Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.167
123.223.956
 
Tết Lại Đến - Tết Lại Đi
Trần Quang Vinh

Thế rồi Tết lại qua đi. Ngồi một mình trong phòng anh vươn vai ngáp dài, cất tiếng hát nghêu ngao: “Ngày Tết đến ta không mong đợi chi, ngày Tết đi ta không hề nuối tiếc …”

 

Là trụ cột của một gia đình nên Tết đến anh vẫn phải tận tụy làm phận sự của mình. Nghĩa là cũng dọn dẹp nhà cửa. Bày biện trang trí thêm tờ lịch mới. Lương bổng bèo bọt, chẳng đủ tiền chơi mai chơi huệ thì trưng mấy bình vạn thọ, mẫu đơn. Cặm cụi gói cặp bánh chưng để xếp cạnh mâm ngũ quả cho có chút hương vị ngày Tết …

 

Phút giao thừa  cũng thắp hương cúng bái tổ tiên . Dẫu túi lép vẫn làm bộ hả hê mở hầu bao lì xì mừng tuổi lũ trẻ tới nhà xông nhà. Rồi chẳng ngại nắng gió phương nam lặng lẽ làm gã xe ôm chở nàng đi xin lộc thần lộc phật ở đền này chùa nọ.

 

Tiếp đến là đi chúc tết bạn bè. Cũng vẫn là bạn bè của nàng cả thôi , còn anh chẳng muốn chúc Tết ai cả. Tuy quen biết cũng nhiều, nhưng lại cảm thấy ngán ngẩm khi nói những lời chúc tụng sáo rỗng. Cảm giác như một vai kịch tồi  phải diễn đi diễn lại giữa đám khán giả tinh khôn sành điệu . Tất nhiên đó chỉ là tâm trạng của riêng anh, không thể áp đặt cho người khác, dù là vợ con  mình. Vả lại anh cũng hiểu rằng, sống giữa cõi đời dẫu ẩn lánh nơi cửa thiền nào ai thoát khỏi hệ lụy của cõi tục. Tức là cũng phải ăn, phải mặc, phải lặn ngụp cùng chúng sinh. Thật buồn cười khi ai đó vẫn nuốt vào họng món ngũ cốc mà con người cấy trồng từ bùn đất, vẫn phải vào toa lét để xả ra những tạp chất xú uế mà dám ngộ nhận là thần thánh siêu phàm (!)…

 

Thực ra cái tâm trạng dửng dưng trong ngày Tết của anh cũng chỉ là sự ích kỷ tầm thường của con người mà thôi . Bởi anh không còn là đứa trẻ ngây thơ để háo hức với những đồng tiền mừng tuổi của người lớn mỗi khi Tết đến. Anh cũng chẳng phải  đầu gà hay đuôi voi trong câu ngạn ngữ so sánh cực kỳ tế nhị của người xưa, để thấp thỏm đợi quà biếu Tết gồm những túi nọ, phong bao kia, với đủ thứ sơn hào hải vị của thuộc hạ hay những doanh nhân thân cận mong muốn được hợp tác làm ăn dài dài. Bổng lộc chẳng đến nhà mà lương thưởng không bằng số lẻ của thiên hạ. Tức là anh chẳng có lợi lộc gì trong ngày Tết ngoài sự bận rộn vô bổ của những nghi lễ rườm rà phiền toái . Vậy nên anh mới thờ ơ …

 

Con người là như thế đó! Nếu kiếm được danh được lợi, dù chỉ bằng móng tay vẫn khiến người ta hồi hộp chờ mong. Bằng không thì dửng dưng hờ hững . Anh cũng chỉ là cái cá thể cỏn con vô danh vô dạng trong đám đông hỗn tạp ấy nên  cái sự yêu  ghét của anh nào có ý nghĩa gì trong cõi nhân sinh mênh mang vô định …

 

Bởi thế, Tết vẫn cứ đến … Tết vẫn cứ đi … Đó cũng là cái lẽ vô thường của Tạo hóa./.

 

Trần Quang Vinh
Số lần đọc: 2228
Ngày đăng: 18.02.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lãng Du trong Văn Học Ấn Độ - Lương Văn Hồng
Lãng du trong văn học Ai Cập - Lương Văn Hồng
Từ mâm ngũ quả, phiếm bàn về con số 5 - Phùng Thành Chủng
Nàng Là ai, Hỡi Thúy Kiều - Khuất Đẩu
Hà Nội nỗi nhớ trong tôi - Nguyễn Thị Hậu
Câu chuyện đêm trừ tịch - Văn Thành Lê
Góc chợ quê ngày giáp Tết - Vinh Anh
Vài chuyện cọp ở các thế kỷ trước - Nguyễn Đức Hiệp
Vaì thiển ý của dân ngoại đạo - Tô Nhuận Vỹ
Đi chợ tết – lan man chuyện mua, bán - Trần Huy Thuận