Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.175
123.222.989
 
Các gam giọng điệu trong truyện ngắn đất của Anh Đức
Trần Minh Thương

1.   Giọng điệu trong truyện ngắn sử thi – một số giới thuyết

1.1               Khái niệm truyện ngắn và truyện ngắn sử thi Việt Nam 1945 – 1975

 

Truyện ngắn hiện đại - những truyện ngắn đích thực - xuất hiện tương đối muộn trong lịch sử văn học. Tuy vậy, từ khi xuất hiện đến nay, nó luôn bám sát đời sống, nhận thức và tái hiện cả một hiện thực rộng lớn, phong phú, phức tạp, đầy biến động của đời sống hiện đại.         

 

Hiện nay, ở Việt Nam cũng như một số nước trên thế giới, truyện ngắn gần như được độc chiếm văn đàn. Chỉ tính riêng ở Việt Nam, mỗi ngày cũng có khoảng mươi truyện ngắn in trên các báo, tạp chí. Nhiều cuộc thi sáng tác truyện ngắn được tổ chức ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Rồi những cuộc hội thảo về truyện ngắn với quy mô lớn nhỏ cũng được tổ chức. Điều này cho thấy truyện ngắn đang là thể loại được các cây bút văn xuôi quan tâm, nỗ lực cách tân bậc nhất.

 

Xung quanh việc xác định khái niệm thể loại này cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau. Người nhìn ở góc độ này, người nhìn ở khía cạnh khác. Chúng tôi chỉ dẫn lại khái niệm truyện ngắn trong Từ điển thuật ngữ văn học, của Lê Bá hán – Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi, như sau:

 

Tác phẩm tự sự cỡ nhỏ. Nội dung của thể loại truyện ngắn bao trùm hầu hết các phương diện cảu đời sống: đời tư, thế sự hay sử thi, nhưng cái độc đáo của nó là ngắn. Truyện ngắn được viết ra để tiếp thu liền một mạch, đọc một hơi không nghỉ.

 

Ở Việt Nam, giai đoạn 1945 – 1975 có một ý nghĩa đặc biệt. Đây là giai đoạn đất nước trải qua hai cuộc chiến tranh: 9 năm đánh Pháp và 21 năm đánh Mỹ! Ra đời và phát triển trong không khí ấy, văn học phải lấy những sự kiện của lịch sử, của số phận toàn dân, của chủ nghĩa anh hùng để phản ánh. Sách giáo khoa Ngữ Văn 12, (bộ nâng cao) cho rằng người cầm bút (trong giai đoạn này – người viết chú thêm) nhân danh công đồng mà ngưỡng mộ, ngợi ca anh hùng với những chiến công chói lọi. Đặc trưng đó của khuynh hướng sử thi đã chi phối đến truyện ngắn nói riêng và văn học nói chung.

 

Khuynh hướng sử thi gắn liền với cảm hứng lãng mạn. Biểu hiện rõ nhất của cảm hứng ấy trong truyện ngắn là hướng vận động của cốt truyện, số phận nhân vật, dòng cảm nghĩ của tác giả hầu như đi từ bóng ra ánh sáng, từ gian khổ đến niềm vui, từ hiện tại đến tương lai đầy hứa hẹn.

 

Chương trình bậc THPT hiện nay có những truyện ngắn mang đậm khuynh hướng sử thi: Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành); Nguyễn đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi) và Sách giáo khoa Ngữ văn 12, (bộ nâng cao) chọn Đất (Anh Đức) để cho học sinh đọc thêm.

 

1.2   Khái niệm giọng điệu

Giọng điệu nghệ thuật với tư cách một phạm trù thẩm mỹ, một yếu tố có vai trò hết sức quan trọng trong cấu thành phong cách nhà văn là vấn đề đã được nhận ra từ lâu kể cả trong văn học phương Tây và văn học phương Đông. Nhiều bậc thầy về nghệ thuật ngôn từ, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra và chứng minh vai trò quan trọng của giọng điệu (tone) hay “văn khí”, “hơi văn”, “giọng văn” (cách gọi quen thuộc ở Trung Hoa và Việt Nam) không chỉ trong sáng tác mà cả trong nghiên cứu, tiếp cận tác phẩm văn học và phong cách cá nhân nhà văn.

 

Cấu trúc cũng như tính loại hình của giọng điệu nghệ thuật đã được các tác giả nêu lên trong một số công trình của họ, tiêu biểu như M.Khrapchenkô với Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học (Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, 1978), Sáng tạo nghệ thuật, hiện thực con người (Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1984); M. Bakhtin với Lý luận và thi pháp tiểu thuyết (Bộ Văn hóa thông tin thể thao - Trường viết văn Nguyễn Du xuất bản, Hà Nội, 1992), Những vấn đề thi pháp của Đôxtôiepxki (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1993); Hoàng Ngọc Hiến với Tập bài giảng nghiên cứu văn học (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997); Trần Đình Sử với Thi pháp thơ Tố Hữu (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1995), Lý luận và phê bình văn học (Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 1996), v.v... bàn đến trên một số vấn đề hoặc về phương diện lý thuyết hoặc qua khảo sát những hiện tượng văn học cụ thể.

 

Giọng điệu phụ thuộc vào cảm hứng chủ đạo, phụ thuộc vào bút pháp của nhà văn. Như chúng tôi đã đề cập ở phần đầu, truyện ngắn Đất với khuynh hướng sử thi nên tất yếu cũng có những biểu hiện riêng về giọng điệu.

 

2.   Các gam giọng điệu trong truyện ngắn Đất của Anh Đức

Từ góc độ loại hình, truyện ngắn sử thi là truyện ngắn đơn thanh. M. Bakhin cho rằng, ở loại hình tiểu thuyết sử thi (cả truyện ngắn – người viết chú thêm) lập trường tác giả bao giờ cũng xuất hiện với tư cách thống soái. Trong tiểu thuyết đơn thanh, nhân vật là những “con rối” trong tay tác giả mà chưa có tiếng nói độc lập như tiểu thuyết đa thanh.

 

Là truyện ngắn đơn thanh nên truyện ngắn sử thi không có nhiều bề mà chỉ có các sắc điệu làm nổi bật chủ âm của thời đại. Vì giữa giọng người trần thuật và nhân vật có sự thống nhất trong truyện ngắn sử thi 1945 – 1975 rất ít giọng điệu giễu nhại. Ngôn ngữ “suồng sả” cũng trở thành của hiếm. Chúng tôi đi sâu vào phân tích giọng điệu của truyện ngắn sử thi, qua một tác phẩm cụ thể: Đất – Anh Đức.

 

2.1 Giọng điệu hào hùng sảng khoái

Đọc Đất chúng ta thấy ngay nhà văn Anh Đức như một người ca sĩ hát lên khúc ca đẹp nhất ca ngợi quê hương mình. Để ca ngợi quê hương mình một cách chân thật hơn, say sưa hơn, ai cũng nổ lực hết mình như câu thơ của Chế Lan Viên: Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến sĩ. Giọng điệu ấy, thể hiện trước hết ngay ở nhan đề tác phẩm. Đất là quê hương, xứ sở, là máu thịt của biết bao tiền nhân đã đổ xuống mới giữ được và có được. Rồi sự hào hùng ấy lan toả đến tên nhân chính của tác phẩm: Ông Tám Xẻo Đước. Người Nam Bộ, đặc biệt là miệt sông nước Cửu Long – U Minh, thường gọi tên người gắn liền với tên đất. Tám là thứ trong nhà. Xẻo Đước là địa danh. Sự kết hợp ấy đã góp phần khắc hoạ cho nội dung và chủ đề của tác phẩm. Và đây, chúng ta hãy nghe lại giọng của nhân vật Tám Xẻo Đước:

 

Thưa ông bà cha mẹ, thưa các hương hồn liệt sĩ, nhà cửa đất đai đây là của ông bà, cha mẹ và cách mạng đã tạo lập cho con. Bữa nay người ta ép buộc con phải bỏ đi. Con không thể phụ bạc công ơn cha mẹ, công ơn cách mạng. Vậy con xin chết cho cha mẹ và các liệt sĩ ngó thấy. Khấu đầu xin cha mẹ và các vị chứng miêng cho …

 

Một lời trăn trối của một người sắp từ giã cõi đời nhưng đã đem đến cho người đọc cảm thấy hào sảng. Bởi đó là lẽ phải, là chân lý. Nhà văn đã tạo không khí thiêng liêng của sự trang nghiêm giữa khói hương giữa bàn thờ gia tiên để nhân vật bộc bạch tính cách của một ông già Nam Bộ, của sự khí khái, của lòng cương trực quyết sống chết vì Đất, vì Cách mạng, quyết “một tấc không đi, một ly không rời”, …

 

Một đoạn khác:

Tức khắc ba tôi chĩa mũi mác nhọn hoắt về phía nó (…). Ba tôi nhích mác tới. Thằng đồn trưởng lùi lại. Tay súng nó run lẩy bẩy. Thình lình tôi thấy tay súng của nó gặc mạnh một cái. Phát súng nổ “đùng”. Ba tôi đưa tay lên mặt. Một dòng máu chảy xuống mặt ba tôi. Nhưng ba tôi vẫn đi tới, thằng đồn trưởng cứ lùi. Bỗng nhiên nó buông khẩu súng, hoảng hốt rú lên, quay người bỏ chạy. (…)

 

Giọng văn miêu tả cái chết của nhân vật Tám Xẻo Đước rất gần với hình ảnh Anh giải phóng quân trong thơ Lê Anh Xuân:

 

Anh ngã xuống bên đường băng Tân Sơn Nhứt

Nhưng Anh đứng lên ghì trên xác trực thăng

Và Anh chết trong khi đang đứng bắn

Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng

Chợt thấy Anh giặc hoảng hốt xin hàng

Có thằng sụp dưới chân Anh tránh đạn

Bởi Anh chết rồi, nhưng lòng dũng cảm

Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tấn công

(Dáng đứng Việt Nam)

 

Một giọng hào sảng điển hình và cũng rất phổ biến trong các truyện ngắn, tiểu thuyết giai đoạn 1945 – 1975. Kết thúc tác phẩm, Anh Đức dường như “ám ảnh” của giọng văn ấy. Sau khi để cho nhân vật “tôi” nghe “vang rợn” đâu đây lời của ông Tám, “tôi” trần thuật:

 

Cứ thế, tôi nghe tiếng nói ấy. Và thưa bạn đọc tôi xin nói ra cái điều kỳ lạ là cũng ngay bây giờ tôi cảm thấy như đất dưới nền nhà dưới chân tôi nóng hâm hấp, cơ hồ như đất đang đọng cựa, tái hiện những vũng máu tươi. Thế rồi khi tôi quay lại, tôi không thấy anh Hai Cần ngồi cạnh tôi nữa. Anh đang quý trước bàn thờ. Cái bàn thờ mà cha anh đã quỳ dạo nọ. Mùi nhang lại toả lên.

Giữa lúc năm cũ đi qua. Và một năm mới đến

 

Một không gian thiêng liêng, một thời khắc cũng thiêng liêng thoe phong tục dân tộc, giọng văn như “ấm” hơn lên và chất “bão táp cách mạng” của nó làm cho độc giả thêm sảng khoái, một thời đại mới, thời đại của độc lập tự do đã hé rạng ở chân trời!

Chức năng nổi bật của giọng điệu này là sự ngợi ca người và đất anh hùng.

 

2.2 Giọng điệu trữ tình thống thiết

Gắn liền với giọng điệu hùng ca là giọng điệu trữ tình thống thiết. Giọng điệu này xuất phát từ cảm hứng “rưng rưng” trước vẻ đẹp của hành động, của tính cách nhân vật

Chúng ta đọc đoạn văn sau:

 

- Chú Bảy à, tối đó ba tôi tính đem bánh, trà vô “cứ” cho mấy chú. Ba tôi ổng sợ lắm, sợ tết nhứt mấy chú ở trong “cứ” buồn. Chiều đó, vợ tôi luộc bánh chín rồi, ba tôi liền lấy bốn đòn đem ém dưới sạp xuồng … Ổng sợ tụi nó thấy. Tính khuya là chống xuồng vô mấy chú. Ai ngờ khuya tụi nó cứ đi rỏn hoài …

Những từ khẩu ngữ: à, ổng, ém, rỏn, … tạo nên sự thân tình gần gũi giữa hai nhân vật, đồng thời cũng dựng lại được chân dung “anh hùng” của nhân vật được nói đến (Ông Tám Xẻo Đước).

 

Hay trong đoạn khác:

Ba tôi mở tủ thờ lấy cái áo dài bằng xuyến đen ra. Đây là chiếc áo ba tôi chỉ bận khi có giỗ kị. (…). Sau khi bận áo và xoã tóc, ba tôi rút nén nhang, bảo tôi:

- Hai, con đốt đèn lên!

 

Nhịp điệu chậm rãi, thong thả của câu văn thể hiện rõ nét chức năng tâm tình thống thiết của nó. Sự có mặt của giọng điệu này ít nhất đạt hai hiệu quả thẩm mỹ: một là tái hiện một cách chân thật không khí bi tráng của thời đại; hai là đánh vào nhân tâm của người đọc, khiến cho họ nhận thấy được chiều sâu và vẻ đẹp của cuộc kháng chiến. Tất cả những điều này chúng ta đã thấy rõ qua hai đoạn văn minh hoạ vừa dẫn.

 

2.3 Giọng điệu suồng sả

Phải nói ngay rằng giọng điệu suồng sả xuất hiện trong văn xuôi sử thi không nhiều. Nó tựa như một gò đất nhô lên giữa biển cả mênh mông của không khí sử thi. Truyện ngắn Đất cũng nằm trong quỹ đạo đó. Giọng điệu suồng sả gắn liền với cửa miệng của những nhân vật phản diện trong tác phẩm.

 

(…) Thằng đồn trưởng mới này tên là thằng Đởm, chánh cống ác ôn. Mới về, nó tuyên bố:

-  Tôi không lùa được dân Xẻo Đước thì tôi chết sao?

(…) Tên đồn trưởng xộc vô. Nó ngó quanh quất, ngó vô ba tôi, đoạn vẩy súng nói:

-  Ê, ông là chủ nhà hả? Ông biết tôi tới đây có chuyện gì không?

Các từ được dùng với biện pháp tu từ vật hoá: lùa; xộc, … hay các tiếng đệm thể hiện sự trịch thượng: Ê! Ông, … làm cho câu văn “đời” hơn, thể hiện được mức độ nào đó cái “hiện thực hạ đẳng” vốn là nguyên liệu cần thiết của truyện ngắn hiện đại!   

 

3.   Kết luận

Tóm lại, trên hai kênh giọng chính là giọng điệu hào hùng, sảng khoái và chất giọng trữ tình ngọt ngào, sự có mặt của giọng điệu suồng sả là một yếu tố quan trọng giúp cho hệ thống lời văn và giọng điệu của truyện ngắn thời kỳ 1945 – 1975 vẫn gắn liền với tư duy nghệ thuật hiện đại. Đây cũng là một đặc điểm phân biệt sự khác nhau giữa sử thi cổ đại và truyện ngắn sử thi với tư cách là một sản phẩm nghệ thuật thời hiện đại và dù còn nhiều điều bất cập nhưng rõ ràng truyện ngắn Việt Nam 1945 – 1975 nói chung và truyện ngắn Đất nói riêng đã để lại trong lòng người đọc nhiều ấn tướng sâu đậm. Việc phủ định hay ca ngợi thái quá nó điều là những thái độ bất hợp lý. Cần phải nhìn nhận truyện ngắn sử thi trong đó có truyện ngắn Đất như một mô hình nghệ thuật tiêu biểu cho một giai đoạn văn học đặc thù, như một sự gợi ý cho sự phát triển truyện ngắn trong giai đoạn tiếp theo./.

Trần Minh Thương
Số lần đọc: 4884
Ngày đăng: 02.03.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Quan Niệm Nghệ Thuật về Con Người Qua Người Đàn Bà Trên Chuyến Tàu Tốc Hành của Nguyễn Minh Châu - Bùi Tuý Phượng
Người phụ nữ trẻ việt nam hôm nay mong muốn gì? - Trần Văn Cảnh
Bàn về cách mở đầu của truyện cổ tích - Phạm Ngọc Hiền
Truyện ngắn Vũ Trọng Phụng - 1 - Bùi Tuý Phượng
Truyện ngắn Vũ Trọng Phụng - 2 - Bùi Tuý Phượng
Mẹ trong ca dao - Trần Văn Cảnh
Nhân vật trong truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỷ XX - Bùi Tuý Phượng
Thân phận của thơ… - Khổng Ðức
Bước tiến trong nghiên cứu văn minh Chăm - Văn học Chăm - Nguyễn Đức Hiệp
Tỳ Bà Hành, Bản Dịch của Phan Huy Thực, Một Hiện Tượng Lý Thú của Văn Học Việt Nam Trung Đại - Dưới Góc Nhìn Thể Loại - Trần Minh Thương
Cùng một tác giả
Thể loại văn tế (tiểu luận)