Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.114
123.229.209
 
Mưu sinh
Vinh Anh

Con đường ấy xa rồi, rất xa rồi và lâu nữa, lâu lắm rồi. Lâu đến nỗi nếu bây giờ nhớ lại, tôi chỉ nhớ đấy là heo hút một con đường, con đường đi qua một bãi đất hoang toàn cỏ và rác cả bùn nữa, những vũng nước đọng hầu như quanh năm với mùi hôi thối. Thế mà trên bãi đất hoang đó thỉnh thoảng lại trông thấy một bông hoa dại. Tôi cứ gọi nó là hoa cỏ, có bông mầu vàng, lại có bông mầu trắng, rất đơn sơ, nhuần nhụy mà sao tôi lại cảm thấy chúng nhỏ nhoi, rất tinh khiết, trong trẻo và mỏng manh. Mỏng manh như số phận chính tôi vậy.

 

Con đường đó dẫn đến một cái nhà. Một cái lán thì đúng hơn. Kiểu lán công trường tạm bợ: giấy dầu, cót ép, phên nứa vá chằng đụp, tạp nham mà ta thường thấy bị bỏ lại rã rượi, dột nát sau khi công trình hoàn thành. Đến đời tôi ở, tôi và lũ bọn tôi ở thì không còn người giải thích cái nguồn gốc xuất xứ của nó nữa. Bởi có bọn trẻ chúng tôi nên nó mới tồn tại, nhờ có chúng tôi mà cái lán luôn được gia cố và điều quan trọng nhất là nó đứng vững. Nó là chỗ che mưa, che nắng, trú đêm của bảy đứa chúng tôi. Một gia đình không có cha, mẹ. Chỉ còn lại toàn anh em lít nhít, sàn sàn, kiếm sống bằng cùng một nghề: bới rác. Kể cả thằng cu Tú bé nhất mới khoảng mười tuổi, gày gò, đen nhẻm và tôi là lớn nhất nhưng hồi đó tôi lại không có ý thức là lớn nhất. Với thằng cu Tú, chẳng hiểu sao khi đứng với nó, tôi luôn cảm thấy tôi phải che chở nó. Kiếm được bất cứ thứ gì ăn được tôi luôn nghĩ đến nó và tìm các để dành mang phần về cho nó.

 

Hàng ngày, chúng tôi túa ra đường theo hàng dọc. Con đường mà tôi luôn cảm tưởng hun hút, bẩn thỉu, cỏ mọc cao vẫn còn đọng sương, tuy lúc này cũng chẳng sớm sủa gì nữa. Mà tôi thì luôn có cảm tưởng con đường này chẳng bao giờ khô cả. Bọn chúng tôi đi chả có mục tiêu gì ghê gớm. Cũng chẳng có phân công công việc mà chỉ đơn giản là phải đi, ai cũng phải đi. Chỉ có đi thì hôm nay mới có cái ăn, mới no bụng, mới tồn tại được.

 

Thằng em út Tú cũng lất phất một bao tải và một que cời bằng sắt được tôi trang bị cho. Thỉnh thoảng đang đi nó lại nhảy cẫng lên, vô tư. Có lẽ, tôi nhận thấy trong cái đầu đã sạn sỏi của tôi, nó làm cho chúng tôi gắn kết lại với nhau một cách tự nhiên hơn tình cảm và gần gũi hơn.

 

Con đường tới thành phố dần dần tách chúng tôi ra khỏi nhau. Thực ra ban đầu vẫn còn nhìn thấy bóng đứa này, đứa khác. Hai, ba đứa một nhóm. Sau đó thì cũng chẳng ai chú ý đến ai nữa. Thậm chí cả thằng cu Tú, nó cũng tụt lại dần và biến vào đâu đó giữa chốn ồn ào, bụi bặm.

 

Địa điểm chúng tôi hay đến nhất là chợ. Con đường dẫn đến chợ đối với chúng tôi cũng tự nhiên. Chợ - cứ như ở đó có một sức hút vô hình để cho chúng tôi quần tụ. Chợ ôm ấp và che chở chúng tôi, quan trọng hơn chợ nuôi chúng tôi trong những ngày lênh đênh này.

 

Chúng tôi len lỏi ở mọi ngóc ngách chợ. Rất ít người có cảm tình với chúng tôi. Hình như họ coi thường và có phần sợ chúng tôi. Từ những ngày còn vất vưởng đó, tôi đã lờ mờ hiểu ra vì sao họ khinh, họ sợ chúng tôi rồi. Hình dáng chúng tôi nhếch nhác, bẩn thỉu. Người cóc cáy, rách rưới và hôi nữa. Tôi có cảm tưởng mình như một chiếc giẻ lau, cứ đến gần ai đó là khiến người ta phải cảnh giác, giật mình xem lại túi quần, túi áo, ví xách có bị làm sao không và sau đó là họ lảng xa. Cũng còn là may! Có người còn xua đuổi nữa kia. Với con mắt người đời, chúng tôi là một lũ lang thang, trộm cắp, không cha mẹ và không được học hành, giáo dục. Thậm chí có người còn coi chúng tôi như những kẻ mang bệnh truyền nhiễm, là những ổ bệnh mà con cái của họ phải tránh xa cứ như là nếu nói chuyện, tiếp xúc với chúng tôi là họ sẽ bị nhiễm bệnh ngay. Ôi thật nhục với những đứa trẻ vì mưu sinh mà phải sớm bước vào đời bằng con đường không lấy gì thuận lợi.

 

Các đống rác ở chợ và đâu đó trên hè phố hay gốc cây đều rất dơ dáy. Mỗi lần bắt gặp chúng đều bị chúng tôi khai quật không thương tiếc. Bằng con mắt tinh tường chúng tôi nhận ra những thứ có trị giá từ vài đồng đến vài chục đồng thậm chí vài trăm bạc. Đôi khi cũng có những người tốt bụng gọi chúng tôi lại và sai chúng tôi dọn dẹp, cho chúng tôi hàng đống giấy lộn, vỏ đồ hộp, bìa cát tông. Đứa nào hôm đó được như vậy coi như trúng xổ số có thể tích cóp được vài ngàn đồng vào ngân quĩ phòng khi mưa gió trở trời.

 

Cuộc đời con người ta thật cũng lạ kì! Bảy đứa chúng tôi chẳng hiểu sao lại tự nhiên gắn bó được với nhau trong hoàn cảnh khốn khổ như vậy. (Sau này nghĩ lại tôi mới thấy hồi đó mình khốn khổ chứ ngay lúc đó tôi có cho hoàn cảnh tôi là khốn khổ đâu, ngày ngày cứ trôi đi và tôi đâu có để ý gì đến cái ăn, cái ngủ, cái ở là mấy). Dần dần chúng tôi biết tên tuổi, quê quán của nhau. Trong bảy đứa thì có bốn đứa ở Thanh Hóa còn hai đứa ở Hưng Yên. Riêng thằng cu Tú ở đâu không biết nhưng nghe chừng nó là thằng ở xa nhất, qua giọng nói tôi đoán nó phải ở rất xa tận Nghệ An hay Hà Tĩnh gì đó. Nó đến với chúng tôi cũng tự nhiên như bao đứa khác gặp nhau trong cảnh lang thang không nhà, không cửa, không gia đình và đều đã tự bươn chải trong sóng gió của cuộc đời. Cu cậu nhập hội bọn tôi trong một chiều mưa ướt át, nó như chim con mất mẹ cứ chiếp chiếp hoài mà không nhấc nổi đôi cánh để bay lên cành cây. Cu cậu tóp teo, héo rũ, co ro trong xó chợ, che gió và mưa hắt bằng một tấm bìa có in mấy quả táo đã tơ xướp và nhòe bẩn. Tôi phát hiện ra nó khi bên tai tôi ai đó buông một câu bâng quơ “chẳng biết con cái nhà ai mà để thế!” Tôi không chú ý đến người nói câu nói đó nhưng sau này mới ngẫm: “Tình thương con người ta mới yếu đuối làm sao, mới mơ hồ làm sao, mới lơ lửng làm sao!”

 

Đúng là tình thương đó có thật. Sự thông cảm đó có thật. Nhưng tại sao tôi lại nghĩ nó cứ là giả dối, nó cứ là điêu điêu. Đến tận bây giờ tôi cũng không cắt nghĩa được vì sao mà tôi lại bảo đó là có thật mà vì sao tôi vẫn cho là giả dối. Ôi sao mà phức tạp thế không biết!

 

À mà tôi quên béng đi mất. Mà làm sao tôi lại có thể quên được cơ chứ? Trong nhóm bọn tôi có hai đứa con gái. Một đứa ở Thanh Hóa còn một đứa ở Hưng Yên. Thực sự những ngày trước khi thằng cu Tú về ở với bọn tôi chúng nó chẳng có gì đặc biệt khiến tôi phải chú ý. Tôi thực sự vẫn là một đứa trẻ ngô nghê và tộc ngộc. Chỉ khi tôi đưa thằng cu Tú về mới thấy vai trò của hai đứa trong nhóm. Đầu tiên là hai đứa hỏi tên tuổi, quê quán, anh em, bố mẹ và nói chung là những câu hỏi về hoàn cảnh mà hầu như bọn tôi đều na ná như nhau. Qua nghe câu được câu chăng tôi mới biết thằng Tú quê đâu tận Nghệ An xa xôi nào đó. Sau nữa là ăn, chúng nó hỏi thằng Tú đã ăn gì chưa. Thường thì chúng tôi ăn vạ, ăn vật bữa tối ở một nơi nào đó thuận tiện rồi về thẳng nhà này. Đứa nào có điều kiện thì nhớ bữa cho ngày mai hoặc cái bánh mì, cái bắp ngô hoặc một cái gì đó có thể ăn. Cũng đôi khi chúng tôi nấu cháo xì xụp với nhau trong một cái xoong méo mó rất đồng nát không ai dùng nữa đã đem đi bán cho đồng nát mà một đứa con gái mang về. Chúng tôi đặt cái xoong lên trên ba hòn gạch vỡ đôi và nổi lửa ở ngay giữa nhà. Cái bếp cơ động này chẳng mấy khi được sử dụng. Vì đơn giản như vậy nên nó được dựng lên hay bỏ đi đều dễ như nhau. Rất nhanh chóng và thuận tiện. Khi cần, một đứa nào đó cúi xuống cái được gọi là gầm giường lôi ra ba hòn gạch vỡ và chụm lửa. Những buổi tối đó thường rất vui, có lửa bếp nên gian nhà sáng hẳn, có khói bếp nên gian nhà trở lên ấm cúng và đặc biệt vui là lúc bắt đầu ăn. Bát, thìa, muôi, đũa cộc cạch, nham nhở ở đâu mà đứa nào cũng có. Lạ vậy. Sự sinh tồn của con người được duy trì từ những điều phải tự biết lo cho cuộc sống của mình. Tôi đố cô cậu nào ở thành phố có cha mẹ đàng hoàng mà sống được như chúng tôi. Cái vô tư, vui vẻ của chúng tôi chính là cái chất bụi hoang dã mà các cô chiêu, cậu ấm không hình dung nổi.

 

Lại nói tiếp về hai đứa con gái ở chung nhà với bọn tôi. Buổi tối dẫn thằng cu Tú về, tôi đã đưa cho nó cái bánh mì không nhân và bảo nó ăn. Bánh mì là đồ ăn thường xuyên của bọn tôi. Ăn được ngay, ăn được bất kì lúc nào và chẳng cần bát đũa, xới múc gì cả. Vô cùng thuận tiện!

 

Cái Hoa đứa con gái ở Hưng Yên lại đưa cho thằng cu Tú một nửa cái bánh mì nữa. Bọn con gái hình như ăn ít hơn thì phải. Chẳng ai để ý nó ăn thế nào và có ăn hết hay không. Còn cái Thương, đứa con gái ở Thanh Hóa thì loạt soạt rũ đập chuẩn bị chỗ cho thằng cu Tú ngủ. Nó xếp cho thằng cu Tú ngủ cạnh nó ở một phía sạp. Và thực như một bà chị lớn ở nhà thay bố mẹ chăm nom các em, nó giục thằng cu Tú đi đái rồi lên sạp ngủ.

 

Thành viên nhỏ nhất và cuối cùng của nhóm tôi được kết nạp như vậy.

 

Cái đáng nói là tối hôm đó thằng cu Tú bị sốt. Thực ra khi cúi xuống cái xó chợ ẩm ướt, rét mướt tôi đã có cảm giác là thằng cu Tú bị ốm rồi. Cái ốm, cái đau đối với những đứa trẻ bơ vơ, không gia đình như bọn tôi thường cũng chỉ xảy ra qua loa. Nó lướt qua như cơn gió nhẹ, nó thoang thoảng, lởn vởn bay như làn sương mong manh, cũng có khi nó ào ào như mưa rào rồi thì xong, nghĩa là trời lại khô ráo và vẫn là cơn gió nhẹ mát, vẫn là làn sương nhẹ mong manh, vẫn là chúng tôi, những đứa trẻ bụi bặm, hoang dã, mạnh khỏe bình thường. Cả ở cái điểm này nữa, tôi đố cô cậu nào ở thành phố có sức chịu đựng và chống đỡ dẻo dai như chúng tôi và cũng coi thường cái sự ốm đau như chúng tôi.

 

Thằng cu Tú nóng hầm hập. Nó rét mà lại toát mồ hôi như tắm, mồ hôi ướt đẫm khuôn mặt gầy gò, đen đủi, mồ hôi ướt đẫm ngực, áo, mồ hôi làm bết hết cả tóc vào đầu. Con Hương đánh thức con Hoa dậy, nó sờ đầu thằng cu Tú và rên rỉ “Khổ thân thằng bé! Nó nóng quá”. Hai đứa trở dậy đốt ngọn đèn dầu làm bằng ống bơ khiến muội khói phun ra mù mịt, Con Hoa sờ soạng thắp ngọn đèn có bóng ra ngoài, một lúc sau nó mang về một nắm lá đã rửa sạch rồi dùng cán con dao cho nắm lá vào cái bát giã một lúc, lại thấy nó đổ một ít nước từ cái chai nhựa vào bát khuấy lên rồi lại chắt ra một cái bát khác đem cái nước đen đen, xanh xanh, nhờ nhờ như nước rêu đó bảo thằng cu Tú uống. Không cha, không mẹ, thui thủi và trôi nổi ở đời từ lúc nào và từ bao giờ ngay nó cũng không biết thì hỏi nó làm gì có thời gian được nũng nịu với mẹ, với bố. Nó cũng tự biết là mình đang ốm và đang được chăm sóc. Tự đâu nó tin, tôi cũng chẳng biết chỉ thấy nó cầm cái bát nước mà con Hoa đưa cho uống một hơi cạn sạch. Không nói gì thêm, nó lại nằm xuống, nhắm mắt. Con Hoa còn lấy một cái khăn xấp nước lã đắp lên trán nó. Xong việc thằng cu Tú chắc cũng phải nửa đêm, bọn chúng tôi chả lục cục cả tiếng đồng hồ chứ ít đâu. Con Hoa sau khi sờ trán thằng cu Tú một lần nữa mới buông một câu chả phải với một ai: “thôi đi ngủ tiếp!”. Chẳng ai bảo ai, hình như lúc đó chúng tôi cũng buồn ngủ lắm rồi. Đèn tắt, gian nhà trống trải nồng nặc mùi dầu khét lẹt, cái mùi khét lẹt đó cùng chúng tôi vào giấc ngủ trên cõi thiên đường.

 

Và cái đêm ấy cũng qua đi nhanh chóng. Có lẽ là tất cả chúng tôi đều mệt vì mất giấc cho nên khi tỉnh dậy đều cảm thấy có lẽ muộn rồi. Riêng cu Tú vẫn ngủ. Hình như nó đã hết sốt. Tôi chỉ thấy khuôn mặt gầy gò nhô ra khỏi cái chăn mà cái Hương đắp cho nó. Tóc nó cũng khô két lại bện vào nhau không bết vào trán nữa. Tự nhiên tôi thấy con Hoa cười. Tôi ngạc nhiên nhìn nó và nhìn thằng cu Tú đang ngủ. Bất giác tôi phát hiện ra nó có một cái gì hay hay mà tôi không biết, hình như nó dễ nhìn hơn…

 

Ngày hôm đó tôi cảm thấy tôi là chỉ huy của cả nhóm. Lần đầu tiên tôi ý thức được tôi là đứa lớn nhất và lớn tiếng nói cho mọi người nghe thấy một cách rõ ràng, dứt khoát. Tôi bảo con Hoa hôm nay ở nhà trông chừng thằng cu Tú còn lại mọi người vẫn đi nhặt rác bình thường nhưng nhắc mọi người buổi tối nhớ kiếm thêm một cái gì đó về cho con Hoa và thằng cu Tú. Năm đứa còn lại lại thành một hàng dọc lên đường kiếm ăn. Lại vượt qua con đường tắt cắt qua bãi đất bỏ hoang, bẩn thỉu, ruồi muỗi, cỏ mọc cao tiến vào thành phố.

 

Một ngày mới bắt đầu với chúng tôi đồng thời cũng là một ngày tôi  cảm nhận tôi phải có vai trò nhất định với nhóm bởi từ hôm nay tôi đã thấy mình lớn nhất rồi.

 

Lại nói về cái nghề nhặt rác của bọn tôi. Không phải nói ngoa đâu, nó cũng công phu và tỉ mỉ lắm đấy. Khi đổ cái bao tải lộn nhộn đủ mọi thứ tạp nham mà bọn tôi thu nhặt được ở khắp mọi nơi về trông nó mới ngán ngẩm làm sao cơ chứ. Toàn những thứ bỏ đi. Vì bỏ đi nên người ta mới vứt ra đường.Đây là mấy cái lon sữa còn có đầy xác kiến, những lọ nước gôị đầu, những chai thủy tinh có mác là nước mắm, là rượu “Lúa mới”, là bao bì bánh ngọt, là bìa cát tông, là sách báo cũ, là một cục sắt han rỉ không biết được tháo ra từ cỗ máy nào, là mấy ống nhựa như là ống nước…thôi thì thượng vàng hạ cám chẳng dùng được vào việc gì hết cả, nhưng những thứ đó lại có khả năng nuôi sống chúng tôi trong cái thành phố mà chẳng ai coi chúng tôi là cái gì cả. Cứ chiều chiều chúng tôi lại tụ tập nhau ở một địa điểm gần chợ, phân loại, phá dỡ, đóng gói, buộc chằng cẩn thận rồi đem đi đến đại lí. Đại lí đã nhẵn mặt chúng tôi-những đứa trẻ lang thang từ khắp nơi đổ về nhập hàng vào kho. Thực ra, nếu chăm chỉ và cả gặp may nữa, cái gặp may là quan trọng lắm, mỗi ngày chúng tôi cũng kiếm đủ hai bữa cơm bụi với thức ăn là đậu phụ, rau muống và nước rau thoải mái. Tất nhiên cũng có thịt và cá nữa. Nhưng thịt và cá chỉ gọi cho vui thôi. Dù sao cũng còn hơn ở nhà quê chỉ có sắn và khoai luộc. Hôm gặp may là chúng tôi có thể bỏ ống được ít tiền. Hai bữa cơm bụi là sáu ngàn đồng, cái bánh mì cho bữa sáng nữa. Cứ có chục ngàn một ngày là chúng tôi có thể sống được. Đấy là nói nhóm chúng tôi còn không mất tiền nhà đó. Chỉ phải cái nó hơi xa, xa nhưng chẳng sao. Càng đỡ tốn tiền càng tốt. Mà đi kiếm ăn trên đường là nghề của chúng tôi nên chúng tôi cũng chẳng ngại lắm. Dọc đường đi về chúng tôi có bỏ sót cái túi rác, đống rác nào ở ven đường đâu. Bất cứ gặp túi rác nào cái que cời của chúng tôi cũng phải chọc vào, chọc vào và khui ra, tìm ra được những thứ có thể góp vào cho bữa ăn của mình.

 

Cũng từ môi trường rác này tôi được nghe nhiều chuyện về những con người quanh bãi rác. Bạn đọc có thể tin được không khi có những gia đình mà có tới ba thế hệ cùng làm. Đời ông nuôi đời bố, đời bố nuôi đời con và đời con còn đang tiếp tục lớn cùng bãi rác, sống cùng bãi rác. Có những ông chủ thành danh nhờ rác, có những mối tình nảy nở từ rác và cả những thảm kịch cuộc đời kết thúc ở bãi rác và còn đến đâu nữa không biết.

 

Bãi rác là một xã hội, xã hội của dân hạng ba, hạng bốn, dân ngoại thành, dân tứ xứ đổ về những người luôn ý thức về mình với một thái độ rất khiêm tốn, nhẫn nhục với các bậc chính quyền. Bãi rác là nơi mà chẳng hiểu vô tình hay hữu ý tự dưng cả làng phải hứng chịu mọi thứ mà xã hội đã qui bằng một từ “rác”.

Dễ đã nhiều ngày trôi đi. Thời gian với chúng tôi là cái quái gì đâu mà chúng tôi phải nhớ. Tôi chỉ mang máng là tôi đã trải qua ở cái lều này, đã trú mưa, trú đêm ở đây trong cả những ngày hè oi bức, đã trải qua cái mùa đông rét buốt. Khổ nhất là những đêm mưa. Tất cả chẳng còn chỗ nào khô mà có thể nằm được, ngoài trời thì gió. Những mảnh giấy dầu, cót ép , ni- lông cứ phần phật, phần phật. Thỉnh thoảng gió đổi hướng làm cái lều của bọn tôi cứ rung rinh, lung lay như muốn đổ xụp lên đầu chúng tôi. Những đêm đó chúng tôi loay hoay cả giờ để có thu xếp được một chỗ ngả lưng. Đó là những gì mà tôi nhớ nhất trong những ngày sống cùng lũ bạn nhặt rác trong một cái lều vô chủ nằm ở giữa một mảnh đất bẩn thỉu, bỏ hoang chẳng ai nhòm ngó.

 

Cuộc sống chẳng có gì thay đổi, cũng chẳng có gì xảy ra. Nhưng thật không ngờ lại có cái xảy ra mà lại xảy ra với chính tôi. Tôi là đứa lớn nhất. Vị trí đó tôi chỉ xác định được sau khi đón thằng cu Tú về ở. Hồi đến ở cái lán khốn khổ này tôi đã mười bốn tuổi. Cái tuổi lẽ ra mới chỉ biết ăn và ngủ, chơi và học. Nhưng tôi đã bỏ làng ra đi. Bỏ ra đi vì ở làng đói quá. Cái làng sinh ra tôi nghèo quá! Ngoại trừ mấy ngày tết, tôi không còn nhớ các ngày khác mình được ăn no như thế nào. Những thứ mà bụng tôi được nhét, được tiêu hóa gồm đủ các loại rau, ngô đậu, khoai, sắn. Cơm cũng có nhưng mà ít. Trong hoàn cảnh đó tôi khao khát chỉ mong có một sự tình cờ thần thánh nào đó làm thay đổi cuôc sống của tôi và gia đình. Và tôi đã bỏ làng ra thành phố theo một người làng, đã gia nhập vào đội quân bới rác kiếm ăn một cách bất ngờ. Cái bất ngờ đó sau này biến thành số phận. Số phận gắn bó tôi với rác, nuôi sống tôi bằng rác.

 

Bới rác có phải là một nghề? Tôi chưa bao giờ nghĩ nó là một nghề nghiêm chỉnh cả, mặc dù đội quân ở làng quê ra thành phố sống bằng “nghề” bới rác ngày càng đông. Bới rác không kén chọn tay nghề, không kén chọn tuổi tác và cả sức khỏe nữa. Tuy nhiên nó cũng giống như bất cứ một công việc nào khác, bới rác, kiếm ăn bằng rác cũng có những mánh khóe riêng, bí mật riêng và nó cũng đòi hỏi con người ta phải lăn lộn, phải “ăn cùng rác, sống cùng rác” mới có thể trưởng thành. Ông bà xưa có câu “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” cả với trường hợp này cũng đúng! Nhưng quả thật tôi chưa thấy ai chung thủy với rác, ở đây là nói người trực tiếp phải bới rác kiếm ăn, khi có điều kiện rẽ ngang lại vẫn chung thủy cùng rác mãi được.

 

Thằng cu Tú vậy là cũng đã ở với bọn tôi qua những mùa nóng lạnh, qua những ngày gió bão. Nó đã trưởng thành trong cuộc sống có phần bụi, vẫn được chiều chuộng trong một nghĩa nào đó trong môi trường mà nó đang sống. Con Thương và đặc biệt là con Hoa rất yêu nó. Hai đứa con gái yêu thằng cu Tú theo kiểu các bà chị lớn yêu và chiều thằng em trai út. Còn tôi, tôi yêu thằng cu Tú kiểu như một đàn anh đã lăn lộn kiếm sống ở đời. Tôi yêu nó kiểu bênh vực, che chở bởi vì nó còn quá bé. Có phải vì thằng cu Tú nó biết thân phận của nó thành ra đối với các anh chị trong nhóm nó có thái độ làm cho mọi người rất thiện cảm, nó ăn nói rất lễ phép và nghe lời tất cả mọi người. Tôi nghĩ  tất cả những nhơ nhớp của cuộc sống này vẫn có một chỗ sạch sẽ, trong sáng. Sự trong sáng của nó làm cho tôi nghĩ tôi thật đã già dặn trong cuộc đời. Những lừa lọc, đểu cáng mà hàng ngày tôi va vấp, tôi tiếp xúc, tôi phải im lặng chịu đựng, không hiểu sao tôi không muốn cho thằng cu Tú biết, nếu vì một lí do nào đó có liên quan đến nó như tranh chấp một món lời nào đó chẳng hạn, tôi đều không muốn nó tham gia, tôi không muốn có mặt nó trong việc dàn xếp mà đôi khi những câu chửi thề được vung ra vô tội vạ, thậm chí , đôi khi, phải dùng cả vũ lực can thiệp.

 

Tôi không thấy thằng cu Tú khóc. Cũng ít khi thấy nó cười. Nét mặt nó cứ phảng phất một cái gì thiếu thiếu, một cái gì cam chịu. Cứ nghĩ như vậy tôi lại cảm thấy xót xa, tồi tội cho nó. Mà không chỉ riêng tôi đâu. Tôi thấy cả nhóm chúng tôi đối với nó đều như vậy. Đặc biệt là cái Thương và cái Hoa. Những lúc thấy chúng nó ngồi nói chuyện với nhau vui vẻ, thân mật  tôi lại nghĩ thầm không hiểu vì sao bọn trẻ lang thang bất hạnh như chúng tôi lại gặp được nhau và hòa thuận dưới mái lều trống hoác này. Đúng, đúng là dưới mái lều trống hoác không che nổi mưa gió cho chúng tôi thì tôi lại cảm thấy ở nơi đây tôi đã hiểu được một phần cuộc đời, chính ở nơi đây tôi thấy mình từng trải, cái từng trải có phần bụi bặm, cái từng trải có phần giang hồ. Tự nhiên tôi muốn làm một “đại ca”. Thật vớ vẩn! Sau này khi  đã xa chúng nó, đôi khi, tôi lại mỉm cười với cái ý nghĩ đó. Tự dưng mình lấy quyền gì để mà tự phong mình làm “đại ca”. Con người ta, từ thăm thẳm sâu hình như vẫn luôn mong khuất phục được người khác, vẫn mong có một vị trí làm cho người khác phải nể phục dù rằng ở một vị trí tận cùng của xã hội như tôi - một thằng chuyên kiếm ăn nhờ vào các đống rác - vẫn cứ mơ có một địa vị nào đó trong xã hội mà mình đang sống.

 

Nhóm chúng tôi còn ba đứa con trai nữa. Thằng Phong, thằng Tài và thằng Quyền. Tất cả đều quê Thanh Hóa. Mỗi đứa một hoàn cảnh mà tại sao tôi cứ nghĩ cũng như nhau cả thôi, chẳng có gì đặc biệt cả. Hoàn cảnh, ai mà chẳng hoàn cảnh. Tất cả đều là do thiếu ăn, không còn con đường sống nên mới phải bươn trải, lặn lội, lần mò ra nơi đất khách quê người để kiếm cái ăn. Nói là kiếm cái ăn chứ thực ra đứa nào trong chúng tôi cũng có em nhỏ ở quê, có cha mẹ, có ông bà và họ hàng thân thích nữa chứ. Chỉ có điều tất cả cái mối quan hệ nhằng nhợ đó không đủ sức níu giữ chúng tôi ở lại với lũy tre làng, với đồng ruộng. Bọn chúng tôi có ham muốn gì cao siêu lắm đâu!. Đặc biệt là hai đứa con gái. Chỉ từ khi ra kiếm sống ngoài thành phố, mọi nhu cầu của con người, của cuộc sống mới đập vào mắt chúng tôi. Mỗi đứa trong chúng tôi cũng thấm vào máu của mình một kiểu riêng. Cái Hoa và cái Thương chúng nó “giác ngộ” sớm nhất. Ngày mới gặp chúng nó, tôi thấy nó cũng chẳng khác gì với mấy đứa con gái ở quê tôi cả. Tôi chỉ chú ý đến cái Hoa khi thấy nó chăm sóc thằng cu Tú hôm mới nhập nhóm và bị sốt mà thôi. Vậy mà bây giờ chúng nó khác với mấy đứa con trai chúng tôi quá. Chúng nó ăn mặc sạch sẽ hơn, hình như dạo này chúng nó cũng tươi tắn hơn thì phải. Có phải chính vì thế mà tôi hay nhìn cái Hoa và tôi thấy nó hay hay. Hình như cả cái Thương và cái Hoa đều biết như vậy nhưng chúng nó lại làm ra bộ không biết gì cả, chỉ đôi khi chúng nó tự nhiên ré lên cười rồi ôm lấy thằng cu Tú, rồi lại cười, chẳng hiểu vì cái gì cả! Đúng là đồ con gái!

 

Lối sống ở thành phố tác động đến bọn tôi khi nào không rõ nữa. Mỗi  tối quay trở về cái lán ngủ đêm, chúng tôi lại kể cho nhau nhiều chuyện gặp phải trong ngày hơn. Cái Hoa và cái Thương kể về một chị làm thuê cho một bà chủ vợ của một ông chủ nào đó có xe đưa đón đi làm. Chị làm thuê này mới đến ở được có hai tháng thôi. Công việc toàn là làm việc vặt trong nhà dễ ợt: nào là lo cơm nước (mà chuyện chợ búa cũng không phải đi, lau nhà, giặt giũ quần áo (mà giặt giũ gì đâu, tất cả các công đoạn đó đẫ có máy giặt lo cho rồi, chị ấy chỉ việc làm mỗi một công đoạn là mở nắp và mang áo quần ra phơi). Sướng thế, bằng chuột sa chĩnh gạo! Hôm khác thì thằng Quyền kể chuyện bọn trẻ con lang thang như chúng tôi, cái bọn làm nghề đánh giầy. Công việc chúng nó đơn giản hơn chúng tôi nhiều mà lại kiếm được nhiều tiền, mỗi đôi được hai ngàn. Chỉ cần hai đôi là được bữa ăn. Bọn chúng tôi thực dụng là như vậy đấy. Tất cả đều qui ra tiền, tất cả đều qui ra thóc! Nhưng những đau khổ của cuộc sống vất vưởng này luôn rình rập chúng tôi. Hôm gần đây, cái Hoa kể chuyện chị làm thuê nọ đã bỏ nhà chủ ra đi. Lí do vì sao thì không ai biết. Nó có hỏi chuyện các bà già hàng xóm gần nhà chị ta làm việc thì thấy bảo bị bà chủ “tống cổ” ra khỏi nhà rồi. Cái từ “tống cổ” hàm ý không hay ho gì cả. Khổ thân chưa, đang yên đang lành bỗng dưng… mà cũng tại cả chị ta nữa chứ, nếu không thì đâu đã xảy ra!... Ngoắt ngóeo cuộc đời là thế, cái khổ của kẻ khó là thế, ai mà lường hết được! Hai đứa con gái nói chuyện người như thông cảm và ngậm ngùi trước số phận của những đàn bà quay ra ôm nhau ngủ ở một góc lán. Bọn chúng tôi  vẫn thờ ơ với câu chuyện đó. Mấy ngày hôm sau, chúng tôi thấy xuất hiện ở lán ngủ chúng tôi  một người phụ nữ phờ phạc, mặt buồn tênh, vô hồn. Đấy chính là chị Xuân - người làm thuê - mà cái Hoa, cái Thương nói chuyện bữa nào. Hôm nay cái Hoa gặp được chị trên đường đi kiếm rác và đã rủ chị về cùng ở với bọn trẻ chúng tôi. Ngôi nhà của chúng tôi lại có thêm một nhân vật mới. Nhưng chị ta không ở lâu được với chúng tôi, chỉ khoảng mươi ngày sau chị đã bỏ đi. Chị đến và đi chỉ như một làn gió nhẹ. Có gây chú ý cho chúng tôi lúc đến nhưng không bất ngờ với chúng tôi khi đi. Bởi vì chúng tôi biết để nuôi sống một hậu phương nơi quê nhà chỉ cần bỏ công sức ra chưa đủ. ở chốn này cần phải có người che chở. Một người như chị nơi phù hoa thành phố rất dễ bị sa sẩy. Con đường đi với mọi người luôn không giống nhau.

 

Lan man kể những chuyện ngoài lề trong cuộc sống của bọn chúng tôi, tôi lại quên khuấy chuyện về thằng cu Tú. Thằng cu Tú quê đâu như ở mạn trong Nghệ An hay Hà Tĩnh gì đó. Nó đến với chúng tôi trong một chiều mưa gió. Nó được nhóm chúng tôi cưu mang và được tryền cho bí quyết cũng như kinh nghiệm sống bằng nghề nhặt rác. Nó chẳng có anh em gì cả. Nó là đứa trẻ bị bỏ rơi hay bị lạc gì đó. Trước khi nó đến với chúng tôi nó sống bằng “nghề” ăn xin. Nó lang thang khắp nơi  và đặc biệt là các quán ăn. Các chủ hàng ăn nhẵn mặt nó. Đầu tiên nó xòe bàn tay bé nhỏ và đen nhẻm lí nhí nói một câu gì đây với những người đang ăn. Không cần nghe rõ người ta cũng biết là nó xin ít bạc lẻ. Người cho hai trăm, người ba trăm và bằng số tiền còm nhỏ nhoi đó nó cũng sống qua ngày. Nhưng thực ra nó sống không phải bằng số tiền còm ít ỏi mà nó xin được, nó sống bằng các loại thức ăn thừa của khách ăn. Có chủ cửa hàng dễ dãi cho nó ăn luôn trong cái bát mà khách bỏ dở hoặc sót lại, cũng có chủ hàng khó tính hơn đuổi nó đi chỗ khác. Những lúc như vậy nó vội vơ vét tất cả mọi thứ vào trong một cái bát mà lúc nào nó cũng mang theo bên mình đựng trong một cái túi đen đúa. Cái túi ấy đựng cả gạo mà nó xin được khi bị đuổi rát quá ở các cửa hàng ăn uống phải đi vào các nhà dân để xin ăn. Tiền nó cũng gói lại và đút vào trong cái túi đó. Khổ một nỗi là nó bé quá. Bất cứ đâu cũng có thể là nhà ngủ của nó được. Chỗ nó thường xuyên ngủ là nhà ga, bến tầu. Hôm tôi thu nhặt được nó cũng là thời mà các cửa hàng đuổi riết, cu cậu không lê la được ở đó phải dạt sang chợ kiếm ăn, lấy chợ làm nhà ngủ và lên cơn sốt vào một chiều mưa. Nó ngủ từ bao giờ không ai biết và cái túi với một số tiền ít ỏi tích cóp được cũng mất luôn. Nó về với chúng tôi với đôi bàn tay trắng. Khổ thế đấy! Vì miếng ăn mà ngay cả số tiền ít ỏi thằng bé tí tuổi liếm được bằng bao buổi ăn xin người ta đâu có tha. Ôi, lòng dạ con người!

 

Một hôm, thật bất ngờ, thằng cu Tú đột nhiên hỏi tôi: “Anh thấy chị Hoa có xinh không?” Tôi giật mình vì câu hỏi của nó. Hỏi lại: “Tại sao mày lại hỏi tao?” Nó trả lời trơn tuột: “Vì em thấy các chị ấy hay nhìn anh và hay nhắc anh mỗi khi anh về muộn” Tôi buông thõng: “Có vậy mà cũng hỏi!” Rồi chúng tôi không nói chuyện đó nữa.

Sau đó tôi  tự nhiên lại hay nghĩ về chuyện thằng cu Tú và hay nhìn trộm cái Hoa. Lạ thật!

 

Một lần khác, thằng cu Tú lại hỏi tôi: “Anh có biết chị Hoa và chị Thương sắp chuyển đi làm Ô-Sin chưa?”. Một lần nữa tôi lại giật mình: “Thế à?” và lại bỏ câu chuyện ở đó. Mấy ngày sau, nhân lúc buổi trưa đang ngồi nghỉ, mà lúc đó lại chỉ có tôi và cái Hoa, tôi mới đem chuyện thằng cu Tú nói với tôi hỏi lại cái Hoa. Nó xác nhận là đúng và nói thêm: “Còn đợi thêm tin của chị Xuân”. Tôi bỗng thấy hụt hẫng như bị mất cái gì thì phải. Từ lúc đó người tôi bỗng bồng bềnh, say say, ngơ ngơ…

 

Thế rồi cái Hoa và sau đó chẳng bao lâu cái Thương đã rời nhóm chúng tôi đi làm Ô-Sin. Nhóm chúng tôi trở nên vắng vẻ. Dù sao thì hai đứa con gái cũng để lại trong lòng chúng tôi một cái gì âm ấm, khó nói. Để tồn tại, người ta phải dứt bỏ nhiều cái quí giá. Thời gian mà hai đứa con gái ở trong nhóm của chúng tôi là bao lâu, thật ra chẳng ai nhớ, nhưng chúng nó đã để lại trong chúng tôi cái nét đặc biệt của con gái, cái hơi ấm của con gái, cái tình bao dung của người con gái mà sau này trên mỗi nẻo đường đời, mỗi khi nghĩ lai, tôi lại thấy bồi hồi, lại thấy xúc động, lại thấy một sự trong trắng, ngây thơ mà cuộc sống bụi bặm không phủ mờ, không vấy bẩn. Quả cũng lạ! Tôi và chúng nó có mấy khi trò chuyện, vậy mà chỉ từ cái tối thằng cu Tú bị sốt, tôi bỗng thấy nó hay hay và bây giờ nó bỏ đi làm việc khác, tôi nhớ lại, lại như thấy bị thiếu mất cái gì đó mỗi khi trở về cái lán trống hoác của bọn tôi.

 

Trải qua những ngày mưa gió, nóng lạnh của thời tiết, thằng cu Tú đã trưởng thành trong nghề. Nó nhanh như thỏ, như sóc và vẫn rất đáng yêu, chí ít là đối với tôi. Trong cuộc đời, mối quan hệ với gia đình có một vị trí hết sức quan trọng vậy mà nó không có. Vậy nên nó coi bọn tôi là những người thân nhất của nó. Mấy hôm tết vừa rồi trong khi mọi đứa nôn nao vì nhớ nhà thì nó chẳng có ai để mà nhớ. Tôi chưa biết khơi gợi những điều mà nó suy nghĩ trong cái đầu non nớt của nó. Nó chẳng nhớ ai cả. Đâu như cũng đã từng có người săn sóc nó, bế ẵm nó. Nó lờ mờ hiểu đấy là mẹ nó. Hình như mẹ nó đã chết và một người đàn ông khác thay mẹ nó trông nom nó. Người này thường xuyên bỏ đói nó cho nên nó mới èo uột, khẳng khiu cho đến tận bây giờ. Nó thường được người đàn ông dẫn đến các nơi hội hè. đông người tụ tập và lăn lộn trên đường kêu khóc, xin ăn, xin tiền. Nó nhiều lần bị đánh chỉ vì xin được ít và không chịu khóc. Những hôm đó về chỗ ở là một cái quán cũng xiêu vẹo, vắng vẻ, nó thường bị đánh và bị bỏ đói. Nó nằm trong xó lều ngủ để quên đói, đợi người đàn ông về vất cho nó một cái gì đó có thể ăn. Kí ức của nó là như thế, mối quan hệ xã hội của nó là như thế, vậy thì làm sao và ai nỡ hỏi chuyện gia đình, người thân của nó. Nó nói với tôi: “Anh về ăn tết nhanh rồi ra với em”. Tôi xót cả ruột: “Tao bỏ một mình mày ở lại đây à?”. Vậy mà có ai ngờ…

 

Tết vừa rồi đó, tôi ở lại với thằng cu Tú. Trong rét mướt của gió mùa Đông Bắc, chúng tôi cũng đi chơi xuân. Trước đó tôi gom tiền của hai anh em đi mua mỗi đứa một cái áo bu-dông hàng thùng. Nó chẳng đòi hỏi gì cả và cũng chẳng cần biết là mình có bao nhiêu tiền. Ngây thơ và non nớt là thế! Nó nắm tay tôi chen vào mọi chốn đông người. Hình như chưa bao giờ nó vui như vậy, nó làm tôi cũng vui lây, tôi cũng quên đi nỗi nhớ nhà, tôi cũng có một thằng em ở nhà như nó, nhưng thằng em tôi còn có một gia đình còn thằng cu Tú thì ngoài tôi chẳng có cả. Sau này tôi rất tự hào vì cái tết năm đó tôi đã có một trong những quyết định đúng đắn nhất cuộc đời của mình.

 

Giao thừa. Hồi ấy pháo nổ nhiều lắm. Tôi và thằng cu Tú còn lang thang trên đường phố ngợp sắc xuân. Phải là đã sang xuân? Trong tôi có cái gì nghèn nghẹn. Thằng cu Tú chẳng có cảm giác gì cả, nó vẫn hớn hở đi bên tôi. Mưa lay phay, cảm giác mua xuân ấm áp. Loang loáng những ánh đèn, chập chờn những màu xanh đỏ. Tôi ôm lấy thằng cu Tú, người nó ấm quá, một cảm xúc dòa dạt dâng lên trong lòng tôi. Mùa xuân, mùa xuân đến rồi. Tôi thầm mong một mùa xuân tốt đẹp đến với chúng tôi, tôi hi vọng một điều gì mới sẽ đến.

 

Hai đứa chúng tôi về nhà bóc bánh chưng ra ăn. Người ta bảo là “Dửng dưng như bánh chưng ngày tết”. Dửng dưng gì mà chúng tôi cảm thấy ngon thế! Ăn xong một cái mà vẫn như còn thòm thèm. Tôi hỏi thằng cu Tú có muốn ăn nữa không. Nó lắc đầu. Tôi nói: “Xả láng đi em…” Nó cười và chúng tôi đi ngủ trong tiếng pháo nổ đâu đó ngoài xa…

 

Sáng hôm sau anh em chúng tôi đi chơi xuân. Chúng tôi vẫn phải đi qua con đường heo hút, bẩn thỉu và lúc nào cũng ướt. Hình như mùa xuân không đến với cái lán nhỏ dột nát của chúng tôi. Tôi một thoáng chạnh lòng. Nhưng mà không sao cả. Ta đi theo con đường của ta. Ta ngửng mặt đón gió xuân. Một làn gió mới ùa vào hồn tôi. Tôi hít thật sâu vào lồng ngực. Ngọn gió tươi mát thổi bay hết cả mọi điều u uất.

Bước chân tự nhiên dẫn chúng tôi đến bến xe thành phố. Đường phố mấy ngày tết sạch lắm. Không có đống rác nào dành cho chúng tôi cả. Mà thực sự chúng tôi không có ý định hôm nay đi kiếm ăn. Hôm nay chúng tôi cũng phải ngẩng cao đầu như mọi người đi chơi xuân.

 

Một ông già khoảng trên bảy mươi như đang chờ ai ở bến xe. Thấy chúng tôi, ông già niềm nở gọi lại đứng bên cạnh bức tường chắn gió. Ông bảo chúng tôi ngồi xuống và rút từ trong cái túi xách bên mình một bọc giấy được gói cẩn thận. Ông bảo chúng tôi ngồi ăn tết với ông. Tôi hỏi nhà ông ở đâu, ông chỉ cười và giục chúng tôi ăn nữa, ăn nhiều vào. Thằng cu Tú rất khoái trá. Cu cậu xơi rất tự nhiên. Có phải vì thái độ rất gần gũi của ông già hay vì bữa đón giao thừa vừa qua của chúng tôi chưa làm cu cậu thỏa mãn. Ông già đưa cho thằng cu Tú và tôi mỗi đứa một cái đùi gà rất to. Kể cả tôi huống gì thằng cu Tú, chúng tôi chưa bao giờ được ăn một bữa thỏa thuê như thế và cũng đặc biệt nữa. Một cái tết mà tôi nhớ đời. Tất nhiên mọi thứ mà ông già cho chúng tôi ăn không hết. Có lẽ ông không chỉ chuẩn bị cho riêng hai chúng tôi. Số còn lại mà ông đã có ý để riêng ra một khoang giấy báo vẫn còn nhiều, phải hai ba đứa nữa ăn mới hết. Chúng tôi ăn thịt gà với xôi, có cả bánh chưng nữa, một khoanh giò nạc và một khoanh giò mỡ rất dày. Một cái tết thượng thặng đối với những đứa trẻ lang thang, bơ vơ như bọn chúng tôi. Sau bữa ăn, tôi cứ nghĩ mãi về ông già. Chắc hẳn trong thẳm sâu lòng ông có điều gì không yên. Ông nhìn những số phận hẩm hiu như bọn tôi ở trên đời bằng cái nhìn như có điều gì canh cánh không an bên lòng. Ông muốn san sẻ với chúng tôi những gian nan của cuộc đời bất hạnh, ông muốn chia cho chúng tôi một chút lộc mà ông được con cháu biếu hoặc tự tay ông làm ra. Nhìn ánh mắt của ông, tôi như thấy ông muốn nói: “Ông muốn tất cả những nỗi đau ở trên đời này không còn để các cháu mãi được sung sướng, không còn chịu vất vả trên thế gian này nữa”. Nhưng ông không nói được gì cả, ông im lặng, tôi chỉ thấy mắt ông long lanh, cái long lanh của những giọt nước tinh khiết qua cặp kính trong suốt, dày cộp.

 

Một cơn gió nữa thổi qua, không phải là gió lạnh mà là một làn hơi ấm, làn hơi ấm tôi cảm nhận được từ mùa xuân mới. Gió bay bay, chúng tôi chào ông già không quen biết mà tự nhiên thấy vô cùng kính trọng. Có điều gì nhắc nhở tôi. Ô phải rồi, tôi phải có trách nhiệm hơn với thằng cu Tú. Nó mới ngần ấy tuổi đầu mà “bể dâu” hơn tôi nhiều lắm.

 

Sau cái tết đáng nhớ ấy thằng cu Tú lại ốm. Mới đầu tôi cứ nghĩ là bình thường. Bình thường như bao nhiêu cái hắt hơi sổ mũi của bọn chúng tôi. Sáng ra thấy nó nằm bất động trên sạp, tôi lay nó dậy. Trời ơi nó nóng quá! Sao vậy Tú ơi. Ba đứa quê ở Thanh Hóa chưa thấy đứa nào lên cả. Tôi lại nghĩ đến cái Hoa và cái Thương. Chúng nó ở đâu mà không đến với tôi lúc này. Thằng cu Tú ốm chúng mày có biết không? Tôi không biết làm gì hết cả. Sau một phút hoảng hốt, tôi trấn tĩnh lại và quyết định cõng nó ra ngoài đường đón xe ôm đưa đi bệnh viện. Tôi không quên mang theo số tiền mà tôi và nó kiếm được trong thời gian qua. Cái con đường heo hút, bẩn thỉu và luôn luôn ướt qua bãi đất hoang sao bây giờ dài thế. Thằng cu Tú nhẹ như bấc trên lưng tôi. Tôi vừa chạy, vừa khóc, vừa gọi tên nó. Sao tôi lại khóc, đến bây giờ tôi cũng không biết vì sao. Có lẽ từ bao giờ, lâu lắm rồi, thằng cu Tú đã trở nên thân thiết với tôi mà tôi không nhận ra. Tôi khóc vì thương nó, nó chẳng có ai ngoài tôi cả. sao đời lại oan nghiệt làm vậy. Một sinh linh bé nhỏ chẳng lẽ không đnág được che chở hay sao?

 

Chậm quá rồi! Người bác sĩ trực ở phòng cấp cứu nói với tôi. Em cậu bị sưng phổi, mà bố mẹ đâu? Sao chỉ có hai anh em? Tôi đờ người ra, choáng váng và không biết nói gì nữa.

 

Rồi mọi sự cũng qua. Nhờ sự giúp đỡ của bệnh viện, tôi là người thân duy nhất của thằng Tú đưa nó ra nghĩa trang. Cai huyệt đào sẵn người ta chôn nó cũng nhỏ nhoi như chính số phận của nó. Cái quan tài mà nó nằm trong đó cũng nhỏ nhoi như vậy. Tú ơi! Thế là kết thúc một số phận toàn là cay đắng, mày đã được hưởng một chút ngọt ngào nào đâu. Chẳng hiểu cái tết vừa rồi có an ủi mày được chút nào không? Tú ơi, Tú ơi…

 

Nghĩa trang vắng lặng. Chiếc xe của bệnh viện làm phúc cũng đã quay về. Tôi một mình ngồi bên mộ thằng cu Tú. Khói hương bay thoang thoảng. Mày cô đơn trên cõi đời, mày đi cũng đơn côi một mình anh đưa tiễn và bây giờ anh lại về đơn côi với cái lán trống hoác đó hay sao? Trống trải trong tôi ghe gớm. Lại một cơn gió ớn lạnh nơi đồng không mông quạnh. Tôi lủi thủi quay về. Bước chân vô định đưa tôi về bến xe chỗ ngày mồng một tết tôi và thằng cu tú và ông già tốt bụng ngồi ăn tết với nhau. Tôi ngồi đó, nhớ nó quá và cũng mệt quá sau một ngày đầy biến động, tôi ngủ lúc nào không biết. Trong giấc mơ, tôi lại thấy thằng cu Tú tung tẩy với cái bao tải lất phất và cái quen cời rác vung vung lên trời. Có phải hình ảnh trong suốt và tinh khiết của nó làm giấc ngủ của tôi rất say.

 

Từ đó tôi không về cái lán trống hoác của chúng tôi nữa. Cùng với sự lớn lên của thành phố, tôi bây giờ đã trở thành một đại lý thu mua các loại phế liệu. Cơ sở của tôi ở ngay bên đường quốc lộ được hình thành nhờ sự quản lý lỏng lẻo của mấy ông cán bộ địa phương, Chỗ này không xa nơi thằng cu Tú nằm là mấy. Chắc là vong hồn nó phù hộ cho tôi./

 

2005

 

Vinh Anh
Số lần đọc: 2338
Ngày đăng: 25.03.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Con chim tu hú - Trương Hoàng Minh
Bán danh - Nguyễn Đình Phư
Con bồ chao đoạt giải - Khôi Vũ
Thằng mất dạy - Huỳnh Văn Úc
Băng nhân - Đỗ Ngọc Thạch
Phút chót - Mang Viên Long
Hương cau quê nhà - Trần Dzạ Lữ
Nước mắt cô hoa hậu - Thụy Vi
Chó đẻ - Phạm Thanh Phúc
Cái chết của nhà thấu thị - Nguyễn Viện
Cùng một tác giả
Mưu sinh (truyện ngắn)
Chuyện vặt (truyện ngắn)
Lão và hắn (truyện ngắn)
Phượng (truyện ngắn)
Công chức (truyện ngắn)
Gặp lại ngày xưa (truyện ngắn)
Lời từ nơi hư ảo (truyện ngắn)
Vào hội (truyện ngắn)
Bãi giữa (tạp văn)
Mùa thu (tạp văn)
Người quê (truyện ngắn)
Nhớ làng (truyện ngắn)
Bạn thời lính (truyện ngắn)
Ánh mắt sông quê (truyện ngắn)
Ngõ nhỏ ngày xưa (truyện ngắn)
Đất làng (tạp văn)
Ở rừng (truyện ngắn)
Chuyện tình kể lại (truyện ngắn)
Hai thằng nó và tôi (truyện ngắn)
Hương vô tình (truyện ngắn)