Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.179
123.221.498
 
Hoa gạo đỏ thắm
Nguyễn thị Minh Hương

Hạnh Thư bước lên sân khấu. Đây là lần thứ bao nhiêu Hạnh Thư lên sân khấu, chính Hạnh Thư cũng không còn nhớ nữa. nhưng sao lần này với Hạnh Thư nó khác thế. Vẫn là bài "Mùa xuân Làng Lúa ,Làng Hoa", quen lắm, bài hát Hạnh Thư đã từng đi biểu diễn phục vụ rất nhiều nơi. Nhất là với một đơn vị to lớn không chỉ có một trung tâm mà còn có các đơn vị xưởng mỏ và cũng đã tham gia hội diễn không biết đã bao nhiêu lần. Thế mà Hạnh Thư hồi hộp phát run lên. Nhất định không phải do trời lạnh. Hay tại bộ đồ quân phục này? Mọi khi mỗi lần lên sân khấu Hạnh Thư thường mặc một chiếc áo dài tha thướt, có thể là màu tím nhạt, hoặc màu xanh da trời. Hôm nay, không có chiếc áo ấy, Hạnh Thư bỗng thấy chống chếnh khác thường. Bộ quân phục rộng quá chăng.

 

Không phải vô tình mà Hạnh Thư có mặt trên sân khấu này. Hôm ấy, cũng vào một ngày đông lạnh. Sân khấu quen thuộc của Nhà văn Hóa công nhân bỗng có một chuyện lạ. Một đội văn nghệ mang tòan sắc lính xuất hiện và chiếm lĩnh sân khấu. Một đêm diễn thật tưng bừng, bốc lửa và cuốn hút. Hạnh Thư cũng có mặt như một khán giả. Chương trình mới được một nửa với những bài hát hành khúc mạnh mẽ của lính. Bỗng có ai đó kêu lên:

- Hạnh Thư!

Hạnh Thư giật mình. Một anh lính đứng sừng sững trước mặt Hạnh Thư. Ôi trời tưởng ai, cậu Mạnh. Một anh chàng đẹp trai, cùng học nghề dây nhợ, cầu chì, cầu dao với Hạnh Thư. Hạnh Thư cũng reo lên:

- Mạnh, sao cậu lại ở đây?

- Mình theo đội tuyên văn  của Quân đòan.

- Thế bây giờ đóng quân ở đâu?

- Đang trên Cao Bằng. Bọn mình đang đi lưu diễn một số nơi trong quân khu 1. Nghe tin được về đây mình sướng quá. Lúc nãy đứng hát tốp trên kia,, nhìn xuống thấy Hạnh Thư, mình vui quá, hát sai mấy chữ đấy. May mà hát tốp chứ không, chết đứng trên sân khấu rồi. Lên đây, lên đây, mình giới thiệu Hạnh Thư với anh em trong đội.

         

Không biết Hạnh Thư có đồng ý hay không, Mạnh kéo cô ào ào lên sân khấu. Rồi trong chốc lát, Hạnh Thư bị quây lại bởi những người còn rất lạ, nhưng trên mặt vẫn còn nguyên son phấn chưa tẩy trang. Mạnh kéo một người đến trước mặt Hạnh Thư:

- Đây là anh Dương, đội trưởng. Anh Dương này, đây là Hạnh Thư, một người dẫn chương trình không chê vào đâu được. Khi cần cũng có thể là một đơn ca ngọt như mía lùi đó anh.

Hạnh Thư không biết nói gì, chỉ túm lấy Mạnh đấm đấm vào vai cậu ta trong khi mặt cứ nóng phừng phừng vì xấu hổ.

  

Thế rồi Hạnh Thư bị cuốn vào không khí vui nhộn của những chàng lính. Chạy ra hát, chạy vào là cười toe tóet. Có cậu diễn tấu nói, ngoài sân khấu không cười, chạy vào hậu đài cứ lăn ra mà cười. Tự nhiên Hạnh Thư thấy thèm được hòa mình vào cuộc sống thật vô tư ấy.

         

Rồi buổi diễn cũng tan. Chia tay với anh em, Hạnh Thư bỗng thấy quyến luyến đến lạ. Đội trưởng Dương đến trước Hạnh Thư:

- Hạnh Thư này. Liệu có lúc nào mình gặp lại nhau không nhỉ.

         

Hạnh Thư chưa kịp trả lời thì Mạnh bỗng ở đâu ào tới:

- Anh Dương ơi, Hạnh Thư vừa nói với em, cô ấy đang nghỉ phép đấy. Anh mời cô ấy đi biểu diễn với mình đi.

Dương quay sang Hạnh Thư:

- Thật không Hạnh Thư. E... m xem có được không? Em thấy đấy, cả đội anh không có lấy một bóng hồng nào. Em giúp bọn anh một thời gian được không. Nhà em có việc gì, anh huy động anh em đến làm giúp. Miễn là em đồng ý giúp đội mấy chương trình lưu diễn thôi.

         

Hạnh Thư thấy mình chẳng có lý do gì mà từ chối lời mời nhiệt tình đến như vậy. Mà ngày ấy chuyện một nữ tự vệ có mặt trong đội hình  của một đơn vị bộ đội chẳng có gì là lạ. Thế là Hạnh Thư nhận lời và vì vậy mà hôm nay cô bước lên sân khấu này.

 

Sân khấu ngoài trời lạ lẫm, những bạn diễn cũng còn lạ. Hạnh Thư không mấy tự tin mà giật mình khi người dẫn chương trình giới thiệu:

- Sau đây là tiếng hát Hạnh Thư, với bài "mùa xuân làng lúa, làng hoa." Tự nhiên Hạnh Thư thấy muốn được làm dáng một chút, để lấy lại lòng tin nơi mình.  Thế là Hạnh Thư  ngắt một bông cúc đại đoá vàng tươi trong chậu trước sân cài lên mái tóc, và bước chân lên sân khấu, anh em chiến sĩ vỗ tay rào rào. Chưa hát mà sao mọi người vỗ tay nhiều thế?  Hạnh Thư  hít một hơi sâu và bắt đầu hát. Dưới đó anh em mình thôi. Họ cũng giống như những người công nhân nơi mình từng biểu diễn, họ thật gần gũi, thân thương.  Bài hát đã hết, Hạnh Thư đã cúi đầu chào mà chẳng thấy tiếng vỗ tay nào cả, Hạnh Thư hụt hẫng. Một cảm giác trống rỗng bỗng tràn ngập trong người cô. Hạnh Thư muốn bật khóc vì thất bại.  Thì bỗng tiếng vỗ tay rộ lên. Tiếng huýt sáo, tiếng "bis", "bis" đòi Hạnh Thư hát nữa ào ạt vang lên. Hạnh Thư khóc thật, nhưng đó lại là những giọt nước mắt thật hạnh phúc. Cô nhìn thấy những cặp mắt của những người lính, hướng về cô, chờ cô hát nữa. Hạnh Thư cất giọng, giọng cô vẫn nghẹn ngào: " Lúa lên xanh thắm..."

 

Sáng hôm sau gặp đội trưởng Dương, Hạnh Thư dụt dè hỏi chuyện tối qua, anh cười rất hiền và nói: " em không biết họ nhưng họ đã được xem em biểu diễn, nghe tiếng hát của em nhiều lần rồi". Hạnh Thư tròn mắt ngạc nhiên, thì anh nói: " Thế em không  biết quân đoàn này có một tiểu đoàn công nhân nơi Thư công tác mới tình nguyện lên bảo vệ biên giới sao? ".Hạnh Thư càng nghẹn ngào. Thì ra vậy. Họ đã biết mình, đã yêu giọng hát mình, nay lại được nghe mình hát ngay trên trận địa, ngay tại nơi họ đóng quân...thì không chỉ họ vui mà ngay chính Hạnh Thư cũng thấy thật hạnh phúc.

 

*

 

Sau chuyến đi biểu diễn ấy, Hạnh Thư quyết định làm đơn chuyển hẳn sang quân đội. Anh chị em cùng đội văn nghệ Công nhân ngạc nhiên lắm. Đang yên đang lành tự nhiên lại mang mình trói vào cuộc sống bó buộc của người lính là sao? Người thì mảnh như lá lúa, liệu cõng nổi cái ba lô không? Rồi cuốc bộ hành quân nữa. Chịu được không? Hạnh Thư không có nhiều thời gian để giải thích hết mọi chuyện với mọi người. Mà có giải thích cũng chẳng ai tin. Sau đêm đầu biểu diễn tự nhiên Hạnh Thư được anh em trong đội tuyên văn coi như Hạnh Thư chính thức là thành viên của Đội Tuyên văn Quân đoàn.

 

Cô được đưa về cứ của đội. Không chỉ anh em trong đội mà cả những người trong cứ nghe tin cô đến cũng ùa ra đón. Họ nắm lấy tay cô, người nào cũng bảo cô hãy ở lại với đơn vị. Thêm một lần nữa Hạnh Thư xúc động bởi tấm lòng chân thành của những người lính. Căn cứ của đội đặt trong Lũng Vài. Đó là một thung lũng, trước đây, đồng bào dân tộc trong vùng thường thả trâu, " tu vài" là con trâu ( tiếng Tày). Vì thế mà thung lũng này có tên là Lũng Vài. Hạnh Thư ở Lũng Vài không lâu, nhưng bắt đầu từ những ngày này Hạnh Thư đã gắn bó với anh em trong đội. Thật tự nhiên, cô trở thành cây đơn ca của Đội, vì thực tế trong đội không có một giọng nữ, dù Hạnh Thư có khiêm tốn né tránh, thì cũng không làm sao tránh né được.

 

Người gần Hạnh Thư nhất vẫn là đội trưởng Dương. Anh lên quân lực xin cho cô một chiếc ba lô, trong đó có chiếc võng, chiếc tăng. Anh quân lực cằn nhằn Dương: " Ông làm mình khó quá. Cô ấy không phải biến chế trong đơn vị, thế mà cái gì ông cũng đòi cấp cho cô ấy. Nay mai đơn vị kiểm tra, chết tôi đấy." Dương cười: " Này ông, ba lô, xin cấp được. Quân phục hết xin cấp được, tăng võng... ôi dà tất tần tật, hết đều cấp được, nhưng giọng hát hết, ai cấp hả?..." Anh quân lực không cãi được, đành làm một bản cam kết bắt Dương ký vào và cấp đủ.  Anh ta còn bắt Dương kêu Hạnh Thư lên chọn số quân phục nữa: " Chật quá lên sân khấu khó coi, mà rộng quá cũng vậy, chọn cho kỹ nghe cô. Rồi mang ra ngoài kia nhờ người ta sửa cho. Lên sân khấu phải cho đẹp cô Hạnh Thư ạ" .

 

Cuối năm, cô điện về đơn vị nhờ người xin cho nghỉ phép luôn của năm sau. Vì cũng cuối năm, đội tuyên văn phải đi phục vụ liên miên. Hôm nay đơn vị này, hôm sau lại đến đơn vị khác. Hạnh Thư hiểu ra một điều: không đâu khát xem biểu diễn văn nghệ như những người lính. Họ đón đội tuyên văn như đón những người thân mỗi khi đến biểu diễn. Khi trên sân khấu những tiết mục diễn ra thì bên dưới, anh em chiến sĩ ngồi xem chăm chú và họ không tiếc những tràng pháo tay tặng cho những diễn viên. Hạnh Thư thường được những tràng pháo tay nồng hậu nhất. Mỗi lần như thế Hạnh Thư vẫn cứ bị xúc động. Không chỉ vui mà nước mắt cứ chực trào ra. Và mỗi lần như thế, bao giờ cũng có Dương bên cạnh: " Bình tĩnh em, bình tĩnh kẻo không diễn tiếp được nữa bây giờ..." Hạnh Thư cảm động còn vì một điều giản dị đó.

 

Chuyện đến thì phải đến. Buổi tối hôm đó Đội về biểu diễn phục vụ Cán bộ chiến sĩ Sư đoàn bộ, trời mùa đông miền núi đã lạnh vô cùng , mà đội lại đang ở trên  vùng Đèo Gió -Ngân sơn, cái lạnh càng tăng lên, anh em chiến sĩ kiếm củi suốt ngày để tối đến đốt mấy đống lửa to hòng xua đi cái giá lạnh và lấy ánh sáng cho đội biểu diễn. Và trong cái rét cắt thịt, cắt da ngoài kia và trong ánh lửa bập bùng ấm áp trong này, Hạnh Thư lại được hát. Chưa bao giờ Hạnh Thư dám nhận là mình hát hay. Ở đội nghệ thuật công nhân, Hạnh Thư bao giờ cũng được xếp hát gịọng hai trong tốp hát. Nhưng ở đây Hạnh Thư được hát đơn ca, mà luôn hát bởi sự xúc động dâng trào và được đón nhận những tiếng la hét, đòi cô hát nữa. Cô thấy tự tin ở mình hơn.

 

Đêm diễn tan. Đống lửa giữa sân đang tàn dần. Cái lạnh buốt đang tràn vào. Chính lúc đó, Hạnh Thư thấy ai nắm lấy tay mình. Anh Dương!

- Hạnh Thư! Đội tuyên văn không thể thiếu em được rồi. Em lên hẳn trên này với đội nhé. Đừng lo vất vả. Bọn anh sẽ lo hết cho em. Em chỉ lo tập và biểu diễn thôi. Em biết đấy, anh em bộ đội trên biên giới quanh năm chỉ nhìn thấy nhau, xa dân, xa bản. Họ thèm văn nghệ lắm. Nhất là trong đội có một cô gái xinh đẹp, hát hay, với họ, không có món quà quý giá nào bằng. Em lên với bọn anh đi. Tết này đi biểu diễn các chốt luôn. Em nhé...

 

Có lẽ vì thế mà Hạnh Thư đã làm đơn xin ra đi. Ra đi và đến với những tấm lòng người lính.

Đội chuẩn bị một chương trình tham gia hội diễn, Hạnh Thư cùng mọi người bị lôi cuốn vào những buổi tập luyện, không còn thời gian để mà mơ mộng nữa.

 

Một buổi sáng thức dậy sớm, Hạnh Thư quẩy đôi thùng vào khe gánh nước, bỗng Hạnh Thư ngửi thấy một mùi hương thoang thoảng, ngó quanh, Hạnh Thư bỗng sững người: trên triền núi những chiếc đèn lồng nho nhỏ màu đỏ rực rỡ chen lẫn trong đám lá xanh mà trước đó Hạnh Thư không để ý.

 

Nhìn kỹ lại thì ra những thân cây to , xù xì những mấu gai, những cành to chắc khoẻ như những cánh tay lực sĩ lại e ấp những đoá hoa mộc mạc mà đằm thắm.

 

Cả đội miệt mài tập luyện cho những tiết mục đi hội diễn, những lúc nghỉ giải lao anh em lại chạy ra gốc cây Gạo để nhặt những chiếc hoa rơi. Họ mang về cho Hạnh Thư, họ chỉ Hạnh Thư ngắt những nhánh hoa nhấm nháp vị  chua chua, và Hạnh Thư nhận ra, giọng cô trong lại rất nhanh dù vừa qua tập luyện rất mệt.

 

*

 

Hạnh Thư ngấm mệt, cái lạnh se se của mùa xuân , cái tĩnh mịch của núi rừng , thỉnh thoảng con tắc kè buông vài tiếng nghe  hoang vắng làm cô nhớ nhà, nhớ sự nhộn nhịp của nơi công tác xưa...Nhớ lắm,  nhưng Hạnh Thư không thổ lộ với ai. Sau mỗi buổi tập cô thường ra nhặt những bông gạo, lặng lẽ ngắm nhìn những chiếc đèn lồng nhỏ xíu và hít hà mùi hương ngan ngát nhưng không ngào ngạt của hoa gạo và kỳ lạ thay mỗi lần như thế là mọi ưu  phiền như tan biến. Hạnh Thư lại cùng mọi người ca hát. Nhưng dù có dấu diếm nhưng Hạnh Thư biết có một người trong đội đã âm thầm giúp Hạnh Thư hoà nhập với mọi người và làm quen với môi trường mới. Những buổi Hạnh Thư trực nhật phải vào khe gánh nước thì anh giành lấy gánh giúp Hạnh Thư, anh chỉ cho Hạnh Thư những công việc cần làm trong phiên trực nhật, những khi lên rừng lấy củi, anh luôn đi cùng nhóm với Hạnh Thư và bó cho Hạnh Thư gánh củi nhẹ, anh lặng lẽ chăm sóc Hạnh Thư như người anh trai chăm sóc cho em gái vậy.

 

Thời gian trôi nhanh, sang hạ rồi với những trưa hè oi ả, hoa gạo hết lập loè đỏ  mà nhường chỗ cho những chùm bông trắng xoá, một cơn gió nhẹ qua cũng đủ làm cho bông bay bay, như kéo bầu trời thấp xuống với những đám mây trắng nhẹ.

 

Cũng lúc đó Hạnh Thư bắt đầu cùng đội đi biểu diễn khắp các đơn vị để thử hiệu quả của một chương trình tập dượt công phu. Ngày ngồi trên những chiếc xe ô tô  với nhưng cung đường quanh co, chiều đến đơn vị chuẩn bị tối biểu diễn đến khuya, sáng hôm sau lại di chuyển tiếp đến đơn vị khác...

 

Những ngày đầu Hạnh Thư thấy vui và háo hức, cái mệt chưa thấm tháp gì, nhưng mấy hôm sau thì ai nấy đều mệt mỏi. Anh vẫn lặng lẽ chăm sóc Hạnh Thư, trước khi Hạnh Thư hát thế nào anh cũng tìm được lát chanh cho Hạnh Thư ngậm đỡ khan giọng, hoặc một nhánh gừng nướng khi Hạnh Thư húng hắng ho... Ánh mắt  anh nhìn Hạnh Thư thân thiết và trìu mến, không hiểu sao Hạnh Thư cố tránh ánh mắt anh, tuy vẫn nhận từ anh những món quà nhỏ nhoi mà vô cùng có giá trị đó.

  

Hoàn thành chuyến biểu diễn, Nghe tin mẹ anh bệnh nặng đơn vị cho anh về tranh thủ một tuần thăm Mẹ. Vắng anh tự nhiên Hạnh Thư thấy mình hụt hẫng, chơ vơ giữa đám đông mọi người, Hạnh Thư lại thẫn thờ ra gốc cây hoa gạo. Hoa gạo đã hết, bông gạo cũng không còn, rồi anh cũng xa vắng, đến lúc này Hạnh Thư mới hiểu được tình cảm của anh dành cho Hạnh Thư không phải như Hạnh Thư nghĩ mà Hạnh Thư cũng đã nặng lòng với anh rồi. Hình như đã có lúc cô thầm gọi: " Dương ơi". Và cô thèm có một cánh hoa gạo đỏ thắm anh đưa. Thèm cái vị chát chát, chua chua làm giọng cô bỗng trở nên trong vắt.../.

Nguyễn thị Minh Hương
Số lần đọc: 1577
Ngày đăng: 18.04.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một chuyện có thật chẳng ai tin - Từ Nguyên Thạch
Mái ấm - Phan Bích Thủy
Tôi cưới vợ - Trọng Huân
Chương trình Operation baby lift - Đỗ Ngọc Thạch
Chuyện ở một ngôi trường - Mang Viên Long
San hô - Khôi Vũ
Đất buồn - Hồ Việt Khuê
Người thứ ba hảo tâm - Đỗ Mai Quyên
Một thời hạnh phúc, Một đời quạnh hiu - Thụy Vi
Lãnh Tân Châu - Nguyễn Đình Phư
Cùng một tác giả
Hoa gạo đỏ thắm (truyện ngắn)