Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.096
123.231.613
 
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê trả lời bạn đọc Văn nghệ Trẻ
Nguyễn Khắc Phê

* I :   

  Liều lượng các sự kiện trong tác phẩm ;

Hỏi: -Chúng ta luôn luôn nói  người viết phải là người am hiểu những lĩnh vực mà mình định trình bày. Nhưng không phải là cứ hiểu được vấn đề,hay am hiểu nhiều là anh có thể viết hay. Hoặc nếu anh quá ôm đồm trong việc đưa các sự kiện vào tác phẩm của mình đôi khi xảy ra tìnhtrạng  hiệu ứng ngược. Vậy theo nhà văn, việc xử lí liều lượng thế nào trong một tác phẩm là đủ, và nhà văn có bí quyết gì để truyền lại cho các bạn trẻ như cháu không ạ?(Thanh Hoài, Trường ĐHSP Hà Nội)

 

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê trả lời: Bạn nói rất đúng, nếu chỉ cần am hiểu một “lĩnh vực” nào đó là có thể viết hay thì chúng ta sẽ có vô số nhà văn. Tôi không phải là một nhà văn có nhiều tác phẩm thành công nhưng từ các tác phẩm chưa thật thành công, tôi có thể “làm chứng” cho điều bạn nói: “quá ôm đồm trong việc đưa các sự kiện vào tác phẩm”. Nhân bạn hỏi, tôi nhớ hồi năm 1970, khi tôi đọc tiểu thuyết đầu tay “Đường qua làng Hạ” cho các nhà văn Nguyễn Công Hoan, Đoàn Giỏi, Bùi Huy Phồn nghe, bác Nguyễn Công Hoan đã nói: “Sao cậu lại lãng phí tư liệu như thế…”. Đó là là cách “nói khéo” nhược điểm “ôm đồm sự kiện” của tôi...

 

Tôi không có “bí quyết” (vì nếu có “bí quyết”, không người này thì người khác cũng “xì” ra và chúng ta đã có vô số tác phẩm hay; trong khi buồn thay, thực tế là ngược lại!); còn trước khi “xử lý liều lượng” thì tôi nghĩ vấn đề quan trọng hơn là tránh bị ngộ nhận về chức năng của tác phẩm văn học; nói cách khác là phải có nhận thức đúng về những thành tố tạo nên tác phẩm (ở đây chỉ nói về thể loại truyện và tiểu thuyết). Có thể là bạn đã hiểu đúng vấn đề tôi vừa nêu ra, chỉ muốn hỏi riêng về cách “xử lý liều lượng” các sự kiện; còn nếu bạn quan tâm trước hết đến “sự kiện” trong việc sáng tác thì theo tôi, đó là một sự nhầm lẫn. Bản thân tôi cũng đã có thời “nhầm lẫn” như bạn, nhất là khi một số nhà văn đàn anh biết tôi là cây bút trưởng thành từ cuộc chiến đấu trên đường Trường Sơn đã tỏ ra ưu ái, không phải vì tài năng mà vì chỗ đứng nơi “mũi nhọn”của người sáng tác - nói cách khác là vì đề tài quan trọng mà tôi thể hiện; từ đó, tuy cũng đã biết rằng trong văn chương đừng để sự kiện lấn át nhân vật (trong tham luận tại Hội nghị đầu tiên bàn về sáng tác đề tài công nhân tại Hạ Long năm 1969, tôi đã viết: “…đừng để đất đá, sắt thép lấn át con người…”), nhưng khi viết vẫn bị cuốn theo “sự kiện”, khiến cho tác phẩm mới chỉ đạt yêu cầu viết về “đề tài lớn” chứ chưa thành “tác phẩm lớn”.

 

Bây giờ, về lý luận văn học, “hình như” có rất nhiều “chủ nghĩa” và “trường phái”, nhưng theo tôi, nhà văn khi viết truyện, điều đáng quan tâm trước hết là số phận nhân vật và tư tưởng của tác phẩm - tức là điều nhà văn muốn gửi gắm qua những trang viết. Còn “sự kiện” chỉ là cái nền để nhân vật hoạt động, bộc lộ tính cách.

 

Khi đã xác định như thế, thì người viết không chạy theo “sự kiện”, chỉ chú trọng những sự kiện mà qua đó làm rõ số phận và tính cách nhân vật, hoặc là miêu tả sự kiện qua con mắt (quan điểm) của nhân vật. Nếu bạn đã đọc nhiều, bạn có thể thấy, khi không cần thiết, thì cả những “sự kiện” lớn, hay cả một giai đoạn dài, nhà văn chỉ thể hiện bằng một câu, đại loại như: “Chàng lớn lên, khi cuộc “cải cách” long trời chuyển đất không mấy ai nhắc đến nữa.”; hoặc có trường hợp còn ngắn gọn hơn, chỉ có mấy từ: “Sáu năm sau” rồi “chấm qua hàng” và bắt đầu miêu tả giai đoạn hiện tại v…v… Ngược lại, có những “sự kiện” chỉ là chi tiết hết sức nhỏ bé, vụn vặt, thậm chí là thô tục, nhưng nếu nó làm rõ số phận và tính cách nhân vật thì nhất thiết không bỏ qua. Ví như chi tiết anh nông dân “Đi đường đau đái cố nhịn bằng được về đến nhà tiểu kẻo tiếc của. Còn ba cây, cố nhịn không nổi phải chọn một cục đất cày của người ta mà tè, đem về. May mà họ không bắt được...” (Trích từ “Họ hàng nông dân” - Truyện ngắn của Từ Nguyên Tĩnh).

 

Có lẽ, đôi điều vừa dẫn là cách “xử lý liều lượng” các sự kiện mà bạn có thể tham khảo. Điều muốn nói thêm là nhà văn tuy không nên “ôm đồm sự kiện”, quá chú trọng đến “đề tài”, nhưng không vì thế mà “chủ quan”, ngồi trong “tháp ngà” vẫn nghĩ là mình có thể viết được mọi chuyện trên đời. Phải “lặn ngụp” trong cuộc đời, phải “am hiểu” nhiều lĩnh vực như bạn đã viết, từ đó mới “bắt” được những hình mẫu nhân vật, những vấn đề tư tưởng thật sự có ý nghĩa để đưa vào trang viết…

 

(Nguồn: “Văn nghệ trẻ” số 10  ngày  7 tháng 3/2010)

 

 

* II :   

Sự rung động chân thành

Hỏi: - Khi viết một truyện ngắn hay một cuốn tiểu thuyết nhà văn chú ý nhất đến điều gì?(Minh Châu, Hà Nội)

 

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê Trả lời: Trong kỳ trước, nhân bàn về liều lượng “sự kiện” trong tác phẩm, tôi đã viết: “Nhà văn khi viết truyện, điều đáng quan tâm trước hết là số phận nhân vật và tư tưởng của tác phẩm - tức là điều nhà văn muốn gửi gắm qua những trang viết. Thực ra, đây là cách nói có tính “lý thuyết” - có thể hiểu đó là “nguyên tắc” nói chung, với người theo “chủ nghĩa hiện thực” chẳng hạn thì đó là “chân lý”. Tuy vậy, bây giờ có tác giả viết truyện không có nhân vật, và đọc qua, gần như không có cả “tư tưởng” nữa; có người còn cho truyện càng “mung lung, mơ hồ” càng hay! Bạn chắc cũng đã nghe câu nói nổi tiếng của Gớt (I.W.Goethe - thi hào Đức): “Mọi lý thuyết đều màu xám còn cây đời thì mãi xanh tươi.” Một truyện ngắn hay một tiểu thuyết cũng như là một “Cây Đời” muôn hình vạn trạng, luôn xanh tươi - nghĩa là hôm nay không giống ngày mai. Quá trình sáng tạo ra chúng cũng vậy, mỗi trường hợp một khác, mỗi nhà văn một cách khác nhau, không có “lý thuyết” hay “công thức” nào đúng mãi; nhưng tôi nghĩ, có thể so sánh chuyện sáng tác với việc bạn tìm đến … người yêu! Bạn cứ thử ngẫm xem: không ai giống ai đâu và không có “công thức” nào hết - có người bị “hút” theo vẻ duyên dáng “thắt đáy lưng ong”, kẻ khác lại bị “sét đánh” vì một ánh mắt đa tình, có người lại “mê” vì tiếng hát, tiếng sáo vọng đến trong đêm thanh vắng…

 

Nói “dông dài” một chút như thế để lưu ý với bạn rằng, cho dù nhiều người thừa nhận điều quan tâm trước hết khi viết truyện là nhân vật và chủ đề tư tưởng, thì vẫn còn một điều nữa quan trọng hơn - điều “chú ý nhất” như bạn muốn biết - đó là sự rung động của trái tim, của tâm hồn, là sự khao khát, khẩn thiết muốn được giãi bày lòng mình trước một cảnh đời, một “vấn đề” xã hội. Tôi nghĩ: Trái tim Nam Cao hẳn phải xúc động lắm, bức xúc lắm trước những cảnh đời trớ trêu ở làng quê mới “đẻ” ra được nhân vật “cỡ” Chí Phèo và Thị Nở. Cũng như với tình yêu, muốn “nên chuyện”, còn phải có “duyên” nữa. Đâu phải hễ cứ “khao khát” theo kiểu “cố đấm ăn xôi” mà được. Nếu bạn để ý, không ít nhà văn tên tuổi, nhưng “cố” viết để kịp có truyện đăng số Tết hay viết theo “đơn đặt hàng”, thường là truyện không hay, mặc dù đã tung ra đủ ngón nghề tạo nên cốt truyện có “tư tưởng”, có nhân vật góc cạnh. Đó là là loại truyện có thể gọi là “khéo léo”, có “nghề”, nhưng không hay, chỉ vì lòng anh không rung động trước mỗi con chữ, vì đó là hậu quả của một tình yêu bị cưỡng bức, chứ không có “duyên”. Tôi phải nhấn mạnh điều này vì với một cây bút có chút từng trải và có “nghề” thì chủ đề tư tưởng và cả số phận nhân vật đều có thể “nghĩ’ ra được, chứ cái “duyên” và sự rung động thì không “nghĩ” ra được đã đành, mà nhiều khi như là…trời cho!

 

Tuy vậy, như trên tôi đã nói, mỗi truyện sinh thành nên như là “Cây Đời”, không hề có sự lặp lại, không ai giống ai. Vì thế, có nhà văn viết theo “đơn đặt hàng” (thường thể hiện sau một chuyến được mời “đi thực tế” về một đề tài, một ngành nào đó…) vẫn có tác phẩm hay. Đó là trường hợp nhà văn Nguyễn Thành Long viết “Lặng lẽ Sa Pa”. Có thể đây là kết quả tương tự kiểu “mối tình sét đánh” - tức là có “duyên” và có sự tương hợp giữa nhà văn và đối tượng thể hiện. Tôi có may mắn được gặp nhà văn Nguyễn Thành Long nhiều lần khi ông là phụ trách biên tập văn xuôi ở báo “Văn nghệ” (hồi đó, tôi còn ở Trường Sơn, có lần mang theo bản thảo những trang ký sự về cuộc chiến đấu anh hùng trên đoạn đường lên đèo Mụ Dạ nổi tiếng, nhưng ông chọn đăng trước hết bài “Ngọn lửa Đan-cô” - những cô gái bé nhỏ chong đèn gác máy bay, bất chấp tính mạng mình bị đe doạ..) nên theo tôi hiểu, ông là “dạng” nhà văn dễ xúc động trước cái đẹp cao cả. Vì thế, gặp những con người hy sinh bao nhiêu thứ nhu cầu của đời sống, bám trụ nơi núi cao vực thẳm đo gió đo mưa, những nhân vật vừa mới quen đã lay động tâm hồn ông…

 

Thế đó, cho dù viết theo “đơn đặt hàng”, muốn truyện thành công thì yếu tố quan trọng hàng đầu vẫn là phải có sự rung động chân thành. Khi đó, nhân vật sẽ có “hồn” và “tư tưởng” sẽ không bị “lộ liễu” (như loại “tiểu thuyết luận đề” mà chắc bạn đã đã nghe nói đến). Cũng cần nói thêm, đã là viết văn thì phải hết sức chú trọng đến ngôn ngữ - có người còn cho đây là điều “chú ý trước hết” khi đọc một truyện ngắn hay tiểu thuyết. Nhưng đây là một “đề tài” sẽ bàn đến vào dịp khác.

 

(Nguồn “Văn nghệ trẻ” số 11  ngày  14  tháng 3/2010)

 

* III :

Tình huống có phải là xương sống của cốt truyện?

 Hỏi -Tình huống truyện được coi là vấn đề xương sống tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho một truyện ngắn, nhưng cũng đã có những tác phẩm văn xuôi không nhiều tình huống đặc biệt mà vẫn lay động tâm hồn độc giả (chẳng hạn như tác phẩm của Thạch Lam), vậy nhà văn nghĩ gì về vai trò của tình huống trong một tác phẩm văn xuôi?(Lan Hươngm đại học Khoa học Xã hội và nhân văn, Hà Nội)

 

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê Trả lời: - Tôi thử mở một số từ điển văn học thì không tìm thấy mục từ “Tình huống truyện”, cũng không rõ là vị nào đã đúc kết “Tình huống truyện được coi là vấn đề xương sống tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho một truyện ngắn”. Theo “Từ điển tiếng Việt” (NXB Khoa học xã hội, 1977), từ “Tình huống” được định nghĩa như sau: “Toàn thể những sự việc xảy ra tại một nơi, trong một thời gian, buộc người ta phải suy nghĩ, hành động, đối phó, chịu đựng…”

 

Theo tôi, định nghĩa này gần với định nghĩa “tình huống truyện” vì bao gồm sự việc, không gian, thời gian và thái độ của con người…; từng ấy yếu tố đúng là tạo nên “xương sống” của truyện nhưng “sức hấp dẫn” là kết quả của rất nhiều yếu tố, trong đó có trình độ, tâm thế và “tạng” của người đọc. Với cùng một truyện, người này thấy hấp dẫn, nhưng với người khác, có thể ngược lại.

 

Tạm gác vai trò “người đọc” sang một bên, về phía tác giả cũng mỗi người một vẻ (hay còn gọi là “phong cách”) và với mỗi truyện, cái vai trò “xương sống” của “tình huống truyện” cũng có thể ở cấp độ khác nhau. Ví như với loại truyện ngắn “không có cốt truyện” thì sức hấp dẫn của tác phẩm tuỳ thuộc những yếu tố khác. Do đó, tuỳ bạn thích (hay hợp) và có khả năng viết truyện theo “kiểu” nào; cũng tuỳ đề tài nữa, mà bạn chú trọng đến “tình huống truyện” đến mức nào.

 

Nếu bạn thích truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, thì theo tôi, ông là nhà văn rất chú trọng và có tài tìm được những “tình huống truyện” độc đáo; ví như truyện “Ngựa người và người ngựa”, cái tình huống “chiều 30 Tết, anh phu xe gắng thêm chuyến kiếm quà cho con, ai ngờ gặp ả điếm ế khách không có tiền trả, sẵn sàng hiến thân để thay thế tiền xe, nhưng anh phu xe sợ ả đổ bệnh, chẳng dám…” không chỉ tạo nên sức hấp dẫn mà hàm chứa nhiều ý nghĩa, khiến độc giả bật cười mà trào nước mắt! Nhấn mạnh điều này để mong bạn, trong khi tìm “tình huống truyện” để hấp dẫn độc giả, cần tránh loại tình huống gay cấn chỉ nhằm câu khách một cách rẻ tiền. “Tình huống truyện” thật sự có giá trị phải có tính nhân văn sâu sắc.

 

Có thể bạn sẽ hỏi: Loại tình huống như thế “tìm” ở đâu? Nói cho cùng thì mọi thứ hiện ra trên trang viết đều từ bộ óc, trái tim nhà văn mà ra. Có điều, phải từng trải, trong đầu phải có một “kho” tư liệu, cảnh huống của đời sống thì mới có thể “hư cấu” nên tình huống truyện đặc sắc như trong truyện của nhà văn Nguyễn Công Hoan nói trên (có thể gọi là “thế giới nghệ thuật”). Còn nếu chỉ tin vào “tài” bịa đặt của mình thì bạn đọc tinh tường sẽ nhận ra ngay sự giả dối và thế là “hỏng truyện”!

 

Tôi thuộc loại tác giả chú trọng đến “tình huống truyện” và nó thường khởi phát từ một tình tiết đặc sắc có thật trong cuộc sống. Ví như trong tiểu thuyết “Thập giá giữa rừng sâu” (NXB Trẻ, 2002”) chi tiết đó là một nhân viên kiểm lâm bị bọn lâm tặc trả thù bằng cách dùng cây trói ngang hai cánh tay dang ra như một “cây thập giá” rồi bỏ mặc giữa rừng sâu. Tình tiết độc đáo này tôi nghe kể từ nhiều năm trước, nhưng đến năm 2000, sau một đợt tìm hiểu thực tế ngành kiểm lâm, cây “thập giá sống” giữa rừng tưởng đã chìm khuất trong ký ức, bỗng loé sáng như một tia chớp, trở thành “hạt nhân” cho một “tình huống truyện” khá lý thú được tiếp tục hình thành trong quá trình sáng tạo tác phẩm (trong khi đồng đội của người kiểm lâm lợi dụng tình thế anh “mất tích” mò đến gạ gẫm vợ anh, thậm chí, do “móc ngoặc” với bọn lâm tặc, sợ lộ mặt, định giết anh để bịt đầu mối thì con hổ mà anh nuôi dưỡng từ nhỏ khi còn là lính ở Trường Sơn đã đến cứu anh …)

 

Tất nhiên, nếu bạn thích hợp với kiểu viết truyện-không-có-cốt-truyện (nhiều trường hợp gần  như là tuỳ bút) thì “tình huống truyện” không còn là “xương sống” của truyện; hoặc nói cách khác, khi đó “tình huống truyện” chính là “không khí truyện”. Loại truyện này, theo tôi, tác giả phải thực sự có tài, ngôn ngữ điêu luyện, mới có thể tạo nên được “trường hấp dẫn” có sức khiến người đọc xúc cảm.

 

(Nguồn: “Văn nghệ trẻ” số 12  ngày  21 tháng 3/2010).Bản của Nhà văn Nguyễn Khắc Phê gửi

(Còn tiếp)

 

Nguyễn Khắc Phê
Số lần đọc: 2413
Ngày đăng: 25.04.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chất Dân Gian trong Thơ Nôm Nguyễn Khuyến - Trần Minh Thương
Góp thêm một cách hiểu về thơ nhìn từ thông diễn học hiện đại - Ngô Phương Quốc
Nhìn từ năm 2009, một số căn bệnh văn chương - Khánh Phương
Hữu Loan: nếu chiều mưa một cây đàn ghi-ta - Nguyễn Đức Tùng
Rượu Đế Trong Dân Gian Tây Nam Bộ Dưới Góc Nhìn Văn Hóa - Bùi Tuý Phượng
Để vinh danh truyện Kiều - Khải Nguyên
Tiếp nhận Trường phái hình thức Nga từ một chuyên luận khoa học - Hồ Thế Hà
Lạm bàn về Minh triết - Hà văn Thùy
Viết truyện theo hư cấu đời thường, hư cấu khả thể, và hư cấu phi thực - Trần Văn Nam
Phía trước còn lắm gieo neo - Phạm Quang Trung
Cùng một tác giả
40 năm ấy … (chân dung)