Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.129
123.227.972
 
Tư duy thơ, tư duy “nô”!
Nguyễn Chính

Nhân chuyện lùm xùm về một giải văn chương đồng bằng Sông Cửu Long :

 

            Đến nay hơn nửa thế kỷ đã qua, nhưng tôi vẫn nhớ bài tập đọc bằng văn xuôi thời tiểu học, mà lúc ấy cô giáo bảo phải học thuộc lòng. Bài tập đọc ấy có đoạn : “ Miền Nam đất Việt của chúng ta ở đâu cũng có đất màu, ở đâu cũng có nước ngọt. Những kênh, những rạch chằng chịt tưới mát ruộng đất và làm đường giao thông đi khắp mọi nơi. Với đất ấy, nước ấy lại thêm cái nắng rực rỡ ấm áp, cây cối tha hồ đua nhau mọc. Bờ kênh, bờ rạch và trên những đảo nhỏ, dừa xanh tốt mọc um tùm. Mỗi cành lá cao gấp đôi thân người. Có nơi dừa mọc thành rừng rậm…”. Và, bài học thuộc lòng ấy đã in trong tôi hình ảnh  thanh bình, trù phú, thân thương của  vùng đồng bằng Nam bộ.

 

Sau này lớn lên  được học hành, tôi mới biết đó là vựa lúa lớn bậc nhất cả nước, từng góp phần quyết định để nước ta xuất khẩu gạo trong những năm cuối thập niên 1930. Tiếp đến, vào những năm cả nước phải ăn bo bo, ăn độn củ mỳ (sắn) có dịp đặt chân đến vùng đất này, nhìn những “kênh rạch chằng chịt tưới mát ruộng đất” trên những Cánh đồng bất tận như cách gọi thật chính xác của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, rồi cả những “cánh đồng chó ngáp” cùng những thân phận, những cuộc đời nữa, tôi mới thấy lòng thật sót sa. Đến nay, qua mấy chục năm rồi, vẫn nhờ vào vựa lúa  Nam bộ này mà nước mình thành cường quốc xuất khẩu gạo. Nhưng sự lam lũ, khốn khó của người làm ra hạt gạo thì hầu như vẫn còn đó,vẫn còn cam go lắm những gian nan…

 

            Để giành được giải nhất, thì giá trị nghệ thuật và các tiêu chí khác của bài thơ Trăng ngẹn, đã được ban giám khảo thẩm định, bỏ phiếu vinh danh rồi, tôi không dám lạm bàn, chỉ xin có một vài cảm nhận từ góc độ bạn đọc. 

 

Một là, bài thơ Trăng ngẹn của nhà thơ Hoài Tường Phong  không cầu kỳ cách tân, triết lý dông dài, chỉ như  một  lát cắt nhỏ của cuộc sống hiện thực đời thường, nhưng lại đặt ra một vấn đề rất lớn và nhức nhối  về thực trạng phát triển mọi mặt của của một vùng đất, mà cả nước phải mang ơn này. Đông đảo bạn đọc, bạn viết khắp nơi đều đồng tình với ý kiến cho rằng, tác giả bài thơ  đã giành được giải nhất trong lòng người đọc. Thiển nghĩ, đó là giải thưởng mà không phải người làm thơ nào cũng vinh hạnh có được. Riêng tôi, trong lòng công chúng yêu thơ, yêu  vùng sông nước và vựa lúa đồng bằng Nam bộ, các nhà thơ trong Ban giám khảo cũng  rất xứng đáng được vinh danh giải nhất.

 

Hai là, lùm xùm chuyện trao giải. Ai cũng biết, “thi” là việc cọ sát tài năng giữa những “người Thơ” với nhau. Đã là “người Thơ” thì vui và khoái chí là chính, mình được cũng vui, bạn được cũng vui. Còn hùng hục vật lộn, hơn thua quyết liệt, có khi cả cay cú nữa, là ở các lĩnh vực khác, rất khác. Nếu chỉ vì mục đích hướng thượng, phục vụ cho một tiêu chí quái đản nào đó ngoài thơ, ngoài văn chương để áp đặt, bẻ hành, bẻ tỏi… thì đó là thứ tư duy mạt hạng của những kẻ vô học.

 

Ba là, thứ tư duy thơ kiểu “nô”. Ở ta,  việc xếp hạng những nhà  lý luận phê bình đại tài, vào hàng đệ nhất, đệ nhị thiên hạ, thì bạn đọc và thời gian sẽ kiểm chứng qua các tác phẩm phê bình của họ. Với một tác phẩm văn học nghệ thuật, việc khen chê là bình thường, khen đúng, chê đúng thể hiện tài năng và bản lĩnh người phê bình. Nhưng vừa buồn cười, vừa  đáng sợ lại là mấy ông lấy lập trường này, quan điểm nọ để “phê bình”, rồi là “ góp ý” nên bỏ đoạn này, nên cắt chữ kia, thêm vào từ nọ v.v… Ơn giời ! không phải tác giả nào cũng nghe theo mấy ông “lang băm”, “hoạn lợn” này, để cắt đi một phần gan, ruột của mình. Còn nhớ, câu kết trong Tắt đèn của Cụ Ngô Tất Tố có câu “… trời tối đen như mực và tối như cái tiền đồ của chị”. Trong bối cảnh một xã hội phản dân chủ, ngột ngạt, lưu manh và thối nát của  Tắt đèn, kết như vậy tưởng không còn gì chính xác hơn, hay hơn. Câu kết của  Tắt đèn đã “mở” ra cho độc giả khát vọng phải thay thế cái chế độ khốn nạn đó. Vậy mà có “nhà” nọ, “nhà” kia lại phán rằng, kết như thế bế tắc quá, bi quan quá, thiếu hẳn cái gọi là “lạc quan” “tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng…”. Theo họ, lẽ ra phải kết thế này, thế kia … vân vân và vân vân. Riêng tôi, thấy Lão Ngô tiên sinh tài quá, giỏi quá, ngay từ thủa ấy  đã nhìn thật thấu đáo tình cảnh nông thôn mình, nông dân mình. Nhất là, sau này tình cảnh ấy lại được nhà văn Phùng Gia Lộc khốn khổ của chúng ta tái hiện lại trong Cái đêm hôm ấy đêm gì?.  Nhưng, cái đám theo “trường phái lạc quan” tếu ấy vẫn mù lòa, chưa chịu sáng mắt ra, vẫn muốn nhồi nhét những thứ mỹ từ sáo mòn, hướng thượng ấy vào trong tác phẩm.

 

Thời nhà văn Nguyên Ngọc  làm  Tổng biên tập báo Văn nghệ, có một nhà thơ ở tỉnh khoe với tôi bài thơ mới của anh, muốn gửi cho báo Văn nghệ. Đoạn kết có câu :

                           Anh Nguyên Ngọc ơi !

                           Đất nước đứng lên rồi

                           Độc lập đã mười năm

     Mà lũ làng  Kông Hoa chưa bớt khổ ?   

 

Tôi bảo kết thế hay quá. Anh bảo “ hay à ? họ lại bảo bi đát quá ”. Tôi hỏi “ họ nào ?”. Anh  cứ ấp úng mãi. Thì ra, có một “lang băm”, “thiến heo” hay  “hoạn lợn” nào đó đã góp ý nên thay câu thơ kết là : “Lũ làng  Kông Hoa sẽ đến ngày hết khổ”. Xin lỗi bạn đọc, vì là chỗ thân tình nên lúc đó tôi đã  không kìm nổi và buột miệng văng tục “ nghe đéo gì lũ văn nô bồi bút ấy”.

 

Trở lại chuyện Trăng ngẹn. Những ngày qua trên báo giấy và báo mạng, có rất nhiều ý kiến về việc lùm xùm trao giải, rút giải đối với bài thơ này. Rất nhiều ý kiến phê phán “bàn tay này”, “bàn tay kia” thò vào, xía vô chuyện văn chương một cách thô bạo. Đọc thì thấy toàn chuyện “biết rồi khổ lắm, nói mãi”. Nhưng nghĩ, thôi thì im ắng hoài, nay khuấy động, sôi nổi lên tý chút cũng thấy sướng, thấy khoái, nên tôi cũng chăm chú theo dõi. Tôi rất đồng tình với đa số các ý kiến, trong đó có  cả của  các nhà thơ, nhà văn, vì rất hay và xác đáng. Nhưng có một ý kiến mà tôi thấy lạ, thậm chí rất lạ. Đó là cao kiến của ông Chủ tịch Hội đồng thơ, thuộc  Hội Nhà văn VN, là nhà thơ Vũ Quần Phương trên báo Pháp luật TP.H.C.M ra ngày 14/3/2010. Vâng ! “Người thơ” Vũ Quần Phương, với tư cách cá nhân  đã nói rằng : “ Bài thơ có nói tới hiện thực nhưng không có dụng ý bôi đen nên không ngại gì. Tuy nhiên là sản phẩm của một cuộc thi, lại được khẳng định, tức là trao giải nhất thì chúng ta nên khuyên tác giả sửa bốn câu cuối, đừng để cái bế tắc vào đoạn kết làm ảnh hưởng toàn bài. Nếu không sửa được bốn câu cuối thì xin sửa một chữ ở câu cuối chưa tỏa sáng thì sửa là sẽ tỏa sáng, thì không ai bắt bẻ được, lại thể hiện ý chí phấn đấu và lòng tin. Với một cuộc thi thông thường,nếu ban giám khảo quyết định trao giải, ban tổ chức vẫn có quyền rút giải. Bởi ban giám khảo chỉ là người đọc thuê của ban tổ chức”.  Cao kiến của ông Vũ Quần Phương, “lạ” là ở chỗ : Không cần “bôi” cái gì thì hiện thực nó đã bày ra  hàng ngày đó rồi, việc gì phải phủ đầu nhau bằng cái từ hắc ám đó. Tưởng cái tư duy quy chụp, suy diễn phản khoa học, phản văn chương một thời đã bị vứt vào sọt rác, thì đừng bới ra nữa. Trăng ngẹn là một tác phẩm đã “ra lò”, từ câu đầu đến câu cuối là một chỉnh thể nhất quán thể hiện tư duy và cảm hứng sáng tạo của tác giả. Nhân tình, thế thái  được tác giả thể hiện  trong  bài thơ như vậy, mà khi về kết lại thay chưa tỏa sáng bằng sẽ tỏa sáng, thì quả là một ngu ý. Bởi lẽ, cái “nhân” như thế, thì cái “quả” ắt phải là chưa tỏa sáng, vì thế mà trăng mới ngẹn. Cái logic của bài thơ nó chặt như thế đấy thưa ông Vũ Quần Phương. Hoạn lợn, thiến heo thì đối tượng (con heo, con lợn) phải kêu. Ấy là logic của cái tình huống thiến, hoạn. Còn nó không kêu nổi tức là  nó đã bị trói chân, trói cẳng và bịt miệng rồi. Đó cũng là logic hình thức đấy. Lại nữa, nếu tác giả lại đẽo cày giữa đường, nghe theo, thì bài thơ  sẽ rất vô duyên, lợn lành thành lợn què ngay. Tôi đọc kỹ và tìm lỗ con mắt, không thấy có câu nào, chữ nào khả dĩ có thể là “tác nhân” để  bài thơ về kết bằng mấy chữ sẽ tỏa sáng. Vậy muốn lạc quan cho ai và vì cái gì đây ? Chao ôi ! Cái tư duy “nô” vẫn còn nặng mùi lắm. Còn ý kiến của ông Vũ Quần Phương rất lạ, là ở cái sự ông phán  ban giám khảo chỉ là người đọc thuê của ban tổ chức”. Đành rằng, suy cho cùng thì thực chất là như vậy. Nhưng chắc bạn đọc cũng đồng ý với tôi rằng, trên văn đàn, trong văn chương, thì không thể  và không nên nói như thế về bất cứ một ban giám khảo ở  bất cứ cuộc thi nào, dù to hay nhỏ, ở cấp quốc gia, cấp tỉnh, hay cấp vùng. Trong vụ lùm xùm Trăng ngẹn này, người ta đang muốn lái công luận hiểu rằng, ban giám khảo chấm như vậy, nhưng quyền quyết định có công nhận kết quả và có trao giải không là ở ban tổ chức. Thì vưỡn, có ai ý kiến, ý vống gì đâu. Lâu nay ở  ta mọi cuộc thi văn chương, ban giám khảo chấm thế nào, ban tổ chức hành sự ra sao, thiên hạ đều biết tỏng con mẹ hàng lươn rồi, có lạ lẫm gì nữa đâu. Vậy thì việc gì ông Vũ Quần Phương còn phải đưa ra cái gọi là “làm thuê” để mở lối, dẹp đường nữa ? Thiển nghĩ,với sản phẩm “rượu nhiều lần rượu” là thơ , thì bất cứ ai, nhất là “Người thơ” càng không nên nói về ban giám khảo của cuộc thi thơ, một cách khiếm nhã và ít văn hóa như thế./.

Nguyễn Chính
Số lần đọc: 2231
Ngày đăng: 20.03.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Rồi thế giới cũng biết… - Phạm Quang Trung
Thơ Việt Nam đương đại, buổi ra đi và trở về - Mai Văn Phấn
Cây quạt từ S. Mallarmé đến Hồ Xuân Hương … - Khổng Ðức
Vai Trò của Người Phụ Nữ Việt Nam tại Pháp Trong những Năm 90 - Trần Văn Cảnh
Các gam giọng điệu trong truyện ngắn đất của Anh Đức - Trần Minh Thương
Quan Niệm Nghệ Thuật về Con Người Qua Người Đàn Bà Trên Chuyến Tàu Tốc Hành của Nguyễn Minh Châu - Bùi Tuý Phượng
Người phụ nữ trẻ việt nam hôm nay mong muốn gì? - Trần Văn Cảnh
Bàn về cách mở đầu của truyện cổ tích - Phạm Ngọc Hiền
Truyện ngắn Vũ Trọng Phụng - 1 - Bùi Tuý Phượng
Truyện ngắn Vũ Trọng Phụng - 2 - Bùi Tuý Phượng