Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.113
123.229.474
 
Mẹ tôi ngày nào cũng hiện về
Đỗ Ngọc Thạch

1.

 

Mẹ tôi ra đi hồi đầu năm 1984, đến nay đã được 26 năm, nhưng những ký ức về Mẹ thì như là đi ngược thời gian trở về với tôi, mỗi ngày một nhiều thêm và như đang tồn tại…

 

…Mẹ tôi chưa bao giờ nói với tôi về tình cảm giữa Bố và Mẹ nhưng tôi hầu như không bao giờ thấy hai người to tiếng với nhau (hoặc có những biểu hiện của sự bất hòa), trước mặt con cái cũng như trước bất kỳ ai. Mẹ nói bố và Mẹ lấy nhau là do Ông Tơ, Bà Nguyệt xe duyên, là do bàn tay Tạo hóa sắp đặt. Điều đó tôi thấy rất đúng. Hẳn là cả hai người đều đã tuân thủ nghiêm ngặt những điều lệ mặc định của cuộc hôn nhân “số trời” này cho nên có thể nói song thân tôi đã tạo nên được một gia đình hạnh phúc, vẹn toàn.

 

Giỏ nhà ai quai nhà ấy, Mẹ nào con nấy, Hổ phụ sinh hổ tử…là những câu nói về con cái, sẽ phải giống cha mẹ. Điều đó hoàn toàn đúng đối với những người con chúng tôi. Nhà tôi có tới bảy anh chị em, cũng có thể nói là đông đúc. Song, không hề có chuyện “nội bộ lục đục” mà rất hòa thuận, vui vẻ, ai cũng kính trên nhường dưới, thương yêu nhau rất mực. Đó cũng là một trong những lý do để anh chị em chúng tôi rất chăm học và đều học giỏi (sau này cả bảy người đều tốt nghiệp Đại học). Tối tối, đến giờ học bài là nhà tôi như một lớp học, người học lớp trên chỉ bảo người lớp dưới, người lớp dưới quyết học giỏi để đuổi kịp người lớp trên! Một không khí thi đua quyết liệt luôn thôi thúc chúng tôi học tập. Đó là điều rất khó thực hiện ở hầu hết các gia đình. Vì thế, gia đình tôi được xem như một mẫu mực của kiểu gia đình hòa thuận, nền nếp. Gia đình tôi thường sống trong những khu tập thể của nơi bố tôi làm việc. Mỗi khi gặp những người hàng xóm, họ đều nhìn anh chị em chúng tôi bằng ánh mắt thiện cảm và thường lấy chúng tôi làm gương cho con cái noi theo. Những ký ức bình thường ấy chỉ sau này, khi anh chị em chúng tôi đã bước sang tuổi già, tôi mới thấy hết giá trị của nó và càng thấy bố và mẹ của mình mới kỳ diệu làm sao!

 

Bây giờ, mỗi khi thấy các gia đình xung quanh có những chuyện như vợ chồng cãi lộn ầm ỹ, đánh nhau máu mê đầm đìa, anh em nhào vào nhau “ăn thua đủ”… là tôi lại nhớ tới song thân. Nhiều lúc, tôi cứ lẩn thẩn nghĩ: không biết bố mẹ mình có bí quyết gì mà giữ được một gia đình ấm êm, hòa thuận như vậy? Và những ký ức về song thân cứ hiện về lung linh kỳ ảo như những vì sao trong bầu trời đêm mênh mông vô tận…

 

2.

 

Những năm hòa bình đầu tiên ở Hà Nội (1954-1956), gia đình tôi có 9 người ( ông nội, bà nội, bố, mẹ và năm anh chị em – sinh từ 1945 đến 1955) đều chỉ sống bằng lương Bác sĩ quân y của bố tôi, phải đến năm 1957, khi bố tôi chuyển ngành sang dân Y, về phụ trách Bệnh Khu Gang Thép Thái Nguyên thì mẹ tôi mới đi học lớp Y Tá rồi đi làm ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Nguyên. Nói vậy để thấy rằng cuộc sống của một gia đình như thế là quá nghèo. Cảnh nghèo như thế còn kéo dài hơn chục năm nữa khi bốn người lớn chúng tôi lần lượt vào đại học và chủ yếu sống bằng học bổng!

 

Đối với người lương thiện thì cách kiếm tiền duy nhất là đi làm thuê, làm mướn. Nhưng bố tôi quyết nuôi con học hành tới nơi tới chốn nên không thể cho chúng tôi nghỉ học để đi làm mà chọn cách “vừa làm vừa học”: nhận đồ gia công về nhà làm là cách kiếm tiền khá phổ biến của công nhân viên chức Nhà nước lúc đó, mặc dù giá làm hàng gia công rất rẻ mạt! Mỗi khi có hàng, cả nhà tôi lại như là một phân xưởng, tất cả hì hụi làm đến tận một, hai giờ sáng! Bọn trẻ chúng tôi vì đang tuổi ăn tuổi ngủ nên nhiều lúc đang làm mà ngủ gục, bừng tỉnh dậy thấy mẹ tôi vẫn cặm cụi làm, tôi liền vụt đứng dậy đi lau mặt nước lạnh rồi vào làm tiếp!

 

Giống như ở chiến khu thời kháng chiến, tăng gia sản xuất là một trong những giải pháp hữu hiệu để sống. Gia đình chúng tôi luôn ở trong những khuôn viên của cơ quan bố tôi công tác, thường là Bệnh viện, nên có rất nhiều những chỗ đất trống chỉ có cỏ dại, bụi gai. Và anh em chúng tôi luôn là những người đầu tiên “khai hoang, vỡ đất” và trồng đủ các loại rau màu, cả ngô khoai sắn, tức lương thực! Mùa hè chúng tôi trồng rau muống, rau cần, rau mồng tơi, rau ngót, Mùa Đông chúng tôi trồng su hào, cải xanh, cải bắp, cà chua! Đó là dưới đất, còn trên cao thì bắc giàn bầu, giàn bí, mướp, su su, đậu ván…đủ loại! Tôi còn nhớ là hầu như mẹ tôi không phải đi chợ mua rau mà chúng tôi còn bán cho những người hàng xóm, hoặc có hôm mẹ tôi cho tất cả rau dưa vào một cái rổ lớn rồi ngồi bán ở cổng Bệnh viện, chỉ khoảng nửa giờ là bán hết!

 

Trồng trọt thường đi đôi với chăn nuôi, đó là cách tồn tại phổ biến của cư dân Việt từ ngàn xưa. Gia đình chúng tôi cũng không ngoại lệ. Chúng tôi vừa có chuồng gà vừa có chuồng lợn, thỉnh thoảng lại nuôi thỏ, gà tây, ngan ngỗng…không khác gì một cái “Trang trại”. Còn đồ ăn cho gà lợn …thì từ vườn rau và đến lấy đồ ăn thừa ở thùng rác thải của nhà bếp Bệnh viện. Hàng ngày chúng tôi đều có thu hoạch trứng gà, ngày Tết, ngày lễ đều có thể mổ gà , thi thoảng thì mổ lợn…Những khi ăn uống kham khổ, là tôi luôn nhớ lại những lần thu hoạch từ cái “trang trại mi-ni” ngày ấy!

 

Làm đồ gia công, trồng trọt và chăn nuôi là những cách kiếm sống chủ yếu của những gia đình công nhân viên chức Nhà nước nghèo thời đó, mà gia đình chúng tôi đã thực hiện khá tốt, rất hiệu quả. Ngoài những công việc thường xuyên đó, vào những dịp nghỉ hè (từ lớp một đến lớp mười có tới chín kỳ nghỉ hè, mỗi kỳ ba tháng), tôi còn đi làm kiếm tiền ở các xí nghiệp, công trường xây dựng… như một lao động thực thụ! Cho đến tận bây giờ, nghĩ lại tôi mới thấy lúc đó sức khỏe của mình thật là tốt!

 

Thông thường, trong những lúc làm việc mệt nhọc, vất vả, tôi thường nhìn mẹ tôi và thấy Người không bao giờ kêu la, rên rỉ hay đại loại như vậy. Chính điều đó đã khiến cho tôi cũng giống như Người trong suốt cuộc đời: không bao giờ kêu mệt mỏi trong khi đang làm việc! Đó cũng chính là điều cắt nghĩa rõ nhất tại sao mẹ tôi vẫn giữ được đầy đủ đàn con của mình mà không phải đem cho, đem bán như bao nhiêu gia đình nghèo đông con khác. Khi mới về Hà Nội , năm 1955, mẹ tôi sinh con thứ 6, đặt tên là Thủy – lấy theo tên Bệnh viện Đồn Thủy, nơi mẹ tôi sinh con và cũng là  nơi bố tôi làm việc (sau đổi tên là Bệnh viện Quân Y 108). Lúc bé Thủy được gần một tuổi, rất bụ bẫm, dễ thương, ai nhìn thấy cũng muốn bế bồng. Có một chuyên gia nước ngoài đã xin làm con nuôi, mọi thủ tục đã hoàn tất. Nhưng khi người chuyên gia nước ngoài này đang ngồi chờ ở sân bay thì mẹ tôi đến, đòi bế bé Thủy về. Người chuyên gia nước ngoài thấy mẹ tôi thương yêu con như vậy thì không nỡ đưa bé Thủy đi mà đồng ý trả lại, còn tặng luôn cả một thùng đường sữa, bột dinh dưỡng… đã chuẩn bị cho bé Thủy ăn trên đường đi. Hiện giờ, bé Thủy ngày ấy đang sống ở Canada, đã 55 tuổi. Quả nhiên là có số sống ở nước ngoài!...Khi tôi đang học lớp hai, lúc đó đang ở Quân Y viện 9, thị xã Vĩnh Yên. Có hai vợ chồng đều là Bác sĩ quân Y, lấy nhau đã lâu nhưng không có con. Hai vợ chồng người Bác sĩ này đã thuyết phục được bố tôi cho một đứa con làm con nuôi và hai người Bác sĩ này đã chọn tôi. Nhưng ngay ngày hôm sau, tôi thấy mẹ tôi sang nhà hai người Bác sĩ “bố mẹ nuôi” của tôi và dắt tôi về! Sau này, tôi được biết rằng hai vợ chồng đó không có con là do người chồng (súng đạn có vấn đề), sau đó người vợ đẻ hai lần bốn đứa con, đều sinh đôi, -  nhờ phương pháp thụ tinh nhân tạo!

 

3.

 

Mẹ tôi làm việc ở Bệnh viện về là lại luôn chân luôn tay với 1001 công việc “kiếm sống” ở nhà như vừa nói trên, cho nên có thể nói, hầu như Mẹ không có thời gian để “giải trí” hoặc đi du lịch đó đây như những gia đình sung túc, giàu có khác. Thi thoảng mới có những giây phút rảnh rỗi trong ngày thì mẹ tôi lại đọc báo (thời bao cấp, cán bộ như bố tôi là đã có tiêu chuẩn báo chí riêng) và đọc báo đã trở thành một nhu cầu thường nhật ở nhà tôi. Duy trì được một nền nếp sinh hoạt văn hóa bổ ích trong gia đình là một việc không hề dễ dàng. Và càng khó khăn hơn là việc xác định một định hướng đúng và thực hiện bằng được định hướng đó cho những người con.

 

Việc xác định mục tiêu tất cả các con phải tốt nghiệp Đại học, nói thì dễ nhưng để làm được không hề đơn giản. Nếu như không kiên định như Mẹ thì hẳn là sẽ có những người con rẽ ngang. Và chính tôi là một người đã định rẽ ngang tới ba lần, nhưng mẹ tôi đều kéo tôi trở lại con đường đã chọn! Lần thứ nhất là hồi tôi đang học lớp 6, ở Hải Phòng. Lúc đó, phong trào bóng bàn ở Hải Phòng rất mạnh, vô địch Toàn quốc đơn Nam (Trần Vũ Phấy) và cả vô địch đơn Nữ (Ngọc Anh) đều ở Hải Phòng và đều không phải VĐV chuyên nghiệp. Tôi tuy chưa tham gia thi đấu nhưng chơi khá tốt và chủ yếu rất mê môn thể thao này, lúc nào ở lưng cũng gài cái vợt mút Đường sắt! Bố tôi có người bạn làm việc ở Sở TDTT Hải Phòng, thấy tôi mê bóng bàn thì nói với bố tôi: “Cho nó vào đội tuyển thiếu niên, không chừng thành Nhà vô địch! Song vấn đề nhất cử lưỡng tiện là nếu được vào đội tuyển thì ông không phải lo nuôi nó ăn học nữa mà có khi nó còn kiếm được tiền đưa cho ông!”. Bố tôi nghe nói vậy thì đồng ý ngay, cho tôi đi thi dự tuyển. Tôi trúng tuyển không khó khăn gì. Đang tập ở phòng tập được ba ngày thì mẹ tôi tới, đưa cho tôi một hộp bóng bàn của nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền phong và nói: “Mẹ vừa vào Nhà máy nhựa để nhận đồ về làm gia công hộp đựng bóng bàn, người ta cho hộp bóng này, cho con!”. Tôi cầm hộp bóng bàn mà run cả tay vì từ hồi biết chơi bóng bàn, tôi chỉ có thể mua hai, ba quả một lúc chứ không thể mua cả hộp như thế này! Tôi chưa kịp hết ngạc nhiên thì mẹ tôi lại nói: “Lần này nhận nhiều hộp bóng bàn gia công lắm, không có con làm thì bao giờ xong mà trả hàng cho người ta!”. Mẹ tôi nói rồi lẳng lặng đi ra phía cổng sân vận động Lạch Tray, tôi chạy theo ra thì thấy một cái xe ba gác loại nhỏ chất đầy bìa giấy (để làm hộp đựng bóng bàn) và người chị sát trên tôi đang ngồi trên càng xe! Không kịp nói gì, như là một phản xạ tự nhiên, tôi chạy lại cầm lấy càng xe và kéo đi như một người thợ kéo xe chuyên nghiệp!

 

Lần thứ hai tôi định rẽ ngang, bỏ chuyện học hành là khi tôi vừa đi lính trở về, đang học năm thứ nhất ở Khoa Toán trường ĐH Tổng hợp. Có một đợt tuyển đi học Công nhân Kỹ thuật công nghệ cao ở Đức mà đối tượng là bộ đội xuất ngũ, là thương binh càng được ưu tiên. Người phụ trách tuyển sinh vốn là bạn chiến đấu với bố tôi thời kháng chiến 9 năm, tới nhà chơi thì nói: “Đợt tuyển sinh này là cơ hội để cho nhà cậu đổi đời, thoát nghèo. Làm công nhân kỹ thuật cao cũng rất oai mà đi học về còn có thể có tiền xây nhà! Còn nếu muốn học đại học thì sau này học tại chức cũng chưa muộn!”. Bố tôi đồng ý ngay. Tôi khẩn trương làm các thủ tục giấy tờ, gần xong thì người bạn Tuyển sinh kia tới nói với bố tôi: “Chưa kịp bổ sung tên con ông vào danh sách thì không biết từ đâu, các Sếp cấp trên gửi gắm cả đống hồ sơ với đủ thứ dấu má quan trọng, không thể từ chối! Ta rút lui vậy nhé, vừa vặn sáng nay bà vợ ông tới nói phải bỏ ngay ý định đưa con bà đi học công nhân kỹ thuật!”.

 

4.

 

Khi đã nghỉ hưu, năm 1980, mẹ tôi vẫn ngày ngày ngồi bán thuốc lá ở cổng cơ quan Bộ Y tế trên đường Giảng Võ (nhà tôi ở trong khu Tập thể của Bộ Y tế, nằm ở phía sau cơ quan Bộ). Bán thuốc lá, bán vé số là công việc mà phần lớn những người về hưu lựa chọn vì lúc đó đời sống của người dân, - nhất là khu vực công nhân viên chức chỉ sống bằng đồng lương ít ỏi, - rất khó khăn: gạo đong theo sổ, mỗi lần đi mua gạo phải chen chúc, xếp hàng cả ngày và chỉ được mua tối đa 5 kg có độn ngô, khoai, mà gạo chỉ là gạo lưu kho đã lâu, đã chớm mốc, mục mà rất nhiều sạn! Thực phẩm thì theo chế độ tem phiếu gồm có thịt, cá , đậu phụ, nước mắm…nhưng không phải lúc nào cũng có bán mà mua, và khi có hàng thì cũng phải chen chúc xếp hàng như đi mua gạo, như đi … đánh trận! Lúc này, sức khỏe mẹ tôi đã rất kém nhưng người vẫn phải chầu chực, chen chúc ở cửa hàng gạo, ở chợ để mua theo tem phiếu vì không thể mua ở ngoài “Chợ đen” được!

 

 

Thời gian này, anh chị em chúng tôi đều đã đi làm và đều làm ở cơ quan Nhà nước với đồng lương chỉ đủ sống 15 ngày, nên đành bất lực nhìn mẹ ngồi dầm mưa, dãi nắng bên hè đường lầm bụi mà không biết làm sao! Thế đấy, mẹ đã nuôi một đàn con trưởng thành mà cho đến lúc qua đời, không có đứa con nào nuôi được mẹ để cho mẹ thảnh thơi an hưởng tuổi già! Chỉ nghĩ như vậy, tôi thấy mình thật là vô dụng! Khi tôi nghĩ được như vậy thì mẹ tôi lâm trọng bệnh: Ung thư tuyến tụy, đã ở giai đoạn cuối! Có câu “Sinh nghề, tử nghiệp”, quả không sai! Chồng con, anh em, bạn bè cả một đống Bác sĩ cũng đành ngồi nhìn Tử Thần đến bắt mẹ đi mà không biết làm gì!

 

Những ngày cuối cùng, tôi ngày nào cũng vào chăm sóc mẹ. Mẹ thường nằm bất động, hai tay đặt lên bụng, mắt khép hờ như ngủ nhưng thực ra mẹ đang nằm đợi hai người con còn ở Sài Gòn chưa ra gặp mẹ lần cuối, đó là người chị cả và người em áp út. Bao giờ cũng vậy, biết tôi tới là mẹ hỏi ngay: “Chị Thanh có ra chưa? Vừa mới sinh con, đi lại đường dài sẽ vất vả lắm!”. Tôi nói: “Máy bay chỉ bay có 4 giờ là tới ngay mà! Chắc là tại mua vé đi ngay rất khó!”. Mẹ khẽ thở dài rồi nói nhỏ: “Chỉ tiếc là mẹ không vào tắm cho cháu ngoại được!... Còn hai thằng em con chưa chịu lấy vợ, mẹ làm sao mà yên tâm được?”. Đó là mẹ tôi nói về hai người em trai út và áp út, mẹ đã trông mong từng ngày để cưới vợ cho hai chú ấy mà không được, biết làm sao?

 

Tôi mở hai ngăn cái “cạp-lồng” nhỏ, lấy cháo ra định múc cho mẹ ăn nhưng mẹ nói: “Mẹ chưa muốn ăn cháo! Hôm nay có nướng cá rô cho mẹ không?”. Tôi nói “Có” rồi gỡ con cá rô nướng đút cho mẹ. Mẹ ăn ngon lành hết một con rồi nói: “Thôi, được rồi!...Giờ đọc Truyện Kiều cho mẹ nghe đi!”. Từ hôm mẹ tôi nằm liệt giường, ngày nào tôi đến mẹ cũng bảo tôi đọc Truyện Kiều cho bà nghe. Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ đó là những ý thích bất chợt của người lâm trọng bệnh biết mình sẽ ra đi, nhưng đến ngày thứ ba thì mẹ nói: “Mẹ muốn con từ giờ cần bình tâm, tĩnh trí trước mọi thử thách của cuộc đời. Có một cách rèn luyện rất tốt là đọc lại Truyện Kiều một cách khoan thai, từ từ. Con sẽ ngộ ra được nhiều điều bổ ích!”. Tôi cầm cuốn Truyện Kiều lên và đọc “Trăm năm trong cõi người ta…” thì mẹ nói: “Hôm nay đọc từ chỗ gia đình Kiều gặp tai biến, Kiều phải bán mình chuộc cha…”. Tôi liền đọc: “Một ngày lạ thói sai nha / Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền…”.

 

*

Sau khi mẹ tôi qua đời, anh chị em chúng tôi đều ngơ ngẩn cả tháng trời mới quen dần với nỗi đau MẤT MẸ! Chỉ đến lúc đó, tôi mới thấy hết được ý tứ của câu hát “cho những ai đang còn có Mẹ”: chúng ta đừng để phải hối tiếc vì khi Mẹ còn sống đã làm cho Mẹ buồn lòng!

 

Anh chị em quyết định giao cho tôi giữ toàn bộ quần áo của Mẹ đã dùng lúc còn sống. Tôi nghĩ chắc mọi người muốn để cho vợ tôi sử dụng tiếp số quần áo đó của Mẹ. Nhưng, vợ tôi không thích dùng nên tôi cho tất cả quần áo vải mỏng vào một cái bọc ni-lon, cất kỹ. Còn những áo mặc mùa Đông (như áo bông, áo len, áo sợi, khăn len…) tôi cho vào cái ba-lô con cóc thời còn đi lính, để trên nóc tủ, mỗi ngày, thường là vào đêm đêm, khi ngồi làm việc, lại lấy một cái ra khoác cho đỡ nhớ Mẹ và quả là rất ấm, - lúc đó đang là Mùa Đông. Một lần, trời khá lạnh, tôi lấy cái áo bông, đã sờn cũ của mẹ ra khoác. Chuẩn bị ngồi xuống bàn làm việc thì khi vô tình thọc tay vào túi được khâu bên trong cái áo bông, tôi thấy một gói giấy bằng bàn tay. Mở gói giấy ra thì thấy một gói tiền, rất mới, tổng cộng là ba trăm ngàn đồng cùng với một mảnh giấy nhỏ có viết vài dòng như sau: “Con chỉ dùng số tiền này khi thật túng thiếu!”. Quả là tôi đang rất túng thiếu, vợ chưa có việc làm, con thì mới hai, ba tuổi, tôi phải thức thâu đêm để đánh máy bản thảo thuê cho mấy nhà xuất bản, mà như muối bỏ bể!

 

Từ đó, tối tối, khi ngồi bên máy chữ, tôi lại khoác cái áo bông cũ của Mẹ tôi, và thật kỳ lạ, không hề thấy rét buốt gì nữa, cũng không hề buồn ngủ mà ngược lại, tôi đánh máy rất nhanh, gần gấp đôi mọi khi! Dường như là ngày nào Mẹ tôi cũng hiện về bên tôi!./.

 

Sài Gòn, tháng 3 năm 2010

 

Đỗ Ngọc Thạch
Số lần đọc: 3153
Ngày đăng: 10.03.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vọng phu - Nguyễn Đình Phư
Mơ ước một mùa xuân - Trần Minh Nguyệt
Đời không là … - Nguyễn Minh Phúc
Đi qua thời thiếu nữ - Vân Hạ
Y tá xã - Đỗ Ngọc Thạch
Lụy chữ - Bạch Lê Quang
Chênh vênh vực thẳm - Dương Phượng Toại
Ngày không như mọi ngày - Khôi Vũ
Cà phê từng giọt - Nguyễn Đình Phư
Bà Tôi - Phùng Thành Chủng
Cùng một tác giả
Nữ võ sĩ huyền đai (truyện ngắn)
Anh hùng thọ nạn (truyện ngắn)
Người chép sử (truyện ngắn)
Tướng sát phu (truyện ngắn)
Chị em sinh ba (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn-1 (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn -2 (truyện ngắn)
Chuyện một nhà báo (truyện ngắn)
Núi lở (truyện ngắn)
Hai lần bác sĩ (truyện ngắn)
Báo hiếu (truyện ngắn)
Nhà tiên tri (truyện ngắn)
Bạn học lớp hai (truyện ngắn)
Tương tác trên net (tiểu luận)
Bạn học lớp năm (truyện ngắn)
Bà Nội (truyện ngắn)
Cô giáo mầm non (truyện ngắn)
Ma lai (truyện ngắn)
Cánh đồng mùa đông (truyện ngắn)
Em ở Tây hồ (truyện ngắn)
Sự tích chim đa đa (truyện ngắn)
Kén vợ kén chồng (truyện ngắn)
Nghêu, Sò, Ốc, Hến (truyện ngắn)
Đấu trường 100 (truyện ngắn)
Làng nói trạng (truyện ngắn)
Lý Toét (truyện ngắn)
Đám Cưới Vàng (truyện ngắn)
Táo quân truyện (truyện ngắn)
Mùng ba tết thầy (truyện ngắn)
Chuyện ngày tết (truyện ngắn)
Y tá xã (truyện ngắn)
Băng nhân (truyện ngắn)
Ô Quan Chưởng (truyện ngắn)
Bạn học đại học (truyện ngắn)
Kiếm sống (truyện ngắn)
Ô Chợ Dừa (truyện ngắn)
Ký ức làm báo (truyện ngắn)
Trộm long tráo phụng (truyện ngắn)
Ba chìm bảy nổi (truyện ngắn)
Bác Sĩ Thú Y (truyện ngắn)
Lệnh Phải Thi Đỗ (truyện ngắn)
Giai Điệu Mùa Hè (truyện ngắn)
Lấy Vợ Xấu (truyện ngắn)
Địa sứ (truyện ngắn)
Cô Dâu Gặp Nạn (truyện ngắn)
Bà Ngoại (truyện ngắn)
Ô Đống Mác (truyện ngắn)
Quận He (truyện ngắn)
Tam Thập Lục Kế (truyện ngắn)
Cắm sừng (truyện ngắn)
Nguyễn Vỹ (chân dung)
Nhà Nho - Nhà Báo (tiểu luận)
Dòng Sông Ám Ảnh (truyện ngắn)
Ba Lần Thoát Hiểm (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 2 (truyện ngắn)
Kiếm Sống 2 (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 3 (truyện ngắn)