Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.103
123.229.870
 
Chiếc áo bà ba cổ trái tim
Hồ Việt Khuê

Tình yêu như cục đá lạnh, giấu càng kín nó càng chảy nước lênh láng.

Tôi có yêu Tí Lắc không? Hình như là có. Và tôi không giấu được mọi người trong xóm Thanh Long.

 

Trái thanh long được giá lắm, nhờ xuất khẩu đi nhiều nước. Nhà nhà đổ xô trồng thanh long. Đất lên giá vùn vụt, xóm Thanh Long nổi lên, hầu hết là người ở nơi khác đến mua đất lập vườn.

 

Dì ruột tôi mua ba sào đất. Trong khi chờ thanh long cho huê lợi, dì mở quán bán tả pí lù, từ gạo, cá khô, nước mắm đến các thư ăn chơi như bánh kẹo, rượu, thuốc lá…

 

Tôi vừa thi rớt đại học, thất nghiệp, la cà các quán cà phê- vidéo mãi cũng ê ẩm mông, tôi về ở giúp dì chăm sóc vườn thanh long. Xóm Thanh Long là xóm mới, chưa có nhiều quán nên quán của dì tôi bán rất chạy hàng. Dì tôi bán đá lẻ, tiền lời món hàng này tôi được hưởng trọn.

 

Tôi không phải ngồi chặt bán từng cục đá, mà nhiệm vụ của tôi là mỗi sáng đạp xe mười cây số đến nhà máy chở hai cây đá nặng khỏang một trăm ký về ủ trấu, dì sẽ bán dùm tôi. Công việc nhẹ nhàng, có lợi cho sức khỏe của tôi nhờ vận động cặp giò và còn có chút đỉnh tiền tiêu xài.

 

Tí Lắc thường sang nhà dì tôi chơi. Tí làm thuê cho một nhà giàu trên phố, họ lập vườn như một kiểu kinh doanh, cạnh vườn của dì tôi. Hàng tuần, họ tiếp tế gạo, cá cho Tí một lần. Tí lủi thủi một mình trong nhà, ngòai vườn.

 

Một sáng thấy Tí làm cỏ, tôi vác cuốc chui rào sang.

- Tí à, anh với em làm vần đổi công nhen?

Tí cười, khoe mấy cái răng chuột ngộ nghĩnh.

- Đổi công với anh chắc em…lỗ công quá hà!

- Sao vậy?

- Vì anh làm yếu xìu hà!

- Sao em biết?

- Anh coi cà! Làm cỏ cả buổi mà sạch chừng một chiếc chiếu.

Thật vậy, dân học trò chưa quen cầm cuốc, tay tôi chai phồng vì bọn cỏ ngoan cố.

Tôi và Tí thường làm việc chung, cứ mỗi vườn một ngày. Có bữa cắm câu được con cá hay chài được mớ tép, tôi và Tí nấu cơm ăn chung rất vui.

 

Dì tôi và đám em xầm xì dữ lắm. Hàng xóm cũng bàn tán cho rằng tôi và Tí…kết mô đen làm vườn. Mặc kệ! Hai đứa cứ quấn quít không rời.

Một bữa trưa, tôi nằm khòeo đọc báo, thấy Tí xớ rớ, tôi đưa tờ báo cho em.

- Đọc chơi! Có bài viết về cây thanh long này!

Tí thiệt thà:

- Em học mới biết chữ đực chữ cái, bỏ lâu quên hết rồi, đọc đâu được!

Tôi trợn mắt nhìn Tí, chỉ mong em nói giỡn. Sau tôi hiểu, Tí không được đi học vì nhà nghèo, cha bị tai nạn mất sớm, không vườn tược, mẹ con Tí phải làm thuê mướn nuôi hai em nhỏ sống qua ngày.

 

Tôi dạy Tí học. Lúc đầu em ngượng ngùng không chịu, tôi nói khích:

- Mười sáu mười bảy rồi mà không biết chữ làm sao viết thư cho bồ?

Tất nhiên không phải vì thế mà em chịu học. Có lẽ vì em thấy tôi nhiệt tình muốn giúp em.

Hàng đêm, tôi làm gia sư cho cô học trò súyt sóat tuổi thầy. Tôi mua sách Tiếng Việt lớp Một dạy em. Quả là em đọc chưa thông những vần khó.

 

Một đêm, Tí nhờ tôi đọc một lá thư của kẻ nào đó quăng vào nhà em. Thư tình. Thằng con lão chủ quán cà phê xóm dưới viết thư xin Tí chút tình yêu. Tôi đọc cho Tí nghe, lược bỏ những câu mùi mẫn…vì ghen. Mặt tôi nóng bừng, tôi nhìn Tí chăm bẵm dò xét, còn em ngôi trơ trơ, phán:

- Đồ cà chớn! Con nít mà bày đặt.

Tôi mừng thầm, gài bẫy:

- Em trả lời không?

Tí lắc đầu:

- Hơi đâu!

Ngập ngừng, rồi Tí thỏ thẻ:

- Khi nào em biết viết rành rẽ, em sẽ viết lá thư đầu tiên cho anh.

Tí nói xong, mặt cúi gằm, tay cầm cây viết chì chợt run bần bật. Tôi lật đật chụp tay em. Khi Tí bớt run, em can đảm nhìn thẳng vào mắt tôi. Bỗng dưng, trước ánh mắt của em, tôi nghe người mình nhẹ tênh, bay bổng. Một cảm giác lâng lâng khiến tôi ngồi đờ đẫn, tay bóp chặt bàn tay to bè của em.

 

Mấy đêm sau, khi dạy Tí học xong, tôi chui rào về nhà dì, nằm chưa chợp mắt đã nghe Tí kêu thất thanh. Cả nhà dì tôi chạy sang. Tí thở hào hển, kể:

- Em sắp ngủ thì nghe lục đục dưới gầm giường…

Từ đêm đó, Tí sang ngủ với các em con dì tôi, còn tôi ngủ giữ nhà cho Tí. Tí nói riêng với tôi, thằng ăn trộm là con lão chủ quán cà phê. Tôi biết nó định ăn trộm thứ gì.

 

Có công chở đá, có ngày thành…nhà vô địch đua xe đạp. Huyện tổ chức cuộc đua xe đạp tay cầm ngang nhân ngày đại hội nông dân, xóm Thanh Long cử tôi tham gia. Tôi không hào hứng gì nhưng Tí động viên tôi dữ lắm.

- Em biết thế nào anh cũng đọat giải hà! Tí nói chắc nịch như bánh xe của tôi đã cán qua lằn sơn về đích- Vì ngày nào anh cũng dượt cả mười cây số mà.

 

Thật vậy! Những tay đua phong trào kia làm sao qua mặt tôi được, khi tôi dượt đều đặn cả năm nay. Tôi đọat áo vàng dễ dàng, bỏ xa người về nhì cả cây số vì trên đường đua, tôi tưởng tượng mình đang chở hai cây nước đá và ráng sức đạp hết tốc độ để đá không chảy nước.

 

Phần thưởng cho nhà vô địch là xấp vải đủ may cái áo và số tiền đủ trả tiền công may. Tôi tặng xấp vải cho Tí. Em cảm động lắm. Tôi phải nài nỉ mãi em mới chịu nhận. Còn số tiền khiêm tốn tôi nhờ Tí nấu xoong chè để đãi các em con dì tôi và Tí.

 

Nhờ chăm sóc, bón phân, tưới tắm đầy đủ nên thanh long mới hơn năm đã ra hoa, đóng trái chiến. Hoa thanh long như hoa quỳnh, chỉ nở về khuya và sáng, khi mặt trời lên đã vội héo tàn. Đêm đó, ăn chè xong, các em tôi rút về trước để tôi và Tí được tự do trò chuyện.

 

Hai đứa bắc ghế ngồi ngay bên trụ thanh long, vừa đập mũi đen đét vừa chờ xem hoa nở. Trăng lưỡi liềm treo nghiêng, xanh xao và mờ hơi sương. Nói chuyện thiên- trời, địa- đất, tử- mất, tồn- còn mãi cũng chán, tôi gạ Tí hát vọng cổ nghe chơi. Em hát vọng cổ nghe ngọt lịm. Tôi không ngờ em có giọng hát ấm áp và truyền cảm:”Đời xui em tô phấn nhuộm đào, cho thân em héo rũ giữa mùa xuân tươi…thắm”.

Tôi hỏi:

- Em hát chi bài buồn vậy?

Tí bẽn lẽn trả lời:

- Em nhớ đâu hát đó, anh để ý làm gì!

 

Chợt một mùi hương ngan ngát thỏang lại. Tôi và Tí chạy đến bên một búp thanh long vừa cựa mình rủ những cánh dài thanh mảnh, trắng muốt. Với tôi, hoa thanh long không có gì hấp dẫn cả, mà làm sao có hoa nào hấp dẫn hơn hoa Tí Lắc của tôi, có điều tôi bày trò xem hoa nở là để dễ nói lời từ giã với em. Tôi đã nhận được giấy gọi đi làm trong ngành đường sắt.

 

Nhưng mãi đến buổi sáng xách khăn gói lên đường tôi mới từ giã Tí. Em nhìn tôi với ánh mắt không tin chuyện tôi xa em là có thật. Tôi khổ sở diễn tả cho em hiểu nỗi lòng của mình.

- Anh không thể…bán đá lẻ mãi. Anh đi làm. Anh muốn tìm một cơ hội để thay đổi cuộc đời mình.

Tí ôm chầm tôi, khóc sướt mướt.

- Em biết anh…chê em mà!

Cái xắc nặng trĩu trên vai tôi trật dây mang rớt cái phịch xuống đất. Tôi luống cuống dỗ Tí. Lần đầu tiên tôi vuốt tóc em.

- Anh có gì hơn em đâu mà chê. Có điều…

Tôi muốn nói với Tí rất nhiều nhưng không thốt nên lời. Tôi sụt sịt khóc theo em. Tôi hiểu tình cảm của em dành cho tôi, nhưng hai đứa quá non trẻ và quá sớm để tính chuyện nào đó xa hơn tình bạn. Tôi chỉ hứa hẹn:

- Tí đừng buồn. Anh sẽ về thăm em. Chờ anh nghen!

 

Tí lau nước mắt bằng ống tay áo và cười mếu máo. Em siết chặt tay tôi, ngầm thay lời hẹn hò.

Gần một năm sau, được nghỉ phép, tôi về thăm Tí. Người chủ của Tí đã bán vườn thanh long và không ai biết Tí đi về đâu. Trái thanh long vẫn còn xuất khẩu nhưng nhiều người sợ như cà phê và hồ tiêu tới một lúc nào sẽ không còn bán được giá cao nữa nên họ bán vườn lúc còn phong trào. Tôi tìm về quê Tí nhưng chỉ gặp má của em. Má Tí cho biết em đã theo bạn lên Sài Gòn. Lâu nay em không về thăm nhà, chỉ thỉnh thỏang gởi tiền nhờ người mang về cho má. Má không có địa chỉ của em.

 

Má Tí trao cho tôi bức thư em gởi cho tôi từ lúc mới lên Sài Gòn. Tôi hồi hộp xé bao thư, đọc ngay:

“Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Độc lập, Tự do, hạnh phúc. Thưa anh Khuê. Anh còn nhớ không hay anh đã quên con Tí Lắc này rồi. Em ở nhà chơi cả tháng nay. Thấy má và em không đủ gạo ăn em khóc hòai. Sẵn có con bạn làm trên Sài Gòn về thăm nhà, nó rủ đi làm em liền theo nó. Sấp vải anh cho em may cái áo bà ba cổ trái tim, em chưa mặc lần nào vì muốn có mặt anh để anh coi em mặc có đẹp không? Em nhớ lúc mình ở chung xóm Thanh Long quá hà. Anh có còn nhớ em không? Chữ em viết gà bươi quá hả? Đây là lần đầu tiên trong đời em viết thư mà. Anh ráng đọc nghen. Trong lòng em lúc nào cũng nhớ anh. Người em nhỏ bé của anh. Tí Lắc”.

 

Nửa năm sau tôi về tìm em lần nữa. Má không biết tin tức gì về em, ngòai những lời thăm hỏi mà người mang tiền về cho má nói lại. Lần này tôi thấy gia đình em sống sung túc hơn. Mái lá mục nát đã được thay bằng tôn. Má không còn làm thuê mướn nữa, má bán thuốc lá và bánh kẹo trước nhà, cô em gái được đi học may, còn cậu em trai thì học sửa xe cúp. Má nói tất cả nhờ em dành dụm gởi về.

 

Tôi tạt qua thăm dì và các em. Xóm Thanh Long còn tên nhưng thành phố mở rộng, khu đất hoang ngày xưa trở thành phố chính. Nhiều ngôi nhà tầng tráng lệ mọc lên. Giá nhà đất ngày lên năm bảy giá. Dì tôi nghiễm nhiên trở nên giàu có. Không còn một dấu vết nào cho tôi tìm lại những ngày cùng làm cỏ, ăn cơm, vui đùa cùng Tí Lắc.

 

Có những buổi chiều thả rong trên đường phố, ngang những quán đèn mờ xập xình tiếng nhạc và tiếng chào mời của các cô tiếp viên, tôi lạnh mình nhớ lại câu vọng cổ ngày nào vô tình Tí Lắc đã hát cho tôi nghe: “Đời xui em tô phấn nhuộm đào, cho thân em héo rũ giữa mùa xuân tươi…thắm”.

 

Tôi không nghĩ xấu cho Tí Lắc. Tôi chỉ biết cầu nguyện cho em đừng sa ngã giữa chốn phồn hoa. Em không tiền bạc, chỉ mới biết đọc biết viết, hẳn em phải chật vật lắm mới dành dụm được tiền gởi về nuôi má nuôi em. Em chỉ có chút nhan sắc làm vốn liếng, chút nhan sắc em đã cho tôi nhưng tôi lần lữa chưa dám nhận. Bây giờ tôi muốn nhận thì em đã đi xa.

 

Tí Lắc ơi! Anh có còn dịp nào nhìn em mặc chiếc áo bà ba cổ trái tim mà anh biết là em còn mãi mang theo bên mình./.

 

Hồ Việt Khuê
Số lần đọc: 2405
Ngày đăng: 09.02.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mưa nước bọt - Nguyễn Viện
Chuyện động trời - Huỳnh Văn Úc
Điệu múa của sóng - Khôi Vũ
Luân hồi - Huỳnh Văn Úc
Táo quân truyện - Đỗ Ngọc Thạch
Ba con chó trong đời Ada - Phạm Nguyên Trường
Mùa xuân năm ấy - Trần Minh Nguyệt
Đi về những rạng đông - Thiện Phạm
Trái dưa tây lép - Khôi Vũ
Cô ấy cho rằng tôi nhảm - Nguyễn Viện