Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.219.783
 
Chiếc Radio cũ
Nguyễn Đức Tùng

Nếu có người hỏi: tuổi thơ của tôi có hạnh phúc không? Tôi không biết trả lời ra sao.

Mỗi lúc câu trả lời một khác. Tôi phân vân giữa có và không, nghi ngại giữa hòa bình và chiến tranh. Tháng tư năm 1975, tôi về làng, nhà cũ không còn, trơ nền gạch và những đống đổ nát. Tôi cầm lên một tấm tôn lợp nhà. Nhớ lại: nhà trên của cha mẹ tôi lợp ngói, nhà dưới nửa tranh nửa ngói, chuồng heo lợp tôn. Tấm tôn cũ lợp chuồng heo còn nguyên hình dạng. Tôi đếm có bốn mươi sáu vết đạn hoặc bom bi. Vườn cỏ cao ngút đầu. Đêm tôi mắc võng nằm giữa hai cây khế còn sót lại bên thềm, tiếng dế nỉ non không ngủ được. Bỗng nhớ ra một chuyện. Hôm sau tôi lần mò xuống căn hầm trú ẩn mà từ dạo Mậu thân, cha tôi cho đào để tránh đạn, nằm cuối sân, giữa nhà dưới và giếng nước. Tôi dùng đèn pin soi kỹ, lạ thay không thấy rắn rết hoặc mạng nhện ẩm mốc như tôi tưởng. Trong một góc hầm gần lỗ thông hơi, tôi tìm lại được chiếc radio (máy thu thanh) cũ của cha tôi, gói trong chiếc áo mưa quấn chặt, nằm thu mình sau mấy viên gạch. Tôi giấu ở đó ba năm về trước.

Đó là chiếc radio loại Phillips thế hệ xưa, hai băng tần, cha tôi đêm đêm thường đặt bên gối vặn nhỏ lắng nghe. Trong nhà chỉ mình tôi được ngủ với ông ở phòng riêng, nên từ nhỏ đã cùng nghe các chương trình phát thanh đặc biệt về khuya. Ba năm từ khi chúng tôi bỏ nhà ra đi trong “mùa hè đỏ lửa”: chiếc radio cũ rỉ sét; tôi lau nó thật sạch, ra chợ tìm mua hai cục pin hiệu Con Ó lắp vào. Chiếc radio, bọc bằng lớp da nâu, còn khá tốt. Khó khăn lắm mới kéo được cần ăng-ten lên. Không nghe được gì. Tôi loay hoay mở máy, tìm cách sửa chữa, nó nói lại được.

Đêm mùa hè trời đầy sao, xóm làng thưa thớt. Ngoài đường một vài thanh niên du kích mang súng AK đi đi lại lại. Bao nhiêu năm chết chóc, hòa bình lẽ ra là một ngày hội, mọi người ôm nhau mừng tủi, thế mà không khí lại lo âu, cảnh giác. Quân nhân và viên chức miền Nam lần lượt về làng trình diện chính quyền mới, người nào vẻ mặt cũng nhợt nhạt. Nơi tôi nằm mắc võng giữa hai cây khế trước đây là nơi nhà tôi kê một tấm phản lớn, dọn cơm trưa khi trời nóng. Mùa hè năm 1972, ba người giúp việc đồng áng của mẹ tôi ngồi ăn trưa, cùng với một người khách đặc biệt. Tôi nhớ bữa cơm có cá khô, mẹ tôi để dành trong chiếc hũ sành lớn, phòng khi lũ lụt, cà pháo dầm nước mắm nhỉ và ớt xanh cay xé lưỡi, ruốc và canh bí ngô. Đó là ngày thứ ba sau khi tướng Vũ Văn Giai vô cớ đùng đùng rút quân bỏ chạy, để ngỏ Gio Linh, Đông Hà, căn cứ quân sự Ái Tử, để mặc thị xã Quảng Trị trống trơ. Quân xa GMC lao xuống bờ sông Thạch Hãn, lính bơi qua sông, để máy xe nổ ình ình trong nước, dầu và khói loang mặt sông. Sai lầm của viên tướng này đã được trả giá bằng sự tiêu hủy một thành phố, một tỉnh, hàng chục ngàn người chết của cả hai bên, trong cuộc tái chiếm của Thủy quân lục chiến. Đó là bài học quân sự đích đáng về sự rút lui không có tấm chắn bảo vệ mà giới tướng lãnh miền Nam chưa bao giờ học đến nơi đến chốn; vì vậy về sau nó được lập lại y như thế vào năm 1975, ở mức độ vô lý hơn, bi thảm hơn, như vụ triệt thoái Tây Nguyên hỗn loạn hay vụ nướng quân trên bãi biển Thuận An bốn bề trống trải, để mặc hàng ngàn lính đứng chờ những chiếc tàu không đến, hiển nhiên hứng đạn của Bắc quân từ trên các đỉnh cao rót xuống, nhiều tuần sau thây còn tấp vào bờ.

Bốn ngày sau cuộc rút quân vừa nói, du kích từ rừng mới về, mỗi xóm lưa thưa một người, bảy ngày sau đó nữa bộ đội chủ lực từ ngoài Bắc mới vào. Một người em họ của mẹ tôi, cán bộ dân vận, đến nhà khuyên mẹ tôi kêu gọi các con trở về, nói rằng chính quyền mới sẽ được thành lập ở địa phương trong vài ngày. Sau đó ông bỏ đi, chẳng thấy quay lại. Trong mười một ngày người dân không có chính quyền, chạy ngược chạy xuôi. Có vài cảnh đi hôi của, nhưng tình hình ở thị xã khá trật tự, không có cướp bóc. Kẻ đi, người ở. Trước đó, tôi vào Huế ở chỗ chị tôi vài hôm rồi nhớ nhà quá, nhảy xe đò, trốn về quê. Ai cũng tin là chiến sự rồi sẽ qua, quân Nam sẽ tái chiếm các vùng họ vừa bỏ lại, như trước đây họ vẫn làm thế.

Người khách của nhà tôi là một người bộ đội không có súng, một tù binh đặc biệt. Trước đó, một đơn vị quân chủ lực từ miền Bắc, hình như thuộc đơn vị tiền phương, đi trước quá sâu về đồng bằng, vượt qua đường tàu là ranh giới quy ước từ lâu giữa hai vùng kiểm soát, đụng trận với một đơn vị bộ binh của quân Nam phục kích sẵn bên đường tàu, tổn thất nặng, một số kịp thời rút lui, một số chạy dạt vào vùng dân cư. Anh bộ đội này bị bắt làm tù binh, bị tước súng, trói hai tay để chờ giải đi. Và lúc đó thì có lệnh di tản đột ngột; những người lính trước khi rút, thả anh ra để mặc anh muốn đi đâu thì đi. Anh chạy lạc vào ruộng bắp của mẹ tôi, gần bờ sông. Anh nói giọng Bắc, da trắng trẻo, điệu bộ lễ phép, hiền lành nhưng mặt mày ngơ ngác như trẻ con. Hỏi gì cũng nhắc đến “thượng úy” là cấp trên của anh. Anh mười sáu tuổi, thật ra chưa đủ tuổi vào lính. Anh kể trong đơn vị anh rất nhiều người cũng bằng tuổi ấy mà thôi. Như thế là nhân lực cả hai miền đã ném hết vào chiến tranh. Vào thời gian hốt hoảng ấy cũng không ai chú ý nhiều đến vị khách đặc biệt. Đó là bữa ăn cuối cùng của gia đình tôi trước khi theo đoàn người rời quê hẳn, về phương Nam. Buổi trưa , lúc tôi và mẹ tôi đang đứng dưới gốc mít cuối vườn, rất xa căn nhà, trong mùi mít mật thơm lừng của mùa màng sai quả, mẹ tôi ra đi mà tiếc đứt ruột, thì một tiếng nổ lớn làm tôi ngã lăn ra. Một quả đạn đại bác đi lạc nổ tung giữa mâm cơm có bốn người đang ngồi ăn.

Tôi nằm đưa võng, đặt chiếc máy radio dưới đất, đưa tay rà đi rà lại các băng tần. Tôi nhớ cha tôi thích nghe ngâm thơ. Mỗi tuần vài lần, đêm khuya khoắt, chương trình Tao Đàn của Đinh Hùng, Hồ Điệp ngâm thơ với tiếng sáo Tô Kiều Ngân, rồi đôi khi một lát sau đó chương trình Tiếng Thơ của đài phát thanh Hà Nội với giọng ngâm Trần Thị Tuyết. Nhưng ông theo dõi kỹ nhất là tình hình thời sự trên đài BBC, thỉnh thoảng cũng nghe tin tức của các đài VOA, Tiếng Nói Việt Nam (Hà nội), Gươm Thiêng Ái Quốc và một đài nói tiếng Pháp, họ nói nhanh quá, tôi nghe không kịp. Cha tôi có vẻ tin tưởng về sự xác thực và kịp thời của BBC hơn cả. Chính đài phát thanh này từ nước Anh xa xôi đã mang lại cho ông niềm tin trong những ngày tan rã, niềm hy vọng vào một nền hòa bình trên đất nước chiến tranh. Ông lắng nghe tin chiến sự từ khắp miền đất nước, trận Thượng Đức, trận Đồng Xoài, trận Khe Sanh, trận Hạ Lào. Ông không bao giờ khóc như mẹ tôi mỗi khi nhắc đến các con các cháu, nhưng tôi đoán ngày nào ông cũng theo dõi một phần vì nhớ chúng. Tháng mười một năm 1963, khi tôi đang ngồi trên đùi, ông bỗng đứng bật dậy làm tôi suýt ngã lăn xuống đất, khi nghe tin “Hội đồng Quân nhân Cách mạng” của tướng Dương Văn Minh đảo chánh tổng thống Ngô Đình Diệm. Sau này xa nhà, ông dùng một cái máy khác nhỏ hơn nhưng vẫn giữ thói quen nghe chương trình phát thanh đêm khuya. Hiệp định Paris, vui mừng khôn xiết, ông dán tai vào máy, tưởng như nghe được tiếng bút máy ký rào rào trên mặt giấy của Henry Kissinger, tưởng nghe được tiếng giày của Lê Đức Thọ vang lên trên mặt đường Paris. Tính tình vốn điềm đạm, ít nói, cha tôi bỗng vui như trẻ con, cười nói suốt ngày, nghẹt thở vì hòa bình, với tin tức lan ra nhanh trên làn sóng vô tuyến.

Tôi nằm một mình trong đêm im lặng, vặn máy nhỏ, lắng nghe các chương trình phát thanh. Tin đoàn quân Khơ-me đỏ tiến vào Nam Vang trong cảnh hỗn loạn, lo âu, tin tức lẫn lộn về Sài Gòn, vùng bốn. Tôi nằm nhớ lại những ngày còn nhỏ ngồi trên đùi cha tôi, nhớ nỗi niềm khắc khoải của một người đàn ông, niềm mơ ước thanh bình cháy bỏng khát khao của người dân hai miền Nam, Bắc. Tôi nhớ lại những điều người ta hứa hẹn ở nơi nào xa lắm, ở New York, Paris, ở Sài Gòn, Hà Nội. Lời hứa của Đức Giáo hoàng, lời cầu nguyện của Đức Tăng thống. Tôi nghĩ đến bài thuyết pháp về hoà bình cuối cùng của thấy Thích Đôn Hậu khi về thăm làng cũ, lúc tôi còn nhỏ xíu. Tôi nhìn thấy những ánh mắt van lơn cầu khẩn hướng về những người đứng đầu các chính phủ, mong cho con cái của họ được trở về nhà bình an. Tôi nhận ra mình đang nằm ở chỗ cha tôi thường nằm, nghe lại đài phát thanh mà ông đã từng nghe hàng chục năm. Những làn sóng vô tuyến vô hình nhảy múa trong không trung, qua bao nhiêu gió bão, xuyên từ biển này đến biển khác, qua sa mạc, lục địa, vẫn rõ ràng rành rọt truyền đi tiếng nói của một con người, của những con người. Đêm sâu, trời lạnh, sương xuống, tôi ôm chiếc radio vào lòng, ủ nó trong chăn như một đứa trẻ.

Tôi nhớ lúc cha tôi mới mua chiếc máy này về nhà, ông mở lớn để nghe rồi bỏ đi đâu đó suốt cả buổi tối. Mẹ tôi suốt đời không đụng đến máy móc, muốn tắt nó vì đêm đã khuya, nhưng không biết làm sao để tắt, bà đành giấu nó vào trong chăn quấn lại nhiều vòng, đem nhét ở đầu giường, cẩn thận chồng thêm mấy lớp gối. Nó im lặng. Thế mà khi mở chăn ra, bà lại nghe nó tiếp tục nói, kiên nhẫn, thánh thót, như niềm hy vọng mơ hồ tưởng đã tan đi nhưng vẫn trở lại, như dưới lớp gạch đá khô cằn, tiếng dế còn vang lừng đêm trăng, nhắc kẻ ly hương quay về cố quận./.

Nguyễn Đức Tùng
Số lần đọc: 3478
Ngày đăng: 02.05.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chùm truyện ngắn : Xạo /Con mèo - Huỳnh Văn Úc
Trái tim chết - Nguyễn Văn Thịnh
Tình Yêu Vô Tận - Âu thị Phục An
Bản tin giờ thứ 25 - Trần Trung Sáng
Yêu anh như yêu màu nắng… - Dạ Quỳnh
Làng ma - Trọng Huân
Người đập tường đá - Khôi Vũ
Người đàn bà & bầy chim sẻ - Minh Nguyễn
Thời mất ngủ - Trần Quang Vinh
Hai Truyện ngắn mini - Nguyễn Đình Phư
Cùng một tác giả
tạp bút 2 (tạp văn)
Chiếc Radio cũ (truyện ngắn)
Con mèo của Takashi (truyện ngắn)
Cây Sài Gòn (tạp văn)
Nồi Bánh Tét (truyện ngắn)
Trái tim (truyện ngắn)
Cô dâu (truyện ngắn)
Trưa Hoàng lan (truyện ngắn)
Mao ở Vũ Hán (truyện ngắn)
Xập xòe én liệng (truyện ngắn)
Câu thơ lục bát (tiểu luận)
Halloween (tạp văn)
Đêm Ukraine (điểm sách)