Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.093
123.232.350
 
Một người Mỹ dễ khóc
Nguyễn Đình Phư

( Kính tặng nhà thơ Lâm Quang Mỹ)

 

Dạo đó, sau chiến thắng mùa Xuân lịch sử năm bảy lăm, một đoàn của Hội những người Mỹ vì Việt Nam sang thăm Viện Khoa học chúng tôi. Dẫn đầu là Giáo sư Hopmann, ông đại diện cho Ngài Chủ tịch Hội Những người Mỹ – giáo sư Wiliams. Họ cùng thời với Moris, với Jane Fonda, … đã từng biểu tình chống chiến tranh Việt nam trước đây. Đó là những người muốn xếp lại quá khứ để hướng tới tương lai đầu tiên trong lịch sử bang giao giữa hai dân tộc. Viện Trưởng chúng tôi cũng phải vất vả lắm mới xin được visa để đoàn vào thăm, thực chất là để họ kết hợp tặng cho Viện Khoa học chiếc máy tính cá nhân PC thế hệ đầu. Tôi được Viện Trưởng gọi lên:

-    Cậu có biết gì về máy tính Venture này không?

-    Em chỉ rành các loại máy Xã hội Chủ nghĩa thôi. Sở trường của em là máy Minsk mà anh!

-    Cậu tìm ngay các tài liệu về máy tính cá nhân mà đọc. Vài tuần nữa chúng ta sẽ có loại máy đó và chúng ta phải là người biết sử dụng đầu tiên. Nếu không Viện Tính Toán sẽ lấy mất.

 

Việc trước tiên là tôi đi tìm ông bạn thân đang công tác bên Viện tính toán để nhờ mượn tài liệu vì bên họ chuyên hơn, có nhiều tài liệu về thứ máy tính cá nhân.

-    Nhưng đó là bí mật quốc gia. Không phải người của Viện thì đừng mơ! - Tình nói dứt khoát.

-    Thì vẫn biết vậy nên tớ mới phải nhờ ông.

-    Nghĩ cũng lạ, hai Viện đều thuộc chung một Ủy ban mà cứ như là hai quốc gia khác nhau không bằng. Thôi. Cứ để đó tớ sẽ đánh thó cho.

 

Tình đồng ý vô điều kiện. Cậu ta hăng hái lắm. Thời buổi tài liệu khoa học hiếm như vàng, nếu có được thì phải bò ra mà chép. Hai sếp lớn của chúng tôi thì kình địch. Chẳng ai chịu ai. Vị nào cũng muốn lấy thành tích với cấp trên. Càng có thứ thiết bị hiện đại nào thì sếp càng oai, được đề bạt và được trọng dụng. May mà có quý nhân phù trợ! Ông bạn thân đưa cho tôi cuốn HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG MÁY PC VENTURE  bằng tiếng Anh. Mày mò hai bữa tôi cũng nắm được hệ điều hành và các phần mềm hệ thống. Cơ bản cũng như các loại máy Minsk thôi. Cái khác biệt lớn nhất là thay vì các đèn điện tử thô kệch và nhận dạng bằng bìa đục lỗ thì PC được thay bằng các IC tinh gọn. Vài con chip ấy có thể thay cả một dàn bóng đèn. Tính năng cũng đa dạng hơn. PC nhận dạng bằng hệ điều hành mới. Mấy tay tư bản này có thể thu gọn một gian nhà thành một tờ giấy chứ chẳng bỡn! Trong khi phe ta thì làm cái gì cũng phải to lớn vĩ đại: các nhà máy cứ là phải là chọc trời, khói bụi mù mịt và tiêu tốn năng lượng vô thiên lũng.

 

Về một phương diện nào đó mà nói thì sếp của tôi làm gì cũng giỏi. Ông luôn trù tính trước hết mọi nhẽ. Giá mà ông được giải phóng cái đầu để dành cho khoa học, chưa biết chừng ông đã giật giải Nobel. Nhìn quanh ngó lại các vị đều lo phấn đấu theo đường công danh hết thảy. Hình như họ xem thành đạt trong cuộc đời phải là người có chức quyền, có địa vị chứ không phải là một nhà chuyên môn giỏi. Thôi kệ, dù sao mình cũng đã hoàn thành nhiệm vụ của cấp trên giao và tôi lẳng lặng chờ đợi cái máy vi tính PC đầu tiên xuất hiện. Hôm mời Tình đi làm vài vại bia hơi Hà Nội nó cứ tra khảo tôi mãi về việc mớ tài liệu. Tôi vẫn phải giữ bí mật cho sếp. Dù biết rằng mình đang đối xử tệ với Tình. Làm khoa học ở xứ mình cũng phải giữ bí mật với nhau. Nhiều khi hai Viện Khoa học chuyên ngành mà giống như hai quốc gia đối địch nhau, không hợp tác, không chia sẻ cho nhau nguồn tư liệu ít ỏi – quý hiếm. Nhiều buổi seminar chuyên ngành cũng vui đáo để: Một người trình bày vấn đề gì đó thì chín người dè bửu, lại có người chẳng biết ngô khoai gì cũng xía vào bằng được. Buổi sinh hoạt khoa học không còn tranh luận học thuật mà vượt cả khuôn khổ thành cãi vả cá nhân. Tôi là dân kỹ thuật nên chỉ biết ngồi nghe các vị tranh luận. Dân kỹ thuật dễ mà khó, chỉ cần làm chủ được phương tiện và biết chăm sóc chu đáo chúng là đủ, nhưng đó mới là kỹ năng, mới là tài nghệ. Hễ Viện có đề tài, cần tính toán là y như rằng Viện Trưởng chỉ đạo: “Đưa cậu Hòa chạy máy nghe!”. Tôi thành “con cưng ” của Viện, trở thành chỗ đáng tin cậy của mọi người. Lần này cũng vậy, chiếc máy tính cá nhân PC thế hệ đầu tiên sẽ được bàn giao cho Viện nay mai và tôi chứ không ai khác sẽ là người khai thác sử dụng.

 

Giáo sư Hopmann tuổi cũng xấp xỉ sáu mươi nên rất dễ xúc động. Lần đầu tiên đặt chân tới Hà Nội, được đón tiếp nồng hậu và chân tình, ông đã phải thốt lên rằng: “ Như chưa hề có cuộc chiến giữa chúng ta!”. Vâng, câu nói đó thốt lên từ một người Mỹ khi cuộc chiến tranh vừa mới kết thúc. Tôi được Viện Trưởng cử thay ông tháp tùng giáo sư người Mỹ này. Lý do thật đơn giản, tôi nghe và nói tiếng Anh đều tốt, vả lại tôi là người “ chủ ” cái máy PC mà ông vừa mang vào Việt Nam. Mang “thiết bị” như vậy ở cái thời kỳ sau chiến tranh Việt Nam là cả một vấn đề đối với Hải quan nước Mỹ bởi chúng ta bị cấm vận và thuộc diện không được phép. Để đảm bảo an ninh, cơ quan chức năng còn cử thêm một tài xế và một người dẫn đường. Dạo đó khi chúng tôi mời giáo sư ra ngoại ô Hà Nội tham quan đồng ruộng Việt Nam, nhìn những hố bom B52 chi chít ông đã khóc thật sự như bản thân ông bị thương vậy. Câu chuyện về Ngài giáo sư người Mỹ khóc trước những hố bom được các báo nhanh chóng đăng tải. Tình cảm của người dẫn đường đối với giáo sư không còn phải giữ kẽ nữa. Chúng tôi đã có thể cùng bàn luận nhiều vấn đề lớn nhỏ. Sau một tuần “chuyển giao kỹ thuật” tôi đã có thể chạy thử chiếc vi tính – PC ấy. Thậm chí khi chạy thử một chương trình tính toán ma trận có chiều là 52, tôi đã mạnh dạn đề xuất mở rộng chiều ảo ( thời đó PC chỉ tính được ma trận 16 hàng, 16 cột thôi). Giáo sư Hopmann đã khen ngợi tôi trước mặt Viện Trưởng: “Ngài xem, dân VC giỏi vậy thì người Mỹ thắng sao nổi !”. Cả ba người chúng tôi cười ngất, chỉ có “anh bạn” dẫn đường là nhìn tôi khó chịu. Sau chuyện khóc thứ nhất ấy, giáo sư Hopmann được thưởng một chuyến du ngoạn xuyên Việt.

 

Vẫn bốn người, chúng tôi rời Hà Nội thật sớm. Đường sá sau chiến tranh đầy ổ trâu ổ gà, xe cứ lắc lư lắc lư, nhiều đoạn như muốn đổ kềnh cả người lẫn xe. Đến Tỉnh T. thì trời đã quá trưa. Đói và mệt. Chúng tôi là khách đặc biệt nên được vào tiếp đãi ở Giao tế tỉnh. Thời đó, hễ được vào Giao tế đã là oai lắm rồi. Sau khi tắm rữa xong, ba người Việt xuống canteen để đổi tem phiếu lấy cơm. Sức trai trẻ lại đang đói, chúng tôi ăn nhanh đến nỗi chưa thấy no mà đã xong bữa. Quay trở lên để nằm nghỉ thì nhìn thấy giáo sư Hopmann. Ông hết chấp hai tay sau lưng, lại khoanh hai tay trước ngực rồi đi đi lại lại. Trông ông thật khó chịu, như đang bực bội điều gì đó. Thật khó hiểu ! Khi nhìn thấy chúng tôi, ông la lên :

-    Các anh đi đâu mà không về ăn ?

-    Thưa Giáo sư, chúng tôi ăn rồi ạ !

-  Ăn gì nhanh vậy ? Ông không tin mà hỏi tiếp.

Khi bước vào phòng khách, chúng tôi dù đã ăn mà vẫn thèm thuồng nhìn các thứ trên bàn. Tôi nhanh nhảu:

-    Giáo sư thông cảm ! Chúng tôi còn nghèo. Giáo sư là khách đặc biệt ! Phải ăn theo hai chế độ. Chúng tôi ăn rồi, thật đấy !

Miễn cưỡng lắm, giáo sư Hopmann mới ngồi vào bàn ăn. Chúng tôi ngôi uống nước bên cạnh. Có lẽ ông rất buồn. Như chực khóc, nước mắt ông lăn trên gò má ửng hồng vì cái nắng vùng nhiệt đới. Ông ăn rất ít: chỉ một miếng bánh mì bơ, một bát cơm với canh. Trên bàn còn cơ man nào là thức ăn. Ông tưyên bố, kể từ bữa ăn sau chúng tôi phải gộp hết thức ăn để dùng chung. Tôi dịch nguyên văn lệnh của giáo sư cho anh bạn dẫn đường. Từ đó đến các trạm giao tế của các tỉnh khác chúng tôi được ăn như những vị khách đặc biệt. Tôi cứ cả nghĩ rằng, nếu đi hết đợt, vào tận Sài Gòn rồi quay ra, chắc tôi béo lên dăm cân chứ chẳng đùa.

 

Đường vào các tỉnh phía Nam càng đi càng xấu: hố bom còn chi chít, cầu chưa kịp xây, xe vẫn cứ qua cầu tạm, qua đường tạm. Chúng tôi bị ê ẩm cả người. Giáo sư Hopmann hỏi:

-    Này Hòa, hồi còn chiến tranh chắc còn tệ hơn ?

-    Lại còn trên trời đủ các loại máy bay luôn dội bom, bắn rocket nữa ạ ! - Tôi nhanh nhẹn trả lời ông.

-    Vậy mà các anh cũng thắng được ! Ông tròn xoe đôi mắt, vẻ thán phục lắm.

Tôi cứ cả nghĩ, trên đời này chỉ vì sự hiểu nhầm mà gây ra bao nhiêu thù hận, chết chóc. Giá như người ta cùng ngồi lại với nhau, chia sẻ những lo âu, buồn tủi, nói cho nhau biết những cảm nghĩ, những cảm xúc của mình, dù có khác màu da, khác gì gì đi chăng nữa thì cũng giải quyết được khối mâu thuẫn. Cuộc đời có khi chỉ giản đơn mà người đời lại ưa rắm rối phức tạp. Họ cứ thích đẩy mọi thứ đến tột cùng như trong một vở kịch của sân khấu. Không biết họ làm như vậy để làm gì khi sân khấu chỉ khoảnh khắc thôi ?

 

Tôi đang tư lự về những điều mình nghĩ thì xe đã vào khu Ngã Ba Đồng Lộc - một địa danh giờ trở thành biểu tượng cho lòng quả cảm của một dân tộc. Hố bom dày đặc, vài cây sim, cây mua mới nhú khỏi mặt đất, sau bao nhiêu vùi dập của mưa bom bão đạn. Tôi đề nghị anh bạn dẫn đường cho dừng lại để ghé thắp mấy cây hương cho tiểu đội nữ thanh niên xung phong. Những nấm mồ nằm bên cạnh hố bom sâu hoắm. Tại nơi này thì tôi là người khóc đầu tiên – trước những cái tên Tần, Xuân, Cúc, … có cả tên người em họ. Và rồi giáo sư Hopmann cũng đã khóc khi nghe tôi kể về những mảnh đời của các Liệt nữ tuổi mười tám đôi mươi. Đây là lần thứ ba ông rơi nước mắt - những giọt lệ nóng hổi từ tâm can. Giáo sư Hopmann đã khóc cho người Hà Nội chết trong trận Điện Biện Phủ trên không của mùa đông năm 1972, đã từng khóc cho sự nghèo đói trong bữa ăn đạm bạc của chúng tôi, giờ thì ông khóc thật sự cho những người con gái trinh nguyên nằm xuống ở Ngã Ba Đồng Lộc. Tôi đã từng cảm phục ông, giờ lại càng cảm phục. Hóa ra chẳng cần thứ chủ nghĩa nào để mà chia sẻ, chỉ cần có tấm lòng nhân bản thì mọi khổ đau, mọi phiền muộn cũng vơi đi phần nào. Vậy cũng đủ lắm rồi ! Một người Mỹ dễ khóc ! Tôi nghĩ về ông như thế, mà chẳng cần biết rồi những ngày kia giáo sư có còn rơi nước mắt được nữa không.

 

Đường vào Nam lại qua những khúc quanh co trắc trở, chúng tôi lại vào những nhà khách Giao tế cùng ngồi ăn chung một mâm cơm, bốn con người đã trở nên gắn kết như bạn bè. Bây giờ mỗi buổi ăn vui vẻ hơn, có tiếng cười, có tiếng nói rôm rã. Anh bạn dẫn đường đã có thể trò chuyện vô tư:

-    Xin hỏi Ngài giáo sư, tại sao người ta gọi nước Mỹ là Chú Sam và đế quốc Mỹ là con hổ giấy ?

Tôi nhanh nhảu dịch cho giáo sư Hopmann nghe. Ông nheo mắt tinh nghịch: “ À, tên Chú Sam chỉ là cách gọi thân mật các nhà Tư bản Mỹ trong cái mũ dài nhiều sao và cũng lắm tiền. Còn ai đó không phải người Việt mới coi Mỹ là con hổ giấy. Ông ta coi thường Mỹ, không sợ Mỹ vì ông ta muốn đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng mà !”

 

Tất cả chúng tôi thật sự ngạc nhiên. Một nhà khoa học vật lý nổi tiếng như  ông mà lại có nhận xét về chính trị thật hóm hĩnh.

 

Đến đất Cố Đô. Thành phố Huế mộng mơ. Mưa Huế mỏng như tơ, trong cái lạnh se se dễ chịu. Những cô gái Huế thướt tha trong những chiếc áo dài màu tím. Từ khách sạn Sông Hương, bên kia cầu Tràng Tiền mới, chúng tôi có thể ngắm dòng sông hiền hòa trôi trong mưa bụi như sương mờ giăng kín. Sáng ra, ngồi dưới mái hiên ăn sáng và uống cafe, chúng tôi được lễ tân tiếp đón. Cô gái Huế dễ thương, nói tiếng Việt ngọt ngào mà tiếng Anh cũng hấp dẫn không kém. Có cô ấy nói chuyện với giáo sư Hopmann nên tôi được làm khách. Cô kể về những năm chiến tranh ác liệt, về những người lính của cả hai phía nằm xuống ở mảnh đất này. Ngay chỗ chúng tôi đang ngồi cũng có cả trung đội lính Mỹ chết. Tôi vừa nghe cổ kể, vừa liếc mắt qua giáo sư Hopmann. Gương mặt ông đang vui, bỗng dưng xịu lại. Cảm xúc ông tuôn trào bằng tiếng khóc nghẹn ngào, nấc lên nghe ực ực. Nước mắt, nước mũi ông trộn lẫn, ông đang lên cơn khó thở vì quá xúc động. Tôi gọi ngay xe cấp cứu. Giáo sư Hopmann chỉ nằm bệnh viện hai tiếng đồng hồ, nhưng chuyến đi Sài Gòn thì bị hủy bỏ. Người dẫn đường nói chỉ thị của cấp trên là phải quay ra mà không hề giải thích gì thêm.

 

Chúng tôi đành gác lại ước muốn vào tận Sài Gòn. Tôi là người Việt mà chưa đi hết những dặm đường của Tổ Quốc hình chữ S. Đất Cố Đô là điểm dừng chân xa nhất, nhưng tôi lại đi khắp châu Âu và cả nước Mỹ. Vào cái thời kỳ có nhiều biến động lịch sử của châu Âu, tôi đang là thực tập sinh cao cấp. Cũng như mọi người phe ta, tôi cũng tranh thủ đi kiếm mẫu bánh mỳ để sống. Tôi dự tuyển vào hãng IBM và được nhận vào làm việc. Trong một lần tham dự Hội thảo về Chip vi điện tử cho thế hệ máy PC mới, tôi gặp lại giáo sư Hopmann. Ông ôm tôi mà khóc. Những Gịot nước mắt của ông nóng hổi lại rơi, nhưng là giọt nước mắt của sự vui mừng. Ông luôn miệng chúc mừng tôi đã thành đạt và cùng hồi tưởng lại những ngày ở Việt Nam năm xưa ấy./.

 

Nguyễn Đình Phư
Số lần đọc: 1833
Ngày đăng: 21.04.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chết… vì nhục - Trọng Huân
Người đàn bà hát trộm - Vân Hạ
Hai người đàn bà trong cái quán buổi trưa - Âu thị Phục An
Chỉ có kẻ còn lại - Lữ Quỳnh
Còn nỗi buồn đau nào hơn? - Trần Minh Nguyệt
Giải hạn - Bùi Công Thuấn
Hoa gạo đỏ thắm - Nguyễn thị Minh Hương
Cái cổng ngõ - Dương Phượng Toại
Đêm ở biển - Hồ Ngạc Ngữ
Một chuyện có thật chẳng ai tin - Từ Nguyên Thạch
Cùng một tác giả
Con Lợn Bécgiê (truyện ngắn)
Cà phê từng giọt (truyện ngắn)
Vọng phu (truyện ngắn)
Bán danh (truyện ngắn)
Lãnh Tân Châu (truyện ngắn)
Hai Truyện ngắn mini (truyện ngắn)
Nợ đời (truyện ngắn)
Về Hưu (truyện ngắn)
Ông Năm Khướu (truyện ngắn)
Thành Viên Mới (truyện ngắn)