Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.148
123.226.111
 
Lễ Hội Ông Đùng, Bà Đà và Câu Chuyện Nhà Khó Đánh Hổ
Phạm Minh Hoàng

Những câu chuyện về “ông ba mươi” là nỗi ám ảnh và lo sợ của tôi suốt thời thơ ấu. Từ việc chú thím tôi cùng tuổi cọp, nên mỗi độ sóc vọng, dù nhà nghèo khó vẫn bày một mâm cúng có đủ rượu và thịt sống ra sân để tế. Rồi đến những câu chuyện rùng rợn của bà tôi về cọp vàng, cọp xám.... Từ nỗi lo sợ mơ hồ ấy, nên lớn hơn một chút, được nghe đọc chuyện “đả hổ” như Phùng Hưng đánh hổ, “Võ Tòng đả hổ” thì tôi khoái lắm. Khoái đến nỗi, suýt nữa thì tôi nhờ mấy anh thanh niên cùng xóm dùng kim băng và muội đèn xâm cho một hình Võ Tòng lên ngực, giống như nhiều “tay chơi” thuở ấy. May mà ý nghĩ ngông cuồng không được thực hiện, nếu không bây giờ, tôi phải nhiều phen phát ngượng. Nhưng từ đó, tôi cũng bớt sợ hổ hơn. Hóa ra, Hổ chưa phải là vật đáng sợ nhất!

 

Ấy thế mà, chuyện về tích trò đánh hổ ở ngay quê hương tôi thì mãi đến khi tiến sĩ văn hóa Hoàng Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch Hội Văn học- Nghệ thuật Hưng Yên, Tổng biên tập tạp chí Phố Hiến, nói chuyện, tôi mới biết. Câu chuyện dân gian “nửa mùa”, bởi theo nhiều người, đó là một truyền tích dân gian, còn có nhà nghiên cứu thì không đặt nó vào giới thuyết của dòng văn học dân gian, bởi nó đã nằm trong thần tích của làng An Xá... Nhưng mặc họ cãi nhau, tôi lẳng lặng về thôn An Xá (xã An Viên, Tiên Lữ) thực hiện chuyến điền dã.

 

I- Chuyện tình kể lúc hoàng hôn

 

Diễn trình lễ hội An Xá trước nay vẫn được gọi là lễ hội Ông Đùng bà Đà Ngay cái tên gọi này, nhiều cụ già ở An Xá cũng không thích lắm. Theo cụ từ ở đền Đậu An thì trước đây, chẳng có ai gọi lễ hội ở đây như thế cả. Bởi, đền miếu ở An Xá là nơi thờ Ngọc Hoàng thượng đế và Thiên Tiên, Địa Tiên. Theo thần phả, Thiên Tiên là Tây Vương Phụ và Địa Tiên tức Tây Vương Mẫu được Ngọc Hoàng phái xuống phối hợp cùng Ngũ Lão Tiên Ông (là những người đầu tiên đến khai khẩn vùng đất này, lập lên Thụy Ứng quán, hiện cũng được thờ ở làng) dạy dân khai khẩn đất đai, giúp dân tiễu trừ hổ dữ. Chẳng qua là, vào một năm trước Cách mạng Tháng Tám, có một phóng viên của tờ Nam Phong tạp chí hay Đông Pháp Thời báo gì đó về du xuân, thấy trong hội làng có rước hai bức tượng to dị thường, bèn viết phóng lên mặt báo là ông Đùng, bà Đà. Và vì thế, lễ hội ở làng cũng mang tên lễ hội ông Đùng bà Đà từ ấy.

 

Nhưng nhiều người thì lại nghĩ khác và nói khác. Người ta truyền rằng, Thiên Tiên và Địa Tiên vốn là hai chị em sinh đôi, vóc dáng to lớn dị thường, (vì thế gọi là Đùng, Đà) ở trong làng không thể kết duyên với ai. Năm tháng trôi đi, hai chị em đã luống tuổi đành chia tay mỗi người đi theo một cánh rừng, giao hẹn rằng: “Trên đường đi gặp người nào thì kết duyên với người đó”. Họ đi mãi không gặp ai, cuối cùng lại gặp nhau. Coi đây là định mệnh, hai người sống với nhau như vợ chồng. Tiếng đồn đến tai vua, họ bị xử tội loạn luân và đem ra chém để răn dạy mọi người. Ngày giờ chết của họ là ngày thiêng, giờ thiêng nên được dân làng thờ cúng.

 

Theo cố giáo sư Trần Quốc Vượng thì các nhà thần thoại học phương Tây đã đưa ra sơ đồ “thần thoại hồng thủy” khi nhắc đến những câu chuyện về nguồn gốc loài người được truyền tụng lại từ cổ xưa. Đó là sau một trận hồng thủy có duyên cớ hoặc không duyên cớ, loài người đã bị diệt sạch, trên trần gian còn trơ lại hai anh em hay hai chị em, một trai một gái. Tuy cùng máu mủ, họ vẫn không thể không lấy nhau. Và chính bản thân họ, hay con cháu họ, sẽ là những “anh hùng văn hóa” mà những công tích hiển hách là những bước liên tiếp xây dựng cho nhân loại đã tái sinh một nền văn hóa toàn vẹn, với các thế ứng xử muôn đời mẫu mực. Ở nước ta, sơ đồ trên khá phổ biến, có thể tìm thấy trong văn học dân gian của nhiều dân tộc đang cư trú trên đất nước. Ông Đùng, bà Đà là một trong những biểu hiện của mô típ ấy. Thực ra, hiện tượng ông Đùng bà Đà (một hình tượng của tín ngưỡng phồn thực) cũng xuất hiện ở nhiều nơi, nhiều dân tộc, như ở một số thôn, xã thuộc tỉnh Thái Bình hay trong truyền thuyết dân gian Mường của tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ... Ở làng An Xá, sau này nó được gắn với đạo Giáo và huyền thoại thành Thiên Tiên, Địa Tiên như thần phả đã ghi.

 

Giải ảo một truyền thuyết, một lễ hội quả là một việc khó, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu của nhiều nhà khoa học. Vì thế, xin độc giả đại xá cho người viết không bàn thêm, chỉ dám chép ra đây chuyện “đả hổ” đậm chất “tiếu ngạo giang hồ” ở lễ hội này.

 

II- “Ông cả, bà lớn đi đâu” ?

 

Các cụ nhà ta quả là hài hước khi dựng lên tích trò đánh hổ trong diễn trình các nghi lễ trang trọng, nghiêm cẩn và huyền thoại ở lễ hội làng An Xá. Và càng “tiếu ngạo giang hồ” hơn khi người ta soi vào những nhân vật “đả hổ” vẫn truyền tụng như “đại hiệp Võ Tòng” phải uống bài chục bát rượu “ba chén không qua núi” dưới chân đồi Cảnh Dương mới ra tay đả hổ được, thì ở cái xóm nghèo hẻo lánh ở vùng trung tâm đồng bằng Bắc Bộ này, việc ấy lại do một người phụ nữ. Đúng là “anh hùng đâu cứ phải mày râu” và chuyện hiệp nghĩa đâu cứ phải là đấng tu mi nam tử...

 

Ở lễ hội này, có hai lần đánh hổ, nhưng trận đánh hổ con đêm giã hội (12 giờ đêm ngày 12 tháng Tư âm lịch) chỉ là giả tưởng với tiếng hổ con gầm rú. Trận chiến đầu tiên đánh hổ mẹ mới thực sự thu hút du khách. Trong khi đám rước Ngọc Hoàng qua các đình các thôn trong làng An Xá và đến đình thôn Vô, một ông già đội nón mê, quần áo nhếch nhác đi từ miếu Đống Câu ra lễ tại đình Vô, sau đó đi ra ao câu ếch, hát lên rằng:

 

Người ta câu bể câu sông

Nay tôi câu lấy con ông, cháu bà.

Có chồng thì nhả mồi ra

Không chồng thì hãy lân la đến gần

 

Sau một hồi thả mồi câu, chẳng được con nào, ông bèn ngồi xuống nói :“Lão giả an chi”. Chợt có tiếng người kêu: “Có hổ dữ” và tiếng chiêng, trống nổi lên. Ông câu ếch chạy lại đình Vô tâu với Đức ông Lỗ Quốc (Đức ông đình Vô). Đức ông Lỗ Quốc bèn phái hai con ngựa hồng, hai lực sĩ chạy ra báo tin với dân làng, sau đó chạy ra tâu trước kiệu Ngọc Hoàng. Lúc này, Tiên Bồng Đô Nguyên Súy cùng hai lực sĩ cầm gậy lạng (cái lạng gẩy rơm) đi từ miếu Tiên Bồng ở cạnh đình Vô ra. Cả ba người đến đình Vô lễ ba vái, nhận nhiệm vụ đi đánh hổ. Ba người tiến đến trước kiệu Ngọc Hoàng lễ ba vái và nói: “Thần là Tiên Bồng Đô Nguyên Súy ra bái kiến Ngọc Hoàng để kết hợp cùng nhân dân diệt trừ hổ ác cứu nhân độ thế”. Sau đó, ba người ra hang hùm gần đó. Hổ dữ với nốt vằn vàng, hung dữ luôn gầm thét. Các lực sĩ đánh mãi chưa thắng, hai người cưỡi ngựa hồng về báo cho dân làng biết. Kịp lúc đó có nhà khó (nhà nghèo) mặc quần áo rách, gánh hai con đi xiêu vẹo đi từ miếu Đống Câu ra đình Vô. Ông từ trông đền mang cơm ra đưa cho mẹ con nhà khó. Mẹ chia cơm cho con, gửi con lại và các đòn gánh, đi ra kiệu Ngọc Hoàng hát rằng:

 

Con là kẻ khó qua đường

Đàn bà đâu nghĩ côn thương làm gì

Thấy dân thống khổ lâm nguy

Vì dân con chẳng tiếc gì tấm thân

 

Bà lùi ra và đi đến tổ hùm than lên ai oán:

 

“Ông cả bà lớn đi đâu

để mẹ con nhà khó đánh nhau với hùm”.

 

Nói đoạn, bà xông vào dùng đòn gánh đánh nhau với hổ. Được ba hiệp Hổ sợ quá, chui vào hang và luồn ra phía sau. Tiên Bồng và các lực sĩ đánh qua ba bờ chín rỗ (bò qua ba bờ ruộng và mỗi lần bị các lực sĩ rỗ gậy vào đầu ba cái) sau đó chặt đầu và lột da hổ đeo lên đầu vác gậy về đình Vô để trình báo đã hoàn thành việc trừ hổ dữ.

 

Theo quan niệm dân gian, các lực sĩ và mẹ con nhà khó phải đuổi được hổ ra khỏi làng thì năm ấy dân làng được mùa, ăn nên làm ra, con gái đẹp ở làng mới được chọn làm cung tần mĩ nữ. Bên cạnh đó, các làng khác phải chặn không cho hổ sang làng mình để tránh điều rủi. Chính vì thế, những buổi hội làng An Xá, đặc biệt là chiều ngày tháng Tư (âm lịch)- thời điểm diễn ra trò diễn đánh hổ, đặc biệt vui nhộn, Nó không chỉ thu hút hầu như tất thảy khách du hội, mà còn khiến cả các thanh niên, trai tráng các làng xung quanh đều phải trông ngóng về An Xá và “đề cao cảnh giác”, sẵn sàng “đả hổ” để ngăn chặn ông ba mươi này “cao hứng” phi vào làng mình.

 

Theo cụ Trần Thoại, Phó trưởng ban Quản lý di tích đền Đậu An, thì tuy trò đánh hổ chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn ngủi, nhưng phải có sự chuẩn bị khá công phu. Năm 1999, sau một thời gian dài gián đoạn, hội làng được phục dựng, các cụ trong làng và những “diễn viên” đã phải mất mấy tháng trời tập luyện. Từ cách đi đứng đến khẩu khí của các nhân vật trong trò diễn như Thiên Bồng đô nguyên súy, lực sĩ, ngựa hồng mao... đều phải chuẩn xác đến từng chi tiết. Đặc biệt là người đóng vai bà mẹ khó và hổ dữ càng phải tập luyện nhiều. Vai diễn bà mẹ khó phải đi đứng khép nép, ý tứ (vì là phụ nữ), nên vừa hài hước, vừa trang trọng. Vai hổ cũng không dễ, bởi dù đã được hóa trang, nhưng “họa hổ họa hình nan họa cốt” nên người đóng phải có những động tác cách điệu rất nhiều để toát lên được cái thần thái của thú dữ.

 

Trò diễn đánh hổ mang đậm chất thiêng thì những vật liên quan trong trò diễn đều trở thành vật thiêng. Dù “hang hùm động rắn” vẫn là chỗ kiêng kỵ, tránh xa trong đời thường, nhưng ở lễ hội này, khi đã chiến thắng mãnh hổ, mọi người ào lên giành giật từng cành si, lá si trang trí tổ hổ. Rồi nhà hiếm muộn thì ôm thốc lấy hai “con nhà khó”, đến quang gánh, nắm cơm cũng không còn... Người ta tin rằng, những vật ấy mang lại điềm lành, mang hạnh phúc cho con người và cho mùa màng tươi tốt. Ngay như chuyện đóng các vai trong trò diễn cũng không phải ai cũng được làm. Phải là người có đức hạnh trong làng, không có điều tiếng gì và có phải chút năng khiếu về biểu diễn. Với mỗi người, được phân công vai diễn tuy mệt và mất nhiều thì giờ tập luyện nhưng đều cảm thấy tự hào và tràn trè hi vọng. Vẫn theo cụ Thoại, trong làng đã có nhiều người đã “cầu được ước thấy” khi đã cống hiến hết mình cho công việc của thôn, giáp phục vụ hội làng. Như vào trước Cách mạng Tháng Tám, ông T. mong mỏi mãi không có mụn con trai, sau một lễ hội được phân công đóng vai hổ dữ, đã sinh quý tử...

 

III- Vọng về từ ký ức

 

Cọp chết để da, người chết để tiếng. Câu chuyện “đả hổ” ấy chẳng biết có thật hay không, chứ nhân vật đánh hổ thì có tên tuổi hẳn hoi. Ngoài những thiên thần, thiên tướng, bà mẹ khó cũng được thần phả ghi là bà An Thị Hằng (có lúc chép là An Thị Liệu) và được thờ ở miếu Chợ An. Ở An Xá, hầu như ai cũng thuộc câu than của bà khi đánh hổ, để mỗi khi có việc gì to lớn, hiểm nguy mà đàn ông con trai hoặc người có trách nhiệm đã “ù té quyền” họ đều hát lên như thế.

 

Dù đã được công nhận là di tích lịch sử, dù lễ hội có nhiều nét đặc trưng riêng rẽ, thế nhưng quần thể di tích đền Đậu An vẫn chưa được toàn vẹn, trong đền, vẫn có mấy lớp học của trường xã, miếu Chợ An đã bị phá từ lâu, chưa có kinh phí và đòi được đất cũ để xây lại... Rồi những nét bản sắc của lễ hội vẫn chưa được phục hồi nguyên vẹn như việc đan tượng ông Đùng, bà Đà, hay lễ rước được tiến hành vào ban đêm, mang đậm nét phồn thực của cư dân nông nghiệp lúa nước... Điều mong ước của các cụ ở An Xá là các cấp chính quyền và ngành văn hóa mau chóng đầu tư để phục dựng, bởi thế hệ người cao tuổi biết hết các chi tiết của lễ hội đang dần ít đi...

*

Trước khi rời An Xá, tôi đi lại một vòng quang các di tích còn lại của làng và dừng lại đền Đậu An. Nơi đây chính là Thụy ứng quán của Ngũ lão tiên ông, những người đầu tiên khai khẩn đất này. Ngôi tháp đất nung chín tầng trước sân được ghi nhận là được tôn tạo từ năm 1667. Dân gian truyền rằng, vào ngày hội, Ngọc hoàng thượng đế sẽ xuống trần gian qua ngôi tháp này. Trong tiếng gió mùa vi vút trên đỉnh tháp, hình như lẫn tiếng hổ thiêng gầm rú, tiếng trống, chiêng của cộng đồng dân cư xua đuổi thú dữ, bảo vệ mùa màng, làng xóm trong sênh sang cờ phướn của một lễ hội phồn thực đặc trưng của một vùng quê đồng bằng Bắc bộ. Và đâu đó, vẫn văng vẳng tiếng than vừa ai oán vừa kiêu dũng của bà mẹ khó:

 

Ông cả bà lớn đi đâu

Để mẹ con nhà khó đánh nhau với hùm..../.

 

Phạm Minh Hoàng
Số lần đọc: 2917
Ngày đăng: 30.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Câu cá còm - nghề chơi cũng lắm công phu - Văn Thành Lê
Bài Chòi Ngày Xuân ở Quảng Nam - Phạm Phù sa
Giai thoại về một bài hát ru xứ Quảng - Phạm Phù sa
Sự tích một bài hát xẩm - Huỳnh Văn Úc
Hò Khoan Xứ Quảng Sắc Xuân Dân Gian Độc Đáo - Phạm Phù sa
Thành ngữ Hán việt, điển tích và thành ngữ điển tích trong ca dao Tây nam bộ - Trần Minh Thương
Cảm nhận câu ca: công anh chăn nghé đã lâu … - Trần Minh Thương
Tiếng cười trong ca dao Tây nam bộ - Trần Minh Thương
Lễ Rước mục đồng làng Phong Lệ - Văn Thành Lê
Tìm hiểu thêm về mối quan hệ giữa truyền thuyết và cổ tích - Võ Phúc Châu