Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.194
123.207.911
 
Thư gửi bạn hiền
Vũ Quốc Hùng

Tặng nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa

 

Mấy tuần nay, trời mưa bão liên miên ở biển Đông rồi lũ lụt dồn dập cuồn cuộn tới miền Trung. Một vùng đất đã chịu nhiều khổ đau vì chiến tranh và thiên tai triền miên từ bao năm qua.

 

Buổi sáng, bầu trời Sàigòn cũng bị  ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới,  một vài cơn mưa ào ạt chợt đến rồi chợt  đi, không  một sợi nắng,  đất  trời vương vất u buồn ẩm ướt của mùa thu, một màu trắng nhờ ui ui đến quá ngọ. Một thoáng xót xa đến những người dân  nghèo khó ở Quảng Tri, Thừa Thiên-Huế,  Đà Nẵng,  Quảng Nam, Quảng Ngãi; và tôi chợt liên tưởng  dến bài thơ Trắng Lũ xuất hiện vào tháng 11-1999 của Khoa.

 

TRẮNG LŨ

 

Quảng Ngãi ơi; Rồi sẽ sống ra sao?

Trắng ngập cánh đồng trắng lên mái rạ

Trắng vành khăn sô trên đầu lũ trẻ

Trắng tay người nghèo chạy lũ lơ xơ;

 

Cả một vùng quê một màu trắng thẫn thờ

Những bàn tay yếu ớt vẫy tầu ghe

Những nắm cơm chan đầy nước mắt

Những đôi mắt thâm quầng, những gò má xanh xao

 

Mẹ bới tìm dưới túp lều sau cơn lũ dữ

Còn gì đâu mẹ ơi; lũ  cuốn trắng sạch rồi

Me chỉ nhận một phần hàng cứu trợ:

"Còn dành cho những nhà đông con"

 

Rồi, những đôi mắt thâm quầng

những gò má xanh xao

Quảng Ngãi ơi, sẽ sống ra sao?.....

 

Mùa lũ năm Canh Thìn. 11.1999 - LTMK

 

Thật thú vị và lâng lâng đến xao động khi đọc lại cuốn thơ “Thị trấn tôi” của Khoa. Những kỉ niệm xa xưa bủa vây quanh hồn với quá khứ 17 năm dài như những thước phim lần lượt trôi qua, nơi tôi học Sư phạm,  sinh sống và gõ đầu trẻ ở đất Bà Rịa từ năm 1972. Tất cả tưởng chừng lãng quên sau 20 năm (1989-2009); khi tôi lại phiêu bạt về Sài Gòn làm đủ thứ nghề (học vẽ chân dung, học sửa chữa xe mô tô, làm tranh sơn mài, mài hột đá quí); rồi lại rong ruổi xuống Trà Vinh; ngược về Tây Ninh bán phụ tùng Hon đa, làm đại lý bảo hiểm, rồi mon men đi chụp hình, viết bài cho các báo ở TP.HCM. Nhưng thực tình nỗi hoài niệm về những người thân quen cùng khung trời Bà Rịa lại luôn lẩn quất trong hồn, chưa bao giờ quên lãng.

 

Trong những bài thơ của Khoa, bạn có nhắc nhiều đến các địa danh mà tôi đã sống và đặt chân lên đó như: Nhà Tròn, Đất Đỏ, Long Tân, An Ngãi, Bình Ba, Ngãi Giao, Cù Bi,vv... Thật vui mừng là mình đã được tiếp xúc, giao hữu với biết bao con người mộc mạc chân tình đó từ buổi sơ giao cho đến thâm giao. Những câu chuyện, địa điểm, khuôn mặt, dáng dấp lẫn tính cách thân quen của những người ở vùng đất Bà Rịa khiến tôi không thể nào quên. Khi nghĩ về những “hỷ, nộ, ái, ố, ai, dục, lạc” của đời người, tôi thật tâm đắc với một câu thơ của Minh Khoa: “Có những điều chỉ trái tim hiểu rõ”. Tình cảm là một thứ  không thể cân đo đong đếm hoặc như những viên phấn trắng vẽ nguệch ngoạc trên bảng đen rồi bôi xoá một cách tuỳ tiện. Minh Khoa đã biến những địa danh trên thành nỗi nhớ khôn cùng và thể hiện những tình cảm vô bờ đầy chân tình của mỗi nhân vật. Qua cuốn thơ “Thị trấn tôi”, Khoa đã miêu tả đựơc những công việc bình thường và có vẻ thầm lặng của người dân lao động chân chính thật giản dị và dễ thương. Đó là cuộc sống nhiều khốn khó nhưng lại quá đỗi tự hào với những cảm xúc dạt dào của những nhân vật đời thường như: công nhân cao su, cô giáo dạy trẻ, y tá điều dưỡng, mỡ dầu áo thợ, cô bán hàng (bánh hỏi), dân hải sản (cá, tôm), dân diêm muối... Và Khoa cũng lột tả được vẻ duyên dáng với tình cảm trong sáng đầy tính nhân ái của con người vùng đất ấy – vùng đất Bà Rịa thân thương trong cuộc sống dù còn nhiều khó khăn và thiếu thốn thời bấy giờ.

 

Tuy nhiên, sẽ thật vô cùng thiếu sót nếu không nói về “Rượu” trong thơ của Minh Khoa. “Rượu ngon phải có bạn hiền”; để mở rộng cõi lòng, giải bày tâm tư; để nói chuyện cuộc đời thế sự ... (Thơ tặng Tiếp; Đêm Ba Mươi; Khóc bạn; Trong quán cà phê;  Đợi bạn ở quán cà phê...) Trong bài “Khóc bạn”, tôi nhớ mãi hoài một người bạn, một người anh em đã đi xa mang theo những ước mơ, những hoài bão về một xã hội tốt đẹp, vì một tình nhân ái bao la. Đó là Lê Viết Dương, một nhà báo năng động, thẳng thắn và chí tình với mọi người nhưng đột ngột ra đi vào cuối năm 2001. Đầu năm 2002, tôi ở Hà Nội 12 ngày,  công tác trong Ban tổ chức “Hội chợ Hàng Việt Nam được ưa thích nhất” của báo Đại Đoàn Kết mà Lê Viết Dương là người chủ xướng lẫn chủ xị. Tôi có vỏ vẻ một bài thơ thương tiếc bạn, giờ chép cho Khoa đọc chơi nhé.

 

Ngày vui tiệc rắn ... khóc Viết Dương

Khung trời Lệ Mật thiếu Lê Viết

Tâm tư ai đó dư phiền muộn

Hai chữ ai ngờ thật tiếc thương

 

Và cuối cùng, điều phải có trong cuộc đời này là Khoa cũng nói nhiều về tình yêu như vốn dĩ đã có từ thuở khai thiên lập địa; như mấy câu: “Trai gái thương nhau thương cả chỗ hẹn hò”; “Chồng là núi, chiều đỏ gay men rượu, hai bên sườn xương xẩu xanh xao, Vợ là sông khi trong khi đục, Khi mặn khi nồng, khi ngọt khi chua”, “Những người yêu nhau có...” ......

Khoa có tâm hồn phiêu lãng và thấm đậm tình người vậy đó. (Biết lâu rồi nhưng giờ mới nói cho đã!).

 

“Thị trấn tôi” đã gợi cho tôi rất nhiều kỷ niệm vui vầy cùng lắm ưu tư trong thời bao cấp và “hậu đổi mới – 86”, tôi nghĩ có lẽ  không chỉ riêng mình đồng cảm nhiều về cuốn thơ “Thị trấn tôi” của Khoa mà chắc hẳn rằng còn không ít người cảm nhận được thơ của Khoa “như người bạn đời thân thiết” rồi lại biết Khoa “hối lỗi cũng thơ” và “Tự thú đêm ba mươi”. Khoa là kẻ dũng cảm nhưng ... còn thế nào nữa thì Khoa tự biết đấy nhé;

 

Nói cho cùng, dẫu gì Vũ Hùng này cũng chỉ là giang hồ vặt, ... thế thời phải thế. Nhưng tôi quý mến, nhớ thương Khoa, gia đình Khoa và những người thân quen ở Bà Rịa là được rồi! Phải không Khoa?

 

Còn nhớ hồi xưa, trước năm 1975 lúc còn học Sư Phạm Bà Rịa, Phạm Văn Duyệt là bạn của chúng mình có viết câu “Một chút gì trong trí tưởng tượng cũng nhớ nhau muôn vàn, huống hồ gì cả ngàn lần yêu thương mình đã dành cho nhau”, lại nhớ đến những người bạn chân tình và văn nghệ thủa nào. Bỗng chợt nhớ câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”. Đó là tình yêu con người. Tình yêu của Chúa, của Phật và của các Đấng tối cao khác.

 

Lời cuối cho cuốn thơ “Thị trấn tôi” của Khoa không chỉ là nỗi nhớ khôn nguôi đượm nhiều sức sống lạc quan mà còn mang nhiều ý nghĩa nhân bản,  yêu thương cuộc sống. Cảm ơn Khoa đã cho ra đời được một “tác phẩm” có giá trị. Mong bạn có thêm nhiều sáng tác mới đậm tình người./.

 

Sài Gòn, một ngày mưa bão

Vũ Quốc Hùng
Số lần đọc: 1886
Ngày đăng: 21.04.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Suy nghĩ về câu tục ngữ: cha mẹ sinh con Trời sinh tánh… - Mang Viên Long
Tháng tư về - Nguyễn Thị Hậu
Tượng đài - Trần Quang Vinh
Lãng du trong văn học Nhật Bản - Lương Văn Hồng
Vui buồn với Trịnh - Bửu Ý
Ngày sau mãi nhắc tên ông! - Xuân Hồng
Chờ - Đào Duy An
Bài giảng cuối cùng - Nguyễn Đức Tùng
Trần gian đã không hờ hững với anh - Trần Dzạ Lữ
Lãng Du trong Văn Học Italia - Lương Văn Hồng
Cùng một tác giả