Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.095
123.230.729
 
Cây lộc vừng mùa xuân
Nguyễn Hữu Hồng Minh

Không hẹn mà gặp, hầu hết những văn nghệ sĩ nổi tiếng của Đà Nẵng đã có mặt trong chương trình thơ nhạc “Đặng Ngọc Khoa – Không trái tim ai ngừng đập trên đời” tổ chức vào đêm rằm 14 tết Nguyên tiêu (27.2) trong không gian Ngày Thơ VN tại hội trường Ủy ban Nhân dân huyện Hòa Tiến – Hòa Vang. Trong một lần ngẫu hứng bên bạn bè, Đặng Ngọc Khoa xuất thần tự ví mình như một cây lộc vừng mùa xuân “rất đỗi xanh”, “đọc những lời ánh sáng” và “ đêm trăng nghe được những điều lãng mạn”. Thú vị, bất ngờ thơ và những ca khúc phổ thơ anh giữa đêm xuân cho thấy những lá lộc biếc li ti đơm nụ, hàm tiếu hé cười trong cái vẻ nghiêm nghị của ngôn ngữ.

 

Anh Nguyễn Đình Anh, chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Tiến xúc động: -“Tổ chức một đêm thơ nhạc Đặng Ngọc Khoa trên quê hương đối với chúng tôi là một vinh dự. Ý nghĩa hơn lại vào đúng ngày thơ VN. Khi còn sống, là một nhà báo anh Khoa đã có nhiều góp góp thiết thực như cơn bão năm 2006 anh cùng bạn bè đưa hàng hóa về tận đây cứu trợ bà con. Quê nhà với anh đây đó có lúc trĩu nặng tâm tư nhưng tấm lòng lúc nào cũng đầy, cũng quý. Và bất ngờ nhất không ai nghĩ anh Khoa làm thơ và thơ hay”.

 

Nhà văn Hồ Trung Tú trao đổi với người viết rằng điều anh lạ là tại làm sao thơ Đặng Ngọc Khoa có sức hút, sức sống mãnh liệt đến vậy? Cách đây tròn tháng, một chương trình thơ nhạc về anh tổ chức ở nhà văn hóa Lao Động với hàng trăm người tham gia. Gần như không thiếu gương mặt văn nghệ sĩ nổi tiếng nào của Đà Nẵng thậm chí còn lôi kéo được rất nhiều tên tuổi khác ở các nơi lưu tụ về trong đêm thơ anh. Cái lạ còn ở chỗ ngày còn sống, ngoài những giây phút bông đùa “xuất khẩu thơ” tếu táo thì suốt phần thời gian còn lại dường như Khoa rất “kính trọng chữ”, “nghiêm cẩn tuyệt đối thơ”. Thậm chí anh không dám bộc lộ, sơ suất giới thiệu với bạn bè là mình có làm thơ. Sự lễ độ đó cho thấy Khoa có quan điểm riêng, thái độ riêng khi sáng tác những bài thơ, xây dựng thế giới tâm hồn của riêng mình. Vì lẽ đó thơ Khoa đã chinh phục được bạn đọc bằng tấm lòng, cái tình. Ngay cả ở những người khó tính nhất.   

 

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm, giám đốc Nhà hát Trưng Vương, xúc động kể lại kỷ niệm anh phổ bài hát Đà Nẵng. –“Với bài thơ này, tôi cho Khoa là người yêu Đà Nẵng nhất. Trước khi chết vẫn muốn viết một bài về thành phố” – Trước đông đảo người xem, anh kể: - Tôi phổ bài thơ nặng lòng vì chỉ sợ Khoa đột ngột qua đời. Bởi vì giai đoạn đó Khoa yếu lắm rồi. Bác sĩ đã cho biết không còn mấy ngày nữa. Mà tôi lại đang trên đường đi công tác. Cứ nôn nao sợ bạn nghe không kịp. Vừa về đến Đà Nẵng tôi chạy ào vào bệnh viện. Nghe tôi hát Khoa rưng rưng. Những ngón níu chợt lỏng dần trên tay tôi. Tôi biết bạn xúc động…”. Trong đêm nhạc tốp ca đoàn ca múa nhà hát Trưng Vương như “ru hồn” đưa người nghe trở về với tình yêu thành phố biển của một đứa con “đa mang”. 

 

Nhà thơ Đông Trình, diễn giả chính của đêm thơ, cho rằng Đặng Ngọc Khoa thi sĩ từ trong lòng mẹ. “Thưở mẹ mang nặng tôi nào hay biết / trong ruột máu trái tim đã đập”. Càng lúc càng thấy thơ anh có mạch ngầm thu hút bạn đọc. Lý giải về thơ Khoa, ông có phát hiện một nhận xét đáng lưu ý: - “Thơ Khoa và hành động của Khoa chính là một. Điều đó lý giải vì sao khi Khoa tìm thấy ý nghĩa cuộc đời trong báo chí, trong những hành động thiết thực làm đẹp cuộc sống thì Khoa không làm thơ nữa. Những bài báo với những mảnh đời, những số phận, những thông tin nóng hổi nhìn từ phía nào đó cũng chính là những bài thơ…”.

 

Một khám phá rất đặc biệt nữa của đêm thơ nhạc là bất ngờ không hẹn mà gặp đã có  nhiều ca khúc phổ thơ Đặng Ngọc Khoa được hát trong đêm. Có thể nói, anh là người hạnh phúc nhất khi các nhạc sĩ tìm thấy nguồn năng lượng sáng tạo mới để chấp đôi cánh bay bổng âm nhạc. Nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa cho biết sau bài hát “Măng Đen” đoạt giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam, anh mới phổ xong bài thơ “Vân Vi Đàn Cầm” của bạn. Những lời thơ “chìm đáy cốc một vầng trăng / hồn thảnh thốt thoắt sao băng ngang mày” như ứng nghiệm một cuộc ra đi của bạn làm người nghe xúc động. Nhạc sĩ Diệp Chí Huy phổ bài “Như Cây Đã Khô” với tiết tấu âm nhạc hiện đại. “Tôi phải đọc đi đọc lại những bài thơ của Khoa để chọn ra những câu hay nhất, tâm trạng nhất. Như câu này đầy sức ám ảnh: “Biết ngày không trở lại / Đi như lo sợ trời khuya”. Nhạc sĩ Nguyễn Đức phổ bài “Không Trái Tim Ai Ngừng Đập Trên Đời”, nhạc sĩ Công Dũng bài “Đa Mang”. Đặc biệt hơn trong đêm thơ nhạc Đặng Ngọc Khoa, một gương mặt nhạc sĩ trẻ trình làng, anh Nguyễn Hữu Hồng Sơn, hiện đang làm việc tại nhà hát Trưng Vương, phổ ca khúc “Trái Tim” với giai điệu slow tình cảm gây ngạc nhiên thú vị và làm xúc động người xem. “Tôi thích thơ anh Khoa vì anh lặng lẽ và khiêm tốn. Những gì anh muốn gửi đến cuộc đời “ứa mật” vào thơ. Gần như khó tìm thấy một ngôn ngữ nào to tát, lên gân, trống rỗng trong thơ anh. Nó như mạch ngầm tươi trẻ xiết chảy dù đã có lúc không ai nghe thấy, không ai hay biết. Bài hát của tôi được nhiều khán giả thích có lẽ tôi đã may mắn tìm gặp được giai điệu đích thực, là tiếng lòng của chính nó”. Bên cạnh đó qua các giọng ngâm, giọng đọc Lê Hải, Thúy Liễu và Hạnh Mơ làm đêm càng kỳ ảo và sâu vút.

 

Kết thúc đêm thơ nhạc Đặng Ngọc Khoa, nhà thơ Uyên Hà thay mặt nhóm ACE Thiện Văn, một nhóm từ thiện văn nghệ sĩ do Đặng Ngọc Khoa sáng lập ngày còn sống, làm một việc ý nghĩa gây xúc động lòng người là tặng 4 suất học bổng cho các em học sinh, sinh viên nghèo hiếu học và một phần quà cho một cụ ông, thuộc Câu lạc bộ người cao tuổi Hòa Tiến. “Kính lão đắc thọ” là văn hóa người Việt. Đêm thơ nhạc kết thúc trong sự tiếc nuối của nhiều người dân quê mong có dịp tái ngộ. Và với những người làm kịch bản, đạo diễn, xây dựng chương trình như thấy bóng cây lộc vừng tươi tốt rắc lộc đầu năm may mắn, hạnh phúc đâu đó. Hình ảnh của người anh, đồng nghiệp nhà báo, nhà thơ nghệ sĩ Đặng Ngọc Khoa như vẫn còn ấm áp đâu đây…

Nguyễn Hữu Hồng Minh
Số lần đọc: 2478
Ngày đăng: 15.03.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tìm về Bên Sông Huyền Thoại của Cha - Lâm Bích Thủy
Chiều và kẻ lữ hành cô độc. - Nguyễn Thành Nhân
Cuốn lịch bí ẩn - Fekete István
Bên nội & bên ngoại. - Nguyễn Thị Hậu
Ghi…vụn! - Thụy Vi
Có còn mơ mãi được không? - Nguyễn Thành Nhân
Nhìn về phía núi thắp nén nhang cho những người đồng đội đã ra đi - Trần Quang Vinh
Lãng Du Trong Văn Học Nga - Lương Văn Hồng
Nói, những điều phải nói! - Thụy Vi
Ngôi chùa nhỏ trong con hẻm rất nhỏ - Nguyễn Khương Bình