Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.091
123.231.807
 
Ông bụt ở ấp Ka-liêu *
Phan Đức Nam

Khi tôi hỏi về hai đứa trẻ bị nhiễm chất độc da cam... Ông Ba Minh lặng người! Sau đó buồn buồn nói: “Một đứa mới chết rồi chú ơi!...”

Tôi lặng nhìn người thương binh già...

Trước khi đến đây, qua báo chí và nhiều người kể: Ở xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước có hai đứa trẻ bị nhiễm chất độc da cam. Từ năm 1990, gia đình ông Minh chuyển tới làm ăn sinh sống ở ấp Ka Liêu, ông đã phụ với xã nuôi hai đứa trẻ tội nghiệp này. Mỗi tháng ông còn trích từ đồng lương hưu thương binh 3/4 của mình (chỉ hơn 600 ngàn) để phụ cấp thêm cho mỗi đứa 100 ngàn.

Anh Hồ Văn Tiến - Phó ấp Ka Liêu, kiêm Trưởng công an ấp nói với tôi: “Hiện nhà nước cho mỗi em 180 ngàn đồng một tháng. Thời buổi này không đủ nuôi đứa trẻ khỏe mạnh lành lặn, huống chi mấy em đó bệnh tật đủ thứ, đã không làm gì được mà còn phải có người chăm sóc. Từ khi về đây, ba Minh đã giúp các em rất nhiều, nào là gạo mắm, tiền bạc, thuốc men... Hễ đứa nào đau là ổng bỏ công bỏ việc chạy tới thăm, thấy nặng là kêu xe chở tới bệnh viện gấp”.

Anh Trưởng công an ấp Ka Liêu gọi người thương binh già 85 tuổi ấy bằng “ba” - Anh Tiến kính trọng và coi ông Minh như ba mình. Thoạt đầu tôi cứ tưởng ông  thứ ba, sau mới biết trong gia đình ông là “anh Hai” lớn nhất. Ngay từ khi ông Minh còn ở Rạch Giá, do lớn tuổi và tốt bụng, người ta đã gọi ông bằng “ba”.

Ba Minh kể với tôi: “Tui mới lo đám cho thằng nhỏ xong. Tội nghiệp! Nhà nó nghèo quá! Để qua trăm ngày tui sẽ mua vài bao xi-măng xây cho nó nắm mộ.” Anh Hồ Văn Tiến hồ hởi: “Cảm ơn ba. Có ba đứng ra, con sẽ vận động bà con góp thêm gạch cát, xin xã tiền công xá... Mình phải xây ngôi mộ đàng hoàng - coi như làm mẫu trong khu nghĩa trang tình nghĩa xã. Bà con dân tộc sẽ theo đó mà bắt chước.”

Ông Ba Minh gật đầu, quay qua tôi: “Tội nghiệp thằng nhỏ đó lắm chú nhà báo à. Mỗi khi tui tới thăm nó, nó cứ trân trân nhìn tui, nhìn những người chung quanh, rồi nhìn lên Trời... Mắt nó ngơ ngác và thiệt buồn! Như muốn khóc mà không khóc được! Như muốn hỏi tại sao mình lại bị như vầy?”

Tôi nghe mà xót xa!... Ông nói như than, như hỏi Trời xanh? Như hỏi cuộc đời này, hỏi chiến tranh đã qua... Ông nói như thay lời thằng nhỏ xấu số đã mất.

Tôi và anh Hồ Văn Tiến ngồi im lắng nghe. Ông Minh rót nước trà ra ly, nói với anh Tiến: “Từ rày... chú chuyển tiền gạo trợ cấp của tui qua thằng nhỏ kia luôn nghe...” Anh Tiến gật. Tôi hiểu là số tiền gạo ông Minh dành cho thằng nhỏ đã chết, từ nay chuyển hết cho thằng nhỏ còn sống - nghĩa là nó sẽ được hai phần. Tôi chợt tê tái nghĩ: Vậy là... người chết cũng phụ nuôi người sống!...

Ông Nguyễn Hoàng Minh sinh năm 1925, quê Rạch Giá (giờ là Kiên Giang) đến mùa xuân năm nay (2010) ông đã 86 tuổi rồi, hai tai ông hơi lãng nhưng trí óc còn minh mẫn, lại đầy nhiệt huyết từ tâm.

“Năm bốn sáu tui đi bộ đội, ở tiểu đoàn 123 Quân khu 9. Tui làm hậu cần 3 năm. Hồi đó tui mạnh lắm! Tui xin ra trận, ôm súng nặng đeo đạn cối chạy ào ào hổng biết mệt gì hết. Chín năm kháng chiến trường kỳ chống Pháp, tui đi đánh giặc tùm lum. Mỗi khi về Quân khu tui hay gặp ông Lê Đức Anh, ông Võ Văn Kiệt. Ông Kiệt người cùng quê với tui, tui kêu là “anh Năm Lục” - ổng hơn tui 2 tuổi, cùng Tiểu đoàn với tui. Ổng có trình độ nên ở bên Dân chính.

Năm năm hai tui bị thương ở vai phải nằm Quân y viện. Tới năm năm tư tui xin tập kết ra Bắc, nhưng ông Kiệt động viên ở lại, ổng nói: “Anh bị thương, sức khỏe chưa phục hồi, ở lại làm quân lương hay hơn. Là chiến sĩ thì đâu cũng là đánh giậc.” Hổng dè chiến tranh kéo dài lâu quá xá! Đời lính du kích địa phương như tui nằm ngay giữa lòng địch, gian khổ hổng nói gì, chớ nguy hiểm luôn cận kề, hở chút là chết. Lúc đó tui tâm nguyện: Sau hòa bình, nếu còn sống, mình sẽ ráng làm ăn để có điều kiện giúp đỡ anh em đồng đội - nhứt là thân nhân những người bạn mình đã hy sinh”.

Khi ông Minh vô nhà trong thay quần áo chuẩn bị dẫn tui qua thôn, anh Hồ Văn Tiến tranh thủ kể với tôi: “Ba Minh vậy đó. Ba tốt bụng lắm và luôn là người đi đầu. Xã này có ba thôn - 80% là dân Khơmer chạy nạn diệt chủng Pôn Pốt sang. Người Khơmer  gọi thôn là sóc - Sóc Ka Liêu, sóc Ka Tê và sóc Cần Giựt - cả ba già làng trong xã này đều nể và kính trọng ba Minh, không phải vì mỗi năm ba Minh giúp hơn tấn gạo cứu đói họ đâu, mà chính vì tấm lòng của ba - tấm lòng của Bụt. Dân Khơmer thờ Phật, ba Minh là ông Phật sống đất này, họ gọi ba là “ông Bụt Minh”.

Sau nạn diệt chủng, dân Khơmer ở đây mới dám quay về Miên thăm quê hương. Họ kể chuyện Bụt Minh với bà con láng giềng bên đó, vậy là danh thơm Bụt Minh lan xa ngoài biên giới. Về mặt chính trị thu phục nhân tâm thì ba Minh là tấm gương điển hình sáng chói của cả hai dân tộc Việt Nam và Campuchia đó anh à. Xã tui rất lấy làm tự hào”.

Tôi lắng nghe, gật đầu thông hiểu, lòng thêm kính phục người thương binh già. Chính tôi cũng muốn gọi ông bằng ba, muốn được là con của ba Minh đầy đức độ. Huống chi những người dân ở vùng cận biên hẻo lánh này - chỉ cách đất Miên bảy tám cây số - bên kia là tỉnh Con Bon Chàm của đất nước Campuchia. Trong lúc những người dân Campuchia hiền lành bị khủng bố giết hại bởi bọn diệt chủng Pôn Pốt, phải chạy sang đất Việt lánh nạn, thì ba Minh như một ông Bụt giang tay cứu nạn cứu khổ cho họ. Họ kính phục thương mến ông là phải, và gắn bó thân thiết với quê hương thứ hai của mình.

Tôi đang  nghĩ lan man thì ông Minh từ nhà trong dẫn chiếc cúp cánh én tàng tàng ra, tôi và Hồ Văn Tiến cũng chuẩn bị lên xe. Khi chúng tôi ra khỏi cửa, anh Tiến chỉ cho tôi xem một vòm cổng lớn - được xây đúc cao rộng uy nghi ngay con đường chính từ quốc lộ 13 dẫn vào ấp Ka Liêu. Anh Tiến nói: “Cái cổng lớn đó là do ba Minh tự bỏ tiền kéo thợ về làm đó anh”.

Tôi dừng lại ngắm vòm cổng lớn chắc đẹp đó thì ông Minh phân trần: “Tui chỉ bỏ ra có hơn 5 triệu, còn xã cho tiền công thợ, bà con mỗi người góp một tay... Vậy là ấp tui có cái cổng đẹp nhứt xã.”

Tôi nghe mà thích thú. Lại nghĩ thời nay có nhiều “đại gia”, nhiều “danh gia” bỏ ra hàng đống tiền để xây chùa lớn, đưa cả dòng họ mình vào thờ, có người còn thuê thợ đúc cả tượng mình ngay lúc còn sống, khoe rằng người này người kia tặng, rồi trang trọng để giữa nhà cho oai, ý là sau này khi ta chết đi sẽ có nhiều người ái mộ tưởng nhớ, sẽ có cả bia ghi công đức lưu danh hậu thế. Còn Bụt Minh, ông chỉ là một cựu binh, là thương binh già, nửa đời chiến đấu, nửa đời cần cù lao động, quần quật với ruộng vườn, gom góp được chút tiền là hào sảng giúp bà con láng giềng nghèo khổ hơn mình. Có kẻ cho rằng ông hâm, ông già hâm ấy không bao giờ nghĩ, và có nghĩ cũng không dám khắc tên vào cái cổng ấp do mình bỏ tiền ra làm. Cũng phải thôi! Cái cổng giản dị ấy có đáng gì đâu, chi phí tổng cộng chỉ hơn 6 triệu đồng.

Qua ba Minh và anh Hồ Văn Tiến, tôi được gặp em Lâm Thươn - dân tộc Khơmer - tại nhà già làng Lâm Tôn. Lâm Thươn đã 18 tuổi rồi mà nhỏ bé ốm yếu như trẻ 12, 13 tuổi, em bị liệt hai chân từ nhỏ, phải ngồi xe lăn. Lâm Thươn có gương mặt xương khắc khổ, u buồn hốc hác. Khi tôi ngỏ ý muốn chụp hình em cùng với Bụt Minh và già làng, thì em cứ rụt rè ngài ngại... Tôi hỏi thì em mới nói - lẫn lộn bằng tiếng Khơmer và tiếng Việt, nghe không đâu vào đâu! Dường như trí óc em cũng bị liệt phần nào. Em trả lời tôi mà cứ nắm chặt tay ông già Minh - ân nhân của em, ông Bụt của em.

Còn về tâm nguyện của ba Minh đối với đồng đội, ông chỉ tâm sự chút ít với tôi thôi, chính anh Hồ Văn Tiến mới là người kể cho tôi nghe những việc làm thiết thực và nhiều ý nghĩa của người thương binh già:

“Ba Minh đã bàn với vợ con hiến 1 mẫu đất rẫy nhà mình để làm Nghĩa trang tình nghĩa xã, rồi giao cho Hội Cựu chiến binh quản lý. Ba tới Ủy ban xã nói: “Tui thường đi dự nhiều đám tang trong thôn xóm, thấy bà con mai táng người thân ngay trong vườn hoặc nương rẫy của gia đình... Sau mỗi lần mưa lũ xói mòn dễ thất lạc, vừa không văn hóa vừa ô nhiễm môi trường. Chẳng qua vì địa phương mình chưa có nghĩa trang tập trung. Giờ tui xin hiến mẫu đất để làm Nghĩa trang tình nghĩa, trước là có chỗ chôn anh em đồng đội khi qua đời, sau là bà con trong xã.” Dĩ nhiên cả Ủy ban hoan hô! Việc công này chính quyền chưa kịp làm thì ba Minh tình nguyện làm trước. Có đất rồi, các ông trong Hội Cựu chiến binh bắt tay “qui hoạch”, phân khu chia lô đâu đó thẳng hàng. Có nghĩa trang thì phải có hàng rào để ngăn trâu bò vô phá, phải có cổng, có nhà vĩnh biệt... Ba Minh lại đi đầu, ổng làm trước nói sau, nên ai cũng tin tưởng hồ hởi noi theo.

Từ đó hễ địa phương có việc gì trọng đại là tới ba Minh, ba già cả lớn tuổi nhưng luôn đi đầu, hăng hái đóng góp. Tụi tui nhiều người gọi ổng bằng ba, còn anh em cán bộ trên xã gọi ổng là ông Ba Nhứt, bởi ông có 3 cái nhứt: Là thương binh già nhứt xã, ổng đóng góp làm từ thiện nhiều và hiệu quả nhứt, và cái nhứt thứ ba là được dân làng kính trọng nhứt. Thiệt vậy đó anh - Mỗi năm ba Minh cắt tấn rưỡi gạo giúp bà con nghèo trong xã - bất luận dân tộc nào. Xã lập danh sách, gia đình được cứu trợ cầm phiếu do xã xác nhận, cứ đến nhà ba Minh mà lãnh gạo. Mấy năm trước, trong Hội nghị Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi tỉnh Bình Phước, ông Nguyễn Tấn Hưng lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ôm lấy ba Minh mà cảm ơn: “Tôi nghe nói về bác nhiều. Bác già cả như vầy, tám mươi mấy tuổi rồi, có giàu có chi, mỗi năm gia đình bác thu hai ba chục triệu, mà bác dám bỏ ra cả chục triệu làm từ thiện thì tôi kính phục và nể bác thiệt! Bác còn giúp công giúp sức cho bà con vượt lên đói nghèo, xây dựng cổng ấp, làng văn hóa... Bác là tấm gương lớn cho mọi người học tập...”

Tôi lắng nghe và ghi nhớ, thỉnh thoảng ghi chép, rồi nghĩ ngợi... Nhiều thanh niên, nhiều doanh nhân đương thời chưa chắc đã nhiệt tình với cộng đồng xã hội như ông Ba Nhứt. Nhiều người tưởng ông giàu lắm, ông xuất thân là lính tay trắng, là thương binh nghèo, với đồng lương hưu còm, ông phải tìm cách làm ăn để nuôi vợ con. Ông lân la đi thăm lại chiến trường xưa, thăm bạn bè, người còn người mất, tới đâu cũng để ý học hỏi cách làm ăn. Một ngày, ông tới Tà Thiết - căn cứ cách mạng của Miền Đông Nam bộ, và học được cách cải tạo vườn tạp, cộng với kinh nghiệm lâu đời của dân miệt vườn miền Tây quê ông. Đầu tiên ông làm 2 mẫu vườn ở xã Lộc Thiện, trồng nhiều loại cây ăn trái theo mô hình VAC (vườn - ao - chuồng) Vợ chồng con cái quần quật làm, dưới cái đầu chỉ huy của người cựu binh từng lăn lóc qua hai cuộc kháng chiến. Ông Minh nghĩ muốn có đất rộng để phát triển phải vào vùng sâu vùng xa, ông mạnh dạn về ấp Ka Liêu gần biên giới Việt - Miên phát rẫy làm vườn. Qua bao năm gian lao cần cù làm việc, gia đình ông đã có của ăn của để, có được 5 ha ruộng vườn. Ông đem kinh nghiệm làm ăn của mình truyền cho bà con xóm làng. Gia đình nào nghèo ông giúp họ cây giống, phân bón... Từ năm 1988 đến nay, ông đều đặn giúp đỡ các hộ nghèo từ một đến hai tấn gạo, hỗ trợ vốn cho 8 gia đình thương bệnh binh trong xã Lộc Thành, để họ lám ăn phát triển vươn lên thoát nghèo.

Với 5 ha đất vườn được tạo ra từ bàn tay, khối óc và công sức của cả gia đình, có thể nói gia đình ông Minh thuộc hàng “khá giả” trong xã biên giới nghèo này. Nhưng so với các “đại gia” mới phất, các “sếp” gặp thời, chớp mắt có trong tay hàng  chục hàng trăm mẫu đất thì chẳng ăn thua gì. Vậy mà ông đã dám cắt đất mình hiến cho xã 1 ha để làm Nghĩa trang tình thương. Kỳ vợ ông bệnh, rồi tới ông bệnh, phải bán đi 1 ha để có tiền chạy chữa thang thuốc.

“Tui được 8 người con cả thảy, nhưng giờ chỉ còn 4. Tui già rồi không làm vườn nổi nữa, tui chia đất cho tụi nó, đứa nào lấy đất thì lấy, đứa còn ở Rạch Giá thì bán đất lấy tiền làm vốn. Tui chỉ giữ lại 2 mẫu giao cho đứa lớn ở thôn bên. Vợ chồng nó 1 mẫu, vợ chồng tui 1 mẫu - nó làm hết, lấy  lợi tức chia tui, tui san sẻ cho bà con... Khi vợ chồng tui mất thì là của nó”.

Chuyện về ông Bụt Minh cứ giản dị như trái bắp củ khoai, thầm thì nhẹ nhàng như con sông nhỏ, lặng lẽ đêm ngày bồi đắp phù sa.

Những việc làm từ thiện của Bụt Minh thì nhiều người ở đây biết quá rõ. Tổng cộng số tiền ông chi ra mỗi năm chẳng thấm tháp gì với những Mạnh thường quân bỏ ra hàng trăm triệu, chỉ là cái nhích mép với những tỉ phú tài trợ các cuộc thi thể thao, thi hoa hậu để lấy tiếng tạo thế kinh doanh. Thật sự tôi không dám so sánh, nhưng có lẽ tôi sẽ thiếu sót nếu không kể thêm một việc làm phúc đầy cảm động của ông Bụt Minh, đó là xây dựng cây cầu trong ấp Ka Liêu.

Ông Minh, anh Hồ Văn Tiến và tôi đang đứng trên cây cầu này - cách nhà Bụt Minh chưa tới 1km. Mặt cầu Ka Liêu được ghép gỗ ván dầu dầy 10 phân, cầu dài gần 20m, rộng 5m - được kê trên hai trụ bê-tông đá tảng chắc chắn. Bụt Minh kể: “Trước năm 2.000, cây cầu này làm bằng tre -chỉ hơn cái cầu tre lắc lẻo ở miền Tây quê tôi một chút. Năm đó, một chiều chạng vạng, cha con tui đi rẫy về, ngang qua Cầu Tre thì chứng kiến một vụ thương tâm: Một thằng bé chăn trâu bị lũ cuốn! Bởi có trâu nên nó không thể qua Cầu Tre được, đành lùa trâu qua khúc suối cạn dưới kia - Bụt Minh vừa kể vừa chỉ xuống dưới cầu. Mùa này nước cạn cho tôi thấy dưới đó lộ ra những vết bánh xe bò. Anh Hồ Văn Tiến cho biết cả xe cơ giới vào mùa khô cũng băng qua khúc suối cạn đó.

“Thằng nhỏ cùng mấy con trâu đang lần tới giữa suối cạn thì bất thần cơn lũ lớn đổ xuống! - Bụt Minh chỉ tay lên ngàn - Trên đó cao quá mà! Sức trâu còn không chịu nổi huống chi thằng nhỏ!... Cha con tui cùng mấy người đi rẫy về, đứng trên Cầu Tre chứng kiến cảnh nó chới với cầu cứu tuyệt vọng mà đành bất lực! Từ đó tui cứ bị ám ảnh bởi cái chết của thằng nhỏ chăn trâu. Phải chi có cái cầu chắc chắn bắc ngang thì nó không phải lùa trâu băng qua suối... Vậy rồi ngay năm sau - năm 2001 - cũng mùa lũ lớn, cây Cầu Tre yếu ớt bị lũ cuốn băng - trên đó không may có một bà mua đồ nhôm và ve chai dạo... Tội nghiệp quá! Tui thấy chồng con bà ta ôm mặt khóc bên cái xác ướt rũ lấm lem bùn đất của nạn nhân mà không cầm được nước mắt.

Thế rồi tui quyết định làm cầu. Nhứt định phải làm.

Lúc đó các con tui hùn nhau gom góp tính xây nhà cho cha mẹ, chớ bao năm lo làm ăn toàn ở nhà tre lợp lá không hà. Tui nói với vợ và các con: “Gia đình mình đủ ăn, các con đã ra riêng, nhà cửa ở vậy được rồi. So với bà con trong ấp đã khá hơn. Tiền bạc vật liệu làm nhà nên gác lại, dành xây cây cầu làm việc nghĩa trước...” Lúc đầu, ý kiến của tui bị vợ con phản đối, thằng Hai nói: “Xây cầu là việc của chính quyền, của cộng đồng, một mình nhà ta lo sao đặng? Việc giúp đỡ bà con trong xã ấp này ba đã làm nhiều rồi, giờ lấy tiền làm nhà mà xây cầu thì không được. ba má già rồi...” Tui phải kiên trì thuyết phục, gần như năn nỉ vợ con: “Đành rằng vậy! Nhưng ba thấy nhà mình còn ở được, có dột nát chút đỉnh thì qua mùa khô ba sẽ mua thêm lá lợp chặn. Chớ xây nhà để ở sạch sẽ khang trang mà bà con ấp xã cứ phải lội suối, giờ Cầu Tre đã bị cuốn rồi. Tới mùa lũ về biết đâu lại có thêm người chết, trẻ con không dám đi học, ngay cha con mình qua lại cũng sợ, thì ba thấy có ở nhà rộng đẹp cũng chẳng an tâm sung sướng chút nào. Ba má già rồi cũng sẽ chết, xây nhà xây cửa làm chi! Gia đình mình làm việc nghĩa thì các con chớ nên so tính hơn thiệt.” Lúc đó vợ con tui mới chịu, nhưng tui biết họ còn ấm ức lắm!

Khi tui tới Ủy ban bàn việc xây cầu bằng kinh phí riêng của gia đình, nhiều người tưởng tui nói chơi, có người nói tui bao đồng, sau thấy tui thực sự nghiêm túc, xã chỉ còn biết cảm ơn.

Thế là tui trực tiếp đứng ra “chỉ đạo” xây móng làm cầu. Biết bà con trong ấp còn nghèo, tui chỉ hô hào họ góp công sức đắp đường, có người góp ván. Bà con hồ hởi lắm! Vợ chồng con cái kéo nhau ra phụ, làm cầu cho mình chớ cho ai.

Lúc đó vợ con tui mới thấm hiểu ý nghĩa của việc xây cầu. Tui vui lắm! Chú nhà báo hiểu không?”

Tôi gật đầu nhìn ông Bụt Minh, gương mặt ông sáng láng phúc hậu, ông cười nắm tay tôi: “Khi cầu làm xong, xã đề nghị đặt tên là cầu Ông Minh - vì ngay lúc khởi công bà con trong ấp đã gọi vậy rồi. Tui nhứt định không chịu. Mình bỏ ra chưa tới hai chục triệu mà... Rồi chính tui, vợ tui, và con cháu tui cũng được đi qua cầu đó an toàn - vậy là sướng quá rồi!”

Với Bụt Minh thì làm cầu cho cộng đồng hơn xây nhà cho mình. Vợ con ông đã hiểu, ngay năm sau các con ông lại hùn nhau làm nhà cho cha mẹ. Ông bảo thợ đắp nổi đôi câu đối vào hai bên cổng nhà mình:

Tiền bạc như phấn thổ

Nhân nghĩa tựa thiên kim.

 

Cầu Tre yếu ớt ngày xưa giờ đã trôi vào dĩ vãng, thay vào đó là cầu Ka Liêu vững chãi an toàn. Đây là cây cầu đầu tiên được xây móng bê-tông đá tảng ở xã Lộc Thành. Từ khi có cầu Ka Liêu, lưu thông thuận lợi rõ rệt, xe máy cày kéo rờ-moọc chở lúa khoai qua lại khỏe, việc mua bán thông thương dễ dàng, góp phần phát triển kinh tế trong ấp xã.

Anh Hồ Văn Tiến “khoe” với tôi: “Anh biết không, cầu Ka Liêu cứu được người rồi đó. Mới đêm qua, có một bà khó đẻ - nhà ở tuốt thôn xa, y tá xã đã bó tay, phải gọi điện cấp cứu. Nhờ cây cầu, xe cứu thương trên huyện mới chạy được tới tận nơi, cứu sống cả hai mẹ con. Bà con ở đây cảm ơn ông Bụt nhiều lắm! Họ bàn nhau Tết này tổ chức mừng thượng thọ ông đó.”

Tôi gật đầu, mỉm cười ngắm gương mặt phúc hậu của Bụt Minh đang từ từ ửng đỏ... Ôi lão Bụt 85 tuổi rồi mà còn mắc cở, bẽn lẽn hồn nhiên như trẻ con...

Mùa xuân lên biên giới gặp được ông Bụt đáng yêu này thật vui, thấy đời còn nhiều ý nghĩa, lòng tôi khoan khoái nhẹ nhàng, sang năm chắc được may mắn.../.

 

Ấp Ka Liêu - Lộc Thành - Bình Phước

Tháng 12-2009

 

 

 

Phan Đức Nam
Số lần đọc: 2138
Ngày đăng: 04.04.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nghìn năm vàng dấu cát - Văn Thành Lê
Xuôi dòng - Lữ Kiều
Tình yêu đầu tiên / Ca khúc đầu tiên - Sâm Thương
Hoài niệm về “Trẻ dáng nâu” - Vũ Quốc Hùng*
Phở Hà Nội ở Sài Gòn - Võ Ðắc Danh
Làng Phước Tích, và Bức Tranh Cổ Ngọc - Thụy Vi
Quê xứ Bạc Liêu - Ngô Kế Tựu
Miền ký ức màu xanh - Thụy Vi
Bụi đời hay nghiệp lang thang? - Vân Hạ
Tết Dallas - Ngô Kế Tựu
Cùng một tác giả
Những mảnh đời * (truyện ngắn)
Cỗ ngai (*) (truyện ngắn)
Gió lạ (truyện ngắn)
Ông tôi (truyện ngắn)
Bóng chiều (truyện ngắn)
Đốm lửa (truyện ngắn)
Người hóa hổ (truyện ngắn)
Bức tường * (truyện ngắn)
Trời Rộng Sông Dài (truyện ngắn)