(Cảm nhận bài thơ Có một chiêc lá vàng của nhà thơ Trân Mạnh Hảo)
Có một chiếc lá vàng
Suốt ngày sao lá không rơi
Ngỡ anh đã ngủ khẽ rời cành êm
Vì sao lá níu cây thêm?
Sợ anh buồn, lá chọn đêm lìa cành.
Trần Mạnh Hảo
Lời Bình:
Chỉ vỏn vẹn bốn câu thơ lục bát, và đúng hơn chỉ là sự xoay trở bùng nổ ở năm từ anh, lá, ngày, đêm và buồn, thi sỹ Trần Mạnh Hảo đã dẫn dụ người đọc vào mê cung thâm hậu của thần thái chữ nghĩa.
Suốt ngày sao lá không rơi
Ngỡ anh đã ngủ khẽ rời cành êm
Thiết tưởng, cái lá vàng trên cành rơi hay đậu chẳng thể hạn định được trước thời gian ngày hay đêm, nó chỉ tuân theo vòng tuần hoàn sinh diệt đối với từng loài cây do môi trường và tạo hoá quy định thôi chứ. Không, đó chỉ là cây lá thuộc các loài thực vật thông thường mọc trên mặt đất, còn cây lá của nhà thơ, mà lại là nhà thơ Trần Mạnh Hảo thì hoàn toàn phải khác. Nó là cây lá của biến động tâm trạng, là nỗi trắc ẩn lòng ông trong cõi thế. Một cái lá vàng rơi về cội là chuyện thường tình mấy ai để ý, bởi nó cũng hợp với quy luật tự nhiên, chứ nếu còn non xanh, hay bị bão táp dập vùi thì lại là chuyện khác. Song với nhà thơ, sự tàn lụi rơi rụng nào của muôn loài, dù bất cứ hoàn cảnh nào, cũng vẫn là sự mất mát xót xa đau đớn. Đó mới là tư tưởng là cốt lõi, nguồn cảm hứng chủ đạo mà nhà thơ nhắm tới khai thác phát triển. Mở đầu bài thơ đã là một câu hỏi Suốt ngày sao lá không rơi, làm cho người đọc không khỏi ngạc nhiên, cảm giác lá cũng có linh hồn sống, có khả năng chủ động độc lập, không lệ thuộc vào hoàn cảnh môi trường, và lá cũng nặng lòng trắc ẩn chẳng khác nhà thơ. Bằng tâm thế ấy, lá nghĩ nếu biết mình rơi, chắc với con người đa sầu đa cảm này, lòng lại không khỏi trĩu nặng, liên tưởng tới cái mong manh vô thường của kiếp sống. Thế là lá phải suy nghĩ, tìm cách sao cho khi rơi nhà thơ không thể biết. Vậy là, cái thời
khắc tối ưu để lá lìa cành phải đợi đến khi thi sỹ đang chìm trong giấc nồng. Nhưng thật oái oăm thay, cái ông thi sỹ này lại không quen ngủ ngày, hay cũng lại cố tình thức để theo dõi mình không chừng. Thế nên, cứ phải rình rập chờ đợi suốt ngày mà lá không sao rơi đựợc. Chẳng những vậy, mọi suy nghĩ “toan tính” bí mật của lá hình như đều nằm trong tầm kiểm soát của nhà thơ, mà thật tội nghiệp cho lá lại chẳng hay biết gì. Và thế rồi Ngỡ anh đã ngủ khẽ rời cành êm. Chính nhờ cái sự nhầm lẫn“Ngỡ” đã làm cho tứ thơ độc đáo, rồi lại cũng hé mở dần cả ý đồ sâu kín của lá với nhà thơ và ngược lại. Dù ngỡ anh đã ngủ, nhưng lá vẫn rất thận trọng không để sơ xuất kinh động, thật gượng nhẹ, khẽ rời cành êm, đã khẽ còn êm - tận cùng của mọi nỗ lực. Chỉ bằng một cặp câu lục bát, chỉ với những ngôn ngữ giản dị thường nhật, độc giả đã cảm nhận được hết hồn vía linh diệu của câu chữ, trong mối giao hoà đầy kịch tính, giàu nhân bản. Điều gì hệ trọng xui khiến để lá phải làm một việc khó khăn đến trái cả lẽ thường?
Vì sao lá níu cây thêm
Sợ anh buồn, lá chọn đêm lìa cành
Hoá ra thế, mọi bí mật đến đây như đã được giải mã, mọi ý tứ như cũng vỡ oà ra bởi chiếc chìa khoá “Sợ anh buồn” đã hiển lộ. Tiến trình giải mã là trình tự nhà thơ đã đặt ra những câu hỏi khơi gợi, rồi lại tự lý giải một cách hết sức sâu sắc hóm hỉnh tinh tế. Có bốn dòng thơ mà hai câu hỏi, chỉ xoay quanh một ý: vì sao lá rơi không bình thường, không quy luật ? Vì sao lá níu cây thêm? Níu cây thêm đâu có dễ, đối với lá đó là cái việc ngược đời, ngược quy luật.Chắc phải có phép cải lão hoàn đồng và phải nhờ tới “siêu sư”Trần Mạnh Hảo phù phép cho mới được chứ nào phải chuyện thường.Cái phép huyền bí ấy không có trong hoạt chất, đất đai ... làm nên sức sống để lá ước được mọi điều, mà nó là nhân bản nhân văn, và cũng phải dày công “tu luyện” mới ứng nghiệm nhiệm màu. Cứ như việc thăm dò địa chất, người đọc phải hạ giếng khoan sâu, bóc tách dần từng tầng vỉa mới chạm tới cái thâm hậu: Sợ anh buồn, lá chọn đêm lìa cành. Thi sỹ chỉ buồn thôi thì đã là chuyện lớn, là dông bão nổi lên trong tâm trạng họ rồi. Thế là lá phải nghĩ mọi cách, phải làm mọi chuyện có thể và cả những chuyện không thể, miễn sao để anh khỏi buồn. Ngày đã không ngủ thì chắc chắn đêm thi sỹ phải ngủ rồi, thế là cái thời khắc quan trọng đã được quyết định, lá chọn đêm để lìa cành. Nhưng lá nào có biết, chính cái điều sợ nhà thơ buồn ấy đã làm nên cách ứng xử thật khó khăn cho ông. Bởi nỗi buồn của nhà thơ cũng chính là nỗi lo buồn của lá, nên buộc ông cũng phải tìm mọi cách để không cho lá biết được mình buồn. Phải vờ ngủ cho lá nhẹ nhàng thanh thản mà rơi, có vậy lòng ông mới vợi nhẹ. Tâm trạng nhà thơ và lá càng nặng nề gay cấn giằng co qua lại bao nhiêu, thì tính nhân văn càng ngời sáng giàu có bấy nhiêu. Chính nhờ có câu hạt nhân tự toả sáng này đã bất ngờ làm cho bài thơ được dựng dạy vượt ra ngoài câu chữ, ngoài khuôn khổ của thơ. Lá biết thương yêu con người đến thế, còn con người với con người thì sao? Cái lá vàng rơi như một tất yếu vi mô còn day dứt đau đớn thế, chứ con người với biết bao ngang trái bất trắc trên cõi thế vĩ mô thì đáng sợ biết nhường nào? Người đọc cứ thế sẽ có được muôn vàn câu hỏi và lời giải để tìm đến chân thiện mỹ cần có theo cách ứng xử của mình.
Có một chiếc lá rơi, nhẹ thế, mà sao lòng ta trĩu nặng thế. Sức nặng của bài thơ vượt tầm, chỉ dồn nén trong hai mươi tám con chữ. Sự xắp đặt và điều khiển mỗi con chữ mới thật tài tình. Tuy mức độ biểu cảm khác nhau nhưng đã làm nên một chỉnh thể biến ảo đa chiều giản dị mà thật giàu sức cảm, sức gợi, sức khái quát. Ai bảo lục bát không mới không hiện đại, xin hãy thử phản biện với trường hợp bài lục bát Có một chiếc lá rơi này. Xét cho cùng cái hay được quyết định bởi hàm lượng trí tuệ và sự rụng động, xúc động mãnh liệt nhất, mà nội dung vẫn là cơ bản./.
Ninh Bình, ngày 8 tháng 2 năm 2010