làm thơ và in được hai tập thơ rất đẹp và sang. Tuy nhiên tiền in thơ không tốn kém bằng tiền anh chiêu đãi các nhà báo và bạn bè văn chương khác. Tất nhiên đó chỉ là chuyện nhỏ. Anh muốn được công nhận như một nhà thơ đích thực và muốn được kính trọng như một người có tâm hồn, chứ không phải chỉ là một người có tiền. Càng chính đáng hơn khi anh khẳng định đẳng cấp văn hoá của mình bằng cách sưu tập tranh. Thế nhưng, tranh anh sưu tập đa số lại là hàng đểu. Điều đó không hoàn toàn do lỗi anh ngu dốt, mà một phần bởi các nhà báo chỉ viết được những gì do đám hoạ sĩ lừa đảo cung cấp.

 

Tuy nhiên, đỉnh cao của tình yêu nghệ thuật nơi anh Sáu chính là ở việc anh quyết tâm trở thành hoạ sĩ. Cũng thật đơn giản khi bọn nhà báo đã giúp đưa giá tranh của anh lên như một bậc thày đương đại.

 

27.

Đôi khi tự xét, anh Sáu thấy mình có tất cả, ngoại trừ Thi. Và anh nghĩ, vẫn còn thời gian để thu xếp chuyện đó. /.

 

8.11.2008

 

Nguyễn Viện
Số lần đọc: 2948
Ngày đăng: 25.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những chiều thứ sáu trên chiếc xe buýt số 51 - Nguyễn Thành Nhân
Tết này ba có về không? - Trần Minh Nguyệt
Trò chơi cuối - Bạch Lê Quang
Chuyện tình của thị mầu - Đỗ Ngọc Thạch
Người đàn bà cọp vồ - Dương Phượng Toại
Mùa chim bay đi - Lê Trâm
Phóng sự ảnh - Thiện Phạm
Môn đệ - nghịch tử - Nguyễn Chính
Cây khế vườn xưa - Minh Hương
Vòng xoay - Khôi Vũ
Cùng một tác giả
Thiên tai (truyện ngắn)
Nơi tối tăm (truyện ngắn)
Đại gia (truyện ngắn)
Gió ở lưng (truyện ngắn)
Game Show (truyện ngắn)
Mưa nước bọt (truyện ngắn)
Giữ Chùa Ăn Oản (truyện ngắn)
Lấp lỗ châu mai (truyện ngắn)
Người có công (truyện ngắn)
Người Mất Tích (truyện ngắn)
Ma khúc (thơ)
Ốm vì làm tình (truyện ngắn)
Họa Tiết Của Mùi (truyện ngắn)
Mù Mờ Váy (truyện ngắn)
Bữa Ăn Tối (truyện ngắn)
Chung Quanh Là Biển (truyện ngắn)
Hồi Ức Trong Máu (truyện ngắn)
Quốc Sư (truyện ngắn)
Bữa Ăn Tối (truyện ngắn)