Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.210.813
 
Mùa thu không trở lại
Trần Áng Sơn

Có một nhà văn rất thích chơi bóng bàn, ông là một cao thủ trong giới cầm bút (trước năm 1975 ở Sài Gòn, báo Đông Phương thường tổ chức giải bóng bàn cho giới ký giả nhưng có nhiều ký giả cầm bút ít hơn cầm vợt cho nên giải chỉ có giá trị tượng trưng). Một hôm nhà văn đem con trai đến câu lạc bộ Hội Văn nghệ chơi, thằng bé nhìn thấy một người, nó buột miệng gọi: Ba ơi, ông này sao gióng cái đầu lân quá. Có lẽ nhà văn hết sức bối rồi vì ông biết con trài mình nói đến ai. Riêng tôi vô cùng thích thú trước nhận xét của cậu bé, nếu cậu nối nghiệp cha tôi tin cậu sẽ là kẻ kế thừa xứng đáng. “Cái đầu lân” mà cậu bé nhận xét chính là nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, ông có mái tóc bù xù kiểu Michael Jackson, hàm râu quai nón rậm rạp, xồm xoàm đen nhánh, mắt hơi lồi, mũi to quả có giống đầu lân thật. Thoạt nhìn Phạm Trọng Cầu có vẻ dữ tợn nhưng thật ra tính ông hiền khô, hóm hỉnh và có phần dịu dàng, đặc biệt là rất mơ mộng. Sau này giao tiếp nhiều với Phạm Trọng Cầu, được ông kể chuyện những năm tháng ở bên Pháp, nhất là chuyện về trường Mỹ thuật của Pháp, nơi các sinh viên đặt ra những nghi lễ kỳ lạ ép buộc sinh viên mới nhập môn phải tuân theo thật ly kỳ nhưng không tiện ghi ra đây. Qua những câu chuyện kể Phạm Trọng Cầu chứng tỏ mình là một người kể chuyện lôi cuốn, có duyên, hồn nhiên, điều này giúp tôi hiểu vì sao hai mươi năm qua Phạm Trọng Cầu gắn bó với các thế hệ thiếu nhi, đào tạo cho các em thành những dàn hợp ca. Một số trong các em đến tuổi trưởng thành đã bước lên hàng ca sĩ nòng cốt trong phong trào nhạc trẻ sôi động trong những năm qua.

 

Phạm Trọng Cầu sáng tác rất khỏe, rất đều, không hụt hơi. Số ca khúc do ông viết phải lên đến con số trăm. Nhưng từ PHẠM TRỌNG đến Phạm Trọng Cầu có đôi chút khác biệt, từ lãng mạn thuần túy sang lãng mạn cách mạng. Đó là một khoảng cách hay là một gạch nối – cũng thế, được đánh dấu bằng ca khúc “Mùa thu không trở lại”. Ca khúc này những năm 70, 60 tôi đã nghe nhiều lần và chỉ biết tác giả là Phạm Trọng. Mới đây trong cuốn băng “Những tình khúc vượt thời gian” tôi nghe Phạm Trọng Cầu kể lại trường hợp nào ông sáng tác “Mùa thu không trở lại”, vẫn là chuyện tình, những chuyện tình không bao giờ dứt, không bao giờ cũ, nó luôn làm người ta thổn thức dù ở bất cứ độ tuổi nào. Nhất là khi Phạm Trọng Cầu không còn nữa, vậy mà tôi vẫn thấy ông cười nói với ca sĩ Ánh Tuyết, kể lại chuyện tình của mình với giọng bùi ngùi, xao xuyến…

 

Về ca khúc “Mùa thu không trở lại”, hơn ba mươi năm qua, tôi nghe ba người hát. Đầu tiên là Thái Thanh, vào những năm 60. Với chất giọng thiên phú, người được phong là tiếng hát vượt thời gian đã đẩy “Mùa thu không trở lại” lên tận cùng trăng sao, nghe Thái Thanh hát ca khúc này tôi cảm thấy rung động đến tận cùng chân tơ kẻ tóc. Tình yêu là tặng phẩm trác tuyệt của Thượng đế trao tặng cho con người. Người thứ hai hát “Mùa thu không trở lại” là Mai Hương, đây là giọng ca riêng biệt, sang cả, tinh khôi. Mai Hương hát “Mùa thu không trở lại” như hát thánh ca, người ta mở rộng tâm hồn, mở rộng trái tim để yêu, để bất tử. Người thứ ba hát thành công “Mùa thu không trở lại” là Ánh Tuyết, chỉ thuần túy về giọng ca thì Ánh Tuyết ở giữa Thái Thanh và Mai Hương. Nhắm mắt lại nghe Ánh Tuyết hát tôi có cảm giác nghe trio ba giọng cả Thái Thanh – Mai Hương – Ánh Tuyết, nghe hát như thế cũng đủ lãng quên đời.

 

Trong mấy mươi năm sống và sáng tác, với ca khúc “Mùa thu không trở lại” đủ để Phạm Trọng Cầu đặt một chân vào thánh đường âm nhạc, trở thành một trong những vị thánh trong thánh đường. Với “Mùa thu không trở lại”, với ba ca sĩ Thái Thanh, Mai Hương, Ánh Tuyết rao giảng tình yêu dùm ông, Phạm Trọng Cầu có thể thảnh thơi “say good bye” cái thế giới phiền hà lắm chuyện này./.

Trần Áng Sơn
Số lần đọc: 2475
Ngày đăng: 03.05.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một Thoáng về “chữ ăn” - Lâm Bích Thủy
Nỗi ám ảnh của tên hề mất trí - Lê Huỳnh Lâm
Thư ngỏ gửi Tổng Giám đốc BBC - Đinh Kim Phúc
Thư gửi bạn hiền - Vũ Quốc Hùng
Vĩnh Biệt Nhà Văn Trần Bình Dương – Người Tôi Không Quen - Phạm Ngọc Hiền
Suy nghĩ về câu tục ngữ: cha mẹ sinh con Trời sinh tánh… - Mang Viên Long
Tháng tư về - Nguyễn Thị Hậu
Tượng đài - Trần Quang Vinh
Lãng du trong văn học Nhật Bản - Lương Văn Hồng
Vui buồn với Trịnh - Bửu Ý
Cùng một tác giả