MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Từ năm 1865, khi tờ Gia Định Báo xuất bản, văn xuôi quốc ngữ ở Nam Bộ nói chung có điều kiện cả về khách quan lẫn chủ quan để phát triển mạnh mẽ. Đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, văn xuôi quốc ngữ ở Nam bộ đã đạt được những thành tựu đáng kể với những cây bút tiên phong như Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn Trọng Quản, …
1.2. Nói đến thể loại của văn học giai đoạn này, truyện ngắn xứng đáng được tôn vinh trong dòng chảy truyện ngắn dân tộc bởi sự cách tân góp phần hiện đại hóa văn học nước nhà. Nghiên cứu thi pháp thể loại có nhiều hướng vừa phong phú vừa đa dạng. Trong tiểu luận của mình, tôi chọn đề tài Nhân vật trong truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XX để tìm hiểu, phân tích.
1.3. Tôi cho rằng nhân vật trong tác phẩm nói chung và trong truyện ngắn nói riêng là một nhân tố không thể thiếu. Thông qua cách xây dựng nhân vật chúng ta sẽ phần nào thấy được cách tân cũng như những đóng góp của các nhà văn viết truyện ngắn ở Nam bộ cách đây tròn thế kỷ.
2. Lịch sử nghiên cứu
2.1. Những vấn đề về lý thuyết truyện ngắn
Theo tầm bao quát tài liệu của chúng tôi, lịch sử vấn đề mà chúng tôi đặt ra đã được rất nhiều nhà nghiên cứu đề cập. Trong phạm vi của một tiểu luận, chúng tôi tạm thời liệt kê ra một số công trình tiêu biểu:
Về truyện ngắn, có Nguyễn Hoành Khung, Bùi Hiển, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Đức Nam, với Truyện ngắn Việt Nam 1930 -1945, Nxb Giáo dục, 2008, Phương Lựu với Lý luận văn học (tập 2), Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh in năm 2001; Trần Đình Sử, Phương Lựu, Nguyễn Xuân Nam với Lý luận văn học, tập 2, Nxb Giáo dục, 1987; Nhiều tác giả trong công trình Nghệ thuật viết truyện ngắn và ký, Nxb Thanh niên, 2000; Bùi Việt Thắng với Bình luận truyện ngắn Nxb Văn học, 1999; và Truyện ngắn những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2000;
Các từ điển, thuật ngữ về khái niệm truyện ngắn, có Lại Nguyên Ân với 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004; Vương Trí Nhàn với Sổ tay truyện ngắn, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2001; Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi với Từ điển thuật ngữ văn học, trong đó có mục truyện ngắn; Đỗ Đức Hiểu - Nguyễn Huệ Chi - Phùng Văn Tửu - Trần Hữu Tá (chủ biên), Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb Thế giới, 2003, với mục thể loại truyện ngắn
2.2. Những công trình nghiên cứu về văn xuôi, truyện ngắn Nam bộ
Có thể nói rằng Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan là một trong những công trình nghiên cứu đầu tiên có xuất hiện bóng dáng của nhà văn Nam bộ. Toàn bộ 78 nhà văn được Vũ Ngọc Phan tìm hiểu, trong số đó có ba người Nam bộ: Trương Vĩnh Ký, Hồ Biểu Chánh và Đông Hồ.
Từ cuối những năm của thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI, văn học Nam bộ mới bắt đầu tạo được sức “nóng” cho các nhà nghiên cứu. Đầu tiên, vào năm 1987, để kỉ niệm 100 năm ra đời cuốn tiểu thuyết đầu tiên, Khoa Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cho in và lưu hành nội bộ cuốn Thầy Lazarô Phiền. Năm 1998, Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học thành phố Hồ Chí Minh xuất bản bộ Truyện dài đầu tiên và tuyển tập các truyện ngắn Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Sau đó là Văn xuôi Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX, 2 tập do Cao Xuân Mỹ sưu tầm, tuyển chọn. Năm 2001, bộ Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam, tập 1 của Vũ Tuấn Anh và Bích Thu chủ biên có điểm qua 56 tác phẩm văn xuôi Nam Bộ. Tiếp theo là bộ Văn học Việt Nam thế kỷ XX, do Phan Cự Đệ chủ biên, mà theo Trần Hữu Tá thì “văn học Nam Bộ giai đoạn 1900 – 1945 cũng chưa được quan tâm đúng mức” [12, 79]; Từ điển văn học (bộ mới) có hơn chín mươi tác giả Nam Bộ được giới thiệu, … cùng nhiều chuyên khảo như Bằng Giang với Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865 – 1930; Bùi Đức Thịnh với Những bước đầu của báo chí, tiểu thuyết và thơ mới 1865 – 1932); Hoài Anh với Chân dung văn học, …
Nhiều luận văn tiến sĩ, thạc sĩ mà đối tượng là các tác giả, tác phẩm thuộc dòng văn xuôi quốc ngữ Nam Bộ đầu thế kỷ XX. Theo tầm bao quát tài liệu của tôi có thể kể các công trình: Sự hình thành và vận động của thể loại tiểu thuyết văn xuôi tiếng Việt ở Nam Bộ giai đoạn cuối thế kỉ XIX đến năm 1932 (luận án tiến sĩ của Tôn Thất Dụng); Quá trình hiện đại hóa tiểu thuyết Việt Nam từ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX (luận án tiến sĩ của Cao Xuân Mỹ); luận án tiến sĩ của Lê Ngọc Thúy, …
2.3. Các công trình về nhân vật trong truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XX
Ngoài những lời giới thiệu chung như chúng tôi vừa đề cập, chúng tôi chưa nhận thấy công trình riêng biệt nào nghiên cứu về nhân vật trong truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XX.
3. Nhiệm vụ nghiên cứu
Thực hiện đề tài Nhân vật trong truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XX, chúng tôi đặt ra hai nhiệm vụ nghiên cứu:
- Những giới thuyết về thể loại truyện ngắn, truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XX.
- Nhân vật và cách xây dựng nhân vật trong truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XX
4. Phương pháp nghiên cứu
Trong suốt quá trình nghiên cứu đề tài chúng tôi vận dụng một số phương pháp sau:
Phương pháp cấu trúc - hệ thống;
Phương pháp phân tích - tổng hợp;
Phương pháp thống kê - so sánh.
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng của đề tài là Nhân vật trong truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XX
- Đề tài tập trung vào khảo sát, nghiên cứu Nhân vật trong truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XX từ các tác phẩm cụ thể trong:
Văn xuôi Nam Bộ nửa đầu thế kỷ 20, Nxb Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh và Trung tâm nghiên cứu Quốc học, tập 1 và tập 2, 1999.
Tuyển tập truyện ngắn đầu thế kỷ XX, Nxb Hội Nhà văn, 1999.
6. Đóng góp và cấu trúc của tiểu luận
6.1. Đóng góp mới
Đề tài tiểu luận của chúng tôi là công trình tập trung đi vào nghiên cứu Nhân vật trong truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XX mang tính hệ thống và toàn diện.
6.2. Cấu trúc tiểu luận
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, nội dung chính của tiểu luận tổ chức thành 02 chương:
- Chương 1: Một số giới thuyết về truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XX
- Chương 2: Nghệ thuật xây dựng nhân vật qua một số tác phẩm văn xuôi Nam Bộ đầu thế kỷ XX.
Chương 1
MỘT SỐ GIỚI THUYẾT VỀ TRUYỆN NGẮN NAM BỘ ĐẦU THẾ KỶ XX
1.Cở sở hình thành nền văn xuôi quốc ngữ Nam Bộ
1.1. Cơ sở lịch sử, xã hội
Nền văn học quốc ngữ ở Nam Bộ đầu thế kỷ XX đã được hình thành trong thời kỳ miền Nam rơi vào vòng thuộc địa của thực dân Pháp và trải qua nhiều chặng đường chống xâm lăng của nhân dân Việt Nam. Năm 1861, tại Chí Hoà, Nguyễn Tri Phương thất thủ, năm sau (1862) Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông rồi thu tóm lục tỉnh Nam Kỳ (1867). Năm 1884, sau hiệp ước Patenôtre Việt Nam hoàn toàn mất độc lập, chủ quyền.
Thời gian ấy, nhiều cuộc nổi dậy của các nghĩa quân ở miền Nam liên tục nổ ra. Trương Định ở Gò Công; Nguyễn Trung Trực ở vùng Long An – Rạch Giá – Hà Tiên; Thủ Khoa Huân ở Mỹ Tho; Đốc binh Kiều ở Đồng Tháp; Trần Thiện Chánh, Lê Huy, đốc binh Là ở vùng Cần Giuộc, Rạch Kiến, …
Năm 1885, nổ ra cuộc khởi nghĩa của Quản Hớn ở vùng Hóc Môn – Bà Điểm, … Khi phong trào Cần Vương lụi tàn thì phong trào Dông Du, phong trào Duy Tân khởi xướng và chí sĩ Nam Kỳ hưởng ứng sôi nổi như Diệp Văn Cương, Trần Chánh Chiếu, Đặng Thúc Liêng, Lương Khắc Ninh, …
Quá trình đô thị hoá ở Sài Gòn diễn ra nhanh chóng. Và hệ quả tất yếu của chính sách thực dân về chính trị và kinh tế là đã gây ra một sự phân hoá sâu sắc trong các tầng lớp xã hội ở Nam Kỳ. Bên cạnh những người nông dân truyền thống, nhiều thành phần, tầng lớp, nghề nghiệp mới đã xuất hiện: công nhân, thông ngôn, bồi bếp, trí thức nho học, Tây học, …
Như vậy, về mặt lịch sử vào đầu thế kỷ XX ở miền Nam mà đặc biệt là Sài Gòn, đã dần dần trở thành trung tâm chính trị quan trọng của Việt Nam. Các giai cấp, các tầng lớp, các tổ chức chính trị đều muốn thể hiện các chương trình hành động về chính trị, xã hội, văn hoá của mình. Trong đó, nổi bật nhất vẫn là ý chí giành độc lập tự do, thể hiện trên mọi bình diện sinh hoạt của dân tộc lúc bấy giờ.
1.2. Cơ sở văn hóa, thẩm mỹ
Thứ nhất, quá trình hiện đại hoá văn học Việt Nam đã bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX theo nhiều phương thức như cách tân dần dần văn học truyền thống theo kiểu phương Tây, hoặc gấp rút hiện đại hoá văn học Việt Nam qua con đường tiếp nhận trực tiếp văn học Pháp. Tiến trình hiện đại hoá của văn học quốc ngữ miền Nam đã diễn ra bằng tất cả các phương thức trên và đồng thời thể hiện khá đầy đủ những nét lớn của quá trình hiện đại hoá văn học Việt Nam.
Thứ hai, mối quan hệ với văn học Hán Nôm đặc biệt là ở thế kỷ XIX với sự kế thừa các truyền thống yêu nước, nhân đạo, nhân văn, kế thừa các thành tựu thi pháp, … là một cơ sở tinh thần đáng kể trong giai đoạn sơ khởi của văn học quốc ngữ Việt Nam nói chung và ở Nam Kỳ nói riêng. Ngoài ra, cũng thấy có sự tiếp nhận cảm hứng nhân đạo, nhân văn và truyền thống trong mảng văn chương sáng tác ở miền Nam (truyện ngắn, tiểu thuyết).
Thứ ba, chữ quốc ngữ đã xuất hiện rất sớm và rất phong phú trên báo chí miền Nam trong thập niên đầu thế kỷ XX.
Thứ tư, vai trò của báo chí.
Giai đoạn từ 1865 – 1908 là giai đoạn khởi đầu của báo chí quốc ngữ Việt Nam, trước hết lở Nam kỳ. Các tờ đáng chú ý:
Gia Định báo (1865 – 1919), là tờ quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam. Tờ báo này đã đăng tải nhiều công trình dịch thuật, sưu tầm, biên khảo của các tác giả Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của,… Trong lời nói đầu, Trường Vĩnh Ký xác định mục đích của nó (giữ nguyên văn chính tả và ngữ pháp): Coi sách dạy lắm, nó cũng nhàm; nên phải có cái chi chi pha vào một hai khi nó mới thú. Vậy ta tính làm một tháng đôi ba kỳ, một tập mỏng mỏng nói chuyện sang - đàng, chuyện tam hoàng cuốc chí, pha phách lộn - lạo xài - bần để cho học trò coi chơi cho vui. Mà không phải là chơi không vô - ích đâu; cũng là những chuyện con người - ta ở đời nên biết.
Phan Yên báo (1898 – 1899), ra đời được bảy số. Đây là tờ báo do Diệp Văn Cương, một du học sinh ở Alger sáng lập, nhưng “chưa rõ có ai được thấy mặt mũi nó ra sao” thì bị Pháp đóng cửa.
Nam Kỳ nhựt trình ra số tiên ngày 21-10-1897, đăng các tin tức công vụ, thông báo, và các bài viết, bài dịch của Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Diệp Văn Cương, …
Nông Cổ Mín Đàm (nghĩa là nhà nông và nhà buôn cùng uống trà trò chuyện), với mục tiêu mở mang dân trí, “thông tin nhau mà lại rộng kiến văn”, …
Lục tỉnh Tân Văn ra đời năm 1907, chủ bút là nhà văn Trần Chánh Chiếu. Đây là tờ báo có khuynh hướng tích cực rõ rệt, thể hiện qua số lượng văn chương nghị luận với nhiều đề tài phong phú như chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, …
Giai đoạn 1908 – 1918. Giai đoạn này có một số báo gây tiếng vang.
Đại Việt tạp chí do Hồ Biểu Chánh chủ trương, tờ báo định kỳ này có tính cách truyền bá văn học hơn là một tờ thông tin.
Tờ Nữ giới chung do nữ sĩ Sương Nguyệt Anh điều khiển ban biên tập ra mắt năm 1918. Tuy chỉ tồn tại một năm, nhưng đây là tờ báo có chủ trương truyền bá chữ quốc ngữ và quan tâm đến vị trí của người phụ nữ, tờ này đăng những bài xã luận, thơ tiểu thuyết, một vài tin tức và một phần làm bếp.
Giai đoạn 1918 – 1930. Ở Nam Bộ có một số tờ tiêu biểu như sau:
Nhật Tân báo của Cao Hải Để (1922)
Đông Pháp thời báo của Nguyễn Kim Đính sau do Diệp Văn Cương và Nguyễn Văn Bá điều khiển đã nói lên “những vấn đè phản ánh những nỗi lo âu của người dân và ý thức quốc gia từ lâu bị che trong lòng dân tộc.
Rạng đông tạp chí (1926) do Trần Huy Liệu làm chủ bút.
Tờ Kịch trường (1928). Tuy lấy tiếng là báo chuyên về điện ảnh và kịch, nhưng sau đó báo này đã hoàn toàn đối lập với chính quyền. Báo này ca ngợi lý thuyết Tam dân của Tôn Dật Tiên, đăng vụ án Nguyễn An Ninh. Báo đã bị vĩnh viễn đóng cửa năm 1929.
Kỳ Lân báo (1928) có khuynh hướng cộng sản, tuyên truyền tư tưởng Mác xit bị đóng cửa năm 1929.
Đuốc nhà Nam (1928) chú trọng về giới nông dân, lao động, chủ trương vạch rõ bộ mặt thật của chế độ thực dân, thực chất của nền văn minh Âu tây, bị cấm lưu hành ở miền Bắc từ năm 1928, và còn tồn tại trong Nam cho đến năm 1937.
Tóm lại báo chí Nam Bộ đã đóng góp khá nhiều công sức vào việc hiện đại hoá và xây dựng một nền văn hoá văn học dân tộc.
Tất cả những yếu tố mà chúng tôi điểm qua một cách sơ lược đã là tiền đề cho văn xuôi quốc ngữ Nam bộ mà cụ thể là truyện ngắn ra đời.
2. Khái niệm truyện ngắn (một số giới thuyết)
2.1. Nguồn gốc của truyện ngắn
Trên cơ sở một số công trình nghiên cứu đã được công bố, chúng tôi tóm lược lại những nét khái quát về lịch sử hình thành và phát triển của thể loại truyện ngắn.
2.1.1. Truyện ngắn hình thành trong nền văn học châu Âu
Hầu hết ý kiến đều cho rằng truyện ngắn châu Âu hiện đại ra đời vào thời Phục Hưng. Đến thế kỷ XVIII, truyện ngắn lãng mạn hình thành ở Châu Âu. Truyện ngắn đã tạo ra những hình thức tự do: tự do trong kết cấu, chi tiết, đặc biệt là phải đưa các yếu tố trữ tình vào. Thế kỷ XIX, truyện ngắn hiện thực hình thành và phát triển rộng khắp. Sang thế kỷ XX, bên cạnh truyện ngắn cũng như tiểu thuyết từng bước hiện đại (1900 – 1930), từ 1930 được giới lý luận gọi là hậu hiện đại, với nhiều trào lưu: chủ nghĩa hiện thực mới; chủ nghĩa hiện sinh; hậu hiện sinh; chủ nghĩa siêu thực và chủ nghĩa hậu siêu thực.
2.1.2. Truyện ngắn hiện đại ở Nga
Truyện ngắn có tính hiện đại ở Nga xuất hiện vào thế kỷ XIX với hai văn hào lớn là Puskin và Gôgôn. Loại hình truyện ngắn Puskin là hiện thực mang màu sắc trữ tình. Loại hình truyện ngắn Gôgôn, bên ngoài những vấn đề xã hội thường mang màu sắc trào phúng.
Truyện ngắn của Sê-khốp thì dồn nén sâu sắc tư tưởng, chuyển tải bằng hình thức giản dị, không cầu kỳ.
2.1.3. Truyện ngắn ở Mỹ
Bậc thầy của hình thức kỳ ảo hoang đường là Hêminguê. Truyện ông mơ hồ trong nhận thức chân lý, thủ pháp hiện đại kết hợp với hình thức kỳ ảo ở Mỹ Latinh.
2.1.4. Ở Trung Quốc và Việt Nam
Ở Trung Quốc, tiểu thuyết bao gồm cả truyện ngắn xuất hiện từ thế kỷ III tCN. Đến thế kỷ VII – IX: xuất hiện truyền kỳ (Đời Đường) với những yếu tố hoang đường kết hợp hài hoà với yếu tố hiện thực. Sang thế kỷ XII – XIII, xuất hiện các thoại bản đời Tống.
Hình thức truyện ngắn của Trung Hoa hiện đại phải đến những năm 20 của thế kỷ XX mới có những thành tựu.
Ở Việt Nam, theo Thanh Lãng thì khái niệm truyện ngắn hiện đại Việt Nam chỉ có từ đầu thế kỷ XX trở đi.
Bùi Việt Thắng cho rằng truyện ngắn có mầm mống từ rất sớm, nó có mầm mống từ văn xuôi trung đại chữ Hán, ông luận giải, có truyện ngắn chữ Hán và truyện ngắn hiện đại trong dòng chảy của lịch sử văn học Việt Nam. Thế kỷ XI, mầm mống truyện ngắn đã xuất hiện với Việt điện u linh. Thế kỷ XV trở đi, truyện viết mang tính nghệ thuật có yếu tố cá nhân và yếu tố thần kỳ trong văn học. Thế kỷ XVII về sau, nó biến đổi dần thành ra tiểu thuyết chương hồi và truyện Nôm.
Đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX chữ quốc ngữ phổ biến rộng rãi đặc biệt ở Nam Bộ, tác phẩm dịch thuật cũng đi vào miền Nam. Nguyễn Trọng Quản, Trần Chánh Chiếu sáng tác những truyện mang đề tài tôn giáo, Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký viết những truyện gắn với những vấn đề xã hội (hình thức ngắn, đậm chất dân gian: gây cười, ngụ ngôn).
Những năm 1920, xuất hiện truyện ngắn hiện đại (lúc bấy giờ gọi là tiểu thuyết) với dung lượng từ 80 – 100 trang.
Sau đó, hình thức thể loại này chuyển động ra Bắc và thành công với Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, …
Từ đầu những năm 1930, có:
Truyện ngắn lãng mạn của nhóm Tự lực văn đoàn.
Truyện ngắn hiện thực: Nguyễn Công Hoan, Ngắn quốc Nam Bộ đầu thế kỷ XX, Nguyên Hồng, …
Truyện ngắn trữ tình: Thạch Lam, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh, …
Giai đoạn 1945 – 1975: truyện ngắn sử thi hoá.
Và từ 1986 – nay: truyện ngắn đa dạng, phát triển rực rỡ, với nhiều ý tưởng đổi mới thể loại, bước đầu cũng đạt những thành tựu nhất định, …
Riêng sự hình thành và phát triển của truyện ngắn Nam Bộ, chúng tôi sẽ trình bày ngay ở phần sau.
2.2. Khái niệm truyện ngắn
2.2.1. Những khái niệm
Hiện nay nhận diện cũng như sáng tạo về thể loại truyện ngắn là một nỗ lực liên tục cho cả người sáng tác và giới nghiên cứu phê bình. Từ W. Gớt thế kỷ XVII cho đến Sêkhốp, từ Lỗ Tấn đến Môpatxăng, từ Antônốp thế kỷ XIX - XX, đến Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Kiên… Chúng tôi chỉ xin dẫn lại một số ý kiến của họ.
Đối với Pautốpxky thì truyện ngắn phải ngắn gọn là cái bình thường diễn ra như cái không bình thường. Cái không bình thường diễn ra như cái bình thường.
Nguyễn Kiên quan niệm Tôi cho rằng truyện ngắn là một trường hợp, trường hợp đó là một quan hệ (tình huống) những khoảnh khắc trong quan hệ giữa con người và đời sống.
Nguyễn Công Hoan: truyện ngắn không phải là truyện mà là một vấn đề được xây dựng bằng chi tiết.
Nguyên Ngọc thì cho rằng: truyện ngắn là một bộ phận của tiểu thuyết nói chung, vì thế không nên nhất thiết trói buộc truyện ngắn vào những khuôn mẫu gò bó. Truyện ngắn có nhiều vẻ, có truyện viết về cả một đời người, lại có truyện chỉ ghi lại một vài giây phút thoáng qua.
Để có một cái nhìn thống nhất hơn, toàn diện hơn về truyện ngắn, chúng tôi khảo sát một số khái niệm truyện ngắn trong các cuốn: Từ điển thuật ngữ văn học, Từ điển văn học, 150 thuật ngữ văn học... tất cả coi truyện ngắn là một: “Thể tài tác phẩm tự sự cỡ nhỏ”, và “thường được viết bằng văn xuôi”, đề cập hầu hết các phương diện của đời sống con người và xã hội. Điểm chung cơ bản đó là sự giới hạn về dung lượng của truyện ngắn và thích hợp với người tiếp nhận “đọc nó liền một mạch không nghỉ...”.
Từ những khái niệm trên, theo chúng tôi, để nhận định truyện ngắn cần dựa vào hai tiêu chí chính là dung lượng và thi pháp. Các yếu tố như cốt truyện, tình huống, kết cấu, lối trần thuật, giọng điệu... được coi là cơ bản khi tìm hiểu thể loại này.
2.2.2. Đặc trưng của truyện ngắn (hiện đại)
2.2.2.1. Hình thức tự sự cỡ nhỏ
Truyện ngắn là một hình thức tự sự cỡ nhỏ, chỉ thể hiện một bước ngoặt, một trường hợp hay một tâm trạng nhân vật. Nói như Henri Benac: “Một lời mời gọi sự suy ngẫm thông minh của độc giả” [4, 612].
Như vậy, truyện ngắn là cách phát hiện nghệ thuật của đời sống theo chiều sâu. Có những bậc thầy về thể loại này đã đem đến cho truyện ngắn một sức chứa của tiểu thuyết. Ở lĩnh vực truyện ngắn thì văn học hiện đại thế giới có nhiều cây bút lừng danh như Bunhin, Môroa, Xvaigơ, Môravia,...
Văn học thế giới đã nói nhiều đến cái chết của tiểu thuyết - cái chết của bi kịch nhưng chưa từng nói đến cái chết của truyện ngắn. Với hình thức tự sự cỡ nhỏ, số trang ít, ít sự kiện, ít nhân vật, phạm vi phản ánh hẹp nhưng tất cả những chi tiết góp phần làm cho câu chuyện đạt đến hiệu quả mong muốn, tác động mạnh mẽ và giá trị thẩm mỹ lớn lao.
2.2.2.2. Phải có tính tình huống
Tình huống được nảy sinh từ một sự kiện, một mâu thuẫn nhất định. Mâu thuẫn càng quyết liệt, bất ngờ, thì tình huống càng hấp dẫn, cuốn hút. Nói chung, tình huống phát triển cao thành xung đột. Tình huống giúp cho những gì còn nằm trong hình thức chưa phát triển nay bộc lộ và hoạt động tích cực. Vì thế, truyện ngắn cũng như các thể loại tự sự khác, không thể thiếu tình huống. Chỉ trong các tình huống cụ thể các nhân vật mới bộc lộ tính cách, tâm lý hoặc thay đổi tính cách, tâm lý nhằm biểu đạt tư tưởng nghệ thuật của nhà văn.
Nói tóm lại, khi bước vào một truyện ngắn người đọc cần phải nắm được giá trị của các bình diện nghệ thuật cấu thành cái thực thể sinh động - là truyện ngắn. Nhưng nếu chưa nắm được tình huống thì xem như chưa nắm được chiếc chìa khóa mầu nhiệm để mở vào một thế giới bí ẩn của truyện ngắn.
2.2.2.3. Nhân vật được thể hiện như một lát cắt điển hình
Nhân vật có vai trò hết sức quan trọng trong tác phẩm. Có thể nói nhân vật là xương sống là linh hồn của mỗi tác phẩm, nhân vật cũng là người phát ngôn cho tư tưởng nhà văn, thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người của tác giả.
Nếu nhiệm vụ của tiểu thuyết là theo dõi, tìm hiểu và mô tả tỉ mỉ sự thăng trầm của số phận thì nhiệm vụ của truyện ngắn là “sử dụng” nó, có nghĩa là vào lúc cần thiết nó hiện lên rõ ràng, tuân thủ các nguyên tắc điển hình hóa. Tác giả truyện ngắn thường hướng tới khắc họa một hiện tượng, một nét tính chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn con người - nhân vật tâm trạng.
Theo Sêkhốp, nhân vật truyện ngắn phải được hiểu theo nghĩa rộng, có khi là người, có khi là vật. Cho dù là tồn tại dưới dạng nào thì tất cả các nhân vật đều hướng tới con người. Chỗ khác biệt cơ bản nhất của truyện ngắn là nhân vật của tiểu thuyết thường là một thế giới thì nhân vật chính của truyện ngắn chỉ là một mảnh nhỏ của thế giới.
2.2.2.4. Vai trò quan trọng của chi tiết
Chi tiết là tiểu tiết trong tác phẩm tự sự. Truyện ngắn có thể không có một cốt truyện nhưng không thể không có chi tiết. Chính chi tiết mà không khí, cảnh trí, tình huống, tính cách, hành động, tâm tư nhân vật được bộc lộ đầy đủ. Nhà văn Nguyên Ngọc nhấn mạnh: “Truyện ngắn có thể có cốt truyện, thậm chí cốt truyện ly kỳ, gây cấn, kể được. Truyện ngắn cũng có thể chẳng có cốt truyện gì cả, không kể được nhưng truyện ngắn không thể nghèo chi tiết. Nó sẽ như nước lã”. Nguyễn Công Hoan cũng nhìn nhận: “Truyện ngắn không phải là truyện mà là một vấn đề được xây dựng bằng chi tiết”.
Một chi tiết đắt giá ngoài ý nghĩa chân thực còn cần phải đạt tới ý nghĩa tượng trưng, hàm chứa một cách nhìn, cách đánh giá và năng lực tưởng tượng của nhà văn đối với cuộc sống và con người.
Thông thường ta thấy có hai loại chi tiết tiêu biểu: chi tiết trung tâm đóng vai trò trung tâm thẩm mỹ, nơi nhà văn gửi gắm tư tưởng nghệ thuật; chi tiết phụ trợ có chức năng đẩy câu chuyện vận động, phát triển.
2.3. Diễn trình của truyện ngắn Nam Bộ
Các giai đoạn hình thành và phát triển của truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XX
Phương Lựu cho rằng Sự hình thành và phát triển của truyện ngắn Việt Nam hiện đại những thập niên đầu thế kỷ XX đã chịu sự tác động của ba nguồn ảnh hưởng chính: truyền thống văn học dân gian Việt Nam, truyền thống văn học trung đại Việt Nam và Trung Quốc (nhất truyền thống truyền kỳ như Truyền kỳ mạn lục, Liêu trai chí dị …) và truyền thống văn xuôi Pháp (nhất là thế kỷ XIX) và phương Tây.
Theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, truyện ngắn Nam Bộ tạm chia là ba giai đoạn như sau:
2.3.1. Giai đoạn phôi thai
Đầu thế kỷ XX, trên các báo quốc ngữ ở Nam Bộ đã xuất hiện những tác phẩm còn mang dấu vết của kiểu truyện kể đơn giản, chưa có yếu tố gia công về kỹ thuật cao. Bùi Đức Tịnh đã nhìn nhận đó là “những bài theo lối chuyện đời xưa, chuyện kể dân gian”. Theo lối này, ở miền Nam có Chuyện hai anh khùng; Chuyện anh hà tiện (Trần Phục Lễ - 1903); Làm khôn cả Phồn sinh dại (1903); Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhơn (1902) của Nguyễn Chánh Sắt; Chuyện mượn đày tớ (Nguyễn Phương Chánh – 1903), ở miền Bắc có Duyện nợ trăm năm của Ngô Tiếp, Bác nghiện của Vũ Miền Nam (1919); ...
2.3.2. Giai đoạn trưởng thành và phát triển
Đây là giai đoạn mà song song với sự phân hoá ngày càng phức tạp của xã hội thời nửa phong kiến, là sự nảy sinh của nhiều biến chuyển phức tạp với nhiều tình cảnh khác nhau của con người và cuộc sống, tạo nên một thực tại phong phú, một thực tạo mà tính chất “có vấn đề” của nó không thể phủ nhận được. Đây chính là điểm kích thích truyện ngắn vượt qua những ngụ ngôn và ẩn dụ dân gian để đến với những cảm hứng sáng tạo mới mẻ đầy màu sắc thời đại, với sở trường của nó phản ánh từng mảng nhỏ của thực tại cuộc sống, và sự nở rộ của các truyện ngắn đã làm nên một bức tranh ghép sinh động của buổi giao thời.
Một số tác giả nổi bật của giai đoạn này là Trần Quang Nghiệp, Bửu Đình, Công Bình, Thúc Anh, Khổng Lồ, Vũ Văn Đang, Thái Bình Dương, … trong thập niên 1920 – 1930.
Những truyện ngắn trong hai giai đoạn này là nhóm tác phẩm mà chúng tôi chọn để nghiên cứu trong đề tài của mình.
2.3.3. Giai đoạn hội nhập
Cuối thập niên 1930 sang thập 1940, truyện ngắn Nam Bộ đã hội đủ các tiêu chí về nội dung và nghệ thuật của thể loại truyện ngắn hiện đại về phương diện. Bên cạnh đó, một bộ phận nhà văn Nam Bộ đã hoà nhập cùng cuộc kháng chiến giành độc lập tự do nên cảm hứng truyện ngắn thời kỳ này càng nhiều màu sắc phong phú, từ cảm hứng chiến tranh đến cảm hứng đời thường. Từ những năm trong thập niên 1940, nhiều tên tuổi nổi tiếng của truyện ngắn Nam Bộ như Phan Ngọc Hiển, Phi Vân, và thời gian không lâu là Sơn Nam, Trang Thế Hy, … Truyện ngắn của lớp nhà văn này vẫn giữ được bản sắc Nam Bộ, gắn bó với chất liệu ngôn ngữ Nam Bộ làm thành ngôn ngữ văn chương, và đến đây, có thể nói rằng ngôn ngữ văn chương trong truyện ngắn Nam Bộ đã đạt đến độ trưởng thành, và song song đó là cảm hứng Nam Bộ đã hoà nhập vào cảm hứng dân tộc, cảm hứng lịch sử, thời đại.
Các truyện ngắn giai đoạn hoà nhập này chúng tôi để dùng để đối sánh chứ không khảo sát miêu tả trong đề tài của mình.
Chương 2
NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT QUA
MỘT SỐ TÁC PHẨM VĂN XUÔI NAM BỘ ĐẦU THẾ KỶ XX
2.1. Nhân vật trong truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ
2.1.1. Khái niệm
Nhân vật văn học là con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học có thể có tên riêng như Lý Chắm (Truyện ông Lý Chắm – Huỳnh Tịnh Của); Giáp (Chuyện tên Giáp – Huỳnh Tịnh Của), Lê Hào Học, Trương Đại Chí (Kiếp phong trần – Trương Vĩnh Ký); Phi Tiển, Lê Đức Nghĩa (Cũng vì ham bằng cấp tú tài – Thanh Nhàn), …; không tên như lão ăn mày (Ăn mày trúng số - Trần Quang Nhiệp); bác nghiện (Bác Nghiện – Nguyễn Chánh Sắt); bà già (Câu chuyện gia tình – Huỳnh Tịnh Của), người mẹ, người con gái (Chuyện tên Giáp – Huỳnh Tịnh Của), cái màu áo xanh (Gặp người gái đẹp – Trần Quang Nghiệp),… hoặc tên viết tắt như thầy V.D (Ôi ái tình – Công Bình), …
Song cũng cần lưu ý rằng nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật đầy tính ước lệ, không thể đồng nhất với con người thật trong đời sống.
Chức năng cơ bản của nhân vật văn học là khái quát tính cách của con người. Do tính cách là một hiện tượng xã hội, lịch sử, nên chức năng khái quát tính cách của nhân vật văn học cũng mang tính lịch sử.
Vì tính cách là kết tinh của môi trường, nên nhân vật văn học là người dẫn dắt độc giả vào các môi trường khác nhau của đời sống.
Nhân vật văn học còn thể hiện quan niệm nghệ thuật và lí tưởng thẩm mỹ của nhà văn và con người. Vì thế nhân vật luôn gắn chặt với chủ đề của tác phẩm.
Nhân vật văn học được miêu tả qua biến cố, xung đột, mâu thuẫn và mọi chi tiết các loại. Đó là mâu thuẫn nội tâm của nhân vật, mâu thuẫn giữa nhân vật này với nhân vật kia, giữa tuyến nhân vật này với nhân vật khác. Cho nên nhân vật gắn liền với cốt truyện. Nhờ được miêu tả qua xung đột, mâu thuẫn, nên khác với hình tượng hội họa và điêu khắc, nhân vật văn học là một chỉnh thể vận động, có tính cách được bộc lộ dần trong không gian, thời gian, mang tính chất quá trình.
2.1.2. Các loại nhân vật trong truyện ngắn Nam Bộ
2.1.2.1. Dựa vào vị trí đối với nội dung cụ thể, với cốt truyện của tác phẩm, nhân vật văn học trong truyện ngắn Nam Bộ đầu thể kỷ XX chúng ta có thể nhận thấy:
Thứ nhất, loại nhân vật chính, tức là nhân vật then chốt của cốt truyện, giữ vị trí trung tâm trong việc thể hiện đề tài, chủ đề và tư tưởng của tác phẩm. Nhân vật chính thường xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm và được nhà văn khắc họa đầy đặn bằng nhiều loại chi tiết: chi tiết tiểu sử, chi tiết ngoại hình, chi tiết nội tâm, tính cách, và xung đột. Chính vì thế, nhân vật chính thường thể hiện rõ nét những cách tân nghệ thuật của nhà văn.
Trong truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XX, có thể kể một số nhân vật chính như Lê Văn Nử (Trên lầm dưới lỗi – Trần Quang Nghiệp), ông chủ tiệm (Gặp người khách quý – Trần Quang Nghiệp), người cha (Chuyện anh hà tiện – Trần Phục Lễ), tôi (Làm khôn cả Phồn sanh dại – Nguyễn Chánh Sắt), …
Thứ hai, nhân vật phụ. Lý luận văn học đưa ra khái niệm loại nhân vật này là nhân vật giữ vai trò thứ yếu so với nhân vật chính trong diễn biến của cốt truyện. Có nhiều loại nhân vật phụ, loại nhân vật phụ ngay sau nhân vật chính. Loại này tuy không được khắc họa đầy đặn như nhân vật chính, nhưng vẫn được tác giả tô đậm nét, có cuộc đời, tính cách riêng. Đại diện cho loại nhân vật này có thể kể đến: người mẹ, người con gái (Chuyện tên Giáp – Huỳnh Tịnh Của), Bụng, Dạ (Bụng làm dạ chịu – Trương Vĩnh Ký), vợ chồng Hai Môn (Trời Phật công bình – Trần Quang Nghiệp), người khách (Gặp người khách quý – Trần Quang Nghiệp), …
Nhân vật đám đông, như những người dân trong Chuyện ông Lý Chắm (Huỳnh Tịnh Của), những người kế cận hiệu Đại Văn Minh (Bà chủ nhà và tên Sôpphơ – Vũ Văn Đang), … cũng là những nhân vật phụ.
Thứ ba, nhân vật người kể chuyện là hình ảnh ước lệ về người trần thuật trong tác phẩm văn học, chỉ xuất hiện khi nào câu chuyện được kể bởi một nhân vật cụ thể trong tác phẩm. Đó có thể là hình tượng của chính tác giả như tôi (Ôi ái tình – Công Bình), tôi (Làm khôn cả Phồn sanh dại – Nguyễn Chánh Sắt); có thể là một người biết một câu chuyện nào đó như tôi (Câu chuyện gia tình – Huỳnh Tịnh Của), người kể chuyện trong Giả thiệt là ai – Trần Quang Nghiệp, trong Ăn mày trúng số – Trần Quang Nghiệp, ...
2.1.2.2. Dựa vào đặc điểm tính cách, việc truyền đạt lý tưởng của nhà văn, nhân vật trong truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XX chia thành:
Thứ nhất, nhân vật chính diện, còn gọi là nhân vật tích cực. Là nhân vật thể hiện những giá trị tinh thần, những phẩm chất đẹp đẽ, những hành vi cao cả của con người được nhà văn miêu tả, khẳng định, đề cao trong tác phẩm theo một quan điểm tư tưởng, một lí tưởng xã hội – thẩm mĩ nhất định. Văn học thời nào cũng có những nhân vật chính diện thể hiện lí tưởng xã hội và lí tưởng thẩm mỹ của thời đại mình.
Trong truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XX, nhân vật Lý Chắm (Chuyện ông Lý Chắm – Huỳnh Tịnh Của), Nguyễn Sanh (Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhơn – Nguyễn Chánh Sắt), …
Thứ hai, nhân vật phản diện còn gọi là nhân vật tiêu cực, những nhân vật này mang những phẩm chất xấu xa, trái với đạo lý và lý tưởng con người, được nhà văn miêu tả trong tác phẩm với thái độ chế giễu, lên án, phủ định. Đó là những Ông Tấn Sĩ (Văn minh quái gở - Việt Đông), Lê Văn Nử (Trên lầm dưới lỗi – Trần Quang Nghiệp), Giáp (Chuyện tên Giáp – Huỳnh Tịnh Của), bác nghiện (Bác Nghiện – Vũ Miền Nam), …
Nhân vật trong truyện ngắn quốc Nam Bộ đầu thế kỷ xuất hiện nhiều loại nhân vật chính diện và phản diện bởi nội dung “tải đạo” của nó còn khá đậm nét.
2.1.2.3. Nhân vật trong truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XX nhìn từ phương diện địa vị xã hội
Có thể khẳng định ngay rằng, nhân vật trong truyện ngắn quốc Nam Bộ đầu thế kỷ XX thuộc nhiều gia cấp khác nhau, từ những quan lại như Quan Thượng, Tổng Khải (Chuyện ông Lý Chắm – Huỳnh Tịnh Của), người nghèo như vợ chồng và mấy đứa con nhỏ trong Cười ra nước mắt của Việt Đông, ăn mày như lão ăn mày trong Ăn mày trúng số (Trần Quang Nghiệp), trí thức như ông tấn sĩ (Văn minh quái gở –Việt Đông), ăn cướp, ăn cắp như vợ chồng Hai Môn và đứa con trai của họ (Trời Phật công bình – Trần Quang Nghiệp), Giáp (Chuyện tên giáp – Huỳnh Tịnh Của), nhà báo (Giả thiệt là ai – Trần Quang Nghiệp), thầy thuốc như Lương Vân (Ôi ái tình – Công Bình), có khi đó chỉ là những người dân bình thường kiểu như Mít, Xoài (Chuyện hai anh lái buôn – Trần Khắc Kỷ), Bụng, Dạ (Bụng làm Dạ chịu – Trương Vĩnh Ký), …
2.1.2.4. Nhân vật trong truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XX nhìn trên góc độ loại hình
Nhân vật là con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học. Nhân vật văn học cơ bản có những thuộc tính, tính cách như con người. Nhân vật con là nơi thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn trong quá trình sáng tác. Nhân vật gắn liền với chủ đề và cốt truyện của tác phẩm. Nhân vật trong truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XX cũng không nằm ngoài vấn đề trên.
Viết về loại hình nhân vật, Trần Đình Sử nhấn mạnh: Để xác lập loại hình nhân vật người ta chia ra nhân vật chính, phụ, nhân vật chính diện, phản diện. Người ta còn phân biệt nhân “dẹt”, nhân vật “tròn”. Tức là phiến diện, nghèo nàn hay đầy đặn, đa diện (E.M. Forster). Có người phân biệt nhân vật tĩnh, nhân vật động (T.Docherty). Về mặt cấu trúc có người chia ra nhân vật mặt nạ, nhân vật loại hình, nhân vật tính cách, nhân vật tư tưởng (I. Ghindơbua) (Trần Đình Sử, tuyển tập, Nxb Giáo dục, H. tập 2, trang 60). Nhìn chung, trong việc xác định loại hình nhân vật, có những cách khác nhau để hình dung về chức năng và cấu tạo nhân vật trong hình tượng tự sự của tác phẩm văn học. Điều quan trọng là nó phải chú ý quan niệm nghệ thuật về con người và vai trò sáng tạo tư tưởng của nhà văn trong xây dựng hình tượng nhân vật.
Khảo sát truyện ngắn của Ngắn quốc Nam Bộ đầu thế kỷ XX, chúng tôi nhận thấy nhà văn đã xây dựng các loại hình nhân vật sau:
Thứ nhất, nhân vật tính cách. Theo Từ điển thuật ngữ văn học, nhân vật tính cách là: Một kiểu nhân vật phức tạp được miêu tả trong tác phẩm như một nhân cách, một cá nhân có cá tính nổi bật. Trong nhân vật tính cách, cái quan trọng không phải là những đặc điểm, thuộc tính, phẩm chất xã hội, có thể liệt kê, tính điếm theo thứ tự một hai. Linh hồn của nhân vật tính cách thể hiện chủ yếu ở tương giữa các thuộc tính đó với môi trường, tình huống. Nhân vật tính cách, vì thế, thường có những mâu thuẫn nội tại, những nghịch lí, những chuyển hóa, do đó tính cách thường có một quá trình tự phát triển khiến cho nhân vật không đồng nhất giản đơn vào chính nó … Ở đây, yếu tố tâm lý, khí chất có vai trò quan trọng trong cấu trúc nhân vật. Đó là những con người độc đáo, cá biệt, cụ thể. [5, 232 – 233]. Nhân vật tính cách trong truyện ngắn là người luôn có mâu thuẫn bên trong, có những vấn đề phức tạp trong suy nghĩ và hành động. Nhân vật tính cách thường có cá tính, có chiều sâu trong nội tâm hay có những hành động nổi bật, qua đó nhân vật bộc lộ tính cách của mình.
Do ở giai đoạn phôi thai nên trong truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XX, loại hình nhân vật có tính cách không nhiều, và tính cách của không có sự đột khởi, phức tạp. Có thể kể đến những nhân vật như hai vợ chồng người nông dân nghèo đói trong Cười ra nước mắt – Việt Đông; hay chàng Chung Văn Thái (Ai người hẹn ngọc – Việt Đông); Thầy V.D (Ôi ái tình! – Công Bình); Lê Văn Nử (Trên lầm dưới lỗi – Trần Quang Nghiệp), Lâm Hữu Vọng (Giả thiệt là ai? – Trần Quang Nghiệp), …
Thứ hai, nhân vật tư tưởng. Nhân vật tư tưởng là loại nhân vật thể hiện một tư tưởng, một ý thức tồn tại trong đời sống tinh thần của xã hội. Nhân vật tư tưởng cũng có thể chứa đựng những phẩm chất tính cách, cá tính và nhân cách. Nhưng cá tính và tính cách không phải là hạt nhân tạo nên cấu trúc của nhân vật tư tưởng. Nhân vật tư tưởng trong văn học cổ và văn học lãng mạn thường mang tính chất tượng trưng, trong văn học hiện thực lại kết hợp mật thiết với yếu tố tính cách và cả loại hình. Trong sáng tác, loại nhân vật này thường dễ rơi vào công thức, trở thành cái loa phát ngôn của tác giả. [5, 233 – 234]. Nhân vật tư tưởng có thể gặp trong hình ảnh của Ông Phán (Đốt lịch – Bình Trọng), Lê Đức Nghĩa, Phi Tiển (Cũng vì ham bằng cấp tú tài – Thanh Nhàn), vợ chồng Hai Môn và thằng con (Trời Phật công bình – Trần Quang Nghiệp); người ăn mày (Ăn mày trúng số – Trần Quang Nghiệp), …
Thứ ba, nhân vật chức năng. Còn gọi là nhân vật “mặt nạ”. Nhân vật có các đặc điểm, phẩm chất cố định, không thay đổi từ đầu đến cuối, không có đời sống nội tâm, sự tồn tại và hoạt động của nó chỉ nhằm thực hiện một số chức năng trong truyện và trong việc phản ánh đời sống. Nhân vật đồng nhất với vai trò mà nó đóng trong tác phẩm. Đó là Lê Hào Học, Trương Đại Chí (Kiếp phong trần – Trương Vĩnh Ký), bà già (Câu chuyện gia tình – Huỳnh Tịnh Của), Bụng và Dạ (Bụng làm Dạ chịu – Trương Vĩnh Ký), …
Thứ tư, nhân vật loại hình là nhân vật thể hiện tập trung một loại phẩm chất, tính cách nào đó của con người hoặc có phẩm chất, tính cách đạo đức của một loại người nhất định của một thời đại. Nhân vật loại hình không phải là một khái niệm trừu tượng, chúng được thể hiện trong tác phẩm qua những chi tiết chân thực, sinh động của đời sống. Nhưng dù sao khái niệm loại vẫn là cốt lõi của chúng. Vì thế, nhân vật loại hình có khả năng khái quát cao, nhưng ít hay nhiều đều mang tính lược đồ. Có thể nhắc nhân vật loại hình trong truyện ngắn đầu thế XX ở Nam bộ như hai nhân vật thầy chùa, thầy pháp (Chuyện hai anh khùng – Trần Phục Lễ), Chú Chệc (Làm khôn cả Phồn sanh dại – Nguyễn Chánh Sắt), người cha trong Chuyện anh hà tiện (Trần Phục Lễ), …
Tóm lại, nhân vật trong truyện ngắn quốc Nam Bộ đầu thế kỷ XX khá đa dạng, phong phú. Xét ở cấp độ loại hình, chúng tôi nhận thấy nhân vật trong truyện ngắn ở thời kỳ đầu phần lớn là nhân vật loại hình, nhân vật tư tưởng, nhân vật mặt nạ, nhưng cũng rất ít và hiếm có những nhân vật tính cách nổi bật, tiêu biểu. Có thể khẳng định đâu là tiêu chí để phân biệt truyện ngắn ở thời kỳ phôi thai với những truyện ngắn ở thời kỳ phát triển sau đó.
2.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XX
2.2.1. Nghệ thuật miêu tả
Miêu tả là yếu tố không thể thiếu khi xây dựng nhân vật. Trong buổi đầu, truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XX có cách xây dựng đặc trưng, theo chúng tôi đó là nghệ thuật miêu tả. Chúng tôi khảo sát qua mấy cấp độ miêu tả sau:
2.2.1.1.Miêu tả ngoại hình, chân dung nhân vật, lời miêu tả đơn giản như cách kể cổ tích của dân gian:
- Có tên dân nghèo, gần mãn tháng chạp, trong mình không có manh áo lành … (Chuyện tên Giáp – Huỳnh Tịnh Của).
- Một người ăn mày, quần áo lang thang thúi hôi rách rưới … (Ăn mày trúng số – Trần Quang Nghiệp),
- Anh nhõ người, gương mặt sáng sủa, hai con mắt như sao. Tiếng nói của anh rõ ràng mà chẩm rãi làm cho mọi người trong toà đều nghe đặng hết, không mất một tiếng nào … (Trên lầm dưới lỗi – Trần Quang Nghiệp), …
- Trời chập choạng, một người đàn bà chỉ mặc một cái ướm, ngồi chài bài dưới đất, ru một dứa con dại độ hai tuổi đang nằm khóc u oa trong nôi, một đứa nhõ nữa, độ sáu, bảy tuổi, ở trần ở truồng, má cóp má xanh, hai chơn tay ốm nhom như ống sậy, đứng một bên mẹ nó khóc rên (Cười ra nước mắt – Việt Đông)
2.2.1.2. Miêu tả hành động của nhân vật
- Trong gian phòng hạng nhất, một người tuổi lối bốn mươi lăm đang ngồi xem sách. Ông lấy kiếng xuống, xếp sách lại, gục đầu suy nghỉ bỗng có người vạch màng bước vào. Một chàng tuổi trẻ mạnh mẽ, tay cầm con dao nhọn... Ông chữa kịp la thì đả bị một mũi xuyên ngay vào ngực chết liền. (Trời Phật công bình – Trần Quang Nghiệp)
- Hôm nay gương mặt lão không thèm làm bộ đau đớn, thảm khổ; cái miệng của lão không thèm nói tiếng than vãn rên xiết. Ai đi ngang qua trước mặt lão thì mặc họ, lão cũng chẳng buồn đưa tay ra xin từng đồng xu lớn nhỏ như mọi bữa nữa.
Một bữa, thầy Mười Trương ngồi một mình trong nhà hàng uống rượu. Bữa ấy nhằm bữa thứ bảy, thầy mang vào một bộ đồ tốt nhất của thầy. Thầy uống rượu và đưa cặp mắt ra ngoài đường nhìn xem tất cả cái màu xanh xanh đỏ đỏ ngang trước lộ. Một cái màu xanh xanh lông két vừa ló mình ra khõi góc đường xa xa kia thì thầy càng ngó nữa. Đi tới gần, thầy ngó cái màu xanh xanh ấy một cái thì cái màu xanh xanh ấy cũng ngó thầy. Một lần, hai lần như vậy rồi thì cái mầu xanh xanh ấy vùng đi ngay vào nhà hàng, trước mặt thầy. Phen này thầy cũng có hơi khiếp một chút vì cái màu xanh xanh này sao bạo gan quá. (Gặp người gái đẹp – Trần Quang Nghiệp)
2.2.1.3. Miêu tả cách xuất hiện của nhân vật
- Anh Trương Đại Chí đi ra kinh học, rồi về đi xứ kia xứ nọ chơi cho phỉ chí, đâu cũng vài mươi năm mới về thăm quê nhà. Bữa kia mới đi tới nhà anh Lê Hào Học là bạn chơi với nhau thuở nhỏ mà thăm.
Lê Hào Học mừng rỡ hết sức, hối trầu, nước; rồi lay trẻ trong nhà dọn cơm đập vịt gà uống rượu mừng bạn đi xa lâu năm mới về.
Ăn uống chuyện trò rồi, trời vừa tối, Trương Đại Chí mới kiếu về; mà anh Lê Hào Học cầm một hai ở lại chơi một đêm mà hỏi thăm chuyện.
Thấy gắng vó lắm không phép làm sao, Trương Đại Chí mới ở lại đó. Nhằm bữa trăng tỏ, trời thanh, gió mát, Lê Hào Học mới nói rằng (Kiếp phong trần – Trương Vĩnh Ký)
Và từ đó câu chuyện bắt đầu bằng lời thoại của Trương – Lê…
- Một ngày mùa đông, buổi sáng mới hửng mặt trời, ngọn cỏ còn đầm đầm giọt sương, đường đi nhêm nhếp trơn như mỡ; có một bà già tay cắp mẹt hoa, vừa đi vừa lẩm bẩm … (Câu chuyện gia tình – Huỳnh Tịnh Của)
- Ngày kia một anh thầy chùa và một chú thầy pháp đi ngang qua xóm nọ làm đám, mà tánh ahi ảnh cũng khùng khùng (Chuyện hai anh khùng – Trần Phục Lễ), …
2.2.2. Đối thoại và độc thoại
Đối thoại và độc thoại là những yếu tố không thể thiếu để nhà văn bộc lộ tính cách nhân vật. Đọc những truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XX, hình thức đối thoại được thể hiện phổ quát.
Thứ nhất, đối thoại, là lời thoại của nhân vật trao đổi trực tiếp với nhau. Lời đối thoại trong truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XX xuất hiện rất phổ biến. Có khi người kể ẩn mặt, thuật lại toàn bộ lời đối thoại, và đó chính là nội dung câu chuyện như Kiếp phong trần (Trương Vĩnh Ký), hay Ôi ái tình (Công Bình), … là những ví dụ.
Chúng tôi minh họa thêm một số lời đối thoại sau đây:
Chủ tiệm đi một hồi trở về bộ không được vui mấy.
- Sao mua được không?
- Được, mà mắc quá, tới hai ngàn đồng.
- Sao hôm nọ họ gởi bán hai trăm?
- Hôm nọ nói không dè rằng cái bình nó quí giá.
- Thôi, mua hai ngàn bán ba ngàn, lời đở một ngàn cũng khá.
(Gặp người khách quý – Trần Quang Nghiệp)
Bổng chút Cao Quốc Sĩ bèn hõi: "Nè anh Trung Ngôn! Anh làm việc miệc Cần Thơ chắc anh có quen biết nhiều người điền chủ lắm, phải không anh?".
- Ừ, nhờ qua giao thiệp rộng nên cũng quen biết khá nhiều.
- Họ tữ tế không anh?
- Củng có người vầy, người khác, kẻ thì vui vẻ bề ngoài, kẻ thì tữ tế bề trong.
- Họ có con gái không anh?
- Có chứ mà anh hõi làm gì?
- Ý tôi muốn nhờ anh lựa giùm cho một người bạn trăm năm cho đúng đắn, chớ như tuổi tôi cũng đả trộng, sức học tôi thì không thua kém ai mà chịu phận lẻ loi, nghỉ cũng buồn chớ.
- Em muốn lấy vợ thiệt sao? Qua biết một chổ đúng đắn lắm ấy là con gái ông Chũ Đức ở Cái Vồn. Cô này có học nhà trắng, công danh ngôn hạnh gồm đủ. Diện mạo cô cũng dể coi, nết na cô ta đầm thấm lắm, đã vậy...
- Mà ông chủ đó giàu hay nghèo?
- Cũng dư ăn, một năm ông góp chừng vài ngàn giạ.
- Ồ, ít quá, mà dư ăn nổi gì? Thôi, dẹp chỗ đó lại đi anh. Anh còn thấy chỗ nào khác nữa không?
- Có chứ, ông Cai tổng Thới ở Bình Thuỷ có một người con gái út, năm nay chừng 17, 18 tuổi. Cô này là cựu học sanh trường nữ học đường, cô có bằng cấp sơ học. Cô ta mồ côi mẹ, một mình quản xuất trong nhà, không sai chạy một mãy; thiệt là một tay nội trợ hiếm có.
- Ông Cai Thới giàu lớn chứ?
- Cũng vừa vừa. Huê lợi của ổng mỗi năm chừng mười lăm ngàn.
Cao Quốc Sĩ mĩn cười rồi hõi:
- Ổng được hết thãy mấy người con?
- Vừa trai vừa gái sáu người.
Cao Quốc Sĩ thở ra, ngồi lặn thinh một lác rồi hõi tiếp:
- Anh còn quen chổ nào giàu lớn hơn ông Tổng Thới không.
- Em hõi thăm mấy người đó làm gì, họ giàu thì họ ăn, chớ họ có cho mình hay sao mà em quan tâm dữ vậy?
- Anh nói lạ quá, ý tôi muốn một người vợ đúng đắn thì tôi phãi hõi dọ chứ sao.
- Theo ý em thì con gái nhà đại phú gia mới là nên một người vợ đúng đắn à! Như vậy thì những hạng mẹ hiền vợ thảo đều là con nhà giàu hết sao? Em hiểu nghĩa chữ đúng đắn ra thể nào vậy?
- Vợ cho đúng đắn là phải có của hồi môn cho nhiều. Anh nghĩ coi như tôi học hành mười mấy năm trời, cực trí nảo, nhọc tinh thần, mới được chức Tú tài này chứ phải dể dàng gì. Cô nào muốn làm vợ tôi, hưởng quyền tước cũa tôi thì ít nữa phải bù chi cho tôi mới là công bình chứ. Anh học Tây mà anh không hiểu phong tục Tây chút nào hết. Vậy chứ người Lang Sa vì ý gì mà họ bày ra cái lể hồi môn (ladot) anh có biết không? Đời nầy là đời kim tiền, mỗi món gì cũng phải có tiền mới là xong, anh còn lạ gì sao?
(Đồ hèn mạt – Thúc Anh)
Do phần lớn là nhân vật chức năng, nhân vật tư tưởng, nên nhiều khi, câu chuyện bắt đầu bằng lời giải thích của nhà văn. Chẳng hạn, mở đầu Câu chuyện gia tình, Huỳnh Tịnh Của viết:
Ngán thay! Cái thị dục loài người càng lớn, thì sự đua tranh trong xã hội càng gớm ghê: đường sinh nhai càng khó khăn thì cảnh đoàn viên trong gia đình càng tiêu táp. Tưởng những nhà cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cháu sum họp một nhà, chia bùi xẻ ngọt, đã có phúc là nhường nào; lại ái ngại thay cho những nhà cốt nhục như sâm thương, gia đình như băng thán2. Kia những kẻ gieo bút tòng quân, theo thầy học nghề, hoặc lên rừng lách núi mà kiếm ăn, hoặc vượt bể ra ngoài mà buôn bán, phép nước nặng hơn tình nhà, công danh thiết hơn ân ái, đã đành thế bách hình khu3, nên phải chia tình cắt ái; lại còn những kẻ thiếu niên khách khí, ham ăn ham chơi, quá nỗi nên mê, ưa mới nới cũ, đã làm tổn phí bao nhiêu là nước mắt khóc thầm của vợ con, tấm lòng ân hận của cha mẹ, nỗi hờn giận của anh em, tình yếm bạc của thầy bạn, mà cái hạnh phúc sum họp trong gia đình đã nên một vật rất hiếm hoi đang buổi văn minh còn non nớt!
Hãy nghe câu chuyện gia tình của một bà già này, dù cảnh ngộ không lấy gì làm ly kỳ, mà tình trạng thực đủ làm chứng cái khốn nạn chung trong xã hội.
Hoặc mở đầu Ôi ái tình Công Bình bắt đầu:
Ông thầy thuốc Lang Vân ngồi với tôi trong nhà, anh em chuyện trò về thế sự nhơn tình, ông ta bổng nói lên rằng:
- Ông Công Bình ơi! Thế sự còn gì lạ hơn chuyện này nữa … Tôi muốn thuật lại để ông nghe, nhưng mà chưa có thể thuật được, ngày nào người ta còn sống là ngày ấy tôi còn phải giữ việc ấy cho bí mật. Công Bình bạn ôi! Còn gì khổ cho bằng giữ tròng lòng một việc mà mình lấy làm kỳ đời, mình muốn cho ai cũng biết. Đó ông xem, người ta đã tin tôi là một người chín chắn, kín đáo, người ta đã ân cần dặn tôi đừng thổ lộ cùng ai, thế mà giờ này tôi muốn nói rồi; vậy ở đời ta còn dám tin vào ai? Ngay như người ấy, đã không muốn cho ai biết chuyện mình, mà lại nói với tôi, thời người ấy có chín chắn, kín đáo gì đâu! (…)
Thứ hai, độc thoại, là lời phát ngôn của nhân vật nói với chính mình, thể hiện trực tiếp quá trình tâm lí nội tâm, mô phỏng hoạt động cảm xúc, suy nghĩ của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó.
Ở thời đầu, truyện ngắn Nam Bộ chủ yếu là lời kể của nhà văn, rất hiếm khi ta gặp lời độc thoại của nhân vật. Đoạn văn sau đây chứng minh cho nhận định ấy:
Cô Thành khóc! Tại sao cô khóc?
Số là: Cô hai Thành chính là con của quan huyện Hoàng phú Mỹ, là anh em bạn thân thiết với quan phủ Đỗ quang Hiếu (…) (Ông Tấn Sĩ – Việt Đông)
2.3. Hệ thống ngôn ngữ trong cách xây dựng nhân vật
2.3.1. Ngôn ngữ của đời sống hàng ngày
Anh chàng ăn cướp lầm lủi đi lại mà không dè người chực giết mình.
Phịch!... Cây hèo để ngay hông... Giửa rừng vắn nghe có tiếng la vang, anh chàng ngả ngay xuống đất, vợ hai Môn chạy ra cho thêm một dao nín thở
(Trời Phật công bình – Trần Quang Nghiệp)
Anh Lâm Hữu Vọng xám cã mặt, bối rối quá nhưng gượng làm tĩnh mà nói rằng:
- Có ổng ghé đây hay sao?... Vậy thì đễ ổng nghĩ, kêu làm gì!
Chủ nhà thiệt tình mà thành ra chơi ác, bước đi ngay vào trong vừa nói:
- Không, ổng chưa nghĩ đâu... ổng mới vừa uống nước rồi vào đây.
Chủ nhà đi khuất vào trong, anh hồi hộp quá, liệu thế không xong mới thò tay cắp nón của mình lên đội, tính lui êm ra ngoài, chẳng may vừa đứng dậy thì chủ nhà lại bước trở ra, theo sau là một người tuổi lối năm mươi, tướng tá mập mạp và mạnh mẻ.
(…) ý anh muốn kiếu mà lui ra nhưng cái xe sữa chưa xong, còn nằm chình ình đó mãi (…)
(Giả thiệt là ai – Trần Quang Nghiệp)
Khách đi rồi vợ chồng chủ tiệm mừng cúm, chồng bảo vợ rằng:
- Thần tài gõ cữa, nếu không gặp người khách sang quí này thì làm gì tiệm mình chịu nổi năm nay.
- Nhưng cái bình ấy không phải của mình.
- Mua được mà sợ mắc lắm, không còn lời mà ăn.
(Gặp người khách quý – Trần Quang Nghiệp)
Bửa cô lâm bồn, thầy đi mời thầy rước mụ, mua thuốc lăn xăn mà không biết mệt. Mười hai giờ khuya bửa đó, thầy đi mua thuốc về vừa nghe trong phòng có tiếng con nít khóc, thầy mừng quá, dắc cha mẹ vào phòng mừng cháu.
Ba người vừa vô tới thì chưng hững đứng sựng lại mà có một mình thầy Hai Minh ngơ ngác hơn hết. Thầy nhìn mặt cha mẹ mà không nói đặng một tiếng gì. Thầy xem kỹ lại thấy đứa nhỏ nước da đen ngăm, bộ mạnh mẽ, giống hệch anh Chà ở đậu.
(Trích trong Hai bó đuốc – Trần Quang Nghiệp)
2.3.2. Phương ngữ Nam Bộ
- Má nè! Ông nội thằng nhõ ở bển thiệt dể quá, từ hồi con có mang thằng nhõ cho đến đẻ, ổng chẳng hề biểu cúng quảy mụ bà, bà mụ gì hết, vậy mà nuôi nó lớn nhanh như thỗi.
(Đốt lịch – Bình Trọng)
(…) Tôi mầng quá, tôi lật đật đem vải vô, song một chặp tôi nghỉ lại giực mình, vì con chó nó có đuôi, tôi mới lấy cái lưỡi liềm cột sau đích tôi giả như đuôi chó rồi bò qua bò lại ngúc ngoắt đuôi. Chuyến này mấy ông đạo nói đụng vải (…)
(…) Đọ tao nói trúng lắm, mày cải tao, đờn bà thường hay nhạy miệng lắm
(Chuyện hai anh khùng – Trần Phục Lễ)
(…) Đi một đỗi thằng Mít mới nói với Xoài, tao ra uống một ly. – Xoài ừ mà biểu Mít phải trả hai chiêm. – Mít chịu, uống rồi lấy hai chiêm của thằng Xoài mới trả. Hai đứa làm như vậy hễ đứa này uống một ly rồi lấy hai chiêm đó rồi đưa trả cho đứa kia, đứa kia uống một ly, lấy hai chiêm trả cho đứa nọ
(Chuyện hai anh lái buôn – Trần Khắc Kỷ)
3. Nhận xét
Thứ nhất, nhân vật trong truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XX được xây dựng đơn giản, chủ yếu là lời trần thuật của người kể chuyện.
Thứ hai, lời đối thoại làm nổi bật nội dung, tư tưởng của câu chuyện
Thứ ba, ngôn ngữ thường nhật đã được đưa vào một cách thoải mái, đôi chỗ có phần rườm rà, song đó chính là dấu hiệu cho sự hiện đại hóa của thể loại này trong những thập niên tiếp theo, bởi nó đã tạo nên sự “dân chủ” rõ rệt giữa nhà văn và nhân vật của mình.
KẾT LUẬN
1. Nhân vật văn học là phạm trù có vai trò quan trọng hàng đầu trong nghiên cứu văn học. Nghiên cứu văn học theo hướng loại hình – nhân vật đang là một hướng nghiên cứu đầy triển vọng. Trong nghiên cứu văn học và lý luận văn học, loại công trình nghiên cứu theo hướng này kể cả trên hai phương diện lý luận và thực tiễn khảo cứu nhìn chung còn ít ỏi và thiếu tính hệ thống, đặc biệt là truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XX. Đây là vấn đề có nhiều ý nghĩa khoa học sâu sắc, song chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn khi tiếp cận và nghiên cứu nó.
2. Có thể nói tất cả các loại nhân vật văn học, đều có quyền bình đẳng trong nhận thức và phản ánh mọi hiện tượng đời sống. Tuy nhiên, trước nay, khi nó đến nhân vật trong truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XX còn ít người nhắc tới.
3. Nghiên cứu nhân vật trong truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XX chúng tôi làm công việc khảo sát, tổng hợp phân tích một cách hệ thống các nhân vật này dưới góc nhìn thi pháp học. Góp phần khẳng định sự hiện đại quá của truyện ngắn Nam bộ đầu thế kỷ XX, trên văn đàn Việt Nam hiện đại.
4. Như đã nói, bước đầu nghiên cứu đề tài khoa học, vấn đề mà chúng tôi tìm hiểu tuy bản thân đã rất cố gắng nhưng mới chỉ là bước đầu. Nhưng đây là vấn đề thú vị, nhiều ý nghĩa, đòi hỏi công sức của nhiều nhà nghiên cứu. Chúng tôi hy vọng tiếp tục đề tài này, góp phần nghiên cứu nó ở một cấp độ cao hơn./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lại Nguyên Ân (2004), 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
2. Phan Cự Đệ, Trần Đình Hượu, Lê Chí Dũng, Hà Văn Đức (1970), Văn học Việt Nam 1900 – 1945, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
3. Phan Cự Đệ (chủ biên, 2005), Văn học Việt Nam thế kỷ XX - Những vấn đề lịch sử và lý luận, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
4. Phan Cự Đệ (2007), Truyện ngắn Việt Nam: Lịch sử - Thi pháp - Chân dung, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
5. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2007), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
6. Đỗ Đức Hiểu - Nguyễn Huệ Chi - Phùng Văn Tửu - Trần Hữu Tá (chủ biên, 2003), Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb Thế giới, Hà Nội.
7. Nhiều tác giả (1999) Truyện ngắn đầu thế kỷ XX, Nxb Hội Nhà văn. Hà Nội
8. Cao Xuân Mỹ (sưu tầm, 1999), Văn xuôi Nam Bộ nửa đầu thế kỷ 20, Nxb Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, Trung tâm nghiên cứu Quốc học.
9. Trần Đình Sử, Phương Lựu, Nguyễn Xuân Nam (1987), Lý luận văn học (tập 2), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
10. Trần Đình Sử (2002), Lý luận và phê bình văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
11. Trần Đình Sử (2005), Giáo trình dẫn luận thi pháp học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
12. Trần Hữu Tá (2006), Những bổ khuyết cần thiết cho bức tranh toàn cảnh văn học Việt Nam hiện đại (trong sách Văn học Việt Nam sau 1975, những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
13. Bùi Việt Thắng (2000), Truyện ngắn những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
14. Lê Ngọc Thúy (2009), Bài giảng dành cho học viên cao học, chuyên đề: Quá trình hiện đại hóa văn học quốc ngữ Nam Bộ từ nửa sau thế kỷ XIX đến năm 1930, Trường Đại học Cần Thơ.
15. Nguyễn Như Ý (1999), Đại từ điển Tiếng Việt, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội.