Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.146
123.225.710
 
Từ mâm ngũ quả, phiếm bàn về con số 5
Phùng Thành Chủng

Tết đến, trên bàn thờ mỗi gia đình không thể thiếu mâm ngũ quả. Cỗ bàn, bánh trái có thể to nhỏ, nhiều ít tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế từng nhà, nhưng dù giàu, nghèo, sang, hèn, thì ai cũng lo làm sao có được mâm ngũ quả thật tố hảo, để bày tỏ tấm lòng thành kính của mìmh đối với tổ tiên. Chủ đạo - theo nghĩa chung nhất, vì ở đâu cũng sẵn - của mâm ngũ quả truyền thống là nải chuối xanh (thường là chuối tiêu, bòng, hoặc bưởi) và cam (hoặc quýt, hay quất). Còn lại, thì tuỳ theo điều kiện cụ thể và đặc điểm của từng vùng, miền mà thêm vào, cốt sao cho đủ số loại. Ở các tỉnh phía Nam, thường là cặp dưa hấu, dừa, mãng cầu, đu đủ và xoài. Tại sao lại giới hạn ở “Ngũ” (5) về số loại? Liệu có phải là ngẫu nhiên, hay (con số 5) còn bao hàm một ý nghĩa đặc biệt nào đó? Trước khi tìm lời giải đáp cho câu hỏi khá thú vị này, chúng ta thử cùng nhau tìm hiểu xem con số 5 có vị trí như thế nào trong tự nhiên và trong đời sống xã hội:

 

Người ta có ngũ tạng (theo quan niệm của Đông y) là: Tim, gan, lá lách, phổi và thận.

ngũ quan (5 giác quan) là: Thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác.

Bàn chân, bàn tay (không kể trường hợp bị dị tật): Đều có 5 ngón.

Tướng pháp (phép xem tướng) có ngũ nhạc: Trán là Nam nhạc, cằm là Bắc nhạc, quyền trái là Đông nhạc, quyền phải là Tây nhạc, mũi là Trung nhạc.

 

ngũ quan: Hai lông mày là Bảo thọ quan, hai mắt là Giám sát quan, hai tai là Thám thính quan, mũi là Thẩm biện quan, miệng là Xuất nạp quan.

 

Lại có tướng ngũ trường: Đầu dài, mặt dài, thân dài, tay dài, chân dài.

Và tướng ngũ đoản: Cũng bao gồm những bộ phận như trên, nhưng ngược lại, đều ngắn.

Đi sâu hơn nữa, còn có ngũ lộ: Nhãn (mắt) lộ, ti (lỗ mũi) lộ, nhĩ (tai) lộ, khẩu (miệng) lộ, yết (hầu) lộ.

 

Rồi ngũ tú: Cốt tú, nhục tú, huyết tú, khí tú, chất tú.

Ngũ hợp: Thiên địa tương hợp, Thiên quan tương hợp, Thiên tâm tương hợp, Thiên cơ tương hợp, Thiên luân tương hợp.

Ngũ tuyệt: 5 tạng đều tuyệt (tướng sắp chết)

Nói về kiến trúc: Nhà ở, người ta thường làm 5 gian. Nếu 3, thì vẩy thêm 2 cái chái, gọi là ba gian hai chái.

 

Phật giáo có ngũ giới: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói càn, không uống rượu, ăn thịt.

 

Tín ngưỡng, có tục thờ quan ngũ dinh (5 ông hổ)

Đối với tổ 5 đời, người ta lấy gỗ mơ rồi khắc (hoặc viết) họ tên, năm sinh, năm mất lên đấy làm bài vị để thờ, gọi là: “Ngũ đại mai thần chủ

Đời người, đến tuổi 50, đã biết được thế nào là mệnh Trời, cho nên mới có câu: “Ngũ thập tri thiên mệnh”.

 

Âm nhạc có ngũ âm (5 âm), ngũ cung: Cung, Thương, Giốc, Chuỷ, Vũ; Rồi ngũ liên: Chỉ tiếng trống đánh dồn dập, mỗi nhịp 5 tiếng.

 

Thơ có ngũ ngôn (mỗi câu 5 âm tiết); toán có ngũ giác (5 cạnh); màu có ngũ sắc (chính): xanh, vàng, đỏ, trắng, đen; sách có ngũ thiên tự (sách 5.000 chữ); hàng có ngũ kim (hàng ngũ kim – nói tổng quát); lại còn ngũ cốc, bao gồm 5 loại cây có hạt, dùng làm lương thực là: kê, đậu, ngô, lúa nếp, lúa tẻ.

 

Mở rộng thêm còn có 5 canh (trong đêm 5 canh, ngày 6 khắc), 5 cửa ô (khi  nói về Hà Nội), rồi 5 châu (trong 4 biển 5 châu). Và hẳn không phải ngẫu nhiên mà biểu tượng của ngôi sao lại là 5 cánh.

 

Về lịch sử các triều đại, Trung Quốc có Ngũ đế (Hoàng đế, Chuyên Húc, Đế Cốc, Đế Nghiêu, Đế Thuấn) bao gồm 410 năm (từ năm 2550 đến năm 2140 trước công nguyên).

Đời Xuân Thu (770 – 476 trước công nguyên) có n Bá là: Tề Hoàn Công, Tống Tương Công, Tấn Văn Công, Tần Mục Công, Sở Trang Công.

Sau này, có ngũ đại: Hậu Lương (907 – 923), Hậu Đường (923 – 936), Hậu Tấn (936 – 947), Hậu Hán (947 – 951), Hậu Chu (951 – 960).

Cuối cùng trở lại với nho giáo, có ngũ Kinh: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu.

Nói đến nho giáo không thể không nhớ đến 5 mối quan hệ được thiết lập trong ngũ luân: Vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bè bạn.

 

Và 5 đức trong ngũ thường: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

Cửu ngũ (cửu ở đây có nghĩa là dương): Hào 5, dương của quẻ Càn (º) trong Kinh Dịch là hào tốt nhất trong quẻ (mà quẻ Càn lại là quẻ tốt nhất trong số 64 quẻ), vì vậy nó được dùng để chỉ ngôi chí tôn: Ngôi cửu ngũ – ngôi vua.

 

Triết học Trung Quốc cổ đại có ngũ hành: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ - là 5 nguyên tố cấu tạo nên vạn vật.

 

Đến đây, những thắc mắc về ý nghĩa của con số 5 được đặt ra ở đầu bài đã có lời giải đáp. Để kết thúc bài viết này, xin được kể thêm những cái “Ngũ” trong ngày tết: Ngoài mâm ngũ quả, trước bữa ăn, để khai vị còn có rượu ngũ sà. Sau khi ăn xong, tráng miệng có mứt ngũ vị. Chơi tam cúc, nếu lên bài được đủ 5 quân tốt đen (hoặc 5 quân tốt đỏ) gọi là ngũ tử (tuy là những quân có địa vị thấp kém nhất trong cỗ bài, nhưng nếu được ngũ tử, xin nhớ có quyền cướp cái). Cuối cùng, ngày tết chúng ta đều mong muốn và cầu chúc cho nhau được đủ ngũ phúc:

Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh./.

 

Phùng Thành Chủng
Số lần đọc: 2820
Ngày đăng: 15.02.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nàng Là ai, Hỡi Thúy Kiều - Khuất Đẩu
Hà Nội nỗi nhớ trong tôi - Nguyễn Thị Hậu
Câu chuyện đêm trừ tịch - Văn Thành Lê
Góc chợ quê ngày giáp Tết - Vinh Anh
Vài chuyện cọp ở các thế kỷ trước - Nguyễn Đức Hiệp
Vaì thiển ý của dân ngoại đạo - Tô Nhuận Vỹ
Đi chợ tết – lan man chuyện mua, bán - Trần Huy Thuận
La cà tết kinh - Inrasara
Buổi chiều lá rụng… - Phạm Thanh Chương
Bâng khuâng nhớ tết quê nhà - Trần Quang Vinh
Cùng một tác giả
Nhà thiện xạ! (truyện ngắn)
Bán Khoán. (truyện ngắn)
Bà Tôi (truyện ngắn)
Lan Man Chuyện (tạp văn)
Đi Tìm Vua Lê (truyện ngắn)
Người Khôn Ngoan (truyện ngắn)