Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.082
123.233.467
 
Ông già đến từ Busan (*)
Vũ Hồng

Không hiểu sao ông già Hàn Quốc ấy lại chọn tôi trong đội ngũ mấy chục đứa ngồi ủ rũ chờ sự may mắn đến trong lúc đang túng tiền trọ học. Tôi đã đem điều thắc mắc đó hỏi ông khi chúng tôi qua phà Rạch Miễu và đang lặng lẽ nhìn những cù lao từ từ trôi qua. Ông già nheo nheo mắt, liếc sang tôi vài giây, rồi cười hóm hỉnh đáp rằng bởi vì nơi cánh mũi phải của tôi có một mụn thịt nhỏ. Ngạc nhiên, tôi nhìn ông và thấy là ông cũng có mụn thịt mọc y như vậy. Mọi dị ứng trên thân thể đều có xuất xứ chung từ một chứng bệnh, và ai có cùng căn bệnh thường đâm ra mến nhau. Trong khoảnh khắc đó, tôi thấy ông già vui tính này có một vẻ gì đó gần gũi, thân thiết chứ không còn kiểu giữ kẽ như lúc ban đầu.

 

 “Hút thuốc Việt Nam thử, pa pa!” - Tôi mời ông điếu Sài Gòn xanh.

 

Ông già hút và khen ngon. Theo chỗ tôi biết, người Hàn Quốc có thói quen hút thuốc nhiều nhất châu Á. Từ Chợ Lớn đến đây, chỉ khoảng hai giờ xe chạy, ông đã hút liền tù tì gần nửa gói loại 20 điếu, đến nỗi tôi phải bóp nhẹ vào cánh tay ông và nói: “Phổi đó, pa pa”. Ông ta không nói gì, chỉ cười; chắc có lẽ ông đã nghe lời khuyên đó quá nhiều rồi.

 

Ông già tên là Lee, tóc bạc và dài, chân mày cũng bạc nhưng không có râu, áng chừng tuổi của ông ở độ trên dưới 75. Viên quản lý của dịch vụ du lịch thông tin vắn tắt với tôi rằng ông Lee đến Việt Nam từ Busan hồi mười ngày trước và ông cũng vừa đáp máy bay từ Hà Nội vào Sài Gòn, sau chuyến ghé Đà Nẵng hai ngày. “Cứ gọi tao là Lee hoặc Lê!” - Ông già lịch sự bắt tay tôi ở lần gặp đầu tiên. Điều khiến tôi vui mừng hơn hết là được hướng dẫn một người ngoại quốc biết nói tiếng Việt, đỡ phiền toái - “Trông mày còn trẻ, nếu thích thì cứ gọi là pa pa Lê. Đây là lần đầu tao đến Việt Nam và tao đã già, và tao lấy làm buồn phiền vì chuyện đó. Tao yêu Việt Nam. Tao thường trò chuyện và uống rượu với thủy thủ Việt Nam ở cảng Busan. Tao có đến nhà họ ở Hải Phòng ba ngày...”. Đại loại là vậy, toàn những câu rời rạc, chắp vá. Ông già cứ vung tay múa chân để diễn đạt ngôn ngữ Việt mà theo ông cho là khó như đi săn cá voi ở Thái Bình Dương. Nhưng  bằng vào cách diễn đạt của ông, tôi cũng biết được ông đã chịu khó học tiếng Việt đến mức độ nào.

 

Bầu trời Bến Tre cao, trong trẻo và nắng gắt vào tháng ba. Bù vào đó là những đợt gió chướng thổi về lồng lộng. Những cánh đồng sau mùa thu hoạch trơ gốc rạ và chúng như trải dài ra đến tận chân trời. Làm cái nghề này thì phải vui theo cái vui của khách, và buồn theo cái buồn của khách. Lịch trình của những ông khách ba lô lẻ kiểu này cứ thay đổi xoành xoạch. Hồi sáng, khi phà vừa cặp bến, đột nhiên ông hỏi tôi rằng ở xứ này có còn lại vật gì sống lâu năm không. Tôi đang bối rối thì gã lái honda ôm nhanh nhảu đáp là có. Rồi họ chở chúng tôi đến cây Bạch Mai cách đó chừng 20 cây số. Lúc đứng trước cội Bạch Mai được giới thiệu là sống trên ba thế kỷ, tôi thấy ông Lee dường như rơm rớm nước mắt sau khi ông đã đi sờ mó những lớp da sần sùi của nó. “Có chuyện gì xảy ra à, pa pa Lê?” - Tôi tỏ vẻ lo ngại - “Không, không có chuyện gì cả” - ông già khẽ đáp. Tôi còn thấy ông bứt rất nhiều lá bỏ vào ba lô du lịch. Cứ thế, ông cứ lẩn thẩn quanh gốc Bạch Mai, vòng qua đình Phú Tự và lặng lẽ nhìn một tốp thợ mộc đang làm việc. Tôi kiên nhẫn chờ ông đến chiều rồi trở về khách sạn Đồng Khởi sau khi đã dẫn ông đến thử món đặc sản bắp chuối lươn nấu cơm mẻ ở quán dì Hai.

 

Chúng tôi ở Bến Tre ba ngày và đi thăm thú nhiều nơi. Đến ngày thứ tư, đột nhiên ông báo với tôi là ông đã quyết định đi Tiên Thủy. Nơi đó là một thị tứ nhỏ, đầy bụi, với vỏn vẹn hai dãy phố và nắng cứ hầm hập đổ mồ hôi trên những mái tôn. Lúc đi dọc dài theo triền sông, bằng vào trí nhớ ít ỏi của mình, tôi giải thích cho ông biết vì sao vua Gia Long đặt tên cho nó là Tiên Thủy. Ông Lee chỉ ậm ừ trong cổ họng: “Tao biết rồi”. Cuối cùng, ông nán lại trong một khu vườn dừa râm mát. Tôi thì đổ cả mồ hôi hột trong khi ông lại khen khí hậu miền này thật ấm áp.

 

Ông Lee chụp hết tấm phim này đến tấm phim khác. Sau đó, ông móc quyển sổ tay và hí hoáy phác họa cảnh vật trước mặt trông như những họa sĩ lành nghề. Vừa vẽ, ông vừa nói mình thuộc típ người sùng bái Lêvitan.

 

Những ngày đầu hạ, được trở về vùng vẫy ở miền đồng bằng sông Cửu Long, rời bỏ sự oi nồng, ngột ngạt của thành phố sầm uất, đầy hơi người và ẩm ướt đối với tôi như là một ân sủng lớn. Hơn nữa, điều thú vị là được đi với ông già Lee không đòi hỏi gì nhiều nơi mình. Tôi khoan khoái, tựa đầu vào gốc dừa, lim dim mắt nhìn những ngư dân đang chài lưới trên sông.

 

“Vẽ chi cho cực vậy, pa pa? Chụp hình có tiện hơn không!”. Tôi buột miệng.

 

Ông Lee đáp mà không nhìn tôi:

 

“Ghi nhớ để về vẽ lại. Tao muốn treo trong thư phòng chơi thôi”.

 

“Cảnh miền này đơn điệu, chỗ nào cũng như chỗ nào. Phải đến tận đây mới vẽ được à?”.

 

“Ờ...”.

 

“Cần phải vẽ ở đây lắm à?”.

 

“Đơn điệu nhưng với tao nó đẹp lắm. Đồng bằng gần gũi với con người hơn. Tao mới vẽ lại chừng mười năm nay. Mới 12 tuổi tao đã phải phụ bán cá ở chợ Busan cho đến năm tao 60. Chắc mày chưa biết Busan.

Đó là một thành phố cảng có đủ các loại cá trên thế giới. Đó là một thành phố ồn ào và đến tuổi già thì mày sẽ biết thế nào là chán ngấy. Tao thích cái tĩnh lặng của đồng bằng Việt Nam. Ồ, tao chỉ đọc qua sách thôi. Tao biết có con sông này trên đời. Tao thích nó. Nó có kỷ niệm với tao...”.

 

“Hơi lạ đó, pa pa?” - Tôi tò mò hỏi.

 

“Hình như tao nói là tao chưa đến Việt Nam lần nào? Phải. Đốt cho tao điếu thuốc. À, mà mày tên là gì? Lâm hả? Trí nhớ buộc tao có kỷ niệm ở đây”.

 

“Quê vợ hả?”.

 

“Vợ tao nó người Busan. Bà nội tao cũng Busan. Mẹ tao cũng Busan. Tao thì gốc ở đây”.

 

Tôi bật cười: “Khùng điên!”. Ông Lee nhìn sang hỏi tôi vừa nói cái gì và tôi liền giả lả rằng tôi nói ông là người đẹp lão nhất trên đời. Ông có vẻ thích thú và hào hứng mời tôi sang thăm ông ở Hàn Quốc, nếu có dịp. Tôi nói cám ơn. Đã có nhiều người ngoại quốc nói với tôi như vậy rồi.

 

Thỉnh thoảng, có những người nông dân kéo những chiếc xe ba bánh chở phân đi qua, dừng lại trò chuyện phiếm với tôi vài câu về ông khách lạ kia. Họ hào phóng đem tặng chúng tôi vài chùm nhãn và mấy trái ổi xá lị. Họ còn mời chúng tôi về nhà họ dùng cơm trưa nhưng chúng tôi từ chối, tôi đã chuẩn bị cho bữa trưa bằng mấy món đồ nguội và một chai Gò Đen bởi mấy bữa trước ông Lee nói thích loại rượu này. Chúng tôi bày tiệc nhỏ ngay trên thảm cỏ.

 

Mới chừng vài ly, ông Lee đã bắt đầu nói nhiều:

 

“Tao biết mày không tin tao người gốc Việt. Nội tao nói hồi cố tao thường nhắc đến tên con sông này và mỗi lần như vậy ông ấy buồn bã. Rồi nội tao nói là chúng tao có dòng máu Việt Nam trong người. Tao còn nhỏ, không biết gì, cứ bám theo ông mà hỏi Việt Nam là sao. Cụ nói quê mình rồi cũng lại buồn. Nếu không có lời kể của ông nội thì tao đâu biết gốc gác mình ở đâu. Còn ba tao thì không. Ông ấy muốn chối bỏ nguồn cội của mình nên hay bực mình mỗi lần tao hỏi thăm ông về cái xứ sở mà tao chưa hề biết này. May mà gần cuối đời tao còn nhớ lời ông nội. Đời người thật ngắn ngủi và khốn khổ, không có gì sống đời bằng những lời kể truyền miệng nhau. Mọi người trong nhà không hay là tao biết nói tiếng Việt đâu. Tao thường đến tự học ở mấy tiệm ăn người Việt và bập bẹ tập nói với cánh thủy thủ Việt Nam. Họ hay mua sách sang tặng tao và tao thích Nguyễn Tuân. Tao bây giờ có nhiều cửa hiệu buôn bán cá. Giao hết cho hai đứa con gái. Tiếc là tao chỉ có cháu ngoại trai chứ nếu không tao sẽ gửi cho mày một đứa cháu gái”.

 

Tôi lại nói:

 

“Cám ơn, pa pa!” - Tôi nửa đùa nửa thật - “Để đáp lại tấm lòng của pa pa, ông hãy cho con địa chỉ và ngày sinh của mình để đến ngày đó, con gởi mừng pa pa một tấm thiệp”.

 

Đột nhiên ông Lee uống liền một lúc 2 ly rượu sau câu nói của tôi:

 

“Sinh nhật? Cả nhà tổ chức sinh nhật cho tao lớn lắm. Còn tao, thể nào tao cũng đáp máy bay đi Seoul, rồi đi qua đi lại vài lượt trước đại sứ quán Việt Nam, tự chúc mừng sinh nhật mình bằng cách nhìn lá cờ Việt Nam đang bay nơi xứ người, rồi về. Mới chừng mười năm trở lại đây thôi chứ hồi đó tao chỉ lo buôn bán. Tao sinh ngày 24 tháng 10, mày nhớ giùm. Mày thấy tao có giống người Việt không?”.

 

“Không, nếu nhìn bề ngoài” - Tôi nhận xét thẳng thừng - “Điều đó không trách pa pa được. Không có đứa trẻ sơ sinh nào biết tự chọn cho mình đất nước”.

 

“Ở đất Hàn họ cho mình là người Việt, còn ở Việt nhìn tao là Hàn. Tao là kẻ không có quê hương và điều đó khiến tao đau lòng lúc tuổi già gần đến. Rồi Việt Nam cũng không đủ thời gian để nhớ ra rằng mình còn có một đứa con phải gởi nắm xương nơi đất khách quê người. Tao còn một điều ân hận với nguồn cội của mình là đã để đứa con trai út theo đoàn quân viễn chinh sang đây. Nó chết rồi, chết ngay khi vừa đặt chân đến Đà Nẵng. Mày ở đây có nhiều sách, đọc có thấy tên Lê Văn Khôi không? Cụ Khôi cách đây mấy trăm năm ấy?”.

 

“Con đang là sinh viên Sử năm thứ 3 mà, pa pa!”.

 

Ông Lee nở nụ cười, có vẻ tự hào:

 

“Cụ sơ tao là thân cận dưới trướng cụ Khôi, được cụ Khôi cho đổi sang họ Lê. Cụ Khôi chống triều đình và bị triều đình tàn sát. Cụ sơ tao dắt vợ con về lánh nạn ở gần con sông này, chỗ nào thì tao cũng không rõ. Sau đó, cụ sơ tao làm liều, dắt theo ba người con trai lớn vượt biển. Nội tao kể lúc đó cụ sơ còn để bà sơ ở lại cùng người con trai nhỏ và người con gái út, nhưng đổi họ. Họ gì thì nội tao không biết. Rồi tàu gỗ của cụ sơ cũng tấp vào được Nam Dương sau khi vượt qua mấy cơn bão khủng khiếp. Ở Nam Dương, họ làm ngư dân. Trong ba người con trai đi theo ấy, chỉ có cố tao làm thủy thủ cho mấy tàu buôn của người Tây Ban Nha. Tàu buôn thường ghé Busan và rồi cố tao quen được con gái người gác đèn biển. Họ cưới nhau và sinh sống luôn tại Busan. Mọi sự liên hệ mất đi từ đó”.

 

Ông Lee nói một thôi một hồi rồi sau đó ngồi im lặng, ủ rũ. Ở ngoài kia, mặt trời đã dần ngả về chiều, xua dần đi cái nóng hầm hập. Một đàn cò chấp chới bay ngang sông, tỏa về tổ ấm nơi những vườn cây và ông già cứ dõi mắt nhìn theo. Trước khung cảnh thanh bình ấy, tôi chợt thấy chạnh lòng khi nhớ về quê nhà Ba Tri cách đó không xa mấy. Còn ông Lee, có lẽ ông đang ngồi nhớ về quê hương ngay chính trên quê hương của dòng máu ông đang mang mà cái quê hương đó lại chưa nhận được ông về tổ ấm. Tôi cũng không ngờ ông Lee lại ôm mặt khóc rưng rức như một đứa trẻ. Những giọt nước mắt của một ông già trên 70 tuổi đã khiến tôi quay mặt đi.

 

Rồi sau đó, ông lại nhìn tôi, cười buồn:

 

“Chiều rồi. Thôi, đi mày!”

 

Đêm đó, ông Lee tỏ ý chưa muốn rời khỏi thị tứ heo hút này. Chúng tôi bèn thuê một căn gác gỗ có những chùm bông giấy đong đưa và cùng ngồi nhìn những ngọn đèn vàng hiu hắt. Tôi và ông mỗi người đều đeo mang những ý nghĩ riêng. Ông Lee trở nên ít nói lạ thường. Sáng sớm, khi thức dậy để làm vài động tác thể dục thì tôi đã thấy ông già vẫn còn ngồi đó bên ban công và mê mải ngắm dòng sông đang âm thầm xuôi chảy dưới làn sương mai tinh khiết.

 

Bến Tre, 3-2000

V.H

 

---------------------------------

(*) Một thành phố lớn phía Nam Hàn Quốc

Vũ Hồng
Số lần đọc: 2613
Ngày đăng: 28.11.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đường về - Lê Đình Bích
Giữa dòng nước lũ - Anh Đào
Bốn Bức Thư - Lê Văn Thảo
Chuyện tình bên cửa sổ - Lê Văn Thảo
Cô áo hồng, cô áo tím - Lê Văn Thảo
Cảm hứng - Trần Kim Trắc
Kẻ trộm tình - Trần Kim Trắc
Ông thối bà thiu - Trần Kim Trắc
Một người bị bỏ quên - Hào Vũ
Nhạc rừng - Lương Hiệu Vui