Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.104
123.229.853
 
Một giọt máu rơi
Trần Minh Nguyệt

1.

Thằng Hưng mới bước vào sân đã nghe giọng nói gắt gỏng của cô Hồng: ”Mầy lên đây làm gì? Mầy đi khỏi nơi đây mau! Tao đã bao lần nói rồi sao còn xách bản mặt khó ưa đến hoài vậy?"

 

Hưng đứng yên- lùi lại vài bước, nhìn cô Hồng với đôi mắt van lơn “Con về thăm nhà - giọng nó như lạt yếu đi - con lên thăm bà nội, ba con và… thăm cô một lát, con sẽ đi ngay mà…"


Cô Hồng nhìn thẳng vào mặt Hưng - quát lên: ”Mầy không được nói vậy! Chắc gì mầy là con, là giọt máu rơi của dòng họ nhà tao đâu? Mày hãy ra khỏi nhà mau, đừng nhiều lời nữa. Đừng làm xấu hổ cho gia đình nhà này..."


Hưng cảm thấy hình như có một vật gì chèn ngay ở cổ mình, sự tủi hờn hay đau đớn đang sôi sục  trong lòng- Hưng cố kìm giữ những giọt nước mắt như đang muốn trào ra- nhưng vô ích rồi- cố kìm lại thì nó vẫn cứ tự nhiên mà chảy dài xuống đôi gò má gầy gò của nó. Hưng ngước lên nhìn cô Hồng qua làn nước mắt ràn rụa, nó hơi cúi đầu và lặng lẽ bước ra khỏi ngõ. Hưng lầm lũi.- đếm từng bước chân trên đường về. Nó  miên man nghĩ về cảnh đời bất hạnh cô độc của mình mà càng sụt sùi, ấm ức như nỗi oan khiên mà đời nó đã phải gánh chịu, đã đé nặng lên cuộc đời bé nhỏ của nó bao năm…

 

 

2.

Hai mẹ con bà Tám Oanh sống nhờ vào chiếc quán nhỏ bán các loại nước giải khát bên đường. Bà Tám mới 58 tuổi mà trông nét mặt khắc khổ, da nhăn nhúm- nhìn bà ai cũng nghĩ là bà già lắm rồi-trên 70 không chừng! Chồng bà trước kia là nhân viên của công ty Chế Biến Gỗ ở Pleiku, lúc giải phóng đã chạy dạt về  Nha Trang rồi theo tàu ở cảng  sang nước ngoài và bặt tin luôn từ đó. Bà còn lại một mình- bà cảm thấy bơ vơ, buồn khổ vô cùng! Chỗ dựa cho đời bà đã sụp đổ, tình yêu đã bay xa, từ nay bà biết làm gì cho cuộc đời còn lại khi mới vừa tròn 24 tuổi? Bà đã lạc lõng côi cút từ thuở nhỏ- không bà con ruột thịt bên nội cũng như bên ngoại. Thân bà như một cánh bèo đang trôi, không biết sẽ dạt vào đâu? Nếu không có Kiều Oanh- có lẽ bà không còn đủ can đãm tiép nối đời sống dang dở. Đã bao lần bà có ý định xin vào gởi thân nơi cửa Phật- nhưng  Kiều Oanh đã níu kéo, an ủi bà…

 

Kiều Oanh- con gái  duy nhất của bà với người chồng đã đi xa năm nào sau ngày sinh khó khăn, buồn bã- trông cô ngớ ngớ, ngẩn ngẩn thế nào? Nhưng bù vào sự bất hạnh ấy, Kiều Oanh lại được trời ban cho một nhan sắc “hoa nhường, nguyệt thẹn". Cô học hết tiểu học  thì ở nhà buôn bán với mẹ bởi vì cô không học nổi nữa dù bà Tám luôn mong cô đến trường cho kịp bạn bè..Đó là tình yêu con lại bên đời bà. Là nguồn an ủi duy nhất mà bà đã cố bám víu cho cuộc đời chìm nỗi, lênh đênh của mình! Bà Tám rất thương yêu chiều chuộng cô con gái cưng của mình, bà sợ sau khi bà chết đi, không ai lo cho cô-cô sẽ khổ đau lận đận như bà vậy.. Vì vậy bà đã tích cóp,  dành dụm và đã đăng ký mua hai lô đất mặt đường . Bà nghĩ- chỉ có để lại đất  đai thì con gái bà mới không bị ai lừa gạt mà lấy mất đi được. Nếu có bán đi cũng phải  được Oanh đồng ý -làm giấy tờ sở hữu  cũng không đơn giản như mở tủ…

 

Bà Tám đã mất năm cô Oanh 30 tuổi. Cô ngày thường được mẹ chăm lo kĩ, nên giờ không có mẹ bên cạnh lại càng ngớ ngẩn, trông càng tội nghiệp hơn. Cô vẫn trông coi việc bán buôn ở quán nước, nhưng nhiều  người đến quán uống mà không trả tiền cho cô. Thậm chí có kẻ còn lừa lấy hết tiền bán được của cô trong ngày…

 

Gần đây-đội thi công cầu đường  đã đến thi công đoạn đường trước nhà Kiều Oanh. Mùa hè, trời nóng như thiêu đốt, không khí oi bức. Cả một quảng đường mà không có một bóng cây. Quán nước của cô Oanh trở thành nơi nghỉ ngơi của cả đội. Những ngày này cô Quanh vui lắm, đôi má cô luôn ửng đỏ vì mọi người thấy cô chủ quán xinh đẹp ai cũng muốn chọc ghẹo, muốn ghép đôi. Lệ thường, hễ thấy người đẹp là có lời ra tiếng vào của những tay anh chị giang hồ nên quán cô không ngớt tiếng nói cười. Ông Nam- kỹ sư, chủ công trình, thường đến ngồi ở quán của Oanh- vừa uống bia, vừa theo dõi tiến độ công nhân làm việc . Rồi một buổi chiều-ông ngồi lại thật lâu với những lon bia Heinikens cho đến khi đám công nhân đã ra về hết. Đương chiều vắng tênh. Trời đã xẩm tối. Kiều Oanh ngồi một mình ở chiếc chỏng tre chờ khách ra về  mà thu dọn quán như mọi chiều- chợt ông Nam chệnh choạng bước đến. Ông ôm chầm lấy Oanh. Ông hôn cô. Dìu cô vào chiếc buồng nhỏ kế bên. Oanh đã yên lặng, ngoan ngoãn  bên ông. Sau đêm ấy- ông Nam đã để lại trong Quanh một phần máu thịt của ông- một sinh linh bé nhỏ đang được hình thành… Những ngày tháng sau đó,  Kiều Oanh cảm thấy trong người khó chịu- có cái gì khang khác, lạ lẫm trong cô? Rồi Oanh bỏ ăn, hay buồn nôn- rồi nhận ra mình đã có thai với ông Nam- chàng kỹ sư hào hoa sau đêm đắm chìm cùng ông như một định số khắc nghiệt. Kiều Oanh bị thai hành hạ- đau ốm liên miên. Quán nước vì thế phải đóng cửa. Những người bà con xa của cô nghe tin lấy lý do đến chăm sóc cho cô, dùng lời lẽ ngon ngọt lừa phỉnh cô bán lại hai lô mảnh đất cho họ với giá rẻ mạt! Đến khi Kiều Oanh sinh thằng Hưng tròn tháng, cô biết mình chỉ còn lại cái quán nước nhỏ bé khoảng chừng 40m2 này mà thôi. Biết chuyện- ông Nam không một lần trở lại quán thăm cô, thăm con. Là phó giám đốc của công ty cầu đường đang thi công– ông đã chọn cách lẫn tránh Kiều Oanh, lẫn tránh giọt máu mà đêm nào đã gởi lại cho cô để giữ gìn, bảo vệ cho tương lai của mình mà không chút thương xót! Ông cũng thường phân vân- tự hỏi: “Phải chăng đó là giọt máu của chính mình hay của kẻ khác?“.


Năm thằng Hân học lớp 7, cô Kiều Oanh bị bệnh lao nặng, gia sản hết sạch- không có tiền chữa trị nên đã sớm từ giã cuộc đời khi còn xuân trẻ! Khi biết mình sắp rời xa con- Kiều Oanh đã nói cho Hưng biết rõ cha nó là ai, hiện làm gì, ở đâu. Kiều Oanh còn trao cho con chiếc khăn tay của Nam bỏ rơi và tở giấy bạc một trăm ngàn đồng mới nguyên của Nam để lại ở bàn trước lúc ra về. Hưng cầm lấy chiếc khăn có gói kỹ tờ giấy bạc như cầm cả hình bóng thân yêu của người cha chưa một lần dược nhìn rõ mặt.

 

Hưng sống một mình trong chiếc quán nhỏ bên đường của mẹ để lại, Nó bỏ học ngay sau ngày đưa mẹ nó ra nghĩa trang xã. Ngày ngày, Hưng  giữ quán bán nước mưu sinh. Nhiều lần, Hưng đã nghĩ đến lời mẹ dặn “Con hãy tìm đến cha con để cha con được sum họp con  nhé? “- nhưng hễ nghĩ đến là nó đã khóc tức tưởi không bước chân ra khỏi cửa được nữa. Một buổi sáng, sau đêm nằm mơ thấy mẹ về nhắc nhở- nó quyết định tìm đến nhà ông Nam… Cầm gọn chiếc khăn có gói tờ giấy bạc mới trong tay- Hưng bước vào ngôi biệt thự sang trọng- gặp ngay ông Nam ở lối sỏi dẫn vào tiền sảnh. Nó e dè hỏi thăm. Biết được người dang đứng trước mặt mình là ông Nam- cha nó, nó muốn bật lên khóc, nhưng gắng kìm giữ: “Thưa…mẹ con có gởi cho ông chiếc khăn tay này!”. Một phút bàng hoàng, ông Nam giật chiếc khăn trên tay Hưng- mở ra xem. Ông đã hiểu ra đứa nhỏ đang bên cạnh ông là ai, nó muồn gì- nhưng ông quát lên: “Mày đi ngay! Ở đây không có ai tên Nam mà mày cần tìm cả! Đi nhanh…”

 

Thời gian vẫn cứ vô tình trôi qua cuộc đời côi cút hẫm hiu của Hưng, nó cảm thấy mình như bị rơi ra ngoài đời sống- không ai biết đến sự hiện diện thừa thãi của nó. Một người cậu bà con xa của Hưng gợi ý dẫn nó lên Đắc Lắc giữ rẫy cà phê- Hưng vui mừng nhận lời ngay như người bị dòng nước cuốn trôi gặp được chiếc phao may mắn! Mỗi tháng trừ tiền ăn xong nó cũng dư được 500 ngàn. Cuộc sống của Hưng cũng tương đối ổn định, nhưng nó vẫn càm thấy thấy buồn khổ mông lung .Nó nhớ nhà, nhớ người mẹ đã khuất,nhớ người cha mà chưa một lần nhận nó là con.Nhìn mọi người xung quanh ai cũng có cha, có mẹ có anh em, nó mơ ước được như họ biết bao.

 

 

3.

Mãi mê trôi theo dòng suy nghĩ , Hưng đã về đến nhà lúc nào không hay. Hưng mở cửa quán, bước đến trước bàn thờ mẹ và nức nở khóc. Nó nhìn lên ảnh mẹ- ánh mắt lặng lẽ hiền từ nhìn nó như muốn nói: “Mẹ xin lỗi con, con nghe lời mẹ, hãy sống cho tốt dầu cuộc đời có cư xử tệ bạc với con thế nào đi nữa nhé? Sống cho con và sống cả cho cuộc đời của mẹ nữa con nhé. ”Hưng hít một hơi dài và tự hứa với lòng sẽ làm theo di nguyện của mẹ. Rồi đây mọi người sẽ hiểu mình. Một giọt máu rơi nhưng là một giọt máu nghĩa tinh! Sau bao năm- lần đầu tiên, Hưng nhìn mẹ mỉm cười…

Trần Minh Nguyệt
Số lần đọc: 2605
Ngày đăng: 14.03.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Rừng câm - Thụy Vi
Lấp lỗ châu mai - Nguyễn Viện
Người kép hát trên xe - Khôi Vũ
Mẹ tôi ngày nào cũng hiện về - Đỗ Ngọc Thạch
Họ Đi Qua Vườn Luých Xăm Bua - Khải Nguyên
Cái chết trong bữa ăn - Nguyễn Đình Phư
Vọng phu - Nguyễn Đình Phư
Mơ ước một mùa xuân - Trần Minh Nguyệt
Đời không là … - Nguyễn Minh Phúc
Đi qua thời thiếu nữ - Vân Hạ
Cùng một tác giả
Chuyện của bà năm (truyện ngắn)
Mùa xuân năm ấy (truyện ngắn)
Một giọt máu rơi (truyện ngắn)
Giọt máu (truyện ngắn)
Một Câu Chuyện Tình (truyện ngắn)
Chuyện Làng Tôi … (truyện ngắn)
Tiếng Gọi ThẦm (truyện ngắn)
Món Ăn Cuối Cùng (truyện ngắn)
Một Lần Li Hôn (truyện ngắn)
Cảm Giác (truyện ngắn)
Bác Sĩ Mụt Ruồi (truyện ngắn)
Bên Dòng Sông Quê (truyện ngắn)