Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.133
123.227.837
 
Bao nhiêu là trăn trở chưa thể lý giải được…
Từ Sơn

(Thư gửi Nguyễn Khắc Phê nhân đọc tiểu thuyết : “Biết đâu địa ngục thiên đường”- NXB Phụ nữ. HN-2010)

 

Phê thân mến,

Tôi đã đọc xong “Biết đâu địa ngục thiên đường”- sau mấy tuần đọc một cách kỹ lưỡng và chậm rãi. Rất xúc động. Nỗi băn khoăn thánh thiện của bạn thể hiện rất rõ qua từng trang sách. Có thể không phải là quá lời khi tôi cho rằng ngòi bút của Phê đã rỉ máu, nước mắt và mồ hôi khi nhìn lại thân phận những con người thông qua sự chiêm nghiệm đầy trách nhiệm và đậm tính nhân văn từ những mẫu người có liên quan máu thịt đến cuộc đời mình. Hơn hai mươi năm qua - kể từ khi đặt bút viết tiểu thuyết này (1987) đến khi tác phẩm được in ra (2010) - bao nhiêu điều trăn trở, dằn vặt; bao nhiêu cân nhắc, suy tư đã đến với bạn? Tôi tin là nhiều lắm. Và cho đến tận bây giờ - khi cuốn tiểu thuyết đã được in ra- bạn vẫn còn không ngừng nghĩ suy về những gì mình đã nói, những gì mình chưa tiện nói, những gì mình không thể nói, những gì mình đã tự lý giải và còn bao điều mình chưa lý giải được về thân phận những con người. Và, trên bình diện tổng quát, số phận, con đường lịch sử và trần thế của dân tộc chúng ta trong non một thế kỷ qua vấn đề “Biết đâu địa ngục thiên đường” vẫn chưa có lời giải đáp hoàn chỉnh, đúng đắn bởi còn nhiều vùng bị che lấp chưa được rọi sáng để khảo sát, để tìm ra sự thật (những sự thật có thể rất huy hoàng và cũng có thể rất chua xót…).

   

Biết đâu địa ngục thiên đường” không chỉ là băn khoăn của các nhân vật: bà cụ Huy, Tâm, Hưng…mà luôn luôn là vấn đề nóng bỏng của mọi kiếp người từ khi trái đất này có con người -con người biết suy nghĩ. “Địa ngục”, “Thiên đường” là những vùng miền, những thân phận có thật trên nơi Trần thế. Con người, loài người thì đúng hơn, đã, đang và sẽ bước đi trên các nẻo đường ở chốn trần gian mang theo khát vọng tìm về cõi Chân, Thiện, Mỹ hoàn thiện. Chắc chắn những nẻo đường này không có điểm kết thúc - cho dù điểm kết thúc là địa ngục hoặc thiên đường hiển hiện tuyệt đối dưới dạng thức: hoặc chỉ là Địa ngục, hoặc chỉ là Thiên đường. Vì nếu kết thúc đúng là như vậy thì Con Người và văn chương-nghệ thuật chẳng còn việc gì phải làm nữa. Tôi nghĩ thế không biết có sai trái gì chăng? Tôi cho rằng Địa ngục, Thiên đường là do con người tự đặt ra dựa vào những điều có thật nơi trần thế. Trong cuộc hành trình vô tận về phía trước, loài người hầu như phải luôn đối mặt với địa ngục, phải vượt qua nó để mong đi tới thiên đường mà mình mong ước. Địa ngục,Thiên đường không ở dưới lòng đất sâu thẳm hoặc ở một nơi xa vời nào đó trong vũ trụ. Điều này thể hiện rất rõ qua những trang viết trong cuốn tiểu thuyết “Biết đâu địa ngục thiên đường” của bạn.

   

Tôi chia sẻ với Phê với tất cả tâm tình đồng điệu.

   

Đọc xong, tôi rất muốn viết một bài phê bình thật tâm huyết và nghiêm túc về cuốn tiểu thuyết của Phê. Nhưng rồi tôi lại thấy khó quá. Cái khó đầu tiên là sức khỏe. Vào trạc tuổi “cổ lai hy”, tôi cảm thấy “lực bất tòng tâm”. Muốn viết một bài phê bình đúng như ý mong muốn, tôi cần phải đọc toàn bộ các tác phẩm của bạn trong mấy chục năm qua, phải tìm đọc nhiều tài liệu và các tác phẩm văn học phản ánh một chặng đường đầy biến thiên bi tráng của dân tộc, phải cập nhật thông tin tình hình văn học hiện nay v.v… là những điều mà không một ai viết phê bình văn học có thể tự cho phép bỏ qua. Đấy là chưa kể phải tìm hiểu nhiều mặt để đưa ra được những kiến giải đúng đắn về những vấn đề mang tính thời đại bạn đã nêu ra trong cuốn tiểu thuyết này. Những công việc này hiện nay đối với tôi quả là bất cập.

   

Tôi chỉ nói ra một vài cảm nhận với bạn và nếu bạn cho phép, tôi xin được xem những dòng viết này như một bức thư ngỏ để chia sẻ với bạn đọc .

    

Tôi muốn nhân đây chỉ ra đôi điều về nhược điểm trong cách viết “ Biết đâu địa ngục thiên đường”. Có thể xem những điều tôi sắp nói dưới đây là sự chia sẻ, đồng cảm với bạn về những khó khăn chưa thể vượt qua của bạn trong quá trình viết cuốn tiểu thuyết này.

     

Có vẻ như bạn cân nhắc quá “chừng mực” để “phòng vệ từ xa” tránh những điều ai đó sẽ quy kết xằng bậy - tôi muốn nói hình như bạn chưa dám mạnh dạn đi đến tận cùng mọi vấn đề đặt ra nên đã để cho các nhân vật của mình “ẩn giấu” khá nhiều tâm trạng và tính cách. Các sự việc, các tình huống đầy tính bi kịch hầu như chỉ được miêu tả qua những lời trần thuật có phần nhẹ nhàng, thiếu tính quyết liệt cần có, phải có. Điều này tác giả mới chỉ làm được một phần trong các chương cuối - từ khi nhân vật bà cụ Huy tỉnh lại. Khi đọc mấy chương đầu, tôi đã “mò” đoán được “ngón nghề” của tác giả: dồn nén các tình tiết để rồi sẽ cho bung ra ở phần cuối để người đọc hiểu được”con người bí hiểm” là Tâm, “con người ngộ Lẽ phải” là Kiên, là Hưng v.v…Nhờ vậy, những trang viết của bạn ở các chương cuối đã gây được xúc động mạnh mẽ cho người đọc, đã kéo được người đọc cùng chia sẻ các vấn đề tác giả muốn gửi gắm. Mừng cho thành công của Phê.

   

Trong cái hỗn độn, tạp nhạp của đời sống thường nhật và của văn chương hiện nay, cuốn sách của bạn nếu ai chịu khó tìm đọc sẽ thấy lòng mình được tẩy rửa trong sáng hơn và cảm thấy cần phải làm cho cuộc đời này bớt đi những điều phi lý, vô nghĩa đã “quyến rũ “ sự đam mê huyễn hoặc của nhiều người nhất là khi một số điều lại được bao phủ một lớp vỏ bọc hào nhoáng…

   

 Vài hàng tâm sự với bạn. Mong bạn luôn sung sức trong sáng tạo và trong cuộc sống. Dù còn nhiều mảng đen tối che phủ đâu đó trên bầu trời nhưng, một đại văn hào (tôi không nhớ rõ là Gớt hay Dotevsky) đã nói:” Cái Đẹp sẽ cứu rỗi thế giới”. CUỘC SỐNG, CON NGƯỜI với  vô vàn điều huyền diệu vẫn luôn có thật trên những nẻo đường Trần thế của loài người. Chỉ cần chúng ta có một niềm tin mạnh mẽ trên cơ sở khoa học (chứ không ảo tưởng, mê tín) chắc chắn Cuộc Đời sẽ ngày một tốt đẹp và công bằng hơn.

Chúc bạn mọi sự tốt lành.

 

Hà Nội đầu tháng 3-2010

 (Nguồn: Báo “Văn nghệ” số 13  năm 2010)

Từ Sơn
Số lần đọc: 1833
Ngày đăng: 23.04.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những hồi ức buồn - Khuất Đẩu
Võ Văn Trực với những câu thơ cháy đến tận cùng buồn vui - Thái Doãn Hiểu
Một bài thơ ứa máu - Phan Bá Ất
Thăm thẳm cõi người - Phan Văn Tường
Truyện Nguyễn Văn Ninh: bi kịch mới bắt đầu... - Trần Thị Ngọc Lan
Lớn lên từ bếp nhà sàn - Nguyễn Thánh Ngã
Lữ Quỳnh và Sinh nhật của một người không còn trẻ. - Nguyễn Mạnh Trinh
Văn chương phản ánh và ký thác - Trần Văn Nam
Nỗi cô đơn mang tên đàn ông - Võ Kim Ngân
Kẻ ngoại tình với văn chương - Phạm Xuân Hùng