Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.125
123.228.172
 
Con đường máu -2
Sâm Thương

                                  CẢNH III

                 ĐÊM ĐỊA NGỤC

 

Công xã với hằng trăm căn nhà mái lá nhỏ, mới được xây dựng dưới chân núi dành làm nơi trú ngụ cho những gia đình người dân Phnom Penh bị xua đuổi ra khỏi thành phố  sau khi lực lượng  Khmer Đỏ của Ponpot  nắm chính quyền ở đất nước Campuchia. Hình như, bên trong, căn nhà nào cũng giống căn nhà nào, được bày biện đơn giản, một vài vật dụng như bàn ghế, giường được đóng bằng gỗ tạp sơ sài… duy chỉ  khung ảnh bán thân của lãnh tụ Khmer Đỏ, Ponpot treo một nơi được coi là trang trọng nhất, tạo nên một sự tương phản lạ lùng. Đêm đã khuya, tất cả công xã như đang chìm đắm trong bóng đêm dày đặc…

 

Riêng trong nhà của  vợ chồng Suvantha, ngọn đèn dầu đặt trên bàn hắt ánh sáng lù mù. Bên dưới, một bếp lửa cháy bập bùng. Bé Thanakri đang nằm trên giường. Chay Bofa ngồi cạnh con gái, ru con bằng giọng hát trầm buồn:

 

CHAY BOFA

( ru con ngũ bằng giọng hát trầm buồn)

Con ngũ đi đừng khóc

Cơm ngụi với mật ong

An rồi con đi chơi

Đi gần đừng đi xa…

(Lời ru miên man, diêu vợi hòa với tiếng con trùng tiếng ếch nhái kêu đêm…)

Con ngũ đi đừng khóc

Cơm ngụi với mật ong

An rồi con đi chơi

Đi gần đừng đi xa…

 

Bé Thanakri đã ngủ yên. Nó không còn nghe được những lời ru ai oán của mẹ nó. Trong khi đó Chay Bofa nhìn đăm đăm về phía khoản đen tối trước mắt. Và rồi chay bofa thấy mình đang múa bay trên sàn diễn sân khấu. Đôi cánh tay Chay Bofa uốn lượn nhịp nhàng, đôi bàn tay, rồi những ngón tay dổi ra, gặp lại giao hòa với tư thế của tấm thân và đôi chân… Chay Bofa đang thể hiện hình tượng của nàng Sêda trong Vũ kịch mà cô đã một thời vang tiếng. Nhưng trong khi Sêda đang hân hoan giữa một thiên nhiên khoáng đạt, nàng không hề hay biết rằng vua quỉ Riep xuất hiện. Hắn khao khát trước vẻ đẹp tuyệt trần của nàng, và rồi lao tới, bắt lấy Sêda. Nàng, tránh né vô vọng trước sự truy đuổi của Riep. Cuối cùng hắn đã chụp được nàng. Sêda ngã xuống…Và, lúc đó, Chay Bofa choàng tỉnh…Chay Bofa hét lên thất thanh.

A…A….!

 

SUVANTHA

( từ ngoài vào như vừa đi đâu về, chạy nhanh đến bên vợ, lo lắng)

Chay Bofa, Chay Bofa! Em sao thế?

 

CHAY BOFA

(vừa khóc) Em mới vừa trải qua một giấc mơ kinh khủng quá! Em chợt nhớ lại cảnh hoàng hậu Sêda bị tên vua Riep bắt cóc…

 

SUVANTHA

( trấn an) Em phải bình tỉnh mới được. Không nên làm việc nhiều quá sẽ…(Suvantha chợt ngừng lại, không nói, vì đến đó anh chạnh nghĩ đến tình cảnh bi đát của vợ chồng anh cũng như bao nhiêu người dân Campuchia khác) Nín đi em, Chay Bofa…nín đi em…(và anh chỉ có thể tiếp tục vỗ về)

 

CHAY BOFA

( thổn thức) Chúng ta đưa đến đây bao nhiêu lâu rồi hả anh ?

 

SUANTHA

Em không nhớ thật sao ?

 

CHAY BOFA

Hình như em đã mất đi ý nhiệm của thời gian.

 

SUVANTHA

Chúng ta đã rời Phnom Pênh hơn tám tháng rồi.

 

CHAY BOFA

Tám tháng? Tám tháng quá dài đối với kiếp người như chúng ta hiện tại. Bao nhiêu biến cố đã cướp  mất mẹ và con trai chúng ta. Hàng ngày chúng ta còn được biết bao nhiêu người bị bắt, bị giết… (ngừng một lát) Chắc chẳng bao giờ em còn trở lại được nhà hát…

 

SUVANTHA

Anh cũng vậy. Anh sẽ chẳng bao giờ trở lại bệnh viện, và đã lén lút chữa bệnh cho mọi người như một kẻ phạm tội !

 

CHAY BOFA

( như bừng tỉnh, lo lắng nhìn chồng) Anh vừa đi chửa bệnh về phải không? Anh có để ý xem chúng nó có theo dõi anh không?

 

SUVANTHA

( dịu dàng) Em an tâm. Lúc nào anh củng cẩn trọng…

Bên ngoài có bước chân rầm rập.

 

CHAY BOFA

( hốt hoảng)

Coi chừng! Có người đến đó anh! (bước vội đến giường ngồi xuống cạnh bé Thanakri)

 

BUNTHUM

(vào cùng với một toán lính Angkar. Hắn đưa mắt soi mói nhìn quanh căn nhà, rồi từ từ lại phía Suvantha nhìn chăm chăm vào Suvantha)

Trước kia anh ở Phnom Pênh anh làm nghề gì?

 

SUVANTHA

Tôi công tác ở bộ phận sửa chữa lưu động của nhà máy điện.

 

BUNTHUM

Còn một tên trí thức đang ẩn náu trong căn nhà này. Hắn là ai? Ta nhật định sẽ tìm cho ra chân tướng của hắn với những bằng chứng cụ thể. Hắn sẽ phải gánh lấy một hình phạt thảm khốc nhất.

Bổng có tiếng súng nổ từ xa. Bunthum nhìn đám cận vệ có vẻ dò hỏi, song chúng không biết gì hơn. Cuối  cùng hắn chạy lại nhìn Savantha với ánh mắt đe dọa, rồi đi nhanh ra).

 

CHAY BOFA

(lo lắng) Hắn nghi ngờ anh?

 

SUVANTHA

( tự trấn tỉnh) Có thể…nhưng chắc không phải đâu. Nếu ghi ngờ thí hắn đã bắt anh rồi…

Bất ngờ  có tiếng nói của đàn ông chen vào:“Bác sĩ nói đúng”. SuvanthA và Chay Bofa hốt hoảng quay về phía  phát ra tiếng nói bí hiểm và khủng khiếp ấy. Ai? Và từ trong góc tối, một bóng người từ từ bước ra, khăn trùm kín đầu. Chay Bofa và Suvantha lùi lại, lùi m,ãi…

 

CHANN SINH

Bác sĩ đừng sợ. Ong không nhận ra tôi sao?

( người lạ bỏ khăn trùm xuống)

 

CHAY BOFA

( kinh ngạc) Ong…ông…

 

CHAN SINH

( trấn an) Tôi là Chan Sinh.

 

CHAY BOFA

Ong đã…

 

CHAN SINH

Tôi đã bị giết. Đúng. Nhưng không chết…

 

SUVANTHA

Làm sao ông có thể sống cho tới ngày hôm nay ?

 

CHAN SINH

Còn ông, làm sao ông có thể sống được cho tới ngày hôm nay? (với Chay Bofa) Bà cảm phiền ra trông cửa, ở đây “tai vách mạch rừng…(ngồi xuống bàn)

 

SUVANTHA

( vẫn hồ nghi) Ông tìm đến tôi có việc gì ?

 

CHAN SINH

Bác sĩ yên tâm. Tôi không tố cáo ông đâu.

 

SUVANTHA

(cố né tránh)

Bác sĩ gì tôi. Tôi chỉ là công nhân nhà máy đèn…

 

CHAN SINH

(quyết đoán) Thôi, ông hãy dẹp cái trò ú tim ấy đi. Ông không biết tôi chứ tôi biết ông rất rõ, bác sĩ Suvantha ạ! Ông là nhà phẩu thuật không chỉ nổi tiếng nhất ở bệnh viện Trung ương Phnom Pênh mà theo tôi, còn lừng lẫy nhất Đông Nam Á đấy. Ông đừng giấu tôi làm gì. Tôi không phải là Bunthum. Nhìn lại một góc độ nào đó tôi với ông là những kẻ “đồng hội đồng thuyền”. Ông thấy đấy, hắn đã giết tôi…

 Có tiếng chó sủa vu vơ, và lẫn vào đó là những tiếng súng, Suvantha thấp thỏm nhìn ra ngoài…)

 

CHAN SINH

Không ai biết tôi tìm đến ông đâu.

 

SUVANTHA

Thế…ông cần gì ở tôi?

 

CHAN SINH

Tôi đau bác sỉ ạ. Cái vết thương khốn khiếp đó lại tái phát. Ở đây này (Chan Sinh vỗ vỗ nhẹ vào bụng). Hôm đó không biết sao tôi lại có thể sống được. Tôi ngất đi và sau đó…

 

SUVANTHA

( tò mo).

Ông tự cứu cấp à?

 

CHAN SINH

Không. Một y sỉ Angkar đàng hoàng. Tôi được cứu chữa bởi chính cái bọn khốn kiếp ấy, và cũng bởi chính cái cánh lang băm ấy mà bây giờ tôi phải…(ôm bụng, nhăn nhó)

 

SUVANTHA

( đứng dậy)

Ông có đau lắm không?

 

CHAN SINH

Thỉnh thoảng thôi…nhưng cứ bị ám ảnh bởi một cái thứ chó má nào đó trong bụng thi thật là khó chịu! Ông có biết tay y sĩ đó đã “chém” tôi bao nhiêu không? Mười lượng vàng! Khốn kiếp!

 

SUVANTHA

( khó hiểu) Vàng…Bọn Angkar…

 

CHAN SINH

Ông ngay thơ quá! Cánh trí thức của ông đều là như vậy cả! Cái ông luật sư, ông sử gia, ông giáo sư hôm ấy đâu rồi? Thành đất hết rồi phải không? Mẹ kiếp, cái thời buổi chó má này không thể nói chuyện với nhau bằng lời mà phải bằng vàng, ông hiểu không? Các ông ấy chế nhạo đồng tiền của tôi. Đấy, cứ nắm dưới đất mà cười diễu tôi đi! Đối với tôi điều quan trọng nhất lúc này là phải tồn tại, tồn tại bất cứ cách nào cũng được bác sĩ ạ. Tôi sẽ vượt qua biên giới, tôi sẽ sang Thái Lan, ở Bangkok tôi còn khối tiền trong nhà băng, (yên lặng một lát) Tôi sẽ đưa bác sĩ và gia đình cùng đi, tôi không thể đi một mình được, đường thì xa xôi mà vết thương của tôi thì lại tái phát…

 

SUVANTHA

Nhưng làm sao ông có thể vượt qua cái địa ngục này? Ở đâu cũng nhan nhản bọn lính áo đen…

 

CHAN SINH

Có tiền là có tất cả. Về chuyện này thì ông hãy tin vào tôi. Tôi không muốn ông phải bị bọn chúng giết hại. Trước sau gì chúng nó cũng lần ra tung tích của ông. Tôi không muốn một nhà trí thức như ông phải bị sát hại. Ông hãy đi với tôi…

 

SUVANTHA đùa đùa

Để làm bác sĩ riêng cho ông chứ gì?

 

CHAN SINH bào chữa

Ồ, ông Suvantha! Sao ông lại nghĩ thế?

 

SUVANTHA quả quyết

Được, một lát nữa tôi sẽ đến chỗ ông…

 

CHAN SINH

( mừng rơ) Ồ, thế thì quí hóa quá!

 

SUVANTHA

Nhưng chỉ để chữa vết thương cho ông thôi.

 

CHAN SINH

(thắc mắc) Còn…

 

SUVANTHA

Tôi không đi Thái Lan.

 

CHAN SINH

Suvantha!

 

SUVANTHA

Tôi ở lại. Đồng bào tôi đang cần sự có mặt của tôi.

 

CHAN SINH :

Ông muốn làm một kẻ tuẫn đạo à? Jésus, lạy Chúa tôi, bây giờ trên cây thập tự Chúa đã có thể yên lòng nhắm mắt…

 

SUVANTHA :

Tôi chỉ làm tròn trách nhiệm của một thầy thuốc.

 

CHAN SINH :

Trách nhiệm là gì?

 

SUVANTHA :

Ông không thể nào hiểu được ý nghĩa của hai tiếng ấy, vì đối với ông trách nhiệm là lợi nhuận.

 

CHAN SINH :

Ông! Ông lại đá giò lái tôi rồi (lấy lại vẻ nghiêm chỉnh). Này, Bác sĩ, tôi nói điều này xin ông đừng giận nhé. Ông nghĩ gì khi ông vừa cứu sống một đứa bé thì ngay sau đó nó đã bị người ta đập vỡ sọ trước mắt ông? (Quan sát thái độ của Suvantha) Sao ông lại im lặng? Đấy, tôi đã bảo trách nhiệm là khó nói lắm!

 

SUVANTHA

(điềm tỉnh)

Nhưng có gì chăng nữa tôi vẫn không thể ra đi.

 

CHAN SINH :

Tôi không thể nào hiểu được ông, ông Suvantha.

 

SUVANTHA

(khẽ mỉm cười) Dễ hiểu thôi, vì ông không phải là tôi!

 

CHAN SINH

Nhưng ông vẫn chữa bệnh cho tôi đấy chứ?

 

SUVANTHA

  nhiên…

 

CHAN SINH

( đứng dậy niềm nỡ) Tôi sẽ đợi bác sĩ ở bìa rừng, cạnh con suối…

Bây giờ tôi gởi cho bác sĩ một ít…

 

SUVANTHA

( xua tay) Tôi không nhận đâu, ông đi đi. Này, tôi đã bảo…Ông cất đi.

 

CHAN SINH

(bỏ tay vào lại túi áo )  Cám ơn bác sĩ. Tôi đợi…ra.

 Chan Sinh đi rồi, Suvantha ngồi xuống bàn, đăm đăm nhìn ngọn lửa trên bếp. Cuộc gặp gỡ bất ngờ với người thương gia như vẫn còn làm lòng anh vương vấn. Từ trong một góc khuất của căn nhà, nơi ánh đèn dầu không rọi tới. Chay Bofa tiến lại bên chồng rồi, bằng một cử chỉ dịu dàng, triều mến, chị ôm khẽ đôi vai Suvantha như chia sẽ với anh tất cả những gì mà chị vừa chứng kiến. Bỗng có tiếng khóc của bé ThanakrI…

Thanakri

( cựa mình, khóc) Mẹ ơi! Mẹ ơi!

 

CHAY BOFA

(bế con vỗ về) Ngủ đi Thanakri, ngủ đi con…Mẹ thương, mẹ quý con mà…

 

THANAKRI

( vẫn khóc) Con đói quá mẹ ơi! Con đói quá mẹ ơi!

 

CHAY BOFA

(cố vỗ về) Con ráng ngủ đi, ngủ là hết đói liền hà…

 

THANAKRI

(quằn quại) Đói lắm mẹ ơi! Đói lắm mẹ ơi!

 

SUVANTHA

Không còn gì ăn sao em?

 

CHAY BOFA

( lắc đầu, tiếp tục dỗ) Nín đi Thanakri. Con không sợ vua Reap sao?

Nín đi mẹ thương…

 

THANAKRI

( vẫn khóc dữ hơn) Con đói quá mẹ ơi! Con đói quá mẹ ơi!

 

CHAY BOFA

( quay sang chồng) Anh trông con, em đi đây một chút.

 

SUVANTHA

Khuya khoắt như thế này, em đi đâu?

( Nhưng Chay Bofa không nói, chị chuyển Thanakri sang tay chồng, rồi bước nhanh ra ngoài).

 

SUVANTHA

( như linh cảm một điều không hay, gọi với theo Chay Bofa). Chay Bofa! Chay Bofa! (nhưng chị đã khuất. Anh bế con rời khỏi giường, vừa lay lay nhẹ và dỗ). Thanakri uống nước nghe, mẹ đi một lác mẹ về. Mẹ đi kiếm khoai cho Thanakri…

( Con bé đã thôi khóc. Suvantha bế con đến lu nước đặt ở một góc, cho nó uống một gáo nước thật đầy, rồi lại bàn, đặt Thanakri ngồi vào ghế.

 

THANAKRI

( ngây thơ) Mẹ đi Phnom Pênh hả ba?

 

SUVANTHA :

Không. Mẹ đi gần đây thôi.

 

THANAKRI:

Chừng nào mình về Phnom Pênh hả ba?

 

SUVANTHA :

Cũng sắp sửa thôi.

 

THANAKRI

( phụng phịu) Cứ sắp sửa hoài! Hồi trướt Tết thì ba nói Tết sẽ về. Bây giờ Tết qua rồi cũng chẳng thấy về! Sao mình đi hoài vậy ba? Bà nội dắt anh Thabory đi đâu lâu về vậy ba?

 

SUVANTHA

( vuốt tóc Thanakri) Con chơi một chút rồi đi ngủ. Đầu con nóng lắm đó…

 

THANAKRI

Chừng nào về Phnom Pênh con lại được đi học phải không ba?

 

SUVANTHA :

Ừ…

 

THANAKRI

Ba mua sách cho con nhé! Bộ sách có hình màu của con bị mất rồi.

 

SUVANTHA :

Ừ. Con muốn mua sách gì ba cũng mua.

 

THANAKRI :

Cả cặp da nữa nghe ba, cái cặp đeo sau lưng đó.

 

SUVANTHA :

Ừ. Cả cặp da nữa.

 

THANAKRI :

Ba à!

 

SUVANTHA :

Gì con?

 

THANAKRI :

Sao ở đây không có trường học hả ba?

 

SUVANTHA :

Ừ, Thì mình di chuyển tạm thời mà. Đâu cần phải mở trường làm gì.

 

THANAKRI :

Sao sách vở cũng không có hở ba?

 

SUVANTHA :

Thôi con ạ! Cố quên đi, đừng bao giờ nhắc đến sách vở nữa, đừng bao giờ cho người khác biết là con biết đọc, biết viết.

 

THANAKRI :

Sao vậy hở ba?

 

SUVANTHA :

Ba đã nhiều lần nói với con, ở đây người ta không thích sách và không thích cả ai đọc sách nữa.

 

THANAKRI

( bực dọc) Sao họ không thích người ta đọc sách hở ba?

 

SUVANTHA :

Bởi sách dạy cho chúng ta biết làm con người, mà họ thì chỉ muốn chúng ta làm sút vật.

 

THANAKRI :

Họ không thích sách nhưng họ có thích mùa không hả ba?

 

SUVANTHA

(nghiêm giọng) Suỵt! Ba cấm con nhắc đến chuyện mẹ biết múa đấy. Con mà nhắc đến thì họ bắt mẹ đi, giam mẹ lại đấy.

 

THANAKRI :

Sao lạ vậy ba? Mùa mà cũng có tội hở ba?

 

SUVAMTHA

( gắt gỏng) Ba đã bảo không bao giờ nhắc đến nhắc đến chữ múa mà! Con không nghe lời ba sao? Con không thương mẹ sao?

 

THANAKRI

(ôm lấy cha) Con xin lỗi ba, con sẽ không nhắc tới nữa…

 

SUVANTHA

(ôm chặt lấy Thanakri, đôi vai anh rung lên vì xúc động) Con thương mẹ không? Con thương ba không?

 

THANAKRI :

Con xin lỗi ba…Con hứa với ba con không bao giờ nhắc tới những thứ ấy nữa…

 

SUVANTHA

(đau kho) Tội nghiệp con tôi…Thanakri, con ngủ nghe con.

(Suvantha bế con đặt xuống giường. Con bén nằm im. Anh lấy quạt quạt nhè nhe cho nó ngủ. Một lát. Phayna bước vào).

 

PHAYNA :

Anh Suvantha!

 

SUVANTHA

Đi đâu tối vậy? (họ ngồi vào bàn)

 

PHAYNA

Tôi đến cho anh hay…

 

SUVANTHA

Chuyện gì?

 

PHAYNA

Sáng nay ở khu Bắc, nhân dân đã nổi dậy giết chết bảy tên Angkar

 

SUVANTHA

Rồi dau đó…

 

PHAYNA

Họ đã bị đàn áp, một số người đã bị chùng mang đi, không biết đưa đi đâu hay đã bị thủ tiêu…

 

SUVANTHA

Tôi đã nói, chẳng thay đổi được gì.

 

PHAYNA

Sao lại không? Điều đó chúng tỏ là đã đến thời điểm mà dân chúng không còn im lặng chịu đựng được nữa. (ngừng một lát). Mấy lâu nay tôi cứ băn khoăn không biết bọn Ponpot muốn gì? Nhưng bây giờ thì tôi đã hiểu theo như Non Chamren cho biết…

 

SUVANTHA

Non Chamren?

 

PHAYNA

Phải! Non Chamren hiện ở quân khu 203, trực thuộc văn phòng bí thư quân khu So Phin. Tôi vừa bắt được liên lạc với anh ấy. (ngừng một lát). Anh có nhớ anh ấy không?

 

SUVANTHA

Tôi vẫn nhớ mãi đôi mắt anh ấy. Một con người trung thực.

 

PHAYNA

Chính Non Chamren đã giúp cho tôi hiểu rằng chỉ có lòng trung thực thôi không đủ…Và bây giờ thì anh ấy cũng đã hiểu ra như thế (ngừng một lát) Non Chamren bảo tôi phải tìm cách đưa anh chị và những người trí thức còn sống sót sớm rời khỏi đây.

 

SUVANTHA

Tôi không phủ nhận lòng tốt của anh ấy, nhưng…để làm gì?

 

PHAYNA

Sao không để làm gì. Chúng ta sẽ đứng lên để lật đỗ chúng.

 

SUVANTHA

Đó la một cuộc phiêu lưu vô vọng. Anh không thấy sao : Non Chamren, anh và kể thêm hai vợ chồng tôi nữa thì làm gì được?

 

PHAYNA

Anh sợ?

 

SUVANTHA

Đó kkông phải là vấn đề (ngừng môt lát). Tôi không muốn chạy hut hơi để rồi vẫn thấy mình đứng nguyên ở vị trí cũ, có khi còn thê thảm hơn cái đang có. Hồi đó, dưới thời Lonnol, chúng tôi đã không thể chịu đựng nỗi sự thối nát của cái xã hội mục rữa đó, và tiô đã mong chờ ngày mai tốt đẹp hơn.Thế rồi, họ đã đến, đến như những nhân vật thần thoại mà lòng tôi hằng ngưỡng mộ. Dưới mắt tôi thì họ là đại biểu cho những cái gì cao quý nhất của kiếp người – đó là phẩm giá, là đạo đức, là sự công bằng xã hội, là tình yêu, là lòng vị tha…Là những phẩm chất đã thúc đẩy tôi đến với công việc của người thầy thuốc.

 

Anh Phayna, tôi còn nhớ hôm ấy, trong nỗi mừng vui vô hạn, tôi và nhà tôi, chúng tôi đã thắp lên những cây nến của ngày cưới, và, vào lúc đó, họ đã xông vào nhà, xua cả gia đình chúng tôi ra, đẩy đi, đi mãi cùng với biết bao  nhiêu gia đình khác. Và rồi, ngày qua ngày, tôi đã đi và đã nhìn thấy…

 

PHAYNA

Anh quen là chúng ta có chính nghĩa?

 

SUVANTHA chua chát

Có một thời tôi đã tin rằng chính nghĩa là sức mạnh. Nhưng ở đây, và bây giờ, sức mạnh là bạo lực, là súng đạn…

 

PHAYNA

Không, không đúng! Tôi muốn chứng minh cho anh thấy rằng…

 

SUVANTHA

(đưa tay ngăn vì lúc ấy có tiếng lao xao bên ngoài) Có lẽ nhà tôi về…Nhưng sao lại đông người vậy? Không biết có chuyện gì chăng?

 

PHAYNA

Tôi phải đi! (Ra ngã sau)

Phayna vừa khuất thì Chay Bofa bị đẩy vào nhà, phía sau là Bunthum,Keo Van Lai và một toán Angkar tay cầm đuốc. Suvantha sửng sốt nhìn vợ, còn Thanakri nghe có tiếng động, giật mình thức dậy…

 

SUVANTHA

( chạy đến bên vơ) Chay Bofa, sao thế này?

 

THANAKRI

(khóc) Mẹ…mẹ ơi!

 

CHAY BOFA

( khóc) Con…( ôm choàng lấy Thanakri) Một tên lính đến, gạt hai mẹ con ra. Thanakri vẫn khóc trong tay tên Angkar)

 

SUVANTHA

Vợ tôi có tội tình gì…

 

BUNTHUM

Vợ tôi bị bắt quả tang vì tôi ăn cắp hột gà của công xã.

 

CHAY BOFA

Tôi nhận là có lấy cắp, chỉ mong các ông đừng hành hạ tôi trước mặt con tôi.

 

BUNTHUM

Nghe đây. Ai bảo mày làm việc đó?

 

CHAY BOFA

Không. Không ai bảo tôi cả.

 

BUNTHUM

Mày phải nói thật. Bọn mày làm thế nào để tiếp tế cho bọn phản động trong rừng?

 

CHAY BOFA

Tôi không biết…

 

BUNTHUM

Chúng mày đừng hòng qua mặt tao. Mấy tháng nay công xã đã xảy ra nhiều vụ mất cắp. Mới hôm qua đây, hai bao muối đã không cánh mà bay đi mất. Tao chắc chắn tất cả những thứ đó chúng bay lấy không phải để ăn mà để tiếp tế cho bọn phản động.

 

THANAKRI

(vùng vẫy) Mẹ ơi! Con không ăn trứng nữa đâu…khóc.

 

BUNTHUM

Con bé, mày nói sao?

 

THANAKRI

Tôi lạy ông! Ông hãy tha cho mẹ tôi. Tôi không đòi ăn nữa đâu.

 

SUVANTHA

Xin các ông tha cho vợ tôi. Chẳng qua là vì con chúng tôi quá đói. Ngày mai tôi sẽ đền bù cho các ông những gì đã mất mát…

 

BUNTHUM

Vợ anh có tội, phải không?

 

SUVANTHA

( ngần ngư) Vâng…

 

BUNTHUM:

Anh muốn chúng tôi giảm tội cho cô ấy, phải không?

 

SUVANTH:

Vâng…

 

BUNTHUM

( thâm hiểm) Vậy thì…(hắn rút ra một chiếc roi da, ném xuống trước mặt suvanth)…Hãy đánh nó đi.

 

SUVANTHA

(bàng hoàng)

Không. Tôi không thể…

 

BUNTHUM:

Anh đã học tập nội quy của công xã chưa?

 

SUVANTHA:

Đã…

 

BUNTHUM:

Anh có thích sự ăn cắp không?

 

SUVANTHA:

Không. Nhưng…

 

BUNTHUM

( quát lớn) Hãy đánh nó đi!…

 

SUVANTHA:

Tôi không thể…

 

BUNTHUM

( gọi lớn) Ma Khan!

 Tên Angkar lấy chiếc roi da quất vun vút trong không khí vửa tiến lại gần Chay Bofa. Chị từ từ lui lại, lùi lại sợ hãi. “Vút”, ngọn roi vung lên. Chay Bofa rú lên đau đớn, đưa tay che lấy mặt. Không chịu đựng nổi, Suvantha lao đến, chắn trước mặt vợ. Ngọn roi da vẫn vờn vợn bay lượn trong không khí trên đầu hai kẻ bất hạnh).

 

BUNTHUM:

Khê Ma Tan!

Một tên Angkar khác chạy đến kéo Suvantha ra khỏi Chay Bofa. Những ngọn roi tiếp tụp vun vút vào tấm than mãnh mai của chị, Suvantha vùng vẫy dữ dội nhưng không thể thoát ra khỏi bọn Angkar đang kềm giữ anh rất chặt..Thanakri la khóc dữ dội, cố chạy đến bên mẹ nhưng không được Chay Bofa không khốc, chị rất đau đớn nhưng cố nén tất cả để trước mặt Thanakri chị vẫn còn giữ được một điều  gì đó trong đầu ốc trẻ thơ của nó. Còn Keo Vanlai từ nãy giờ vẫn đứng yên một góc với khuôn mặt đăm chiêu khó hiểu. Bổng…

 

BUNTHU

( khoát tay) Thôi

Tên Ma Khan ngừng đánh, thở hồng hôc vì mệt. Chay Bofa run lên bần bật, gắng gượn lắm mới đở ngã xuống nên đất. Suvantha và Thanakri được tự do chạy ào đến Chay Bofa. Cả ba ôm choàn lấy nhau trong tiếng khóc tức tưởi, khổ nhục. Một lúc, có tiếng của Bunthum..

 

BUTHUM:

Anh Suvnatha!

 

SUVANTHA

(quay lại, sợ hãi) Ông gọi tôi…

 

BUNTHUM

( hết sức dịu dàng)

Anh yêu con bé lắm phải không?

 

SUVNATHA

( ngần ngại)

Vâng. Thanakri là niềm vui, là lẽ sốmg của chúng tôi.

 

BUNTHUM

Từ lâu tôi đã không còn biết đến hương vị của niềm vui đó. Con tôi đã chết chỉ vì nó đã sớm bộc lộ những tình cảm phi cách mạng. Tôi muốn anh hãy cho Thanakri đến ở với tôi một thời gian.

 

CHAY BOFA

( hốt hoảng, bám víu) Không…Không…không ai được đụng đến Thanakri của tôi. (chị ôm chặt con vào lòng như muốn lấy tấm thân tơi tả của trận đòn roi ra che chở cho nó).

 

SUVANTHA

(cố van nài) Thanakri còn rất nhỏ dại. Từ bé đến giờ cháu không quen ở xa chúng tôi…

 

BUNTHUM

(nhíp mép cười nhe)

Cài gì rồi cũng quên hết thôi. Những con người của các thế hệ kế tiếp sẽ chỉ biết có Tổ Quốc và Lãnh Tụ.

 

CHAY BOFA

(cương quyết).

Không. Hãy giết chết tôi đi. Tôi không để con tôi đi đâu cả. Tôi là mẹ nó…

 

BUNTHUM

(bỗng cất tiếng cười dài man rợ)

 

KEO VANLAI

(xông đến Chay Bofa, giật Thanakri) Tránh ra, Muốn chết tấc cả à? (quay sang bọn thủ hạ) Đem con bé đi.

Thanakri vùng vẫy kêu khóc dữ dội. Suvantha xông đến, nhưng Keo Vanlai đả giữ chặt tay anh lại, xô giạt ngã chúi vào góc nhà, rồi bước ra.

 

CHAY BOFA

( kêu gào)  Thanakri! Thanakri con ơi!

Chay Bofa gượng đứng dậy nhưng không nổi. Bunthum làm chị ngã chúi xuống, rồi lại cất lên tiếng cười man rợ. Và trong tiếng cười đắc thắng của bọn khát máu lẫn với tiếng khóc bi thương của người mẹ mất con…

 

                                      MÀN HẠ NHANH

 

 

 

 

 

 

 

 

                                            CẢNH IV

        TIẾNG THÉT GIỮA ĐÊM KHUYA

 

Vẫn nhà của Suvantha và Chay Bofa một tháng sau ngày Thanakri bị bắt đi. Đêm, Suvantha và Phayna ngồi bên bàn. Họ như vừa trao đổi với nhau một điều gì đó hệ trọng, cả hai đều tỏ vẻ ưu tư. Chay Bofa đang ngồi trên một chiếc ghế thấp ở một góc, lần mò vá chiếc áo của Thanakri trong ánh đèn dầu chai chập choạng. Một sự im lặng ngọt ngạt bao trùm lên căn nhà. Bỗng dưng, Chay Bofa cất tiếng ru con…

 

CHAY BOFA

( ảo não)

Con ngủ đi đừng khóc.

Cơm nguội với mật ong

Ăn rồi con đi chơi

Đi gần đừng đi xa…

Và rồi, chị ôm chặt chiếc áo nhỏ vào lòng nấc lên tức tưởi. SUVANTHA

(đứng dậy, đi về phía Chay Bofa ngồi xuống an ủi vợ)  Đừng khóc Chay Bofa! Rồi con nó sẽ trở về với chúng ta.

 

CHAY BOFA

( khóc đau đớn) Không về nữa đâu! Không về nữa đâu! Thi Bory con trai, Thanakri con gái của mẹ ơi!

 

PHAYNA

Cố gắng sống chị Chay Bofa ạ! Tôi đang dò tìm tông tích cháu Chanakri…(ngừng một lát). Anh Suvantha! Tôi nghĩ rằng chính thảm kịch mà gia đình anh đang gánh chịu phải làm cho anh suy nghĩ…

 

SUVANTHA

Tôi đã không suy nghĩ gì nữa từ lâu! Đầu óc tôi hoàn toàn trống rỗng…

 

PHAYNA

Nhưng những sự kiện xảy ra chung quanh anh thì lại hoàn toàn không trống rỗng chút nào mà đầy ắp máu và nước mắt của đồng loại…

 

SUVANTHA

Anh muốn nói đến trách nhiệm?

 

PHAYNA

Vâng, với những người đang sống và những người đã chết.

 

SUVANTHA

Tôi cũng đã từng nghĩ như vậy.

 

PHAYNA

Thế tại sao bây giờ…

 

SUVANTHA

Làm sao tôi có thể trách nhiệm về sự đổi thay xã hội khi mà tôi không tin tôi có thể trách nhiệm nổi về cuộc đời tôi. Tôi đã từng chọn lựa và tôi đã đánh đổi bằng một giá đắt, mẹ tôi, hai đứa con tôi và hàng triệu người khác đã bị giết và sẽ còn bị giết…

 

PHAYNA

Thế tại sao chúng ta lại không đấu tranh để thay đổi cái số phận khắc nghiệt, cái định mệnh bi thảm do kẻ khác áp đặt lên cuộc sống của chúng ta?

 

SUVANTHA

Chúng ta là ai?

 

PHAYNA

Nhân dân. Không trừ một ai!

 

SUVANTHA

Cứ coi như anh có lý. Nhưng rất tiết, trong hàng ngũ đó không có tôi. Anh cho phép tôi tiếp tục cuộc sống của tôi.

 

PHAYNA

Cuộc sống của anh à? Nếu anh chấp nhận lối sống đó thì, theo tôi, thà anh tự tử đi để khỏi bị đọa đày…

 

SUVANTHA

Tự tử là một cách chạy trốn. Nếu chạy trốn thì tôi không còn có mặt ở đây từ lâu (ngừng một lát). Tôi không có quyền chạy trốn. Tôi trách nhiệm về tấc cả những hành động của tôi. Có lẽ vì vậy mà tôi phải sống. Tôi muốn giữ sự thành tín của tôi đối với những điều tôi đã nói, đã làm. Tôi hiểu một cách rất rỏ ràng tôi không có khả năng thay đổi lịch sử, không biến cái số phận của đồng bào mình khác đi được, và ít ra tôi phải cùng với h5 gánh chịu những tai ương hôm nay.

 

PHAYNA

Anh Suvantha, tôi xin lỗi anh trước nghe, anh nói những lời lẻ của chủ nghĩa nhân đạo, nhưng là một thứ nhân đạo dựa trên cơ sở phi nhân! Tôi học hành ít hơn anh, nhưng tôi nhớ một câu chuyện như thế này : có một triết gia, hình như của đế quốc La Mã thì phải, khi người chủ bẻ chân ông ta, ông ta nói coi chừng gãy đấy. Người chủ vẫn bẻ, và cái chân gãy thật. Lúc đó, ông ta bình thản nói đấy tôi đã bảo mà ông không nghe! Anh Suvantha à! Tay chân anh thì người ta có bẽ gãy cũng không sao, song có thể gọi là nhân đạo được không khi, vì anh, mà tay chân của vợ con anh bị người ta bẻ gãy, và biết đâu cũng vì anh mà thảm họa sẽ đỗ chụp lên số phận của người khác nữa…

Có tiếng lao xao bên ngoài. Chay Bofa lo lắng nhìn ra cửa, rồi quay lại Phayna.

 

CHAY BOFA

( thúc bách) Anh Phayna! Bọn chúng đến. Anh đi ngay đi.

 

PHAYNA

Anh Suvantha! Tôi không chịu thua anh đâu. Tôi tạm thời lánh mặt một lát, rồi tôi sẽ trở lại. Chúng ta có nhiều việc cần phải giải quyết trong đêm nay (ra cửa sau)

 

BUNTHUM

(và bọn Angkar dẫn anh nông dân Kunsu bước vào.Chỉ        Suvantha) Có phải đúng là tên này không?

 

KUN SU :

Không, không phải người này.

 

BUNTHUM

Tại sao mày còn che dấu cho hắn?

 

KUN SU

Tôi đã nói với ông người nàykhông phải là người chữa bệnh cho vợ tôi.

 

BUNTHUM

Vậy thì ai là người chữa bệnh cho vợ mày? Bệnh của nó thì cả công xã này ai cũng biết là chờ ngày chết, vậy mà nó đã sống…(chợt dịu giọng). Kun Su, nếu mày bằng lòng nói rõ ai là kẻ chữa bệnh cho vợ mày thì ta sẽ tha cho mày ngay. Còn nếu không nói…(hắn rít lên) tao sẽ cắt lưỡi mày ngay.

 

KUM SU

Có Đức Phật chứng giám, tôi  không thể khai người đã cứu gia đình tôi.

 

BUNTHUM

( rút dao) Tao cho mày dịp may cuối cùng. Nói thật đi! Hắn có phải là kẻ đã chữa bệnh cho vợ mày không?

 

KUN SU

( nhìn con dao lấm lét, sợ hãi).

 

BUNTHUM

( thét lớn) Mày có chịu nói không?

 

KUN SU

( run rẩy)  Không…Không…Tôi không biết!

 

BUNTHUM

(bóp miệng Kun Su há ra, đưa lưõi dao lên) Nói đi tao tha.

 

KUN SU

( sợ hãi, lắp bắp) Nói…vâng…Tôi nói…

Bunthum thả bàn tay ra, chờ đợi. Kun Su đau đớn, kinh hoảng, miệng định nói một điều gì đó nhưng không nói được…

 

BUNTHUM

Nói đi Kun Su…Nói!

 

KUN SU

( rũ xuống nền đất với vẻ tuyệt vọng và đau khổ thấy rõ. Mặt anh méo đi, giọng vỡ khàng trong tiếng khóc). Vâng…tôi khai…tôi khai…Xin Đức Phật tha thứ cho tôi.(…ngừng một lát, người ta thấy anh đang trải qua một cố gắng, một cuộc đấu tranh, dằn vặt tinh thần ghê gớn. Bỗng

-Không, không…Xin Đức Phật tha thứ cho tôi…tôi không thể vu cáo cho người này. Hãy cắt lưỡi tôi đi. Hãy giết tôi đi. Không…Tôi không thể vu cáo, tôi không thể nói láo. Anh ta chỉ là một gã thợ điện!

 

BUNTHUM

( giận dữ)  Khốn nạn!(xông đến bóp chặt cuống họng Kun Su. Lưỡi dao vung lên. Kun Su rú lên một tiếng đau đớn cùng cực, rồi ôm chiếc miệng đỏ máu chạy loanh quanh trong nhà như một kẻ mộng du, cuối cùng anh ngã vật xuống nền đất, rên rỉ, lăn lộn như một con giun bị cắt đôi. Bunthum và đám Angkar vẫn đứng đó, chưa chịu đi. Hắn đăm đăm nhìn về phía Suvantha, xem xét những động tĩnh của anh. Suvantha vẫn đứng im thất thần nhìn Kun Su đang giãy giụa trên mặt đất. Chay Bofa đã nhanh chóng tiến đến trước mặt chồng, cũng thăm dò phản ứng của Suvantha để có thể kịp thời ngăn anh lại. Kun Su vẫn lăn lộn. Suvantha vẫn bất lực đau khổ. Bunthum quan sát Suvantha với vẻ khoái trá tàn nhẫn. Một lúc, thấy tình hình không có chuyển biến gì khác, Bunthum quay sang đám thủ hạ…)

 

BUNTHUM

Đem hắn đi!( ra.)

Bọn cận vệ kéo Kun Su lê lết ra ngoài. Những tiếng rên la ai oán vẫn còn vọng lại. Chay Bofa chạy đến bên cửa nhìn xem bọn chúng đã thực sự đi xa chưa, rồi quay lại bên chồng.

 

SUVANTHA

(đau khổ tuyệt vọng) Suvantha! Tại sao mày im tiếng? Tại sao mày làm ngơ bất lực trước nỗi đau đớn của Kun Su? Mày sợ hãi điều gì? Mày coi thường cái chết nhưng thực ra mày lại sợ chết. Mày nói đến sự thành tín nhưng lại hành động như một kẻ ngụy tín. Mày chỉ là kẻ làm dáng, chọn thái độ lưu đầy để tự an ủi, tự ái riêng tư. Mày hãy tự hỏi, hãy tra vấn mày đi rằng, thực sự, mày có phải là một trí thức hay không? Không! Suvantha mày nói đến trách nhiệm, đến lựa chọn, đến trách nhiệm về sự lựa chọn. Và mày lấy làm vui sướng về điều đó, tâm hồn mày đã nhảy múa, reo ca trước những nỗi dằn vặt do chính mày sáng tác ra. Mày đã cầm dao tự đâm vào tay trái để rồi dùng tay phải mà băng bó nó lại. Suvantha! Suvantha!có phải như vậy không? Có phải như vậy không? Mày hãy đào bới tâm hồn mày lên. Có phải như vậy không?

Càng lúc Suvantha càng rơi vào trạng thái kích xúc. Người anh run lên bần bật. Chay Bofa kinh hãi nhìn chồng không hiểu tại sao anh lại như vậy.

 

CHAY BOFA

( hớt hải). Anh Suvantha! Bình tĩnh lại đi anh. Anh nằm nghĩ đ anh.

 

SUVANTHA

( đã có thể hơi tự trấn tĩnh). Khộng sao, Chay Bofa. Anh chỉ hơi choáng váng. Anh nghỉ một chút là khỏe ngay thôi. Đừng lo lắng quá!.

 

SUVANTHA

(ngồi vào bàn. Hai tay ôm lấy đầu. Chay Bofa múc gáo nước đưa cho chồng. Anh uống. Im lặng một lúc. Phanay lặng lẽ bước vào).

 

PHAY NA:

ANH Suvantha, tôi đã nghe thấy tất cả. Cò phải anh đã chữa bệnh cho vợ Kun Su không?

 

SUVANTHA:

Đúng.

 

PHAYNA:

Tại sao anh lại làm như thế? Tại sao.

 

SUVANTHA:

Vì tôi là bác sĩ.

 

PHAY NA:

Điều đó chỉ có nghĩa khi anh ở PhnomPênh và vào thời điểm trước kia. Còn bây giờ và ở đây, anh chỉ là một kẻ bị cưởng bức lao động không hơn không kém!

 

SUVANTHA

Dù sao tôi vẫn không thể nào quên được rằng tôi làmột bác sĩ.

 

PHAYNA

Anh có biết là chính cái điều không quên đó sẽ dẫn đến đoạn đầu đài không? Bọn chúng đã đưa Kun Su đến đây, điều đó có nghĩa là cuộc săn lùng đã được khoanh lại, con mồi đã được chỉ định…

 

SUVANTHA

Tôi biết

 

PHAYNA

Thế tại sao anh vẫn làm? Anh không biết là đất nước rồi đây sẽ rất cần thiết đến những người như anh sao?

 

SUVANTHA

Tôi không sống để chờ đợi cái ngày mai mịt mờ đó. Tôi đang sống với hiện tại, với những nỗi đau đớn cụ thể của từng con người hôm nay. Ngay từ buổi lễ tuyên thệ trước tượng Hypocrate cho đến khi thở hơi cuối cùng, dù bất cứ ở đâu, trong trường hợp nào, tôi cũng là một bác sĩ. Ít ra, tôi cũng trách nhiệm với thiên chức của tôi (ngừng một lát). Anh Phayna, anh không phải là một bác sĩ, nên anh không thấy được cái thôi thúc kỳ quặc đó gắn vào tâm hồn tôi như một nghiệp dĩ. Tôi không giống một người thợ sửa máy, sửa cầu cống. Cái máy, chiếc cầu có hư nát thì nó vẫn nằm yên đó vô tri, câm nín. Nhưng con người đau đớn thì…

 

PHAYNA

Anh nói đến hai tiếng con người với một ý nghĩa rất trừu tượng! Bunthum cũng là con người. Kun Su cũng là con người. Phải không? Nhưng tại sao con người này lại cắt lưỡi con người kia?

Và anh, con người thứ ba lại đứng nhìn cái cảnh dã man đó, nhìn và ray rứt và đau khổ và dằn vặt, nhưng không có lấy một hành động nào để ngăn chặn lưỡi dao của bọn đao phủ. Nếu là từ đây cho đến hơi thở cuối cùng, người nông dân Kun Su hiền lành, chất phát kia sẽ không thể nào nói được! Anh ta chỉ còn ú ớ, chỉ trỏ như một con vật. Anh hãy trả lời tôi đi, anh Suvantha, lúc đó cái thiên chức mà anh vừa nói đi đâu rồi?

 

SUVANTHA

Tôi bị khống chế…tôi không thể…

 

PHAYNA

Đừng tránh né…Chúng ta nên nhìn thẳng vào vấn đề. Không phải là anh sợ hãi sao, không phải là anh sợ chết sao? Tôi giả dụ nếu lúc đó anh bước đến trước mặt Bunthum và bảo vâng, chính tao là bác sĩ, chính tao đã cứu chữa cho vợ Kun Su. Nếu anh nói như thế thì sao? Chắc chắn anh sẽ chết, song Kun Su sẽ không bao giờ trở thành con vật suốt đời chỉ ú ớ và chỉ trỏ. Và biết đâu đời sau người ta sẽ truyền tụng hành vi ấy của anh…

 

SUVANTHA

(nổi đóa) Anh Phayna! Tôi không muốn trở thành đối tượng để cho anh đùa cợt. Tôi bạc nhược, tôi yếu hèn…đồng ý. Thế nhưng anh, anh đã làm gì để những thảm cảnh ấy không tiếp tục xảy ra?

 

PHAYNA

( dịu lạ)I Nói thật với anh, tôi chỉ có thể cắn răng chấp nhận cuộc sống bị đày ải như một tên nô lệ như thế này, vì tôitin vào ngày mai. Và tôi dự phần chiến đấu để có được ngày mai ấy. (quay sang Chay Bofa). Chị Chay Bofa, chị không nói gì sao?

 

CHAY BOFA

Tôi không biết phải nói gì. Nhưng là một nghệ sĩ, tôi trực giác thấy một ngày mai nào đó dân tộc Kampuchia sẽ hồi sinh.

 

SUVANTHA

Hồi sinh! Một từ ngữ rất mỹ miều! Trong những ngày đầu, tôi vẫn tự nhủ tấc cả những thảm cảnh đang xảy ra trước mắt chỉ là một rủi ro ịch sử. Song, ngày lại ngày, mỗi khi đêm về nằm xuống, nỗi thất vọng ê chề lại xâm chiếm tâm hồn tôi. Tôi tự hỏi, như Job, là tại sao những thử thách ấy lại đổ lên đầu dân tộc tôi mà không ở đâu khác. Tôi tự hỏi cái thế giới hiện đại mà chúng ta đang sống nó như thế nào, cái thếe giới mà con người đang tìm cách bay vượt qua để lao về cái khoảng không mênh mông là như thế nào? Tại sao trước một thảm họa của tinh thần nhân loại như thế này mà con người có thể làm ngơ không biết tới? Ở những thủ đô phồn hoa náo nhiệt chiều về cùng ta đọc những hàng tin về Kampuchia bên bếp lửa ấm áp, rồi người ta khiêu vũ, đi xem hát, nghe nhạc Rock, xem Tivi…và rồi quên hết tấc cả! Người ta theo dõi chuyện giật gân của một minh tinh màn bạc, của một ngôi sao bóng đá, và có thể chỉ hơi thoáng rùng mình một chút khi nghĩ đến cái cốc Kampuchia xa xôi mà họ chưa từng nghe nói tới có thể đập vào chiếc gáy xinh xắn của họ. Tôi không hiểu nỗi cái thế giới này! Đất nước chúng ta đã bị bỏ rơi! Và khi nghĩ đến đó tôi cảm thấy cô đơn vô cùng…

 

PHAYNA

Tại sao lại có thể tuyệt vọng? Anh không thấy hay anh không chịu thấy cà đất nước đang sôi sục hận thù. Chúng ta có vô số những trái tim nóng hổi đang ngày đêm chiến đấu. Thà chúng ta ngã xuống trong cuộc đối mặt sống mái đó còn hơn là chờ đợi một phát cuốc vào đầu. Anh đừng trông chờ vào những cuộc thập tự chinh phát xuất từ thủ đo náo nhiệt đó. Vô ích! Thế giới bấy giờ có những toan tính riêng. Họ đang đặt cái đất nước nhỏ bé và đẫm máu này lên bàn cân để so tính lợi lộc và, khi giờ G đến, cái xó xỉnh này sẽ rộn rịp lên, ồn áo lên với biết bao lời hoa mỹ. Nhưng tôi e rằng lúc đó anh sẽ…(Phayna ngần ngừ, anh ngại phải tuyên đoàn những điều không hay cho Suvantha). Anh Suvantha, một lần nữa tôi tha thiết yêu cầu anh hãy vì chị Chay Bofa, vì nhân dân mà đi với chúng tôi…

 

SUVANTHA

( cảm động) Cảm ơn Phayna…( khẽ lắc đầu, quyết định) Nhưng tôi chỉ có một con đường. Đêm nay tôi vững tin vào con đường đó hơn bao giờ hết. Tôi sẽ tiếp tục lăn tảng đá lên đỉnh núi như Sisyphe trong thần thoại.

 

CHAY BOFA

( sợ hãi) Suvantha!

 

SUVANTHA

(ôm lấy Chay Bofa vào lòng) Đừng lo sợ Chay Bofa. Anh vẫn còn đang ở bên em…(với Phayna). Bây giờ là tháng mấy rồi Phayna?

 

PHAYNA

Tháng mười…

 

SUVANTHA

(xa vắng) Chẳng còn bao lâu nữa sẽ đến lễ Oc Ombok. Từ lâu chúng ta đã chẳng còn được nghe thấy tiếng trống trong những đêm múa vòng, tiếng chày giã cốm dòn dã…(ngừng môt lát). Năm nay, anh sẽ làm cho Chay Bofa những chiếc bánh nếp thật đẹp, và anh sẽ mời tấc cả bạn bè của chúng ta đến chung vui. Rồi đến nửa đêm, như hồi còn sinh viên, chúng ta sẽ lén hôn nhau.

 

CHAY BOFA

Ô…Suvantha! Em sung sướng quá! Nếu như em có thể chết vào phút giây này, một cái chết tuyệt dịu, vĩnh hằng. (Một lát, chợt trở về với thực tại). Ô…anh Phayna đâu rồi?

 

PHAYNA

( từ cửa trước bước vào). Tôi đây

 

CHAY BOFA

Anh đi đâu vậy?

 

PHAYNA

Tôi đi bảo vệ hạnh phúc cho hai người

Cả ba cùng phá lên cuời…Bỗng tiếng thét giọng nữ vang lên trong đêm khuya khoắt. Ba người kinh ngạc lắng nghe. Tiếng thét lại vang lên, rồi sau đó là những tiếng rên la đau đớn càng lúc càng dồn dập.

 

SUVANTHA

( nghe ngóng) Chuyện gì thế?

 

CHAY BOFA

Hình như là tiếng khóa của chị Juvandi…

 

SUVANTHA

Nhưng chuyện gì mới được chứ?

 

CHAY BOFA

( định bước đi) Để em sang xem thử chuyện gì…

 

PHAYNA

( nhanh hơn) Không được. Chị để tôi.. ( vừa ra đến cửa thì một cô bé chừng 14 – 15 tuổi xuất hiện, nét mặt thảng thốt) Cháu Ma Thi, cháu sao vậy?

 

MA THI

(mếu máo) Mẹ cháu…mẹ cháu…chú giúp cho mẹ cháu…mẹ cháu chết mất!

 

PHAYNA

Mẹ cháu làm sao

 

CHAY BOFA

Có phải mẹ cháu đau bụng không?

 

MA THI

Vâng, mẹ cháu đau bụng dữ lắm! Ba cháu lại không có nhà. Vừa rồi cháu lên ủy ban nhờ người xuống giúp, họ nói về đi, chờ mãi không thấy ai xuống cả! Chú ơi! Chú giúp cho…mẹ cháu chết mất!

 

SUVANTHA

Mẹ cháu sắp sinh à?

 

MATHI

Vâng!

 

SUVANTHA

Thôi được. Cháu về đi. Chú sẽ…

 

PHAYNA

(cắt lời) Anh Suvantha, anh để tôi tìm người đỡ (với Mathi). Cháu về đi.

 

MA THI

( gật đầu, hấp tấp bước ra)

 

SUVANTHA

Anh tìm ai! Ở đây ai là người giúp đỡ cho chị ấy bây giờ? Tôi không thể giúp chị ấy được sao? Ngoài chuyên môn giải phẩu, tôi còn là một bác sĩ sản khoa…

 

PHAYNA

(cương quyết) Không được! Anh không thể nhúng tay vào. Bọn chúng sẽ giết chết anh ngay lập tức. Chúng đang theo dõi anh. Anh đừng có ảo tưởng là có thể qua mắt bọn chúng mãi được. Việc cũng chưa đến nỗi nào. Anh cứ ở nhà, để tôi…Tôi đã có lần đỡ cho người ta…(chạy nhanh ra)

Trong nhà Suvantha đi qua đi lại vẻ không yên lòng. Lâu lâu lại đứng ở ngưỡng cửa, chờ đợi…Phayna lại quay về vẻ thất vọng.

 

SUVANTHA

( nôn nóng) Thế nào?

 

PHAYNA

Không được. Tôi phải đi tìm người. Trong công xã thế nào cũng có một  bà mụ vườn.Tôi sẽ về ngay (Quay sang CHAY BOFA). Chị không được cho anh ấy sang nhà chị Juvandi. Tôi phát hiện thấy nhiều người lạ lãng vãng quanh đó. Bọn chúng đang giương bẫy…(hấp tấp bước ra). Tôi sẽ về ngay.

 

SUVANTHA

( gọi với theo) Phayna! Phayna! (với Chay Bofa). Em biết không, bằng vào tiếng rên la đó, anh có thể xác nhận được trường hợp của chị Javandi là trường hợp sinh khó. Nếu không có bàn tay của một bác sĩ giỏi thì cả mẹ con của chị ấy sẽ…(lại nôn nóng đi qua đi lại). Anh phải…anh phải…

 

CHAY BOFA

(quyết liệt, van lơn) Nhưng bọn chúng sẽ giết chết anh.

Suvantha nhìn ra ngoài trời đen. Anh ngồi bất động như một pho tượng rũ xuống trong sự tuyệt vọng. Tiếng rên la lại càng lúc càng dồn dập hơn, hào hển hơn, cho thấy người sản phụ đang trải qua một cơn đau đớn biết chừng nào. Không chịu đựng nổi, Suvantha đứng bật dậy định lao ra cửa, nhưng, nhanh hơn, Chay Bofa đã đứng án ngang trước cửa. Chị tiến đến chầm chạm đẩy cho anh lui lại…

 

SUVANTHA

( bồn chồn) Anh cần phải đi ngay…

 

CHAY BOFA

(ràn rụa nước mắt) Nhưng…còn em và con chúng ta

 

SUVANTHA

Em nói gì?

 

CHAY BOFA

Nếu anh chết đi thì mẹ con em sẽ sống như thế nào?

 

SUVANTHA

(ngạc nhiên) Em muốn nói đến…Em không biết rằng Thabory và Thanakri con chúng ta đã không còn nữa!

 

CHAY BOFA

(ngập ngừng) Em muốn nói đến một đứa con khác…Em đã có thai.

 

SUVANTHA

( mừng rơ) A…(ôm chầm lấy Chay Bofa) Sao em không cho anh biết sớm?

Yên lặng một lúc thật xúc động, Suvantha bỗng buông Chay Bofa ra, nhìn thẳng vào mắt vợ.

 

CHAY BOFA

( nhu biết ý chồng) Em không có ý định nói thế để ngăn cản anh.

 

SUVANTHA

( lại ôm chặt Chay Bofa vào lòng, hôn lên tóc, lên mắt chị). Chúng ta lại có một đứa con. Ôi! Anh sung sướng biết  chừng nào!

 

CHAY BOFA

Gần một tháng nay những biến đổi trong cơ thể đã cho em ý nghĩ : con của chúng ta sẽ là con gái.

 

SUVANTHA

Một đứa con gái? Phải! Anh hy vọng nó sẽ là con gái. (đặt tay lên bụng vơ). Em có mệt lắm không?

 

CHAY BOFA

( mỉm cười) Mệt chứ anh! Nhưng em cảm thấy một niềm hạnh phúc lớn lao hơn bao giờ hết đang choán ngộp cả tâm hồn em.

 

SUVANTHA:

Anh cũng vậy. Anh sung sướng…Anh cảm thấy mình hạnh phúc vô cùng…

Bất ngờ, lúc đó, có tiếng hét lớn của sản phụ Juvandi vang lên làm Suvantha và Chay Bofa  giật mình nhìn nhau sửng sờ. Họ không giám vui niềm vui riêng của họ vì nổi đau khổ của người khác gần kề. Họ ngượn ngập nhin nhau lo lắng, e ngại, chen lẫn với nổi sợ hải. Tiếng rên la vẫn tiếp tục vọng lại càng lúc càng dồn dập, thê thiết như những nhát dao chém vào trái tim của Suvantha và Chay Bofa. Rồi như không kìm hảm nổi, Suvantha đứng bật dạy, nhìn về phía phát ra tiếng kuê thét thê lương ấy.

 

SUVANTHA:

Anh phải cứu mạng con chị Juvandi

 

CHAY BOFA

( dấu vội nước mắt) Hãy cmả thông và tha thứ cho em. Dù sao em vẫn là một phụ nữ. Em vẫn ích kỹ. Em vẫn sợ m ất anh dù với bất kỳ lý do nào (ngừng một lát). Em hiểu, em không có quyền ngăn trở anh. Em phải để anh tự giải quyết như trước đây anh đã từng quyết định.

 

SUVANTHA:

Cám ơn em. Anh phải cứu mẹ con chị ấy. Nếu không, dù sống suốt đời bên cạnh nhau, chúng ta sẽ không tìm thấy hạnh phúc…

Tiếng thét, tiếng rên la của Juvandi như càng thúc dục. Suvantha ôm chặt lấy Chay Bofa một lần nửa, thắt chặt bằng tất cả sức lực của mình như ánh biết rằng cái chết chắc chắn đang chờ anh ngoài cửa, rằng khi anh mới chỉ vừa rời khỏi tấm thân nồng ấm ấy của người bạn đời là bất đầu cho sự chia phôi vĩnh viễn. Cuối cùng, Suvantha nắm lấy đôi vai Chay Bofa, nhìn thật sâu vào mắt chị…

 

SUVANTHA: Anh đi… Em hãy cố gắng giữ gìn sức khỏe vì đứa con của chúng ta.

( bước nhanh ra ngoài.

 

CHAY BOFA

(chạy nhanh theo ra ngạch cửa, rũ xuống) Suvantha! Suvantha!

Tiếng thét của người sản phụ bên cạnh nhà lại vang lên lẫn với tiếng rên la đau đớn, tiếng thở gấp, hào hển của một sức lực suy kiệt, bị vắt đến cùng. Chay Bofa đứng lặng giữa căn nhà trống vắng nghe ngóng, theo dõi những động tĩnh từ bên kia bức vách láng giềng. Tiếng thét không còn vang lên nữa, những tiếng rên la cũng thưa dần, cách khỏang và đều đặn hơn, rồi bỗng..”oe..oe” có tiếng khóc của đứa bé vừa mới chào đời. Khuôn mặt Chay Bofa rạng rỡ hẳn lên, một nụ cười nở trên đôi môi héo hắt của chị..Ô…Suvantha của chị đã thành công, Suvantha yêu quý của chị đã thành công! Nhưng , vào lúc đó, lẫn với tiếng khóc của hài nhi, có tiếng chó sủa, tiếng chân chạy rầm rập, tiếng cười rú man rợ, và những loạt súng khô khốc…Chị  sững người, bất động, nhìn đăm đăm vào khỏang không trước mặt. Tất cả đối với chị đều đổ sụp, đều quay cuồng chóng mặt, đều bốc cháy, đều đen tối về cái dự cảm khủng khiếp dành cho  người chồng yêu dấu. Và rồi, Chay Bofa từ từ khụy xuống một cách vô thức, đôi tay yếu đuối của chị quơ quào trong không khí như tìm bắt lấy một điểm tựa vô vọng. Và, từ trong cổ họng khô đắng ấy chợt bật lên tiếng thét đau đớn, khủng khiếp:

 Suvantha! Suvantha  

 

 MÀN HẠ NHANH           

Sâm Thương
Số lần đọc: 2400
Ngày đăng: 23.04.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Diễn từ của cái chết - Nguyễn Viện
La-da-rô và người yêu dấu - Kahlil Gibran
Kịch thơ Thành Taberd-1 - Bùi Chí Vinh
Kịch thơ Thành Taberd-2 - Bùi Chí Vinh
Kịch thơ Thành Taberd-3 - Bùi Chí Vinh
Kịch thơ Thành Taberd-4 - Bùi Chí Vinh
Cũng là đi cho - Quỳnh Linh
Kịch phi lý không chết - Lê Anh Hoài
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Ai là tác giả Kịch THƠ “Bóng Giai Nhân”? - Hoàng Cầm
Cùng một tác giả
Đêm địa ngục (truyện ngắn)
Hòn vọng phu (truyện ngắn)
Chuyến tàu nửa đêm (truyện ngắn)
Giấc Mơ (truyện ngắn)
Sơn Ca 1 (kịch)
Sơn Ca 2 (kịch)
Sơn Ca 3 (kịch)
Cõi người (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Bức tranh dang dở (truyện ngắn)
Sau cơn bão lũ (truyện ngắn)
Khi hoa anh đào nở (truyện ngắn)
Kiếm lửa (điện ảnh)
Cô dâu xứ Tuyết (truyện ngắn)
Hai người mẹ (truyện ngắn)