Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.166
123.223.637
 
Ca dao dưới góc nhìn giọng điệu
Trần Minh Thương

1.   Khái niệm

 

Có rất nhiều định nghĩa về khái niệm này, ở đây chúng tôi chỉ dẫn lại một số ý kiến đó:

 

Việt Nam văn học sử yếu, (Dương Quảng Hàm), Trung tâm học liệu Sài Gòn in năm 1968, trang 11 viết: Ca dao (ca: hát; dao: bài hát không có chương khúc) là những bài hát ngắn lưu hành trong dân gian, thường tả tính tình, phong tục của người bình dân.

 

Lịch sử văn học Việt Nam, tập 1, (nhiều tác giả), Văn học dân gian, phần 1, Nxb GD tpHCM 1978, tr3 viết: Ca dao là những bài hát có hoặc không có chương khúc, sáng tác bằng thể văn vần dân tộc (thường là lục bát) để miêu tả, tự sự, ngụ ý và diễn đạt tình cảm.

 

Ca dao Nam Bộ, (nhiều tác giả), Nxb tpHCM 1984, tr23-24: Ca dao – dân ca trữ tình là một thuật ngữ sử dụng chưa thống nhất trong thế giới nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu âm nhạc gọi chung thể loại này là dân ca. Nhiều nhà nghiên cứu văn học dân gian đề nghị gọi nó là ca dao – dân ca trữ tình. Lại có những người muốn chia bộ phận này thành hai thể loại: ca dao – dân ca trữ tình và ca dao dân ca sinh hoạt. Chúng tôi coi ca dao – dân ca trữ tình (hay sinh hoạt) là những bài ca mà nội dung và hình thức diễn xướng của nó không nhằm mục đích nghi lễ và không kèm những động tác có tính chất nghi lễ…

 

Văn học 10, tập 1, phần Văn học Việt Nam (sách chỉnh lý hợp nhất năm 2000), (Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Lộc, chủ biên)  Nxb Giáo dục, trang 10-11 viết: Ca dao là lời dân ca tách khỏi điệu nhạc, dân ca là lời thơ dân gian đi kèm với điệu nhạc. Tuy nhiên lời và nhạc gắn bó chặt chẽ với nhau. Trong văn chương người ta đề cập tơi ca dao dân ca như là thơ dân gian.

 

Ca dao – dân ca bao gồm: dân nghi lễ, dân ca lao động, ca dao – dân ca trữ tình.

Ca dao – dân ca trữ tình là tiếng hát “đi từ trái tim lên miệng”, phản ánh trực tiếp những cảm xúc tâm trạng của con người, thái độ cảm xúc của con người đối với thực tại xung quanh. Nó là tiếng nói của bản thân chủ thể trữ tình là tất cả những gì biểu hiện qua chủ thể đó

 

Tục ngữ ca dao dân ca, (Vũ Ngọc Phan), Nxb KHXH. H. 1999, trang 42: Ca dao là một loại thơ dân gian có thể ngâm được như các thể thơ khác và có thể xây dựng thành các điệu dân ca

 

Văn học dân gian Việt Nam, (Đinh Gia Khánh – Chu Xuân Diên – Võ Quang Nhơn), Nxb Giáo dục, 2001, tr436: Ca dao vốn là một thuật ngữ Hán - Việt. Theo cách hiểu thông thường thì ca dao là lời của các bài hát dân ca đã tước bỏ đi những tiếng đệm, tiếng láy… hoặc ngược lại, là những câu thơ có thể “bẻ” thành những làn điệu dân ca.

 

Ngữ văn 7, (Nguyễn Khắc Phi, chủ biên), Nxb Giáo dục, H, 2004, trang 35: Ca dao, dân ca là những khái niệm tương đương, chỉ các thể loại trữ tình dân gian, kết hợp lời và nhạc, diễn tả đời sống nội tâm của con người. Hiện nay người ta có phân biệt hai khái niệm dân ca và ca dao. Dân ca là những sáng tác kết hợp lời và nhạc, tức là những câu hát dân gian trong diễn xướng. Ca dao là lời thơ của dân ca. Khái niệm ca dao còn được dùng để chỉ một thể thơ dân gian - thể ca dao.

 

Ngữ Văn 10, (Phan Trọng Luận, chủ biên, Nxb Giáo Dục, H. 2006), trang 18, định nghĩa ca dao như sau: lời thơ trữ tình dân gian, thường kết hợp với âm nhạc khi diễn xướng, được sáng tác nhằm diễn tả thế giới nội tâm của con người.

 

Ngữ Văn 10, (Trần Đình Sử, chủ biên, Nxb Giáo Dục, H. 2006), trang 27, định nghĩa ca dao dân ca như sau: là thể loại trữ tình bằng văn vần, diễn tả đời sống nội tâm của con người. Dân ca khác ca dao ở chỗ kết hợp giữa lời với giai điệu nhạc.

 

Từ điển thuật ngữ văn học, (Lê Bá Hán – Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi), Nxb Giáo dục, H. 2007, trang 31 viết:

Ca dao còn gọi phong dao.

Thuật ngữ ca dao được dùng với nhiều nghĩa rộng hẹp khác nhau.

Theo nghĩa gốc thì ca là bài hát có khúc điệu, dao là bài hát không có khúc điệu.

Ca dao là danh từ ghép chỉ toàn bộ những bài hát lưu hành phổ biến trong dân gian có hoặc không có khúc điệu. Trong trường hợp này ca dao đồng nghĩa với dân ca.

 

2.   Nội dung và chức năng

2.1                Nội dung của ca dao Tây Nam Bộ

Bàn về nội dung của ca dao nhiều công trình nghiên cứu đã công bố cách sắp xếp cũng có những sự khác biệt. Xin nêu lại một số ý kiến để đối sánh:

 

Dương Quảng Hàm cho rằng: Ca dao nước ta thật là phong phú và diễn tả đủ các tình ý trong lòng người và các trạng thái trong xã hội. Ông chia ca dao ra làm các loại: A. Các bài hát trẻ con (đồng dao); B. Các bài hát ru trẻ; C. Các bài hát của con nhà nghề; D. Các bài thuộc về luân lý; E. Các bài tả về tâm lý đời người; F. Các bài có tính cách xã hội; G. Các bài dạy những điều thường thức; H. Các bài hát phong tình; [14 – 19; 4]

 

Theo Phạm Thế Ngũ thì: 1. Những bài dạy về các điều thường thức; 2. Những bài tả về trạng thái xã hội; 3. Những bài có liên lạc với một biến cố trong lịch sử; 4. Những bài miêu tả tâm lý đời người; 5. Những bài khuyên răn về luân lý; 6. Những bài chủ ý khôi hài; 7. Những bài hát huê tình; [36 – 41; 7]

 

Nguyễn Tấn Phát chia: Thơ ca nghi lễ; Dân ca lao động và Ca dao – dân ca trữ tình; và sau khi phân tích để tìm đặc trưng riêng của ca dao Nam Bộ, ông xác định bốn nội dung lớn: 1. Những cảm nghĩ về quê hương, đất nước; 2. Quan hệ yêu đương và những suy tư của nam nữ, thanh niên lao động; 3. Tiếng ca tình nghĩa của người lao động trong quan hệ gia đình; 4. Những cảm nghĩ của nhân dân trong mối qua hệ xã hội khác. [36 – 72; 8]

 

Ngữ Văn 10 (Phan Trọng Luận, chủ biên, Nxb Giáo Dục, 2006), cho rằng: ra đời trong xã hội cũ, ca dao trữ tình là những tiếng hát than thân, lời ca yêu thương tình nghĩa cất lên từ cuộc đời còn nhiều xót xa cay đắng nhưng đằm thắm ân tình của người dân Việt Nam sau luỹ tre xanh bên giếng nước, gốc đa, sân đình, …Bên cạnh đó, còn có những bài ca dao hài hước thể hiện tinh thần lạc quan của người lao động.

 

Công trình Văn học Dân gian đồng bằng sông Cửu Long do Khoa Ngữ văn trường Đại học Cần Thơ sưu tầm, Nxb Giáo dục in năm 1997, Ca dao – dân ca chia ra: 1. Quê hương đất nước; 2. Lao động sản xuất; 3. Đời sống tình cảm; 4. Phong tục tập quán và tâm lý xã hội [315 – 486; 6]

 

Lê Giang trong Bộ hành với ca dao, có cách sắp xếp rất lạ là lấy một dòng đầu trong một câu ca dao đặt tên cho một phần; có 30 phần như thế, ví dụ như: Muốn hun thì hun cho liền; Thế gian kẻ khóc người cười; Đốn cây ai nỡ đứt chồi; Áo nào lại muốn xa bâu; v.v…

 

Văn học Dân gian Sóc Trăng, do Chu Xuân Diên (chủ biên) Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, in năm 2002, phần ca dao người Việt được chia ra các nội dung: 1. Địa danh; 2. Nghi lễ; 3. Lao động; 4. Gia đình – xã hội.

Qua tóm tắt cách sắp xếp về nội dung của các công trình vừa nêu, chúng tôi nhận thấy:

Thứ nhất, sự lẫn lộn giữa nội dung và chức năng thể loại được thể hiện khá rõ nét.

Thứ hai, ngay trong phần nội dung, cũng có những biểu hiện không đồng thuận.

Tiếp thu ý kiến của người đi trước, và dựa trên các tài liệu sưu tầm đã công bố chúng tôi xác định nội dung của ca dao Nam bộ như sau:

 

1. Ca dao Nam bộ thể hiện các cung bậc tình cảm của người bình dân

- Lịch sử, quê hương đất nước, công việc đồng áng, sản xuất

- Tình yêu lứa đôi – tình cảm gia đình

- Với những quan hệ xã hội khác

 

2. Ca dao thể hiện những phong tục tập quán

 

3. Ca dao đạo lý

2.2                Chức năng của ca dao Tây Nam Bộ

2.2.1.                                        Gắn liền với sinh hoạt văn hoá

Nét sinh hoạt độc đáo của người bình dân ngày xưa là những câu hò, điệu hát đối đáp giao duyên:

Tới đây không hát thì hò

Không phải con cò ngóng cổ mà nghe

Một bên hát ghẹo:

Chiếc tàu Nam Vang chạy ngay cồn cát

Chiếc thuyền câu bơi sát mé nga

Thấy em còn chút mẹ già

Muốn vô hoạn dưỡng biết là được không?

Táo bạo hơn, một anh chàng thổ lộ:

Nước láng linh chảy ra Vàm Cú

Thấy em chèo cặp vú muốn hun

Còn đây là lời đối đáp của hai đối tượng:

-  Hò ơ ... Trai nào bảnh bằng trai Nhơn Ái

Đầu thì hớt chải, tóc tém bảy ba

Mặc pijama khăn quàng choàng cổ

Thấy cô em gái Ba Xuyên ngồ ngộ

Nên muốn cùng ai thổ lộ đôi lời

Chớ cấy cày cực lắm em ơi

Theo anh về vườn ăn trái một đời ấm no.

- Hò ơ ... Gái Ba Xuyên tuy quê mùa dân dã

Tóc dài bỏ xoã mặc áo ba ba

Nắng táp mưa sa mà trắng da dài tóc

Không đẹp bằng ai nhưng em lừa lọc

Tuy quê rang quê rít mà không thích trai vườn

Chớ trai mà dở dở ương ương

Ngồi không hái trái thì hết đường tương lai.

 

Ở đây, theo chúng tôi cần phân biệt những bài đồng dao, gắn liền với những trò chơi của trẻ con, kiểu như bài “Súc sắc súc sẻ” hay “Cho cho trả trả”, “Rồng rắn lên mây”, ... Theo chúng tôi đây là những bài thuộc thể loại vè.

Bên cạnh đó, nhiều câu ca dao cũng còn dùng để đố, đặc biệt là dạng hát đố như:

Bên hỏi xướng:

 

Trăm thứ gừng,  gừng chi không lá?

Trăm thứ cá,  cá chi không đầu?

Trăm thứ trầu, trầu chi không cuống?

Trăm thứ rau muống, rau muống chi không dây?

Trăm thứ cây, cây chi không trái?

Trăm thứ gái,  gái chi không chồng?

Trai nam nhân đối đặng sẽ làm chồng của em!

 

Bên hát đáp:

Trăm thứ gừng, gừng khô không lá

Trăm thứ cá, cá khứa không đầu

Trăm thứ trầu, trầu thúi không cuống

Trăm thứ rau muống, rau muống Tàu không dây

Trăm thứ cây, cây khô không trái

Trăm thứ gái gái tố nữ không chồng.

Trai nam nhân đối đặng phỉ lòng em chưa?

Hoặc có thể đó là một câu đố nhưng hình thức của một câu ca dao:

Ông béo mà lẹo bà gầy

Rút ra chẳng được lấy chày mà đâm

 

Đây là cái ống khoá. Song nó được diễn tả bằng những từ ngữ gợi đến động tác giao hoan nam nữ.

Hoặc:

Lồm xồm hai mép những lông

Ở giữa có lổ đàn ông chiu vào

 

Đây chính là chiếc áo tơi. Từ ngữ mà câu ca dùng lại gợi đến bộ phận sinh thực khí nữ giới.

Đố về cái gàu vai, một dụng cụ rất phổ biến của vùng sông nước miệt Nam Bộ, tác giả dân gian dùng cách nói táo bạo:

Cái l... có bốn cọng lông

Hai thằng cha đàn ông n... cong xương sống

 

Ở Nghệ An – Hà Tĩnh rất nhiều câu hát phường vải cũng là những câu hát đố thuộc dạng thức này:

Nghe tin chàng học Kinh thi

Ba ngang ba sổ chữ chi rứa chàng

 

(Chữ điền: )

Tất cả các câu đố vừa dẫn đều cũng có chung mục đích đánh lạc hướng người nghe.

Như vậy ca dao còn có chức năng để đố để đùa vui.

 

Nghi lễ: Nhiều bài dân ca mà lời thơ dân gian của nó gắn liền với các nghi lễ cúng miếu bà chúa xứ, cúng ông Quan Công Thánh Đế, hay nghi lễ Dâng Bông của người Khmer ở miền Tây Nam Bộ. Xin dẫn lại một bài minh hoạ cho chức năng này:

 

Đèn chong hương đốt/ Con thỉnh ông/ Nghe ba tiếng trống lệnh/ Là đâu đâu ông cũng bước về/ Kể từ ngày hội bàn đào/ Đào viên kết nghĩa ông nào chớ quên/ Ông ơi! Ải lý hùng anh, tà ma khiếp sợ/ Nước nào cũng nghe danh/ Kể từ ngày ông thất thủ Hạ Bì/ Ngày phò nhị tẩu là ngày mới sang qua Tàu/ Đến Dương Châu con đi đầu khẩn nguyện/ Con vái hồn ngài chứng lễ hôm nay/ Lễ này xin tạ cùng ngài/ Ngài phò hộ trong gia đình, trong gia đạo làm ăn cho thuận hoà/ Có lúa có tiền làm ăn dư để/ Nhà cửa cất ngói xê xang/ Sống lâu trăm tuổi làm ăn đủ đầy.

 

2.2.1                      Ngâm nga hát ru

Ca dao có một phần là lời hát ru, đều này không phải bàn cãi:

+ Đố ai ngồi võng không đưa

Ru con không hát ầu ơi đôi bài

+ Ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi

Đó cũng là những câu ca dùng để con người ngâm nga, tự sự cho khuây khoả nỗi lòng:

+ Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang

Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu

+ Trên đồng cạn dưới đồng sâu

Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa

Có khi qua những ngâm nga ấy là những bài học đạo lý ở đời:

Chim khôn hót tiếng rảnh rang

Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe

 

3.   Giọng điệu ca dao

Giọng điệu nghệ thuật với tư cách một phạm trù thẩm mỹ, một yếu tố có vai trò hết sức quan trọng trong cấu thành phong cách nhà văn là vấn đề đã được nhận ra từ lâu kể cả trong văn học phương Tây và văn học phương Đông. Nhiều bậc thầy về nghệ thuật ngôn từ, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra và chứng minh vai trò quan trọng của giọng điệu (tone) hay “văn khí”, “hơi văn”, “giọng văn” (cách gọi quen thuộc ở Trung Hoa và Việt Nam) không chỉ trong sáng tác mà cả trong nghiên cứu, tiếp cận tác phẩm văn học và phong cách cá nhân nhà văn.

 

Song, vấn đề đặt ra ở đây là thơ ca dân gian nói riêng và văn học dân học dân gian nói chung có giọng điệu không? Theo chúng tôi, ca dao, như mọi thể thơ khác, nó cũng có giọng điệu. Không có giọng điệu thì hoá ra mọi lời lời thơ - lời nói đều như nhau sao? Tất nhiên, người ta có thể hiểu khái niệm giọng điệu theo những nghĩa rộng hẹp khác nhau. Lịch sử thơ ca chứng minh có sự tồn tại nhiều loại hình giọng điệu: giọng điệu thơ dân gian, giọng điệu thơ cổ điển, giọng điệu thơ hiện đại... Như vậy, vấn đề đặt ra không phải là hỏi ca dao có giọng điệu hay không mà hỏi giọng điệu trong ca dao có đặc thù gì?

 

Ít nhất, có thể nghĩ giọng điệu trong ca dao không mang đậm dấu ấn  cá nhân - cá thể. Điều này có thể giải thích được căn cứ vào tính tập thể, tính truyền miệng của ca dao. Giọng điệu ở đây chủ yếu gắn liền với tính loại hình của những nội dung cảm xúc hay sự việc được bày tỏ, miêu tả. Cảm xúc, sự việc khác nhau thì giọng điệu khác nhau. Có lẽ, sự khác biệt của giọng điệu ở từng bài ca dao chỉ dừng ở đó.

Thơ trung đại do tính phi ngã “khống chế”, nên cùng giọng buồn thương ở nhiều tác phẩm chúng ta thường thấy nó có những nét gần giống nhau:

 

- Một mình đứng tủi, ngồi sầu,

Đã than với nguyệt, lại rầu với hoa !

(Cung oán ngâm)

- Sầu sầu, thảm thảm xiết bao...

Sầu đầy giạt bể, thảm cao ngất trời!

(Ai tư vãn)

 

Ở thơ hiện đại, giọng điệu mang tính cá nhân rõ nét. Có thể cùng vui hay cùng buồn nhưng buồn vui của từng cá nhân khác nhau thì khác nhau. Sự khác nhau về giọng điệu càng thấy rõ hơn ở Thơ Mới. Hoài Thanh – Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam đã nhận định: hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như nước Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên, … và thiết tha rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu.[34; 9]

 

Như đã nói ở phần trên, căn cứ và nội dung và chức năng của ca dao mà cụ thể là ca dao Tây Nam Bộ chính tôi nhận thấy một số gam giọng chính trong ca dao Tây Nam Bộ như sau:

 

3.1                Giọng đả kích, châm biếm, bông đùa

Đả kích theo Từ điển Tiếng Việt nghĩa là dùng lời lẽ nặng và lý lẽ cứng để hạ đối phương. Châm biếm: Chế nhạo cho người xấu hổ, đau đớn; Bông đùa: Pha trò, giễu cợt. Ca dao có câu:

 

Có ưa thì nói rằng ưa

Trăm năm mà nỡ bông đùa mãi sao

 

Như vậy, giọng châm biếm, đả kích, bông đùa là giọng giễu cợt, pha trò hướng tới một đối tượng nào đó, nhằm phê phán “hạ bệ” họ. Trong ca dao Nam Bộ, mảng ca dao tình cảm chỉ những quan hệ xã hội xuất hiện phổ biến giọng điệu này:

 

Một vợ thì nằm giường lèo

Hai vợ thì xuống chuồng heo mà nằm

Tác giả dân gian vừa trào phúng, vừa cảnh cáo kẻ đa thê bằng một bài học nhãn tiền.

Cam kia một chục rõ ràng

Đu đưa trong bị mơ màng chi ông

 

Câu ca gắn với chuyện một ông Tây đi mua cam, cô gái bán cam đưa 12 quả (theo cách tính dân gian Nam Bộ 1 chục = 12), ông ta không chịu bảo rằng có 11! Cô gái ngâm câu ca này. Nét độc đáo nằm ở chữ “đu” đồng âm với tiếng Pháp douze = 12, và “ông” đồng âm với onze = 11!

 

Chồng người xách giáo săn beo

Chồng em cầm đũa săn mèo khắp mâm

 

“Chân dung” một anh chồng vô tích sự, biếng nhác, lười biếng đã được dựng lên rõ ràng, đối tượng không thể “đau” hơn nữa!

Ca dao vùng đồng bằng Bắc Bộ cũng không hiếm giọng bông đùa như thế:

 

Chờ chồng chơi chốn chùa chiền

Chanh chua chuối chát chín chuyên chờ chồng

Chờ chồng chưa chắc chín chuyên

Chanh chua chuốt chát chùa chiền chốn chơi

 

Bông đùa gắn liền trào lộng, cười cợt nhưng ẩn đằng sau nó không ít chất triết lý mà dân gian gửi gắm:

 

Lươn ngắn mà chê chạch dài

Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm

 

Ngay trong ca dao lịch sử, giọng điệu này vẫn xuất hiện:

Trăm quan có mắt như mờ

Để cho Huy Quận vào sờ chánh cung

 

Câu ca ám chỉ việc Quận Huy Hoàng Đình Bảo “tèm nhem” với nguyên phi Đặng Thị Huệ sau khi chúa Trịnh Sâm xa băng!

 

Hay:

Tháng tám có chiếu vua ra

Cấm quần không đáy người ta hãi hùng

 

Câu ca xuất hiện cùng thời với những đạo dụ “độc đáo” của vua Minh Mạng quy định về cách thay đổi trang phục làm “ngỡ ngàng” con dân!

 

Giọng bông đùa châm biếm trong ca dao thường có khi là một cách biểu lộ trực diện:

 

Giữa trưa đói bụng thèm cơm

Thấy đùi em vợ như tôm kho tàu

 

Hoặc cũng có khi dùng hình thức chơi chữ để biểu hiện. Xin dẫn ra đây một số ví dụ:

Đây là cách chơi chữ dùng các từ cùng trường nghĩa

Bà già mặc áo bông chanh

Ngồi trong đám hẹ nói hành nàng dâu

Với cách chơi chữ với hình thức nói lái!

Tặng anh cái áo tôn là

Ban ngày mặc mát tối ra câu đề

Một nói ngược nghĩa đầy thú vị

Thương chồng nấu cháo củ tre

Nấu canh vỏ đỗ, nấu chè nhân ngôn

Ghét chồng nấu cháo le le

Nấu canh bông lý, nấu chè hạt sen

v.v…

3.2                Giọng cảm thương, than vãn, tâm tình

Cảm thương, là từ Hán Việt với nét nghĩa thương xót vì động lòng, dân gian có câu ca: Ngó lên trên tháp Cánh Tiên/ Cảm thương quan Hậu thủ thiềng ba năm. Còn than vãn nghĩa là kể lể tâm sự đau khổ với ý phân bua với một ai đó:

 

Duyên này lỡ dở bởi trời

Biết ai than vãn cho vơi nỗi sầu

Tâm tình với nét nghĩa là nói chuyện về tình cảm

Ngọn đèn khêu gợi tâm tình,

Khêu lên cho tỏ, cho mình thấy nhau.

 

Qua khảo sát các công trình sưu tầm ca dao dân ca đã công bố nói chung và ca dao dân ca đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, chúng tôi nhận thấy giọng điệu cảm thương, than vãn, tâm tình xuất hiện rất phổ biến trong mảng ca dao tình cảm: ở nội dung những câu ca than trách cho thân phận mình, những câu ca biểu lộ tình cảm gia đình với ông bà, cha mẹ, tình cảm vợ chồng, tình nghĩa anh em, bè bạn, đặc biệt là các cung bậc trong tình yêu đôi lứa. Một số ví dụ sau đây để minh hoạ:

 

Đối với chính bản thân mình, người phụ nữ cất giọng:

+ Thân em như trái bần trôi

Sóng dập gió dồi biết dạt vào đâu

+ Thân em như cá rô mề

Lao xao giữa chợ biết về tay ai

 

Môtip than thân “thân em” này không chỉ riêng ở ca dao Nam Bộ, ca dao Bắc Bộ, Trung Bộ đều xuất hiện giọng điệu than vãn ấy:

Thân em như củ ấu gai

Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen

Còn đây, giọng tâm tình:

Má ơi đừng gả con xa

Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều

 

Nó như một lời than vãn, một “tự sự” của người con gái trước ngưỡng cửa quan trọng cuộc đời!

Tình cảnh xót xa nhưng mặn nồng tình nghĩa của đôi vợ chồng nghèo

Râu tôm nấu với ruột bầu

Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon

Một dị bản ở miền Trung:

Râu tôm nấu với ruột bù

Chồng chan vợ húp gật gù khen ngon

 

Ta còn gặp ở bài ca dao dưới đây, giọng vừa than vừa trách, trách người mà cũng tự xót xa:

Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc

Gió nào độc bằng gió Gò Công

Anh thương em từ thuở má hồng

Bây giờ em khôn lớn, em lấy chồng bỏ anh

 

Trong tình yêu tự lúc làm quen, chàng đã đánh tiếng:

+ Trèo lên thanh trục cho cao

Thấy lưng em cấy dạ nào hổng thương

+ Thò tay mà ngặt ngọn ngò

Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ

 

Đến lúc nặng lời minh sơn thệ hải:

Đôi ta nặng một lời thề

Khai sơn phá thạch đất trời chứng miêng (minh)

Cho đến khi “hai ta nay đã là con một nhà”:

Đôi ta đã đẹp đôi rồi

Ai gièm pha chớ bỏ ai vẽ vời chớ nghe

Nhiều khi kết thúc trong tan vỡ:

Xứ Cần Thơ anh trở lộn về

Bấy lâu sông cạn biển kề

Phân chia mai trúc dầm dề giọt châu

Ở một chức năng khác ta còn gặp lời tâm tình ẩn chứa đạo lý làm người:

Cá lưỡi trâu sầu ai méo miệng

Cá trèn bầu nhiều chuyện trớt môi

 

3.3                Giọng sảng khoái, ngợi ca

Sảng khoái nghĩa là tỉnh mỉnh, khoẻ khoắn, dễ chịu. Ngợi ca là dùng lời nói cái hay, cái đẹp. Giọng điệu này chúng ta gặp nhiều ở các câu ca miêu tả tỉnh cảm con người với quê hường, đồng ruộng:

+ Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh

Nước Tháp Mười lóng lánh cá tôm

+ Cần Thơ gạo trăng nước trong

Ai đi đến đó lòng không muốn về

 

3.4                Sự đan chen giữa các giọng điệu

Chồng người đi ngược về xuôi

Chồng em nằm bếp sờ đuôi con mèo

Có thể đó là một lời than cho phận hẩm duyên hiu, lấy chồng chẳng ra gì. Nhưng cũng có thể đấy là sắc thái của giọng bông đùa, đả kích

Ở cách hợp giọng này ta còn gặp một câu khác:

Cổ mang gông tay bồng con đỏ

Trời hỡi trời vợ nhỏ thương hơn

Cũng có khi vừa là sắc thái ngợi ca, vừa là giọng điệu tâm tình:

Nhà Bè nước chảy chia hai

Ai về Gia Định Đồng Nai thì về.

Hay như:

Cái Răng Ba Láng Vàm Xáng Phong Điền

Anh có thương em thì cho bạc cho kiềng

Đừng cho lúa gạo xóm giềng cười chê

 

4.   Thay lời kết

Tìm hiểu giọng điệu của ca dao dân ca, đặc biệt là ca dao dân ca Tây Nam Bộ là một việc làm thú vị bổ ích cho những người trực tiếp làm công tác giảng dạy trong nhà trường phổ thông và những ai quan tâm, yêu thích.

 

Có thể từ những gam giọng điệu này ta có một hướng đi mới về cách phân loại của ca dao dân ca. Không thuần vào nội dung hay chức năng như nhiều công trình trước nay đã thực hiện.

 

Vấn đề xác định sự khu biệt giữa giọng điệu của ca dao dân ca và văn học thành văn còn là một vấn đề phức tạp, cần sự điều tư tìm hiểu dài hơi. Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục trong các bài viết sắp tới./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Lê Văn Đức, Việt Nam tự điển, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1970.

2. Lê Giang, sưu tầm, sưu tập và biên soạn, Bộ hành với ca dao, Nxb Trẻ, tp Hồ Chí Minh, 2006.

3. Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) (2007), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

4. Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, Trung tâm học liệu Sài Gòn, 1968.

5. Nguyễn Xuân Kính, Thi pháp ca dao, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992

6. Khoa Ngữ Văn Đại học Cần Thơ, Văn học Dân gian đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Giáo Dục, H, 1997

7. Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập 1, Nxb Đồng Tháp, Đồng Tháp, 1997

8. Nguyễn Tấn Phát, Văn hoá dân gian Đông Nam Bộ, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam; Nxb Đồng Nai, 2009.

9. Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, 1996.

10. Trần Minh Thương, Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao, Tạp chí Kiến thức ngày nay, số 613, tp Hồ Chí Minh, 2007.

 

Trần Minh Thương
Số lần đọc: 9072
Ngày đăng: 13.02.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Múa Tứ linh ở xứ Quảng - Văn Thành Lê
Thể Loại Văn Bia và Các Bài Bia Tạc Công Đức Thoại Ngọc Hầu - Trần Minh Thương
Lễ Hội Ông Đùng, Bà Đà và Câu Chuyện Nhà Khó Đánh Hổ - Phạm Minh Hoàng
Câu cá còm - nghề chơi cũng lắm công phu - Văn Thành Lê
Bài Chòi Ngày Xuân ở Quảng Nam - Phạm Phù sa
Giai thoại về một bài hát ru xứ Quảng - Phạm Phù sa
Sự tích một bài hát xẩm - Huỳnh Văn Úc
Hò Khoan Xứ Quảng Sắc Xuân Dân Gian Độc Đáo - Phạm Phù sa
Thành ngữ Hán việt, điển tích và thành ngữ điển tích trong ca dao Tây nam bộ - Trần Minh Thương
Cảm nhận câu ca: công anh chăn nghé đã lâu … - Trần Minh Thương
Cùng một tác giả
Thể loại văn tế (tiểu luận)