Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.188
123.217.260
 
Trước khi viết về văn hoá đọc, hãy nên đọc.
Phong Lan

(Đôi lời với Trần Sáng - tác giả bài viết Về sự hổ thẹn mang tên văn hóa đọc)

 

Bằng những thao tác mập mờ, Trần Sáng đã đánh bùn sang ao, mập mờ lồng nhận định chủ quan của mình vào làm cho mọi chuyện lẫn lộn. Văn hoá đọc gì ở đây, nếu chính người viết lại chưa đọc văn bản liên quan (tập truyện Tẩy sạch vết yêu và những tham luận)?

 

Sau khi đọc bài viết của anh Trần Sáng được đưa trên trang web Hội nhà văn Việt Nam vào hồi 04/15/2010 11:01:11 AM, thoạt đầu tôi nghĩ: kiểu bài mách qué này chỉ hơn bài đưa trên các blog một chút, không đáng quan tâm. Tuy nhiên, mang cái tên rất đao to búa lớn, bài này tiếp tục được một số trang web cá nhân, blog khác kéo về, thu hút khá nhiều sự quan tâm và comment. Điều đáng nói là sự quan tâm này khá ồn ào nhưng thiên lệch, xuất phát từ cách viết của Trần Sáng. Bên cạnh đó, khá nhiều nhà văn, nhà phê bình có mặt tại buổi toạ đàm ra mắt sách của Lê Anh Hoài cũng bất bình với bài viết của Trần Sáng, khiến tôi – một người chứng kiến đầy đủ cuộc toạ đàm và đã đọc kỹ tập sách của nhà văn Lê Anh Hoài - thấy cần phải nói lại đôi điều với những người quan tâm đến buổi ra mắt cuốn sách Tẩy sạch vết yêu này.

 

Từ trước đến nay, một người viết bình thường luôn biết cách chọn được lối diễn đạt sao cho người đọc dễ tiếp nhận ý tưởng của mình, nhưng khi đọc bài viết của Trần Sáng, tôi quả thật không thể định danh thể loại, vì thật khó xếp nó là bài phản ánh, ghi chép, nhàn đàm, phiếm đàm hay phê bình (?!). Lối viết này dường như cố ý che dấu điều gì đó khiến không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người cùng có mặt tại buổi ra mắt đều bức xúc với lối đặt vấn đề lòng vòng và cách suy diễn thiếu tôn trọng sự thật của Trần Sáng.

 

Ngay đoạn mở đầu, Trần Sáng viết: “Sau này, nếu có một tổng kết nào đó về giai đoạn đặc biệt trong tiến trình lịch sử của đất nước, mang tên “giai đoạn đổi mới” như giai đoạn hiện nay, có lẽ các nhà sử học sẽ khó có thể không nhắc đến cụm từ “tôn vinh văn hóa đọc”. Bởi đây chính là một trong những hoạt động tri thức quan trọng làm nên gương mặt của thời kỳ đổi mới. Có thể ai đó, sẽ cho là nói quá chăng? Tuy nhiên, nếu bình tĩnh nhìn vào mối liên hệ logic của tam đoạn luận: văn hóa đọc-kinh tế tri thức- công cuộc đổi mới, mới thấy nhận định trên không phải không có lí.” Và để phát triển cho luận điểm (to đùng nhưng quá dài dòng và không rõ ràng) của mình, tác giả dẫn chứng: “Tuy nhiên, bên cạnh các hoạt động tôn vinh văn hóa đọc nghiêm túc và đầy trách nhiệm tri thức như: các bàn tròn văn học, tọa đàm, hội thảo văn học, giới thiệu tác phẩm, rồi các chương trình trên truyền thông : mỗi ngày một cuốn sách v.v như đã diễn ra trong thời gian vừa qua, tiếc thay do nhiều nguyên nhân khác nhau, vẫn còn không ít những hoạt động, mặc dù về hình thức vẫn sở hữu danh xưng cao cả là tôn vinh văn hóa đọc, song nếu “đích mục sở thị” nội dung của nó, thì không hiểu bạn đọc sẽ có ý kiến gì?

 

Để ra vẻ là khách quan, Trần Sáng còn ghi (trích đoạn được rút ra từ file ghi âm buổi giới thiệu sách). Tôi cũng xin nêu, hoạ sĩ – nhà làm phim Doãn Hoàng Kiên hiện vẫn còn lưu giữ 2 cuộn băng quay (có cả hình và tiếng đầy đủ) khoảng 120 phút về sự kiện này. Nếu Trần Sáng có gì thắc mắc, có thể xem lại tài liệu đó.

 

Cần nói ngay, trích đoạn của Trần Sáng là không đầy đủ vì sau cuộc tranh luận khá gay gắt giữa nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha và nhà văn Nguyễn Văn Thọ về một chữ có mặt trong vài truyện ngắn của Lê Anh Hoài (chữ b..., một trong những từ thường được coi là tục, và thường tồn tại trong ngôn ngữ nói bình dân), Lê Anh Hoài đã lập tức đứng lên biện giải về quan niệm của mình về sử dụng từ ngữ. Theo anh, không có từ nào là không hay và không có từ nào là hay, mà chỉ có từ gì ở văn cảnh nào thì sẽ có hay/ dở khác nhau. Anh cũng đề nghị mọi người hãy đọc truyện của anh, và nêu phản biện: Chúng ta đều hướng tới cái đẹp, vậy tôi xin hỏi: chính cái từ “đẹp” đó nó có đẹp không? Nếu nó đẹp thật thì nên chăng ta cần dùng thật nhiều vào? Ở dưới có nhiều tiếng cười, tiếng trả lời: Thế thì phản cảm lắm! Kinh lắm... Chính động tác này của nhà văn Lê Anh Hoài đã làm cuộc tranh luận (sa vào tiểu tiết và một vài vấn đề chẳng liên quan gì đến văn chương) của nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha và nhà văn Nguyễn Văn Thọ chấm dứt.

 

Tại sao Trần Sáng cố tình cắt xén như vậy? Hơn nữa, một cuộc toạ đàm có ý kiến nhiều chiều như thế, cá nhân tôi cho đó là lành mạnh, dù sao cũng hơn nhiều cuộc hội thảo, toạ đàm khác với những người đọc tham luận đều đều, và chẳng ai thèm để ý đến ý kiến người khác chứ chưa nói là tranh luận!

Cuộc toạ đàm về tập Tẩy sạch vết yêu kéo dài trên 2 tiếng đồng hồ, có sự góp mặt của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo và một số họa sỹ. Có thể tham khảo thêm bài tường thuật trên trang evan được nhiều trang khác dẫn lại (http://www.baomoi.com/Info/Le-Anh-Hoai-nghich-ngom-khi-Tay-sach-vet-yeu/152/4107029.epi). Trong đó, hơn 10 người có ý kiến nghiêm túc nhận xét về tác phẩm như nhà thơ - nhà phê bình Nguyễn Hoàng Sơn, nhà phê bình Văn Giá, nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan, nhà văn Nguyễn Đức Hùng (Hùng Đà Linh), nhà văn Lê Hoài Nam, nhà văn Đặng Thân, họa sỹ Lê Nguyên Mạnh… cùng với 7 bản tham luận trong đó có bài của nhà thơ - nhà phê bình Inrasara, nhà phê bình Trần Thiện Khanh, nhà văn Trần Thị Trường, nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế... được ban tổ chức in cho khách tới tham dự tự do sử dụng. Tại sao Trần Sáng lại cắt xén, “tường thuật” khoảng 7 phút trong cuộc để phục vụ cho một nhận định phiến diện, cố tình gây cho người đọc không có mặt tại đó sự hiểu lầm về một buổi sinh hoạt văn chương? Theo cách của Trần Sáng thì khách mời hôm đó đều là những nhân vật gây ra sự “băn khoăn về văn hóa tranh luận, ứng xử, trong các sinh hoạt tri thức cụ thể như trên. Bởi bên cạnh những buổi sinh hoạt văn học đầy tính học thuật, thực sự là điểm tựa cho các ý tưởng sáng tạo, thì vẫn tồn tại những buổi tọa đàm mang màu sắc trưởng giả, ngập tràn Champagne và những lời xưng tụng kệch cỡm, cho những văn bản cận văn học, hoặc là ở một diễn biến khác là sự dung tục, quá khích” (trích bài viết của Trần Sáng) hay sao???

 

Bằng những thao tác mập mờ, Trần Sáng đã đánh bùn sang ao, mập mờ lồng nhận định chủ quan của mình vào làm cho mọi chuyện lẫn lộn. Văn hoá đọc gì ở đây, nếu chính người viết lại chưa đọc văn bản liên quan (tập truyện và những tham luận)? Một số nhà phê bình, nhà văn có mặt tại buổi toạ đàm, sau khi đọc bài của Trần Sáng, rất bất bình nêu ý kiến: Phải chăng Trần Sáng định ám chỉ họ đã “xưng tụng kệch cỡm” Lê Anh Hoài? Còn nếu Trần Sáng định nói riêng chuyện văn hóa ứng xử (của hai vị đã được trích dẫn), thì tại sao lại không đặt nó đúng mức trong toàn cảnh, tại sao không nói thẳng vào vấn đề  mà lại đưa ra một diễn biến cắt xén ở buổi hội thảo này, để rồi chụp cho nó những cái mũ rất to và ghê gớm?!

 

Ngoài ra, trong bài viết, Trần Sáng có nhắc đến khái niệm “văn bản cận văn học", đây thực sự là một chủ đề rất lớn, hiện tồn tại rất nhiều quan điểm và chưa ai dám nói mình đã sở hữu chân lý. Trần Sáng đã hiểu rõ đâu là “văn học” và đâu là “cận văn học” rồi sao? Và chỉ việc đem tiêu chí đó ra mà soi vào bất cứ văn bản nào là biết ngay chăng? Trần Sáng có thể nói rõ ra, mình hiểu được những gì về văn học/ cận văn học không? Đang nói về cuộc ra mắt sách của Lê Anh Hoài, vậy Trần Sáng muốn nói đến tác phẩm của Lê Anh Hoài chăng (toàn bộ tập sách, hay tác phẩm nào trong 19 truyện ngắn), hay định ám chỉ một tác giả khác nào nữa? Truyện Kiều của Nguyễn Du khi mới ra đời cũng bị giới trưởng giả phê là dâm thư đấy. Vậy đó là văn bản cận văn học chăng?

 

Trần Sáng còn cao giọng: người nông dân “với vốn từ chỉ có khoảng 2500 từ, thì họ phải hồn nhiên, “chiến đấu với vũ khí hiện có”, nhưng nhà văn, nhà thơ, những người được trời cho sự nhạy cảm ngôn ngữ, với tài nguyên từ vựng giàu có của mình mà cũng hồn nhiên như bác nông dân nọ, thì quả là cũng cần phải bàn lại.” Ai hồn nhiên? Cái cốt lõi, cái hay của văn chương là ở việc viết nhiều từ ra chăng? Hồ Xuân Hương có cần khoe chữ đâu? Và không lẽ nhà văn biết nhiều từ hơn có nghĩa là không được dùng từ mà nông dân dùng, vì nếu thế sẽ là những kẻ “vô văn hóa”? Khá nhiều câu hỏi có thể đặt ra cho sự lập luận hồn nhiên này của Trần Sáng. Trong khuôn khổ một bài khác, tôi sẵn lòng tiếp chuyện anh, thưa anh Trần Sáng. 

 

Sau khi đọc bài viết của Trần Sáng, trừ những người hồ đồ, cạn nghĩ, còn người được gọi là biết chữ có thể đọc ngay được ý đồ quy chụp không đàng hoàng của tác giả. Còn người trong nghề thì nhận thấy ngay sự non kém, thiếu tính chuyên môn của bài viết. Qua đây, tôi cũng muốn gửi tới anh Trần Sáng đôi lời rằng: Trước khi đặt bút viết về bất cứ vấn đề gì, lĩnh vực nào, hãy tự trang bị cho mình lượng kiến thức toàn diện và đầy đủ, cũng như hãy tìm hiểu kỹ những gì mình đề cập đến./.

Phong Lan
Số lần đọc: 1827
Ngày đăng: 01.05.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một mảnh rời - Chân Phương
Những điều giản di - Bùi Công Thuấn
Phản-sến, và… như là thông điệp phi thông điệp - Inrasara
Bao nhiêu là trăn trở chưa thể lý giải được… - Từ Sơn
Lâm Anh, dòng thơ của kẻ bị lưu đày (*) - Nguyễn Lệ Uyên
Những hồi ức buồn - Khuất Đẩu
Võ Văn Trực với những câu thơ cháy đến tận cùng buồn vui - Thái Doãn Hiểu
Một bài thơ ứa máu - Phan Bá Ất
Thăm thẳm cõi người - Phan Văn Tường
Truyện Nguyễn Văn Ninh: bi kịch mới bắt đầu... - Trần Thị Ngọc Lan