Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.127
123.228.070
 
Vẫn còn tình yêu …
Khổng Ðức

Đây là bản tham luận của J. M Maulpois trình bày trong cuôc hội thảo của  Đại học Triết học Quốc tế (Collège international de Philosophie) vào ngày 28, 29 -1-2000 tại  Ecole Normale supérieure, với chủ đề là “Encore l’amour”.

                                                           

Khổng Đức dịch

Tặng các bạn thanh niên nam nữ nhân dịp Xuân về)

 

Chớ đùa rỡn với những ẩn dụ. Tình yêu có thể sinh ra chỉ từ một ẩn dụ thôi đấy

Milan Kundera

 

Làm sao trình bày một tham luận uyên bác và hợp thời về một chủ đề chỉ dành cho những lời thì thầm tâm sự kín đáo, hay cho tiếng hát lời thơ . Một chủ đề chỉ có giá trị thuộc về một sinh vật có cuộc đời sống động. Một chủ đề rõ ràng chỉ có thể được khảo sát thật sự bằng liên hệ của nó với những tên riêng, những cá nhân đơn lẻ. Làm sao dám nói về tình yêu một cách tổng quát. Căn cứ vào sự hiểu biết nào, hay những thể nghiệm nào? Stendhal từng nhận xét chẳng cần sợ lố bịch để dám thành thực nói về Căn bệnh của tâm hồn có tên gọi Tình yêu”.

 

Tình cảnh thật trớ trêu lạ lùng: Nói về điều mà tôi không biết!..Về điều mà những tri kiến  của tôi có chẳng giúp gì được cho tôi. Về điều ấy tôi viết chắc chắn là dễ dàng hơn nói. Điều ấy đến với tôi bằng câu chữ trong cảnh cô đơn giữa một căn phòng không phải là chốn yêu đương mà chỉ là nơi làm việc. Cái điều ấy, nó thích kết bạn với sách vở. Nó yêu những hình ảnh, những nhịp điệu, những giai điệu. Nó hiện tồn mãnh liệt đến mức, đối với tôi, viết về nó thường rung động hơn chính bản thân sự sống. Cái điều ấy, dù sao đối với tôi vẫn khá đủ bí ẩn để luôn luôn phải vận dụng đến những biểu tượng. Cái điều ấy nó cầu đến thơ ca (giãi bày hộ nó) khi mà trao gửi tâm tình và lời thú nhận không làm nên chuyện...

 

Sợ nói không thỏa đáng: quá nhạt nhẽo hay quá lên gân cường điệu. Sợ  tuôn ra những lời sáo rỗng. Sợ nói ra làm đau khổ con tim. Sợ biến thành thằng ngốc. Sợ không biết yêu sao cho giản dị...: Có lẽ đó chính là lúc người ta bắt đầu viết (lách). Trong cái cố gắng ấy người ta lặng lẽ đến gần những lời mà nếu nói thẳng ra thì quá vụng về kém cỏi. Trong cái cách ấy người ta hướng về trang giấy để khỏi hướng tới đôi tai. Và như vậy nói với mọi người cái điều mà ta không biết nói với chỉ riêng một người. Viết luôn luôn hy vọng đưa vào ngôn ngữ những cái mà cuộc đời thật chối từ. Tình yêu bị tước đoạt, giống như nó tuột ra và thoát đi. Giống như nó bỏ mặc chúng ta hoang vu. Không một tiếng kêu. Những mộng mơ và ước muốn. Vì nó được bao bọc trong tất cả những gì mà chúng ta thiếu. Và như vậy đó, mặc dầu chúng ta có thể được vây bọc trong trìu mến.

 

Tôi chẳng tin chút nào rằng thi sĩ có năng khiếu về tình yêu: chính vì thế mà anh ta nói quá nhiều về nó. Như vậy Rilke sẵn lòng phó thác cho người tình cái đặc quyền yêu và đặc quyền tả tình yêu “từ đầu đến cuối, không cường điệu thổi phồng cũng không hững hờ nhạt nhẽo”. Về phần mình người đàn ông “chỉ chạm đến phần nông nổi nhất của bản thân” và tạo ra quanh mình cả đống những quanh co lắt léo. Và Rilke thêm:

 

Nghệ thuật biết quá rõ những giới hạn eo hẹp của nó, ở Dante chuyện khó chịu này đã lên đến cực điểm, nên ông đành phải tự hài lòng tạo ra xung quanh tình yêu cái đường vòng hoành tráng bằng thế giới thi ca mênh mông của ông.”

 

Tôi không hề có ý định kết luận về vấn đề này và phản đối một cách giản đơn cách hiểu của ông về tình yêu, về đàn ông đàn bà muốn xáp lại gần nhau... Tốt hơn nên nhắc lại rằng nói về tình yêu là việc khó...Rằng sống tình yêu còn khó hơn. Và rằng trong chuyện ấy thi sĩ chiếm một vị trí lạ lùng, vì cả sống và nói đều lóng ngóng, anh ta viết, hăng hái đến mưc reo lên theo gương Mallarmé: “Với tôi, Thơ ca chiếm giữ vị trí của tình yêu”

Tuy nhiên, tình yêu chính là “bầu không khí của số phận”. Cái bầu không khí của số phận chúng ta, mà chúng ta không có quyền làm chủ. Nó gò bó những ham muốn của chúng ta, cũng như cản trở cái mà Rilke gọi là “dấn thân vào nhục cảm”. Nó cấm ... nhắm mắt trên những người những vật vây quanh nó. Vậy nếu tình yêu chính là “bầu không khí của số phận”, thì nó không tránh khỏi ký nhận sự ngu dốt của chúng ta, và một cách lý tưởng làm thành nhiệm vụ của chúng ta. Bổn phận của chúng ta. Nhưng một cach lý tưởng qua nó chúng ta biết phải bao lâu cái chương trình này mới được thực hiện đầy đủ, phải bao nhiêu hận thù và bạo tàn mới khiến tình yêu thất bại. Cái này chỉ có thể ‘vẫn còn’ theo cách một chân trời mà người ta vẫn còn hướng đến, hay cái cách mà ngọn lửa ẩn giấu bên trong, được người ta thao thức chăm sóc giữ gìn như thức canh như bên đầu giường người hấp hối. Tình yêu đồng thời vừa rất xa chúng ta – đó là một từ nói lên sự xa rời vĩnh viễn – lại vừa len vào tận đáy lòng chúng ta –  đó là một từ nói lên tình thân tha thiết nhất. Tình yêu, ấy là cái mà chúng ta có một ý niệm về nó, ý niệm này khắc sâu vào chúng ta như vết thương từ ngày tháng xa xưa, một ý niệm mà chúng ta cảm thấy rất rõ là nó khát khao có một dáng hình. Một ý niệm gắng sức đi tìm những hành vi những cử chỉ của nó. Một ý niệm (nhưng sôi động như thế có thật là một ý niệm không nhỉ? Có lẽ là một bản năng, một mối ưu tư chăng?) đến mức mà dù sao nó cũng ra lệnh cho chúng ta hòa hợp cái xa xôi với cái gần gũi. Một ý niệm, không lý tưởng hóa, không siêu cảm giác, mà sẽ là tâm điểm của chúng ta, nó chính là nhục cảm của chúng ta, và bằng cái đó nó bắt buộc chúng ta phải đứng ở khoảng giữa, tức là nó hướng chúng ta xuống trần gian này, nó khiến chúng ta chú ý vào cái thế giới này - cái thế giới của chúng ta, cũng như vào cái thế giới khác đang kêu gọi chúng ta - cái thế giới mà chúng ta thèm muốn. Theo nghĩa ấy, tình yêu giữ cho ta sống còn, khiến ta tự do, và giằng xé chúng ta. Tình yêu là cái gạch nối nối liền sinh-tử của chúng ta.

 

Gần như thế, tình yêu là danh xưng cao quý nhất của những nghịch lý của chúng ta, những mâu thuẫn của chúng ta. Về cái này văn chương từ thời xa xưa đã tẽ ra những phản đề và nghịch dụ: Tình yêu là “cơn thịnh nộ – dịu êm ”, điều độ và vô độ, cái đói và thức ăn, được và mất, chiếm hữu và tước đọat...Tình yêu làm nên những gương mặt, hình hài. Nó nói bằng lối vắn tắt và vòng vo, bởi vì nó là tên của cái lõi ẩn ngữ mà quanh đó cuộc sống của chúng ta được dựng nên, và của lối ra mà chúng ta cầu mong như cầu mong sự thoát nạn. Tình yêu cùng một lúc nói cái điều làm chúng ta hiểu biết và làm mất đi hiểu biết của chúng ta. Cái nâng chúng ta lên cao và hạ chúng ta xuống thấp. Cái kiềm chế chúng ta và hiện ra trước mắt chúng ta như là cơ hội giải thoát duy nhất. Tình yêu giữ chúng ta trên đỉnh ngọn của bản thân chúng ta. Tình yêu bắt chúng ta chịu đựng cho đến cả những mất mát và khổ đau, thời hiện đại của chúng ta. Tình yêu là cái ý niệm buộc phải thành vật thể. Bởi vậy chẳng phải là chuyện không quan trọng, khi cùng một  từ vừa có nghĩa là cái giữ chúng ta lại và cái mang chúng ta đi, cái tách chúng ta ra và buộc chúng ta lại. Ngoại trừ bọn trẻ yêu nhau, tình yêu không bao giờ là một từ đơn giản. Tình  yêu là một từ phải học tập :

 

Thuở nhỏ tôi nói tôi yêu em hàng trăm lần trắng trợn,

Đấy là cách tôi tập luyện để đến lúc sẽ phải nói

một lần thật sự.

 

Thành thử nói “ vẫn còn  tình yêu” là nói tình yêu một cách đơn giản. Và đó là chối từ tự giải thoát khỏi sự phức tạp. Tức là thà quyết định đi vào nơi tuyết lở. Ở giữa sự rối mù. Chấp nhận ở lại nơi đang ở. Ở giữa thời hiện tại, nơi mà tương lai đòi chúng ta, nơi mà quá khứ tìm thấy lại chúng ta. Ở đó  nỗi khổ đau, niềm vui sướng, sự yếu đuối và sức mạnh của chúng ta trộn lẫn với nhau. Ở đó toàn thế giới xuyên qua chúng ta. Ở đó  bài thơ được tạo thành. Ở đó chỉ có thơ ca là có thể được giữ lại và nói lên tất cả những điều trái ngược nhau này:

 

Tôi sống, tôi chết, tôi tự thiêu  tự dầm mình trong nước

Tôi nóng cùng cực bằng cách cố chịu cơn lạnh buốt

Cuộc đời làm cho tôi mềm nhũn và cứng ngắc

Tôi có những  nỗi buồn lớn xen lẫn với niềm vui.

 

Thình lình tôi cười rồi tôi khóc

Trong vui sướng, tôi chịu đựng nhiều nỗi đau đớn dày

Của cải của tôi đội nón ra đi, và nó  cứ còn mãi mãi

Tôi khô héo rồi đột ngột tôi tươi tỉnh.

 

Như vậy đấy, chẳng kiên trì Tình yêu dẫn tôi đi

Và khi tôi nghĩ tôi có quá nhiều đau khổ

Chẳng cần nghĩ ngợi gì đau khổ ở ngoài tôi

 

Thế rồi khi tôi tin niềm vui của tôi là có thực

Và đang ngất ngây với vận may mong ước

Lại hiện về trong tôi nỗi bất hạnh đầu tiên.

 

Vẫn còn tình yêu...vậy tôi không coi công thức này là một sự đáp trả đe dọa của một triệu chứng hao mòn, hay giả thiết về tiêu tan, mà trái lại, tôi coi nó là sự khẳng định rằng tình yêu là cái gì đang trở lại, chắc chắn rằng nó đang tha thiết van nài, vùng vẫy giãy giụa, lầm lạc hay tỉnh ngộ, và mời gọi bắt đầu lại và nói lại lần nữa, dai dẳng và không bao giờ hết.

Như vậy chẳng có gì đáng ngạc nhiên rằng cái từ này thuộc số những từ mà với chúng có những khuynh hướng nào đó trong ngôn ngữ cứ tiếp tục một cách ngoan cố. Là thuộc số những từ mang lại mầu sắc cho âm thanh bằng những giai điệu du dương. Đôi khi bằng đường mật. Những từ  bắt bạn mở miệng ra hay ngậm miệng vào theo hình thức của chúng. Những từ làm cho ngôn ngữ có giọng thầm thì: âme, mer, amer, tu m’aimes? (tâm hồn, biển, đắng cay, em yêu tôi?). Những từ mà cái miệng thử uống chúng như uống ở suối nguồn hay bầu vú.

Thật ra cái từ này đã đào một cái giếng trong ngôn ngữ. Nó không bao giờ cạn như cơn khát đến uống ở đó mỗi lần phát âm nó lên. Từ này nói chính cơn khát.  Nó là ngọn lửa nóng làm tăng thêm cơn khát, đồng thời là nước giải cơn khát ấy. Ở chõ này, tình yêu giống thơ ca. Nó chỉ dịu đi khi đã nồng. Nó chỉ lấp đi cái mà nó đã đào. Uống nước ở cái giếng ấy làm gì, nếu chẳng phải là để tự thỏa mãn cơn khát riêng? Mọi kẻ đang yêu khi cúi xuống gương mặt của bạn tình thì đều biết rằng y đang uống ở đó cái làm cho y sôi sục. Vì gương mặt này là dáng đẹp của cơn khát của chính y, gương mặt này là gương mặt của người khác, và y chỉ có thể ngảnh về phía gương mặt này. Tình yêu khát và uống, giống như thơ ca tạo hình và làm biến dạng.

 

Từ Tình yêu ( dù nó là đối tượng mà người ta hướng vào) chỉ cái gì? Nếu không phải là nỗi niềm sâu kín nhất  hoàn toàn hướng về và trao cho một người khác. Ở đó nó chỉ tồn tại trong mối liên hệ với một người khác. Ở đó cái riêng tư tự biết mình và tự cảm nghiệm như trong một động tác nó kéo mình ra khỏi bản thân mình. Ở đó cái “tôi” lay động vì một va chạm mới. Tình yêu cũng là lý do khiến chúng ta không lẻ loi đơn độc, nhờ nó chúng ta biết được sự cô đơn của chúng ta. Tình yêu tạo thành tâm điểm của chúng ta, tâm hồn của chúng ta, nhưng với tính cách bề ngoài nó phóng chiếu chúng ta. Tình yêu xung trận, tình yêu là tìm kiếm một tình yêu khác. Giống như  ngưỡng cửa của một ngôi nhà, nó nói lên sự mở ngỏ cho tình thân thiết bước qua. Nó nói sự chờ đợi và bước chân của người khác, như lại gần và lánh xa. Nó nói cái riêng tư liều lĩnh tự tan biến đi bằng cách tự rút ra khỏi bản thân mình. Cái  liều lĩnh mà những vị “ta đây kẻ giờ” không dám. Liều lĩnh sống trong nỗi đau khổ. Tình yêu là tên gọi của sự liều lĩnh ấy. Của sự e sợ hay là nỗi khổ đau ấy. It tha thiêt  hơn mối bận lòng lâu dài.Yêu, đó là trả giá đắt cho việc nói “Tôi”.

Chẳng cần để ý đến những định nghĩa giản lược nhất, trong đó tình yêu chỉ còn là biểu hiện của bản năng tính dục, đưa mỗi người đến hành động nhằm thỏa mãn cá nhân. Bởi vì tình  yêu là đẩy thể xác trượt về hướng lý tưởng, và vị kỷ về hướng dâng hiến ban tặng. Tình yêu bao hàm một ý chí sống mãnh liệt chỉ có thể tự thực hiện bằng cách đối diện với bản thân và để tùy tha nhân định đoạt. Dĩ nhiên, ở đó tính phức tạp của cái mà người ta gọi là “chuyện của trái tim” và thường khoác vẻ tranh đấu, (như trong những bài diễn thuyết mùi mẫn) thực tế có tính hướng nội hơn vẻ ngoài của nó, vì đối với mỗi người, vấn đề là phải coi mỗi thất bại là thất bại của riêng mình. Yêu phải chăng là chấp nhận từ bỏ? Ít ra là bằng lòng thôi không còn là người kiểm soát trò chơi.

Yêu phải chăng còn là sự tự thích ứng linh hoạt, sự thua thiệt cần thiết của chính mình. Thay vì sự chịu đựng trọn vẹn. Tình yêu dạy cho chúng ta đi vào Cõi chết.

Chúng ta biết rõ rằng trong biểu hiện cực đoan của nó, chẳng hạn giống như biểu hiện ở những bậc thánh, tình yêu là hoàn toàn rời bỏ cái tôi. Thánh Jean De la Croix nhắc đến điều này trong “ Nói về ánh sáng và tình yêu” ( Dits de Lumìere et d’amour):

 

Tình yêu không ở nơi

Cảm nhận được sự cao cả

Mà nằm trong sự cùng quẫn.

chịu khổ đau vì kẻ khác.

 

 

Nói cái thần bí của tình yêu là như thế. Chẳng thấy nói gì đến “chuyện của trái tim”. Tình yêu trên tuyệt đỉnh của nó là sự hy sinh bản thân. Hiện diện thuần túy cho kẻ khác. Tính thiện tuyệt đối, an bình, dập tắt hoàn toàn mọi ham muốn. Cách thực hiện sinh động của những cái thường giữ trong cuộc sống. Như vậy phải chăng rốt cuộc là tôi tưởng tượng ra nó.  Thế thì lòng từ thiện là “chiếc chìa khóa đó” mà Rimbeau đã thoáng nhận ra ở đầu tập “Một mùa ở Địa ngục”nhưng mất đi cũng nhanh như tìm thấy:

 

“Ngươi vẫn còn là đồ linh cẩu” Một con quỷ reo lên, đặt lên đầu tôi một vòng hoa anh túc tuyệt đẹp. “Đi vào cái chết với tất cả các dục vọng của ngươi, tội lỗi và tính vị kỷ của ngươi”

 

Chúng ta biết tình yêu của con người là không hoàn hảo và mơ hồ không xác định. Chúng ta biết thi nhân vốn nhẹ dạ và dễ đổi thay. Anh ta có khả năng chuyên chú vào tác phẩm của mình nhiều hơn là tận tâm chăm sóc một con người. Anh ta có thể tận tụy toàn tâm toàn ý vào các công trình chữ nghĩa của mình hơn là vào nhiệm vụ yêu. Nói cách khác là thiên về đề tặng nhiều hơn hiến tặng. Chúng ta thấy từ thời Platon thi nhân là “vật nhẹ nhàng, có cánh, thiêng liêng, tò mò về mọi sự, nhanh chóng mê say cũng như nhanh chóng vất bỏ, thích nói điều mình không biết, si mê những ảo ảnh, thường mờ mắt trước những gì gây hứng và rung cảm. Theo lề thói của thời nay, y có chức năng bắt tín hiệu điện. Còn lâu y mới là công dân tốt, người tình kiểu mẫu. Kẻ mang ơn khách qua đường này, dường như chỉ biết tình yêu như là bản nháp của cái khác.

 

Thật lạ lùng, thi nhân không ngừng tuyên bố, hay tự  nói với mình rằng y thiếu tình  yêu, cho đến khi y trở thành một chuyên gia về thất bại trong tình yêu, cũng như trong nghề nghiệp y cứ phải gạch xóa hoài để sửa chữa chỗ hỏng. Tất cả cứ diễn ra như vậy, cứ như tình yêu giữ nhà thơ trong tác phẩm, hay là trả y về với tác phẩm của y, tùy theo từng trường hợp thất vọng. Một thiên tình sử, rồi một quyển sách, tiêu tán đi rồi tích tụ lại, như Beaudelaire nhận xét.

 

Theo Marina Tsvétaeva thì “tình yêu ghét các nhà thơ” kẻ có lắm ham mê trong tâm hồn và lòng khao khát khôn khuây về sự hợp nhất hoàn hảo của cơ thể với tâm hồn. “ Tình yêu sống bằng lời nói và chết trong hành động”. Đó là thư nàng viết cho Rilke ngày 22-8-1926. Và 10 năm sau nàng viết cho  Steiger : “Với anh tôi chỉ muốn biết có một điều mà thôi, có lẽ nó không gọi bằng giấc mơ tỉnh thức, không, tôi muốn cùng anh  đi vào một giấc mơ và sống luôn ở đấy.”

Ở người đàn bà này mộng mị mới kỳ lạ làm sao, chắc chắn trong đó có một trong những sức bật mạnh mẽ nhất của cảm hứng trữ tình: “đi vào trong giấc mộng và sống ở đó”. Cuối cùng  khám phá ra cuộc đời đích thực: cuộc đời thực hiện giấc mộng của thơ. Và như vậy cuộc đời cũng rời bỏ thơ, thoát khỏi thơ, biến nó thành lỗi thời bằng cách thực hiện điều nó biết. Cuộc đời bây giờ xây dựng ở ngay trần gian này cái điều thi nhân lưôn luôn khao khát ở chỗ khác. Có phải  cái ảo tưởng ấy khích lệ người ta  viết thiết tha hơn là giấc mơ về một giải pháp, về một cách dẫn hướng, về một sự giữ gìn, [trong giấc mơ đó] không hề hi sinh đi cái mới đây còn được hy vọng một cách phi lý, nhưng ở đó tất cả tìm thấy trong công bằng cái vị trí của mình trong trật tự thường ngày.

Phải chăng còn tin tưởng vào điều đó mà thi sĩ rơi vào bẫy tình?

Nếu rơi, ít ra đối với một người, thì chính là vì y đã mơ giấc mơ bay bổng nên cuối cùng cũng phải rơi xuống đất. Giọng nói của y không ngớt lặp lại ước vọng thực hiện ở ngay đây và ngay bây giờ cuộc đời đích thực.Y không ngớt khóc thương thất bại và tiếp tục ôm ấp ảo tưởng của y đến sầu thảm. Thứ cơn khát đặc biệt ấy coi như tiếng nói của thi nhân, vì nó không thể làm cho cái miệng nào đã khát, khi chính nó cứ luôn mơ đến nụ hôn làm cho miệng không thể thốt nên lời.

 

Dưới mắt tôi đây là sơ đồ của thơ trữ tình. Quĩ đạo của nó là những đường gãy khúc. Dĩ nhiên,  nó chỉ là  một căn bệnh tinh thần, một sự lừa bịp, một ngõ cụt, nếu cái phong trào này bay lên cao hay rớt xuống thấp ngôn ngữ  không cho ra thắng lợi, tức là dịu dàng âu yếm cũng như gàn dở, bằng thử thách của mâu thuẩn, biến thất  bại thành tiếng hát véo von, bất mãn thành vẻ đẹp, và nhất là với cách xử lí thân phận như của chúng ta, nó trở thành tư tưởng, nhưng là một tư tưởng giống như trong cơ thể của nó một  để cho ý tưởng và máu tuần hoàn, thậm chí làm các sợi dây ngân vang, bởi vì trong ân huệ của ái tình tự nó cũng trở thành những giây tơ, giống như công cụ mà người ta kể rằng ngày xưa âm nhạc mê hoặc được cả những con quái vật khủng khiếp.

 

Nếu trong số những diễn văn của nhà thơ kéo theo một bài nói về người tình băng giá, thì không phải là tình cờ, vì khao khát tình yêu đến cuống cuồng, sự vắng thiếu ở y hơn hẳn người khác. Vì khao khát ở y lý tưởng hơn người khác nên y cũng chính là người thất bại hơn cả người khác. Người ta còn nhớ lời của Mallarmé “Tất cả chúng ta đều thất bại”. Thất bại không phải là phi lý, nhưng là ý thức về nguyên nhân. Thất bại vì thiên hướng, vì ngoan cố bướng bỉnh, đã muốn [] rồi lại muốn nữa. Thất bại để duy trì, chống lại tất cả, sự thất bại ấy muốn rằng, một người được đánh giá bằng cái nó biết là ngoài tầm với của nó. Như vậy thất bại vì bổn phận. Cũng như vì nhân tính.

 

Có thể thi nhân đến đó để thẩm tra lại một thứ luật chung, rằng tình yêu mong được viết bằng chữ hoa ngôi số ít, nhưng lại chỉ có thể  tự sống ở ngôi số nhiều. Tình yêu muốn một bộ phận phải vì tất cả. Cái bộ phận như là toàn thể. Nhưng nếu trong một người được chọn, nó cũng mơ một thế giới được chọn, như vậy nó nối kết đối tượng được chọn với tất cả những người khác. Người này nó tự phân nhánh. Điên cuồng, đam mê hay đầy thi tính. Tình yêu đồng thời là một nguyên tắc, vừa là vết rạn hình sao của nó, sự nhiễu xạ của nó. Dòng chảy của cuộc đời cũng như lưu lượng của nó. Đám cháy cũng như tia lửa của nó. Tình yêu mang đến cho thế giới một ánh sáng mới, một ánh chói chang và lấp lánh, nó phủ nhận sự phi lý, trong chốc lát nó trao cho mọi vật cái dáng vẻ bề ngoài thích đáng và cần thiết.

 

Mỗi tình yêu có mức độ sâu xa và đam mê duy nhất, tự đặt ra như là trung tâm ảo của một bức tranh, trong đó hiện thực được thể hiện toàn thể. Kẻ đang yêu lặp lại như cầu nguyện: “Tôi muốn được yêu, yêu đến cùng, xuyên qua em, con nguời mẫu”. Một thiên tình sử tuyệt đẹp là gì, nếu nó không tạo thành một thế giới không bao giờ đóng cửa? Một tình yêu mở ra xung quanh nó nhiều liên hệ nhất. Một thứ tình yêu chuyển thành thơ. Một tình yêu do đó có khả năng  âm vang và khúc xạ, giống như tình yêu của bài thơ.

 

Có lẽ nói về tình yêu, phải chăng là nói một cách trữ tình, bằng một thứ tình yêu phân đoạn, thứ tình yêu lôi cuốn bằng cách phân đoạn phát triển của nó, đặt tiết điệu của nó, bằng ngôn ngữ tìm kiếm bản chất và chiều hướng của nó, tập trung ở nó dục vọng, tìm ở nó những điểm tựa, hé mở những lối thoát, và cuối cùng là nói về tự ngã như về một niềm khát vọng, một ý tưởng, một nguyên lý; bảo đảm sự phục hồi chính nó trong phạm vi ý thức nắm tính không thực của nó, luôn luôn nhấn mạnh, luôn luôn bắt đầu lại, luôn luôn phó thác vào tác phẩm của nó. Bởi vì, sau hết tình yêu là điều nói “ vẫn còn./.

    

(27-01-2010)  

Khổng Ðức
Số lần đọc: 2373
Ngày đăng: 31.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thể loại văn tế - Trần Minh Thương
Thập kỷ mất mát, Bài 7 : Lịch sử trở lại - Hiếu Tân
Trường ca Việt , một cách nhìn... - Yến Nhi
Thập kỷ mất mát, Bài 6 : Niềm lạc quan Internet - Hiếu Tân
Thập kỷ mất mát, Bài 5 : Cuộc khủng hoảng dân chủ - Hiếu Tân
Thập kỷ mất mát, Bài 4 : Cuộc khủng hoảng khí hậu - Hiếu Tân
Khái quát những trường phái thi ca ( tiếp theo Thế giới thơ) - Khổng Ðức
Thập kỷ mất mát, Bài 3 : Cuộc khủng hoảng tài chính - Hiếu Tân
Thơ đã thất lạc quá lâu - Hoàng Vũ Thuật
Thập kỷ mất mát , Bài 2 : Cuộc khủng hoảng 11/9 - Hiếu Tân
Cùng một tác giả
Nhân đọc bài (tạp văn)
Bức thư rơi… (truyện ngắn)
Thi Tính Tự Do (tiểu luận)
Khí hạo nhiên (tiểu luận)
Thần tứ (tiểu luận)
Thế giới thơ… (tiểu luận)
Mỹ học tiếp thụ (nghệ thuật)
Con tim nhà thơ… (nghệ thuật)