Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.093
123.231.007
 
Đồng đội
Trần Quang Vinh

Giữa Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào tôi bị thương, ra Bắc điều trị. Khoảng tháng sáu  về đoàn an dưỡng Quân khu Tả Ngạn. Không hiểu bằng cách nào Giảng biết địa chỉ, lò dò tìm đến, ôm chầm lấy tôi mà nói rằng, nhờ anh em mới thoát chết! Thầy u bắt em phải tìm  để hậu tạ. Cả gia tộc đều thọ ơn anh. Rồi Giảng trân trọng đưa cho tôi một gói quà. Đây là sâm Cao Ly, đường, sữa, thuốc lá. Nhất định anh phải nhận! Nếu không, em sẽ ân hận suốt đời.

       

Tôi tròn mắt ngạc nhiên! Chẳng hiểu mình đã cứu mạng Giảng như thế nào?

      

Ngồi xuống cạnh tôi Giảng bồi hồi bảo, anh là người đề nghị thủ trưởng cho em theo xe chở thương binh từ Xê Pôn về bệnh xá binh trạm. Thật ra hôm ấy em chỉ sốt nhẹ, uống  thuốc là khỏi ngay. Lúc xe bị trúng bom, anh đã kéo em từ thùng xe lật úp ra bên ngoài. Nếu anh bỏ mặc, chắc em đã thành nắm tro tàn ở cánh rừng khủng khiếp ấy. Mà cũng chỉ vì cứu bọn em nên anh mới bị thương.

      

Ngày em ở bệnh xá binh trạm trở về, tiểu đoàn đã hành quân vào Bê hai. Lạc đơn vị, em buộc phải ra Bắc, vào trạm thu dung. Bây giờ thành kẻ bơ vơ, bị người ta qui tội bỏ ngũ,  bê quay, nhục nhã lắm! Hôm nay tìm anh trước là để tạ ơn. Sau nữa là nhờ chứng nhận cùng đơn vị ở chiến trường. Phải có giấy này mới thoát tội bỏ ngũ. 

     

Chẳng hề đắn đo, tôi viết ngay giấy chứng nhận cho Giảng. Rồi xin dấu xác nhận của đoàn an dưỡng.

     

Chuyện chỉ có thế. Vậy mà sau này Giảng luôn tôn xưng tôi là ân nhân cứu mạng, là quí nhân phù trợ. Với đủ thứ ngôn từ hoa mỹ cao siêu.  

       

Hơn mười năm sống trong quân ngũ. Đã qua nhiều đơn vị. Bạn bè đồng đội kể cũng đến hàng trăm. Nhưng Giảng là trường hợp đặc biệt, giống như duyên nợ. Giảng nhập ngũ sau tôi hai năm. Bổ sung về đơn vị pháo cao xạ trong những ngày máy bay Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc. Giảng thường gọi tôi là thủ trưởng, hoặc anh, xưng em, cho dù chúng tôi bằng tuổi nhau. Mà chức vụ của tôi cũng chỉ là khẩu đội phó. Tức là còn dưới cả anh khẩu đội trưởng đầu binh, cuối cán.

        

Trước khi nhập ngũ Giảng là sinh viên văn khoa. Có lẽ vì thế nên rất khó hòa nhập với các chiến sĩ cùng khẩu đội vốn xuất thân nghề chài lưới, học chưa hết cấp một. Bởi thế Giảng chỉ gần gũi với tôi. Nhưng dù được tin yêu quí mến tôi vẫn ngần ngại khi chuyện trò với Giảng. Có thể do tính cách khác nhau. Giảng  nói năng cư xử văn hoa bài bản. Đôi khi lễ độ thái quá khiến tôi cảm thấy giả tạo. Đó chỉ là cảm giác, chứ thực ra Giảng  không đến nỗi nào. Những ngày bom đạn ác liệt, Giảng ăn ngủ luôn trong hầm pháo. Anh nói riêng với tôi rằng, sợ máy bay địch bất ngờ lao vào đánh bom tọa độ. Mới tuần trước đơn vị bạn trúng bom giữa giờ ăn cơm chiều, thương vong gần hết .

         

Những ngày tiểu đoàn chuẩn bị nhận nhiệm vụ đi chiến trường, Giảng có vẻ hoang mang. Anh buồn rầu tâm sự, bố là trưởng họ, chỉ có hai con trai. Người anh đi Bê dài bốn năm trước, hiện chưa có tin tức gì. Nếu Giảng tiếp tục vào chiến trường, bố anh khó sống nổi. Tôi  tròn mắt lắng nghe, không dám hé răng góp ý nửa lời .

     

Từ ngày rời đoàn an dưỡng, tôi không biết tin gì về Giảng. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hòa bình, thống nhất. Tôi chuyển ngành về Hà Nội học. Bất ngờ Giảng xuất hiện. Anh hào hứng kể, năm bảy sáu ra quân với quân hàm thiếu úy. Phục viên về quê để được gần vợ con. Nhưng đời sống quá khó khăn, xin trở lại đơn vị cũ làm kinh tế ở thành phố dầu khí phía nam, rồi chuyển toàn bộ gia đình vào định cư ở đó. Giảng không quên nhắc lại ơn xưa. Nài nỉ mời, có dịp vào chơi  thăm gia đình anh.

     

Gần chục năm sau, nghe lời khuyên của người bạn cùng học, tôi quyết định đưa vợ con vào vùng biển phương nam. Không ngờ ở đây tôi gặp lại Giảng. Hôm tôi đến thăm nhà, Giảng rối rít gọi vợ con ra chào. Anh hoan hỉ bảo, hôm nay phải ở lại ăn bữa cơm mừng ngày hội ngộ! Nói rồi anh kéo tôi đi ngắm toàn bộ khung cảnh căn nhà xây cấp bốn mới mua giá năm chỉ vàng. Nếu so với cánh công chức hành chính như tôi thì căn nhà thật tuyệt vời. Giảng chỉ xuống bãi biển gần đó bảo, vài ba ngày lại có một đợt tàu ghe đánh cá trở về. Sở dĩ mình ham mua căn nhà này là vì thế.

         

Giảng có vẻ tự tin hơn, không xưng hô anh anh, em em như trước nữa. Anh say sưa tâm sự, thời buổi thóc cao gạo kém, đồng lương chẳng đủ cho vợ con ăn quà sáng! Cần phải năng động. Tự cứu mình trước khi trời cứu! Rồi anh kể, đang làm công tác cung cấp thực phẩm cho giàn khoan của xí nghiệp khai thác dầu khí. Mỗi tháng cưỡi trực thăng đi biển vài ngày. Thời gian còn lại ở đất liền  giúp bà xã mở cửa hàng tạp hóa, kiêm ăn uống, kiêm các dịch vụ cung ứng vật dụng, nhu yếu phẩm cho tàu ghe đánh cá xa bờ. Khoản thu nhập này lớn hơn lương nhiều lần. Giảng nhìn tôi cười khà khà đầy vẻ mãn nguyện.

           

Thấy gia đình tôi sống eo hẹp, Giảng thương hại bảo, ông còn lơ ngơ lắm! Thời buổi kinh tế thị trường cần phải đổi mới tư duy! Năng động, sáng tạo. Rồi anh kéo tôi lên xe máy chở đi thăm thú thành phố. Anh giải thích, xem  người ta làm ăn  để mà tìm cách đổi đời.

    

Giảng đưa tôi dạo khắp các đường phố chính. Về tới nhà cơm rượu đã dọn sẵn. Thức nhắm hầu hết là hải sản tươi nguyên như cua, ghẹ, mực, tôm. Ăn uống ê hề. Suốt bữa, Giảng nhắc về kỷ niệm Trường Sơn, về bạn bè chiến hữu năm xưa. Không thể nào quên cái đêm quân dù đổ bộ xuống Đường 9. Thật khủng khiếp! Cứ nửa giờ hứng một loạt bom B52 rải thảm. Gần sáng thêm ba trái bom 15 tấn. Cách mười cây số mà đất dưới chân cứ ầm ì chuyển động. Cậu Ngọc, cậu Chấn hy sinh đêm ấy… Không thể ngờ lại có ngày bọn mình cùng ngồi nhậu ở đây, giữa  thành phố biển giàu đẹp nổi tiếng ở phương Nam như thế này.

      

Sau bữa nhậu hôm ấy, Giảng  còn đến căn hộ tập thể của tôi vài lần. Nhưng do cuộc mưu sinh bận rộn nhọc nhằn nên chúng tôi cũng ít gặp nhau. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã ngót chục năm, với bao sự đổi thay, người lên voi, kẻ xuống chó. Xí nghiệp dầu khí tăng lương gấp chục lần. Giảng đã được hưởng lương cao. Việc kinh doanh tại nhà cũng phát đạt. Từng là bạn chiến đấu, nhưng bây giờ Giảng đã thuộc tầng lớp công dân quý tộc, thu nhập hàng tháng gấp vài chục lần lương công chức của  tôi. Qua lại thăm nom, sợ mang tiếng là thấy người sang bắt quàng làm họ! Ấy là tôi hay nghĩ lẩn thẩn như thế chứ bạn bè đâu nỡ quay lưng.

     

Vào dịp kỷ niệm 30-4 năm trước, Giảng đứng ra tổ chức họp mặt bạn chiến đấu năm xưa.  Tự lái chiếc xe con mới mua đón tôi tận nhà, anh nháy mắt bảo, tới đặc sản ven biển. Các chiến hữu đang ở đó.    

     

Lúc đến nơi đã có hai người chờ. Giảng đưa tay kiểu cách bảo, anh Lê Hồi! Bạn chiến đấu trong chiến dịch tiến về Sài Gòn năm bảy nhăm. Bây giờ làm giám đốc một doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở tỉnh bên.  Lê Hồi ngại nhấc chiếc bụng phệ lên khỏi mặt ghế, cứ ngồi yên nắm tay tôi lắc lắc bảo, Giảng đã từng kể về ông .

      

Chìa cánh tay về phía ông gầy nhẳng ngồi bên cạnh Giảng giới thiệu. Còn ông này là Trần Đoàn, nguyên phóng viên mặt trận. Nhà báo tầm cỡ đó! Nhờ bức ảnh của ông ấy mà mình trở nên nổi tiếng.

      

Rồi Giảng tiếp tục giới thiệu tôi.

- Anh Bình là ân nhân cứu cứu mạng ! Suốt đời  phải đội ơn …

Trần Đoàn gật gật đầu chào.

Giảng vẫy tay gọi  em tiếp viên váy ngắn chân dài, cười cười bảo, hôm nay các em không phải tận tình. Cứ ngồi đó, cần gì bọn anh sẽ kêu. Chiến hữu họp mặt ôn lại truyền thống. Chuyện trò thật thoải mái!

     

Giảng cầm thực đơn nhìn lướt qua. Súp yến này! Chả rắn này! Ba ba hấp này... Lê Hồi bảo, nên nhậu vài món đặc sản thôi. Rượu thì chỉ một thứ Martin. Chiến hữu phải đồng cam cộng khổ (!) Trần Đoàn chắp tay vái dài, quân lệnh như sơn, xin chấp hành tuyệt đối .

     

Họ đều tỏ ra hào hứng, cởi mở. Không hiểu sao tôi lại cảm thấy mình cô đơn, lạc lõng? Chúng tôi là những người bạn chiến đấu, từ chiến tranh đi ra. Thoắt cái đã  một phần ba thế kỷ. Mỗi người mỗi phận. Rất nhiều người thành đạt. Tại sao tôi vẫn lạc lõng bơ vơ ?

      

Lê Hồi bảo, phải nâng cốc chúc mừng chiến tích của những người đồng đội. Trăm phần trăm! Không ai được phép Bê quay ! Vẫn là những ngôn từ thuở xưa, nhưng nghe thật khôi hài . Rượu vào bao tử, rượu bay thành lời. Nói vậy thôi, làm ăn không chỉ dựa vào tài năng, cần gặp vận may nữa, Lê Hồi lè nhè khẳng định. Em được chân giám đốc là do vận may. Chuyển ngành đúng thời điểm người ta cần mình. Rồi vợ em tậu một miếng đất thành phố, lúc mua vài cây vàng. Hai năm sau giá đất tăng vùn vụt, bán một nửa đã kiếm trăm cây. Thế là gặp may chứ tài cán gì!

       

Trần Đoàn bảo, ông Giảng tài thật sự đó! Tay không mà nổi cơ đồ. Giảng chắp hai tay cung kính thưa, mình chẳng bao giờ dám nhận tài cán. Cổ nhân nói may hơn khôn là cực kỳ chí lí. Bàn về vận may, xin kể một câu chuyện góp vui. Hồi ở chiến trường ra, được cử đi học quân chính. Mà cũng nhờ tờ giấy chứng nhận của  anh Bình  đó. Cuối năm bảy hai chiến trường Quảng Trị diễn ra rất căng thẳng. Trên yêu cầu bổ sung bốn mươi cán bộ trung đội chi viện cho Quảng Trị. Nghe tin ấy, có người tình nguyện đi. Nhưng cũng rất nhiều anh kêu hoàn cảnh gia đình neo đơn, đề nghị được ở lại. Mà các vị biết rồi đó! Thành cổ Quảng Trị được mệnh danh là cối xay thịt, vô cùng ác liệt. Thấy tình hình phức tạp, ban giám hiệu quyết định triệu tập cuộc họp để làm công tác tư tưởng. Chính ủy Chữ vốn là nhà hùng biện, nói suốt ba giờ liền. Đến phút chót ông chốt lại một câu : “Trên quyết định lấy gọn một trung đội bổ sung cho mặt trận. Rơi vào đồng chí nào, phải cắn răng mà chịu! Không ai được hoán đổi chi hết. Cứ coi như đó là số phận”. Cả hội trường đứng bật dậy vỗ tay rầm rầm. Có anh trầm trồ khen ngợi, nói bao nhiêu cũng thừa! Chỉ câu chốt cuối cùng là giá trị. Các vị biết không? Trung đội mình chính thức được cử đi Quảng Trị. Mà hoàn cảnh mình cũng đặc biệt, nhưng  không dám xin ở lại. Coi như không gặp may. Nhưng giống như câu chuyện Tái ông mất ngựa, trong cái rủi lại có cái may. Vào đến nơi thì chiến dịch kết thúc. Nghiễm nhiên được coi là những người anh hùng. Rồi gặp phóng viên Trần Đoàn. Chụp bức ảnh chiến sĩ Thành Cổ. Thế là nổi tiếng!

       

Trần Đoàn tỏ vẻ thích thú bảo, phải nâng li trăm phần trăm chúc mừng sự may mắn! Chúc các chiến hữu phát đạt, giàu có! Mà này, bức ảnh ngày ấy được bảo tàng mua trưng bày từ năm ngoái. Ông thành nhân vật lịch sử rồi đó! Xin mời,. Dô, dô, ...dô!...

      

Vốn không uống được rượu, lại chưa từng được nếm rượu Tây bao giờ, nên tôi rụt rè đặt ly rượu kề môi cho phải phép.

      

Không được! Phải hết mình với chiến hữu! Lê Hồi đứng dậy ép cụng ly. Rồi đến Trần Đoàn, Giảng. Lại quay về Lê Hồi …. Trăm phần trăm! Chúc mừng sự phồn vinh của thành phố du lịch, dầu khí.

      

Đầu nóng bừng bừng như lửa đốt. Toàn thân bồng bềnh, bồng bềnh như đứng trên con thuyền cưỡi sóng giữa đại dương. Nhìn sang bên thấy hai, ba, bốn, năm … Lê Hồi, Trần Đoàn, Giảng… Rồi hàng đàn hàng lũ những em tiếp viên váy ngắn chân dài, nói cười, bay lượn, vòng vèo như đàn bướm .

           

Sáng hôm sau tỉnh dậy, mệt mỏi bơ phờ, đầu nặng trình trịch. Khát nước quá, tôi loạng choạng đứng dậy tìm nước uống. Bên ngoài mưa rơi, gió rít. Quái, mùa mưa đến từ bao giờ nhỉ? Vợ tôi đang lau nhà càu nhàu kêu ca thói đua đòi nhậu nhẹt. Vừa lúc ấy có tiếng người lạ đứng ở cửa nói với vợ tôi bằng vẻ cầu xin: “Chị làm ơn cho mấy ngàn mua vé về quê!”  Vợ tôi khó chịu bảo, chúng tôi cũng nghèo chẳng kém gì anh. Đi ăn xin phải tìm những nơi giàu có chứ!

     

Người đàn ông lạ mặt giải thích rằng xin tiền vì cơ nhỡ, chứ không phải là kẻ xin ăn. Vợ tôi bĩu môi bảo, bệnh sĩ chết trước si đa(!) Những kẻ ăn xin đều như nhau cả !

    

Tôi tò mò đi ra phòng ngoài nhìn . Hình như có nét quen quen. Chợt người nọ kêu to, thủ trưởng Bình phải không? Rồi sấn sổ bước tới rối rít giới thiệu, em là thằng Bường, lính tiểu đội ba, trung đội một, đại đội mười bốn của thủ trưởng đây!

     

Đúng là Bường thật! Lính của tôi, bạn chiến đấu của tôi. Nhưng trông Bường quá già so với tuổi. Bường kể, sau ngày thủ trưởng chuyển đơn vị mới, em phục viên về quê làm ruộng. Đời sống không đến nỗi tệ. Nhưng cô con gái lớn theo bạn bỏ nhà ra đi. Nghe đồn làm tiếp viên ở thành phố này. Bởi thế mới phải cất công vào đây tìm con. Khổ nỗi, địa chỉ không có, nên  lang thang dò hỏi mấy ngày ở các nhà hàng mà không tìm ra. Bây giờ hết tiền, không người thân thích, đành nhẫn nhục hạ mình cầu xin .

           

Nghe Bường kể, tôi ngồi lặng. Sao đến nông nỗi này, Bường ơi !./.

 

Trần Quang Vinh
Số lần đọc: 2219
Ngày đăng: 02.04.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bạn học đại học - Đỗ Ngọc Thạch
Sông sương mù - Lữ Quỳnh
Một thoáng hương xưa - Mộng Loan
Chị Lượm - Lê Minh Tú
Lấy chồng tây - Hoa Quỳnh
Chỗ của mỗi người - Khôi Vũ
Chuyện sẽ đến, đã đến… - Mang Viên Long
Gió ở lưng - Nguyễn Viện
Bóng tối dưới hầm - Lữ Quỳnh
Mê khúc - Thụy Vi