Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.147
123.225.728
 
Cô ấy cho rằng tôi nhảm
Nguyễn Viện

1.

K nhắn tin cho tôi qua điện thoại di động:

“Con người ta sống để làm gì?”

Tôi giật mình, tự hỏi đang có chuyện gì với K? Tuy nhiên, tôi vẫn bình tĩnh nhắn lại như không có gì quan trọng:

“Mỗi người phải tự tìm cho mình câu trả lời. Dù sống để làm gì hay không để làm gì thì người ta vẫn cần phải sống.”

K hỏi tiếp:

“Em có quyền được chết không?”

Tôi trả lời:

“Chết là chọn lựa sau cùng. Không thể sửa chữa. Bởi vậy, cần phải suy nghĩ chín chắn.”

Không đợi phản ứng của K, tôi nhắn tiếp:

“Anh nghĩ giải pháp tốt nhất cho em là đi tu. Vì tu là cội phúc.”

K nhắn lại:

“Cám ơn anh. Chúc ngủ ngon.”

 

2.

Tôi không thể nào ngủ được. Và tôi muốn gửi linh hồn tôi đến với K như một lời chúc của sự bình an. Nhưng làm cách nào để linh hồn tôi đến với K được vẫn là một bí ẩn cần phải khám phá.

Tôi nhắn tin cho K:

“Em có cảm nhận được sự ấm áp của linh hồn anh bao phủ không?”

Tôi vui khi thấy K vẫn chưa ngủ, nhắn lại:

“Không, anh ạ. Chung quanh em vẫn rất lạnh lẽo.”

Dường như chưa bao giờ K cảm thấy có tôi bên cạnh, cho dù không lúc nào tôi không nghĩ đến K và mong muốn cho cô ấy vui.

“Thế giới không sờ mó được chỉ là một thế giới chết.” K đã từng nói với tôi như thế. “Em cần sự thật.”

Tôi bảo:

“Chúng ta không có cách nào vượt ra khỏi những ảo tưởng.”

Tôi cần đến một ly rượu để ngủ. Trong thâm tâm tôi biết tôi đang chờ đợi ngày K tự tử.

 

3.

Tôi cũng đã từng nghĩ, tôi sẽ tự chọn cho mình một cách chết, khi cần. Nhưng tin K tự tử đến với tôi vẫn là điều kinh khủng. Nhị báo với tôi:

-Em đưa K đi cấp cứu. Nó uống thuốc ngủ.

Tôi vội lấy xe chạy xuống Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Nếu K chết, tôi có lỗi không? Tôi không biết. Nhưng tôi cũng nghĩ, nếu K chết, thật sự có phải là điều tốt nhất không? Và tôi cầu mong điều gì? Tôi cũng không biết.

Một thằng mất dạy quẹt ngang vào đầu xe tôi. Nó quay lại chửi:

-Đi kiểu đéo gì mà lơ ngơ vậy.

Tôi không kịp phản ứng sau cú loạng choạng. Một lũ điên. Có thể tôi đã nghĩ vậy. Và rồi tôi cũng đến được bệnh viện.

Nhị đứng ở hàng hiên phòng hồi sức. Có lẽ người ta đang xúc ruột K. Tôi hỏi:

-Chuyện thế nào?

Nhị nói:

-Em cũng không thật sự biết tại sao K lại làm vậy. Như thường lệ, em dậy sớm để đi làm, mặc cho K ngủ ở phòng bên cạnh. Đêm qua, sau khi tán gẫu với nhau, em vẫn không thấy nó có biểu hiện gì khác lạ, ngoài việc nhắc cho nó gửi kèm một nụ hôn cho Nick, một điều mà không bao giờ nó đùa. Có lẽ vì câu nói đó, em mở cửa nhìn vào phòng nó. Quả thật có gì đó không bình thường. Em vội chạy vào và lay gọi K, nó oặt oẹo mềm nhũn và đã hôn mê. Em phát hiện có nguyên một vỉ thuốc ngủ bên cạnh. Không biết nó uống từ lúc mấy giờ. Trên Taxi em gọi cho anh.

 

4.

Ngày hôm sau, tôi được vào gặp K. Nhưng K vẫn chưa tỉnh. Khuôn mặt K thánh thiện và dịu dàng. Không một chút u uất. Tôi cầm tay K. Bàn tay lạnh không truyền cảm. Lúc này, tôi muốn nói với K, người ta sống để lo cho nhau. Tôi biết K sẽ trả lời, mắc mớ chi mà khổ vậy. Cuộc đời vốn thế, người ta sống vì những thứ mắc mớ lằng nhằng, nhiều khi vớ vẩn.

Tôi và Nhị thay phiên nhau canh chừng, chăm sóc K.

Tôi thuê một cái ghế bố để nằm ngoài hàng hiên. Một phụ nữ đề nghị tôi thuê bà ta trông nom K. Tôi nói cũng được và hỏi giá bao nhiêu. Bà ta nói:

-Tôi chỉ cần đủ ăn, anh cho thêm bao nhiêu cũng được.

Tôi bảo:

-Người ta thuê chị bao nhiêu, tôi trả bấy nhiêu.

Tôi nhờ bà ta lau rửa người cho K.

Tôi chưa bao giờ nhìn thấy K khỏa thân, bởi thế tôi cũng không muốn nhìn thấy K trần trụi trong sự bất lực.

Mặc dù có bà ta, tôi và Nhị cũng không bao giờ để K nằm một mình.

 

5.

Người đàn bà giúp tôi chăm sóc K được mọi người trong bệnh viện gọi là bà Ba. Bà ngủ dưới gầm cầu thang. Tài sản của bà chỉ vỏn vẹn một cái giỏ và một manh chiếu. Mặc nhiên bà được bệnh viện cho thường trú ở đó vì luôn luôn có những người cần đến bà. Tôi hỏi:

-Tại sao chị không về nhà?

Bà Ba nói:

-Tôi không có nhà.

-Chị có con không?

-Có. Một đứa con gái.

-Nó biết chị ở đây không?

-Biết.

-Có bao giờ nó đến thăm chị không?

-Đôi khi.

-Nó làm gì?

-Nghe nó nói bán bia hay cà phê gì đó.

-Chị không quan tâm đến nó sao?

-Có chớ. Nhưng biết làm sao được.

Tôi cảm thấy không nên tìm hiểu thêm nữa. Nhị nói với tôi:

-Em đã gặp con gái bà ấy. Cô ta bảo muốn đón má về ở chung, nhưng bả không chịu. Có lẽ bả không chấp nhận việc cô ấy làm.

Tôi nói:

-Những người mẹ như thế không còn nhiều lắm ở đất nước này. Bây giờ người ta sẵn sàng bán tất cả mọi thứ, kể cả con gái mình.

Nhị chỉ ậm ừ. Cô không quan tâm đến các vấn đề chính trị hay xã hội. Cô sống và làm những gì mình thích.

 

6.

Nhị làm việc cho một công ty quảng cáo. Cô quen Nick qua một người bạn. Nick đẹp trai và rất bụi đời, mặc dù anh là một nhà giáo. Nhị bảo, em ngạc nhiên khi biết Nick đi dạy học ở một trường ngoại ngữ nổi tiếng. Tôi cũng đùa, nói hắn đi bán bồ đà có lý hơn. Hôm gặp Nick lần đầu trong quán cà phê với Nhị, Nick hỏi tôi:

-Hút bồ đà không?

-Tôi vừa bỏ thuốc lá. Tôi nói.

-Sợ chết à?

-Ừ. Có một số vấn đề về tim mạch.

Nick nói như một người Việt Nam chính hiệu:

-Giày dép có số. Ông muốn sống cũng chưa chắc đâu.

-Vẫn biết vậy. Thật sự tôi không cảm thấy hút thuốc ngon nữa.

-Vậy thì ông mê cái gì?

-Thuốc lá không phải là tất cả. Tuy nhiên, tôi cũng tự hỏi tại sao lại muốn sống.

-Ông có mê gái không?

Tôi nhìn Nhị một lúc rồi chậm rãi nói:

-Tôi yêu Nhị.

Nhị cười phá lên.

-Anh định đốt nhà em à?

Tuy nói vậy, Nhị cũng nhoài người qua phía tôi, hôn lên má thay lời cám ơn.

Nick cũng cười:

-Những ai là đàn ông đích thực thì phải yêu Nhị thôi.

Khi ấy, tôi chưa biết K.

 

7.

Nhị đẹp hoang dã. Mình dây, ngăm đen. Tôi không tin vào việc “chân dài thì không biết mệt.” Nhị quyến rũ và biết biểu cảm sự quyến rũ của mình không chỉ bằng một thể hình chuẩn. Nhị thông minh và tất nhiên, nói năng bốp chát. Tôi vẫn nói với Nhị “toàn cầu hóa không có nghĩa là đánh mất bản sắc, bởi thế sống với Nick, em cũng không nên quên về nguồn với anh.” Nhị hỏi:

-“Bản sắc dân tộc” của anh có nên xấu hổ không?

-Trung Quốc có Lao Ái. Việt Nam có anh.

-Người Việt Nam chỉ được mỗi cái là khua môi múa mỏ. Vô tích sự.

-Ít ra cũng được cái mỏ. Em sẽ tìm thấy quê hương đích thực khi yêu anh.

-“Quê hương” không phải là cái em tìm kiếm. Em thích cảm giác không biên giới.

-Tổ quốc vô ngại.

Nhị cười ha hả.

-Phải chi tổ quốc là anh. Mẹ kiếp, ở đâu em cũng thấy Việt gian. Trừ anh.

Nhị ôm hôn tôi.

-Đả đảo Việt gian. Tôi nói.

Nhị sững lại. Tôi nói:

-Đừng hôn kiểu hữu nghị.

Nhị cười:

-Việt Nam, vẻ đẹp tiềm ẩn.

Tôi ôm ngang ngực Nhị. Tay bóp nhẹ.

-Việt Nam, di sản thế giới. Tôi nói và hôn Nhị từ phía sau.

 

8.

Công ty của Nhị tổ chức cho nhân viên đi du lịch Thái Lan. Nhị hỏi:

-Muốn đi với em không?

Tôi nói:

-Anh không muốn vào đảng “Người Việt yêu người Thái” của Thaksin Shinawatra.

-Em có rủ anh đi shoping đâu.

Thật ra, tôi nghĩ đi Thái Lan theo các tour du lịch chẳng có gì thú vị. Chỉ có mua sắm và sex. Chung qui lại là làm giàu cho người Thái.

-Tại sao không lang thang Campuchia hoặc Lào? Tôi hỏi.

-Vấn đề là đi Thái em được miễn phí.

-Nhưng đi Thái với em mình cũng đâu có tự do.

-Dễ thôi mà. Mình chỉ cần hẹn với họ ngày về thôi.

-Công ty em nó không vui đâu.

-Cứ đi rồi tính.

Cuối cùng tôi cũng đi Thái Lan với Nhị.

Hôm xem bọn Thái khoe cu, Nhị nói:

-Cũng thuộc loại đẳng cấp.

Tôi bảo:

-Bọn nó có chiêu đấy. Không thật đâu.

Lúc gã đàn ông cầm cu gõ trống đến trước mặt Nhị nói cầm gõ thử. Không vờ xấu hổ như những cô gái khác, Nhị bấm móng tay vào cu gã. Gã nhẩy nhổm lên kêu oai oái. Trong lúc mọi người vẫn còn cười, Nhị vào toilet rửa tay.

Gã hướng dẫn người Thái luôn quảng cáo công nghệ Thái Lan vào loại hàng đầu thế giới từ da thuộc cho đến cao hổ cốt, nhưng điều quan trọng hơn là ở điểm tham quan hay mua sắm nào cũng có nhân viên nói được tiếng Việt. Thái Lan đã trở thành điểm khởi đầu của người Việt bước ra toàn cầu và góp phần không nhỏ vào việc làm giàu cho họ.

Nhị nhận xét, người Thái Lan làm du lịch kết hợp với kinh doanh khá tốt. Tuy nhiên, cũng không có gì mới lạ so với nghệ thuật kinh doanh của các nhà “sơn đông mãi võ” truyền thống Việt Nam. Họ tuân thủ một cách triệt để công thức giải trí + bán hàng như một công nghệ và đẩy nó đến một nghệ thuật của sự trao đổi mà những người tử tế cảm thấy khó từ chối.

Tôi chỉ quan tâm đến tình cảm của mình. Dù sao, Nhị và tôi cũng có được một đêm hạnh phúc và thanh thản khi đi massage với nhau.

 

9.

Nick không biết tôi đi Thái Lan với Nhị. Tôi chưa bao giờ cho rằng mối quan hệ giữa Nhị và Nick là một cuộc hôn nhân. Đơn giản đó chỉ là cuộc sống. Nhị đã sống theo cách mình thích. Và đây là lần thứ hai Nhị chọn sống với người nước ngoài. Lần đầu, một gã người Pháp. Nhị bảo:

-Em vẫn thấy đàn ông Việt Nam vừa gia trưởng vừa bần tiện. Trừ anh.

Tôi bào chữa:

-Không đến nỗi thế đâu. Không may cho em đã gặp toàn đồ đểu. Cũng có thể vì sự phóng khoáng của em cho họ cái cảm giác của một thứ đồ chơi rẻ tiền.

-Bọn nó vừa ngu vừa lạc hậu.

-Thật ra, cũng không mấy người đạt đến được cái cảm thức giải phóng của tự do. Dường như sự nô lệ là một bản chất vĩnh cửu của người Việt. Do đó, khái niệm tự do luôn được hiểu một cách ngu xuẩn là sự được phép.

-Họ quên là phụ nữ cũng có quyền chơi như họ.

Tôi cười:

-Thậm chí là ưu tiên được quyền chơi.

-Chỉ có anh đáng yêu.

Tôi bảo:

-Kệ mẹ chúng nó.

-Ừ. Lại đây với em.

Nhị ôm tôi.

 

10.

Nhị nói:

-Em muốn mua mấy bộ đồ ngủ mới. Đi với em không?

-Đi thì đi.

-Em sợ anh ngại.

-Chẳng có vấn đề gì. Cứ coi anh như người yêu.

Tôi chở Nhị ra Hai Bà Trưng. Mấy cô bé bán hàng đon đả đón khách:

-Chị ơi, mua trên năm trăm, công ty tặng chị đôi dép đi ở nhà.

Nhị bảo:

-Dép thì không thiếu, chỉ thiếu mỗi cái quần.

Mấy cô bán hàng tỉnh queo:

-Dạ, chị cần quần trong hay quần ngoài ạ?

-Vấn đề không phải là che thân.

Một cô cười:

-Em có mấy kiểu rất gợi cảm. Chắc là chị sẽ thích ngay thôi.

Họ dẫn Nhị đến một góc. Nhị lại nói:

-Vấn đề không phải tôi thích hay không mà người khác thấy thế nào.

Không cô nào đến hỏi ý kiến tôi. Tôi nghĩ, cũng thật khó tránh để chọc ghẹo một cô nào đó trong trường hợp được hỏi ý. Ấn tượng thị giác về những cô gái trong cửa hàng và những mẫu quần áo phụ nữ cho tôi cảm giác giống như trong một khu vườn nhiều hoa trái, mà không nhất thiết phải ăn.

Nhị chọn được một cái áo đầm và mấy cái quần lót. Tôi nói:

-Thẩm mỹ của em hợp với anh.

Tôi thích những kiểu quần lót đơn giản.

 

11.

Trong một thời gian khá dài, Nhị thường tìm cách gặp tôi, kể cả việc mời tôi đến nhà nhậu với Nick. Nhị nấu ăn khá ngon. Còn Nick thì quá sành điệu. Lần nào đến, anh cũng đãi một món do anh tự làm. Tôi thích món chuối chiên với rượu Rhum, nhưng không nuốt nổi món nhạc Jazz của anh. Nick nói tiếng Việt khá tốt.

Nick khoe:

-Tôi nói được tiếng Việt là nhờ Nhị. Mặc dù tôi và Nhị vẫn có thể trao đổi bằng tiếng Anh, nhưng tôi muốn học tiếng Việt, không phải vì con tôi sau này sẽ nói tiếng Việt, mà tôi muốn chia sẻ với Nhị bằng ngôn ngữ và sự suy nghĩ của người Việt.

Nhị bảo:

-Nick tán em bật gốc. May còn có anh cho em cái cảm giác đặt chân xuống đất.

Nick rất muốn có con nhưng Nhị bảo:

-Em không tin có điều gì bền vững. Vả lại, cũng không thích sự ràng buộc.

Căn nhà chật. Chúng tôi ngồi dưới sàn. Nhị nằm gối trên đùi Nick. Mỗi lần Nhị nói, tôi có cảm giác không dành cho ai. Tuy nhiên, sự hiện diện của Nhị lại là lý do duy nhất để có sự tồn tại này. Và tôi hiểu trong tận cùng thâm tâm, làm sao Nhị dám tin vào những kẻ giang hồ “ba lô” như Nick. Tuy không nói, nhưng tôi biết Nhị vẫn chờ đợi ngày Nick đem Nhị đi. Như những cô gái khác, thèm khát một chân trời mới.

 

12.

Tôi là một chân trời, nhưng không phải bến đỗ. Nhị bảo:

-Ông cải lương quá.

Tôi cười:

-Nhiều khi cải lương vọng cổ vẫn làm người ta khóc.

-Hôm nay ông ăn gì mà ướt rượt vậy?

-À, anh nghĩ đến lúc phải xa em.

-Tại sao lại nghĩ thế?

-Chẳng sao cả.

Thật ra, tôi không quan tâm lắm đến việc chơi được với Nhị bao lâu. Tôi chỉ nghĩ nếu không có Nhị, đời tôi sẽ tẻ nhạt.

Nhị bảo:

-Ông hơi mất tự tin. Có dấu hiệu bị lão hóa.

Nick nhún vai:

-Đó là con đường một chiều. Đừng ngoái cổ lại phía sau.

Đôi khi, tôi vẫn bị cụt hứng một cách bất chợt. Có thể chính tôi đang cần thay đổi.

 

13.

K nói:

-Em muốn tung hê tất cả. Và làm một cú bay lượn cuối cùng.

Tôi hỏi:

-Từ dưới đất lên hay từ một building?

-Từ dưới đất lên chỉ là một ảo giác. Có lẽ từ một building sẽ huy hoàng tráng lệ hơn. Em muốn có một cảm giác thật. Một sự đau đớn thật để khỏa lấp cái trống rỗng.

-Cuộc chơi đó không dành cho kẻ yếu đuối.

-Anh nghĩ em yếu đuối?

-Anh không định nói vậy. Anh cho rằng, phải coi sự chọn lựa này như một thứ chân lý, nghĩa là một thái độ minh triết chứ không phải bạc nhược.

Đây là thời điểm tôi đã yêu K. Nhưng K lại cho đó là một tình yêu tội lỗi. K yêu sự hoàn hảo mà tôi chỉ là biểu tượng của sự vá víu. K chân thành nhưng không dám dấn thân. K thèm khát sự phóng túng nhưng tự giam cầm trong thành kiến đạo đức. K vừa giống Nhị vừa rất khác Nhị. K hấp dẫn tôi vì sự phức tạp của những nỗi niềm và một chiều sâu của khát vọng.

 

14.

Một buổi sáng cà phê, Nhị đem K đến và nói:

-Đây là người phụ nữ của anh.

K cười bảo:

-Anh đừng tưởng bở nhé.

Tôi cũng cười:

-Anh tin có Chúa ở trên trời và tin em được sinh ra vì anh.

-Em cũng tin có quỷ dưới hỏa ngục và anh là hiện thân của chúng.

Tôi thú nhận:

-Có lẽ điều này đúng hơn. Xin Chúa chớ để cô này sa chước cám dỗ.

Nhị nói tiếp:

-Và hắn là người đàn ông của mày.

Tôi nói:

-Một sự nhầm lẫn thú vị.

Đột nhiên, Nhị nói to:

-Cắt. Được quá. Cám ơn quí vị. Một scene tuyệt vời cho kịch bản phim quảng cáo.

-Vấn đề là em quảng cáo cái gì? Tôi hỏi.

-Văn phòng tư vấn tâm lý hôn nhân gia đình.

Tôi nói:

-Quên cái văn phòng tư vấn đi.

Nhị tiếp lời:

-Nhưng đừng cố quên K nhé.

 

15.

Tại sao lại phải cố quên K? Nghiễm nhiên, K trở thành bạn. K biết về thành phố này nhiều hơn tôi tưởng. Món ốc ở Kỳ Đồng. Món Huế ở Nguyễn Trãi. Món Quảng ở Nguyễn Thị Minh Khai. Nghe nhạc ở Ngô Thời Nhiệm. Uống cà phê ở Hồ Biểu Chánh. Ngồi bệt ở công viên nhà thờ Đức Bà. Ăn vịt nướng chao ở Thủ Thiêm. Nhìn sông ở Thủ Đức. Tôi hỏi:

-Em đã từng có người yêu ở Sài Gòn?

-Không. Nhưng đã từng sống ở Sài Gòn và đã từng nghĩ sẽ bỏ Sài Gòn vĩnh viễn.

-Sao thế?

-Vì không có ai giữ em lại.

-Anh lấy dây buộc em nhé.

-Em cầm dao cắt.

-Đành ôm em vậy.

-Anh sẽ mỏi tay. Hơn nữa, em biết bay.

-Không có gì giữ được em?

-Ngoại trừ, đôi mắt anh.

Tôi cười. Nhưng K nói tiếp:

-Và đó chỉ là ảo ảnh.

 

16.

K bỏ công việc cùng lúc với bỏ Sài Gòn để về quê lấy chồng. Cuộc hôn nhân ngẫu hứng tan vỡ chỉ sau một tháng chung sống.

-K vẫn còn trinh, Nhị nói.

Tôi cười:

-Sau khi vá lại?

-Không, em nói nghiêm túc đấy. Âm đạo nó nhỏ quá không làm ăn được, vả lại thằng kia làm nó sợ.

-Chuyện đó giải quyết dễ mà.

-Đúng, vấn đề của K là thằng kia không hiểu nó.

Trở lại Sài Gòn, K muốn tìm một công việc nhẹ nhàng và ít hệ lụy. Nghề kế toán làm K mệt mỏi và bất an. Nhị có ý muốn đưa K vào công ty làm marketing. Tôi bảo muốn kiếm tiền nhẹ nhàng thì nên viết báo.

K nói:

-Em có biết gì đâu mà viết báo.

Tôi nói:

-Mấy đứa học báo chí ra có biết đếch gì đâu mà cũng viết lung tung. Đứa thì xông vào âm nhạc, hội họa, điện ảnh. Đứa thì y tế, kinh tế, xã hội loạn xà ngầu. Mà đại học báo chí có chỗ nào dạy âm nhạc, hội họa, điện ảnh, y tế, kinh tế, xã hội đâu. Chỉ cần em thích và viết sạch nước cản là được.

K cười:

-Để em thử.

-Bảo đảm vui.

 

17.

Tôi hướng dẫn sơ lược cho K cách thực hiện một bài báo và cấu trúc của nó. Tôi cũng nói K nên chọn một, hai tờ báo nào đó để nghiên cứu trước khi cộng tác. Phần tiếp theo, tôi có thể thu xếp để bài K được in. Tôi thật sự tin vào khả năng ngôn ngữ và sự sắc xảo của K.

Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau, K gặp tôi nói:

-Có lẽ em nên trở thành nhà buôn hơn nhà báo.

Tôi bảo:

-Thật ra, làm báo cũng là một cách buôn thôi.

Ở Việt Nam bây giờ, chẳng có chỗ nào có mặt tiền mà người ta không buôn. Tôi nói:

-Cũng dễ chết lắm.

-Thì em cũng đang nghiên cứu nên chết cách nào mà.

Tôi cười cười:

-Cách hay nhất là bỏ nhà theo giai.

-Không phải chết vì đói hay khát mà chết vì mệt, đúng không?

-Chính xác là chết vì sướng.

-Em lại thích chết trong sự rỗng không.

Tôi giật mình, nghĩ, K nói giống như ngộ đạo. Và tôi tự hỏi, thật ra tôi đang sống vì điều gì?

 

18.

Cuối cùng, K quyết định sang lại một shop quần áo ở Phú Nhuận. Có hai điều đã giúp K thành công. Một là K chịu khó sưu tầm “hàng độc” qua người giao hàng sỉ trong chợ An Đông và một người chuyên gom hàng si-đa từ Campuchia. Mỗi khi có hàng mới về, họ đều gọi K đến lựa trước. Hai là cách trưng bày và bán hàng. Thân thiện và tạo sự thoải mái cho khách hàng lựa chọn.

Đôi khi, tôi đi cùng với K lấy hàng. Tôi bảo:

-Anh thích có người yêu vừa trẻ đẹp, vừa giàu vừa thông minh như em.

K nói:

-Những người như thế không dành cho anh.

-Vì sao?

-Vì người thông minh sẽ không yêu một người xạo sự như anh.

-Thôi thì trẻ đẹp và giàu là được.

-Cũng không đến lượt anh.

-Vì sao?

-Người trẻ đẹp cũng không thích một người xấu giai như anh.

-Thì chẳng cần trẻ đẹp, chẳng cần thông minh, miễn là giàu.

-Người giàu sẽ nhìn anh bằng nửa con mắt.

-Thế thì anh cầu cho em mau già mất đẹp, làm ăn thất bát, và lú lẩn. Lúc ấy em sẽ yêu anh.

-Còn khuya.

 

19.

Để an ủi số phận hẩm hiu của tôi, K dẫn tôi đi ăn kem.

Tiệm kem nằm ngay một ngã tư ở gần khu trung tâm. Chúng tôi lên sân thượng. K gọi món “Thuyền tình.” Tôi gọi món “Bến yêu.”

“Thuyền tình” và “Bến yêu” đầy tú hụ. Tuy thế, chúng tôi vẫn ăn hết. Tôi bảo:

-Hết kem còn bến và thuyền. Không lênh đênh nữa.

Tôi cầm tay K hôn từ ngón lên tới vai. K nói:

-Còn lênh đênh hơn.

Tôi hiểu đây không phải là cảm giác của hạnh phúc, mà chỉ là sự chao đảo nhất thời. Tôi giữ bàn tay K trong tay tôi.

-Em nghĩ đến Nhị? Tôi hỏi.

-Không. Em chỉ nghĩ đến em thôi. Nhị đã có chỗ của Nhị rồi.

-Đúng, ai cũng có chỗ của mình. Vấn đề là chúng ta chấp nhận nó như thế nào.

-Đấy là điều em băn khoăn. Em không thản nhiên được như Nhị, hay như anh.

-Nếu thật sự em chỉ quan tâm đến em, anh cho rằng như thế là đủ.

-Cũng chẳng đơn giản đến thế.

Tôi không biết nói gì nữa. Cầm bàn tay K lên hôn. K cũng im lặng.

 

20.

Ở ngoài quê, bố của K bị bắt liên quan đến việc chia chác đất công. K phải về. Tôi và Nhị quản lý cửa hàng cho K.

Doanh thu giảm hẳn. Tôi nói với Nhị:

-Hình như cả anh và em chỉ có khả năng đi làm thuê.

-Còn tốt hơn đi ở đợ. Nhị nói.

Một tháng sau K trở lại. K cho biết bố K đã được thả về. Tôi hỏi sao hay vậy? K cho biết:

-Em đến gặp ông chủ tịch tỉnh. Vốn cũng chẳng xa lạ gì với gia đình em. Em hỏi, tại sao lại để bố em làm vật tế thần? Ông ấy bảo, thời thế thế thời phải thế, việc này đến trung ương rồi. Em lại hỏi, các bác ở trung ương có biết ăn chia không? Ông ấy ậm ừ không trả lời. Em nói, em biết mấy trăm mẫu rừng của bác ấy là do bố em “qui hoạch” cho. Em cũng nói em còn một ít tiền, nhờ bác ấy chiêu đãi các bác trung ương giùm. Nói xong, em để bọc tiền ba trăm triệu lại, rồi về.

 

21.

K lao vào việc kiếm tiền. Tôi xúi K qua Campuchia mở quán nhậu, bởi tôi thấy ở Nam Vang rất ít loại hình này. Nhưng K nói, dân Campuchia không có thói quen uống bia cũng như ngồi cà phê như người Việt Nam.

Người Việt Nam giải quyết công việc hay giải trí đều ra quán nhậu hoặc cà phê. Bởi thế, kinh doanh nhà hàng hay cà phê không bao giờ sợ lỗ.

Và K tiếp tục thành công khi cùng với vài người bạn là kiến trúc sư mở quán cà phê. Tính nghệ thuật được khai thác tối đa, cả cho người kinh doanh lẫn khách hàng.

K kiếm tiền tỉ mà không cần phải đi ăn cướp như bọn quan lại.

Trên đường chở tôi lên Đà Lạt, K nói:

-Những người như anh chỉ cần đừng chọc gậy bánh xe, thì muốn gì cũng được.

Tôi cười:

-Anh chỉ muốn mỗi mình em. Có em là có tất cả, đúng không?

-Đúng. Nhưng em đã bán mình cho quỉ rồi.

Tôi không biết quỉ có hình thù như thế nào.

 

22.

Ở Đà Lạt, K giao tôi cho một ông bạn họa sĩ. K nói:

-Em phải đi làm việc. Buổi tối sẽ về với anh.

Thật ra, ông họa sĩ T vốn là bạn tôi. K quen T vì mua tranh của anh ấy. Còn tôi quen T là dây mơ rễ má của bạn bè. Tôi cũng thích tranh của T vì tính thời sự kín đáo nhưng mạnh mẽ ý thức tự do trong tranh của anh.

T đưa tôi đến một quán nhậu trong hẻm. T nói đây là quán thịt dê ngon nhất Đà Lạt. Quán không đông như tôi mường tượng. Và món nhậu cũng không ngon theo khẩu vị của tôi. Nhưng vui nhất là sự tình cờ đã cho tôi gặp mấy người bạn cũ. Cuộc vui cho tôi một số ý tưởng để viết một kịch bản ngắn về sự sát sinh.

 

23.

9 giờ tối, K đến đón. Hỏi:

-Anh có muốn đi nhẩy một chút không?

Tôi nói:

-Mệt rồi.

Về khách sạn, K nói:

-Cho anh ngủ chung phòng. Nhưng “nam nữ thọ thọ bất thân.”

-Trời ơi. Tôi kêu lên. Thế thì tức giái chết.

-Cho anh chết. Ai biểu sinh ra làm cái giống gian tà.

-Em sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về cái chết ô nhục này.

-Chấp.

-Đồ ác ôn.

Nói cho vui vậy thôi. Tôi an phận lên giường của mình. Ngáy. Một ngày quá mệt.

Nửa đêm thức giấc. Không ngủ lại được. Phía giường bên kia, dường như K cũng không ngủ được. Tôi hỏi qua bóng tối:

-Em đang thức?

-Dạ.

-Em nghĩ gì?

-Nghĩ đến anh.

-Tại sao không yêu anh?

-Em cũng không biết nữa. Mẹ em muốn em lấy chồng đẻ con. Mà anh thì không phải loại đàn ông sinh ra để làm chồng.

-Có nhiều người theo em, phải không?

-Rất chán. Em đang nghĩ xem có nên có con mà không cần có chồng không.

-Điều ấy cần bản lĩnh.

-Chỉ sợ bố mẹ em buồn thôi.

-Thật ra, hạnh phúc của đứa con mới quan trọng.

-Em cũng nghĩ, đứa con nếu được sinh ra, nó có muốn hay không. Chúng ta luôn bị rơi vào tình thế đối nghịch lưỡng phân.

-Ừ, vì thế, cần có một thái độ giải phóng mọi ý niệm đạo đức mà không vô đạo đức.

-Em chả làm được chuyện ấy. Thôi, anh ngủ đi.

 

24.

Tôi thích Đà Lạt sáng sớm khi sương còn vương vất. Xuống phố một mình. Uống ly cà phê nóng và tận hưởng cái lạnh. K còn ngủ. Dù đã bỏ thuốc lá từ lâu, tôi vẫn muốn mồi một điếu, nhưng chỉ kéo được mấy hơi, phải vất bỏ. Mùi thuốc giả làm tôi buồn nôn. Dường như tôi vẫn chưa thoát ra khỏi cái tình huống “đối nghịch đạo đức” mà K nói đêm qua. Và tôi biết, rồi tôi vẫn sống như chẳng có vấn đề gì. Ừ, tảng lờ là cách chúng ta vượt qua những khó khăn. Khi tôi quay về, K đã thức. Cô ấy đang trang điểm.

-Sao không gọi em dậy để cùng đi? K hỏi.

-Thì bây giờ đi. Anh chưa ăn mà. Anh muốn ngửi mùi sương.

-Anh có ý định trốn chạy không?

-Tại sao lại phải trốn chạy?

-Vì em sẽ bắt anh.

-Cũng sợ thật. Anh không tưởng tượng được có lúc anh sẽ sống trong lề luật.

-Dọa anh thôi. Khi nào cần, em sẽ nói.

Tôi quay trở lại nhà hàng Thanh Thủy cùng với K. Hơi nước mờ trên mặt hồ. Đầu trần, khuôn mặt K sáng rỡ. Tôi không thể không nói:

-Đi bên cạnh em, lúc nào anh cũng có cảm giác được vinh quang.

-Đàn ông ai cũng xạo. Sao anh không ngoại lệ?

-Có ai không thích nịnh đâu.

Bất chợt, K đổi đề tài.

-Hôm qua, có người tự nhận là công an hỏi về anh.

-Nó hỏi gì?

-Cũng không có gì quan trọng. Họ khuyến cáo em không nên quan hệ với những “thành phần phức tạp” như anh, anh T.

K nhìn tôi cười cười nói tiếp:

-Cái “phức tạp” nhất của anh là gì?

Tôi cũng cười:

-“Trên bảo dưới không nghe.”

K cười lớn:

-Thế thì em chẳng nên quan hệ với anh làm gì thật.

Tôi nói:

-Em hiểu lầm ý anh rồi. Ý anh là bảo “thằng nhỏ,” mày “xuống” đi, nó nhất định không chịu “xuống.”

-Anh cứ làm như nó “lên” 24/24 vậy.

-Thành thật khai báo là chỉ khi ở gần em, hoặc lúc nghĩ đến em thôi.

-Anh đểu. Giản lược em thành cái ấy.

-Xin lỗi. Đây là một hoán dụ.

-Có bao nhiêu phần trăm đàn ông thích giản lược đàn bà như thế?

-Anh không biết.

 

25.

Ngày hôm sau, Nhị và Nick lên Đà Lạt. Công việc của K cũng đã xong. Chúng tôi, cả T nữa thành một nhóm 5 người, kéo nhau vào rừng. T bày trò, mỗi người làm một hình nộm của chính mình, rồi tùy nghi xử lý. T mang sẵn một số vật liệu như dây thừng, vải, khăn lớn và màu, cọ…

Một ý tưởng hay. Tôi sẽ sử dụng tôi thế nào?

Trước hết là khâu sản xuất. Chúng tôi tận dụng mọi thứ có thể kiếm được, từ cành lá, rơm rạ đến những chiếc khăn và vải. K tỏ ra khéo tay khi dùng một chiếc khăn làm thành cái mặt. Nick thì dùng sơn vẽ nhằng nhịt trên thân hình đã được quấn băng bằng vải. Nhị chỉ chú ý đến các chi tiết về vú và mông.

Chúng tôi cho các hình nhân dựa cột xếp hàng ngang như những kẻ đang bị xử bắn.

T nói:

-Bây giờ mới là lúc trò chơi của chúng ta bắt đầu. Từng người một, các bạn sẽ xử lý hình nhân của mình theo cách mà các bạn muốn. Ai sẽ làm trước?

Nhị giơ tay:

-Để em.

Nhị bước tới. Cô vừa đi vừa cởi áo ngoài. Đến trước hình nhân, cô làm vài động tác khêu gợi, sau đó là một cuộc làm tình nhiệt thành và căng thẳng. Khi mọi người vỗ tay và hò hét, Nhị đã cởi phăng luôn chiếc quần jean. Tôi vừa kịp nghĩ đến cách để Nhị kết thúc cuộc trình diễn của mình, thì Nhị đã đứng dạng chân ra, cho hình nhân úp mặt vào háng và nói:

-Tôi yêu tôi.

Rồi Nhị cúi chào như một diễn viên.

Vỗ tay.

Mọi người gọi Nick. Nick dềnh dàng đi lên. Anh cầm sẵn hai cái túi tròn, to và giống hai hòn đá, rồi buộc vào hai chân hình nhân. Màn diễn của anh là vác hình nhân lên vai đi lòng vòng. Hai cái bọc tròn lủng lẳng, không biết anh muốn diễn tả đó là khối đá cùm chân, hay là biểu trưng cho hai hòn giái và cả thân hình anh là một dương vật bị thương? Nick đi đúng 15 vòng rồi dừng lại.

Tới phiên K. Tôi không nhớ được cảm xúc của mình khi K cầm con dao Thái Lan đâm một nhát vào giữa mặt hình nhân và để lại con dao cắm trên đó. Tôi không nhìn mặt K khi cô quay trở về chỗ.

Mọi người im lặng.

Tôi bước lên. Tôi nhủ thầm, đây là cuộc chơi không khán giả. Và chẳng có gì trầm trọng. Cho dù có làm như trầm trọng, thì cũng chỉ là cuộc chơi. Tôi vốn rất ghét từ “cuộc chơi” và không bao giờ coi bất cứ công việc gì là “cuộc chơi.” Nhưng tôi cũng không hiểu sao bỗng dưng, tôi lại muốn coi đây là cuộc chơi. Phải chăng, vì màn trình diễn của K? Và tôi cần phải nói với K điều gì?

Tôi dốc ngược hình nhân của mình cho cắm đầu xuống đất. Sau đó tôi lấy dây thừng buộc chặt hai chân với nhau như trói gà, rồi tôi đem treo lên một cành cây gần đó.

Vui lên chứ. Mọi người lại vỗ tay.

Cuối cùng, T đi lên. Anh cười cười.

-Tôi cho rằng các bạn đã rất xuất sắc. Tôi hy vọng sẽ có dịp nào đó, tôi mời các bạn cùng tham gia một cuộc trình diễn nghệ thuật có khán giả nghiêm túc. Và để chuẩn bị cho ngày đó, tôi nghĩ chúng ta cần quên đi ngày hôm nay. Xin cám ơn các bạn.

Nói xong, T vặn cổ hình nhân của mình và vất cái đầu xuống đất.

 

26.

Chồng cũ của Nhị, một người Pháp điển hình, tinh tế đến độ chi li đã làm Nhị mệt mỏi. Và Nhị buộc phải chia tay Bernard sau một năm cố gắng sống cho ra vẻ văn minh văn hóa văn nhã. Bernard ngoài chuyện mê vợ, cũng rất mê sách. Nhờ đó, Nhị cũng đọc được ít nhiều. Nhị nói:

-Em chỉ thích sự văng mạng. Trong khi Bernard quá cầu kỳ và cẩn trọng. Dù sao, đế quốc Mỹ vẫn thoải mái hiện đại hơn Tây thuộc địa. Còn anh, không biết gọi anh như thế nào, một người Việt Nam vô sở trú?

Tôi cay cú:

-Em cũng nên nghĩ đến bọn bành trướng Bắc Kinh, bọn hãnh tiến Củ Sâm.

-Xin lỗi anh, đàn ông châu Á xài không được.

Tự nhiên, tôi thấy thương những cô gái đang cặp kè với mấy anh công nhân Trung Quốc. Và tội nghiệp cho một dân tộc làm đĩ cho thời cuộc.

Tôi nói:

-Nhưng đàn ông châu Á đã biết cách tự vươn lên.

-Đẳng cấp và phong độ là hai phạm trù rất khác nhau. Họ có thể đang là những thế lực mới. Nhưng bản chất không thay đổi. Đàn ông Việt Nam cũng không khác bao nhiêu đâu. Em không muốn nói anh. Anh vẫn là nơi em trú ẩn. Nơi em tránh bão.

-Không cần phải bào chữa cho anh.

-Em nói thật. Em yêu anh. Đấy là điểm yếu của em.

 

27.

Lý lịch trích ngang của Nhị.

Sống với bố mẹ nuôi từ lúc 10 tháng tuổi. Lý do: bố ruột uống rượu, đánh đuổi mẹ. Mẹ phải đem con đi bán. Bố mẹ nuôi không có con, nhà nghèo. Họ đã phải cầm cố ruộng vườn để có tiền mua Nhị.

Cách đây 2 tháng. Nhị mới biết mình có một ông bố ruột đang bị bệnh sắp chết và một người anh trai làm công nhân.

Nhị nói:

-Em đã đến thăm ông ấy. Không phải để tha thứ hay một kiểu “lá rụng về cội.” Em không có cảm giác gì về sự “máu mủ ruột thịt.” Đó là một người đàn ông tội nghiệp. Ông không còn khả năng uống rượu hay đánh đập. Nhưng em lại cảm thấy gần gũi với người anh. Em muốn gặp anh ấy thường xuyên hơn. Anh ấy có vẻ đối nghịch với bố.

-Đẹp trai?

-Không, nhưng rất manly.

Tôi cười:

-Anh thấy trước một nguy cơ.

-Cái gì?

-Em sẽ mê hắn.

-Bậy nào.

-Anh nghĩ, với bố, em đừng để sau này phải hối tiếc. Cho dù ông ấy không xứng đáng.

-Ông ấy cũng không tỏ ra hào hứng gì với sự có mặt của em. Đó là một người vô cảm.

-Có lẽ vì ông ấy thấy hư vô trong người rồi.

-Em không nghĩ thế. Ông ấy tàn ác và ích kỷ. Em không cảm thấy điều gì ấm áp, thậm chí phũ phàng. Mệt mỏi.

 

28.

Người anh của Nhị tên Khoa. Anh ta nói với Nhị:

-Cần chuẩn bị cho ba một cái hòm, và một ít chi phí qua bên kia thế giới.

-Anh không có khả năng lo chuyện hậu sự cho ba?

-Ừa.

-Em sẽ lo cái hòm.

Nhị đưa cho Khoa 10 triệu. Anh ta cầm tiền đi mua xe máy Trung Quốc. Ngày ông già chết, anh ta báo tin cho Nhị. Nhị về, anh ta nói giữa cơn say:

-Em thu xếp nói chuyện với nhà đòn giùm anh.

Và anh ta tiếp tục say cho đến khi xác ông già được hỏa táng.

Nhị không bao giờ trở lại căn nhà đó nữa. Quên ông anh, ông bố và giòng máu có mùi cồn.

 

29.

K nói:

-Em cũng không biết ba em có vượt qua được sự phiền muộn không. Ba không uống rượu, cũng không lên chùa, mà trầm mặc câm nín.

Tôi bảo:

-Có lẽ tốt nhất là đưa ba em vào Sài Gòn.

-Em cũng đã từng đề nghị với ba như vậy. Nhưng ba không chịu. Ba nói, tao muốn ở đây để nhìn thấy sự lụi tàn. Em bảo, sợ ba đi trước tụi nó. Ba chỉ cười khan.

Sự oán hờn là độc dược, nó phá hủy tâm hồn con người và làm tàn tạ thân xác. Tôi nhìn thấy sự oán hờn phảng phất trên những khuôn mặt người già và em bé.

 

30.

Khi mới mua được một căn hộ bên Phú Mỹ Hưng, K hỏi tôi:

-Anh muốn qua đó ở một thời gian không?

-Thỉnh thoảng qua chơi với em thì được. Dọn đồ qua đó mất công lắm.

Quả vậy, chính K cũng chưa kịp dọn nhà thì đã có người muốn mua lại. Có lời. K bán luôn. Bị lôi cuốn bởi lợi nhuận quá cao, K lao vào kinh doanh địa ốc. Tôi nói với K, vốn đến đâu chơi đến đó, đừng vay mượn. Nhưng K không nghe. K vay ngân hàng chơi ván bài của đại gia. Quả bong bóng địa ốc xì hơi. K chết đứng. Tất cả mọi tiền lời của mấy quán cà phê trút vào két ngân hàng.

K nói:

-Em không biết phải giải quyết làm sao.

-Nếu còn cầm cự được thì cầm cự. Tôi nói. Chấp nhận bán lỗ để thu hồi vốn.

-Vấn đề là bán không ai mua.

-Phải chờ thôi, chứ biết sao. Cứ coi như thua trắng để lòng nhẹ nhàng.

K cau có:

-Anh lúc nào cũng như người cõi trên. Chán quá.

 

31.

K nói:

-Thật ra vấn đề của em không phải là tiền bạc. Đôi khi, em tự hỏi, tất cả những nỗ lực của em nhằm đạt đến điều gì?

Tôi bảo:

-Có lẽ em lại phải tự làm một cuộc lội ngược về với chính mình.

-Cho dù thế, em tìm lại được chính mình, thì cũng chẳng để làm gì.

-Anh cho rằng phung phí thanh xuân cũng là một cách để sống có ý nghĩa.

-Ý anh là phung phí vào việc gì?

-Có một số lựa chọn: kiếm tiền và hưởng thụ, hoặc theo đuổi một lý tưởng nào đó.

-Cũng chẳng có gì mới.

Tôi chợt nhận ra mình quá giáo điều.

 

32.

T vào Sài Gòn triển lãm, một nửa số tranh của anh bị kiểm duyệt không cho trưng bày. Tuy thế, tranh của anh bán được vì lạ. K cũng mua cho anh một bức và do tôi chọn. Buổi tối, sau lễ khai mạc, T đãi anh em nhậu. Chúng tôi ra khu phố Tây.

T nói:

-Tôi nghe nói lúc này K đang kẹt. Nhưng vì các bạn thích bức tranh đó, tôi sẽ chỉ nhận một nửa giá tiền. Thú thật, đó cũng là bức tôi thích nhất.

Bức tranh có hai con cá đang bơi, dường như chúng đang ngộp thở với vài nét phóng túng xuất thần. Tôi thích bức tranh đó một phần vì tôi tuổi “Song ngư.” Có vẻ như số phận tôi đã nằm trên thớt.

Tôi hỏi T:

-Có phải ông tuổi Song ngư không?

-Không, đó là tuổi của một cô bạn. Một người mà tôi luôn nghĩ ngày mai sẽ không còn thấy nữa.

T cầm ly mời mọi người cạn. Anh nhìn K nói:

-Tôi đang nghĩ đến việc sẽ vẽ tặng K một bức chân dung. Ok chứ?

K nói:

-Anh cũng đang cảm thấy ngày mai em không còn nữa, đúng không?

T gật đầu.

-Em chưa có ý định chết đâu. K nói.

Tôi cười:

-Thật ra, phải mường tượng cái chết như cú nhẩy hay một đường bay… vút một cái đến vô tận.

Nick cười cười, lúc lắc người theo điệu nhạc vẳng tới từ xa.

-Thật tuyệt. Nick nói.

Nhị vòng tay ôm K:

-Chẳng có cái chết nào là tuyệt. Chỉ có bọn làm chính trị và bọn bán hòm là ca tụng cái chết thôi.

Dường như chỉ có Nhị mới nhìn thấy bên trong K như thế nào.

 

33.

Nhị nói:

-K không phải là người yếu đuối, nhưng lúc nào em cũng cảm thấy mình phải bảo bọc K. Em thương K còn hơn người ruột thịt. Cấm anh không được làm nó tổn thương.

-Anh lúc nào cũng muốn làm cho K vui. Như với em.

-Nhưng một cuộc tình nửa vời không phải là cách làm cho đàn bà vui đâu.

-Anh lại cảm thấy điều ấy thích hợp với cả em và K.

-Bởi vì em có chồng rồi. K khác.

-Anh cũng khác.

-K tinh tế và nhạy cảm, nhưng cũng khó tính. Nó không cảm thấy có thằng nào xứng đáng.

-Điều đó là bi kịch. Rất khó tìm thấy hạnh phúc.

-Bởi thế, em thấy nó chơi được với anh tuy không phải là may mắn, nhưng cũng được an ủi. Em sợ dây dưa với anh, nó không lấy chồng được.

-Anh đâu có ràng buộc.

-Đàn ông các anh là một bọn vô trách nhiệm.

-Em cũng biết, K đâu có chọn anh.

-Nhưng nó thương anh.

-Anh chỉ làm cảnh thôi.

 

34.

Mùa hè, Nick về Mỹ hai tháng. Nhị không xin được Visa vì cánh cửa nước Mỹ đóng mở thất thường với một thái độ phân biệt đối xử. Nhị cáu, văng tục:

-Bọn Mỹ bú lồn mình thì được, nhưng vào nước nó, nó đéo cho.

Nhị rủ tôi và K đi xuyên Việt. Cảm giác AQ nhày nhụa. Ở Nha Trang 2 ngày, mất hứng thú vì Nhị bị giật túi xách, mất hết tiền và giấy tờ, chúng tôi quay trở lại. Sau đó, tôi một mình lấy xe máy chạy xuống Bến Cát, một huyện đang lên của Bình Dương với các khu công nghiệp tràn lan, chui vào một phòng trọ heo hút cách huyện lỵ 3 cây số, nằm giữa rừng cây và những ký ức thời thơ ấu.

Tôi muốn tìm cảm giác về một quê hương.

 

35.

Dọc theo con lộ từ Cầu Đò chạy về Bến Súc, những ngôi làng xưa cũ trước ngày ông Ngô Đình Diệm bị lật đổ đã bị chiến tranh tàn phá không còn một dấu vết. Những cánh rừng cao su bạt ngàn cũng đã thay đổi. Tôi cảm nhận được có những linh hồn trong các bụi cây, nhưng tôi không cảm thấy an toàn giữa không khí thanh bình này. Tôi là một người lạ. Và tôi bị rình rập.

Dì tôi bảo: “Con không được lên đó,” khi tôi tạt ngang thăm dì trong huyện lỵ.

Tôi nói: “Con chỉ muốn tìm lại những cảm giác cũ thôi mà.”

Dì bảo: “Sẽ không có cảm giác cũ nào đâu. Cái cảm giác hiện tại mới quan trọng.”

Nhưng bây giờ thì tôi đã đang nằm trên một chiếc võng trong một quán nước ven đường. Có một thanh niên vừa theo tôi vào quán. Tôi vẫn nhớ cái mùi ngây ngây của rừng. Và tôi không muốn quan tâm tới anh ta. Điện thoại của tôi mất sóng. Tôi tự hỏi, liệu có điều gì xảy ra nếu tôi vào sâu bên trong những vòm lá xanh tươi này, nhìn ngắm và nhớ nhung? Có lẽ trong các thứ phiêu lưu, người ta không nên phiêu lưu với “tai mắt của nhân dân.”

Ngay buổi chiều, tôi quay về. Ghé vào một tiệm hớt tóc massage trên quốc lộ 13 và tôi nghĩ mật độ của các tiệm hớt tóc này góp phần không nhỏ vào thứ hạng hạnh phúc của người Việt Nam trên thế giới.[*]

 

36.

Vắng Nick, Nhị đi nhậu và nghe nhạc buổi tối thường xuyên với tôi và K hơn.

Trong quán nhạc, K có một kiểu cách cô tịch đặc biệt. Trong khi Nhị thích nhún nhẩy. Tôi không nghĩ K muốn tỏ ra khác thường. Dường như chúng tôi đang sống với sự trốn chạy.

 

37.

Tôi không hiểu chuyện gì đang đến với K. Cô ít nói hơn.

Tôi đùa:

-Em thành công nhiều rồi. Cũng nên biết mùi thất bại. Hơn nữa sự thất bại này do khách quan nhiều hơn.

-Em vẫn luôn luôn cảm thấy thất bại, chứ không phải bây giờ.

-Đấy chỉ là một ý nghĩ bi quan.

-Không, chưa bao giờ em cảm thấy mình thành công cho cả khi em kiếm được nhiều tiền.

-Rốt cuộc, có một câu hỏi mà em phải tự trả lời. Em sống để làm gì?

 

38.

K vẫn nằm im lìm bất động. Tôi nói với Nhị:

-Có lẽ mình cần phải thông báo chuyện này với gia đình K.

-Em báo rồi. Chắc là nội trong ngày nay, gia đình K sẽ đến.

Tôi hỏi:

-Em có ngại phải trả lời những câu hỏi của gia đình K không?

-Không.

 

39.

Bốn ngày sau, K mở mắt. Đôi mắt lờ đờ sau một giấc ngủ dài. Tôi cầm tay K và nhìn thấy K mỉm cười.

Sau đó K ngủ lại.

Khoảng 2 giờ sau, K mới thật sự tỉnh. K hỏi:

-Em vẫn còn sống phải không?

-Ừ. Và vẫn đẹp như thường. Khuôn mặt em trong giấc ngủ rất thánh thiện.

K cười:

-Anh cũng chẳng khác tí nào.

-Vì anh được sinh ra để tán tụng em mà.

-Cũng vẫn nhảm.

-Ừ.

K đưa tay vuốt má tôi.

 

16.7.2009

 

_________________________

(*) Các báo trong nước đồng loạt đưa tin: Việt Nam xếp hạng 5 thế giới về hạnh phúc.

 

 

 

Nguyễn Viện
Số lần đọc: 2684
Ngày đăng: 31.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đêm Văn Nghệ Đầu Xuân - Trương Hoàng Minh
Mưu sinh - Bạch Lê Quang
Ăn tết ở chùa - Mang Viên Long
Vườn mai - Minh Hương
Lý Toét - Đỗ Ngọc Thạch
Hoa hồng có gai - Huỳnh Văn Úc
Mưa biển - Khôi Vũ
Chuyện vãn với người ở xa về - Vinh Anh
- Tạ Ba
Quán nửa khuya - Nguyễn Đạt
Cùng một tác giả
Thiên tai (truyện ngắn)
Nơi tối tăm (truyện ngắn)
Đại gia (truyện ngắn)
Gió ở lưng (truyện ngắn)
Game Show (truyện ngắn)
Mưa nước bọt (truyện ngắn)
Giữ Chùa Ăn Oản (truyện ngắn)
Lấp lỗ châu mai (truyện ngắn)
Người có công (truyện ngắn)
Người Mất Tích (truyện ngắn)
Ma khúc (thơ)
Ốm vì làm tình (truyện ngắn)
Họa Tiết Của Mùi (truyện ngắn)
Mù Mờ Váy (truyện ngắn)
Bữa Ăn Tối (truyện ngắn)
Chung Quanh Là Biển (truyện ngắn)
Hồi Ức Trong Máu (truyện ngắn)
Quốc Sư (truyện ngắn)
Bữa Ăn Tối (truyện ngắn)