Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.094
123.231.034
 
Nhìn về phía núi thắp nén nhang cho những người đồng đội đã ra đi
Trần Quang Vinh

Trong cuộc đời có những điều muốn quên mà không thể nào quên. Ví như những ký ức về chiến tranh! Bây giờ người ta thường bảo: khép lại quá khứ/ hướng tới tương lai. Nói đúng ra là: hóa giải  hận thù/ hướng tới tương lai. Còn quá khứ là lịch sử. Mà lịch sử như dòng sông chảy xiét  không  thể khép lại.

 

… Lớn lên giữa buổi đất nước chiến tranh. Giống như những thanh niên cùng thế hệ, tôi rời mái trường thân yêu và trở thành người lính cao xạ pháo.

Một tuần huấn luyện.

Đại đội bao gồm phần nửa là lính mới tò te. Kéo pháo cơ động chiến đấu. Rong ruổi khắp nơi. Nổ súng đì đoành bắn máy bay ném bom cường kích với những cái tên khủng bố: Thần sấm, Con ma … Sau mấy tháng mặc áo lính đã chứng kiến sự ra đi của một người đồng đội. Anh tên Quí. Trung đội trưởng. Hai mươi bốn tuổi. Trước trận đánh chừng vài phút anh còn háo hức khoe, mới nhận được thư nàng! Đã có tin vui sau ngày tranh thủ ghé thăm nhà. Đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ từng chi tiết cảnh tượng đêm mưa rào giữa vùng rừng núi Hòa Bình mông lung huyền bí. Những người lính trẻ măng  đứng trầm mặc bên quan tài anh dưới ánh đuốc bập bùng. Sấm chớp rền rĩ . Cánh rừng lúc đen đặc, lúc bừng lên sáng lóa.

 

Không thể kể hết những trận đạn bom. Biết bao đồng đội thân thương đã vĩnh viễn ra đi trong các trận đánh ở Tây Bắc, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình…Hầu như tất cả đều ở độ tuồi mười tám đôi mươi.

 

Cuối năm sáu tám, tổng thống Mỹ tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc để bước vào hội nghị bốn bên. Từ ngã ba Thình Thình đơn vị pháo cao xạ 37ly của chúng tôi được lệnh kéo ra ngã ba Đồng Lộc cách đó hơn mười cây số. Chục ngày sau trở lại Thành Vinh. Đầu xuân năm sáu chín trung đoàn về bảo vệ thủ đô.

 

Được nghỉ phép sau ba năm rời ghế nhà trường, dấn thân trong lửa đạn chiến tranh khốc liệt. Chen chúc trên chuyến tàu bẩn thỉu chật chội từ Hà Nội về Hải Phòng bỗng mất hẳn cảm giác hân hoan của người lính trẻ ở mặt trận trở về.

 

Gặp lại bạn học cũ đang là sinh viên ở các giảng đường đại học. Họ tươi trẻ hồn nhiên. Còn tôi đã thành kẻ già nua lẩn thẩn. Bỗng cảm thấy lạc lõng cô đơn. Chợt hiểu ra rằng, cuộc sống nơi trận mạc đã khiến người ta biến đổi (?) .

 

Rồi đơn vị bổ sung thêm tân binh quê Thái Bình. Đầu xuân năm 1971 nhận lệnh hành quân vào chiến trường  Bê hai để chuẩn bị cho những chiến dịch lớn.

 

Đoàn xe kéo pháo vượt qua Cổng Trời.  Chơi vơi giữa biển mây mù. Tất cả lặng đi trong cảm giác nôn nao hụt hẫng. Hầu như chẳng người lính nào dám tin có ngày trở lại quê hương. Ngay buổi sáng đầu tiên ở dốc Tây Trường Sơn, chiếc xe hậu cần  đã lao thẳng đứng xuống vực sâu gần năm chục mét.  Mười hai chiến sĩ tử thương. Như có phép màu, duy nhất một anh lính trẻ  thoát chết, trên người không  vết xước. Nhưng anh ta đã trở thành kẻ ngẩn ngơ, bỏ đơn vị đi đâu không ai biết.

 

Hình như hôm ấy là mồng bốn Tết năm Tân Hợi. Thật ra lúc ấy chẳng hề nhớ Tết. Xe pháo dấu cạnh hang đá để tránh những đợt bom B52 rải thảm. Nửa đêm chi bộ hội ý chớp nhoáng, phổ biến tình hình quân Sài Gòn đổ bộ chiếm Đường 9 - Nam Lào. Tiểu đoàn nhận lệnh tham gia chiến dịch.

 

Trận địa pháo triển khai giữa cánh rừng le trúc để bảo vệ tuyến đường chiến lược phía bắc thị trấn Xêpôn. Những trận đánh không cân sức diễn ra. Đại đội có sáu khẩu pháo 37 ly cồng kềnh, mỗi khấu nặng trên hai tấn, sản xuất từ thế chiến thứ II. Bắn vài điểm xạ, hầu hết đỏ nòng, kẹt đạn.

 

Máy bay phản lực, cánh quạt, trực thăng của địch bay lượn đen đặc trên bàu trời gay gắt nắng. Đại đội trưởng hạ mệnh lệnh dấu pháo, chuẩn bị đánh quân đổ bộ .

 

Liên tiếp những đợt bom B52 rải thảm. Dưới cái nắng gay gắt của đất Lào, những thương binh trẻ măng, mười bảy mười tám tuổi, nằm chen nhau dưới căn hầm chật chội.  Đau! Khát! Rên rỉ gọi mẹ .

 

Buổi tối nhận nhiệm vụ theo xe chuyển thương bệnh binh ra tuyến ngoài. Đêm. Đầy trời giăng giăng pháo sáng. Ì ầm tiếng đạn bom hòa lẫn tiếng động cơ máy bay cánh quạt. AD6, C130 như lũ ma xó bay ngang tầm núi. Săn tìm mục tiêu bằng tia hồng ngoại. Bắn từng tràng súng máy liên thanh …

 

Quá nửa đêm, xe vượt qua bãi bom B52, lọt vào cánh rừng thưa.  Một người lính dáng cao gầy, đeo xắc cốt, súng ngắn, đội mũ cối, giơ tay làm hiệu xin đi nhờ về Binh Trạm 9. Dưới ánh pháo sáng lập lòe tôi không nhìn rõ mặt anh.

 

Đã qua nhiều đoạn đường nguy hiểm. Lúc tới Ngầm Vinh, bất ngờ máy bay địch ập tới ném bom, bắn rốc-két. Xe vừa leo hết dốc thì lật úp xuống hố bom sâu. Tôi cùng người lính đi nhờ ngồi ở vị trí cao nên văng ra ngoài, cách xe vài bước. Hầu hết anh em thương binh bị kẹt dưới thùng xe. Hai chúng tôi vội chui vào thùng xe để cứu thương binh. Đã đưa được bốn người ra nơi an toàn, nhưng vẫn còn hàng chục người khác bị thành xe chèn ngang bụng, ngang chân, không có cách nào kéo ra nổi.

 

Tôi luống cuống dùng hai tay cào bới đất, cứu một người lính trẻ. Anh túm lấy cổ áo tôi giãy giụa, đau đớn gào to, em tên Ngọc,  quê ở thị xã Thái Bình! Em còn mẹ và em gái!

 

Tôi dùng sức cố nâng thành xe. Nhưng xe nặng hàng tấn nên không hề nhúc nhích. Lúc ấy người lính đi nhờ xe đang đào đất bằng chiếc xẻng ngắn nói như ra lệnh, vào cabin tìm kích xe ngay!

 

Tôi quờ quạng một lúc mới tìm được chiếc kích xe. Vừa nhảy  khỏi cabin thì ngọn lửa bùng lên trùm kín tất cả. Chỉ kịp lao ra tránh ngọn lửa rừng rực đang muốn nuốt chửng. Nghe những tiếng gọi thảm thiết của đồng đội trong khối lửa hung dữ bốc cao hàng chục mét, vô cùng đau đớn tuyệt vọng. Đúng lúc ấy người lính đi nhờ xe như một bó đuốc phóng ào tới, lăn lộn trên mặt đất. Theo phản xạ, tôi vội bốc từng vốc đất tung lên người anh để dập lửa. Khi những tàn lửa cháy loang lổ trên quân phục của anh được dập tắt, tôi cúi xuống xốc nách dìu anh chạy xuyên vào cánh rừng bên cạnh. Lúc sau gặp lực lượng công binh đang làm nhiệm vụ bảo vệ cung đường. Hai chiến sĩ công binh dìu tôi và anh vào một căn hầm nhỏ bên đường .

 

Vừa chui vào hầm, loạt bom B52 rải thảm nổ ùng oàng rung chuyển mặt đất. Người lính đi nhờ xe có vẻ tỉnh hơn. Anh kêu đau, nhờ tôi lấy dao găm cắt dây lưng, lột bỏ bộ quân phục bị cháy cho đỡ rát. Rồi anh thủ thỉ kể, tôi là trung úy kỹ sư công binh, vào sửa chiếc xe phóng từ Bản Đông. Lúc trở về Bộ tư lệnh thì xe con hỏng nên mới nhờ xe các đồng chí. Chắc tôi chết mất! Nhờ đồng chí giữ hộ cặp tài liệu, súng ngắn để giao lại cấp trên. Quê tôi ở Thọ Xuân, Thanh Hóa. Đã có vợ và hai con. Bao giờ hòa bình, nhờ đồng chí về Thọ Xuân gặp vợ con tôi …

 

Lúc sau các chiến sĩ công binh bảo vệ cung đường quay lại. Họ đặt tôi và anh lên hai chiếc cáng đưa về đội điều trị tiền phương trong khe núi. Bấy giờ tôi mới biết, vùng mặt, cổ và hai bàn tay đều bỏng rát vì sém lửa.

 

Người kỹ sư công binh bị thương nặng được đưa đến khu vực cấp cứu đặc biệt. Còn tôi nằm ở căn hầm gồm anh em thương binh nhẹ hơn. Có cả tù binh ngụy bị thương  ở Xêpôn chuyển ra. Ngày hôm sau, hai cán bộ thuộc Bộ tư lệnh công binh tìm đến nhận lại tài liệu và súng ngắn  mà người kỹ sư công binh  nhờ tôi giữ hộ. Họ bảo rằng anh đã hy sinh vì vết bỏng quá nặng .

 

Thấm thoắt gần bốn chục năm trôi qua.

Mùa  xuân người ta thường nhớ về những điều tốt đẹp. Những kỷ niệm tình yêu. Hạnh phúc. Tương lai. Biết là thế, nhưng người lính đi ra từ chiến tranh vẫn luôn khắc khoải bởi những ký ức vô minh, vô ngộ.

 

Thành phố đã vào mùa lễ hội. Xin lỗi những người đang hả hê cụng ly chúc tụng. Đành  làm một kẻ ẩn ơ ! Ngoảnh mặt về phía núi, kính cẩn thắp nén nhang cho những người đồng đội đã ra đi năm ấy.

Cầu nguyện cho hương hồn các anh hóa thành những cánh bồ câu, mãi mãi tung bay trên mảnh đất này./.

 

Vũng Tàu Xuân Canh Dần

Trần Quang Vinh
Số lần đọc: 2101
Ngày đăng: 05.03.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lãng Du Trong Văn Học Nga - Lương Văn Hồng
Nói, những điều phải nói! - Thụy Vi
Ngôi chùa nhỏ trong con hẻm rất nhỏ - Nguyễn Khương Bình
Tháng giêng nhớ Vũ Hữu Ðịnh - Trần Trung Sáng
Trang kinh trên đồi - Kiệt Tấn
Vẻ đẹp của Đắc Kỷ - Phan Huy Đường
Lãng Du trong Văn Học Colombia - Lương Văn Hồng
Suy ngẫm tản mạn ngày đầu năm - Vinh Anh
Mùa xuân và chim én - Mang Viên Long
NỖI NIỀM CẮT CÚP hay SARA ĐÃ CHÊ THIỀU NHƯ THẾ NÀO? - Inrasara