Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.157
123.224.861
 
San hô
Khôi Vũ

Thứ sáu...

                   

Chiều nay, ngày áp chót của khóa học, thầy George bị hắt hơi liên tục, thầy Davis cũng uể oải thấy rõ. Học viên chúng tôi càng xuống sức hơn. Chương trình học tương đối nặng, vừa lý thuyết vừa thực tập, giảng dạy, trao đổi tất cả đều bằng tiếng Anh trong khi thời gian vỏn vẹn có năm ngày. Lịch làm việc cứ đều đặn: Học từ tám giờ sáng đến mười hai hoặc một giờ trưa, cơm trưa và nghỉ ngơi đến hai giờ, học tiếp đến năm rưỡi, sáu giờ chiều, cơm chiều rồi ôn tập, chuẩn bị thực tập cho hôm sau đến mười một, mười hai giờ đêm mới có thể chợp mắt. Giờ giấc làm việc như thế có lẽ là bình thường với người nước ngoài nhưng quả là căng với người mình. Nhưng không thể khác hơn. Thầy ở nước ngoài đến, chương trình thống nhất chung cho các quốc gia.  Phải cố gắng mà theo thôi!

 

Năm giờ chiều, sớm hơn mọi ngày, thầy George tuyên bố nghỉ và ông cáo lỗi sẽ không cùng ăn chiều với mọi người. Thầy Davis cũng “Very sorry” và vắng mặt.

Chiếc Microbus đưa chúng tôi tới nhà hàng Yến. Khác với mấy bữa trước, Hòa đặt bữa toàn món ăn Tây.

- Thay đổi không khí!

 

Hòa nói vui.

Tôi nghĩ: “Một bữa ăn Tây toàn người Việt”. Rồi nhìn trên bàn ăn, trước mặt mình. Thời gian gần đây, các nhà hàng có mốt trải thêm khăn bàn màu đậm theo hình thoi phủ lên khăn trắng kiểu cũ. Bình bông tươi có ba đóa hồng dễ nhận ra là từ Đà Lạt đem xuống. Chén trên dĩa, muỗng, nĩa, dao. Không có những đôi đũa bỏ trong bao giấy in tên nhà hàng. Bữa ăn Tây!

Dàn nhạc sống trên bục sát cửa ra vào chấm dứt một bản nhạc nước ngoài. Khách ở bàn ăn gần đó, toàn người nước ngoài, vỗ tay. Ở những bàn khác cũng lác đác tiếng vỗ tay. Ba nhạc công, một piano, một violon và một guitar thùng, sắc mặt không biểu cảm, cùng rời khỏi bục biểu diễn. Đã đến giờ nghỉ của họ. Thay chỗ là một cô bé còn trong tuổi học trò bước tới bên chiếc piano. Tiếng dương cầm vang lên thánh thót.

 

Vào lúc này, trước mặt tôi là một khoanh cá rán lớn bằng lòng bàn tay. Mọi người trong bàn đều có phần như thế. Bữa ăn Tây! Tự dưng tôi ngước lên nhìn về phía ba nhạc công. Họ ngồi tụm lại một góc nhà hàng uống trà. Trà chứ không phải cà phê hay một món giải khát nào khác. Bữa cơm gia đình họ chiều nay có được một khoanh cá rán như trước mặt tôi đây không? Cô bé đang chơi piano có thích cá rán không? Cô bé có còn đọc Đôrêmon, chú mèo máy thích bánh rán, hay không?

 

Bữa ăn Tây quả là “chất lượng”. Hầu hết “ta” trong bàn chúng tôi đều không ăn hết những gì được dọn ra. Nhưng tiền thì tất nhiên trả đủ. Hóa đơn ghi ngót một triệu đồng...

              

Thứ bảy...

 

Thở phào vì kết thúc khóa học căng thẳng và mệt nhọc, chúng tôi quyết định bỏ ra buổi chiều nay đi chơi phố cho thư giãn. Hòa thuê xe của khách sạn đưa mọi người đi chơi vài nơi, cuối cùng, đến một ngôi chùa trên núi.

 

Cảnh đáng buồn vẫn có nơi đây. Những người hành khất ngồi dọc các bậc đá từ dưới chân núi tới tận nơi cao nhất có đặt một tượng Phật ngồi. Tôi nhìn nhanh họ. Trong số hành khất không ít người khỏe mạnh, lành lặn. Ăn xin đã là một nghề kiếm sống của họ chứ không phải là việc bất đắc dĩ độ nhật của người tàn tật, già yếu. Tôi nhìn nhanh bạn bè. Có lẽ có người đã động lòng - vì một đứa bé lem luốc với ánh mắt tò mò, vì một bà lão da mồi nhăn nhúm, vì một phụ nữ chìa bàn tay xin tiền trong lúc đứa con nhỏ nhay bầu vú - nhưng không ai dừng lại. Đường lên núi còn xa, phải theo kịp mọi người.

 

Cảnh quan thật tuyệt. Tượng Phật cao đến hai chục thước, ở thế ngồi tham thiền. Nếu Phật quả hiện hữu trong pho tượng thì chắc ngài đang tĩnh tâm, luôn tĩnh tâm, chẳng chút ưu phiền vì bất cứ cảnh đời nào xảy ra dưới chân Ngài. Chúng tôi, những sinh linh đang sống và ngụp lặn trong bể trần thì khác hơn. Tôi đứng một hồi lâu ngắm cảnh thành phố biển dưới tầm mắt. Bạn bè tôi chụp hình kỷ niệm, trò chuyện, thán phục thiên nhiên và bàn tay con người. “Những dãy núi nối nhau tuyệt vời”. Hòa nói. Tôi tiếp: “Nếu những tấm lòng cũng nối nhau”. Hòa mỉm cười, gật gù.

 

Chợt, có tiếng ồn ào dưới chân tượng Phật. Cảm xúc thiên nhiên buộc phải nhường chỗ cho hoạt cảnh con người. Một ai đó trong nhóm chúng tôi mua nhang để lễ và trả tiền cho bà bán nhang khá rộng tay, ý chừng có cả phần cúng dường nhà chùa vì nghĩ bà là người công quả tại chùa. Một gã hành khất mà thoạt nhìn ai cũng nghĩ đến nhân vật Sa Tăng trong truyện Tây Du Ký, bước tới đòi bà chia tiền. Họ dằng co, cãi cọ nhau rồi cuối cùng, gã kia quơ gậy đập bể cả bát nhang lẫn đèn dầu trên bệ cúng. Gã la lớn:

- Tao phá hết!

Không ai nghĩ ra cách đối phó trong tình huống bất ngờ này. Gã hành khất hung hăng có mùi rượu... Gã có thể làm mọi việc gã muốn làm!

Chúng tôi bỏ xuống núi. Gã hành khất lẽo đẽo theo sau, tay cầm gậy, tay chìa ra phiá trước xin tiền. Khi đi ngang hàng người ngồi dọc bậc đá, gã thông báo:

- Mụ ấy được cho tới mười đồng!

Lập tức những bàn tay chìa ra, những lời van xin thốt lên nối nhau. Chúng tôi chỉ còn cách im lặng bước tới.

Tất cả lên xe, tất cả cửa kính đóng lại. Gã hành khất vẫn đứng cạnh xe lải nhải. Anh tài xế ngoái xuống dặn:

- Đừng ai mở cửa cho tiền. Cho một người là phải cho tất cả.

Tôi nghĩ đến một chuyện không hay. Gã hành khất có thể quơ gậy đập bể kính xe. Sao lại không thể?

May quá! Chiếc xe rời khỏi sân chùa an toàn. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Một người bình luận:

- Gã ăn xin hung hăng dễ sợ!

Tôi buột miệng:

- Gã đòi sự công bằng!

 

Tôi không thể không nghĩ đến pho tượng Phật ngồi tham thiền trên đỉnh núi. Ngài vẫn tham thiền. Ngài đã tìm được sự giải thoát cho mình và  chẳng đoái hoài gì đến chuyện nhân gian? Ngài có biết người ta xô xát nhau, có thể giết nhau, chỉ vì mười ngàn đồng bạc?

Những sinh linh tội nghiệp chúng tôi dù không muốn, vẫn chẳng thể an nhiên tham thiền trước dòng sống không ngừng chảy xiết...

 

Chủ nhật...                   

                  

Người hướng dẫn thông báo: “Sóng cấp bốn ngoài khơi!”. Nhưng chúng tôi vẫn muốn đi. Con tàu nhỏ hướng về phía trước. Trong vịnh, nhờ những hòn đảo chắn ngang, biển êm như sông. Mọi người leo lên boong tàu chụp hình kỷ niệm. Vui vẻ. Khoan khoái. Ai cũng muốn hưởng một ngày vui trọn vẹn sau khóa học, trước khi chia tay nhau trở về với công việc thường ngày mà ai cũng ý thức là sẽ khó khăn hơn, cực nhọc hơn.

Từ xa, bắt đầu xuất hiện những ổ gà trên mặt biển. Con tàu hụp xuống rồi trồi lên. Sắp qua vùng vịnh, ra khơi. Người hướng dẫn nói: “Ở đây sóng mới cấp hai. Hai lớn, hai nhỏ!”. Đúng theo lời anh, cứ hai con sóng lớn ào tới lại là hai con sóng nhỏ hơn. Con tàu hụp xuống hai lần rồi chao hai lần nữa. Không lâu lắm, khi hòn đảo chúng tôi dự định tới vẫn còn xa, thì sóng đã ba lớn, ba nhỏ. Nhìn quanh không thấy một con tàu du lịch nào, cũng chẳng có tàu đánh cá. Người hướng dẫn nhắc nhở và đề nghị quay lại. Chúng tôi chần chừ, muốn dấn thêm vào cuộc phiêu lưu. Dù sao, cuối cùng, khi những con sóng bốn lớn, bốn nhỏ đầu tiên xuất hiện, chúng tôi cũng phải quay về.

 

Tàu cập một bãi tắm vắng. Chúng tôi ào xuống. Bờ bãi là cả một nghĩa địa san hô. Chúng đã sống một đời của mình và lìa bỏ cuộc sống ở những nơi rất xa nơi đây. Sóng thản nhiên đập vỡ thân thể chúng thành bao mảnh vụn và đưa đến nhiều bờ bãi khác nhau. Những con san hô chết liệu có biết rằng thân xác trôi dạt của mình vẫn còn hữu dụng. Con người vẫn kiếm tìm trong nghĩa địa của chúng đôi ba mảnh hình hài ưng mắt họ.

 

Một chiếc tàu khác cập bờ. Đổ bộ là một toán du khách nước ngoài. Tôi gặp lại người đàn ông để tóc dài cột túm tôi từng gặp trên bãi biển chính của thành phố hôm trước. Khi ấy, anh đang xoa bóp cho một anh chàng Tây ba lô ngay trên bãi cát. Chúng tôi chào nhau như hai người quen thân.

- Anh khoẻ chớ?

- Khỏe như trâu! Muốn phục hồi sức khỏe cho người khác thì trước hết mình phải khỏe. Anh tới lâu chưa?

- Bọn tôi sắp đi ăn trưa.

- Làng chài bên đảo kia hả?

- Có lẽ...

- Tốt thôi! Nhưng hãy coi chừng ở đó bán cả lưỡi lam!

- Cảm ơn đã báo trước.

- Ơn nghĩa gì! Coi bộ anh khách sáo! Thôi! Gút bai!

Cho tới khi tàu chúng tôi rời bãi tắm, tôi mới sực nhớ mình đã quên hỏi tên người đàn ông làm nghề xoa bóp. Hôm trước, tôi đã hỏi anh ta đủ thứ chuyện. Anh ta đã trả lời tất cả những câu hỏi tò mò của tôi, chẳng ngại ngần, dè dặt. Rồi tự anh ta nói:

- Đừng hỏi tôi có mắc cỡ hay không. Mát-xa cho Tây ngay trên bãi biển, ngay trước mắt bàn dân thiên hạ, coi bộ không giống ai. Nhưng tôi nghĩ nghề nào cũng quý, trừ nghề ăn cắp của tư và của công. Lại nữa, một tua được ba tới năm đô. Phải làm mới có tiền nuôi mấy đứa nhỏ ăn học đặng mai mốt tụi nó khỏi cực như thằng cha nó. Người ta nói giúp nhau thì dễ ợt, nhưng nếu mình có hỏi vay mượn chút đỉnh thì y như rằng bè bạn lảng đi...

 

Tôi nhắm mắt lại vẫn hình dung ra cảnh anh chàng Tây ba lô nằm sấp, hai tay duỗi thẳng theo người, còn phiá trên lưng là người đàn ông kia quỳ hai đầu gối trên cát vừa xoa vừa bóp những mảng thịt trắng hồng nơi hai bờ vai, nơi cổ của khách. Gió biển thổi hất chùm tóc túm bằng dây thun của người đàn ông, chừng như cố len qua những khe hở tạo thành tiếng rít trêu chọc.

 

Không lâu lắm, tàu neo lại cách bờ một hòn đảo chừng hai trăm mét, cạnh mấy cái bè thả hải sản của ngư dân. Chúng tôi rời tàu, xuống mấy cái bè cá để chọn mua hải sản tươi sống cho nhà hàng làm món ăn trưa. Nhưng trước hết, mọi người tranh nhau chụp hình. Những con cá lớn được vớt lên, những con tôm hùm được vớt lên, những con mực, con ghẹ được vớt lên... Chúng vừa được ngắm nghía để trả giá, vừa được chụp hình chung với những con người lần đầu tiên gặp chúng mà sau đó rất có thể sẽ ăn thịt chúng. Chúng vô tư như thách thức. Cuộc sống, cái chết, liệu có là chuyện quan trọng với những sinh vật biển kia?

 

Chúng tôi mua một con cá hồng lớn hơn bắp đùi và hai ký mực tươi. Con cá hồng dãy dụa trong cái thau lớn, muốn thoát ra trở về với biển cả. Nó không sợ chết nhưng có thể nó thích tự do. Tội nghiệp! Nó làm sao thoát được số phận của mình, một con cá biển sa lưới và chẳng bao giờ có thể hóa rồng... Không một ai, chúng tôi và người chủ cái bè cá, để cho nó thoát. Hai bên đã thỏa thuận nó trị giá ba trăm ngàn đồng!

 

Thứ hai...        

 

Hôm nay không còn học, cũng chẳng còn chơi. Một khoảng thời gian bên biển đã qua đi, trả tôi về với công việc thường ngày. Biển đã ở xa. Biển chẳng còn nhớ, chẳng thèm nhớ những gì đã xảy ra bên nó. Sóng ùa lên bãi cát và tất cả bị xóa sạch.

 

Mười giờ hơn, một cơn xuống đường huyết bất ngờ khiến tôi bủn rủn cả người. Phải có một cái gì đó bỏ bụng. Tôi nhớ đến xe bánh cuốn của một người bạn thời để chỏm mới ra nghề, ở gần nơi tôi đang đi.

 

Anh bạn mới ngoài bốn mươi mà đầu bạc gần hết, phụ vợ bán hàng. Tôi chào và bước tới ngồi chung bàn với một người khách khác. Chỉ có hai cái bàn chân sắt mặt formica và những cái ghế nhựa rẻ tiền. Anh bạn tôi vẻ bối rối:

- Ông cảm phiền. Vốn liếng ít quá, mới sắm được chừng đó...

Tôi cười bảo bạn đừng bận tâm.

 

Nhưng tôi thì lại nghĩ ngợi lung tung. Tôi nhớ bữa cơm Tây bạc triệu. Nhớ gã hành khất hung hăng đòi chia mười ngàn bạc với bà bán nhang. Nhớ cái giá ba đô, năm đô một lần xoa bóp cho khách của anh chàng cột tóc. Nhớ con cá hồng ba trăm ngàn không thể hóa rồng. Nhớ những nhạc công nhà hàng Yến ngồi uống trà suông. Cả tiếng nhạc dương cầm réo rắt của cô bé tuổi học trò đã phải đi kiếm sống.

- Bánh cuốn đây! Ông ăn rồi cho ý kiến để tụi này cải tiến!

 

Tôi nhìn dĩa bánh cuốn. Bánh trắng, giò lụa hồng, ớt đỏ, giá nõn xanh...

Sao mà giống màu những con san hô lìa đời trôi dạt vào bãi tắm tôi gặp hôm trước đến thế! ./.

Khôi Vũ
Số lần đọc: 1959
Ngày đăng: 14.04.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đất buồn - Hồ Việt Khuê
Người thứ ba hảo tâm - Đỗ Mai Quyên
Một thời hạnh phúc, Một đời quạnh hiu - Thụy Vi
Lãnh Tân Châu - Nguyễn Đình Phư
Ngày hòa bình đầu tiên - Lữ Quỳnh
Mười Lăm Con Hạc Giấy - Ngô Lạp
Kiếm sống - Đỗ Ngọc Thạch
Máu cô gái điếm - Minh Diện
Chuyện buồn của một gánh trầu không. - Ngô Lạp
Chim hót bên trời - Thụy Vi
Cùng một tác giả
Chuyện những cô bé (truyện ngắn)
Bến lội (truyện ngắn)
Tri thiên mệnh (truyện ngắn)
Người say (truyện ngắn)
Thói ngậm tăm (truyện ngắn)
Vai phụ (truyện ngắn)
Cái vết trắng (truyện ngắn)
Ngôi nhà chữ đinh (truyện ngắn)
Hội làm ma (truyện ngắn)
Con ngựa ô (truyện ngắn)
Chim lẻ bạn (truyện ngắn)
Về hưu (truyện ngắn)
Nhận giải thưởng (truyện ngắn)
Biển (truyện ngắn)
Hoa bất tử có thật (truyện ngắn)
Hương hoa cà phê (truyện ngắn)
Lần thứ ba (truyện ngắn)
Hoàng hôn (truyện ngắn)
Tình mèo (truyện ngắn)
Trò khỉ (truyện ngắn)
Vĩ nhân! (truyện ngắn)
Hoa quý (truyện ngắn)
Thần nông lên đồi (truyện ngắn)
Thầy thuốc búi tó (truyện ngắn)
Qúan xe thồ (truyện ngắn)
Đất sóng (truyện ngắn)
Lời của thác (truyện ngắn)
Qua bờ bắc (truyện ngắn)
Say nắng (truyện ngắn)
Tiền sạch (truyện ngắn)
Vòng xoay (truyện ngắn)
Mưa biển (truyện ngắn)
Trái dưa tây lép (truyện ngắn)
Điệu múa của sóng (truyện ngắn)
Thời tiết xấu (truyện ngắn)
Nhà trên ao (truyện ngắn)
San hô (truyện ngắn)
Mẹ hay ôsin? (truyện ngắn)