Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.149
123.226.455
 
Người đàn bà hát trộm
Vân Hạ

Ba người đàn bà ấy,  gọi theo tên chồng là bà Chiêm, bà Vụ, bà Thỏa. Ba bà tính khí rất khác nhau nhưng số phận lại gán cho họ nhiều cái cùng nhau.  Thứ nhất,  họ cùng làm dâu trong một nhà. Ba bà lấy ba anh em trai, vì vậy họ vừa là chị em vừa là người dưng với nhau. Thứ hai, cả ba bà đều góa chồng khi còn rất trẻ, chưa ai tới ba mươi. Và cùng ở vậy cho đến già. Thứ ba,  cả ba bà đều cây có một cành,  bà nào cũng chỉ có độc  một đứa con.  Đúng ra bà Chiêm đã có hai con trai. Nhưng anh con lớn chết từ  lúc 11 tuổi do một lần đi mò cá dưới sông đã mò thấy một quả đạn và mang về nhà đập lấy vỏ chơi. Quả đạn phát nổ làm đứa anh chết ngay,  còn đứa  em 9 tuổi bị thương may cứu sống được. Lúc đó đang giữa buổi chiều.  Những người lớn đều ra đồng cả,  trong xóm  chỉ có lũ trẻ con ở nhà. Bà Chiêm cũng đang làm cỏ lúa ngoài đồng nghe trẻ con gọi báo tin dữ vội vã chạy về. Con Uyên bảo hồi ấy nó mới 3 tuổi,  nhưng nó vẫn  nhớ nó thấy bà Chiêm cõng một người chạy tắt qua  khoảng sân nắng phơi đầy cỏ tranh,  hai ống quần bà xắn cao, bắp chân dính bùn,  và máu rỏ theo  bước chân bà...  Vậy là từ đấy bà Chiêm cũng chỉ còn mỗi một người con trai là anh Chất bây giờ.

Nói cả ba bà đều góa chồng thật ra không biết có đúng không. Vì chỉ có ông Chiêm đã có giấy báo tử,  có bàn thờ trong nhà.  Còn ông Vụ người ta chỉ biết ông bị giặc bắt trong một trận càn và đã chạy trốn được ra rừng. Nhưng từ đó cho đến mấy chục năm sau không thấy về, cũng không tin tức gì. Có người bảo chắc ông chết mà  không ai biết. Có người lại nói có thể ông đã bỏ ra làm dân thường sống chui nhủi  ở đâu đó không dám về.  Dù nói gì cũng chỉ là suy đoán. Còn trên giấy tờ  ông được ghi  “mất tích”.  Có lẽ “mất tích” chưa phải đã chết  nên bà Vụ vẫn hi vọng chăng?  Bà ở vậy từ năm 24 tuổi, một mình nuôi anh Đôi lúc đó mới 4 tuổi.

Còn ông Thỏa, tức bố con Uyên  lại khác.  Ông Thỏa đi B được 8 năm  thì chẳng hiểu từ đâu có tin đồn ông đã phản bội đầu hàng giặc. Có đứa còn nói như thật là bố con Uyên đã làm đến chức thiếu tá gì đó cho giặc.  Thế là con Uyên cũng thành thiếu tá.  Đã sẵn bị gọi là “con tiểu thư cong môi điệu chảy nước”,  giờ  nó bị đổi thành “con thiếu tá cong môi”.  Cái tên này do thằng đầu sỏ con ông Đê gọi trước, kéo theo cả lũ trẻ con trong xóm gọi theo. Ông Đê nổi tiếng thích xem chọi trâu đá gà.  Cứ nghe nói ở đâu có đám “chọi” là xa mấy ông cũng nắm cơm rang muối gói đi xem. Đến lượt thằng con ông cũng đặc biệt thích những trò đồng loại đả nhau ấy. Không chỉ thích chọi trâu chọi gà, nó còn thích cả chọi chim.  Nó hay trèo cây bắt chim non về nuôi không phải để cho hót mà để chọi.  Thằng này cầm đầu đám con nít ở xóm Đông,  chuyên xui bọn trẻ con đánh nhau để xem.

*

Năm học lớp bốn con Uyên được đi dự hội trại Cháu ngoan Bác Hồ toàn huyện.  Cả làng chỉ có mình nó được nhà trường cử đi. Người ta bảo nó thông minh giống ông Thỏa. Nhưng con Uyên không bao giờ được biết bố nó thông minh như thế nào, đến mặt ông nó cũng không nhớ nổi. Sau 2 ngày đi Hội trại đang phấn khởi vui vẻ,  vừa về đến đầu xóm  nó gặp ngay một đám cãi nhau. Những vụ cãi nhau dù ở bất cứ xóm nào cũng có cùng cung cách diễn tiến gần giống nhau. Cũng là những người đàn bà.  Cũng một lũ trẻ con lớn bé hò reo: “Cãi nhau chúng mày ơi!”. Bọn chúng đổ xô đến nghếch mặt  nhìn hai người đàn bà đang biểu diễn những động tác dậm chân  bình bịch,  xỉa ngón tay về phía đối phương,  miệng lắp nhắp tuôn ra hàng tràng những câu chửi có vần điệu hoặc không vần điệu.  Chẳng ai nghe ai. Chẳng biết ai phải ai trái. Hai đương sự  hôm đó lại chính là bà Chiêm và bà Vụ, hai bác dâu của con Uyên.  Nói đúng ra đám cãi nhau này không ác liệt mấy.  Không có hi vọng hai bà sẽ xông vào túm tóc nhau kịch liệt như kiểu chọi trâu chọi gà.  Thằng đầu sỏ con ông Đê có vẻ thất vọng, nó quay nhìn đi nơi khác và phát hiện ngay con Uyên mặc áo hoa đi guốc đỏ vừa về đến nơi.  Nó kêu to:

- Ê con thiếu tá cong môi, đồ phản bội.

- Phản phản cái thằng cha mày - Con Uyên dẩu môi chửi lại, giọng nó đanh đá không ngờ.

Thế là “Rào. Ục!”.  Đất cát phủ xuống đầy đầu tóc con Uyên cùng một hòn đất cứng ném  trúng lưng làm nó đau đến tức thở.  Chiếc áo hoa mới cũng bị dính một mảng bùn.  Nó bỏ chạy vào ngõ.

Lúc đó bà Thỏa đang ngồi trên thềm hè bó chổi. Ngón tay bà vặn rơm điệu như múa. Tóc bà cũng vấn trần cao trông rất điệu. Bà đeo hoa tai bạc, mặc áo màu sim chín may kiểu cổ quả tim.

Con Uyên  ấm ức mách chuyện “mấy đứa mất dạy” ném đất vào nó.  Cả chuyện bác Chiêm với bác Vụ nó cãi nhau ngoài ngõ.  Bà Thỏa vạch lưng áo nó lên xem rồi đi lấy rượu ngâm hạt gấc ra xoa. Xong bà ra vườn chặt mía vào ngồi róc cho nó ăn và hỏi nó chuyện đi cắm trại. Hai ngày rồi mẹ con mới gặp nhau có bao nhiêu là chuyện.  Con Uyên lấy chiếc khăn có in hàng chữ “Đại hội cháu ngoan Bác Hồ tặng” ra khoe. Nó hào hứng kể chuyện ở Hội trại và nhai hết một cây mía to.

Hôm ấy con Uyên còn về mách bà Thỏa và còn cong môi lên chửi lại. Nhưng về sau nó không dám nữa. Bất cứ lúc nào, dù đang ở giữa sân trường hay đang đi giữa đường,  nó cũng có thể bị hét vào mặt “Đồ phản động”.  Có đứa còn chỉ vào mặt nó bảo: “Vì bố mày mà anh tao chết!”.  Thằng này có anh trai vừa mới báo tử tối hôm trước. Cả xóm  đến nhà nó dự lễ truy điệu chỉ có bà Thỏa với con Uyên ngồi nhà không dám đến. Con Uyên lúc ấy không còn tí đanh đá nào nữa.  Nó cúi mặt bước đi. Về đến nhà rồi nó mới dám giơ tay phủi đất trên đầu trên áo và khóc. Nhưng thôi, nói chuyện này chán lắm.  Chuyện về bà Chiêm, bà Vụ, bà Thỏa còn đáng nói hơn.

*

Hồi ấy các bà rất hay cãi nhau, nhất là bà Vụ với bà Chiêm. Nguyên nhân nhiều nhất là vì  anh Chất và anh Đôi. Hễ ai động đến cục vàng cục ngọc hiếm hoi của hai bà là các bà lại xù lông giơ vuốt ra.  Có lần  chả biết anh Đôi thấy con nhà ai ăn cốm  mà về kêu thèm. (Cốm ai chả thèm. Cơm còn chả đủ ăn nữa là cốm). Thế mà bà Vụ cũng liều mò ra đồng giữa  đêm  hôm gió rét tuốt trộm ở ruộng hợp tác xã được hai túi áo đầy lúa nếp,  về kì cạch rang giã sàng xảy làm được một mẻ cốm cho anh Đôi.  Anh Đôi mang ra sân vừa ăn vừa nhem thèm với anh Chất: “Nhem nhem có thèm xin miếng”.  Anh Chất xông đến giật cái ca đựng cốm  ngửa cổ trút đầy một mồm.  Anh Đôi nhảy lên giật lại bị mất đà ngã xuống, trán đập vào cạnh cối đá,  khóc thét lên.  Anh Chất bỏ chạy. Bà Vụ chạy ra. Bà Chiêm cũng chạy ra. Cứ nhận một câu lại trả lại một câu. Thế là thành một cuộc cãi nhau. Từ chuyện mấy hột cốm đá sang chuyện rào vườn lấn đất,  đến bắt bẻ nhau một  câu nói để bụng từ hồi nảo hồi nào. Có khi còn lôi cả tiền án tiền sự của nhau ra.  Chính từ những vụ  cãi nhau này mà bọn trẻ con làng Gạo mới biết được trước khi lấy ông Chiêm, bà Chiêm đã từng bị gả chồng một lần hồi 14,15 tuổi gì đấy.  Nhưng mới làm dâu được vài tháng thì đánh giả chồng rồi tự ý bỏ thẳng về nhà mẹ đẻ, thề có chết cũng không quay lại.  Từ đó cho mãi đến lúc đã ngoài hai mươi bà vẫn còn không,  tưởng ế dài đến nơi. Vậy rồi chẳng hiểu ông Chiêm đi đâu lại gặp bà rồi rước lấy của ế đưa về nhà.  Người ta nói ông Chiêm vốn là người từ hòa khiêm nhã,  không hiểu sao lại đi lấy một người đàn bà bỏ chồng,  lại nhiều tuổi hơn ông. Đúng là chả ai biết được ý trời. Về quá khứ của bà Chiêm có lẽ bà Vụ rõ hơn cả. Vì trong ba bà chỉ có bà Vụ là người trong làng. Tuy ở vai em bà Chiêm nhưng bà Vụ lại về đây làm dâu trước nhất, từ lúc cả bà và ông Vụ đều còn trẻ con.

Sau những lần cãi nhau sẽ kéo theo một thời gian dài làm mặt lạnh. Bà Chiêm thường là người xuống nước trước, nhưng muốn trở lại thời tiết bình thường cần phải có sự hợp tác của cả bà Vụ nữa. Chẳng hạn khi nhà bà Chiêm nấu cháo gà đồ xôi kê,  anh Chất bưng đi chia cho nhà hai thím  mỗi nhà một đĩa một bát. Nếu mọi người cùng ăn coi như xong. Vui vẻ. Nhưng lần ấy chỉ có nhà bà Thỏa nhận,  còn bà Vụ bắt anh Đôi bưng sang trả lại vì vẫn còn giận.  Thế là đến lượt nhà bà Vụ có mít chín chuối chín đem đi chia,  bà Chiêm cũng không ăn bắt anh Đôi mang về.  Hàng xóm có người nhìn thấy bảo: “Đưa đây tôi ăn cho. Anh em trong nhà có một miếng mới đem  chia cho nhau, vậy mà không ăn,  rõ phí của”.  Bà Thỏa chép miệng: “Người trong nhà mới hay làm khổ nhau thế. Chứ với người ngoài  ai chả phải lựa lời mềm mỏng”.

*

Vậy rồi đến lượt bà Thỏa cũng cãi nhau. Bà Thỏa bị bà Chiêm bà Vụ mắng cho thì đúng hơn, vì  thấy bà chỉ cãi lại được mấy câu rồi ngồi khóc.  Con Uyên bảo tại bu nó đi tập diễn văn nghệ. “Bu tao trông vậy mà lên sân khấu ăn phấn ăn đèn đẹp lắm đấy”. “Bu tao hát hay lắm đấy”,  nó hay khoe thế.  Bà Thỏa là diễn viên của đội chèo hợp tác xã,  ai chả biết. Nhưng hôm ấy bà Chiêm, bà Vụ lại xúm lại mắng bà Thỏa là không biết nhục. Vẻ vang gì.  Sung sướng nỗi gì mà còn hát xướng, còn son phấn í ới. .. Thế là từ  đấy bà Thỏa không đi văn nghệ nữa.

Nhưng ở nhà buồn thỉnh thoảng bà lại nằm võng hát một mình.  Mỗi lần như vậy con Uyên lại gắt: “Đã bảo bu đừng có hát nữa!”. Bà Thỏa liền im. Nhưng sau đó ít nhất cũng có 2 lần bà hát vụng. Một lần ở ngoài vườn mía, hai tay bà nắm lấy một cây mía như đang nắm cây sào,  cả người bà đu đưa theo điệu hát chèo thuyền. Lần khác ở sau chuồng gà cạnh đống củi. Bà vừa hát vừa diễn,  làm bộ che mặt liếc mắt làm duyên với đống củi, với đám  gừng đám nghệ đang phấn khởi vẫy hoa tưng bừng với gió ở góc vườn. Đang lúc ấy thì con Uyên ra lấy củi,  bà sượng sùng cúi xuống giả vờ xem xét ổ gà trong chuồng.

Đào liễu có một mình, em đi đâu hỡi cô nàng ơi.  Yếm đào em mầu còn tươi. Răng đen môi thắm tóc thời còn xanh. Mà em ở vậy sao đành…”. Bà Thỏa hay hát nhất câu ấy những lúc nằm võng một mình.  Điệu hát nghe buồn nhưng hiền lành tử tế, chứ không như bà Chiêm hát.

*

Bà Chiêm chỉ toàn hát xuyên tạc, còn gọi là nhạc chế,  kiểu như: “Đi chăn bò cài roi mây vào đít, bò không đi em lấy roi mây em quật đít bò, bò em chạy như bay”.  Hoặc: “Em là búp măng non em lớn lên em thành măng già”.  Đại để thế.   Toàn những bài hát nghiêm trang đứng đắn đã bị bà “đặt lời mới” cho thành ra vậy.  Bà Chiêm không lên sân khấu bao giờ. Bà thường chỉ “biểu diễn” vào những buổi chiều gần tối, bên thềm giếng trước cửa nhà tắm công cộng của xóm.  Hễ thấy bà đi ra  giếng giờ ấy là  thể nào cũng có mấy đứa trẻ ranh quần đùi chân đất bám theo.  Bà Chiêm để cái nón đựng quần áo lên thành nhà tắm rồi vừa uốn éo múa may vừa hát khẽ như hát trộm: “Từ ngày anh đi ruộng đồng em bỏ hoang. Cấy lúa giăng dây ăn cháo cả làng. Đào đắp mương đổ cả tường làng, mỗi sáng ba củ lang”.  Đám khán giả rúc rích cười khoái chí.  Đố ai nhìn bà Chiêm lúc ấy mà không cười cho được.  Lúc ấy bà Chiêm chưa tới  50  (thời ấy 50 tuổi là đã lên lão rồi),  nhưng tại bà xập xệ cẩu thả quá.  Cái yếm nhuộm củ nâu bạc phếch che đôi vú teo tóp. Hàm răng đen dở và đôi tay đen kịt nhựa chuối và nhựa rau khoai múa may kều quào chẳng ra chèo cũng chẳng ra tuồng, bà bảo đấy là điệu múa quấy cháo.  Thấy đám “khán giả” vẫn vây quanh chờ đợi,  bà Chiêm dội một gầu nước lên người, ướt hết cả yếm và chiếc quần đen cũng bạc thếch. Xong, bà quát: “Xéo đi cho người ta tắm. Mẹ bố lũ ranh. Đừng có bắt chước hát theo bị bắt bỏ tù cả lũ chết cha chúng mày giờ!”.  Lúc ấy lũ ranh mới đành tiếc rẻ tản đi.  Có lần con Uyên  đi qua đúng lúc thằng đầu sỏ ngoái lại nhìn thấy. Thằng này sừng sộ quát: “Ai cho con kia cười. Cút!”. Con Uyên cắm cổ bước vội vàng như chạy trốn nỗi hổ nhục khi thấy bác dâu nó làm trò cười cho “bọn mất dạy”,  nhất là thằng đầu sỏ lêu bêu hỗn láo.

Bà Chiêm không chỉ hát xuyên tạc mà còn phát ngôn vô chính phủ nữa. Ví như  Bảng gia đình vẻ vang” người ta phát cho những nhà có người đi chiến trường treo, bà lại bảo là “Bảng gia đình vắng vẻ”.  “Nhà mày nhận bảng gia đình vắng vẻ chưa?”, bà hỏi. Thế là liền có nhiều người trong làng bắt chước nói theo. Những điệu chèo đã bị đội văn nghệ cải biên rồi vẫn bị bà cải lại thêm lần nữa. Ví như bài “Cô gái ươm bèo” bị bà hát thành “Cô gái ghẻ ruồi”.  Cả những bài hát thuộc hàng “kị huý” nhất bà cũng đặt lời mới tuốt. Mỗi lần biểu diễn xong, bà thường chào quí vị khán giả bằng câu: “Xéo đi. Mẹ bố lũ ranh (hoặc mẹ bố lũ khỉ, hoặc mẹ cha chúng mày). Đừng có hát theo bị bắt bỏ tù cả lũ chết cha chúng mày giờ”. Kể cả nhạc Tây bà cũng không tha. Vui nhất là bài: “Buông tôi ra! Không thấy tôi già rồi à. Ông Khoan muôn năm! Bánh chưng chấm mật thật à. Chà chà chà. Chà chà chà!”.  Bà nhún nhún hai cái đầu gối củ lạc thò ra từ hai ống quần xăn lắt lẻo theo mỗi câu “Chà chà chà”  làm lũ trẻ ranh lại cười ré lên.  Ông Khoan là chủ nhiệm hợp tác xã lúc bấy giờ.  Người ta bảo chắc tại bà là vợ liệt sĩ , lại không biết chữ  nên người ta không chấp. Chứ  nguyên cái tội hát xuyên tạc cũng đủ chết rồi, chưa kể dám hô ông chủ nhiệm muôn năm. Nhưng những câu hát xuyên tạc bậy bạ của bà Chiêm quái quỉ làm sao lại nhập tâm người ta nhanh đến thế. Người ta thuộc chúng nhanh chẳng kém những câu hát tử tế. Dù người ta không định như vậy. Không phải chỉ bọn mất dạy láo lếu, mà cả những thành phần con ngoan trò giỏi,  thiếu nhi gương mẫu,  khi thấy bà Chiêm đang phơi lúa một mình ở sân hợp tác xã cũng mon men đến gần đánh bạo đề nghị: “Bà Chiêm ơi hát đi!”.  Bà Chiêm vung bờ cào lên chửi: “Mẹ cha con nhà thằng… “, nhưng bà liền sững lại ngạc nhiên,  như không tin một đứa sạch sẽ lễ giáo như  con nhà ấy lại vừa có một đề nghị láo lếu ấy.

Mùa hè đi qua cũng có nghĩa người ta sẽ không có nhiều dịp được xem bà Chiêm  biểu diễn  nữa. Vì mùa hè bà mới hay  ra giếng tắm. Mùa đông bà Chiêm không tắm. Suốt mùa đông người bà tấp vào năm, bảy lớp áo như những lớp cánh cào cào.  Nhưng mùa đông bà lại có mốt đi dép bằng mo cau hoặc mo nang. Bà xỏ dây bẹ chuối vào một đầu và hai bên chiếc mo,  thắt nút thành cục phía dưới như kiểu quai dép tông Lào. Thế là thành dép.  Những tối mùa đông bà thường kéo lê những đôi dép mo ấy. Mo cau dai bền, êm chân và quí hiếm hơn. Còn mo nang là bẹ măng tre nên rất sẵn. Gò tre nào chả có vô khối bẹ măng vương quanh gốc.  Về sau bọn trẻ con trong xóm  cũng bắt chước nhặt mo nang làm dép chơi. Chúng gọi là : “Dép bà Chiêm”.  Có điều chúng không hiểu sao mo nang nhiều lông ngứa thế mà chân bà chịu được.

*

Bà Vụ lại khác hẳn. Bà Vụ không bao giờ hát, chẳng mấy khi cười.  Lúc nào bà cũng xắn quần ống thấp ống cao. Bên hông thường đeo một ống tre đựng vôi có cắm một cái que để trị đỉa.  Và trên tay bà lúc nào cũng có một cái gì đó. Khi thì một đoạn dây thừng hoặc vài sợi lạt bà nhặt được trên đường, khi thì mấy cành tre hoặc mấy cành phi lao gãy để cắm bờ rào hoặc làm củi.  Lúc nào bà cũng ở tư thế sẵn sàng nhặt nhạnh tích cóp. Buổi trưa mọi người nghỉ còn bà tranh thủ ra đồng cắt rạ,  bắt cua ốc hoặc nhặt mót lúa.. . Trưa nào bà cũng nghí ngóp ngoài đồng. Hình như bà tiếc tất cả những thứ còn dưới ruộng mà hợp tác xã không thể tận thu hết được ấy.  Cũng có hôm bà mệt quá phải lên bờ ngồi dựa gốc phi lao ngủ gật, bên cạnh gánh rạ mới cắt cùng với nón,  liềm và nắm lúa vừa lượm mót được trong rạ.  Đầu bà ngoẹo một bên, miệng há ra thở,  mắt không nhắm hẳn. Con Uyên bảo nó cứ sợ sợ bà thế nào ấy. “Bác ấy keo lắm. Bác ấy chỉ biết mỗi anh Đôi thôi”.  Nó còn bảo chưa bao giờ bà Vụ cười với nó hay hỏi nó lấy một câu: “Cái Uyên mày ăn cơm chưa. Hôm nay bu mày cho mày ăn cơm với gì”.  Nó có đi qua đi lại trước mặt bác nó cũng chả thèm hỏi. Con Uyên nói bằng giọng dằn dỗi hờn tủi.  Không hiểu sao nó được bu nó âu yếm chiều chuộng thế  mà còn cần người khác làm gì.  Hay nó cũng có tính thích cầu cạnh tình thương của người khác.  Cho dù nhà nó có trồng cả một vườn mía đi nữa, nhưng chỉ cần người hàng xóm gọi lại cho một khúc ngắn thôi cũng đủ làm nó cảm động nhớ suốt đời. Có lẽ bà Vụ không biết như vậy nên chỉ một câu hỏi thăm bà cũng dè sẻn. Dè sẻn với con Uyên và với cả cuộc đời bà.  Đã vậy con Uyên lại hay bị sai đi vay gạo,  vay dầu thắp hoặc xin mắm muối. Mỗi lần vác rá đi vay là một lần nó  phải nghe hai bác dâu mắng bu nó là lười nhác, hoang phí,  bóc ngắn cắn dài,  chỉ thích ăn diện…

*

Bà Thỏa không chỉ thích  ăn diện hát xướng mà còn thích đi lễ bái.  Từ ngày không tham gia đội văn nghệ hợp tác xã nữa bà lại càng hay thậm thụt đi cúng lễ. Cái lần bà đi lễ ở đền Năn Lác có cả con Uyên đi theo. Hai mẹ con đi từ sáng sớm.  Khoảng nửa buổi thì đến cái làng có ngôi đền Năn Lác ấy. Tên gọi thế nhưng xung quanh đền chẳng thấy cây năn cây lác nào.  Ở đó không hề có đồng cỏ, cũng không có lấy một mảnh ruộng nước. Đền nằm giữa vườn nhãn lâu năm mát rượi. Hai bên cổng vào trồng hai hàng lựu, có cây đang có hoa đỏ chót, có cây đã có quả bằng quả ổi.  Ngôi đền kiểu xưa lắm rồi nhưng vẫn còn lành nguyên. Từ mái ngói vẩy đã ngả màu rêu khô đến hàng cửa gỗ, đến những phiến đá xanh lát thềm...

Đền trong thấy có khoảng năm, bảy bà nữa cũng đi lễ,  họ đều là người lạ.  Bà Thỏa cúi chào bà già coi đền, gọi là bà từ. (Con Uyên chỉ mới nghe nói đến ông từ,  “Lừ đừ như ông từ vào đền”,  chứ chưa nghe có bà từ bao giờ). Rồi bà lấy xôi chuối trầu cau mang theo trong cái làn cói ra sắp lễ.

Im ắng. Ở đây chẳng có gì.  Không có nồi cháo hoa cúng thí ngoài sân. Không có bà đồng nào mặc áo nhiễu hoa vừa phi quanh chiếu vừa hú hét. Cũng chẳng có đám đông chen chúc nhau đứng ngồi xung quanh cổ vũ. Không tiếng đàn hát. Không ai tung hoa quả đã cúng ra sân cỏ cho trẻ con tranh nhau. Cũng chẳng có trẻ con. Chỉ có lèo tèo vài đứa đi theo mẹ nhưng bọn chúng đều bám lấy mẹ. Thật ra con Uyên nhớ lẫn lộn đền với chùa.  Cái cảnh đông vui ấy nó chỉ thấy mỗi một lần vào một cái tết lúc còn bé tí. Nó cùng lũ trẻ con trong xóm xúng xính áo mới kéo nhau ra đền rồi lại lên chùa. Về sau tết đến không còn nơi nào có những chuyện tụ tập mê tín như vậy nữa.  Đền làng Gáo giờ đã thành nhà hoang. Cây gáo to cành rễ xùm xòa sau đền vẫn còn,  nhưng ngôi đền đã trở thành chỗ chơi trốn tìm cho trẻ chăn trâu. Mái thủng  từng mảng. Tường tróc lở. Bên trong đền không còn một thứ gì.  Đến gạch lát nền cũng bị cạy hết chỉ còn đất khô lầm bụi. Thậm chí con Uyên còn không biết ngôi đền làng nó tên gì, thờ gì.  Vì vậy mà nó thấy lạ vô cùng khi ở đây có một ngôi đền còn nguyên vẹn như đền Năn Lác này.

Những người đi lễ khác đã bắt đầu lẻ tẻ đi ra cổng,  cùng mấy đứa trẻ con lếch thếch chạy theo.  Đoán chừng đã đến lúc về,  cũng có nghĩa sắp được ăn xôi chuối,  gọi là lộc thánh, con Uyên từ ngoài vườn đi vào.

Lúc ấy bà Thỏa đang ngồi nói chuyện với bà từ coi đền. Bà từ đang nói:         “. . . Còn sướng hay khổ không phải ở việc đem so với kẻ khác như kiểu ông Khổng Khâu bên Tàu. Nó ở chỗ người ta biết chấp nhận hay bị chấp nhận”. “Thế bà bảo con cứ chịu đựng mãi à?”.  “Không phải chịu đựng mà chấp nhận. Nếu bằng lòng chấp nhận thì không thấy phải chịu đựng”.

Dọc đường về bà Thỏa dặn con Uyên: “Về đừng nói với ai nhá”.  Không nói thì cả 4 xóm Thượng Hạ Tây Đông của làng Gáo ai chả biết bà Thỏa đồng bóng thích  lễ bái.  Con Uyên bảo: “Mê tín. Từ giờ bu đừng có đi lễ bái nữa. Người ta lại nói cho chả ra gì”.

*

Bão đến. Tin bão khẩn cấp. Cả ba nhà cuống quýt chạy qua chạy lại mượn thang mượn cây que chằng chống nhà cửa.  Xoong nồi củi lửa mắm muối phải mang lên nấu ăn trên nhà. Những cái giành đựng tro bếp cũng được mang vào góc nhà để làm chỗ đi đại tiện tiểu tiện.  Cửa sổ cửa chính đều phải đóng chặt. Ngoài việc cài then còn phải lấy cây gỗ,  cối đá chèn chống bên trong.  Mọi việc phải xong xuôi trước giờ bão đến.  Cả làng rối rít lo chống bão như  kiến chạy tổ.  Đến chiều tối thì không còn thấy một ai ở ngoài đường. Nhìn từ bên ngoài mỗi ngôi nhà như một cái tổ tò vò bít kín,  nội bất xuất ngoại bất nhập.  Trong nhà là những khuôn mặt căng thẳng, thon thót theo mỗi tiếng gió giật. Chỉ có bọn trẻ con  mới thích thú đùa nghịch trước một khung cảnh khác ngày thường. Nhà bà Thỏa cũng đã được anh Chất với anh Đôi giúp cho chằng buộc kĩ  càng.  Nhưng các cánh cửa bằng gỗ xoan non đã mọt  cứ rung bần bật. Đến nửa đêm thì một cánh cửa gãy gục,  gió thốc vào nhà.  Gió lồng lộn tìm lối ra và nhanh chóng bật tung mái làm ngói bay xuống sân vỡ xoảng xoảng. Mưa lập tức xối qua chỗ mái thủng.  Thế là trong nhà gần như ngoài sân,  giường chiếu bếp núc ướt hết.  Bà Thỏa với con Uyên trùm chung một mảnh áo mưa ngồi trong góc nhà đợi gió đổi hướng. Dù sao bão cũng còn có những khoảnh khắc dừng im trước mỗi lần đổi hướng gió. Khoảnh khắc ấy đủ cho bà Thỏa kéo con Uyên lùng tùng chạy sang nhà bà Chiêm. Vừa chạy bà vừa giục nhanh lên kẻo gió đến nhà bác lại không kịp mở cửa.  Mở cửa lâu lắm đấy. Nhưng bà Thỏa vừa gọi cửa đã mở ra ngay.  Thì ra nhà bà Vụ cũng bị tốc mái và cũng vừa chạy sang đây. Chỉ còn nhà bà Chiêm vốn là ngôi nhà cũ của ông bà nội làm từ ngày xưa để lại,  tường xây bằng đá, cánh cửa bằng gỗ tốt nặng chịch nên không sợ.  Sau khi chèn chống lại cửa xong, ba bà trải chiếu nằm  nói chuyện. Anh Chất lôi giành dong riềng trong gầm giường ra cùng anh Đôi với con Uyên thổi bếp lửa giữa nhà lên nướng.

Trưa hôm sau bão tan. Chuối mía trong vườn gãy đổ ngổn ngang.  Ngọn tre xác xơ tơi tả.  Mảnh ngói vỡ,  mảnh tranh tre và lá cây rơi đầy sân đầy đường.  Nhiều ngôi nhà tranh trong làng đổ sụp. Mọi người lo dọn dẹp sửa chữa quét tước.  Con Uyên về nhà ngửa cổ nhìn lên chỗ mái thủng nhìn thấy cả trời, nói: “Bão thích nhỉ!”. Bà Chiêm chửi: “Mẹ bố tiên sư con dở hơi”.

Đó là cơn bão lớn mà người ta nhớ nhất.  Những người già bảo cả mấy chục năm rồi mới có bão to như vậy.

*

Đó cũng là quãng thời gian yên ấm nhất trong cái ngõ ấy, có lẽ vậy.  Vì đến khi anh Đôi và anh Chất có vợ thì cả bà Vụ và bà Chiêm đều không còn được như vậy nữa.  Bà Vụ bị chao đảo nhiều hơn. Nói như bây giờ là bà bị sốc nặng khi anh Đôi bỗng chốc thuộc về vợ anh ấy, rơi vào tay vợ anh ấy. Về đến nhà là anh hỏi vợ, đưa mắt tìm vợ. Anh vui cười hay cáu gắt  đều do chị vợ.  Bà Vụ ghét con dâu.  Xung đột mẹ chồng nàng dâu gay gắt đến nỗi trong xóm  ngoài làng đều bàn tán. Đến nỗi anh Đôi  trở nên nghi ngờ.  Mẹ anh thương anh, vợ anh cũng thương anh, vậy sao hai người lại làm khổ anh, làm khổ nhau đến thế này?  Thật không sao hiểu được!

Anh Đôi nói vậy, người khác nghe chả thấy có gì ghê gớm.  Nhưng với bà  Vụ thật khủng khiếp.  Bà chạy sang gào khóc với bà Chiêm và bà Thỏa. “Đời thuở nào,  nó lại đi so mẹ nó với vợ nó. Vợ nó thương nó lại bằng như mẹ nó thương nó à…à…!  Giời ạ. Con ơi là  con…on!”. Bà dậm chân gào lên như mất trí.

Bà Vụ ốm nặng một trận, gầy sọp đi, nhìn xuống sắc thấy rõ. Sau trận ốm nhìn bà ngơ  ngác như người mất hồn.  Bà Thỏa với bà Chiêm cứ  hỏi nhau phải làm sao bây giờ?  Làm sao bây giờ? Chết mất thôi!  Bà Thỏa lại xay nếp đồ xôi đóng oản, lại lén lút đi đền chùa xa cầu cúng.  Bà Vụ vẫn ngày càng ủ rũ héo hắt tưởng không thể gượng dậy được.

Nhưng may làm sao cuối năm ấy đã có một đứa bé ra đời.  Đứa bé đã làm bà Vụ tươi tỉnh trở lại như bèo khô gặp nước.  Bà mê mẩn nhìn ngắm  rờ rẫm đứa cháu, cười suốt ngày.  Bà nhắc đi nhắc lại: “Nó y như thằng Đôi ngày xưa. Nó y như thằng Đôi ngày xưa”.  Dù vậy với chị Đôi,  bà vẫn chưa thể tha thứ  được.

Bà Chiêm với vợ anh Chất có phần ít gay gắt hơn. Có thể vì chị Chất do chính bà tìm chọn và cưới về cho con trai. Tính chị lại xuề xòa. Bà có mắng mỏ thế nào chị cũng chỉ nhăn nhở cười. Thế là xong. Cũng có thể vì bà đã thấy trước cảnh nhà bà Vụ nên khi vừa cưới vợ cho anh Chất xong bà đòi tách ra ở riêng ăn riêng ngay.  Coi như bà đã bằng lòng chấp nhận chuyển giao anh Chất sang cho vợ anh ấy. Chấp nhận từ giã những ngày một mẹ một con bên nhau.  Nhưng trước đó bà Chiêm luôn trong tâm trạng thấp thỏm sợ mất đứa con trai cuối cùng. Bà Vụ còn  chịu để cho anh Đôi đi bộ đội, rồi chuyển ngành sang làm cán bộ lâm nghiệp mấy năm,  sau vì ở rừng khổ quá mới bỏ về, chứ bà Chiêm nhất định không cho anh Chất đi đâu xa quá vài ngày.  Anh Chất hồi bé bị thương sức khỏe yếu,  lại thêm có bà mẹ “chấp hành chủ trương chính sách không nghiêm, chuyên hát xuyên tạc và phát ngôn bừa bãi”  nên không thuộc diện đi bộ đội đã đành. Nhưng đi làm công nhân nông trường công trường bà Chiêm cũng không cho đi. Mỗi lần anh có ý định đi đâu bà lại hoảng lên khóc lóc. Anh Chất lại thôi không đi nữa.  Thậm chí anh đi làm thuỷ lợi ở xã bên vài ba ngày bà cũng sốt ruột,  không muốn cho đi. Tuy vậy cũng có một lần anh Chất bỏ dở buổi cày trốn đi. Anh đi bộ 2 tiếng đồng hồ ra đến đường cái. Anh cứ đứng đấy nhìn xe qua lại,  đến gần tối thì quay về. Anh đi một mình,  lùi lũi, không nói với ai,  vậy mà vẫn có người nhìn thấy về nói lại với bà Chiêm. Bà Chiêm hoảng sợ vội mở chiến dịch ráo riết tìm vợ cho anh để mong giữ chân anh. Bà mếu máo thúc giục anh.  Thế là anh Chất cưới vợ,  đẻ cho bà một đàn cháu.  Anh sấp ngửa lo làm  lụng nuôi con và không bao giờ đi đâu nữa.

*

Bây giờ gần như ngày nào ba bà già ấy cũng tụ tập ở nhà bà Thỏa, tức nhà cô Uyên.  Các bà ngồi với nhau bên ấm  nước chè tươi ở nhà ngoài. Ai mỏi quá cứ việc nằm dài ra ghế,  còn hai bà kia ngồi ở ghế bên kia. Bây giờ đã là thời bình. Cuộc chiến dài nhất cũng đã lùi xa một phần ba thế kỉ rồi. Nhưng ông Vụ vẫn “mất tích”.  Tuy ông đã có giấy báo tử nhưng có người nói vì ông mất tích lâu quá nên người ta đành phải báo tử thế thôi.  Ông Thỏa vẫn biệt tăm  không tin tức, không có giấy báo tử,  cũng không thấy về.  Cả ba ông đều không có cái ảnh nào để lại.  Người làng chắc đã quên nét mặt họ. May ra chỉ ba bà còn nhớ. Ba bà, tuổi chênh nhau cả chục năm nhưng đều tóc bạc tai điếc mắt mờ. Bà Chiêm tuy người quắt lại như miếng cau khô nhưng vẫn có phần tỉnh táo. Bà Vụ suy sụp nhất, vừa lẫn vừa run lẩy bẩy. Chỉ có bà Thỏa nhìn đỡ hơn cả không biết có phải vì bà ít tuổi nhất không. Ba bà như ba cành tre già khằn lạc lõng còn sót lại trong cái ngõ giờ càng hun hút cũ kĩ.  Vì đều nặng tai nên cứ bà này đang nói chuyện này, bà kia lại bắt vào chuyện kia.  Chẳng hạn như hôm nay,  bà Thỏa mở đầu như nói một mình:

-Cái anh ngô giống mới hoá ra lại không để giống được. Cây rõ tốt mà bắp chả có hạt nào.  Cứ như đồ chơi cho trẻ con ấy, nhỉ.

Bà Vụ (bây giờ là bà Đôi già) đáp:

-Vậy tưởng con nhà Quyết lấy con nhà Lộc. Vậy không phải à?

Bà Chiêm (tức bà Chất già) cãi:

-Nó luộc đấy chứ  có phải nướng đâu. Nó mải chơi để cạn nước mới cháy đen đi vậy.  Mẹ bố cái giống củ từ cháy hoá ra ăn lại thơm.

Cứ thế. Thế mà gần như ngày nào ba bà cũng ngồi nói chuyện với nhau. Nói chuyện một cách rất hoà bình thân ái.  Cũng có khi các bà chỉ ngồi yên lặng. Ngồi nhìn ra sân hoặc nhìn vô định đi đâu đó. Yên lặng. Thật lâu. Cho đến lúc nghe con cháu gọi về ăn cơm mới chống gậy đứng lên chia tay.  Nghe kể có lần bà Đôi già ăn cơm xong ngồi dựa tường ngủ gật, chợt nghe tiếng xoong nồi bát đĩa khua dưới bếp, bà bừng tỉnh mở mắt gọi con dâu:

-Nhà Đôi ơi,  làm cái gì  lào xào dưới bếp đấy cho tôi ăn với.

-Vừa ăn rồi đấy thôi – Bà Đôi trẻ đáp

-Vậy à. Ăn rồi à?

Nói xong bà lại dựa tường lim dim gà gật. Chẳng biết có giống tư thế dựa gốc cây phi lao bên bờ ruộng tranh thủ ngủ năm nào?

Có người đã diễn giải về chuyện đó như thế này: Cái sự thèm ăn nó là sự đòi được thoả mãn của tâm trí, chứ cái dạ dày vô tri nó có biết thèm đâu mà đòi. Ngay cả khi nó đã đầy ứ lên rồi mà cái thằng miệng, tức thằng tâm trí vẫn  chưa thỏa mãn, vẫn còn muốn ăn, thì nó vẫn phải căng tròn ra chịu trận. Cho nên nói no bụng đói con mắt  là thế!  Nếu đúng vậy thì cái sự  đòi ăn của bà Vụ bữa ấy chắc chắn không phải vì đói (bây giờ bà đâu có bị đói nữa).  Nó là cái thèm không được thỏa mãn từ suốt mấy chục năm nhịn ăn nhịn mặc trong đời bà tích tụ lại vậy.

Nhà hiền triết này, không ngờ, lại chính là thằng con trai đầu sỏ đã ném  đất cục vào lưng con Uyên làm nó đau đến tức thở ngày ấy.  Bây giờ hắn là hàng xóm ở ngay sau nhà cô Uyên.  Cô Uyên bây giờ là cô mẫu giáo làng. Thường những ngày chủ nhật cô được nghỉ, hắn lại khệnh khạng sang “uống nhờ” nước chè và góp chuyện. Trong lúc góp chuyện hắn cứ muốn tỏ ra là người cũng thông hiểu lí lẽ.  Nghe nói hắn còn cấm tiệt lũ con không cho chơi chọi chim  chọi gà. Lạy thánh đền Năn Lác thương lấy hắn.

Trong số những tấm ảnh đóng khung treo trên tường nhà cô Uyên có một cái ảnh bà Thỏa chụp trắng đen. Trong ảnh bà còn trẻ. Vẫn đôi hoa tai bạc. Vẫn mái tóc đen dày vấn trần thành một vòng cao rất điệu trên đầu.  Vẫn chiếc áo cánh sẫm màu ôm lấy đôi vai tròn, cổ áo hình quả tim. Và mắt nhìn thẳng nghiêm nghị. Cô Uyên bảo: “Ảnh chứng minh thư của bà đem chụp lại đấy mà”. Vậy ra cái ảnh này bà Thỏa chụp từ ngày ấy. Cái ngày người ta về làm chứng minh thư ở đình làng.  Phải nói như một sự kiện.  Cả làng xôn xao rộn rịp suốt mấy ngày. Lũ trẻ con chen nhau đứng vòng quanh ông thợ chụp ảnh và hai cô đánh máy chữ xem không biết chán.  Bà Vụ thì băn khoăn cứ chạy qua chạy lại hỏi bà Thỏa xem  có nên làm chứng minh thư không, làm để làm gì? Bà Thỏa nói: “Em  cũng chả biết để làm gì. Nhưng thấy người ta làm  mình cũng phải làm. Chứ nhỡ sau này có chuyện gì thì khổ”.  Bà Chiêm nói: “Ai muốn làm thì đi mà làm. Tôi chả làm. Kệ xác”.  Sau khi đoàn làm chứng minh thư rút đi,  làng Gạo buồn như  bánh đúc thiu, như anh xẩm ế. Chẳng ai thiết làm gì nữa, đến ruồi cũng chả thèm đuổi. Lũ trẻ con ngơ ngẩn nhìn theo những tờ giấy loại bị gió thổi bay tản mát. Bà Thỏa hát thầm nhiều hơn.  Nhớ lúc chuẩn bị ra đình chụp ảnh làm chứng minh thư bà diện quần lụa mới, áo mới,  soi gương vấn tóc đi vấn tóc lại. Và, lạy trời,  mắt bà lúc đó long lanh rạo rực lắm chứ không căng thẳng nghiêm nghị như trong cái ảnh kia đâu.

Tên hàng xóm của cô Uyên bảo: “Kể ra các bà cũng chả cần đến chứng minh thư làm gì. Chứng minh thư chỉ dùng để đi lĩnh bưu phẩm,  mà các bà cả đời có ai gửi cho cái gì đâu mà đi lĩnh”.  Chẳng lẽ hắn đang nói sự thật? Bà Chiêm  thì đúng là cả đời không có ai gửi cho cái gì qua đường bưu điện thật. Nhưng còn bà Thỏa chẳng lẽ không có ai? Chẳng lẽ ngày trước không có ông nào tán tỉnh bà?

-Thiếu gì! - Bà Vụ bất ngờ lên tiếng. Rồi bà thản nhiên nói thêm - Năm ấy tôi hai bốn (24), thằng Đôi mới bốn tuổi.

Bà Vụ? Người không bao giờ hát, rất hiếm khi cười đùa,  đã làm người ta bị bất ngờ. Bất ngờ, vì cứ tưởng bà đã nặng tai, đã lẫn rồi. Ai biết được một người vừa ăn cơm xong đã tưởng chưa ăn, vậy mà cái mốc thời gian “Năm ấy tôi hai bốn, thằng Đôi mới bốn tuổi” lại nhớ chính xác rõ ràng đến thế.

Bà Chiêm bỗng nhiên nói: “Nó trách tôi. Nó bảo chỉ tại tôi mà nó không đi được  đến đâu”.  Chắc bà đang nhớ đến  anh Chất đã qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Bây giờ hẳn bà chẳng còn phải cãi nhau vì ai nữa? Tên hàng xóm bảo:  “Hết sức chiến đấu rồi, cãi gì nữa. Giờ có treo giải cho cãi nhau lấy thưởng các bà cũng chịu”.  Còn ai hát nữa không?  Cô Uyên bảo: “Lại nói đến hát. Biết vậy hồi ấy đừng cấm bà…”.  Tên hàng xóm  lại bảo: “Biết vậy là biết cái gì? Ai biết trước được mà nói.  Nếu khác đi chắc gì các bà đã nhẹ gánh hơn. Có khi còn khổ nhục hơn ấy chứ. Thế này là các bà vẫn còn sướng chán.  Sướng hơn ối người”.  Câu này có lẽ hắn nói đúng.  Ai mà biết trước chuyện gì.  Chẳng phải trước khi đi lấy chồng cả ba bà đều chưa từng biết nhau đấy thôi. Vậy mà họ đã cùng rủ nhau về đây làm dâu. Cùng giằng díu với nhau gần suốt cuộc đời. Và cùng liên quan đến những cuộc đời bí ẩn khác trong cái ngõ ngày càng hun hút này./.

Vân Hạ
Số lần đọc: 1797
Ngày đăng: 20.04.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Còn nỗi buồn đau nào hơn? - Trần Minh Nguyệt
Giải hạn - Bùi Công Thuấn
Hoa gạo đỏ thắm - Nguyễn thị Minh Hương
Cái cổng ngõ - Dương Phượng Toại
Đêm ở biển - Hồ Ngạc Ngữ
Một chuyện có thật chẳng ai tin - Từ Nguyên Thạch
Mái ấm - Phan Bích Thủy
Tôi cưới vợ - Trọng Huân
Chương trình Operation baby lift - Đỗ Ngọc Thạch
Chuyện ở một ngôi trường - Mang Viên Long