Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.143
123.227.090
 
Chuyện vặt
Vinh Anh

Thằng bạn tôi hăng hái, đã đến lúc nó nói. Rượu vào đến độ là nó nói. Nói đâu ra đấy. Nó nói để những lúc không rượu nó lại trầm ngâm. Trong bàn nhậu nào có nó cũng vui. Một số bạn tâm đầu ý hợp, lúc cuối tiệc nhậu thường ngồi lại với nó. Tôi cũng trong số đó. Lúc đó thường chúng tôi gọi thêm một chai và nhiều nỗi tâm tư mới được sổ ra:

- Vậy là lũ kia đã về hết rồi. Chỉ lại còn ta với ta. Múa phụ hoạ sao mà bây giờ phát triển thế. Nó nói như với tôi, với mọi người mà cũng chẳng như với ai hết cả. Cái chất khinh khỉnh của nó lại lộ ra rõ hơn bao giờ hết. Ơ với nó lâu nên buộc phải thông cảm. Không chấp! Nhiều lúc nghe nó nói ngang quá, tôi phang nó một câu “không thèm chấp!” Những lúc đó nó quay mặt đi, không nói. Hoá ra nó lại là thằng không thèm chấp tôi trước.

 

Chúng tôi đang độ tuổi “nhi bất hoặc”. Biết nhiều về sự đời đấy nhưng cũng chẳng là cái cóc khô gì so với các lão ông tri thiên mệnh cả. Đừng có đòi so với các cụ kì cựu hơn. Ây vậy mà nó, cái thằng bạn tôi ấy, cũng cứ tỉnh bơ như không khi nói về các cụ. Thời các cụ đã qua, bây giờ là thời của lớp đàn em, lớp con cháu.Các cụ đừng có ảo tưởng các cụ lànvốn quí nữa . Tất cả là giả vờ đấy!. Nó ghé tai tôi nói nhỏ. Có cụ đã bảo là thằng ấy láo. Đúng, tôi không ghét gì nó cả, nhưng tôi thấy các cụ nói đúng. Thái độ nó có vẻ xấc xược thế nào ấy. Đồ “trứng khôn hơn vịt!”

 

Vậy nó ngang chỗ nào, nó xấc xược chỗ nào? Cái từ “ngang ngạnh, xấc xược, ngỗ ngựơc” trong hoàn cảnh cụ thể thì tôi cũng như mọi người lại không nói ra được. Nhưng mà trong thâm tâm, ai cũng bảo là nó có những cái bệnh đó. Đôi lúc, tôi thấy không công bằng với nó, tôi muốn đứng về phe nó. Phe nó chỉ có một mình nó mà thôi. Một điều gì đó mờ ảo cứ vướng víu trong đầu tôi. Tôi nói điều đó với nó. Nó bảo: “Chuyện vặt!”

 

Tôi về cơ quan này sau nó khoảng một năm nhưng không cùng một phòng với nó. Nó lấy vợ muộn. Hết chiến tranh ra ngoài Bắc mới gặp được người để “gửi gắm cuộc đời” như nó thường vẫn nói. Làm việc trong các cơ quan nhà nước từ trước đến nay, về phương diện kỉ luật lao động, có mấy cơ quan giữ nghiêm được cái “tám giờ vàng ngọc”. Càng là sếp lớn càng khó quản lí. Nói ở đây là chỉ dám nói đến mấy vị cỡ cỡ “Tổng giám đốc hoặc giám đốc” gì đó thôi. Lớn hơn nữa, cao hơn nữa thì tôi không có điều kiện tiếp xúc, không dám vơ đũa cả nắm, sợ phạm thượng. Chứ cứ như thằng bạn tôi á, nó chả sợ. Cái kiểu lấp lửng là nó phang, nó đã phang tôi khối lần rồi, nhưng tôi giả vờ không thèm chấp. Nó thường chỉ mặt tôi và to tiếng nhất:“Mày là thằng giả vờ, cái đồ ngậm miệng ăn tiền, lúng ba lúng búng như ngậm hột thị thế kia”. Cái đặc biệt là nó mày tao chi tớ với tất cả mọi người đồng cấp và ngang tuổi trở xuống. Tôi, bởi là bạn học, nên nó cho một đặc ân, “mày tao” bất kể chỗ nào. Nó nói như mắng, như chửi tôi bất kể chỗ nào. Vậy mà không giận được nó.

 

Hồi mới về cơ quan, tôi tình cờ nghe nó mắng một cậu ít tuổi hơn nó, cậu này cũng thuộc loại cán bộ có “ní nuận”-: “Mày ngu thế, sếp nói như vậy mà mày cũng im, tại sao mày phải sợ, không đúng thì phải nói lại, mày làm như lão ta cái gì cũng biết, ý lão là ý trời à, mày còn thế mày còn bị lão ấy bắt nạt. Mà cũng đáng đời mày lắm cơ, tại sao mày hay bắt bẻ bọn trẻ!” Ra cái chiều hắn bênh cậu này, nhưng mà bênh theo kiểu mắng đến độ khó nghe. Chẳng ai dám bênh cái kiểu của nó. Ngay cả sếp cũng chẳng dám bảo cậu cán bộ nhiều “ní nuận” kia là “ngu”. Chỉ có nó là dám nói. Vậy mà cậu kia im đấy. Bọn cán bộ trẻ thường ngày bị cậu “nhiều ní nuận” nhà ta “bắt nạt”, nghe nó mắng cậu cán bộ “nhiều ní nuận” sướng cả tai. Khi tôi hỏi nó vì sao mà mày “to mồm” thế, nó nhăn nhở: “Mày cũng ngu, tao bênh nó, tao mắng sếp, sếp dốt mà cứ ra vẻ hơn người, chỉ có những thằng ngu mới chịu”. Tôi vẫn lo cho nó, cái kiểu nói đó ai mà nghe được, huống hồ là sếp. Tôi bảo: “Mày phải cẩn thận lời ăn tiếng nói”. Nó buông: “Chuyện vặt!”

Tôi dần dần cũng bị nó “cảm hoá”.  Cái sự “cảm hoá” nó vào tôi lúc nào cũng đâu có biết. Nghĩ đến đâu thì nói đến đó vậy. Có lẽ bắt đầu từ những ngày xa nhất của “ngày xưa”.

 

Những năm đầu mới lấy vợ, cuộc sống còn khó khăn lắm. Tiền lương nào đủ nuôi gia đình. Vợ nó phải đi làm từ tinh mơ đến tối mịt. Mọi việc trong nhà do nó đảm đang hết. Cái đảm đang nhất mà nó tự hào là việc trông dạy con cái.  Cố gắng lắm thì đến sáu tháng tuổi, cả hai đứa con của nó đều phải đi nhà trẻ. Vợ nó là cônh nhân nhưng tiêu chuẩn lại cao. Vậy phải đi làm để mà còn có thứ nọ, thứ kia bù vào cho đồng lương công chức của nó chứ. Nó phải trông con, phụ trách việc đưa đón con cũng là lẽ thường của người đàn ông trong cái thời bao cấp đó. Nhận trọng trách đưa đón con đi nhà trẻ thì cái việc đi muộn về sớm dễ xảy ra lắm. Có ai lường hết được những điều xảy ra với bọn trẻ đâu chứ. Nhất là cái bọn đang ở lứa tuổi ngô ngô ngọng ngọng.

 

Một lần, thấy tên nó được bảo vệ và thanh niên cờ đỏ ghi lên trên bảng vì đến muộn mười phút. Kỉ luật lao động đang được cơ quan lên giây cót. Tôi hỏi: “Sao vậy?”. Nó nổi khùng: “Sao cái con khỉ! Đến ngồi uống nước, tán gẫu, xem báo thì có khác gì tao. Thậm chí còn kém tao, tao đang làm trọng trách của thằng bố”. Hắn vẫn cứ tiếp tục đến muộn như vậy và tên hắn không thấy trên bảng nữa. “Trò vớ vẩn!” Tôi cũng biết đấy là trò vớ vẩn nhưng tôi không dám nói. Thì từ trước đến nay, tôi có bao giờ có chính kiến rõ ràng gì đâu. Nó còn lớn tiếng ở tổ đảng: “Tôi xin không nghỉ mọi thứ phép tắc hàng năm, an dưỡng, điều dưỡng cũng không cần, để lấy mỗi ngày nửa tiếng bù vào cái việc đi muộn về sớm của tôi. Tôi sẽ làm bù vào chủ nhật nếu công việc gấp”. Hoàn cảnh nó thì có thể thông cảm nhưng mà cả cơ quan ai cũng như nó thì còn gì là cơ quan. Cái lí của những người có quyền nhận xét là như thế! Nhưng công việc nó làm tốt hơn nhiều người. Công bằng mà nói, nó làm việc phải bằng ba người khác, có vô số người đến cơ quan chỉ để có mặt một lúc rồi thì biến mất tăm, vô số người đến chỉ để tán gẫu, đọc báo. Những người đó đáng bị nêu tên, đáng bị khiển trách hơn nó nhiều chứ. Nhưng những việc đó đã có một hội đồng đánh giá. Chỉ tiếc cái hội đồng đó luôn nhận xét, đánh giá “ từ phía đằng sa, theo phong trào, theo chỉ đạo”. Nó biết là nó ngang, nhưng nó nói ra một sự thật mà cả nước này công sở nào cũng mắc. Cái bệnh đó lại chỉ được nói qua quít trong dịp tổng kết cuối năm mà thôi. Cái sai lè lè ra như vậy, ai ai cũng biết, vậy mà chỉ phải đá gà đá vịt một tí. Mọi người lờ đi, cho qua. Thế chẳng là giả vờ là gì! Tôi bảo: “Mày có ý kiến gì về cái chuyện đó không?” Nó sẵng: “Chuyện vặt, nói ai nghe”.

 

Chuyện khác. Nó có một ông anh, theo nó, cái lão này cù lần hết chỗ. Kĩ sư điện như lão bây giờ thì nhan nhản, nhưng vừa biết làm việc, vừa biết nói thì ít lắm. Nghĩa là cả lí luận với thực tế ý. Lão anh này cái gì về điện cũng làm được hết. Thế mới tài chứ! Nhưng mà(theo nó)  lão anh của nó lại dở hơi hết chỗ nói. Sáp tết. Có một chiếc thang máy của một đơn vị nào đó bị hỏng. Hỏng thì phải sửa, nhất là lại tết đến nơi. Tết là cái gì cũng phải hoàn thiện, sang năm mới nó mới thuận lợi. Cái thang máy cần phải được sửa gấp. Lão anh của nó nhận nhiệm vụ đi. Sau ba tiếng đồng hồ, cái thang lại lên xuống êm ro. Đơn vị chủ quản mừng quá, mừng thật sự chứ không phải kiểu mừng khánh thành công trình rùm beng như vẫn làm đâu. Lão đang thu dọn mấy thứ dụng cụ cho vào va li đồ nghề thì ông trưởng phòng hành chính xun xoe chạy tới, mời anh nó vào phòng riêng. Sau những lời cám ơn, một phong bì được đưa ra cùng với một túi quà tết. Lão anh của nó cương quyết không nhận. Anh nó kể chuyện này cho cả nhà nghe hôm mùng một tết. Mọi người bảo anh nó là “đồ dở hơi”. Nó bảo: “Ông thuộc cái dạng sĩ diện. Em đây, chẳng phải nói nhiều. Nhận hết, nhận rất nhanh là khác.” Cả nước này nó như vậy, nhưng mà rất nhiều thằng biết cách giả vờ. Chuyện vặt ấy mà. Cả chục năm nay, hết chỉ thị này đến chỉ thị khác cấm lễ tết, quà cáp cấp trên. Vậy nó có khá được chút nào không? Không, không một chút nào khác cả. Tinh vi hơn thì có. Cả nước đang giả vờ tích cực chống tiêu cực, chống tham nhũng đấy!” Nó mang chuyện này lên cơ quan kể cho mọi người nghe hôm đầu năm gặp mặt trong tiếng chúc tụng và tiếng nổ của rượu sâm-panh. Chẳng hiểu vì sao, nghe nó kể mà mọi người cứ lảng đi, chỉ còn lại cô văn thư và cậu lái xe ngồi lại cùng uống rượu với nó. Hai cái thành phần này ít có công lao với khách hàng, nên bổng lộc ngày tết không có. Vậy cái chỉ thị được lòng mọi người đó chẳng đang bị biến tướng là gì. Có ai biết không? Cả nước biết, nhưng mà mọi người cứ làm như không biết. Thế mới hay chứ! Cô văn thư, cậu lái xe và nó nâng cốc chúc lẫn nhau. Nó nói với hai người: “Cả tớ cũng nhận phong bì, tớ nhận nhiều hơn mọi người là đằng khác. Nhưng đấy là chuyện vặt! Đây, đầu năm, tớ mừng tuổi các cậu tí chút”. Ô, nó cũng biết chia bổng lộc cho các em đấy. Tôi ca ngợi nó. Nó quăng một câu lên trời: “Chuyện vặt”.

 

Lại chuyện nữa. Chuyện này thì có từ lâu rồi. Bây giờ nó càng ngày càng phát triển. Chuyện bồ bịch của những người có tiền. Đương nhiên là các loại sếp đều dính, cũng như cái chuyện nhận phong bì ấy, chỉ nhiều hay ít mà thôi, chỉ là cái thằng ăn vụng biết chùi sạch hoặc không sạch mà thôi. Tất nhiên là tiền không chính đáng. Tiền chính đáng về nhà vợ nó thu hết rồi còn đâu. Chẳng là bây giờ đất nước một dải rồi, non sông gấm vóc đã thu về một mối rồi, lại là con một nhà cho nên cái xấu, cái tốt cũng được lan truyền nhanh lắm, học nhau cũng nhanh lắm. Cái đất mình có cái hay là dài, phong tục cũng mỗi nơi một khác. Cái anh miền Nam được cái địa lợi nên tính tình phóng khoáng, cái anh miền Bắc thì căn cơ bởi phải trải qua một thời kì dài khó khăn vì đói kém, cái anh miền Trung vốn nghèo xác xơ nên tằn tiện. Cái anh phóng khoáng kia có nhiều cái năng động trong cuộc sống, nên thu hút các anh ở hai miền kia vào đông lắm. Thói đời vốn là : điều hay thì khó học còn điều dở không học nó cũng cứ đổ xô vào, tự nhiên nó thấm vào rồi cải biên, biến hoá khôn lường lắm. Mấy anh miền Bắc vốn rất ý tứ trong quan hệ nam nữ trước kia thì ngày nay cũng vô tư, có khi còn vượt cả thầy nữa. Cái chuyện tế nhị đó nói chung là chuyện khó nói nhưng bây giờ nó lại là chuyện thường ngày ở huyện nên cũng chả ai lạ lẫm và mặc nhiên, người ta ít phê phán nó, hoặc phê phán cho có lệ nên nó cứ tồn tại trước mắt mọi người. Hiên ngang tồn tại là đằng khác. Lạ là thế ! Hay là thế ! Được cái, những người hay làm cái chuyện này lại kiếm được nhiều tiền. Thì từ xưa, cái chuyện bao gái đâu có mất ít tiền. Muốn ăn chơi phải tốn kém! Mà các bà vợ thì ở đâu cũng như ở đâu thôi, lão chồng về đưa cho được một ít tiền kiếm được từ ngoài những đồng lương chính đáng, có nghĩa là ngoài phần cứng mà các bà biết rõ, là y như rằng dễ bảo, dễ nghe nghĩa là dễ bị lừa luôn. Một ông trong một cuộc vui kể: “Hỏi: Tại sao hôm nay về muộn? Đáp: Bận họp. Hỏi: Họp gì mà bây giờ mới về? Đáp: những hai cuộc.” Rồi lão rút từ trong túi ra đưa cho mụ vợ hai chiếc phong bì vẫn còn ruột. Vậy là êm xuôi. Chuyện thật tưởng như đùa, vậy mà bây giờ đâu đâu cũng kể, vui là kể. Ai hay đi nhậu cũng đều đã phải nghe cái chuyện đó vài lần.

 

Còn chuyện ở cơ quan nó, cũng nghĩa là ở cơ quan tôi, nó liên quan đến tính tình hai đứa chúng tôi lại khác. Chúng tôi cùng được cử đi công tác ở một số tỉnh phía Nam, cùng phò tá cho sếp. Chuyến đi dài ngày. Cán bộ được cử đi công tác đa phần là có một tí quyền. Có quyền nghĩa là có tiền. Quyền lực, tiền tài từ xưa luôn gắn liền với nhau. Mà cũng lạ, các cơ quan nắm quyền đều nằm ở ngoài Bắc cho nên cán bộ hầu như là người ngoài Bắc. Bắc đây là miền Bắc. Phải tính tới cả cái anh nghèo rớt ở khúc giữa nữa. Cái anh nghèo này thì thuận đâu là đến đó, miễn là thoát khỏi quê hương. Trong Nam ngoài Bắc đều có.  Sếp của tôi và của nó người miền giữa. Sếp thoáng lắm, ăn chơi cũng rất chi là “anh hai”. Chúng tôi đi theo tất nhiên phải phò sếp. Ăn ghẹ nói leo mà lị. Nếu không có sếp thì riêng chúng tôi cũng đủ “hắc” rồi, doanh nghiệp cũng phải “hầu” chúng tôi đến nơi đến chốn. Ây vậy mà không hiểu sao các “anh hai” không chịu ra ngoài Bắc nhận công tác. Công tác tổ chức đúng là có vấn đề. Quanh đi quẩn lại chỉ có thể điều được mấy ông lớn nhất nước.

 

Một lần sau giờ làm việc (cả chuyến công tác thì nhiều lần như vậy), ông chủ doanh nghiệp ngỏ ý mời chúng tôi đi ăn bữa tối. OK. Sếp vui vẻ nhận lời và chúng tôi thì cười theo. Cười rất chi là “ngoại giao”. Nó ăn đẫy xong các loại sơn hào hải vị, nó ăn rất khoẻ rồi nó đứng dậy xin phép về trước: “Các anh tiếp tục cuộc vui, tôi phải về”. Chẳng ai cản được nó, sếp nháy mắt ra hiệu cho tôi. Tôi chạy theo giữ hắn lại: “Sao mày bỏ tao ở lại?” “Chúng mày còn tăng hai, tăng ba. Tao chán cái trò đó, tao về. Mày ở lại mà phục vụ sếp. Nếu không thích thì về với tao”. Tôi không dám bỏ sếp ở lại một mình. Tôi muốn chứng tỏ với sếp sự tận tuỵ và trung thành của tôi. Hôm sau, mọi chuyện vẫn trôi đi bình thường. Tôi chú ý xem thái độ của hắn. Hắn cười: “Có vui vẻ không?” Tôi trả lời: “Chuyện vặt ấy mà.” Chẳng hiểu từ bao giờ, tôi lại bắt chước cái giọng của hắn. Đi công tác có em ún phục vụ qua đêm là chuyện dễ hiểu với các loại chức sắc có quyền, có tiền. Chẳng trừ một ai! Muốn là có. Đó đúng là chuyện vặt! Bàn cãi làm gì, người ta chỉ dối nhau mà thôi. Chỉ khổ những bà vợ chung thuỷ nằm một mình ở nhà chờ chồng. Nhưng các bà lại có cái khác, các bà có tiền. Tiền cũng có thể tìm được nguồn vui khác. Thí dụ nhé: “Đã bao giờ mày đến sàn nhảy chưa? Chưa phải không? Nơi đó là nơi của bọn choai choai đú đởn. Ta học Tây đủ điều, biết là nơi đó là nơi lắm tệ nạn đấy mà không tránh được. Rồi còn tranh cãi pháp lí nữa chứ. Bọn buôn chuyện rỗi hơi. Nơi đó nuôi được khối người, thằng thất nghiệp, gã lưu manh và cả những công bộc của dân nữa, nhiều ít đều được cái sàn nhảy huyên náo kia nuôi. Đừng nói không biết gì. Nếu phụ trách địa bàn mà nói không biết là có thể cách chức ngay được. Nhưng chuyện đó ít xảy ra lắm. Còn nói về cái sàn nhảy nhé, ngoài bọn trẻ con đú đởn còn có các ông bà tầm tầm ngoài bốn mươi, năm mươi gì đó, sẵn tiền nhưng thiếu tình. Họ đến đó để tìm tình niềm vui chốc lát. Các cụ xưa nói rồi “no cơm ấm cật…” mà. Có tiền thì mua được tình đấy, mua được nguồn vui đấy, mày hiểu chưa? Những cuộc tình dăm bữa, nửa tháng, hoặc lâu hơn chút nữa là từ đây, mày hiểu chưa, đôi khi cũng om xòm, tai tiếng là ở đây, già rồi lại giở chứng là ở đây, mày hiểu chưa?” Nó tống vào mặt tôi một loạt câu hỏi “hiểu chưa” như đại bác ấy.

 

Đấy là nói chuyện ăn sổi, chuyện của những phút giây chốc lát. Đáng nói hơn là chuyện tình nơi công sở, chuyện bồ nhí. Những chuyện như thế này vô cùng phong phú. Nghe nhiều rồi mà cứ lạ lẫm thế nào ấy, bởi nó khác với cái “ngày xưa bảo thủ” lắm. Chuyện tình nơi công sở nói chung là đậm đà hơn cái tình “mì ăn liền”. Tại sao ư? Bởi nó đã có sự đồng cảm rồi. Đương nhiên là những mối lo quẩn quanh vì cuộc sống phải ít đi. Thời buổi thông tin toàn cầu. Nhắn tin, di động chỉ chốc lát là đã gặp được nhau. Nhà nghỉ khắp nơi đều có và … chỉ còn ta với ta. Kinh tế dư giả sẽ khiến cho người ta phải nghĩ ra cách để hưởng thụ, phải tiêu hoá những thành quả mà mình làm ra. Cũng có thể thành quả đó thực sự là do mình làm được, cũng có thể là cơ chế tạo thuận lợi cho mình. Lẽ thông thường đồng tiền kiếm được càng khó khăn càng được chi tiêu đúng mức, kiếm được càng dễ càng phung phí quên trời luôn. Sếp của tôi và cả của nó nữa thuộc dạng thứ hai. Tiêu ra dáng công tử Bạc Liêu lắm. Mấy đồng đó có là gì đâu. Tiền chùa mà. “Mày biết sếp có bao nhiêu cái nhà không? Không hả, vậy mà cũng đòi làm tay chân thân cận. Mày có bao giờ nói chuyện với lái xe. Dù kiểu gì thì lâu lâu cũng vẫn bị lộ. Sếp có đi ta-xi mãi được đâu. Chuyện gì của sếp mà lái xe không biết. Đi chơi du lịch ngắn ngày, nghỉ mát bãi biển ngày hè oi bức. Thậm chí còn đưa được cả bồ ra nước ngoài ấy chứ. Nguồn tin là ở chỗ đó. Nhà của sếp bao tình nhân phải kín đáo. Ngõ nhỏ, phố nhỏ là nhà người tình của sếp…”

 

Tôi đi hầu sếp nhiều, cứ luôn thấy có điều gì canh cánh. Tôi nghĩ đến nó. Tại sao nó lại giải quyết gọn ghẽ thế nhỉ? Chẳng bao giờ nó mắc phải hoàn cảnh như tôi. Nhưng nó lại để cái khó khăn cho tôi. Tôi biết nhiều chuyện tình trong các mối quan hệ của sếp. Nó cũng biết. Vậy mà nó cứ tưng tửng đứng ngoài coi như chẳng có liên quan. Tôi cáu với nó. Có khi hầu sếp như vậy mà không được sếp tín nhiệm bằng nó đâu. Nó phán: “Đời cần những thằng như mày, mày được sếp tín nhiệm trong chuyện tình cảm. Cái đó khó lắm mới chiếm được lòng tin đấy. Có bao giờ lão ấy để ý đến tao đâu?” Tôi lại cáu với nó. Nó lại đổ thêm dầu: “Mày cũng có lợi đấy! Phải có những đứa như mày lo lắng cho sếp chứ, cũng như khối chuyện trên đời cần phải có người phụ hoạ mới thành công được.” Tôi nộ khí: “Mày cho tao là quân tốt đen trên bàn cờ hả?” Nó cười hô hố: “Thôi , chuyện vặt ấy mà!”

 

Mỗi lần xong việc, tôi có thời gian ngẫm nghĩ. Đúng là trên đời cần có những người như tôi. Thậm chí tôi còn tự hào vì có giao cho nó việc đó nó cũng không làm được. Nó đôi khi gọi tôi là “Hoà đại nhân” là thế. Cái giỏi là biết dùng người. Sếp của tôi và cả của nó đều biết dụng tôi và nó vào từng việc cụ thể. Vậy mà tôi cứ băn khoăn. Cái sự gọi là “tồn tại” của tôi và của nó khác nhau nhiều chứ. Nó bị sếp vất đi nó sẽ vẫn tồn tại. Tôi bị sếp vất đi là tôi chết. Tôi ngẫm là ngẫm cái chỗ khác nhau đó. Loại người như tôi nhiều hơn loại người như nó. Chả trách chi nước mình mãi vẫn cứ nghèo. Nếu tôi nói cái điều này ra với nó, nó có bảo là “chuyện vặt” không nhỉ?./.

 

Vinh Anh
Số lần đọc: 2501
Ngày đăng: 02.04.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bạn học đại học - Đỗ Ngọc Thạch
Sông sương mù - Lữ Quỳnh
Một thoáng hương xưa - Mộng Loan
Chị Lượm - Lê Minh Tú
Lấy chồng tây - Hoa Quỳnh
Chỗ của mỗi người - Khôi Vũ
Chuyện sẽ đến, đã đến… - Mang Viên Long
Gió ở lưng - Nguyễn Viện
Bóng tối dưới hầm - Lữ Quỳnh
Mê khúc - Thụy Vi
Cùng một tác giả
Mưu sinh (truyện ngắn)
Chuyện vặt (truyện ngắn)
Lão và hắn (truyện ngắn)
Phượng (truyện ngắn)
Công chức (truyện ngắn)
Gặp lại ngày xưa (truyện ngắn)
Lời từ nơi hư ảo (truyện ngắn)
Vào hội (truyện ngắn)
Bãi giữa (tạp văn)
Mùa thu (tạp văn)
Người quê (truyện ngắn)
Nhớ làng (truyện ngắn)
Bạn thời lính (truyện ngắn)
Ánh mắt sông quê (truyện ngắn)
Ngõ nhỏ ngày xưa (truyện ngắn)
Đất làng (tạp văn)
Ở rừng (truyện ngắn)
Chuyện tình kể lại (truyện ngắn)
Hai thằng nó và tôi (truyện ngắn)
Hương vô tình (truyện ngắn)