Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.188
123.217.190
 
Nỏ Thần -1
Khải Nguyên

kịch bản văn học

         

 

“...Những trang kịch của anh có thể tạo nên những cảm xúc và gợi những suy tư về cuộc sống, con người. Chính vì có những điều mới mẻ trong cách nhìn, cách nghĩ về một đề tài quen thuộc mà vở kịch Nỏ Thần đã được giải thưởng trong một cuộc thi kịch bản của hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.(*)

Nhà xuất bản Sân khấu trân trọng giới thiệu với bạn đọc tập kịch này của Khải Nguyên là trân trọng giới thiệu những trang tâm huyết của một người yêu sân khấu và rất mong qua những trang kịch của mình mà trò chuyện về cuộc đời với bạn đọc tri âm.”

                         (Trích Lời giới thiệu của nhà xuất bản Sân khấu -Hà Nội,1994)

 

(*) Tuy nhiên, có những ý kiến cho rằng vở kịch “không ổn” vì có ý biện hộ cho Mị Châu, và phê phán vua -tức là phê phán giới cầm quyền chóp bu.

 

 

 

 

 

 

   NHÂN VẬT

 

THỤC PHÁN   –vua nước Âu Lạc, hiệu là An Dương vương.

MỊ CHÂU         -con gái Thục Phán.

NÀNG SEN      -con nuôi Thục Phán.

CAO LỖ           -tướng Âu Lạc, triều thần.

NỒI HẦU          -tướng Âu Lạc, triều thần.

LẠC HẦU         - triều thần hàng đầu Âu Lạc.

LỮ PHƯƠNG   -bộ chúa của Âu Lạc, gốc Hán, vào hàng triều thần.

ĐỐNG              -con trai Nồi hầu, vị hôn phu, rồi chồng Nàng Sen.

CAO CUNG     -con trai Cao Lỗ.

TRỌNG THỦY–con trai Triệu Đà (vua nước NamViệt, hiệu là Vũ vương), sang làm con tin ở nước Âu Lạc.

ĐẶNG GIẢO    -mưu sĩ Nam Việt, đi kèm Trọng Thủy.

CỤ GIÀ. BÀ SÀNH. ÔNG NHỘN. EM BÉ. VÒONG. MỘT SỐ TRIỀU THẦN. MỘT SỐ DÂN THƯỜNG, DÂN BINH, VỆ BINH, LÍNH BÁO, NGƯỜI HẦU, LÍNH TRIỆU,...

 

ĐỊA ĐIỂM:    chủ yếu trong thành Cổ Loa, kinh đô nước Âu Lạc. 

 

THỜI GIAN:  -Màn mở đầu màn hậu: người xưa hiện về thời hiện tại.

-Cả năm hồi: thời kì nước Âu Lạc phải đối phó với âm mưu thôn tính của Triệu Đà.

 

 

 

                                        MÀN MỞ ĐẦU

 

Trên triền núi cạnh đền thờ An dương vương (có thể là đền Cuông ở        Nghệ An) Thục Phán từ từ hiện ra trong một vùng ánh sáng mờ, nét mặt trầm tư khắc khoải, mắt đăm chiêu nhìn xa trước mặt.

THỤC PHÁN –(lẩm bẩm một mình, nhưng tiếng trầm và vang như tiếng vọng từ vách núi, chậm rãi, nhấn từng ý):

“Tin thần rồi lại nghe con,

“Cơ mưu chẳng nhiệm thôi còn trách ai”(1)

Tin thần (ngừng) rồi lại nghe con (ngừng, suy nghĩ) cơ mưu chẳng nhiệm (ngừng, băn khoăn). Người đời sau không hiểu cho ta! Nỏ thần mất thiêng vì đâu? Lưỡi gươm oan nghiệt giáng xuống đầu con ta. Sự tỉnh ngộ muộn màng. Người đời sau buộc tội ta. (Da diết) Tội của ta! Tội của ta bắt đầu từ lúc nào?

CAO LỖ -(từ từ hiện ra, đứng nhìn Thục Phán, nói một mình, giọng thương cảm): Tội nghiệp! Chuyện nghìn xưa cũ vẫn ray rứt nhà vua. (lại gần) Mấy nghìn năm thao thức, đức vua vẫn chưa giải đáp được cho mình câu hỏi đó sao?

THỤC PHÁN –(giật mình quay lại): À, tướng quân Cao Lỗ! Ta vẫn muốn được gần tướng quân mà lại ngại gặp tướng quân.Ta cô đơn quá. Cảm ơn tướng quân đã đến tìm ta.

CAO LỖ: -Từ dạo sa cơ vì mưu thâm kế độc của giặc, tôi phiêu diêu đây đó trên giang sơn gấm vóc của ta. Tôi nguôi lòng vì thấy con dân Âu Lạc dù trải trăm cay nghìn đắng vẫn không tàn lụi. Dù một số kẻ lên ngôi trị nước sau này không biết rút bài học của chúng ta thì trăm họ vẫn bảo tồn được hùng khí giống nòi và tái tạo cơ đồ. Tôi quên đi cái hận của riêng mình, của chúng ta. Tôi chung với muôn dân cái ưu phiền khi vận bĩ, cái hoan lạc khi thế nước đi lên. Qua đây, nghe biết đức vua vẫn tự giam mình trong cô quạnh, tôi định tìm đên giải bày đôi điều mong gỡ mối hầu đức vua.

THỤC PHÁN: Giã ơn tướng quân. Lòng ta nặng trĩu, hồn ta u ám. Tướng quân biết chăng đời sau đã hạ bút kết án ta...

CAO LỖ: -Hậu thế của chúng ta công minh lắm đó, thưa đức vua. Họ vẫn lập đền thờ đức vua, họ không tưởng niệm Triệu Đà, mặc dù có quốc sử của triều đại sau đã ngộ nhận y. Như vậy, chẳng phải những người dân họ biết phân biệt rạch ròi lắm sao? Và phải chăng họ đã không quên công lao  đức vua thống nhất non sông Âu Lạc, phát triển sự nghiệp của các vua Hùng? Nhưng họ làm sao quên được cái tội của chúng ta đã để đất nước này sa vào vòng tăm tối suốt nghìn năm!

THỤC PHÁN (run rẩy): -Tội của chúng ta. Không! Tội của ta. Tướng quân đến đây để hoàn tất bản án mà xưa kia tướng quân chưa có dịp nói thẳng và nói hết với ta chăng?

CAO LỖ: -Thưa đức vua...

THỤC PHÁN (đột nhiên xua tay, lùi lại): -Hãy khoan! Con ta kia, ta... (lùi dần và từ từ biến đi).

 

Cao Lỗ lưỡng lự một chút rồi cũng biến đi cùng vùng ánh sáng.

Ở một góc sân khấu khác, Mị Châu cùng Nàng Sen hiện ra cùng một vùng ánh sáng mờ.

 

MỊ CHÂU: -Đức vua không muốn nhìn mặt ta. Lời thề của ta trước khi hứng chịu lưỡi gươm bi phẫn của cha ta đã ứng nghiệm mà người vẫn khôn nguôi. Thần dân còn thấu hiểu cho ta. Thần dân dành cho ta một nơi hâm hưởng cạnh nơi thờ người, có biết đâu ta vẫn xa cách cha ta hơn là muôn trùng sông núi.

NÀNG SEN: -Vua cha có nỗi khổ tâm riêng của người.

MỊ CHÂU: -Thế ta không có nỗi khổ tâm của ta sao? Em không chịu ở bên ta, em cũng không hiểu ta.

NÀNG SEN: -Tôi ở với mọi nhà. Người ta không khấn tên tôi, nhưng mọi người đều cảm thấy có tôi nơi họ và tôi cũng cảm thấy tôi hoà vào họ. Chính vì vậy mà tôi rất hiểu công chúa.

MỊ CHÂU: -Em rất hiểu ta? Thế em khinh ghét ta hay em thương hại ta?

NÀNG SEN (lắng tai nghe): -Khoan! Công chúa nghe kìa!

 

Tiếng ngâm thơ giọng nữ nghe rõ dần:

“... chuyện Mị Châu

“Trái tim lầm chỗ để trên đầu

“Nỏ thần vô ý trao tay giặc

“Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”.(2)

 

MỊ CHÂU (hai tay ôm mặt): -Trời ơi! (Một lát, ngửng lên) Người đời nay bảo: thời gian là một quan toà rộng lượng, vậy mà...

NÀNG SEN: -Không, người đời nay nói: thời gian chỉ có thể là quan toà rộng lượng một khi lương tâm là người buộc tội và hành động thiết thực là người bào chữa.

MỊ CHÂU (giọng kinh hãi): -Em cũng là người kết án ta khắc nghiệt vậy sao?

NÀNG SEN: -Tôi chỉ can gián công chúa xưa kia... (giọng xa xăm) khi con người ấy bước vào cuộc đời công chúa.

MỊ CHÂU: -Con người ấy... (lại lấy tay ôm mặt) Trời hỡi! Ai đem đến cho ta con người ấy?

NÀNG SEN: -Ai đem hắn đến ư? Công chúa có nhớ chăng...

 

Tất cả mờ dần. Chuyển vào hồi Một.

(1)         Đại Nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái.

(2)         Thơ Tố Hữu.

 

                                               

 

                                           HỒI MỘT

 

CẢNH MỘT:

Trong thành Cổ Loa. Một bãi rộng và đường đi. Phía xa, một ngôi đền. Có thể thấy thấp thoáng bàn thờ nỏ thần. Trống đồng treo trên giá. Tiếng trống đồng trầm hùng, tiếng chuông đồng ngân rền. Lễ mừng đánh thắng quan Triệu Đà xâm lược. Mấy người dân ra.

 

NGƯỜI DÂN 1: -Chúng ta đến chậm rồi.

NGƯỜI DÂN 2: -Lễ tế thần nỏ hay lễ mừng chiến thắng nhỉ?

NGƯỜI DÂN 3: -Thì lễ mừng chiến thắng dâng trước thần nỏ chứ sao.

NGƯỜI DÂN 2: -Triệu Đà chắc cạch đến già, chẳng dám xâm phạm đến ta nữa đâu. Họ Triệu nhà nó mất Đà rồi.

NGƯỜI DÂN 1: -Anh nghĩ thế à? Triệu Đà là đứa gian hùng, bụng dạ thâm hiểm, phản trắc. Trước đây khi còn ở dưới trướng Nhâm Ngao, hắn đã có bụng lật chủ. Kịp khi Nhâm Ngao chết, hắn tự lập làm chúa. Sợ vua Tần hỏi tội, hắn muốn dựa vào ta. Tần suy, hắn lập nước Nam Việt, định giương cờ tranh bá đồ vương. Nhưng khi hắn tập hợp lực lượng vừa đủ mạnh thì Lưu Bang đã nuốt xong Trung nguyên. Hắn quay lại định thôn tính nước ta mở rộng cương vực, bành trướng thế lực để hùng cứ phương Nam đối chọi với nhà Hán tiến tới làm chúa tể thiên hạ. Hắn học đòi làm Tần Thủy hoàng nhưng lại kém thế và kém thớ hơn nên phải cố vượt tiền bối hắn về mặt xảo trá. Chẳng phải mới thu ta mấy keo mà hắn đã chùn đâu.

NGƯỜI DÂN 2: -Hắn khiếp vía vì nỏ thần rồi.

NGƯỜI DÂN 3: -Tôi nghe nói nỏ thần là do thần Kim Qui báo mộng bày cho tướng quân Cao Lỗ chế ra. Thần dặn phải cất nỏ thần vào nơi kín đáo, thâm nghiêm, và lựa những người sử dụng cho cẩn trọng. Xem vậy thì không phải nỏ thần cứ mặc nhiên mà linh nghiệm mãi.

NGƯỜI DÂN1: -Dân Âu Lạc ta chẳng phải từ khi có nỏ thần mới biết đánh giặc. Trước đây, dân ta đã từng đánh rã năm mươi vạn quân Tần, bêu xác tướng giặc Đồ Thư. Nhưng hồi ấy dân ta dùng cách đánh lén, đánh lẻ, đánh tỉa làm cho giặc ăn không ngon, ngủ không yên, bị tiêu hao, kiệt quệ dần. Ngày nay, quân ta công nhiên đối mặt thắng lợi với quân Triệu Đà. Nỏ thần “liên châu” xuất hiện vào lúc nước ta quân đã thành đội ngũ tinh nhuệ, chiến thuyền đã thành đoàn san sát, thành Cổ Loa được dựng lên kiên cố và bí hiểm...

NGƯỜI DÂN 1: -Phải, quân Triệu sợ nỏ thần thật, nhưng Triệu Đà không chỉ lo về nỏ thần mà thôi. (Ngừng lại lắng nghe) Tiếng trống ở đền nỏ thần lúc nào nghe cũng xao xuyến thôi thúc lạ.

NGƯỜI DÂN 2: -Nghe nói là vật báu truyền quốc từ thời Hùng vương đấy.

NGƯỜI DÂN 1: -Nước ta không hiếm trống đồng. Nhưng đây là Trống Cái, tương truyền do chính đức Hùng vương đúc nên. (Tiếng trống đổ hồi) Thôi chết! Lễ xong rồi.

NGƯỜI DÂN 2: -Không kịp dự lễ thì chúng ta dự hội vậy. Nghe nói có thi bắn nỏ, đấu vật , đua thuyền và nhiều trò nữa. Tha hồ xem.

 

Sân khấu trống một lát sau khi những người dân ra hết.

 

Thục Phán và Lạc hầu vào, đang nói dở câu chuyện.

THỤC PHÁN: -Khanh có cho là Triệu Đà thật bụng cầu hoà không?

LẠC HẦU: -Tâu đức vua, ông ta tỏ vẻ nước đàn anh muốn hoà hiếu và giúp nước ta cùng cường thịnh.

THUC PHÁN: -A hà! Giúp nước ta cùng cường thịnh à! Khanh có biết chuyện kể dân gian này không? Một gã sống cạnh một nhà đang chí thú làm ăn có cơ khá lên. Hắn ta được mội vị thần ban cho một điều ước duy nhất. Hắn ước gì, khanh có nghĩ ra không? Hắn ước cho nhà hàng xóm lụn bại. Đó! Ông láng giềng của ta là vậy đó. Y mà không nuốt được ta thì tìm mọi cách kiềm chế ta, phá ta.

LẠC HẦU: -Muôn tâu, thần cũng ngờ lắm; nhưng sứ Triệu nói Triệu vương rất phiền lòng vì các quan biên cảnh bên ta không chịu tự kiềm chế khiến hai bên hiềm khích mãi. Nghe nói Triệu vương thường phán rằng hai nước nên liên kết không nên chia rẽ.

THỤC PHÁN: -Nói lạ! Ai gây sự? Ai luôn luôn quấy rối, lúc ngấm ngầm, lúc công khai?

LAC HẦU: -Ông ta cũng hay phán: Ta là dòng dõi trung nguyên, chân chính quân tử, làm gì cũng quang minh chính đại, không giở mưu ma chước quỉ. Nên kiên trì hữu nghị, hợp tác mọi mặt, lo cho ổn định dài lâu và nghĩ tới mai sau.

THUC PHÁN: -Hừm! bốn “nên”. Nghe tử tế gớm!

LẠC HẦU: -Dạ, họ nói nhiều giọng lắm, ta khó mà bì kịp. Nhưng dẫu sao đây cũng là một dịp yên hàn.

THUC PHÁN: -Thôi được! Để ta suy nghĩ và bàn với các khanh sau. (Định đi, lại quay lại) Ầ này! Khanh thấy con trai Cao Lỗ thế nào?

LẠC HẦU: (ngạc nhiên, dè dặt): Muôn tâu... cũng khôi ngô, chỉ phải cái hơi xốc nổi.

THỤC PHÁN: -Độ tuổi hai mươi mà được thế cũng khá lắm rồi. Ta định chọn làm phò mã, ý khanh ra sao?

LẠC HẦU (hơi biến sắc mặt): -Dạ,... công chúa cũng hãy còn nhỏ tuổi.

THỤC PHÁN (cười): -Cũng chẳng nhỏ nữa đâu. Khanh về nhé. (Đi khuất về phía cung vua).

LẠC HẦU (nhìn theo, mắt tối sầm lại): -Ôi! Nhà vua! Nhà vua! Sao thiên vị làm vậy? Trong việc phò tá nhà vua kế nghiệp vua Hùng, ta công lao kém gì Cao Lỗ? Không có ta nội ứng thì đã dễ mà Hùng Vương trao ngôi cho nhà vua! Con trai ta chững chạc là vậy, ăn đứt con trai Cao Lỗ. Ôi! Mộng lớn của cha con ta!

                   Lạc hầu định đi thì Cao Lỗ vào.

LẠC HẦU (vái): -Kính chào Cao tướng quân.

CAO LỖ (vội đáp lễ): -Ấy chết! Ngài là Lạc hầu ngôi cao thân cận đức vua sao lại khiêm cung quá thế, khiến kẻ mọn này xiết bao bối rối.

LẠC HẦU: -Tôi cúi mình trước vị tướng lừng danh đã xây nên thành Cổ Loa hùng vĩ này, đã mấy lần đánh tan quân Triệu xâm lấn bờ cõi Âu Lạc.

CAO LỖ: -Xây lên thành, phá được giặc, trên là nhờ đức lớn nhà vua, dưới là nhờ công các quan, các tướng, sau nữa là sức của muôn dân. Cao Lỗ tôi chỉ biết hết lòng góp tài hèn, sức mọn mà thôi.

LẠC HẦU: -Có thành này, có nỏ thần, có tướng quân, thần dân Âu Lạc có thể an tâm ăn ngon, ngủ sướng.

CAO LỖ: -Tôi e những kẻ ôm tham vọng lớn ở phương bắc kia không chịu để yên cho ta làm ăn, nói gì đến ăn ngon ngủ sướng.

LẠC HẦU: -Tướng quân không muốn hoà với Triệu à?

CAO LỖ: -Nước ta có gây sự với họ đâu. Thế mà dân ta cứ khổ mãi với hết quân Tần lại đến quân Triệu .Trước mắt và lâu dài về sau còn bao việc phải lo toan: khai phá đầm lầy, rừng rậm, chống lũ, chống hạn, sao nước ta lại không muốn yên hưởng thái bình? Sống với một anh láng giềng xảo quyệt bụng dạ khôn lường thật khó.

LẠC HẦU: -Triệu vương chịu cho con trưởng sang làm con tin kia mà. Nếu không nhận hoà thì họ có cớ để động binh mãi. Trăm họ cứ phải chịu điêu linh. Chi bằng ta cứ giao hiếu, một mặt cứ phòng bị chu đáo, có phải hơn không? (Nói riêng) Hòa hiếu thì những kẻ nắm binh quyền ít có dịp mà vênh mặt lên.

CAO LỖ: -Lời bàn của quan Lạc hầu quả là có ý trông rộng nhìn xa. Nhưng có lẽ không nhận con tin mà hơn. (Ngừng một chút, đắn đo, rồi chuyển hướng câu chuyện) Thôi việc đó chờ đức vua bàn định. Tôi muốn ngài cho ý kiến về việc cử người lên ải bắc.

LẠC HẦU: -Tướng quân định cử những ai?

CAO LỖ: -Ngài thấy tướng Đống con trưởng Nồi hầu có được không?

LẠC HẦU: -Đống thì khá đấy, nhưng chưa bằng lệnh công tử. Được cả hai cùng lên trấn ngự thì biên cương phía bắc sẽ vững như có trường thành.

CAO LỖ: -Con trai tôi cũng còn trẻ người non dạ lắm. E rằng đức vua phân tâm.

LẠC HẦU: -Tướng quân cứ vào thỉnh mệnh đi. Nếu cần, tôi xin góp lời tâu lên.

CAO LỖ: -Bây giờ tôi phải đến gặp Nồi hầu. Kính ngài lại nhà. (Ra).

LẠC HẦU (nhìn theo, mắt nheo lại, gật đầu luôn mấy cái): -Cao Cung phải đi xa mới được! Đó là lòng trời.

                                                                                             MÀN

 

 

 

CẢNH HAI

 

Trong thành Cổ Loa. Nhạc nền cho ngày hội có thể cảm nhận được là đang diễn ra sau màn giữa. Mị Châu và Nàng Sen đi ra trước màn giữa.

 

NÀNG SEN: -Em biết tại sao cuộc thi của các tay nỏ nam đang hồi sôi nổi chị lại lánh ra đây rồi. Chị sợ Cao công tử lúng túng nên bắn trượt chứ gì.

MỊ CHÂU: -Sen cứ nói vớ vẩn. Người ta thì can gì đến chị?

NÀNG SEN: -Khốn nhưng khi “người ta” nhìn trộm thì “ai” cứ đỏ mặt rồi cúi đầu mà tay thì luống cuống cơ!

MỊ CHÂU: -Chị không nói chuyện với Sen nữa. (Nói lảng) Em bảo những ai sẽ thắng cuộc thi bắn nỏ bên nam nào?

NÀNG SEN (cười tủm): -Còn ai nữa, nhất định là Cao công tử rồi!

MỊ CHÂU (tinh nghịch): -Đống nữa chứ! Sao không ở lại cổ vũ người ta?

NÀNG SEN (trêu): -Em sợ một mình em ở lại nhỡ Cao công tử thua, công tử suy bì, rồi trách “ai”.

MỊ CHÂU: -Em nghĩ xấu cho công tử rồi.

NÀNG SEN: -Rõ là chị bênh đấy nhé!

MỊ CHÂU: -Em ranh lắm. (Phía trong có tiếng reo từng đợt) Sắp đến lượt các tay nỏ nữ rồi đấy. Em mau vào sửa soạn đi!

NÀNG SEN: -Chị có dự không?

MỊ CHÂU: -Tay nỏ chị còn vụng lắm.

NÀNG SEN: -Cứ thi cho vui đi chị!

MỊ CHÂU: -Chịu thôi. Lóng ngóng người ta cười cho, thôi để lần sau. Lần này em cố giật giải nhé!

 

Cả hai cùng vào. Sân khấu phía ngoài màn giữa trống một lát. Phía sau  màn giữa vọng ra từng nhịp ba tiếng trống một. Từng đợt có tiếng reo“trúng hồng tâm rồi!”, “giỏi! giỏi!”, “hay lắm!”, v.v... Màn giữa mở ra. Một cụ già mặc quần áo sồi nhuộm nâu, chít khăn đỏ, thắt lưng điều, đi guốc gỗ mũi cong, cầm cồng đứng giữa sân khấu. Dàn hàng bên phải sân khấu là tốp tay nỏ nam, trong đó có Cao Cung, Đống. Dàn hàng bên trái sân khấu là tốp tay nỏ nữ, trong đó có Nàng Sen. Hai bên đối diện nhau. Mỗi người đều tay cầm nỏ, thắt lưng đeo túi tên. Phía trong sân khấu là những người xem, trong đó có Mị Châu. Phía trước những ngườixem có một cái kỉ trên đặt một chồng lụa hồng và một cái khay đựng bọc trầu cau gói trong một tấm khăn điều. Cụ già giơ cao cồng đánh ba tiếng rồi nói lớn:

 

CỤ GIÀ: -Chiềng bà con

Nhân lễ mừng thắng trận

Cùng chiêm bái nỏ thần

Thừa lệnh đức chí nhân

Mở hội vui trăm họ.

Vừa rồi thi bắn nỏ

Trai gái đều dốc lòng

Mau mau mở khăn hồng

Ra mời trầu úy lạo!

 

Mấy bà đến mở bọc trầu trên khay.

 

MỘT BÀ: -Xin thưa với trùm với lại thưa với bà con, tôi xin có nhời này. Chúng tôi xin mang khay trầu đến cho các cậu để các cậu mời các cô, rồi mang đến cho các cô để các cô mời các cậu. Có được không ạ?

NHIỀU TIẾNG NÓI: -Ý bà Sành hay đó.

MỘT ÔNG (đứng trong đám người xem, tay cầm nỏ): -Thế thì ai mời trầu tôi?

BÀ SÀNH: -Để thần bia mời ông.

MỘT ÔNG TRONG ĐÁM ĐÔNG: -Phải đó! Ông Nhộn bắn hai phát tên đều đi tìm cò, phải bỏ cuộc chuồn mất. Giờ để thần bia mời trầu trả ơn ông là phải đó.

ÔNG NHỘN: -Ấy! Có mấy con ruồi vo ve quanh bia. Tôi bực mình tôi mới bắn đứt ngay cánh hai con đấy chứ. Chẳng tin, bà con thử tìm quanh bia mà xem!

NGƯỜI KHÁC TRONG ĐÁM ĐÔNG: -Ngày nào ông cũng lăng xăng vác nỏ ra bãi tập, thì ra tập bắn ruồi.

BÀ SÀNH: -Ông Nhộn mà bắn được ruồi thì đã phúc cho bà con ta. Có ông ấy là ruồi ám người ta thì có. Ra bãi tập chỉ thấy miệng ông ta bắn ra liên hồi kì trận những câu tếu, còn tay ông ta có thấy động đậy gì đâu.

ÔNG NHỘN: -Thôi! Thôi! Xin chịu bà Sành. Miệng tôi chỉ bắn ra những câu vui nhộn thôi. Còn miệng bà chị thì bắn ra toàn là mảnh sắc. Nói thật, tôi bắn bia hơi xoàng, nhưng bắn quân giặc Triệu thì không xoàng đâu nhá. Chúng nó đi đông như kiến cỏ. Tôi chẳng cần ngắm cứ lẩy cò, không trúng thằng bên phải thì trúng thằng bên trái, không găm thằng đi trước găm thằng đi sau. Tôi đố bà phun mảnh cứa của bà ra mà giết được giặc đấy! Hề, hề, bà Sành chẳng sành hơn tôi đâu. Bà chỉ được cái dòn.

                                  Mọi người cười ồ.

MỘT NGƯỜI: -Xinh dòn hay cứng dòn đấy hả ông Nhộn?

BÀ SÀNH (với ông Nhộn): -Xì! Thế nếu chúng đi thưa ra thì ông lại bắn ruồi chắc? Hôm nay tay tôi giở chứng, nếu không tôi quyết bắn thi với ông.

CỤ GIÀ: -Được rồi! Được rồi! Lát nữa sẽ để cho bà Sành ông Nhộn lên võ đài mà đánh võ mồm. Giờ thì tôi định thế này: phạt ông Nhộn về tội bắn trượt và bỏ cuộc phải đi bưng khay trầu để bà Sành chia cho các cô, các cậu theo lời ước của bà ấy ban nãy. Bà con có ưng không?

ĐÁM ĐÔNG: -Hay lắm! Hay lắm!

ÔNG NHỘN (đeo nỏ vào vai, xăng xái đến bên kỉ bưng  khay trầu, liếc bà Sành): -Nào! Tôi xin sánh đôi với bà.

BÀ SÀNH (lườm): -Có mà sánh đôi với cái tiểu sành.

 

Sau khi nam nữ hai bên mời trầu nhau, cụ già lại dõng dạc đánh ba tiếng cồng rồi dõng dạc nói:

CỤ GIÀ: -Giờ đến phần trao giải. Thưa bà con! Có chỗ khó xử. Hội thi bắn nỏ chỉ trao hai giải nhất, một cho bên nam, một cho bên nữ. Nhưng bên nam có hai người đều bắn ba phát trúng hồng tâm thì biết trao giải cho ai?

MỘT NGƯỜI:          -Chia đôi.

NGƯỜI KHÁC: -Chia đôi không hay. Để hai người thử sức bằng keo vật.

NGƯỜI BAN NÃY: -Sao lại keo vật vào đây? Vật có giải của vật chứ.

ÔNG NHỘN: -Để tôi đưa cái diều giấy của tôi ra đây, ai bắn đứt dây diều thi được nhận giải.

BÀ SÀNH: -Chờ được diều của ông lại phải chờ gió. Hay ông thổi?

ÔNG NHỘN: -Hề, hề, đừng lo diều tôi không gặp gió. Chỉ lo bà gặp gió thôi.

CỤ GIÀ: -Thôi! Bà con hãy nhìn kia! Có mấy con diều hâu từ phía bắc đang liệng vòng xuống đây. Bây giờ cậu Đống, cậu Cung, hai người được giải nhất vừa rồi, ai hạ được con bay đầu thì giật giải.

ĐÁM ĐÔNG: -Chí phải! Chí phải!

NÀNG SEN (bước ra): -Xin trùm cho cháu cùng dự bắn.

CỤ GIÀ: -Nàng Sen giật giải nhất nữ rồi mà!

NÀNG SEN -Dạ, bên nam phải thi đấu lại thì nên hợp hai giải lại để tuyển cho công bằng.

 CỤ GIÀ (vuốt râu): -Khá khen! Được!

 

Cung, Đống, Nàng Sen bước ra cùng giương nỏ lên trời, rồi bắn.

 

MỌI NGƯỜI (reo): -Trúng rồi! Rơi rồi!

MỘT EM BÉ: -Để cháu đi nặt. (Chạy đi. Một chốc mang con diều hâu vào, reo to) Hai tên trúng! Hai tên trúng! (đưa con chim cho cụ già).

CỤ GIÀ (chăm chú xem xét): -Hà, hà,... có hai mũi tên trung đích thật. Mũi tên trúng đầu buộc chỉ đỏ. Của ai nào? (Đóng bước ra). Trúng ngực là mũi tên buộc chỉ xanh. (Nàng Sen cúi đầu cưòi tủm tỉm. Trong đám đông rộ lên tiếng nữ): “Giỏi! giỏi! Nàng Sen giỏi!”. (Cụ già nhìn kĩ con chim chợt kêu lên thích thú) Hay quá! Mũi tên thứ ba phạt đứt xương cánh phải lìa khỏi mình chim nên không mắc vào đây. Bắn thế cũng là tài. (vuốt râu)Thế vẫn khó xử đây.

TIẾNG NÓI TRONG ĐÁM ĐÔNG: -Chưa tài bằng bắn đứt cánh ruồi. Trao giải cho ông Nhộn đi thôi1

ÔNG NHỘN (Làm bộ xăm xắn giương nỏ): -Để tôi bắn xua mấy con diều hâu còn lại cút đi, rồi tôi nhận hai giải luôn thể.

BÀ SÀNH: -Chúng nó đang kêu đằng sau lũy tre kia kìa. Ông chạy mau đến đấy mà nhận giải mấy con chuột đồng chết, kẻo chúng tha đi mất.

MỘT BÀ: -Diều hâu chẳng sợ tên của ông Nhộn đâu. Nhưng bà Sành ông Nhộn mà đấu mồm thì xua được chúng đấy.

CỤ GIÀ: -Thôi! Xin hai người hãy tạm đình khẩu chiến. Tôi bàn thế này chỗ lụa hai giải nhất nay đem may áo tặng ba người.

ÔNG NHỘN:- May áo mặc chung ạ?

BÀ SÀNH (lườm): -Rõ tưởng khôn hoá dồn ra dại. (Nói to) Xin cứ là theo ý trùm đấy ạ.

ĐÁM ĐÔNG: -Chí lí! Chí lí!

CỤ GIÀ: -Giờ xin để mọi người vui múa hát.

 

Nam nữ hát lượn. Đến lúc họ đang múa thì Nàng Sen và Đống lánh ra

một góc.

 

ĐỐNG: -Chiều nay tôi rời thành Loa đây.

NÀNG SEN (hơi ngoảnh đi cắn môi, không nói).

ĐỐNG: -Tôi đi lên biên cương phía bắc.

NÀNG SEN (vẫn im).

ĐỐNG: -Sen giận tôi à? Sao lại giận?

NÀNG SEN: -Chiều nay đã đi rồi mà giờ mới nói.

ĐỐNG: -Thì Cao tướng quân mới cho lệnh mà.

NÀNG SEN: -Hứ! em nghe rục rịch từ hôm qua kia.

ĐỐNG: -Đó chỉ là ý của tướng quân thôi. Phải được đức vua chuẩn y đã.

NÀNG SEN: -Nghe tin phải bàn ngay với người ta chứ. Đến lúc có lệnh vua thì chậm quá rồi .

ĐỐNG (lo lắng): -Sen không muốn cho tôi đi trấn ải Bắc à?

NÀNG SEN: -Ai thèm níu áo mà cứ tưởng... Đến lúc sắp đi mới nói thì ai người ta sắm sửa kịp hành trang cho.

ĐỐNG (thở phào): -Thế mà cứ ỡm ờ làm tôi... Ngỡ gì chứ hành trang thì có chi đâu mà phải lo.

NÀNG SEN: -Nói thế chứ em đã thu xếp từ tối hôm qua. Vừa cho người đưa sang bên ấy. (Hất đầu về phía Cao Cung) Cao công tử cùng lên đó phải không? (Đống gật đầu) Sao không chia tay chị Mị nhỉ?

ĐỐNG (cười): -Nàng Sen cứ nghĩ là họ đã như chúng mình rồi. Với lại Cao huynh có nói là giặc đang dòm dỏ thì mọi việc riêng đành gác lại.

NÀNG SEN: -Thế là kém người ta nhé.

ĐỐNG: -Kém tí ti thôi, nhưng lại hơn nhiều.

NÀNG SEN: -Hơn gì?

ĐỐNG: -Có người để mà về thăm.

NÀNG SEN (nguẩy người): -Ý! Thế thì phải chia lìa luôn thôi. Kẻo nữa rồi quân giặc chúng cười cho.

ĐỐNG: -Nói vui đấy mà. Tôi đã thưa với cha là sau khi tôi xong việc ở biên cảnh, chúng mình mới làm lễ cưới. Sen đã ưng chưa?

NÀNG SEN: -Thế thì được. Nhưng phải có tin về luôn đấy! Thôi ta vào cùng vui với họ, không họ lại chọc cho.

 

Vừa lúc Cao Cung đến gần, chào Nàng Sen, rồi quay sang Đống:

 

CAO CUNG: -Chúng ta phải về lo liệu việc lên đường cho kịp. (Nói với Nàng Sen) Xin từ biệt Nàng Sen nhé.

NÀNG SEN: -Thế công tử không chào từ biệt chị Mị tôi à?

CAO CUNG (hơi lúng túng): -Cho tôi gửi lời chào công chúa.

NÀNG SEN: -Gửi thì tôi không kham nổi, mà chị Mị sẽ không nhận đâu.

CAO CUNG: -Vậy thì để hôm nào trở về phục mệnh đức vua, tôi xin đến chào vậy.

NÀNG SEN (cười): -Úi! Chào từ biệt mà chờ đến lúc trở về sao?

ĐỐNG (gỡ bí cho bạn): -Theo lệnh trên, hai chúng tôi phải kíp lên đường. Thôi Sen liệu nói đỡ cho anh Cung, cho cả tôi nữa.

 

Hai người chào rồi ra khuất. Mị châu từ từ đi đến bên cạnh Nàng Sen cùngtrông theo hướng hai người vừa đi.      

 

 

                                          HỒI  HAI

 

CẢNH MỘT

 

Trong thành Cổ Loa. Bãi rộng, đường đi, gần khu cung điện.

 

NỒI HẦU: -Thưa tướng quân, nên chăng để cho Triệu công tử(3) ở thành trong. Chỗ đó không nên có người nước ngoài, nhất là người của nước chưa biết có thật bụng hoà hiếu hay không.

CAO LỖ: -Thưa hầu huynh, tôi nghĩ cái đáng nói là không cần nhận con tin của Triệu Đà. Nếu thật sự tin nhau thì cần gì phải con tin. Thà tuyệt giao còn hơn.

NỒI HẦU: -Cấm cửa không phải là cách hay. Kẻ kia vẫn cứ manh tâm. Mà dân hai nước ở hai bên biên giới chẳng dễ đoạn tình nhau. Về chuyện con tin, đức vua ta sao mà chuyển ý nhanh thế! Người muốn an hưởng tuổi già chăng?

CAO LỖ: -Đức vua tuy già nhưng chắc chưa phai hùng tâm tráng chí xưa kia. Chỉ vì một số các quan, các tướng khéo lung lạc.

NỒI HẦU: -Đứng đầu là Lạc hầu. Hình như ông ta không hài lòng về tướng quân?

CAO LỖ: -Tôi cũng không biết nữa. Tôi vẫn rất kính trọng Lạc hầu, người đã có công giúp rập Thục vương lên ngôi, và cũng là người có công chiêu dân lập ấp.

NỒI HẦU: -Nhưng phải chăng ông ta không nghĩ ngợi gì khi tướng quân khuyên không nên bắt dân cống nạp quá nhiều?

CAO LỖ: -Chuyện đã lâu rồi. Vả, Lạc hầu cũng đã chịu nghe theo.

NỒI HẦU: -Song, tướng quân ngày càng được dân mến, vua tin.

CAO LỖ: -Nhưng Lạc hầu vẫn là một trong những rường cột của xã tắc.

NỒI HẦU: -Ngay khi mới chân ướt chân ráo đến Cổ Loa, Đặng Giảo đã đưa Trọng Thủy đến yết kiến Lạc hầu.

CAO LỖ: -Đấy có thể chỉ là cái khôn khéo thông thường của các sứ giả.

NỒI HẦU: -Có phải vì những giao thiệp cần có của sứ giả mà họ đem châu báu, vải vóc biếu các triều thần chúng ta không? Những vũ nữ, những mưu sĩ có thật sự cần thiết cho một phái bộ con tin không?

CAO LỖ: -Thú thật, tôi chưa bao giờ an tâm về đám con tin này. Cho nên tôi nghĩ tốt hơn cả là để Trọng Thủy và đám tùy tùng của y ngụ tại thành trong. Đó cũng là một cách giữ chân họ.

NỒI HẦU: -Những kẻ đi theo Trọng Thủy đều thuộc loại sừng sỏ ở Phiên Ngung(4), tôi e chẳng dễ mà ràng buộc họ. Ở thành trong có quan quân nhưng lại không có dân. Vả lại, cũng khó có cớ để ngăn họ la cà ra thành ngoài. Còn nếu cho họ ở thành ngoài thì lại khác.

CAO LỖ: -Cho họ ở gần dân họ có thê trà trộn vào dân, thao túng dân.

NỒI HẦU: -Phong hoá Nam Bắc khác nhau, họ không dễ thâm nhập được.

CAO LỖ: -Nhưng ý đức vua đã quyết rồi. Bây giờ chúng ta phải giám sát cho nghiêm, cho chặt. Phiền hầu huynh về đôn đốc quân dân ở thành ngoài, còn tôi sẽ hết sức nhắc nhở quan quân ở thành trong.

NỒI HẦU: -Xin y lệnh tướng quân.

                                                                                                     MÀN

 

 

(3)         Từ thời nhà Chu bên Tàu, con vua chư hầu thì gọi là công tử. Không chịu gọi Trọng Thủy là hoàng tử là có ý hạ uy thế.

(4)         Nơi Triệu Đà đóng đô, nay thuộc Quảng châu, Trung quốc.

 

 

 

 

CẢNH  HAI

 

Cổ Loa. Một bãi tập bắn ở ngoài thành nội. Nhiều tốp nam nữ tập bắn nỏ.

 

TRỌNG THỦY (lân la đến gần một tốp): -Chào chư vị.

ÔNG NHỘN: -Không dám. Chào cậu-hoàng-tử Trọng Thủy. Cậu hoàng tử có đôi hia đẹp quá. Nhưng đất ở đây trơn lắm đấy ạ.

TRỌNG THỦY: -Chư vị vui quá nhỉ.

ÔNG NHỘN: -Vui chứ. Chúng tôi đang tập bắn mèo rừng.

BÀ SÀNH: Không phải mèo rừng đâu. Nó là mèo nhà bỏ đi hoang lâu ngày rồi thành cáo đấy.

TRỌNG THỦY: -Các vị có bắn được chim đang bay không?

ÔNG NHỘN: -Chim cuốc đang lủi chúng tôi cũng bắn được.

TRỌNG THỦY: -Bắn chim đang bay khó nhiều chứ?

BÀ SÀNH: (trỏ về phía Nàng Sen): -Hôm trước diều hâu đang bay dòm dỏ gà con, Nàng Sen của chúng tôi bắn một phát xuyên đầu đấy.

 

Trong Thủy thấy tốp Mị Châu, Nàng Sen bèn đi tới.

 

TRỌNG THUỶ (thi lễ): -Kính chào hai công nương. Chà! Nhìn trưởng công chúa giương nỏ tôi ngỡ như được thấy nàng Lộng Ngọc nâng ngọc tiêu của Tiêu Lang, mà lại thêm nét hào hùng. Không biết nên thêm chữ gì vào bốn chữ “yểu điệu thục nữ” cho thật xứng?

MỊ CHÂU: -Tôi cầm nỏ còn vụng lắm, chẳng ra gì đâu.

TRỌNG THỦY: -Cái đẹp không ở chỗ bắn vụng hay thạo. Vả chăng, chức thiện xạ không hợp với các bậc kim chi ngọc diệp như hai công nương.

NÀNG SEN (khó chịu): -Nghĩa là công tử muốn chúng tôi coi cái nỏ chỉ là một thứ trang sức thôi phải không?

TRỌNG THỦY: -Không... à mà... nghĩa là giá các công nương cầm đàn tì bà thì còn tuyệt hảo nữa kia. Hơn nữa, chỗ của các công nương là lầu son gác tía.

NÀNG SEN (nói buông sõng): -Chúng tôi không là những con chim suốt ngày rỉa lông trong lồng. (Nói với Mị Châu) Ta về dệt lụa tiếp đi chị.

 

Cả hai ra. Trọng Thủy nhìn theo chưng hửng, rồi lại gần một tốp khác.

 

TRỌNG THỦY: -Các vị cho tôi tập bắn với nào.

MỘT NGƯỜI: -Hoàng tử quen bắn cung mà.

TRỌNG THỦY: -Phải. Phương bắc thường dùng cung. Cung thuận tiện hơn nỏ. Mang xách dễ mà lại bắn được nhanh.

MỘT NGƯỜI KHÁC (bị khích): -Nhưng nỏ bắn được xa, xuyên mạnh, dễ trúng đích, nhất là có thể bắn nhiều tên một lúc. Quân Triệu hẳn biết rõ.

TRỌNG THỦY (chỉ cái nỏ trên tay người kia): -Nỏ này thì chỉ bắn phát một chứ mấy.

NGƯỜI THỨ HAI: -Nỏ này chỉ bắn tập thôi.

TRỌNG THỦY: -À, tôi hiểu rồi. Bạn muốn nói nỏ thần phải không?

NGƯỜI THỨ HAI: -Nỏ thần thì đã đành. Không chỉ nỏ thần.

TRỌNG THỦY (làm ra vẻ ngờ nghệch): -Lạ nhỉ! Tôi tưởng trên đời này chỉ có nỏ thần là lợi hại hơn cung mà thôi. Bạn không nói vui đấy chứ?

NGƯỜI THỨ HAI (bực mình): -Được rồi! Tôi sẽ...

 

          Ông Nhộn từ nãy đã lắng nghe, vội tới gần.

 

ÔNG NHỘN (vỗ vai người kia): -Này Tam! Cung hơn đứt nỏ, há lại không biết hay sao mà dám khua môi trước cậu-hoàng-tử?

TAM (trợn mắt): -Hơn là hơn thế nào?

ÔNG NHỘN: -Ấy có sự tích đấy.

TAM (tò mò): -Sự tích gì?

ÔNG NHỘN (vừa nói, vừa nghĩ): -Sự tích thế này. Số là... E hèm! Số là ngày xửa ấy mà... Ngày xửa, ngày xưa có hai anh em làm được một đám nương quanh nhà rất chi là tốt. Ấy thế là chim muông kéo đến phá phách loạn cả lên.. Hai anh em đánh bẫy không xuể. Người em bèn ngồi khóc. Thần mới ban cho hai cái nỏ. Hai anh em chỉ việc ngồi trên sàn nhà bắn ra. Chim muông tan tàn tác cả. Người em quen mui mới vác nỏ đi bắn gia cầm hàng xóm. Người ta kiện lên tận trời. Ngọc hoàng thượng đế mới sai thần Sét xuống phân xử. Thần Sét  nổi giận lôi đình, -thiên lôi mà! thiên lôi thì bao giờ chẳng sẵn sàng nổi giận, bèn giật lấy cái nỏ trong tay người em quẳng vút về phương Bắc. Thằng em vừa khóc, vừa chạy đi tìm nhặt. Hắn chạy ròng rã một tháng trời thì vừa vặn chiếc nỏ rơi xuống, suýt trúng đầu hắn ta. Vì thần Sét ném mạnh quá nên thân nỏ bị gẫy rời ra chỉ còn cánh nỏ và dây nỏ. Thằng em ngồi khóc suốt một ngày mà không hết đói bụng, đành xách phần còn lại của cái nỏ đi kiếm con chim, con chuột đặng lấy sức mà ngồi khóc tiếp, -khóc để bắt đền thần Sét mà! Không dè hắn ta phát hiện ra rằng nếu giữ nhà thì cái nỏ thật đắc dụng; nhưng để đi ăn trộm, ăn cướp thì cái thân nỏ đâm vướng. Một lần, bị đuổi đánh, hắn ngã sấp, ngã ngửa, cứ vừa chạy vừa giương cánh nỏ bắn văng mạng lại phía sau. Thế mà thoát được đấy! Hắn đâm ra hàm ơn thần sét, và nghĩ cách chế thành cái cung. Hắn trở thành Cung-tổ-sư. Nghe đâu hắn còn sống tít tận đâu phương bắc ấy. Cậu-hoàng-tử thấy chuyện có li kì không!

TRỌNG THỦY: -Tôn ông kể chuyện thú vị thật! Nhưng e đó chỉ là chuyện bịa thôi.

ÔNG NHỘN: -Chuyện đời xưa thì dù có bịa cũng nhằm chuyện thật. À mà vừa rồi hình như có một ông cũng đội mão đi hia gần giống cậu-hoàng-tử đang đi tìm ai ở đằng kia đấy.

TRỌNG THỦY: -Vậy à? Thôi, xin chào chư vị (ra).

ÔNG NHỘN (chờ Trọng Thủy đi khuất, nói với Tam): -Không nhớ Cao tướng quân ra nghiêm lệnh gì à?

TAM: -Nhưng mà hắn ta cứ khoe cái cung của nhà hắn.

MỘT NGƯỜI: -Anh ta có khoe khoang gì đâu. Nom anh ta hoà nhã đấy nhỉ. Một cậu con vua cơ đấy!

TAM: -Đã đem thân đi làm con tin không hoà nhã mà được! Nếu hắn tỏ ra biết điều thì cũng nên chỉ vẽ cho hắn.

BÀ SÀNH (cũng đã đi đến gần): -Thôi! Thôi! Biết người biết mặt biết lòng làm sao. Anh ta giả bộ ngây ngô để moi ruột ta đấy. Đừng có mà ba hoa! (Nói với ông Nhộn) Từ xửa tới giờ mới thấy cái nhộn của ông được việc đó.

ÔNG NHỘN: -Hề, hề,...

 

                                                                                        MÀN

 

 

 

CẢNH BA

 

Cổ Loa. Một lối đi hướng về phía đền thờ nỏ thần. Trọng Thủy lững thững như một người đi dạo, nhưng mắt nghiêng ngó. Khi y đi đến một góc trong cùng sân khấu, một vệ binh cầm giáo bước ra chặn lại.

 

VỆ BINH: -Thưa, hoàng tử định đi đâu?

TRỌNG THỦY: -Ngồi buồn, ta đi dạo chơi. Nghe nói khu vực này phong cảnh thanh nhã, u tịch, kiến trúc kín đáo, thâm nghiêm, ta muốn tới đó di dưỡng tinh thần cho vợi bớt nỗi nhớ quê hương.

VỆ BINH: -Thưa, nơi đó là khu cấm không ai được đến.

TRỌNG THỦY: -Thế ta mượn thuyền lướt chơi có được không?

VỆ BINH: -Hoàng tử định lướt chơi ở những đâu?

TRỌNG THỦY: -Ra đầm Cả chẳng hạn.

VỆ BINH: -Thưa, không được.

TRỌNG THỦY: -Ở đó có gì mà nghiêm cấm?

VỆ BINH: -Tôi không được rõ. Chỉ biết không ai được vô cớ chèo thuyền ra đấy.

TRỌNG THỦY (ra vẻ nổi giận): -Ta là bề tôi gần gũi đức vua đường đường được ngự trong thành nội này, sao ngươi dám cản ta?

VỆ BINH: -Đó là nghiêm lệnh của Cao tướng quân với tất cả mọi ngưòi.

 

                   Trọng Thủy quay lại. Vệ binh ra.

 

TRỌNG THỦY (chờ cho vệ binh đi khuất): -Chà! Cái ông đô Nỏ này! (Thủng thỉnh đi loanh quanh, rồi đến ngồi trên một hòn đá ven đường. Trầm ngâm một lúc) Xứ này cũng lạ thật! Bồn mùa xanh tươi, chỉ hiềm thủy thổ khắc nghiệt. Con người thuần hậu, chất phác, nhưng không biết theo giáo hoá Trung nguyên. Con gái vua mà có lúc đi chân đất. Một quan to như Lạc hầu lại ít biết phép tắc, điển chế triều đình mà bên Trung Quốc đã thịnh hành từ thời nhà Chu(5). Một anh nặn nồi lại dự bàn quốc sự. Tướng Cao Lỗ oai danh lừng lẫy làm khiếp đảm quân tướng Nam Việt nhà mình mà dân ở đây có khi thân mật gọi là đô Nỏ. Có vẻ suồng sã chả ra thể thống gì cả. Mà phụ vương ta cùng kì thật! Màng chi đất nước ngoại vực này? Quanh Phiên Ngung chẳng đã đất rộng của nhiều rồi ư. Mà muốn mưu đồ đế bá thì sao không tiến về làm chủ Trung nguyên có phải đáng mặt anh hùng hơn không?

ĐẶNG GIẢO (vào, cười giảo hoạt): -Ấy! thưa hoàng tử, muốn làm chủ Trung nguyên thì trước hết phải thôn tính xứ này vào nước Nam Việt ta đã. Đất nước này còn bán khai, nhưng đã khá lắm của, nhiều lương. Nó sẽ giúp cho con cọp Phiên Ngung thêm mạnh nanh, sắc vuốt để nhảy sổ vào Trung nguyên chứ! Mà nếu lòng trời không tựa đại vương ta cái chí lớn đó thì đại vương cũng được vững vàng trấn ở cõi Nam này.

TRỌNG THỦY: -Phụ vương ta bắt ta sang đây làm con tin xưng thần với Thục Phán, bao giờ mở mày, mở mặt được với Trung nguyên?

ĐẶNG GIẢO -Thế hoàng tử đã làm được những gì do đại vương ủy thác?

TRỌNG THỦY: -Tiên sinh không biết ta khó khăn như thế nào. Ta cảm thấy bị giám sát riết róng từ lão Nỏ, lão Nồi cho đến đứa cùng đinh. Ôi! Sao ta e ngại cái nhìn sắc như gươm của Cao Lỗ thế! Cứ như xuyên suốt tâm can người ta.

ĐẶNG GIẢO: -Hoàng tử chớ nên ngã lòng. Tôi sẽ tìm mọi cách lung lạc bọn quan tướng. Còn hoàng tử phải cố kết thân với con em bọn quyền quí ở đây, nhất là chiếm cho được cảm tình của mấy con chim cu Cổ Loa.

TRỌNG THỦY: -Nhưng con chim cu nào vậy?

ĐẶNG GIẢO: -Bọn Mị Châu, Nàng Sen,...

TRỌNG THỦY: -Mấy người con gái thô lậu ấy à.

ĐẶNG GIẢO: -Hoàng tử chớ coi thường. Cho chúng mang y phục Hoa hạ thì con gái trung nguyên chưa dễ mà sánh được. Làm sao cho chúng bỏ được những khăn, những váy, những áo nghịch mắt của chúng đi. (Cười đểu giả) Mà giả phỏng không được nếm đào tiên thì nếm mận dại cũng là một thứ của lạ chứ sao! Hoàng tử hãy luồn lách vào, xông vào! Đừng sợ mang tiếng. Đã là mèo hay cáo thì khoác bộ lông đen hay bộ lông trắng cũng vậy thôi, miễn là vồ được mồi.

TRỌNG THỦY (ngẫm nghĩ): -Nói cho công bằng thì phụ nữ xứ này sống bình dị hơn phụ nữ bên ta. Họ chỉ kém cái vẻ nền nã, tôn quí của các công nương Hán tộc. Họ múa hát cũng nhẹ nhàng, duyên dáng, song...

ĐẶNG GIẢO: -Thì sánh thế nào được với người của dân tộc lớn chúng ta. Ta phải làm sao cho tất cả thiên hạ đều thấm nhuần văn hoá Trung nguyên. Lúc đó, thế tất bốn phương man, di, nhung, địch(6) ắt sẽ qui phụ thiên quốc.

TRỌNG THỦY: -Giáo hoá người dị tộc chẳng dễ đâu.

ĐẶNG GIẢO: -Ta là Trung Quốc. Trung Quốc là vầng thái dương. Ánh thái dương phải xua tan mông muội. Ân đức và sức mạnh sẽ bình thiên hạ. Bình được thiên hạ, thái dương càng toả hào quang, Trung Quốc càng vĩ đại. Chúng ta ở đây sẽ ban phát ân đức, Phiên Ngung sẽ thi thố sức mạnh.

TRỌNG THỦY: -Tần Thủy hoàng chẳng đã từng thi thố sức mạnh ở xứ này rồi đó sao? Phụ vương ta chẳng đã bao phen tung sức mạnh ra rồi đấy sao? Kết quả là chúng ta phải khuất thân với lão Thục Phán cổ hủ này đây.

ĐẶNG GIẢO: -Vì ta chưa biết dùng ân đức.

TRỌNG THỦY: -Dùng ân đức như thế nào kia?

ĐẶNG GIẢO: -Đồng hoá chúng. Làm sao cho quan, tướng xứ này thích xênh xang áo mũ, hia hốt, cân đai kiểu như chúng ta. Làm sao cho bọn có máu mặt loá mắt vì lụa là, gấm vóc, bạc vàng, châu báu của người Trung nguyên ta. Làm sao cho dân xứ này thích học đòi theo ta, hướng về ta là tốt nhất. Lúc đó thì đất nào chẳng là đất nhà vua(7), dân nào chẳng là bề tôi nhà vua(7) ? Vua chính thống Triệu Vũ vương ta, chứ chẳng phải vua ngụy Thục An Dương vương đâu.

TRỌNG THỦY: -Vậy thì ta còn phải làm cái việc dò xét vất vả và nguy hiểm làm gì?

ĐẶNG GIẢO: -Ồ! Hoàng tử dễ tính quá. Ân đức hoặc thu phục, hoặc phá ruỗng. Thu phục thường phải lâu dài và tốn kém. Mà không phải bao giờ cũng thành công. Cho nên thượng sách vẫn là phá ruỗng để dọn đường cho sức mạnh. Nhà Tần dựng nghiệp bằng bá đạo, chứ chẳng phải bằng vương đạo hay đế đạo, mặc dù tự xưng là hoàng đế. Vương đạo và đế đạo chỉ là huyền thoại. Đối với bọn dân đen và bọn dân man, cần ân đức giả và bá đạo thật. Ta đồng hoá chứ không khai hoá. Sách lược bình thiên hạ của thiên quốc từ xưa đã vậy. (Hất cằm ra hiệu) Lữ Phong đang đến kia, hoàng tử hãy tạm lánh đi để tôi nói chuyện với hắn.

   (Trọng Thủy ra. Lữ Phong vào)

Kính chào Lữ đại phu.

LỮ PHONG: -Tôi chỉ là một bộ chúa của Âu Lạc có phải là đại phu nào đâu.

ĐẶNG GIẢO: -Ấy, tôi cứ quen như bên thiên quốc chúng ta, các quan to của các nước chư hầu vẫn thích được gọi là đại phu như thời Xuân Thu, Chiến Quốc. Tài đức như bộ chúa thừa sức làm một đại phu bên Trung Quốc.

LỮ PHONG (hơi phật ý): -Âu Lạc là lân quốc của Nam Việt, lại ở ngoài cương vực của Trung Quốc, nên không theo diển chế, triều nghi trung nguyên. Vả, không là nước chư hầu.

ĐẶNG GIẢO: -Bộ chúa quên mình là người Hoa rồi sao?

LỮ PHONG: -Tôi từ khi đem một phần bộ tộc lánh quân Tần sang đây được Thục vương dung nạp vẫn tự coi mình là thần dân Âu Lạc, tuy vẫn nhớ là người gốc Hoa.

ĐẶNG GIẢO: -Tuy bộ chúa đã hoà vào dân phiên bang này, gặp bộ chúa tôi vẫn cảm thấy như gặp người đồng hương. Phượng ở lẫn với gà nhưng phượng cứ là phượng. (Chuyển hướng tấn công) À, tiên sinh thường có được tin bên quê cũ không? Họ Lữ còn lại bên ấy được trọng vọng lắm. Phần mộ tổ tiên, tiên sinh cậy ai coi sóc?

LỮ PHONG (thở dài, giọng bùi ngùi): -Đã lạc bước lưu vong xa hàng mấy ngàn dặm thì âu đành theo mệnh trời.

ĐẶNG GIẢO: -Rồi sẽ có ngày tiên sinh vinh qui làm lễ đại tế tạ tội với các tiền nhân ngay nơi phần mộ, lo gì.

LỮ PHONG: -Làm sao có ngày ấy được?

ĐẶNG GIẢO: -Ngày ấy có được hay không, lâu hay chóng, tùy thuộc ở tiên sinh.

LỮ PHONG: -Tôi không hiểu.

ĐẶNG GIẢO: -Một khi Âu Lạc qui phụ đại quốc, tiên sinh sẽ là đại thần của Phiên Ngung, và biết đâu chẳng phải là của Tràng An(8). Chỉ có điều là tiên sinh muốn hay không muốn đó thôi.

LỮ PHONG: -Ngài muốn tôi từ bỏ Âu Lạc chăng?

ĐẶNG GIẢO: -Nam Việt vương có điều sở cậy tiên sinh.

LỮ PHONG: -Tôi được dân nước này cưu mang, Thục vương tin yêu chưa đền đáp được trong muôn một.

ĐẶNG GIẢO: -Làm bộ chúa một bộ chẳng qua chỉ như làm một huyện lệnh bên đại quốc, tiên sinh dùng chữ tin yêu e hơi quá chăng?

LỮ PHONG: -Tôi không có tham vọng cao hơn.

ĐẶNG GIẢO: -Sự thể lúc này là nếu Thục chúa không hoà với Nam Việt vương thì bọn Cao Lỗ sẽ nghi kị tiên sinh; còn nếu Thục chúa nghe theo Triệu vương thì Phiên Ngung sẽ không để yên cho một người thuộc Hán tộc phản bội Trung Quốc mà được Thục chúa sủng ái. (Ngừng một chút thăm dò tác động của những lời vừa nói) Thật ra xu thế ngày nay là Trung Quốc chăn dắt bốn phương. Tiên sinh xem: Đông di, Bắc địch, Tây nhung đều lần lượt qui phụ rồi. Các tộc Việt ở miền nam sông Dương tử, sau khi được người Trung nguyên xâm nhập, đang đồng hoá theo người Hán. Nước Nam Việt vốn không phải thuộc trung nguyên, thế mà nay đã là một bộ phận của Trung Quốc. Nếu Nam Việt cường thịnh lên lấn át được trung nguyên thì kinh đô thiên quốc ta không phải là Tràng An mà là Phiên Ngung. Nay Nam man chỉ còn mảnh đất Âu Lạc và vài xứ cực nam nữa thôi thì thấm vào đâu. Nếu tiên sinh không thức thời thì tôi lấy làm lo cho tiên sinh và bộ tộc của tiên sinh lắm vậy.

LỮ PHONG: -Tôi đã từng là nạn nhân thôn tính của Tần Thủy hoàng.

ĐẶNG GIẢO: -Thôn tính là thôn tính ngoại tộc. Tiên sinh là người Hán kia mà. Với dân man di sự bành trướng của người Hán là một thiên ân. Họ được một tộc vĩ đại che chở, tránh được cái hoạ không bảo được nhau. Nếu tiên sinh giúp cho quá trình nhất thống thiên hạ tất yếu của thiên quốc đối với nơi ngoại vực này diễn ra êm thấm, không hao tài tổn lực, thì tiên sinh vừa có công lớn với thiên quốc, vừa được ơn to với dân Nam man. Lúc ấy biết đâu người ta chẳng để tiên sinh kế vị Thục Phán làm chủ xứ này thay mặt thiên triều chăn dắt thần dân? Như Nam Việt vương vốn là người Chân Định bên trung nguyên đó.

LỮ PHONG: -Tôi tài hèn tí mọn, chưa kịp thấu triệt những lời ngài truyền dạy. Xin để cho dịp khác được nghe thêm những lẽ cao thâm. Bây giờ tôi có việc phải đi. Xin giã biệt.

ĐẶNG GIẢO: -Bái biệt đại nhân.

                       

                          Mỗi người ra một ngả.

 

                                                                                                MÀN

 

(5)         Từ “Trung quốc” có từ đời Chu, nhưng chỉ một cương vực hẹp hơn ngày nay rất nhiều lần.

(6)         Bọn thống trị Trung quốc xưa cùng bọn có đầu óc đại Hán khinh các dân tộc xung quanh, gọi họ bằng những cái tên miệt thị: Nhung (phía tây), Địch (phía bắc), Man (phía nam), Di (phía đông –bao gốm cả bán đảo Triều Tiên).

(7)         Lấy ý câu “Phổ thiên chi hạ mạc phi vương thổ, xuất thổ chi tân mạc phi vương thần” của Sằn Doãn Vô Vũ dẫn trong Tả truyện (theo TQV).

(8)         Kinh đô nhà Hán đang thống trị nước Tàu lúc bấy giờ.

Khải Nguyên
Số lần đọc: 3045
Ngày đăng: 30.04.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Iram, Thành đô cột cao ngất -1 - Kahlil Gibran
Iram, Thành đô cột cao ngất -2 - Kahlil Gibran
Con đường máu -1 - Sâm Thương
Con đường máu -2 - Sâm Thương
Con đường máu -3 - Sâm Thương
Diễn từ của cái chết - Nguyễn Viện
La-da-rô và người yêu dấu - Kahlil Gibran
Kịch thơ Thành Taberd-1 - Bùi Chí Vinh
Kịch thơ Thành Taberd-2 - Bùi Chí Vinh
Kịch thơ Thành Taberd-3 - Bùi Chí Vinh
Cùng một tác giả
Tĩnh vật (truyện ngắn)
Sông Phố (truyện ngắn)
Vào Hang Bắt Cọp (truyện ngắn)
Mây Núi Sapa (truyện ngắn)
Không đề (truyện ngắn)
Phận (truyện ngắn)
Nợ trần (truyện ngắn)
Li hương (truyện ngắn)
Dây Mơ (truyện ngắn)
Thiên Truyện Bỏ Dở (truyện ngắn)
Giấc Mơ Bọ Ngựa (truyện ngắn)
Cái hạt (truyện ngắn)
Hoàng hôn pha lê (truyện ngắn)
Nụ Hôn Muộn (truyện ngắn)
Ông Nọi (truyện ngắn)
Truyện Khó Đặt Tên (truyện ngắn)
Lần Vết Giai Thoại (truyện ngắn)
Chim Gõ Kiến (truyện ngắn)
Tìm Dâu Thảo (truyện ngắn)