Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.092
123.232.540
 
Thượng Tân Thị (1879-1966), giai tế đất Vĩnh Long
Lê Tương Ứng

Thi sĩ Thượng Tân Thị tên thật là Phan Quốc Quang. Ông sinh ngày 16 tháng 7 năm 1879 tại làng Lại Nông, gần kinh thành Huế, năm Tự Đức thứ 32.

 

Thân mẫu là Tôn nữ Nguyễn Thị Xuân. Ông được gia đình nuông chiều từ bé, nhưng điều đó không gây ảnh hưởng xấu đến tâm tánh và đường học vấn của ông.

 

Văn tài sớm có, nhưng năm 21 tuổi đi thi Hương bị hỏng vì phạm trường quy kỳ văn sách. Rồi thêm nỗi buồn mất mẹ, ông bỏ xứ vào Nam, bôn tẩu nhiều nơi, có dịp kết bạn văn thơ với người đồng thanh khí.

 

Biệt tự Hương Thanh của ông ít được nhắc đến; còn biệt hiệu Hoài Nam Tử nhất là hiệu Thượng Tân Thị thì báo giới và thi gia Nam, Trung, Bắc đều có lòng mến mộ.

 

Theo lời mẹ dặn, ông đến Vĩnh Long tìm được người dì thứ sáu, định cư tại Cái Muối (xã Bình Hòa Phước, tỉnh Vĩnh Long) và được dì lo cho việc hôn nhân. Bạn đời của ông là bà Trương Thị Phòng, người hiền thục tại địa phương, sanh năm Nhâm Ngọ 1882, sống với ông đến năm Ất Vị 1955, sanh được 7 người con. Kiến thức của bà cũng rất đáng kể, vì từng chịu khó lên tận Sài Gòn trọ học. Duyên nợ Trung - Nam quả là “Loan phụng hòa minh, Sắt cầm hảo hiệp”!

 

Sống gắn bó với Vĩnh Long, ông được Đốc học Lê Minh Thiệp mến tài tiến dẫn dạy chữ Nho ở các trường Chợ Lách, Nhơn Phú rồi trường Ba Kè quận Tam Bình là nơi hai ông bà lập nghiệp lâu dài. Ông cũng có dịp dạy tại trường Trung học tư thục Bassac ở Cần Thơ một thời gian ngắn. Giáo sư Trần Văn Khê và vài người khác còn nhắc đến “những chữ Thánh Hiền” ông đã

truyền cho...

 

Từ năm 1949 ông rời Tam Bình về thị xã Vĩnh Long an hưởng tuổi già nơi nhà người trưởng nữ là bà Phan Thị Cầu cho đến khi qua đời năm Bính Ngọ (1966) hưởng thọ 88 tuổi. Khi ông bịnh nặng, người con trai (thứ tư) làm bác sĩ ở Sài Gòn về đưa lên bịnh viện nhờ các đồng nghiệp tận tâm chữa trị, nhưng không sao thắng được lẽ vô thường của người cao tuổi! Ông thanh thản ra đi, được an táng tại Sài Gòn, giữa sự mến tiếc của thân nhân và bè bạn văn thơ.

 

Báo chí Sài Gòn bấy giờ có đăng bài tưởng niệm ông. Dưới đây là vài đoạn trích trong tờ Đuốc nhà Nam:

 

“Ngày 22 tháng 8 năm 1966: Thi hào Phan Quốc Quang đã vĩnh viễn từ giã cõi đời, để lại một nỗi tiếc thương vô bờ bến trong làng thi nước Việt (...) Thi hào đất Nam Trung còn đâu nữa!

Văn giới chịu tang!

...

 

Thi hào Phan Quốc Quang trước hết là một nhà ái quốc (...)

 

Tác phẩm của tiên sinh

gồm có:

 

- Thập thủ liên hoàn Khuê phụ thán

- Văn tế Tổ quốc

- Văn tế Hai Bà Trưng

- Và nhiều đối liễn khác

 

Thơ của tiên sinh rất là thâm thúy, cảm động, chứa chan tình ái quốc.

 

Tiên sinh nổi danh nhất nhờ ở mười bài Khuê phụ thán...

 

Thập thủ liên hoàn Khuê phụ thán được sáng tác tại Ba Kè tháng 3 năm 1919. Ông mượn tâm sự và thay lời bà Nguyễn Hoàng Phi, thứ phi của vua Thành Thái và là Mẫu Hậu của vua Duy Tân, để nói lên tâm trạng thương nhà nhớ nước, đau xót niềm đau dân tộc, khi vua Thành Thái và vua Duy Tân bị đày sang đảo Réunion, (Phi Châu) năm 1907 và năm 1910. Qua mười bài này ông đã khéo diễn tả:

 

Nỗi buồn một gia đình ly tán:

 

“Chồng hỡi chồng! Con hỡi con!

Cùng nhau chia cách mấy năm tròn

Ven trời góc bể buồn chim cá

Dạn gió dày sương tủi nước non”

 

Lòng hận non sông bị chiếm:

 

“Hỡi chồng có thấu nỗi này chăng?

Sóng gió khi không dậy đất bằng.

Non nước chia hai trời lộng lộng

Cha con riêng một biển giăng giăng”

 

Tâm trạng xót xa khó xử của người thất thế:

 

“Cang thường gánh nặng cả hai vai

Biết tỏ cùng ai, ai hỡi ai!

Để bụng chỉ e tằm đứt ruột

Hở môi thì sợ vách nghiêng tai”.

 

Điểm nổi bật nhất là sau khi Khuê phụ thán ra đời, thi gia Nam, Trung, Bắc sôi nổi, kẻ xướng người họa, tạo nên một luồng sinh khí mới trong cả nước.

 

Mười năm sau, năm 1929, thi sĩ Tố Phang, người Bạc Liêu cũng có “Thay lời vua Thành Thái họa lại mười bài Khuê phụ thán của Thượng Tân Thị” (xem Thành ngữ Điển tích, Diên Hương, in lần 3, trang 182 - 185).

 

Tuy không sánh bằng ông Thoại Ngọc Hầu (lấy bà Châu Thị Tế) người con rể đất Cù lao Giài, Vũng Liêm, Vĩnh Long, Thượng Tân Thị Phan Quốc Quang cũng xứng đáng là rể hiền đất Vĩnh vì có công trong việc giáo dục ở địa phương, lại có tài danh trong thi văn giới góp thêm phần vinh dự cho tỉnh nhà. Phần đóng góp trực tiếp cho quê vợ đáng kể là bản dịch bài ký khắc trong bia đá rất có giá trị, dựng uy nghi tại Văn Thánh Miếu Vĩnh Long từ 1966 đến nay. Nhờ có bản dịch này, đăng trong Đại Việt Tạp chí của Hồ Biểu Chánh (số 5 ngày 1 tháng 12 năm 1942), người sau và du khách đến Vĩnh Long có thể biết được việc xây dựng Văn Thánh Miếu cũng như lịch sử văn học và giáo dục tỉnh nhà thời xưa.

 

Ông từng cộng tác với các báo: Đuốc nhà Nam, Đại Việt tạp chí, Nam Kỳ tuần báo... và là bạn thanh khí của các ông Trần Chánh Chiếu, Đặng Thúc Liêng, Hồ Biểu Chánh, Diệp Văn Kỳ. Bản thân ông là một tấm gương sống cho con cháu và hàng xóm. Cách xử sự rất ôn hòa, dạy con cháu bằng tình cảm đậm đà chớ không nghiêm khắc như phần nhiều các cụ nho khác. Ông sống giản dị, điều độ, không uống rượu, chỉ dùng trà với thuốc lào một cách chừng mực; nhờ thế mà tuổi thọ được cao.

 

Các con trai ông, có người từng phục vụ trong Tiểu đoàn 307 rồi sang ngành Tư pháp trước khi về hưu; có người công tác trong UBND...

 

Di cảo không nhiều. Ông chỉ để lại một vài bài thơ, thể song thất lục bát, có thể phân làm hai loại rõ rệt:

 

- Loại hoài cổ: Cụ Lương Khê, Lũy Thầy.

- Loại thời sự 1945 - 1950: Ô-bít thụt, Tết năm Kỷ Sửu 1950.

 

Trong bài sau cùng, ông nêu cao thành tích của dân quân Tam Bình qua mấy câu trích:

 

“... Chắc là bỏ cái Tết này

Chờ ngày độc lập vui vầyTết sau

Trong quân đội ai đâu giỏi quá

Súng F.M. bắn hạ máy bay

Trên cao rớt xuống loay quay...”

 

Bài này tập hợp tư liệu riêng và những gì còn giữ và biết được của chị Duy Châu Nguyễn Thị Trinh, cháu ngoại của Thi sĩ Thượng Tân Thị. Hy vọng có nhiều dịp bổ sung, đính chánh trong tương lai .

 

Văn Thánh Miếu Vĩnh Long,

ngày 20-8-2004

Lê Tương Ứng
Số lần đọc: 3200
Ngày đăng: 29.11.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Làng Vĩnh Hòa Đông : - Nguyễn Thị Diệp Mai
Danh nhân văn hóa – lịch sử : Trương Vĩnh Ký - Khuyết danh
Tháp cổ Bình Thạnh (Trảng Bàng - Tây Ninh) - Khuyết danh
Nhà công tử Bạc Liêu - Khuyết danh
Văn Thánh miếu Vĩnh Long - Khuyết danh
Trào lưu di dân Nam tiến - Khuyết danh
Giới thiệu lịch sử Việt Nam - Khuyết danh
Hoạt động của Nguyễn An Ninh ở Trà Vinh - Châu Xuân Thiện