Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.081
123.233.366
 
Xe tăng và ruồi
Đoàn Văn Ðạt

Ở trong nhà tù nầy, cái người ta để tâm suy nghĩ nhiều nhất là gì? Cha mẹ, vợ con, bồ bịch?... Không. Tổ quốc, danh dự, trách nhiệm?... Cũng không. Là chuyện ăn, chuyện cốt tử của con người. Đói là phải nghĩ tới nó. Ở trong tù đói triền miên nên phải triền miên nghĩ về nó. Nhất là loại tù “mồ côi”, suốt thời hạn không người thăm nuôi, mà loại này, trong cái quân lao thường xuyên có cả ngàn quân phạm này, trung bình cứ ba thằng thì gặp một. Ruồi và Xe Tăng nằm trong số tù mồ côi đó. Những cái tên không được đẹp đó là do đám tù Khu F đặt cho, dựa theo nghề ngỗng mỗi thằng. Thật ra cả hai đều có tên họ đàng hoàng, khá đẹp là khác. Gọi là Ruồi, đơn giản là do nó kiếm ăn bằng nghề đập ruồi. Còn Xe Tăng thì lòng vòng hơn. Số là toàn quân lao có sáu khu, đánh số từ A tới F. Mỗi khu lập ra một đội xe tăng, nói cho oai, thực ra đó là những cái thùng phuy loại 200 lít, được xỏ ngang bằng cây sắt “ấp chiến lược”,

và thằng nào phải ghé vai vô làm công việc khổ sai này được gọi chung là Xe Tăng. Xe tăng chỉ chở duy nhất một mặt hàng: rác. Có lẽ trong các loại rác trên đời, các nhà tù là thứ bét nhất. Cũng là hầm bà lằng hàng trăm thứ hôi thúi bỏ đi, nhưng là thứ bỏ đi của những người sống tận đáy xã hội, liệu có còn gì?... Vậy mà còn mới lạ!

 

Mỗi sáng, nơi bãi tập kết rác ở góc trái sân quân lao có hàng chục thằng tù đói, tù mồ côi ngồi đứng vất vưởng chực hờ. Mấy thằng Xe Tăng gọi chúng là ma đói. Chốn tù tội chẳng đời nào có cúng kiếng, đám ma đói chực hờ là chực hờ rác. Khi có chiếc xe tăng nào trờ tới, chúng ào vô tranh giành, bươi móc, tận dụng tối đa các thứ thải loại vốn chẳng nhiều nhỏ gì, nào vỏ chuối, cùi bắp, đầu mẩu bánh mì... Có thằng chẳng kịp rửa ráy, lượm được miếng nào cho ngay vào miệng miếng đó. Những thứ không ăn được nhưng vẫn còn chút giá trị như bọc nilong, giẻ rách, dép sứt... chúng dành lại, có khi cũng đổi được đồ ăn.

 

Trước khi có nghề mới, thằng Ruồi cũng có thời gian làm ma đói ở bãi rác này. (Dĩ nhiên lúc đó đám tù gọi tên nó theo cái nghề khốn khổ này). Ruồi vốn nhỏ con, giò cẳng lại bị thương tật, tranh giành sao lại đám kia, may mà nhờ thằng Xe Tăng to như hộ pháp, đứng lăm lăm cây sắt ấp chiến lược nên chẳng thằng ma đói nào đám giành giật với nó. Nhờ vậy Ruồi luôn được

phần nhiều. Được miếng nào gọi là ngon Ruồi luôn giành cho bạn, nhưng thằng Xe Tăng chẳng đời nào cho vô miệng, nó gớm, dù xét về nhiều khía cạnh, nó là thằng rã ruột nhất khu F này.

 

“Mầy cứ nhắm mắt ăn đại, chết chóc gì. Ráng ăn để có sức nay mai cãi lộn với quan tòa”. Có lần Ruồi đưa Xe Tăng cái cùi bắp đã được rửa sạch, rồi thúc giục nó nhưng Xe Tăng chỉ cầm lấy rồi ngao ngán lắc đầu. Lúc đổ rác, chính mắt nó thấy thằng Ruồi bươi ra một nùi băng bông đầy máu mủ trước khi bắt gặp cái cùi bắp này, nhớ là muốn ói, đưa vô miệng sao nổi!

“Mầy to con lớn xác mà khẩu phần cơm cũng ít ỏi như mọi người, đã vậy còn thêm vác nặng. Tao biết mầy gớm, thôi để tao tính...”. Ruồi quày quả đi về hướng cổng khu. Lát sau nó quay lại chỗ Xe Tăng đang ngồi bên gốc dương già, vẻ mặt hớn hở: “Tao mới đổi được cái này”. Nó móc ra từ túi ống quần một vắt cơm cỡ nắm tay, bẻ ra chia cho bạn. “Ba cái đồ mủ tao ki cóp

hổm rày, cộng thêm cái này - Ruồi chỉ vào cái áo đang mặc trên người - Tụi nó mới chịu đổi. Từ nhiều ngày trước, cái áo vằn biệt động quân đã bị chủ nhân nó lần lượt gỡ hết bốn cái túi đem bán, giờ bị xắn thêm nửa tay áo bên trái, trông chẳng ra hình thù quân phục gì nữa. Trong quân lao công dụng số một của đồ kaki lính là làm chất đốt. Bọn tù có thăm nuôi thường lén lút nấu nướng. Trong cảnh sống khốn khổ người ta mới phát huy hết những kỹ năng tiềm ẩn; nửa tay áo này cộng với vài bọc nilong, chúng có thể nấu chín được năm, sáu nồi cơm. Nhìn cái áo trên người của bạn, Xe Tăng bỗng nhiên liên tưởng đến ông Táo, nó nửa muốn tức cười, nửa muốn gào lên khóc! Nhưng chuyện tình nghĩa thời bỉ cực ấy đã qua rồi. Giờ đây cứ nhìn tư cách thằng Ruồi đang hành nghề ở góc nhà phân phát cơm, cách cây bồ đề nơi thằng Xe Tăng đang ngồi chừng chục bước chân, không ai nghĩ nó là ma đói nữa. Ruồi ngồi đó, chân duỗi chân co, giơ cái bàn sưng vù lở lói, rụng gần hết ngón ra nhữ ruồi. Trên bắp vế gác nửa ổ bánh mì. Miệng nhồm nhoàm nhai. Chốc chốc nó chồm tới, bộp nhanh một cái, ít nhất là một con ruồi lăn quay xuống đất. Đoạn nó cầm lên ổ bánh hoặc với tay lấy lon guigô nước trà bên cạnh, ngửa cổ tu. Công đoạn sau thuộc về khách hàng, cũng là tù nhân cả thôi, nhưng thuộc loại tù cha, tù có thăm nuôi, đang im ỉm ngồi phía trước. Sau tiếng“gộp”, vị khách sẽ lên tiếng đếm và chồm tới lượm xác kẻ thù cho vào bao giấy kiếng thuốc hút. Trăm lần như một, không mảy may sai. Cứ đủ hai chục con thì tiền trao cháo múc, không tiền thì hàng đổi hàng. Ruồi

đổi chuối, đổi cơm, đổi thuốc hút... Chẳng đời nào có chuyện cho không. Nhưng đừng tưởng công việc của Ruồi dễ xơi, đôi khi nó cũng bị tai nạn nghề nghiệp khi gặp nhặng hay ruồi xanh, vốn là loài phàm ăn to xác, ra tay chậm một tích tắc là phải trả giá bằng cú cắn giựt thịt.

 

Lúc đầu nhìn Ruồi thỏa thuê ăn uống, thằng Xe Tăng tức lắm. Bạn bè lúc đói có nhau, lúc ăn lại ngoảnh mặt. Mà giữa hai thằng nào có chuyện gì. Đêm đó sau ngày đầu thằng Ruồi hành nghề mới, nằm bên nhau, Xe Tăng thật thà khuyên bạn: “Ruồi à, vết thương bàn chân mầy dạo này ẹ lắm rồi, mày cho ruồi bu suốt ngày coi chừng bị cắt cụt chân”. “Cụt chân còn hơn chết đói”. Ruồi giận lẫy nói. Xe Tăng nặng giọng: “Mầy tính suốt đời ở trong tù này à?”. “Kệ tao! Mầy đừng dạy đời”. Chỉ vậy thôi, rồi như mượn cớ, từ bữa nó Ruồi cắt đứt mọi liên hệ với bạn. Có ăn không mời, ăn dư liệng bỏ. Nó lại bỏ tiền hối lộ thằng trật tự phòng để được xếp nằm giường, coi như thay đổi giai tầng. Nhiều thằng mồ côi nằm dưới nền xi măng như Xe

Tăng, thấy Ruồi có ăn, mon men lại gọi nó bằng anh, anh Ruồi nghe ngọt xớt!

 

Đời mà! Xe Tăng lại lẩm bẩm hai tiếng xưa như trái đất như để tự an ủi mình. Hồi lâu khi thấy Ruồi đứng lên nhét tiền vô túi với vẻ mặt mãn nguyện (giờ nó đã mua được chiếc áo lính khác với đầy đủ bốn túi), Xe Tăng ngoảnh mặt đi, bất giác nó ngước lên trời thở ra một tiếng rõ dài. Tít trên cao ấy trời vẫn xanh và mây vẫn bay, nhưng nó còn bụng dạ nào mà vẩn vơ chuyện trời mây ấy. Nó đói, ngày thứ mấy mươi rồi không nhớ, chỉ biết là dai dẳng lắm rồi, gần như hết sức chịu đựng rồi. Cái cần thiết bậc nhất, cũng là mối quan tâm bậc nhất của nó hiện nay là ăn. Ăn gì cũng được, miễn là đừng cho đói nữa. Ôi! Cái đói dai dẳng không làm cồn cào ruột gan, bủn rủn tay chân, mê muội tâm thần như những ngày đầu. Cái đói dai dẳng làm cơ thể người lịm dần. Rồi tri thức, tri giác cũng lịm dần theo. Chỉ còn một thứ bản năng âm âm u u quay mòng theo số kiếp mỏi mòn; mở mắt là nhớ tới cái ăn, nhắm mắt là nghĩ tới cái ăn, nằm mơ cũng thấy toàn chuyện ăn...

 

Có lúc Xe Tăng muốn chạy vụt tới bên Ruồi, vuốt ve nịn nó, phủ phục van xin nó, làm ơn làm phước bạn ơi, tôi đói quá, sức sống đã cạn rồi, xin cho tôi một vắt cơm, hay một tô đi, một thau đi, tôi sẽ nhai, sẽ ngốn, sẽ nuốt hết. Rồi sau đó bạn cứ chặt bàn chân tôi, thay cho bàn chân thương tật làm cần câu cơm của bạn hiện giờ. Tôi đổi đó, sẵn sàng đổi đó...

 

Nhưng chẳng biết sao Xe Tăng không thể làm được điều đó, hàng chục lần như vậy. Có cái gì như níu kéo nó lại, buộc nó phải ngoảnh mặt đi. Như lúc này, nó đang ngồi dưới gốc cây bồ đề cổ thụ trước sân chùa khi vừa xong chuyến tải rác cuối cùng, đói và mệt làm đôi chân nó như rã ra, trái tim nó như vỡ ra. Ngôi chùa Phật giáo này nằm ở vị trí trung tâm quân lao, cặp kè với nó là ngôi nhà thờ Thiên Chúa, cả hai đều khá bề thế. Có điều lạ là ở mỗi khu tù cũng đã một cặp như vậy nhưng chỉ nhỏ như những cái miếu thổ thần. Quân lao lập ra hàng đống công trình thờ phụng để làm gì, chẳng thằng quân phạm nào tìm hiểu. Ngoại trừ ngôi nhà thờ, ngày chủ nhật lai rai có một vài thằng tù, còn ở các ngôi chùa chẳng một mống nào đặt chân đến.

 

Bọn chúng là vô đạo cả hay đơn giản là nghĩ mình chẳng có tội tình gì? Do đại duyên gì mà Xe Tăng bước vào đây? Chẳng nợ duyên gì cả. Tình cờ nhìn vô chánh điện, nó phát hiện trên bệ thờ tượng Phật Tổ có một dĩa trái cây. Bản năng đói khát xô nó nhào vô cái cổng chùa đang khép hờ, dù biết làm chuyện tài đình này nó có thể bị giám thị hay trật tự đánh cho bỏ mạng,

hoặc có thể bị chồng thêm một bản án nữa. Nhưng khi vào tới bên Phật, chút thần trí còn lại làm nó rụt tay.

 

Dĩa ngũ quả với đầy đủ chuối, mãng cầu, đu đủ... trông thật ngon mắt chỉ là thứ đồ mủ bán đầy ngoài chợ! Nó vội chuồn nhanh ra ngoài, ngồi bệt dưới gốc cây bồ đề, buồn bã đưa mắt về phía thằng Ruồi. Nhưng Ruồi đã bỏ đi rồi, nó lại ngước mắt lên trời thở dài thườn thượt. Xe Tăng ngồi hồi lâu chợt trong thần trí u mê của nó như có gì đánh động. Ô! Trên vòm lá xanh kia vài ba con chim sẻ đang chíu chít, rỉa rói cái gì đó. Sâu chăng? Không, nhìn kỹ là trái bồ đề, hình như mới vào mùa nên trái xanh còn dày đặc trên cành. Lũ chim này hay thật, chỗ nào có trái chín là chúng chuyền tới bâu mỏ tranh giành. Chim ăn được thì... Mắt Xe Tăng chợt sáng lên, nó ngóng cổ chờ. Hồi lâu như thương tình gã tù đói khát, một trái đen méo mó cỡ đầu ngón tay út thả độp xuống nền gạch, Xe Tăng chồm tới cho ngay vào miệng. Lần đầu tiên nó ăn thứ trái này, chát chát, ngòn ngọt ở lớp vỏ lầy bên ngoài, cái hột to cứng ngắt bên trong, và hầu như chẳng có thịt thà gì. Kệ! Có còn hơn không. Nó kiên nhẫn ngồi lượm thêm khoảng chục trái nữa đến khi lũ chim vỗ cánh bay đi.

 

Nhờ múp được một ít bồ đề đầu mùa, Xe Tăng thấy trong người dễ chịu hơn. Nó đưa mắt nhìn ra sân quân lao. Nắng đã lên cao, song đám tù được xổ chuồng từ sáng sớm vẫn còn lẩn quẩn khá đông, tốp ngồi, tốp đánh hoặc tới lui nhộn nhạo, la lối ồn ào giống như cửa chợ. Chỉ có điều đặc biệt là ở đây không hề có bóng dáng phụ nữ, trăm phần trăm là cánh đực rựa mà hầu hết đều ở lứa tuổi mười mấy, đôi mươi. Ấy là những chiến binh mà qua quân phục còn sót lại trên người họ, biết là không sót quân binh chủng nào của quân đội Cộng hòa. Nói còn sót lại, là bởi khi bước vào đây nón mũ, giày vớ, dây nịt phù hiệu, cấp bậc, bảng tên đều bị bọn giám thị, trật tự lột sạch. Thêm cái đói triền miên, khiến những tên tù mồ côi vốn chiếm đa số ở đây xén dần từng mảnh quân phục làm mồi cho bà hỏa để đổi lấy đồ ăn, chờ ngày ra tòa lãnh án. Ôi! Những bộ quân phục một thời là niềm tự hào của quân lực, là vẻ tự tôn khinh bạc của những chàng trai khoác nó, là nỗi khiếp đảm cho những người yếu bóng vía hoặc nỗi đắm say cho những cô gái bồng bột, trăng hoa. Nào đồ hoa, đồ vằn, đồ trâydi; nào mũ trắng, mũ đen, mũ nâu, mũ xanh, mũ đỏ; nào phù hiệu mãnh thú, ác điểu, giáo mác, gươm đao... Cái nào cũng hì hờm, dữ tợn. Trong số họ có người tự nguyện, có người bị bắt buộc mang vào. Họ từ khắp chiến trường Vùng II chiến thuật bị quân cảnh, an ninh quân đội điệu về đây với đủ can tội: trộm cướp, giết người, hiếp dâm, chống lệnh chỉ huy, đào ngũ, đào tẩu... Phần đông trong

số họ không lạ gì chuyện bắn bò, giết ngóe, bắt vịt, bắt gà, quậy phá trà đình, tửu điếm... Lắm khi họ, những đồng đội, đồng ngũ, đói no sống chết bên nhau, tới kỳ lương quây quần bên chai rượu, lấy gamen cùng gõ nhịp hát bài “Huynh đệ chi binh”: “Huynh đệ chi binh là gì? Là chung đời lính thương nhau khác chi thâm tình... Từ đơ dèm cà cuống và rồi thăng lên đại tướng đều là huynh đệ chi binh... Sống có sống, chết có chết là huynh đệ chi binh. Giúp đỡ lẫn nhau là huynh đệ chi binh”. No say ca hát là vậy, chứ thực tế trong quân ngũ mạng thằng nào nấy lo, lương thằng nào nấy giữ. Ở ngoài đời còn vậy, nói chi đến lúc mạt vận, sa chân vào chốn quân lao hiểm ác này. Đây là nơi đói khát, đọa đày. Nói chuyện phải quấy chủ yếu bằng tay chân. Cách giáo huấn duy nhất là dùng nhục hình như đối với loài vật. Thằng nào có tiền, có thăm nuôi hoặc làm trùm băng nhóm thì làm tù cha. Thằng nào mồ côi, đói khát thì làm ma đói, ruồi, xe tăng, hoặc kăngguru (một loại tù chuyện nghiệp thụt cầu). Bọn họ là tù mồ côi, đa phần là do gia đình ở quá xa, giao thông thời chiến trắc trở, không tiện đi thăm nuôi. Hoặc

có khi là chuyện sĩ diện, sợ người thân thích, bạn bè biết mình rơi vào vòng lao lý tội tù, họ cam chịu nhục nhã, đói rách bởi vào đây thằng nào cũng như thằng nào, không có chuyện hệ thống quân giai, cũng không hề có huynh đệ chi binh gì ráo. Đấy! Ngay trước mặt thằng Xe Tăng, chếch về phía trái cổng chùa, một thằng tù quân phục còn bảnh bao, có vẻ như gốc lính kiểng đang vênh mặt phì phà điếu thuốc Pallmall. Trước mặt nó là ba thằng “huynh đệ chi binh”, gồm một biệt động quân, một hải thuyền và một bộ binh. Riêng thằng bộ binh trên vai áo còn để lại cái bệt in đậm dấu vết ba cánh gà trung sĩ I. Cả ba thằng đều trong tư thế hườm sẵn, chờ thằng lính kiểng ném tàn thuốc xuống là nhào vô. Có khi u đầu, chảy máu chỉ vì một tàn thuốc hèn mọn này!

 

“Keng... keng... keng...” Tiếng kẻng quân lao vừa vang lên báo hiệu tới giờ phát cơm. Quân lao áp dụng kỷ luật nhà binh rất nghiêm ngặt, ăn uống phải đúng giờ giấc và phải có trật tự. Trước cổng mỗi khu tù có một nhà mái tole để phân phát cơm. Quân phạm phải xếp hàng theo thứ tự phòng mình. Phòng 1 phát trước, tiếp theo là các phòng còn lại. Cơm được khiêng về từ

khu hỏa thực của quân lao, đựng trong một cái giỏ sắt lớn, đáy lót bằng bao bố cũ. Khẩu phần mỗi người tù là một dĩa, ấy là lấy đơn vị dĩa mà nói, chứ thật ra phần cơm bên trên vắt lỏng tay cũng chỉ được một nắm.

Đúng ra không nên gọi là cơm, bởi nó là một thứ thức nấu trộn lẫn giữa những hạt gạo vàng khè, nát bấy cùng với những con sâu gạo dài ngoằng, phần sâu và phần gạo gần như bằng nhau. Mỗi khẩu phần người quân phạm chỉ được vậy thôi, chẳng có gì thêm. Người quân phạm lần đầu nhận được phần ăn nầy, chỉ mới nhìn đã muốn nôn mửa. Ấy là anh ta mới nhìn phần

cơm thôi, nếu để ý đến gã phân phát cơm đang đứng trên bục xi măng kia, nhất là hai bàn tay của gã, mọi chuyện sẽ còn tồi tệ hơn. Ấy là hai bàn tay sưng vù, ghẻ mủ, với những chiếc móng đóng đầy cáu bẩn. Sức nóng từ giỏ cơm bốc lên làm gã đổ mồ hôi, đâm ngứa, thỉnh thoảng gã bỏ cái dĩa múc cơm xuống, tay này gãy tay kia, mủ máu bật ra. Vậy mà đến lúc cuối chính hai bàn tay ấy cào lấy cơm cặn từ đáy bao bố nát thành ra một thứ khẩu phần gồm: cơm + máu mủ + chỉ bao bố. Và những thằng nào xếp hàng sau cùng phải nhận những khẩu phần này, ăn hay không, tùy, nhưng đến ngày thứ hai thứ ba, cơn đói cào ruột cào gan, làm hoa cả mắt, khiến anh không còn thấy sâu bọ, máu mủ gì nữa. Anh sẽ quen dần đi. Với sức trai trẻ dời non lấp biển mà mỗi bữa ăn chỉ được một nắm như vậy, ăn xong anh sẽ còn chóp chép, thèm thuồng. Lúc đó có lấy cục vàng đổi cục cơm như vậy, anh cũng không màng.

Với Xe Tăng mọi chuyện đã quá quen rồi, chẳng là vấn đề gì. Lãnh xong bát cơm, như thường lệ nó đi thẳng vào khu, ngồi bên bờ hồ, móc gói muối hột ra.

 

Trong giây lát vắt cơm sâu cùng muối hột đã lọt thỏm vào cổ họng nó. Xong, nó cúi xuống lè lưỡi liếm sạch miếng nilong đựng cơm rồi xếp lại nhét vào túi chờ bữa cơm chiều. Vừa ngước lên, bỗng Xe Tăng thấy Ruồi từ ngoài cổng lê từng bước một vào, trên tay cầm một dĩa nhựa

đầy cơm, nó đến bên Xe Tăng giọng ngập ngừng: “Xe Tăng... Tao có lỗi với mầy nhiều quá! Mày cho tao xin lỗi. Hôm đó mầy khuyên tao mấy câu, chẳng biết sao tao đâm ra ghét mày. Đúng rồi, tại tao ích kỹ... Thôi bỏ qua nghen! Cơm nè, mầy ăn đi, tao biết mày đói lắm!”. Dĩa cơm của Ruồi gồm nửa phần cơm sâu, nửa phần cơm nấu, bên trên có chan một lớp nước thịt kho bốc mùi ngầy ngậy. Xe Tăng cầm lấy rồi đặt xuống bờ hồ, nước miếng nó đã ứa ra nhưng nó cố ghìm lại để làm rõ mọi chuyện với Ruồi trước đã. “Sao mầy không ăn?”. “Tao ăn không vô. Tao... tao buồn!”. Rồi bỗng dưng Ruồi sụt sùi khóc. Xe Tăng ái ngại nhìn nó, nỗi căm giận bạn bè phản trắc bấy lâu như tiêu tan hết.

 

Một niềm thương cảm chợt dâng lên trong lòng nó. Hôm nay ngồi gần Ruồi nó phát hiện ra nhiều nét lạ, mặt Ruồi có vẻ mập ra nhưng đó là cái mập phù, mắt môi hơi sưng, da vẻ bệch bạc như người thiếu máu lâu ngày, cái bàn chân trái tuy được bó trong lớp vải áo thun nhưng vẫn bốc ra mùi thum thủm. Thật ra cái mùi hôi ấy đã có từ ngày Ruồi đặt chân vào đây. Chính Xe Tăng nhiều lần dìu nó ra bờ hồ ngồi, giúp nó rửa ráy, băng bó vết thương, Xe Tăng còn hướng dẫn nó lấy nilong bọc lại bàn chân trước khi bước vào phòng. Cái hồ này nằm chếch về phía trước giữa ngôi chùa và ngôi nhà thờ, lúc đó còn phơi đáy khô. Bọn tù thường tuôn rác rến xuống đây nên nó là hang ổ cho lũ ruồi, muỗi. Một hôm, có một ngài sĩ quan đeo lon hai bông mai nhưng chẳng biết giữ chức vụ gì ở quân lao, xuống các khu thị sát, tới bờ hồ này bị lũ ruồi các loại bu bám vô mặt, y vừa huơ tay đập vừa la hét. Vậy là ngay sau đó mấy chục quân phạm được phái tới làm sạch lòng hồ, và “hồ cá Trung úy ra đời”. Để cá Trung úy ăn no, chóng lớn các tay trưởng khu ra lệnh mỗi quân phạm mỗi ngày phải nộp mười con ruồi, sau tăng lên hai chục con. Từ đó chiến dịch truy sát ruồi bắt đầu. Cả quân lao từ sáng tới chiều

đi tới đâu cũng nghe những tiếng “lộp bộp” đập ruồi. Đám quân phạm dù ở ngoài lon lá cỡ nào, biếng nhác cỡ nào cũng không thằng nào dám chểnh mảng bởi cái giá đã được đưa ra thiếu một con là bị một hèo. Do vậy, ruồi mỗi ngày mỗi cạn dần, phải nhử bằng những thức ăn hấp dẫn như đường, chuối... chúng mới chịu đậu. Nhưng hấp dẫn hơn cả là cái bàn chân của thằng

Ruồi, khi nó gỡ bông băng ra, cái đầu bàn lở lói đỏ lòm chỉ còn chổng chơ hai ngón cuối, bốc ra một mùi hôi nồng nặc, thứ mùi hôi thịt chết, lũ ruồi đánh hơi tìm đến ngay, nó chỉ việc ngồi một chỗ giơ tay đập, có lúc một cú được tới hai, ba con. Và từ đó nó có nghề mới với một tên gọi mới...

 

“Cái bàn chân mầy cỡ này ra sao rồi?”. Xe Tăng nuốt xong miếng cơm cuối cùng, quay sang hỏi Ruồi. Ruồi giương con mắt đỏ hoe nhìn bạn khẽ lắc đầu, vẻ mặt ủ ê không chút thần sắc, Xe Tăng đưa tay rờ trán bạn rồi giục: “Mầy bị sốt dữ lắm, thôi vô phòng nằm để tao kiếm nước ấm đắp cho mày”. Vừa lúc ấy một hồi kẻng dài nổi lên, báo hiệu cho các tù nhân tới giờ nhốt vô phòng, xế chiều mới được thả ra. Vào phòng Ruồi không chịu lên giường mà xin đổi lại chỗ cũ, nằm kế Xe Tăng. Không kiếm được nước ấm, Xe Tăng lấy khăn nhúng nước lạnh đắp đỡ cho bạn, hồi lâu vẫn không thấy đỡ chút nào. Đến xế Ruồi vẫn nằm thiêm thiếp, bệnh tình có vẻ nặng thêm. Thằng trưởng phòng sau khi xin ý kiến giám thị khu, nó cho Xe Tăng và một thằng nữa khiêng Ruồi lên bệnh xá quân lao.

 

Hai ngày sau, cũng vào lúc giữa trưa một tay hạ sĩ quan Pháp sộc vào phòng gọi một số quân phạm tới nhận trát hầu tòa. Y lần lượt đọc từng tên theo số thứ tự 1, 2, 3,... “Số 6 Lê Thành Tỏ, Tỏ đâu?” Không có ai lên tiếng. Nó lặp lại tên can phạm lần nữa: “Lê Thành Tỏ, cấp bậc: binh nhì, đơn vị: Sư đoàn 22, can tội sử dụng giấy phép giả để đào ngũ, có không?” Xe Tăng đang ngồi dưới nền ngóng cổ đợi, chợt nó giật bắn người, lắp bắp hô to: “Có”. Thì ra gần một năm ở trong tù, quen với tên gọi Xe Tăng, nó hầu như quên phắt tên họ thật của mình. Tới thằng Ruồi cũng vậy. Tay hạ sĩ đọc tới lần thứ ba: “Số 10 Trần Công Nú; cấp bậc: lao công đào binh, đơn vị: Liên đoàn 6 Biệt động quân, can tội: hủy hoại thân thể, có không?”. Lần này chính thằng Trưởng phòng nhớ ra tên thật của Ruồi và đứng ra nhận trát tòa giùm Ruồi.

 

Vậy là ba ngày nữa, Tòa án Quân sự sẽ mở phiên xét xử một số quân phạm, riêng phòng 3 khu F này có tổng cộng 10 tên. Tất cả đều sẵn sàng, nhiều thằng đã chuẩn bị hớt tóc, cạo râu, mượn hoặc mướn đồ quân phục để ra tòa cho có vẻ lịch sự. Đúng ngày tòa mở phiên xử, hiện diện trước vành móng ngựa chỉ có chín thằng, khiếm diện lao công đào binh Trần Công Nú. Tin từ bệnh xá quân lao loan về, do bị nhiễm trùng máu cấp tính, nó đã vĩnh biệt cõi đời trước khi tòa xử vài giờ. Riêng Xe Tăng Lê Thành Tỏ, vốn là lính quân dịch bị đưa ra từ Vùng IV, bị bắt trên đường bỏ trốn chưa đủ yếu tố đào ngũ nên chỉ bị kêu án chín tháng tù giam. Như vậy, nó bị lỗ một ngày so với khoảng thời gian kể từ ngày bị quân cảnh bắt. Bù lại, nó định khi bước ra khỏi cái quân lao khốn kiếp này nó sẽ bỏ ra một ngày lùng sục các nghĩa địa thí, tìm thăm mộ bạn Ruồi. Nó van vái Phật Trời ban cho bạn nó kiếp sau nếu được làm người thì phải là người đúng nghĩa, đừng cho ruồi nhặng bu vào. Được vậy nó mới an tâm quá giang xe đò làm một chuyến đào ngũ nữa xem sao...

Đoàn Văn Ðạt
Số lần đọc: 2577
Ngày đăng: 28.11.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đường về - Lê Đình Bích
Giữa dòng nước lũ - Anh Đào
Bốn Bức Thư - Lê Văn Thảo
Chuyện tình bên cửa sổ - Lê Văn Thảo
Cô áo hồng, cô áo tím - Lê Văn Thảo
Cảm hứng - Trần Kim Trắc
Kẻ trộm tình - Trần Kim Trắc
Ông thối bà thiu - Trần Kim Trắc
Một người bị bỏ quên - Hào Vũ
Nhạc rừng - Lương Hiệu Vui
Cùng một tác giả
Xe tăng và ruồi (truyện ngắn)