Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.148
123.226.131
 
Vợ tôi cũng bị lừa
Vinh Anh

Nói thế là không phải với vợ. Vợ tôi vốn sắc sảo và tinh nhanh nhất trong các cô dâu của nhà tôi. Ai cũng công nhận điều đó. Đặc biệt ông anh cả tôi, ông ấy tín nhiệm cô em dâu đến mức kì quái, nghĩa là không thèm nghe ý của tôi mà lại xem ý của em dâu, rồi thì có quyết gì mới quyết. Quyết ở đây là quyết định làm một vấn đề gì đó có liên quan đến cả họ. Cũng may mà họ của nhà tôi bé tí. Nếu mà nó lớn, nó nhiều chi, nhiều can, nhiều nhánh thì có lẽ vợ tôi oai đến không còn coi tôi có ở trên đời nữa.

- Đời bây giờ nhiều cái khác xưa lắm- Ai cũng nói với tôi cái kiểu đó. Cái kiểu nói mà tôi rất ghét. Lớn bằng ngần này rồi, chững chạc mọi bề, ít ra cũng có cái địa vị mà vợ tôi không có, anh cả tôi không có, em trai tôi còn nhỏ cũng không có, vậy mà cứ phải nghe cái giọng răn dạy. Bực cả mình! : “ Nó khác thời các ông lắm rồi, bây giờ chúng nó nhanh nhạy, cứ lớ ngớ, tin người như ông rồi có mà ăn cám”.

 

Tôi cũng chưa bị ai bắt nạt bao giờ. Cả cái ngày còn bé vẫn lẽo đẽo đi bộ ba bốn cây số mới tới trường học. Phải đi qua biết bao nhiêu là trạm gác, mai phục. Bọn trẻ con phục kích tôi mấy lần ở vườn hoa. Choảng nhau thì choảng, sợ gì! Tôi bỏ cặp sách xuống bãi cỏ, cởi áo và chiến đấu với ba đứa. Chúng nó “chơi” tôi vì tôi học giỏi hơn chúng nó. Bất phân thắng bại, dù chỉ có mình tôi đơn thương độc mã. Nói thực ra thì tôi cũng bị đau, bị sưng ở má, vết bầm tím hôm sau mới xuất hiện. Tôi chiến đấu cho đến khi có người lớn chạy đến can, bọn kia bỏ đi(bây giờ mà thấy được người lớn can trẻ con làm điều xấu, nói điều xấu là khó lắm đấy, của độc đấy). Nói vậy là ý muốn nói, bản thân lí lịch của tôi cũng có một thời vinh quang, một thời hào hùng lắm đấy chứ.

 

Nghe vợ tôi kể chuyện, ngày xưa hắn cũng vào loại đầu gấu của thôn. Bé loắt choắt, còi cọc vì chiến đấu chiếm cứ đất đai, chiếm đất để tăng gia cải thiện,  thả rau nuôi lợn tích vốn làm giàu. Chẳng là đất đai là của tập thể, nhưng trong đất đai, ngoài cái loại có thể cầy cấy làm ra hạt thóc, hạt gạo thì cánh đồng làng con vô số chỗ không phân chia được, chỗ đó là chỗ trú ngụ của mấy con trạch, con cá bằng ngón tay út sinh sống, rau ngấp ngo mọc. Thỉnh thoảng, bọn trẻ con lại hò nhau tát. Cứ chuyển qua vụng này, vụng khác, quanh năm có lúc nào thiếu cá đâu. Trong những phi vụ như vậy, vợ tôi luôn đóng vai chính. Vợ tôi mò cá, bắt cua trong lỗ rất giỏi. Hình như cũng từng được giải nhất của thôn. Rồi thì bọn trẻ con suy tôn làm “chị đầu gấu”. Chỗ nào cá tôm có thể sống được là bọn trẻ thôn tôi chiếm hết. Trong thôn có “đầu gấu” mà lị. Nói chuyện đó cũng để chứng tỏ vợ tôi tinh ranh từ nhỏ, mấy ai bắt nạt được, huống hồ còn có mà dám lừa.

 

Ây vậy mà bị lừa. Bị lừa dai dẳng, hết vụ này đến vụ khác. Bị lừa mà vẫn đinh ninh mình không thể bị lừa. Vẫn đấu tranh để bảo vệ cái thằng nó lừa mình. Khốn nạn cái thân đời là thế!

 

Đất nước mình từ ngày chuyển đổi cơ chế từ quan liêu bao cấp sang thị trường cạnh tranh thì có nhiều thứ thật giả, lẫn lộn khó tin lắm. Bất cứ chuyện gì cũng có tiếp thị với quảng cáo, khuyến mãi với hậu đãi. Tiếp thị là để giảng giải cho mình hiểu, mình biết và mình dùng. Nhưng mà bây giờ nhiều thứ cao siêu, nghe mà chả hiểu, đặc biệt nhất là trong lĩnh vực tài chính với thông tin. Một đằng thì là biểu hiện của sự giàu có, sung túc, mọi lời nói ra đều được đảm bảo bằng vàng. Cứ như các cụ ngày xưa nói: “Miệng nhà quan có gang có thép” ấy.  Những ư là cổ tức với cổ phiếu, những ư là index với Nasdag, những ư là ngập ngừng với xuyên thủng, nghe mãi cứ tưởng như cái thời mình đang đánh nhau vv.. vv .. Còn một đằng là biểu hiện của sự hiện đại, thời thượng. Tôi dám chắc các cụ cỡ lục tuần, cứ nghe con cháu đến Game, đến chat, rồi khi thì meo, khi thì nét, kèm vào đó lại sổ ra mấy cái tiếng Tây như hot như hit, như life như night, như show như shop thì chỉ một chốc thôi , các cụ cứ là choáng hết cả đầu. Bọn trẻ bây giờ nó tiếp thu nhanh lắm, bắt chước càng nhanh. Cái tốt không biết đâu chứ cái xấu là đang rập rình trước cửa mỗi nhà rồi đấy. Mà tôi rất lạ, bao nhiêu kẻ làm công ăn lương nhà nước ngồi đó, chễm chệ ngồi đó, dân đến là cứ phải khúm na khúm núm, đầy ra đấy mà cứ động vào đâu là có vấn đề ở đó. Suốt từ cơ quan tối cao cho đến cái anh phường anh xã, chỗ nào đụng vào là chỗ ấy thối. Ây vậy mà cứ phải nói “cán bộ mình nói chung là tốt, cơ bản là tốt”. Tốt thì nó thể hiện ở việc làm hàng ngày ấy chứ, nó thể hiện ở lòng dân yêu mến và tin tưởng ấy chứ. Nhưng mà tôi là dân thống kê, tôi nói như vậy cũng là nói bừa, ai nói cái dạng chung chung như tôi cũng là nói bừa. Ta có số liệu điều tra về lòng tin đâu. Ông nói vậy, tôi biết vậy. Ông có chức lớn, tôi là dân đen, tôi phải nghe thôi.

 

Vậy vợ tôi làm sao mà bị lừa. Con cà con kê mãi vẫn chưa biết hắn bị lừa ra làm sao mà lại là bị lừa triền miên. Đây, tôi xin kể cái phi vụ bị lừa thứ nhất.

 

Vợ chồng chúng tôi không còn trẻ, cũng chưa hẳn đã già. Ơ phường chúng tôi có phong trào thể thao rất mạnh. Mà đã là thể thao, ở nước ta lại có cái đặc biệt của nó. Một là, trẻ bé tí, còn đi học phổ thông thì phải tập thể thao trong các giờ qui định của nhà trường, người càng lớn cái “độ thể thao” càng bé đi, càng lười đi; hai là, các cụ đã gần đất xa trời, ham sống lắm, sợ chết lắm. Vậy thì phải tập. Bọn trẻ con thì tập phất pha phất phơ, đứng uốn oéo theo nhịp trống, nhịp hô cho hết gìơ. Các cụ già thì tập điều độ và kèm theo đó là chế độ kiêng khem, hoặc theo sách chỉ dẫn, nên dùng thứ gì, bỏ thứ gì, thể hiện rõ ràng trong thực đơn hàng ngày. Vợ chồng tôi thì chẳng còn trẻ, đương nhiên, nhưng chưa gọi là già, cũng đương nhiên. Vì vốn người ta chỉ thích khen mình trẻ mình đẹp, chứ ai muốn nhận là già là xấu đâu. Y thức là như vậy, nên thái độ cũng phải theo cái chỉ đạo đó. Tập tành chúng tôi không có giờ giấc nghiêm chỉnh như bọn trẻ con, ăn uống bọn tôi không có thực đơn nghiêm ngặt như các cụ già. Vì thế mới bị lừa. Chúng tôi bị quán bia lừa. Tập thể dục xong, uống một vại, phấn chấn hơn thì uống hai vại, gặp bạn bè thì uống thêm vài vại nữa. Bia nhà hàng quen. Mang danh bia Pháp, bia Đức, toàn là đại diện duy nhất có mặt ở Việt Nam, cơ sở duy nhất được phân phối và có bằng sáng chế nọ kia đủ kiểu. Quảng cáo  như thế là số một rồi còn gì. Cửa hàng thì gần nhà, chủ quán và vợ tôi cứ gặp nhau là gật đầu chào, và còn nở nụ cười toe toét. Kẻ vô tư như tôi nhiều lúc cũng lấy làm phật ý.

 

Vậy là hàng ngày chúng tôi uống bia Pháp, bia Đức. Phải cái hôm trời nóng,  mồ hôi nhễ nhại, uống vại bia tỉnh cả người, vừa rẻ tiền, vừa mát ruột, mát gan, mát tim, mát phổi.

 

Bên hàng xóm có cô bé nhà nghèo. Nhà nghèo  mà lại học giỏi. Giỏi như thế nào cũng chẳng ai biết. Dân mình chỉ được cái đồn thổi là giỏi. Khen thì khen lên đến giời, chê thì chê đến đất đen, bùn cát. Mọi người chỉ nói thầm với nhau, con bé đó sắp được đi Tây, được nhận học bổng, được tài trợ… Nó học cái gì hàng xóm cũng chẳng mấy người biết, trường nào cũng chẳng mấy người hay. Vợ tôi sang chơi, hỏi thăm mới biết nó học về rượu bia, hay đại loại là cái gì đó có liên quan đến bia rượu. Nó nói với vợ tôi là không nên uống những thứ mà vợ chồng tôi đi tập thể dục về hay uống, mất vệ sinh lắm đấy, không an toàn đâu.

 

Ngày xưa, vợ tôi học chả đến nỗi nào. “Nếu có điều kiện như chúng mày bây giờ, tao cũng chả có thua kém ai”. Vợ tôi thường nói với bọn trẻ như vậy. Cái gì vợ tôi cũng biết. Tham gia tất cả các trò chơi trên vô tuyến truyền hình với điểm số rất cao. Tôi rất ghét các trò chơi trên đó, đặc biệt là cái trò “Hãy chọn giá đúng” hay là “ Vào bếp với người nổi tiếng”. Chọn giá thì tôi thua rồi. Vợ tôi có biệt tài về nhớ giá. Có những thứ mua từ củ tỉ âm ti thủa nào mà hắn vẫn nhớ. Chẳng hạn như cái tủ lạnh hai mươi năm vẫn chạy tốt nhà tôi vẫn đang dùng, hay cái máy giặt cũng cỡ hai mươi năm. Mụ ta nhớ đến cả con số lẻ hồi mua đã phải trả, cả tiền thuê xích lô chở chúng về nhà, cả tiền boa cho cậu đến hướng dẫn xử dụng. Tôi cứ trêu hắn: “Bây giờ mà có nói sai đến cả triệu thì cái nhà này cũng chịu, lấy ai làm chứng…”. Mụ ta còn thể hiện cái tài nhớ từ rất xa nữa kia, từ cái ngày hắn đi học nghề ở cái nước Tiệp xa xôi và lạnh lẽo. Hắn mang về cho tôi mười chai bia, giá mỗi chai là mười cu-ron. Bia thì rất ngon rồi. Chắc là có I.S.O thật bảo đảm. Mọi người hãy nhớ là hồi đó không có bia xả láng như bây giờ đâu, có bia cũng chẳng có tiền mà mua đâu. Cho nên uống bia mà cám ơn vợ suốt. Bây giờ vẫn vậy, mỗi lần vui vẻ mang bia ra uống lại nhớ cái thời nghèo khó thế mà lại có cơ hội được uống bia Tiệp. Thế còn bia Pháp và Đức mà bây giờ chúng tôi uổng nó thế nào ? Nó là thứ bia rất mất vệ sinh. Vợ tôi đã được con bé hàng xóm giác ngộ.  Cô không biết chứ, nếu có đến các lò bia này thì mới biết, các chú các bác chắc chẳng tin, cái thứ mà làm nên bia  ấy, gạo chẳng ra gạo, thóc chẳng ra thóc, được ủ trong mấy cái bể xi măng, công nhân chân đi ủng cao su, cầm xẻng đảo. Vài hôm sau men ngấm, cho vào lò áp suất nấu. Vậy là có cái thứ nước màu vàng sánh gọi là bia. Dân nghiện bia ở Hà Nội gọi nó là bia cỏ, uống vào vừa nhức đầu, vừa có thể mang một nguy cơ tiềm ẩn có hại cho sức khoẻ. Cái nụ cười của lão chủ quán đã hại vợ chồng nhà tôi. Nhưng mà suy cho cùng, không phải chỉ có vợ tôi bị lừa, cả dân uống bia hơi ở Hà Nội này bị lừa. Bia Hà Nội xịn và các loại bia cỏ, pha lẫn vào nhau, tuỳ theo từng loại khách, có thể lẫn bảy mươi phần trăm bia cỏ vào bia xịn Hà Nội đấy, tất cả được để vào hầm đá lạnh buốt. Khi uống, cái mát lạnh nó làm ta quên hết tất cả, gì mà chả ngon. Đương nhiên là bia Hà Nội cũng có I.S.O, nhưng dù có vào cửa hàng giới thiệu sản phẩm của chính hãng, đã chắc gì được uống bia xịn. Ơ xứ ta là vậy ! Cuộc sống mà. Mỗi người có một cửa, đừng chen lấn xô đẩy nhau. Để khỏi bị lừa, vợ chồng tôi quyết định không uống bia vỉa hè lang thang nữa. Đã uống thì uống cái loại đã được đóng hòm đóng hộp nghiêm chỉnh. Tôi còn cảnh giác và nhắc khéo vợ tôi, đừng uống vì nụ cười tươi hơn hớn đó nữa. Đấy là một chuyện, chuyện xảy ra hàng ngày, nói mãi cũng nhạt. Tôi nói càng nhạt.

 

Lại chuyện bị lừa khác nữa, chuyện thứ hai. Cũng là vợ tôi thôi. Con người cứ nhanh nhẹn, thì mọi việc nó phải đến tay, phải làm và vì thế mới bị mắc”. Cứ như tôi á, còn khuya. Bọn thợ lừa nhìn thấy tôi là chết đói.

 

Chuyện là thế này :

Đất nước ta đã mở cửa từ mấy chục năm nay rồi. Những ngọn gió tươi rói thổi vào làm đất nước đổi mới, cuộc sống dân tình đổi mới. Mọi người cứ hay nói chính trị, chứ ông bà dân đen, cu li thì không thích nói cái chuyện đó. Cứ cụ thể vào bát cơm, thay đổi là ở đó, đổi mới là ở đó. Các bác mà có vặn vẹo em, bảo em không có lập trường quan điểm thì em cũng chịu. Có mở cửa thì mới thấy ta quá lạc hậu. Nhà máy vợ tôi làm đường đường đứng đầu danh sách của một cơ quan to đùng, hàng năm thu về bao nhiêu là lãi. Vậy mà bỗng chốc sản phẩm làm ra trở nên lạc hậu. Thế giới nó không dùng nữa. Phải thay đổi công nghệ, thay đổi thiết bị. Tiền ở đâu? Không có vốn đầu tư. Công nhân bắt đầu cuộc sống lay lứt. Lãnh đạo và những nhân vật có chức sắc thì gặm vào C trong cái công thức bất hủ của Mác. Vợ tôi được nghỉ tự do, tự lo lấy công ăn, việc làm mà sống. Phải cái nợ là vợ tôi vốn nhanh nhẹn. Nhanh nhẹn cũng có cái hại của nhanh nhẹn, vì vẫn là biên chế của nhà máy nên công nhân vẫn tín nhiệm bầu vào mấy cái tổ chức để bảo vệ quyền lợi của người lao động, của quần chúng. Vợ tôi có chân trong công đoàn, ban kiểm tra, và cả phụ nữ nữa. Nếu mà trẻ hơn một chút, chắc hắn cũng có chân trong đoàn Thanh niên. Người như hắn là phải biết nhiều thông tin lắm, quan trọng lắm. Tôi cười xì: “Quan trọng thì nó đã chẳng cho về sống tự do…” Vợ tôi nghe cũng ớ cả người ra, tôi phải vội thanh minh: “Nhưng mà khó khăn, mỗi người phải chịu một chút…mình là lãnh đạo, mình phải gương mẫu…”. Vậy là vợ tôi bị tôi lừa. Nó mà nổi đoá lên thì chết.

 

Tôi chẳng là lãnh đạo gì hết, tôi là chuyên viên quèn nhưng ở cơ quan cấp trên. Họp hành với tôi là thường xuyên. Mỗi cuộc họp, phát biểu một ý kiến vô thưởng, vô phạt và cuối cuộc họp, vui vẻ cười rất xã giao, nhận phong bì một hai trăm nghìn là chuyện thường. Vợ tôi bất bình về chuyện đó. Liên hệ lại cái nhà máy của mình, vợ tôi nói, chị em công nhân làm cả tháng trời lĩnh năm, sáu trăm, giỏi thì một triệu. Vậy mà các ông nhận phong bì ngon thế. Tôi bảo ở đâu mà không như vậy, ngay ở cả nhà máy của em đấy, có cuộc họp nào là không phong bì. Chỉ có điều em không biết cái ruột nó là bao nhiêu thôi. Mà đã vào phong bì thì chỉ có chủ và khách biết. Hiểu nhau nhất sẽ là những phong bì có độ nặng khác thường. Mọi người biết cả đấy. Chỉ có vợ tôi mang tiếng chức nọ, chức kia, toàn là những chức đại diện cho người lao động, người lao động tin tưởng, gửi gắm thì không biết, hoặc có biết thì cũng lơ mơ. Có bao giờ được làm cụ thể cái việc đó đâu mà biết. Thế mới gọi là bị lừa. Bị lừa liên tục, có hệ thống. Tôi còn kể thêm một chi tiết nữa để vợ tôi, người đại diện ưu tú của những người lao động “mở mắt”:

- Em có biết chỉ thị về quà tết có từ bao giờ không? Không hở, vậy là lãnh đạo nhỏ mà đã quan liêu rồi đấy nhé, làm lãnh đạo lớn hơn chắc sẽ tội nặng hơn đấy. Từ lâu rồi, rất lâu rồi và còn có cả trong một khoản qui định của luật pháp nữa đấy. Ây thế mà mọi sự cứ như chẳng có gì xảy ra, trước ngày lễ tết, các báo lớn và tất nhiên người làm công tác lãnh đạo này đều biết, không thể không biết, mà nếu nói không biết thì có thể lập tức cho về vườn. Nó cứ mặc nhiên xảy ra, khi báo chí và các loại chỉ thị thông tin(nhắc lại thông tin) chưa ráo mực, những lời nhắc nhở vẫn còn văng vẳng bên tai. Một chuyện nhỏ trong một cơ quan nhỏ, nhưng lại liên quan đến luật pháp, là thế này: Những ngày giáp tết, bọn công chức lau nhau đã bắt đầu bàn tán về chuyện phải “tết” sếp. “Tết” như thế nào, có ý đồ gì, những công chức quèn hạng “tép” đó đã có một sự trao đổi sơ sơ vối nhau. Chung qui thì cũng chỉ là gói quà bao nhiêu, phong bì bao nhiêu. Nên đi tập thể hay đi cá nhân. Xôn xao mà lại rất bí mật. Mặt mũi ai cúng tỉnh bơ. Chỉ có những cuộc trao đổi ngầm mà đến thánh cũng chịu, các công chức quèn vẫn đến nhà sếp, rất trật tự.  Vẫn lễ tết và vẫn chẳng có chuyện gì xảy ra. Nếu có đụng nhau trước cửa nhà sếp thì cười và nhường nhau. Cái trật tự có được là nhờ ở cái “thông tin thời hiện đại”. Em có tin có cái chuyện đó không? Công chức mà, bởi tôi cũng đang là công chức nên tôi cũng am tường nó lắm. Đã là công chức thì phải có khách gõ cửa những ngày giáp tết. Chỉ nghe tiếng gõ cửa là biết, tiếng điện thoại là biết. Công chức rất hiểu nhau. Việc ai người nấy lo, mọi người vẫn cứ bình thường và cần cù làm việc. Công chức cũng đang lừa nhau. Im lặng cho mọi việc trôi qua, ai cũng có phần của mình. Chẳng thế mà cơ quan luôn đạt danh hiệu “đoàn kết nhất trí”.

 

Nhưng rồi tết cũng qua, mọi chuyện trở lại bình thường thật sự, những chuyện vui và bí mật về mấy ngày tết lại được kể lại với những nụ cười, có khi pha vào đó là cả nụ cười đau khổ. Em có thấy thông tin nào “hay hay” trên báo chí  về mấy ngày tết? Có, nhưng mà “ông báo chí” cũng chỉ có mấy cái tranh biếm hoạ mà thôi. Sự đấu tranh vẫn còn “mỏng manh” lắm, bởi chúng ta đã xác định nó là cuộc đấu tranh gian khổ, lâu dài, quyết liệt và đầy khó khăn mà.

 

Vợ tôi im, vợ tội đang chờ câu tôi nói: “ Em lại bị lừa!” Nhìn cái bộ tạng của hắn, tôi không muốn nói. Tôi đang muốn an ủi hắn. “Cái quí nhất em có được là ở lòng tin, những người lao động vẫn tin em, tin thật sự”. Nhưng tôi không nói được, tôi thấy tôi như cũng đang lừa vợ tôi. Có mấy ai có được sự trong sáng như  những công nhân vợ tôi đâu. Chỉ phải mỗi cái tội, vợ tôi hay bị lừa quá, dễ bị lừa quá./.

Vinh Anh
Số lần đọc: 2563
Ngày đăng: 11.02.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chiếc áo bà ba cổ trái tim - Hồ Việt Khuê
Bây giờ xuân mới đến - Trần Minh Nguyệt
Mưa nước bọt - Nguyễn Viện
Chuyện động trời - Huỳnh Văn Úc
Điệu múa của sóng - Khôi Vũ
Luân hồi - Huỳnh Văn Úc
Táo quân truyện - Đỗ Ngọc Thạch
Ba con chó trong đời Ada - Phạm Nguyên Trường
Mùa xuân năm ấy - Trần Minh Nguyệt
Đi về những rạng đông - Thiện Phạm
Cùng một tác giả
Mưu sinh (truyện ngắn)
Chuyện vặt (truyện ngắn)
Lão và hắn (truyện ngắn)
Phượng (truyện ngắn)
Công chức (truyện ngắn)
Gặp lại ngày xưa (truyện ngắn)
Lời từ nơi hư ảo (truyện ngắn)
Vào hội (truyện ngắn)
Bãi giữa (tạp văn)
Mùa thu (tạp văn)
Người quê (truyện ngắn)
Nhớ làng (truyện ngắn)
Bạn thời lính (truyện ngắn)
Ánh mắt sông quê (truyện ngắn)
Ngõ nhỏ ngày xưa (truyện ngắn)
Đất làng (tạp văn)
Ở rừng (truyện ngắn)
Chuyện tình kể lại (truyện ngắn)
Hai thằng nó và tôi (truyện ngắn)
Hương vô tình (truyện ngắn)