Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.106
123.229.763
 
An Nam tứ đại khí
Phùng Thành Chủng

An Nam tứ đại khí là bốn kỳ quan, bốn vật quốc bảo của nước ta thời Lý, Trần. Đó là: Tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, tượng chùa Quỳnh Lâm và vạc Phổ Minh. 

1. Tháp Báo Thiên có tên gọi đầy đủ là Đại thắng tư thiên bảo tháp, được xây cất vào năm Đinh Dậu (1057) đời Lý Thánh Tông. Theo Đại Việt sử lược, tháp cao 20 trượng (khoảng 70 mét) và gồm 30 tầng (có tài liệu chép là 12 tầng). Tháp nằm trong khuôn viên chùa Sùng Khánh ở phường Báo Thiên (nay ở vào khoảng bên phải đền Lý Quốc Sư đến đầu phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội) nên còn gọi là tháp Báo Thiên. Lý do để tháp được coi là một trong tứ đại khí là vì tầng trên cùng và đỉnh của tháp đều được đúc bằng đồng. Trận bão năm Mậu Ngọ (1258) đời Trần Thánh Tông đã làm ngọn tháp này bị đổ! Sau khi được trùng tu, tháp lại bị sét đánh sạt mất hai tầng về góc bên đông vào năm Nhâm Tuất (1322) đời Trần Minh Tông. Đến tháng sáu năm Bính Tuất (1406) đời Hồ Hán Thương, nghĩa là 84 năm sau khi được trùng tu lần thứ hai, đỉnh tháp lại bị đổ, mặc dù không gặp phải sự cố mưa bão hoặc sấm chớp gì! An phủ sứ Đông Đô lúc đó là Lê Khải vì không báo tin này cho Hồ Hán Thương biết mà bị biếm tước 1 tư (giáng xuống một trật). Thời thuộc Minh (1414-1427), quân Minh đã cho phá tháp để chế súng. Chỗ tháp bị phá sau đó được đổ đất thành gò cao để dựng đàn tràng.

 2. Chuông Quy Điền được đúc trong lần sửa lại chùa Diên Hựu (Một Cột) vào tháng hai năm Canh Thân (1080) đời Lý Nhân Tông. Để đúc quả chuông này, vua Lý Nhân Tông đã cho sử dụng đến 12 ngàn cân đồng (tương đương với 7,3 tấn đồng). Chuông đúc xong, đánh không kêu, nhưng cho rằng nó đã thành khí, không nên tiêu hủy, nhà vua bèn sai người vần ra khu ruộng sau chùa. Vì khu ruộng này thấp trũng, có nhiều rùa đến ở, nên có tên là Quy Điền (ruộng Rùa), nhân đó gọi chuông là chuông Quy Điền (theo Nguyễn Văn Tân, tác giả Từ điển địa danh lịch sử văn hóa Việt Nam thì lúc đầu chuông có tên là Giác Thế. Đúc xong, vì quá nặng không có chỗ treo, buộc phải để úp xuống đất và sau khi được vần ra ruộng Rùa, thì mới có tên là chuông Quy Điền). Tháng 10 năm Bính Ngọ (1426), chuông Quy Điền đã bị Vương Thông (nhà Minh) cho phá hủy để chế súng đạn, hỏa khí.

3. Tượng chùa Quỳnh Lâm thuộc chùa Quỳnh Lâm, xã Hà Lôi, huyện Đông Triều tỉnh Quảng Ninh- là một trong những ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất đời Trần. Tương truyền, tượng cao đến 6 trượng (khoảng 20 mét?). Thời giặc Minh xâm lược nước ta (1407-1427), chùa bị phá hủy, pho tượng bị cướp mang đi (đầu thời Lê, chùa Quỳnh Lâm được dựng lại, nhưng đến đời Thiệu Trị (1841-1847) lại bị đốt trụi!).

4. Vạc Phổ Minh được đúc vào tháng 2 năm Nhâm Tuất (1262) đời Trần Thánh Tông, nhân dịp Trần Thái Tông (lúc đó là Thượng hoàng) về chơi Tức Mặc. Theo Việt sử thông giám cương mục: Tại đây, Trần Thái Tông đã ban yến cho dân làng. Các hương lão từ 60 tuổi trở lên được ban tước hai tư, lão bà thì được hai tấm lụa. Nhân đấy, đổi Tức Mặc làm phủ Thiên Trường. Dựng cung Trùng Quang để các vua sau khi đã nhường ngôi về ở; lại dựng một cung riêng gọi là cung Trùng Hoa cho Tự quân (vua mới) khi đến chầu Thượng hoàng thì ngự ở đó. Đặt người chức dịch ở hai cung ấy để phòng khi sai khiến, hầu hạ và chức lưu thủ để trông coi. Phía Tây cung Trùng Quang dựng chùa Phổ Minh. Tại đây cho đúc một chiếc vạc lớn và khắc bài minh vào vạc. Tương truyền, miệng vạc dày và rộng đến nỗi hai người có thể chạy nhảy và đi lại trên đó. Cùng với chuông Quy Điền, tháng 10 năm Bính Ngọ (1426) khi bị vây ở Đông Quan, Vương Thông đã cho phá vạc Phổ Minh để lấy đồng đúc vũ khí. Như vậy, từ trước đó, vạc  Phổ Minh đã được Quân Minh chuyển từ Thiên Trường (Nam Định) về Đông Quan (Hà Nội).

Nhân đây, cũng xin nói thêm về bốn ngôi chùa liên quan đến tứ đại khí. Ngoài chùa Quỳnh Lâm bị đốt trụi thời Thiệu Trị, chùa Sùng Khánh thời thuộc Pháp cũng bị phá để xây Nhà thờ Lớn! Hiện chỉ còn chùa Diên Hựu (Một Cột) và chùa Phổ Minh.

Chùa Diên Hựu được xây dựng vào tháng 10 năm Kỷ Sửu (1049) đời Lý Thái Tông. Chùa hình vuông, mỗi bề 3 mét, mái cong, dựng trên một cột đá hình trụ có đường kính 1,2 mét cao 4 mét (chưa kể phần chìm dưới đất) nên còn được gọi là chùa Một Cột. Phía trên là hệ thống những thanh gỗ, tạo thành bộ khung sườn kiên cố, đỡ cho ngôi đài dựng bên trên, biểu tượng của Phật Bà Quan Âm ngồi trụ tòa sen.

Chùa Phổ Minh (còn có tên là chùa Tháp). Theo văn bia thì chùa vốn có từ thời Lý nhưng quy mô nhỏ và được mở rộng vào thời Trần. Tuy đã qua nhiều lần tu sửa nhưng đến nay chùa vẫn giữ được những dấu tích nghệ thuật cổ. Cụm kiến trúc chính của chùa bao gồm 9 gian tiền đường, 3 gian thiêu hương và tòa thượng điện, xếp theo hình chữ Công (I). Đặc biệt, phía trước chùa là một công trình kiến trúc quý đời Trần còn khá nguyên vẹn. Đó là tháp Phổ Minh, dựng năm Ất Tị (1305) đời Trần Anh Tông./.

Tài liệu tham khảo:

- Đại Việt sử lược (NXB TP. Hồ Chí Minh và Bộ môn Châu Á học Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 1993)

- Việt sử thông giám cương mục (NXB Văn Sử Địa- Hà Nội, 1959, 1960, 1961)

- Đại Việt sử ký toàn thư (NXB Khoa học xã hội- Hà Nội, 1998)

- Từ điển địa danh lịch sử văn hoá Việt Nam (NXB Văn hoá thông tin- Hà nội, 1998)

Phùng Thành Chủng
Số lần đọc: 3726
Ngày đăng: 06.03.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phục Nguyên Duy Giáp Lệnh của Việt Vương Câu Tiễn - Đỗ Thành
Hoàng Sa-Trường Sa Mãi Mãi là của Việt Nam - Đinh Kim Phúc
Thưa lại với giáo sư Võ Tòng Xuân - Hà văn Thùy
Bình Định xa…xưa… - Khổng Ðức
Năm mão và người khai khoa nền khoa cử nước ta - Phùng Thành Chủng
Không trốn chạy mà quay về nguồn cội! - Hà văn Thùy
Thăng Long tứ trấn - Phùng Thành Chủng
Chiến lược Tằm ăn dâu - Đinh Kim Phúc
Kỷ niệm 180 năm ngày sinh Hoàng Diệu (1829-2009) : Thân thế, tiết nghĩa, di biểu - Nguyễn Tam Phù Sa
Trần Cao Vân : Suốt một đời gian nan vì vận nước - Lê Ngọc Trác
Cùng một tác giả
Nhà thiện xạ! (truyện ngắn)
Bán Khoán. (truyện ngắn)
Bà Tôi (truyện ngắn)
Lan Man Chuyện (tạp văn)
Đi Tìm Vua Lê (truyện ngắn)
Người Khôn Ngoan (truyện ngắn)