Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.147
123.225.595
 
Bụi tre xanh
Dương Phượng Toại

Bà Hoa lục cục dậy từ sớm đem thúng gạo nếp mới xát chiều qua ra ngâm để chuẩn bị công việc gói bánh chưng. Chỉ còn ngày nữa là năm hết Tết đến. Năm nào cũng vậy, có năm mất mùa khó khăn mấy bà cũng cố gói cho được nồi bánh chưng để giao thừa bày cỗ cúng tổ tiên. Sau đó cả nhà quây quần ăn miếng bánh sang canh, nói chuyện làm ăn của một năm đã qua và những dự định cho năm tới. Đêm Ba mươi, ngồi bên bếp lửa củi trông nồi bánh sôi, chờ giờ khắc trời đất chuyển giao, lòng dạ bà vẫn nao nao như thuở còn thơ bé. Trong tiếng lửa reo phần phật bà nghe rõ tiếng còi tàu ngoài cửa sông vọng vào, tiếng làn gió xuân từ đâu xa lắm đang nhẹ nhàng lướt tới. Nghe rõ cả tiếng thì thầm tách vỏ trong đêm của chồi non, nụ hoa và cả tiếng mỏ những con chim non cựa quậy chờ hót buổi sớm xuân...

 

Lá dong đã mua sẵn mấy cuộn tươi xanh. Thịt, hành, đỗ xanh chỉ cần chế biến làm nhân nữa là có thể ngồi đàng hoàng mé sân gói bánh. Bà chợt nhớ: Lạt tre, lấy ở đâu ? Chả lẽ lại gói bánh bằng dây nilon? Đang băn khoăn suy tính thì ông Tài, chồng bà ngồi ở bộ tràng kỷ nói ra:

- Bây giờ thiên hạ bung ra đủ thứ dịch vụ. Bánh chưng, bánh dày, bánh gio ngoài chợ, ngoài quán bán đầy. Bà cũng phải cải cách thói quen, tập tục đi chứ. Cứ ù ra đó mà mua, đỡ phải gói ghém lích kích cho vất vả.

Nghe ông Tài khuyên, bà thừa biết là ông nói kháy trêu bà. Biết ông lại nhắc khéo cái lỗi của mình mấy năm trước, bà dịu giọng:

- Nhà quê cơm làm ruộng, cá kiếm ăn. Chẳng gì ngon bằng bánh mình tự gói lấy! Nhưng quan trọng là giữ được nếp xưa cho con cháu mình nó khỏi quên thuần phong mỹ tục của tổ tiên. Ông cứ đi tìm đâu được cây tre về chẻ lạt, cho tôi chuẩn bị. Mai gói, giờ ngọ ta bắc nồi bánh lên là vừa...

- Đấy nhá! Hôm nay bà mới thấy lợi ích của cây tre, của lạt mềm buộc chặt như thế nào! Hoan nghênh bà nghĩ tới việc giữ lại nếp xưa. Tôi trêu bà cho vui thế thôi. Nhưng... biết tìm tre ở đâu bây giờ giữa làng xóm chỗ nào cũng nhà ngói, nhà tầng, tường cao ngõ kín? Có lẽ phải đi xe ôm sang làng Yên Trì...

-Thì ông cũng phải cố. Chả lẽ lại gói buộc bằng dây chuối dây gai, lỏng toè lỏng toẹt, xấu oan cả cái bánh của người ta!

 

Đến đoạn này thì đúng là bà Hoa chịu ông Tài về cái lý của ông mấy năm trước không đồng ý chặt bụi tre trong vườn khi xây ngôi nhà tầng bên cạnh cho thằng con trai thứ hai. Dạo ấy, sau khi nâng cấp ngôi nhà gỗ cổ, ông bà giao cho thằng Tuấn con trai cả trông nom, để sau này nó giữ bát hương ông bà ông vải. Còn sẽ xây ngôi nhà mới cho thằng Hải. Bà bảo ông: -Mình còn sống phải cắt cày ra luống, mỗi đứa một phận. Kẻo xểnh ra lại như mấy nhà hàng xóm, cha mẹ vừa khuất, anh em đã cãi cọ kiện cáo nhau vì đất đai, tài sản. Anh em ruột trên ruột dưới gì mà tranh chấp nhau từng phân đất? Chẳng đứa nào chịu đứa nào...

 

Nhưng khốn nỗi, chỗ đất cho thằng Hải lại có bụi tre gai lưu cựu từ xa xưa. Cụ kỵ nhà ông, các đời đều không ít thì nhiều nhờ bụi tre này mà lớn lên, làm ăn, sinh sống. Bụi tre cho tre làm kèo cột, đánh gianh, rào dậu, cho sợi lạt để bó mạ, kết đôi quang, đẽo chiếc đòn sóc, đòn gánh. Bụi tre cho thanh nan đan cái thúng cái sàng, cái rổ cái rá để đựng, đan cái quạt phe phẩy xua đi nóng bức đêm hè, rồi đan cái lờ cái đó cho đám trẻ đi bắt cá đơm tôm. Mỗi mùa heo may đến, bụi tre cho hàng chục cây tre đẵn xuống đem lên chợ Đông bán cho người hàng tổng mua về đan thuyền nan, đòng cọc mòng nhà... Cũng được khoản thu, đồng ra đồng vào, miếng quà tấm áo cho trẻ ăn học. Nhiều thứ lắm! Bụi tre là mái ấm chở che mọi nắng mưa gió bão. Quê kiểng động có việc là cậy đến tre, đến lạt. Đấy là chưa kể cái thời chiến tranh ác liệt, nhờ bụi tre mà căn hầm chữ A (cũng làm bằng thân những cây tre già to như bắp vế) đã cứu thoát mẹ con bà khỏi quả bom bi do máy bay giặc thả xuống. Khi ấy bà vừa cữ con Thơm đứa gái đầu lòng. Đúng là không có bụi tre chắn sau lưng, trước mặt, trên đầu, thì hôm nay bà chả có chuyện gì để nói! Nhiều lúc nhớ lại, bà vẫn rùng mình. Phúc tổ vẫn còn may!

 

Vậy mà... Thời buổi biến đổi nhanh quá. Quay đi quay lại, làng chỉ còn sót bụi tre nhà ông bà. Khách xa bạn gần ở đâu về tìm ông xin chữ câu đối, hỏi thăm dân làng là người ta trỏ: “Ngõ nào có bụi tre đấy là nhà Tài Hoa!”

 

Bà dự định sẽ dựng một ngôi nhà cao tầng ngay đầu ngõ nhìn ra mặt đường  cho bõ cái nghèo, cái “thấp cổ bé họng” ngày xưa. Bà kiên quyết bắt ông chặt bụi tre, giải tỏa đất để xây cất công trình mà bà từng đau đáu khát vọng. Ông can ngăn:

-Ta dích chân móng đẩy vào phía sân một chút. Để cả bụi tre bên cạnh cũng được chứ sao? Vừa tiện, vừa đẹp cảnh lại vừa mát! Sau này dẫu công nghiệp hiện đại bao nhiêu, đáo xứ ra con cháu chúng nó cũng còn có cây tre, sợi lạt mà dùng.

- Dưng mà trông nó ủ rợp thế nào ấy. Lại lắm lá rụng nữa. Mỗi lần mưa là mỗi lần lá trút. Bẩn cả bể nước, sân tường, bẩn cả mái bằng, mái ngói. Hơi đâu mà quét dọn? Với lại ngoài xa vướng tầm nhìn, không ai thấy được nhà mình! Thắt lưng buộc bụng mãi mới mở mặt xây được ngôi nhà cao tầng, ông lại để bụi tre án ngữ ư? Bà vẫn khư khư giữ ý kiến. Lại thêm thằng Hải cũng về hùa với mẹ:

- Chặt đi bố ạ! Bây giờ nông thôn để bụi tre rườm rà trông vướng mắt lắm! Có phải thời Làng tôi xanh bóng tre nữa đâu...

 

Hôm đi họp trên huyện, chiều tối về, ông đứng sững trước lối ngõ. Trời ơi! Ngổn ngang ngọn tre đổ, xao xác lá tre bay. Những thân tre bị chặt hạ. Những ngọn măng bị đốn sạch và đám thợ do bà thuê về đang hí húi đào bỏ đi tận gốc. Ông nhắm mắt, cố giữ không để giọt lệ rơi ra. Tình thực, lúc đó ông rất giận bà. Thế là từ nay không còn bóng tre xanh đầu ngõ như những ngày xuân nào ông cao hứng gọi đó là bụi trúc của người quân tử. Đôi câu đối nôm trên nền giấy đỏ ngày Tết còn đó ở hai cây cột hiên, tuy đã bạc màu: Ngõ trúc kính chào muôn quí khách. Nhà hoa phấn khởi đón người thân. Đêm ấy, trằn trọc, ông không sao ngủ được. Dáng thanh cao, thướt tha, tiếng kẽo kẹt gió đưa của bụi tre cứ ám ảnh mãi trong trí não ông. Cuối năm đó, ngôi nhà cao tầng khang trang, lấp loá cửa nhôm cửa kính đã mọc lên khoe trong ánh nắng thu vàng. Cùng với tầm cao những ngôi nhà gác xép, cao tầng khác của dân xóm xây trước đó, ngôi nhà hai tầng của ông bà Tài Hoa như một bông hoa mới nở rực rỡ sắc màu khiến không gian khu dân cư đổi mới hẳn. Vẻ hiện đại muốn hoá phố đến nơi.

 

Nhưng. Mỗi bận mùa cấy gặt tới, bà Hoa lại bấn lên, không tìm đâu ra sợi lạt để buộc đon mạ, bó lúa. Ông càng buồn và không nỡ nhắc lại nỗi tiếc nhớ bụi tre. Bà cảm nhận được tâm tư ông. Bà cũng im lặng, cố gắng khắc phục lấy sợi đai rơm, sợi nilon thay thế. Nhưng nó cứ trơn tuột và thật khó chặt. Đon mạ, bó lúa chỉ muốn xổ tung. Thì ra cái giống lạt mềm buộc chặt, thiết cái gì cũng chắc tay! Tết năm ngoái không mua đâu được lạt, bà cũng phải buộc bánh chưng bằng những sợi nilon, mới chán làm sao! Vớt ra, cái bánh xệ như bỏ lâu ngày!

Biết làm sao được, khi cuộc sống đòi hỏi cứ phải làm ăn, cứ phải đi lên. Mọi sự rồi sẽ qua đi. Mọi sự sẽ tự nó giải quyết và sắp đặt theo điều kiện, nhu cầu mới. Song, giờ đây thì bà Hoa buồn thật. Bà ngồi thừ bên thạp gạo nếp ngâm trong nước sóng sánh màu trắng sữa, toả thơm. Bà đã thấm dần nỗi buồn và những lời ý tứ, trách móc của ông. Bà định, ra giêng ngày rộng tháng dài, đón mùa mưa tới bà sẽ sang làng Yên Trì, làng Quỳnh Lâu bên kia sông mua một cụm tre giống về trồng ở rẻo đất vườn sau ngôi nhà cổ. Vườn bà sẽ phải có bóng tre. Xóm bà sẽ lại có bóng tre. Chí ít, ông bà cũng có bụi tre và những đọt măng mới để vui thú cảnh già và xanh đẹp môi trường./.

Dương Phượng Toại
Số lần đọc: 2125
Ngày đăng: 13.02.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vợ tôi cũng bị lừa - Vinh Anh
Chiếc áo bà ba cổ trái tim - Hồ Việt Khuê
Bây giờ xuân mới đến - Trần Minh Nguyệt
Mưa nước bọt - Nguyễn Viện
Chuyện động trời - Huỳnh Văn Úc
Điệu múa của sóng - Khôi Vũ
Luân hồi - Huỳnh Văn Úc
Táo quân truyện - Đỗ Ngọc Thạch
Ba con chó trong đời Ada - Phạm Nguyên Trường
Mùa xuân năm ấy - Trần Minh Nguyệt
Cùng một tác giả
Bóc lại màn đêm (truyện ngắn)
Trăng cuối đông (truyện ngắn)
Người bán bún (truyện ngắn)
Vàng (truyện ngắn)
Bụi tre xanh (truyện ngắn)
Chênh vênh vực thẳm (truyện ngắn)
Cái cổng ngõ (truyện ngắn)
Mối tình xa cách (truyện ngắn)