Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.150
123.203.106
 
Nghề Gốm ở Tân Phước Khánh (Bình Dương)
Trần Anh Dũng

Thị trấn Tân Phước Khánh nay thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Trứơc đây thị trấn này thụôc xã Tân Khánh, một xã có khá nhiều ấp làm gốm như : Khánh Ngọc, Khánh Lợi, Bình Hoà, Khánh Thạnh…Hiện nay các lò gốm dân gian trong vùng này đang chuyển dần sang nung gốm bằng lò ga theo kiểu sản xuất công nghiệp. Nghề làm gốm thủ công đang có nguy cơ mai một dần. Chính những lí do đó đã khiến chúng tôi tới nghiên cứu nghề gốm cổ truyền ở đây.

 

Theo truyền lại, khoảng thế kỉ 19, tại vùng này đã có một số lò gốm của người Hoa hoạt động. Đầu những năm 30 của thế kỉ 20, tại Tân Phước Khánh đã có khoảng hơn 10 lò gốm. Lúc đầu các lò gốm được xây dựng chủ yếu ở vùng suối Hố Đại. Sản phẩm của các lò gốm ở đây gồm có: bát, dĩa, ấm chén, chậu hoa, chân đèn, bình, lọ, tượng người, tượng thú, đôn hình con voi, bình hoả…Đồ gốm đều được tráng men.

 

Nguyên liệu làm gốm được lấy từ nhiều vùng: đất caolin ở Chín Lu (huyện Bến Cát), Thuận Giao, Tân Uyên, Đà Lạt. Cát dùng làm gốm chủ yếu lấy ở Bình Quới (Xã Bình Chính, huyện Thuận An). Tỉ lệ cát tinh ở đây đạt được 60-70%. Riêng sét chịu lửa, đặc biệt là loại sét vàng, được dùng làm bao nung và trát vòm lò có thể đạt được nhiệt độ 14000c – 15000c. Đất chịu lửa phải là loại có hàm lượng nhôm, hoặc cát cao. Đất sét vàng thừơng có tỉ lệ cát cao. Đất sét xanh hơi ngả lơ thì có tỉ lệ nhôm cao. Khảo sát đất làm gốm của nhà ông Vương Hoà Hiệp ở ấp Khánh Lợi, chúng tôi thấy nguyên liệu làm xương gốm được trộn từ 4 loại đất sau:

 

Đất caolin mầu trắng ngả xám của vùng Đất Cuốc (Xã Tân Mỹ, Huyện Tân Uyên ).

Đất sét trắng lẫn vàng và sỏi son màu hồng nhạt, đất khá xốp.

Đất sét vàng lẫn đất sét trắng.

Đất sét đỏ lẫn đất sét vàng.

Đất sét mang về, giã nhỏ, cho vào bể ngâm. Một hệ thống bể thường có 3 ngăn thông với nhau. Đất sét trong bể được khuấy thường xuyên để lọc bớt cát và tạp chất. Còn lại đất caolin mịn (gọi là dịch hồ), để lắng khô rồi đem sử dụng. Cát sau khi lọc xong mang vào sa giếng (giống như cái cọn), dùng sức nước giã, rồi lọc lấy hạt nhỏ.

 

Men gốm trước đây dùng vôi và tro, nhưng ngày nay người ta dùng đa dạng hơn. Tuy nhiên, bước đầu tiên để tạo lớp men theo ý muốn, người ta phải có men cái sau đó mới cho vào các thành phần khoáng chất khác theo một tỉ lệ nhất định. Ví dụ một số công thức làm men cái và men màu như sau :Bột đá (đá trắng 60%, đá đen30%) +Caolin (5 %-6% ) = men cái (Không có tro than).

Men cái + tràng thạch = màu trắng .

Men cái + ô xit côban (2%-5%) = màu xanh lơ (Địa phương gọi là màu xanh dương).

Nhiên liệu nung gốm trước đây là các loại củi khô của các loại cây như : bằng lăng, so khỉ, trường, dầu, xăng ớt, điều…nhưng ngày nay người ta dùng cành cây cao su để cho giá thành rẻ hơn. Nguyên tắc khi dùng nhiên liệu là loại nhiên liệu đó phải tiêu được than, nếu không tro của nó sẽ làm tắc các rãnh dẫn lửa trong lò.

 

Lò nung gốm ở đây có hai loại : lò bao và lò ống. Lò bao dùng để nung các loại sản phẩm có kích thước lớn. Lò bao chính là tên gọi khác của lò rồng. Nó có nhiều ngăn chứa gốm mộc để nung. Lò lớn có tới 24 bao ngăn, dài từ 40-50m. Lò trung bình khoảng 16 bao. Lò nhỏ khoảng 8 bao. Mỗi một bao có 1 cửa ra vào lò riêng và một rãnh ngang tiếp củi. Trước đây nền của lò này được làm nghiêng 170- 200. Hiện nay người ta chỉ làm nghiêng 110- 120, hoặc 140-150. Lòng lò bao thời cổ thường làm rộng 1,6m, hiện nay người ta làm rộng từ 2,4m-2,7m. Chiều cao của vòm lò thường làm 2,2m. khi xếp bao nung vào lò thì chừa lại khoảng cách từ vòm lò đến hàng bao nung trên cùng là 40cm-60cm. Vòm lò làm dày 30cm. Bầu đốt gọi là căn bầu, dài từ 5-6m . Lò được xây bằng gạch chịu lửa. Với lò này, nhiệt độ của sản phẩm nung trong lò đạt được 11800c. Nền lò được lát gạch chịu lửa. Lò cổ không lát gạch chịu lửa thì phải dải một loại cát chịu lửa xúông nền lò khi nung gốm. Nguyên lí hoạt động của loại lò này là ngọn lửa đảo. Buồng thoát khói được xây rộng hơn và có tới 18 cửa thoát khói.

 

Lò ống dùng để nung những đồ gốm có kích thước nhỏ hơn. Lò này thông xuốt, không có các vách ngăn bên trong, chiều dài có thể từ 30-50m. Mỗi bên sườn lò, cách khoảng 4-5m có một cửa ra vào lò rộng 0,60- 0,70m. Bên trên sườn,giáp với vòm lò, cách 0,90m có một cửa tiếp củi rộng 0,15-0,20m. Cuối lò có buồng khói rộng ngang 2m, bên trên thu nhỏ dần. Ống khói hình thang, đỉnh rộng khoảng hơn 0,40m.

 

Dụng cụ làm gốm ngoài bàn xoay gốm, ở đây còn có các loại khuôn tạo đồ gốm bằng chất liệu caolin như khuôn bát đĩa, khuôn chậu…Khuôn có nhiều mang. Mỗi một mang gọi là một vát. Đặc biệt, khuôn tạo hình con sư tử có tới 30 vát. Bao nung gốm có 3 loại  là loại hình trụ, đáy lồi; Bao nung hình ống dùng để nung các đồ gổm nhỏ; Bao nung hình trụ tròn thấp, đường kính 0,60m, cao 0,14m dùng nung những đồ gốm to nhưng có chiều cao thấp. Các bao nung ở đây đều có lỗ thủng nhỏ (Từ 4-8 lỗ). Các lỗ này có tác dụng thoát hơi nước và đưa nhiệt độ vào. Bao nung rất xốp và nhẹ. Ngoài ra, gạch chịu lửa khi được nung trong lò cũng được tận dụng làm bao nung. Người ta xếp gạch thành khối hộp chữ nhật bên trong đặt đồ gốm cần nung. Nơi các cạnh và mặt của viên gạch tiếp xúc với nhau, người ta véo đất kê vào đó để chống dính.

 

Sản phẩm của gốm vùng này trước đây đươc đem bán ở Sài Gòn, miền trung, miền đông và tây Nam bộ. Ngày nay nó còn được đem bán cả ở nước ngoài qua các đơn đặt hàng đến tận chủ lò.

Tư liệu về nghề làm gốm dân gian ở Tân Phước Khánh là rất quan trọng để góp phần vào việc nghiên cứu nghề gốm xứ Biên Hoà cổ xưa.

 

Nghề làm gốm của người Việt gốc Hoa ở đây đã bảo lưu khá nhiều kinh nghiệm làm gốm của người Hoa ở vùng Quảng Đông, cho nên  có thể xem đó là phần nào cách thức làm gốm của người Quảng Đông trên đất Việt Nam.

 

Trong quá trình lập nghiệp ở đây, các thợ gốm đã được nhân dân địa phương giúp đỡ rất nhiều. Các lò gốm xưa nay đều sản xuất theo nhu cầu tiêu dùng của vùng, địa phương. Có khá nhiều người Việt tham gia trong các công đoạn sản xuất gốm./.

 

 

 

 

Trần Anh Dũng
Số lần đọc: 5194
Ngày đăng: 21.03.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tìm hiểu nghề gốm ở Hưng Định (tỉnh Bình Dương) - Trần Anh Dũng
Tìm Hiểu Nghề Gốm ở Hưng Định (Tỉnh Bình Dương ) - Trần Anh Dũng
Đồ gốm sứ trang trí hình em bé - Trần Anh Dũng
Làng gốm đất nung Bửu Long - Trần Anh Dũng
Mỹ Xuyên và sản xuất sành ở miền trung qua tư liệu khảo cổ học - Trần Anh Dũng
Các làng gốm cổ với văn hoá ẩm thực Việt Nam-1 - Trần Anh Dũng
Các làng gốm cổ với văn hoá ẩm thực Việt Nam-2 - Trần Anh Dũng
Khai quật và khảo sát các ngôi chùa cổ: Phát hiện di vật của ngôi chùa cổ gần 700 tuổi trên đỉnh núi - Trần Anh Dũng
Tìm hiểu kỷ thuật sản xuất lu gốm - Nguyễn Thị Hậu
Làng Gốm Cổ Đạm (Hà Tĩnh) - Trần Anh Dũng
Cùng một tác giả
Làng gốm Hiển Lễ (dân tộc học)
Làng gốm Hương Canh (dân tộc học)