Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.145
123.226.870
 
Trang kinh trên đồi
Kiệt Tấn

Chấm dứt những ngày đông lạnh lẽo, nắng xuân tươi tốt nhẹ bước vào mùa hạ. Cây cối đơm bông kết lá nhẹ nhàng theo tiết điệu của trời đất. Những chiếc lá xanh non trong trẻo đầu xuân ngả dần sang màu xanh lục đậm. Anh Đào trổ bông hường lợt đặc gật trên nhánh cành vào đầu xuân đã tàn theo mùa xuân. Thay vào đó là những bông hoa vàng đỏ hực hỡ cùng hơi nóng rạng rỡ của mặt trời.

 

Mùa hè bơm sức sống cồn cào vào huyết mạch nhưng cũng đồng thời gieo sự bất ổn vào tâm trí tôi và sự xốn xang trên da thịt. Tôi vừa thèm thuồng vừa xao xuyến. Những cơn điên vào mùa hạ còn lưu lại trong tôi những hoài niệm thương động. Ba lần nổi điên, hai lần nằm bệnh viện tâm trí, những ngày nắng nóng khiến tôi âu lo cơn điên bộc phát trở lại. Nhưng tôi thèm nắng hè, tôi ham vui, tôi vạch những chương trình nghỉ hè lý thú. Những lúc phương tiện không cho phép đi nghỉ hè, tôi ở lại Paris cùng du khách bốn phương ùa tới. Nước sông Seine bây giờ đã được thanh lọc, các cô gái mỹ miều thả ngực trần nằm hóng nắng trên bờ sông Seine, đôi ba người lội tắm. Những chiếc tàu-ruồi, bateau-mouche, chở nhóc du khách dập dìu lượn quanh hai hòn đảo nhỏ, Saint Louis và Cité. Nhiều chiếc buýt đồ sộ đổ du khách tấp nập trước nhà thờ Notre Dame, dưới chân tháp Eiffel, quanh viện bảo tàng Louvre. Mọi người tíu tít. Trong những ngày rộn vui như vậy mà tôi lo sợ mình nổi điên, cảm thấy cơn điên đang rình rập mình đâu đó. Tôi thù ghét tôi. Tôi thấy mình không ra gì – mà muốn ra cái thớ gì mới được? – Tôi nảy sinh mặc cảm phạm tội. Tôi thấy những người quanh tôi bình thường một cách không bình thường. Kiệt! Mày muốn nổi điên nữa rồi phải không?

 

Những lúc tâm trí dao động như vậy tôi thường cắp một quyển kinh lên ngồi ở đỉnh đồi trong khu vườn công cộng gần nhà. Bầy chim ngắn đuôi đã lại trở về chạy lúp xúp trong cỏ, thỉnh thoảng bay rộ lên, đảo vòng. Một vài con bướm lẻ loi vỗ cánh bay chấp chới. Lũ ong bay la đà từ hoa này sang hoa khác, cần mẫn, chăm chỉ. Tôi dựa lưng vào một gốc phong, thân cây bạc thết. Phát hiện dưới gốc cây xác một con chim đã rã, chỉ còn lại nhúm lông nâu và chiếc mỏ vàng. Chực nhớ Phạm Thiên Thư: Con chim chết dưới cội hoa, tiếng kêu rụng giữa giang hà xanh xao. Mai anh chết dưới cội đào, khóc anh xin rỏ lệ vào thiên thu. Đã biết bao lần tôi thèm chết vô cớ. Vì xét cho cùng những lúc đó tôi chỉ cần thở là đủ để duy trì sự sống. Vậy mà tôi lại đi nghĩ quẩn và thèm chết một cách xuẩn ngốc. Sống chưa hết ngày hôm nay tôi đã lo cho ngày mai, tháng tới, năm tới, thế kỷ tới. Tôi muốn hoạch định đời sống dài hạn, thiệt là lẩm cẩm. Tôi viết đời sống thành phương trình mà hằng trăm ẩn số chưa tìm ra được đáp số. Tôi muốn thanh toán trong một lần tất cả những vấn đề phức tạp của đời sống để sau đó trí óc mình được thảnh thơi. Thiệt là ngốc tử! Tôi quên rằng đời sống vốn nó là một vấn đề miên viễn. Còn sống là còn vấn đề. Hết vấn đề cũng là hết sống.

 

Tôi lần dở những trang kinh mong tìm được an ổn cho tâm thần. Có những trang kinh tôi đọc hiểu liền, như đã nằm sẵn trong tâm mình, vô cùng thú vị. Ngược lại có những trang tôi đọc tới đọc lui mà vẫn không lãnh hội được ẩn nghĩa. Kinh mở ra những cõi trời, những cảnh giới kỳ lạ hoàn toàn bí mật đối với tôi, tôi chưa hề đặt chân tới đó. Lòng trần của tôi còn quá nặng nề. Quanh tôi mọi côn trùng đều bừng nở để sống vội vã ba tháng hè ngắn ngủi. Những con cào cào nhỏ xíu, những con bọ trong xanh non nớt, những con thiêu thân li ti đua nhau đáp lên mặt mũi tôi, bò quanh quẩn trên những trang kinh. Chắc chẳng có con bọ nào muốn trở thành người. Còn tôi, hiện lúc này và ngay chỗ này, tôi không hề ham muốn trở lại làm người. Con thiêu thân có đời sống của con thiêu thân. Tôi có đời sống của con người, của tôi, với những chướng nghiệp và mê muội của mình. Không có chúng sanh làm sao có Phật? Giải thoát, có thiệt chăng? Giải thoát đi đâu và để làm gì mới được? Giải thoát để sống an nhiên tự tại, hết khổ đau, hết vấn đề? Hết vấn đề của con người mê lầm thì có vấn đề (vấn đề?) của bậc giác ngộ. Chẳng lẽ ngồi chơi (ngồi thiền) xơi nước một khi đã giác ngộ? La Hán có vấn đề của La Hán, Bồ Tát có vấn đề của Bồ Tát. Đã là Bồ Tát thì rất bận rộn, bận rộn còn hơn cả chúng sanh. Phật hết vấn đề? Chẳng lẽ mọi người đều trở thành Phật hết ráo. Tôi chỉ muốn được sống một kiếp người bình thường và lương thiện, như vậy tưởng cũng đã quý lắm rồi. Tôi muốn bằng lòng, muốn gật đầu và nói “ừ” trước lời mời gọi vồn vã của đời sống. Đời sống vốn nó không phức tạp, cũng không giản dị. Biết sống giản dị thì đời sống sẽ giản dị. Một trong những tài mọn của con người là làm cho đời sống trở nên phức tạp. Càng chế ra máy móc để giản dị đời sống thì đời sống càng thêm phức tạp. Càng chế ra dụng cụ để tiết kiệm thời giờ thì người ta càng thiếu thốn thời giờ hơn. Thiệt là nghịch lý!

 

Tôi xếp quyển kinh lại và mơ màng nhớ tới những kỷ niệm của mình. Tôi nhớ những bà già quê hương, tôi nhớ con vịt vàng nhỏ của mình và tôi chảy nước mắt. Tôi nhớ cô gái điên tóc đẹp Evelyne, tôi nhớ Tuyết chân tình và tôi chảy nước mắt. Lòng tôi còn những rung động rất trẻ con. Trẻ con và ngây ngô. Nhưng người ta đâu thể trẻ con hoài được. Những phiền toái mà người ta gọi là trách nhiệm càng ngày càng chồng chất theo tuổi đời. Trách nhiệm nhiều khi ẩn dấu lòng tham lam và ý muốn thống trị. Những trách nhiệm giả danh đưa tới chiến tranh và áp bức. Người ta tự phong cho mình trách nhiệm lãnh đạo đời sống kẻ khác. Người lập thuyết và bắt buộc người khác phải tôn thờ.

 

Chạy theo những suy tưởng của mình, tôi thường đâm đầu vào ngõ cụt. Càng dẫy dụa màng lưới càng siết chặt. Kết quả là tôi sa lầy tư tưởng phi thực và gạt bỏ đời sống thiết thực ra ngoài. Tôi nhắm mắt cố tập trung tâm trí vào hơi nóng tươi rói của nắng hè. Nhưng không được bao lâu, trí óc tôi lại rớt vào mê cung của suy tưởng. Mà đời sống để sống chớ đâu phải để suy tưởng. Nhiều bộ lạc trên trái đất này còn sống trong vòng “lạc hậu” mà họ hồn nhiên biết bao. Họ có ít nhu cầu, cho tới khi bị chất độc văn minh ô nhiễm, họ có nhiều nhu cầu và mang lấy chứng bịnh buồn rầu – họ buồn rầu một cách “văn minh”. Người ta gọi đó là tiến bộ. Tôi quá khích chăng? Chẳng lẽ bây giờ xúi tổng thống Mỹ vận khố, dắt lông chim trên đầu và nhảy mọi? Hay xúi Chủ tịch Nga đi xe chó đến tham dự hội nghị quốc tế ở Genève?

 

Nhìn lại quá trình của trái đất, người ta đi tới nhận xét là những cấu trúc giản dị dần dần tiến hóa thành những cấu trúc càng lúc càng phức tạp, rồi ý tưởng phát sinh, ý thức phát sinh. Con người là một mấu chốt cận đại trong dây chuyền tiến hóa đó. Là con người, tôi không thể nào đứng ngoài dòng tiến hóa. Tôi phải đổi thay hoài hoài để thích ứng với tình thế luôn luôn biến đổi, dù sự đổi thay có hàm chứa hạnh phúc hay khổ đau. Khổ đau là hệ lụy của hạnh phúc, không thể tách rời nhau được. Tôi nhớ lại những ngày chung đụng với những người điên khác mà không khỏi hãi hùng. Mỗi ngày đằng đẵng kéo dài như không bao giờ hết. Có lúc tôi muốn ẩn thân trong một ngôi chùa vắng, ở chốn thâm sơn tịch cốc, cho sự sôi nổi tâm lý chìm xuống, và mọi người lãng quên tôi. Một tháng nằm ở nhà tịnh dưỡng Bois-le-Roi là một tháng lẻ loi. Trời vào thu chớm lạnh. Mưa lắc rắc trên lá vàng, những giọt mưa tí tách nhỏ giọt trên nỗi đơn chiếc của mình. Tôi vừa thèm muốn vừa sợ hãi ngày đoàn tụ với loài người, với xã hội. Tôi ngồi thờ thẩn hàng giờ trước trang giấy trắng. Biết viết gì bây giờ? Tại sao phải viết? Tôi thèm thuồng sự giản dị. Tôi ngồi ngó dòng sông Seine nơi khúc vắng vẻ cô liêu ẩm đục sương mù trước mặt mình, lòng miên man muộn phiền không dứt.

 

Tiếng xầm xì của động cơ trên xa lộ khuất xa vẳng tới. Những người chơi đá bóng dưới chân đồi kêu la vang dội. Trẻ con reo cười chí chóe rượt đuổi nhau lúp xúp trong cỏ. Tôi nhắm mắt cố lắng nghe những giọng hót ríu rít khác nhau của chim chóc, tiếng gà gáy trưa nôn nả, tiếng dế kêu hiền hậu trong vùng cỏ rậm. Tôi xếp quyển kinh lại nhắm mắt cố hòa tan xác hồn vào tiết điệu của đời sống, cái đời sống nằm trong tầm tay mình, cái đời sống mà mình vói được. Gió lâng lâng man man trên đồi cỏ. Tôi đang kêu la, tôi đang reo cười, tôi đang ríu rít, tôi đang gáy ó o, tôi đang kêu be be. Lòng tôi an nhiên tự tại. Kinh Phật là những trang khảo cứu về tâm lý rất thâm sâu. Tùy căn mà độ, tùy duyên mà độ. Phật tánh bàng bạc trong đời sống, trong vũ trụ. Không thể lấy tâm trí hạn hẹp của con người mà đo lường Phật tánh. Ngôn ngữ con người không có chữ để diễn tả Phật tánh. Phải cần rất nhiều trực giác mới lãnh hội được. Tâm lý con người là lăng kính bóp méo sự vật, tạo ra mê lầm. Sự mê lầm đưa tới sợ hãi và điên loạn. Sau những cơn điên tôi không thấy mình khôn thêm được chút nào hết.

 

Tôi mở quyển kinh ra tìm lại trang mình đang đọc dang dở. Trên trang kinh còn lưu lại vết xanh non của con thiêu thân nhỏ xíu mà tôi vô tình gạt phủi dập nát. Những con cào cào còn non vẫn tiếp tục bay nhảy tíu tít. Những con chim ngắn đuôi vẫn tiếp tục bay lên đáp xuống tìm mồi. Đời sống vẫn tiếp diễn và đang tiếp diễn, không hề ngừng nghỉ một giây phút nào. Đời sống vẫn luôn luôn sẵn đó, vốn nó sờ sờ như vậy, từ bao giờ… từ bao giờ… Ý nghĩa của đời sống chính là đời sống. Lẽ sống của sống chính là sống.

 

Tôi cặp nách quyển kinh lửng thửng thả xuống dốc đồi, ra khỏi vườn cây. Tôi leo lên chuyến xe buýt đầy người đưa tôi vào thành phố náo nhiệt. Tôi nhập cuộc và nói “ừ” với đời sống hiện tiền./.

Kiệt Tấn
Số lần đọc: 2761
Ngày đăng: 28.02.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vẻ đẹp của Đắc Kỷ - Phan Huy Đường
Lãng Du trong Văn Học Colombia - Lương Văn Hồng
Suy ngẫm tản mạn ngày đầu năm - Vinh Anh
Mùa xuân và chim én - Mang Viên Long
NỖI NIỀM CẮT CÚP hay SARA ĐÃ CHÊ THIỀU NHƯ THẾ NÀO? - Inrasara
Chim én mùa xuân - Trần Hạ Tháp
Lãng Du trong Văn Học MỸ - Lương Văn Hồng
Cái nhìn sòng phẳng - Inrasara
Tết Lại Đến - Tết Lại Đi - Trần Quang Vinh
Lãng Du trong Văn Học Ấn Độ - Lương Văn Hồng