Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.151
123.225.353
 
Đi qua thời thiếu nữ
Vân Hạ

Có hai thứ vật chất in dấu ấn to đùng trong kí ức thời thiếu nữ của tôi. Một là những chiếc bì thư, hai là những chuyến tàu.

Thời con gái của tôi người ta quen gọi là thời bao cấp giai đoạn giữa,  giai đoạn sau giải phóng tức cuối những năm bảy mươi đầu tám mươi của thế kỉ 20.  Hàng họ thứ gì cũng khan cũng hiếm chỉ có tình cảm lãng mạn là dư dả đủ dùng. Có lẽ do lúc đó đường sá tàu xe khó khăn nên người ta ít có cơ hội gần nhau. Vì ở gần nhau nhiều quá  sẽ cảm thấy thường, phải xa nhau mới tình thương dạt dào. Hơn nữa phương cách bảo tồn các mối liên hệ tình cảm giữa các cá thể nhỏ lẻ vẫn chỉ có gần như độc nhất một kiểu cổ điển là viết thư tay dán tem gửi bưu điện, trừ khi muốn báo tin gấp phải đánh điện tín. Thư viết tay bỏ trong những chiếc phong bì cũng tự làm lấy bằng tay. Vì vậy có thể nói có bao nhiêu đôi tay cắt dán thì có bấy nhiêu kiểu dáng kích cỡ phong bì, vô cùng đa dạng phong phú. Chỉ nhìn phong bì cũng có thể đoán được phần nào các mối quan hệ tình cảm. Bì thư hình chữ nhật cân đối, mép gấp thẳng đơn điệu thường là thư gia đình, cha mẹ họ hàng bà con. Còn những bì thư hoặc vuông hoặc rất dài, đường gấp xéo gấp lệch gấp chính giữa, mép gấp răng cưa hoặc lượn sóng nhấp nhô kiểu cọ thường là thư của bạn bè và người yêu.

Bì thư thường đi đôi với cách trình bày và chữ viết. Bì thư nào cắt dán đơn giản tiết kiệm thì chữ viết trên đó cũng thường qua quýt đại khái có khi cẩu thả nhưng lại nghiêm túc và đầy đủ thông tin. Ví dụ:  Bố Mẹ (hoặc anh chị em cô dì chú bác)… Địa chỉ…, Gửi con (hoặc em, anh, cháu, chú…). Còn những bì thư cầu kì kiểu cọ thì ôi thôi, kể cả ngày không hết. Tác giả nhiều cái thư đã sáng tạo ra nhiều cách viết phong bì rất ư văn vẻ,  rất thơ, như thay vào 2 chữ “Người nhận” (hoặc TO) bằng những cặp từ Nhớ bạn, nhớ em, nhớ người, bay đến, xông tới,  xuôi về, tìm đến và thậm chí cả  yêu em. Còn chỗ ghi tên và địa chỉ người gửi (From) được thay bằng những câu chữ dài dòng nhưng rất ít thông tin cụ thể cần thiết. Ví dụ: Thành Phố Biển Mùa Mưa; Đêm Buồn Phố Núi; Fi Trường Mùa Gió Chướng; Em phương xa; Ở Cuối Sông Hồng…! Còn nét chữ nữa, cũng uốn lượn bay bướm  hoa lá cành các kiểu, hoặc tô đậm, gạch chân, gạch nối từ Đêm Buồn Phố Núi  phóng thẳng đến Nhớ người bằng một đường kẻ mạnh, dứt khoát, làm người ta dễ liên tưởng tới tia sáng mặt trời và tốc độ của nó. Chỉ có điều chất liệu của các bì thư đều giống nhau, đều làm bằng giấy kẻ ngang hoặc kẻ ô li xin xỉn màu lá chuối khô tận dụng từ những cuốn vở cũ. Thử hình dung từ lúc bắt đầu viết thư đến khi cắt dán, trình bày trang trí xong bì thư, đến đoạn gấp bức thư sao cho cầu kì  khó mở nhất,  người ta phải làm mất  bao nhiêu thời gian và tâm sức.

Xin hiểu cho, không phải tôi quá rảnh rỗi ngồi xăm soi ngắm nghía những cái thư mà vì phân loại thư là công việc hàng ngày của tôi. Và vì lúc đó tôi đang mong  chờ một phong thư có nét chữ quen thuộc gửi đến cho mình. Tôi đang mong thư Ích. Ích là bạn tôi, bạn học cùng lớp, không phải người yêu. Ngày lên đường nhập ngũ  Ích đến nhà chào tôi. Chúng tôi ngồi hai bên bàn, nói ít cười nhiều, nhoáng cái hết buổi tối. Sau nửa năm huấn luyện cấp tốc, Ích  được về nghỉ đợt phép cuối cùng để vào chiến trường. Trước khi lên đường Ích lại đến chào chia tay tôi. Lúc đó tôi đang chuẩn bị đi làm chiều bèn bỏ khăn nón ra mời Ích vào nhà. Chúng tôi lại ngồi hai bên bàn. Ích bảo chiều tối nay sẽ đi. Tôi hỏi: “Chiều tối nay đi à?”. Ích nhìn ra vườn nói: “Hoa đào đẹp nhỉ. Hoa xoan cũng đẹp!”. “Ừ, tôi đáp, hoa chuối hoa mít cũng đẹp”. Ích nhìn tôi cười rồi lại nhìn ra vườn, nói: “Thật đấy. Nay mới để ý thấy hoa xoan bồng bềnh như đám mây, đẹp thật”. Tôi hỏi đợt này đi lâu không? Ích đáp không biết. Tôi bảo uống nước đi cho ấm. Ích bảo: “Cứ bắt uống nước mãi”. Thế rồi nhoáng cái đã thấy người ta lục tục đi làm về, tiếng loa công cộng bắt đầu khọt khẹt phát bản tin 5 giờ chiều. Ích giật mình bảo: “Thôi chết, muộn giờ rồi!” rồi vội vã đứng lên phóng ra cửa  chạy mất. Hồi đó chúng tôi chưa học được cách bắt tay của người phương Tây nên cho đến lúc đó (và cả tới tận bây giờ) vẫn chưa một lần bàn tay chúng tôi tiếp xúc với nhau.

Hơn tháng sau tôi nhận được thư Ích, cái thư đầu tiên từ chiến trường gửi về. Câu đầu tiên Ích viết: “T thân mến”. Xuống dòng: “Bọn mình đã đến nơi rồi...”. Trong thư Ích kể qua về dọc đường đi, về nơi mới đến. Ích đi đường hết 11 ngày, thư Ích viết ngày 11, đến tay tôi đã là ngày 9 tháng sau.  Tôi viết ngay một thư gửi đi. Vừa gửi đi  vài ngày thì nhận tiếp cái thư thứ hai cũng là cái thư cuối cùng của Ích.  Chữ viết ngoài bì và trong thư đều vội vã. Ích nói đã chuyển địa điểm đóng quân và thay đổi số hòm thư. Và: “Kinh khủng lắm T ơi, không phải như mình đọc trong sách đâu. T không thể nào tưởng tượng được đâu…”. Tôi lại viết ngay một thư gửi đi theo số hòm thư mới cho Ích. Chờ mãi không thấy thư trả lời, tôi viết tiếp một cái nữa vì nghĩ  thư vào chiến trường hay thất lạc. Vẫn không có hồi âm. Sau khi  rời quê đi “thoát ly” tôi lại tiếp tục viết thư cho Ích từ nơi ở mới, có ghi địa chỉ mới hẳn hoi. Và chờ thư trả lời.

Từ đó ngày nào tôi cũng hi vọng soạn hết từ đầu đến cuối đống thư, cầm lên nhìn mặt từng cái, từ cái đầu tiên đến cái cuối cùng. Suốt 3 năm đầu như vậy. Không có thư nào của Ích. Nhưng đến một ngày tôi lại nhận được thư em gái Ích. Em gái Ích viết rằng mẹ Ích muốn hỏi xem tôi có nhận được thư hay tin tức gì của Ích không, vì gia đình đã lâu rồi không có tin tức gì cả, thì tôi bắt đầu nghĩ dại. Thật ra không phải đến lúc đó tôi mới nghĩ dại. “Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi”, xưa nay chinh chiến mấy ai về. Đấy là thơ của người Trung Quốc, không biết tôi đọc ở đâu, nó lưu trữ trong tàng thức tôi từ khi nào mà tự nhiên cứ nhớ đến.

Một lần anh Xuân ở bên xưởng in ronéo cùng cơ quan mang đến tặng tôi một xấp bì thư cực đẹp. Bì thư anh cắt từ cuống giấy nến của Mỹ, loại stencil paper còn lại trong kho tiếp quản, chúng tôi vẫn gọi đùa là giấy tăng-xin (giảm mua!). Xấp bì thư bằng giấy cứng màu trắng kem, rộng dài bề thế hơn hẳn những chiếc bì thư bằng giấy kẻ ngang và giấy kẻ ô li đương thời, tuy có hằn dấu lỗ chỗ do máy chữ in lên nhưng  vẫn đẹp. Nhìn những chiếc bì thư biết ngay người làm ra chúng là người lịch lãm có hoa tay,  mép gấp lượn sóng rất mềm. Chắc anh Xuân thấy tôi hay viết thư, anh còn bảo: “Em cứ gửi đi, hết anh lại cắt nữa cho”. Tôi sung sướng gửi thư cho Ích bằng những chiếc bì thư quí hiếm đó. Và ngày nào cũng soạn hết từ đầu đến cuối đống thư, nhìn mặt từng cái nhưng vẫn không có cái nào có nét chữ của Ích gửi cho tôi.

Rồi bỗng một hôm tôi nhận được một cái thư giống y hệt những cái phong bì anh Xuân làm cho tôi. Nó nổi bật lên giữa đống bì thư tiết kiệm bằng giấy kẻ ngang và  kẻ ô li màu lá chuối khô đương thời. Nét chữ ngoài bì lạ, rất đẹp. Thì đúng là thư anh Xuân. Thư rất dài. Anh Xuân tâm sự hết về gia đình anh, bố mẹ và các em anh. Và anh nói… anh thương tôi. Không hiểu sao tôi chỉ thấy sợ hãi. Tôi trốn biệt không dám gặp mặt  anh một thời gian dài.

Đó là chuyện về những cái thư.

Còn những chuyến tàu Thống Nhất lại làm tôi nhớ đến một người khác. Anh tên là Mừng. Mừng làm ở bộ phận nấu bếp thuộc phòng Hành Chính. Vào thời đó làm ở bộ phận nhà bếp tuy không oai nhưng được cái “giàu thủ kho no nhà bếp”. Tại sao vậy? Vì đói. Vì cơm rất ít, chủ yếu là ăn độn khoai và hạt bo bo. “Mỗi ngày hai bữa ăn bo bo. Thức ăn toàn bầu với tép kho. Nước mắm ông Dinh mùi hơi nặng. Ngồi nhai nửa giờ cũng thấy no”. Đây là bài thơ tứ tuyệt của một tác giả vô danh “vịnh” lên cánh cửa nhà ăn tập thể. Thật tình hễ bữa nào ăn hạt bo bo tôi càng đói, bữa nào cũng chỉ  chiến đấu được vài muỗng đã hết giờ. Còn thịt được định nghĩa “là những phân tử vô cùng nhỏ mà mắt thường ta không thể nhìn thấy được”.  Còn nước mắm ông Dinh? Để tôi giới thiệu một chút về ông Dinh, người đã vinh dự được đi vào thơ ca thời đó. Hơn thế ông còn được tặng hẳn một bài vè riêng, thế này: Ông Đinh Văn Dinh.  Quê ở Thậm Thình. Có chiếc xe đạp Xít-téc-linh. Suốt ngày đi linh tinh”. Ông là cán bộ đời sống lúc đó, rất vui tính. Ông đã có sáng kiến tận dụng lòng cá bò để làm mắm. Chúng tôi bèn cũng lấy tên ông để đặt cho món nước mắm ông đã phát minh ra. Mỗi lần thấy món mắm ấy trên bàn ăn lũ chúng tôi lại buông một câu: “Mắm ông Dinh. Lại mắm ông Dinh!”. Dĩ nhiên món mắm ông Dinh này chẳng bà con gì với món mắm ruột mà người miền biển thích ăn.

Cá bò cá chù thuộc họ cá ngừ, rất ngon nhưng mau ươn khó bảo quản. Nhiều người thường sợ không dám ăn cá bò ươn vì nó hay gây dị ứng ngứa. Vì vậy mỗi khi có cá bò tươi bán tem phiếu về vào giữa đêm, bên Thương nghiệp thường gọi giao hết cho các bếp tập thể cho nhẹ gánh. Một đêm nọ chúng tôi đã đi ngủ (chúng tôi gồm 6 nhân viên nữ ở chung một phòng tập thể) thì Mừng gõ cửa gọi tôi. Anh đứng ngoài cửa đưa vào một xoong cơm đầy nóng hổi, nói “Ăn đi” rồi vội biến xuống bếp. Cơm bồi dưỡng bữa khuya cho bộ phận nhà bếp làm cá đêm. Nói cho hết thì lúc đó chúng tôi cũng nhiều việc ngập đầu. Tôi cũng rất hay phải làm khuya, nhiều khi  tới tận quá nửa đêm phờ phạc cả người khát khô cả cổ mà không hề biết đến một món bồi dưỡng ngoài giờ nào, chẳng lẽ ăn giấy? Chỉ có bộ phận nhà bếp mới có điều kiện tự bồi dưỡng bữa khuya cho mình. Đêm đó lũ chúng tôi hoan hỉ xúm vào bí mật liên hoan. Té ra chỉ có một lớp cơm phủ ở trên ngụy trang còn bên dưới xếp toàn những khúc cá bò kho còn nóng hổi thơm điếc cả 6 giác quan. Nhưng hôm sau khi xuống nhà bếp đưa trả cái xoong cho Mừng tôi đã nói anh dứt khoát không được lấy của chùa làm phúc như vậy nữa. Không phải tôi sĩ, đói bỏ mẹ còn làm bộ như có đứa bạn đã nói, mà vì tôi sợ,  tôi không muốn Mừng nghĩ tôi đồng ý nhận “quà” của anh nghĩa là tôi chấp nhận tình cảm của anh! Thế mới trẻ con. Cũng may Mừng rất hồn nhiên, anh không nghiêm trọng như anh Xuân. Vì vậy sau đó khi biết tôi sắp lên tàu anh vẫn tìm gặp tôi, gửi gắm: “Chị gái anh bán nước rửa mặt ở ga Đồng Hới đấy.  Chị ấy tên là…”

Tàu Thống Nhất lúc đó muốn mua vé phải có giấy công tác kèm giấy giới thiệu hoặc chứng minh thư. Trên vé có ghi rõ họ tên hành khách bằng chữ viết tay hẳn hoi. Tàu chỉ có mỗi một giá vé cho một loại ghế ngồi cứng . Những khi đông khách quá ghế 2 người còn được bán thêm một vé bổ sung cho 3 người. 3 người ngồi một ghế suốt 3 ngày 3 đêm giữa trời nóng nực, giữa ngổn ngang bao bị hàng hóa dưới chân và võng giăng mắc trên đầu cùng đủ các loại mùi. May chuyến ấy tôi được ngồi bên cửa sổ. May nữa là tàu hồi ấy chưa có lưới sắt và máy lạnh nên cửa sổ được mở thoải mái suốt ngày đêm. Tôi cứ thế thò đầu phơi mặt ra ngoài  trời quên khuấy qui định an toàn của đường sắt,  đến nỗi cổ tôi cứng lại và mắt đờ ra vì gió. Chưa hết, nắng gió miền Trung còn phối kết hợp với bụi than từ đầu máy hơi nước bay lại bám đầy mắt mũi đầu cổ tôi, làm mặt tôi lúc ấy chắc không còn là mặt tôi nữa. Tôi nghĩ vậy tuy không soi gương. Chỉ biết khi tôi nhúng khăn xuống chậu nước lau lên mặt chỗ nào chỗ khăn ấy liền đen kịt như vừa lau đít chảo.

Khi tàu vào ga Đồng Hới, cũng như một số ga khác ở dọc dài khúc ruột miền Trung, tôi đã thấy một lực lượng đông đảo người dân địa phương đang đứng bên những gánh nước chờ sẵn mời chào rôm rả. Khách đi tàu ùa xuống vây quanh họ. Mỗi lưng thau nước nhỏ vừa đủ đánh răng rửa mặt một cách tiết kiệm. Riêng cái mặt kì dị đậm đầy bản sắc của tôi phải rửa hết 2 thau mới tàm tạm. Tạm thôi vì không có sữa tẩy trang như bây giờ.  Sau khi đánh răng rửa mặt  rửa chân tay xong dễ chịu rồi hành khách mới nghĩ đến việc tiếp theo là tìm hàng ăn. Không việc  gì phải vội vàng. Tàu tránh nhau còn lâu mới chạy. “Tàu Việt Nam ôm chặt đất anh hùng” mà. Đấy là tôi cũng bắt chước người ta mà nói theo cho vui vậy chứ tôi chưa một lần kêu ca hờn trách con tàu. Nói theo dân gian là “thương không hết có đâu oán trách”.

Ăn xong tô bún tôi thong thả đứng nhìn những người bán nước rửa mặt đang tiếp tục hối hả gánh nước ra , tự hỏi trong số họ ai là chị của Mừng? Nếu tôi tìm được chị ấy thì thế nào nhỉ? Và tôi tưởng tượng cuộc gặp gỡ thế này:

“Chị  ơi, chị có phải chị Liên chị của anh Mừng không? Em ở cùng cơ quan anh Mừng. Anh ấy có nói với em là chị bán nước ở đây”

“Đúng rồi, chị là chị Liên đây. Em cùng cơ quan với Mừng hả. Mừng nói với em rứa à. Rứa em rửa mặt chưa?

Chị Liên chắc sẽ rất vui. Rất có thể chị nghĩ tôi là người yêu của Mừng. Thau nước của tôi có thể sẽ được thêm một gáo, đầy hơn những thau nước khác, có thể chị sẽ không lấy tiền. Dù thế nào tôi cũng thành kẻ lợi dụng. Khoan đã, liệu chị Liên có vui thật không khi thấy bạn gái của em chị có cái mặt “2 nắng” đen kịt như ngoáo thế này?  Nhưng thôi, cứ cho là chị vui đi. Rồi sao nữa?

Tôi chợt cười một mình, chưa biết phải tưởng tượng tiếp đoạn sau ra sao thì từ đầu toa  xuất hiện một người hát rong, một “anh xẩm”. “Anh xẩm” hát: “Rừng lá xanh xanh cây phủ đường đi. Thành phố sau lưng ôm mộng ước gì. Tôi là người đi chinh chiến dài lâu nên mộng ước đầu nghe như đã chìm sâu…” * .  Đúng là cái thứ nhạc vàng “nghe long cả gối nghe chùng cả gân”. Nó lại làm tôi nhớ đến Ích. Khi đó đã 4 năm rồi. 4 năm 2 tháng. Tháng này đào và xoan đều đã có quả non không còn hoa.  Tôi lại nhớ mùi hoa xoan hăng hắc, mùi hoa đào thoảng nhẹ, mùi cây lá ẩm ướt ngoài  vườn trong buổi chiều mưa lay phay lành lạnh ấy.  4 năm ấy rất dài với tôi và chắc với nhiều người khác nữa. Biết đâu Ích đã xanh cỏ rồi mà mình vẫn còn chờ thư? Mới đây tôi còn giở hai cái thư của Ích ra nhìn lại như nhìn kỉ vật cuối cùng của một người bạn. Tôi đã tìm đọc mọi tin tức về tình hình chiến sự phía ấy, nhưng chẳng để làm gì. Tôi không tin chúng. Tôi chỉ tin những gì Ích viết cho tôi.

Không ngờ chỉ ngay sau đó tôi đã được biết tin về Ích. Tin lành. Đó là khi một con tàu khác tiến vào ga, con tàu này chúng tôi đang đợi để tránh đường. Hành khách trên chuyến tàu mới lại ùa xuống vây quanh những gánh nước đang rối rít mời chào. Bỗng tôi nhìn thấy đứa bạn cũ tên Nga. Nga là em họ Ích. Sau khi nhìn kĩ và tin chắc đúng là tôi câu đầu tiên Nga nói: “Khiếp sao đen thế!”. Câu thứ hai: “À, Ích về rồi đấy. Ông ấy gửi lời thăm mày”. Câu thứ ba: “Vậy mà tao cứ tưởng chuyến này đi sẽ gặp mày trong ấy, ai ngờ lại gặp ở đây. Mày biết không, đi cái tàu này đúng là… Kìa lên đi, tàu chạy rồi kìa!”.

Tàu chạy. Tôi loạng choạng đi giữa hai hàng ghế về chỗ ngồi. Ích về rồi, vậy là Ích đã về. Ích không chết. Ích còn sống trở về. Đó là tin quan trọng nhất. Nhưng…Ích về bao giờ sao tôi không biết?  Em gái Ích biết địa chỉ của tôi, hơn thế nữa biết Nga đi vào chỗ tôi mà chỉ “gửi lời thăm” thôi ư?  Nếu tôi gặp một người cùng đơn vị Ích chắc chắn tôi sẽ không chỉ “gửi lời thăm” như vậy. Nhưng đó là tôi. Kẻ vô lí là tôi.

 

Hơn một năm sau, tức hơn 5 năm sau tôi gặp lại Ích. Chúng tôi vẫn ngồi đối diện hai bên bàn và không nhìn vào mắt nhau vì tôi còn phải gọt trái cây mới mua ở chợ về. Khi ấy vườn không còn đào không còn xoan cũng không còn chuối mít, sau mấy năm bỏ hoang nó đã không còn là vườn ngày xưa. Tôi hỏi Ích về sức khỏe, dự định. Ích hỏi tôi có gì mới chưa. Tôi đáp có rồi. Tôi hỏi Ích có nhận được thư nào của tôi không. Ích nói không, không nhận được thư ai cả vì tuy địa chỉ hòm thư ghi vậy nhưng người không ở đấy, toàn ở trong rừng, di chuyển liên tục, đi tác chiến liên miên. Ích hỏi tôi có biết đi tác chiến là thế nào không. Tôi cười lắc đầu. Ích lại hỏi năm ngoái Nga vào đấy có nói gì không? Tôi bảo có,  Nga nói Ích gửi lời  thăm. “Hôm ấy gặp nó bất ngờ quá – Ích nói – Vừa xách ba lô xuống tàu  thì gặp nó đang vào ga. Nó kêu ối giời ơi về nhanh lên, bác Cả ơi anh Ích về đây này. Hỏi nó đi đâu đây. Nó nói đi miền nam, vào chỗ cái Tâm đấy, có gửi gì không. Bảo nó: “Nếu gặp Tâm thì nói Ích về rồi nhá, nói Ích gửi lời thăm”. “Nga có nói”, tôi nhìn con dao trên tay gật đầu xác nhận.

Lúc đó chúng tôi cũng vẫn chưa học được cách bắt tay khi chia tay.

Từ đó đến nay tôi không gặp lại Ích lần nào nữa, chỉ biết đại khái cuộc sống  của Ích nhìn chung yên ổn dễ chịu. Thời gian trôi thật nhanh. Đôi khi nghĩ lại thấy buồn cười, đúng là trẻ con. Mọi việc đều có nguyên nhân. Những kẻ thích thi vị hóa mọi chuyện lại thường dễ đổ vỡ. Tuy nhiên tôi không thi vị hóa những năm chiến trận của Ích được. Về sau không hiểu sao tôi luôn có cảm tình với bất cứ người nào từ cuộc chiến ấy trở về. Thư viết tay bây giờ đã giảm hẳn, phần lớn chỉ còn là những bì công văn giấy mời của các cơ quan công sở, những chiếc bì thư to bè giấy rất trắng. Mỗi lần soạn đống thư đó tôi biết tôi không còn gì để phải tìm phải đợi nữa./.

 

* Lời một bài hát của Trần Thiện Thanh

Vân Hạ
Số lần đọc: 2423
Ngày đăng: 05.03.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Y tá xã - Đỗ Ngọc Thạch
Lụy chữ - Bạch Lê Quang
Chênh vênh vực thẳm - Dương Phượng Toại
Ngày không như mọi ngày - Khôi Vũ
Cà phê từng giọt - Nguyễn Đình Phư
Bà Tôi - Phùng Thành Chủng
Bức tường * - Phan Đức Nam
Quê nhà , chiều 30… - Mang Viên Long
Bộ mặt thật - Huỳnh Văn Úc
Vầng trăng khuyết - Phan Bích Thủy