Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.152
123.225.205
 
Chính trị, kích thước cơ bản của con người
Phan Huy Đường

Mục đích đầu tiên của người làm chính trị là nắm chính quyền. Quyền lực là nội dung cơ bản của chính trị. Do đó người làm chính trị bàn về chính trị, hiếm. Ngược lại, người bàn về chính trị ít khi thành công trong chính trường. Có nhiều người đã từng nắm chính quyền. Chẳng mấy ai để lại thanh danh. Nhưng cũng có người được tưởng nhớ hàng thế kỷ sau khi họ mất. Tại sao ?

 

Ngày nay bàn về chính trị, quả là khờ. Trên thị trường quốc tế, đó là món hàng ế ẩm vào bậc nhất. Tuy vậy, thỉnh thoảng nên biết ngây thơ. Ðể thấy điều mới lạ trong hiện thực, để thấy điều hiển nhiên vùi lấp dưới thành kiến. Hơn thế, xưa nay, chỉ có chính trị mới giải quyết được những khủng hoảng của xã hội, của thời đại. Vậy chính trị là gì, làm chính trị là làm gì, mà khiến chính khách dễ được kính mến, dễ bị khinh bỉ đến thế ?

 

Trong tiếng Việt, "chính" nghịch "tà", "ngụy". Như thế, trong ngôn ngữ ta, và do đó, trong tư duy và tình cảm của ta, chính trị gắn với đạo đức. Ðiều ấy dễ tạo điều kiện hình thành loại quyền lực nặng tính tôn giáo. Nhưng đạo đức của người Việt ít tính tôn giáo (trong nghĩa tìm nhân cách của mình ở một đấng siêu nhân). Ba hệ tư tưởng cổ truyền của người Việt, Phật, Khổng, Lão, đều không có nội dung tôn giáo. Trong thực tế, xưa nay, ngoài Thiên chúa giáo, xã hội Việt Nam không có tôn giáo nào biến thành tổ chức quyền lực kiểu đạo Kitô hay đạo Hồi. Ðạo đức của đa số người Việt nặng tính văn hoá hơn tôn giáo. Nó mang tính tổng hợp. Nó kết tinh nhiều luồng tư tưởng, kể cả những tư tưởng hình thành từ thuở xa xưa, trước khi người Việt tiếp thụ ảnh hưởng Trung quốc.

 

Ở ta có câu "phép vua thua lệ làng". Ðiều ấy cản trở sự hình thành một chính quyền quốc gia. Tìm ở đó nền tảng để xây dựng dân chủ là chuyện tếu. Lệ làng không thể hiện quyền làm chủ đất nước của người dân. Thậm chí, nó không thể hiện quyền làm chủ xóm làng của dân làng. Nó thể hiện tập quán của một địa phương tồn tại tương đối độc lập với những địa phương lân cận. Nó thể hiện sắc thái địa phương của văn hoá, có mặt tốt, có mặt lạc hậu. Dĩ nhiên, đó là trạng thái của một quốc gia trong buổi phôi thai. Nhưng, chính vì lệ làng thể hiện truyền thống văn hoá của một cộng đồng người, xây dựng chính quyền trên nguyên tắc "phép vua thua lệ làng" là chấp nhận dùng văn hoá làm nền tảng cho chính trị. Có lẽ nhờ đó mà Trung Quốc không đồng hoá nổi nước Việt Nam, ngay từ thuở Việt Nam còn trong trạng thái văn minh bộ tộc. Hội nghị Diên Hồng của người Việt hao hao giống hội nghị của những bộ tộc người da đỏ ở châu Mỹ, hay hội nghị của công dân Hy Lạp thời Cộng hoà Athènes. Chính trị gắn bó với văn hoá, ở ta, là một truyền thống quý báu. Nó có thể vừa là nền tảng lâu đời vừa là ngưỡng cửa tương lai.

 

Một con vật chính trị.

Aristote có nhận xét : con người là một con vật chính trị. Phải chăng đấy là tính đặc thù của con người ?

 

Người, đương nhiên, cũng là một con vật. Nó có bản năng của một con thú. So với loài thú, nó chỉ đặc biệt ở một điểm, nó có khả năng tư duy qua ngôn ngữ. Khả năng ấy cho phép nó hiểu và làm chủ thế giới vật chất, thế giới sinh vật, xây dựng những nền văn minh.

 

Ðặc điểm nổi bật của ngôn ngữ là mâu thuận giữa tính cá nhân và tính xã hội của nó. Một từ ngữ chỉ (có) tình ý trong một cộng đồng văn hoá. Nội dung của nó là sản phẩm chung của những người đồng ngôn ngữ. Nhưng đồng thời, tình ý ấy chỉ hiện thực qua một bộ óc cá thể. Khi nó hiện thực, nó hiện thực cả quá trình lịch sử hình thành ra nó. Ðó là đặc điểm nổi bật thứ hai của ngôn ngữ. Nó có tính lịch sử, nó vừa lưu truyền quá khứ của một cộng đồng người, vừa không ngừng thay đổi, vươn tới tương lai của cộng đồng ấy, xuyên qua từng cá nhân, và xuyên qua những quan hệ cộng đồng. Con người, từ lúc sơ sinh đến chết, hình thành, phát triển nhân tính trong thế giới ngôn ngữ ấy. Chết đi, nhân tính của nó tiếp tục vận động qua ngôn ngữ ấy, qua người khác. Nói cách khác, nó là một con vật văn hoá. Trí tuệ của nó phát triển trong một nền văn hoá, xuyên qua sự tiếp thu và sử dụng ngôn ngữ. Người là một loại thú thông mình vì nó biết nói chuyện với nhau. Không những nó biết nói chuyện với người đang sống, nó còn nói chuyện hàng ngày với người xưa, xuyên qua ngôn ngữ nó thừa kế, xuyên qua tác phẩm họ để lại. Nó nói chuyện với nhau càng nhiều, càng sâu rộng, nó càng thêm khả năng tư duy. Do đó, những nền văn minh lớn, lâu bền, kể cả sau khi cộng đồng tạo ra chúng đã tiêu vong, đều xuất phát từ những xã hội có không gian công cộng lớn.

 

Trong lịch sử nhân loại, nền văn minh đạt điều ấy ở mức cao nhất là nền văn minh Hy Lạp, thời cộng hoà Athènes. Khái niệm "chính trị" của người Hy Lạp gắn liền với nền văn minh ấy. Nó là tiền thân của các khái niệm về chính trị của Tây Âu ngày nay. Ðặc điểm lớn nhất của nó ở chỗ nó muốn tìm hiểu bản chất của chính quyền. Ðây là điều mới lạ, thời ấy. Những hình thái khác nhau của chính quyền có từ lâu. Sự tranh chấp quyền lực cũng có từ lâu. Nhưng đặt vấn đề chính quyền gì, vì sao có, phải như thế nào v.v. thì mới. Tóm lại, trước nền văn minh Hy Lap cổ, người ta vẫn làm chính trị, dựa theo truyền thống, nhưng người ta không coi chính trị như đối tượng của tư duy lôgíc, của một luân lý dựa trên lý trí của con người. Người Hy Lạp cổ là những người đầu tiên đòi hỏi ở "chính trị" cả tình (đạo đức) lẫn lý.

 

Ðối với người Hy Lạp cổ, con người chỉ thành người, tồn tại với tư cách người, và phát triển nhân tính trong cộng đồng. Vì thế Socrate chấp nhận chết, không chấp nhận từ bỏ Athènes. Gốc của từ politiquepolis, có nghĩa Thành thị – Nhà nước (Cité-État), nơi con người tập hợp, chung sống một cách có tổ chức. Chính sự phối hợp hành động giữa người với người tạo ra quyền lực. Người không có quan hệ quyền lực với cỏ cây, gia súc. Nó chỉ có quan hệ ấy đối với người. Qua hành động chung, có tổ chức, con người tạo và trao quyền lực cho nhau. Như thế, quyền lực là một hình thái chung sống, cùng hành động của con người. Khi nó thể hiện sự tự do ưng thuận, quyền lực biến thành chính quyền (pouvoir politique). Nó cần thiết để bảo vệ sự tồn tại của cộng đồng, an ninh của thành viên. Mục đích của nó là xóa bỏ bạo lực trong nội bộ cộng đồng, chống đối bạo lực của ngoại bang. Ðây là quan điểm nhân bản và duy lý đầu tiên về Chính trị. Nguồn gốc của quyền lực không xuất phát từ một đấng thiêng liêng nào, kể cả Tạo hoá. Nó ở con người. Nhưng nó không ở con người cá thể, chơ vơ, bất lực. Nó ở con người liên minh hành động với người khác. Nó là một hình thái quan hệ giữa người với người để cùng hành động. Người Hy Lạp cổ muốn quan hệ ấy hợp lý và hợp đạo. Do đó "vũ khí" chính trị cơ bản, đối với họ, là tranh luận. Họ tin rằng tranh luận là phương pháp duy nhất cho phép phát hiện sự thật. Khi sự thật đã được khẳng định qua tranh luận, nó được ghi lại dưới dạng luật pháp. Mọi cá nhân đều phải tuân theo Luật pháp, chính vì và chỉ vì Luật pháp thể hiện quyền lợi, ý chí chung của cộng đồng, do bản thân thành viên của nó quyết định. Tính chất nhân bản, tự do, dân chủ, duy lý trong khái niệm Chính trị của người Athènes là một phát minh lạ lùng. Chưa ai giải thích nổi vì sao, thời ấy, họ có thể sáng tạo như thế. Phải chăng vì họ vừa thoát thai khỏi nền văn minh bộ tộc đã phải đương đầu với một cường quốc khổng lồ, buộc phải vận dụng hết sức mạnh tinh thần và trí tuệ của con người trong sự hợp tác mới bảo toàn được tính mệnh ? Họ có mấy điều thuận lợi :

 

a/ công dân Athènes không đông, có thể tụ họp đầy đủ tại công trường thành phố (Agora) để thảo luận và biểu quyết.

b/ họ đều tự chủ vì họ không lệ thuộc nhau về kinh tế.

c/ họ còn truyền thống danh dự và đoàn kết của nền văn minh bộ tộc.

 

Nhưng nhiều cộng đồng khác trong lịch sử, tuy cũng có những điều kiện ấy, không sáng tạo như họ. Có lẽ cần một yếu tố khác, đặc thù của nền văn minh Hy Lạp thời ấy : đầu óc duy lý.

 

Nền văn minh ấy tồn tại khoảng một thế kỷ, thế kỷ của Périclès. Nó để lại cho nhân loại những kho tàng khổng lồ về văn học, nghệ thuật, khoa học và triết học. Trong mọi lãnh vực, nó đã nêu nhiều câu hỏi hóc búa, tới nay người nghiên cứu thỉnh thoảng vẫn phải suy ngẫm.

 

Sắp bước vào thế kỷ thứ 21, nêu chuyện xa xưa ấy làm gì ? Tìm lại chút ngây thơ của thuở hoang dại ấy để nhìn khủng hoảng chính trị ngày nay, đang lan tràn khắp nơi.

 

Từ ấy, môn triết học chính trị (philosophie politique) đã phát triển nhiều ở Tây Âu, đặc biệt trong thế kỷ 18 và 19, những thế kỷ sản sinh nền văn minh tư sản và chế độ dân chủ pháp quyền. Nó có hai vấn đề gốc. Lấy gì làm nền tảng cho sự chân chính của chính quyền ? Làm sao bảo đảm quyền lực được sử dụng đúng với nội dung chính trị của nó, thực sự là chính quyền ? (pouvoir politique)

 

1) Lấy gì làm nền tảng cho sự chân chính của chính quyền ?

Thì cứ tổ chức bầu cử tự do, bình đẳng ! Dân chủ đảm bảo sự chân chính của quyền lực, biến nó thành chính quyền. Với tiêu chuẩn đơn giản ấy, quyền lực của Hitler hết sức chân chính. Nhân loại nên chuẩn bị thanh toán nhau trong rừng già. Không có gì ngăn cản loại quyền lực ấy trở lại tại Tây Âu nay mai. Chiến tranh chủng tộc ở cựu Yougoslavie cũng do ý dân đấy. Các nhà "lý luận" chính trị chủ trương quan điểm này, ít người dám đi tới cùng lôgíc ấy. Nhưng đã là chế độ dân chủ, làm sao có thể có bất cứ gì cao hơn ý dân thể hiện qua lá phiếu tự do và bình đẳng ? Thế mà phải có. Ðó là Hiến Pháp. Hiến Pháp các nước tư bản thường là những văn kiện được viết có khi đã hơn hai trăm năm, lâu lâu mới dám sửa vài câu vài chữ, dính dáng gì tới người đời nay ? Tính thiêng liêng của Hiến Pháp không thể hiện tính dân chủ, trong nghĩa thông thường, của một chế độ. Nó thể hiện cái gì ? Nó thể hiện nền văn hoá của một dân tộc. Nó có nghĩa : văn hoá là nền tảng cuối cùng của chính trị. Hiến Pháp ghi những giá trị nhân bản được một cộng đồng người coi như nền tảng bất khả xâm phạm của nhân cách, không tùy thuộc ý muốn đương thời của đa số công dân, không thể sửa đổi tuỳ tiện. Nó khẳng định, con người mất nhân cách khi những giá trị ấy bị phủ nhận. Nó khẳng định, con người không chỉ là người của hôm nay, không chỉ trách nhiệm với người đương thời, mà còn là, còn trách nhiệm với, người xưa và người mai sau. Ý nghĩa sâu sắc của dân chủ pháp quyền ở đó. Nền tảng của nó là văn hoá. Chính quyền, dù do dân cử, không có quyền chà đạp những giá trị văn hoá của cộng đồng vì những giá trị ấy không là của riêng của một thế hệ, thậm chí không phải của riêng của một dân tộc. Tính thiêng liêng của Hiến Pháp công nhận một thực tế : không gì ngăn cản xã hội trở lại thú tính, quay về rừng xanh. Vì vậy, nhà chính trị lỗi lạc không phải chính khách khéo giành, khéo giữ quyền lực, mà là người biết xây dựng, bảo vệ Hiến Pháp, biết xây dựng, bảo vệ nền văn hoá của một dân tộc.

 

2) Làm sao bảo đảm quyền lực được sử dụng đúng với nội dung chính trị của nó, thực sự là chính quyền ?

 

Bằng cách phân quyền, ngăn ngừa sự lạm quyền. Ðiều này dễ hiểu khi trách nhiệm và quyền lực được ghi cụ thể, phân minh trong luật. Ngoài trường hợp ấy, có lắm điều khó hiểu, thí dụ tính độc lập của Toà án tối cao. Hiến Pháp trên mọi luật pháp, mọi quyền lực. Ở Mỹ, chín vị của Toà án tối cao có quyền tối hậu khẳng định sự hiểu biết đúng đắn Hiến Pháp. Dân không bầu họ. Họ được chính quyền cử trọng trách ấy – tới chết. Lâu sau khi những người cử họ không còn được sự tín nhiệm của cử tri, họ vẫn giữ trách nhiệm. Thế nghĩa là gì ? Nghĩa là một chế độ dân chủ không thể chỉ dựa vào lá phiếu để bảo vệ mình. Nó vẫn phải đánh cuộc vào sự sáng suốt, dũng cảm và công tâm của một số người để bảo vệ những giá trị nền tảng của nó. Trao cho những người ấy, trọn đời, quyền tối hậu quyết định thế nào là hợp hiến, đương nhiên nó tín nhiệm những cá nhân ấy, nhưng, cơ bản hơn, nó tin tưởng vào nền văn hoá dân tộc. Nó tin tưởng rằng những giá trị cơ bản của nó độc lập với chính kiến của từng cá nhân. Nó vẫn phải đánh cuộc vào văn hoá.

 

Một hiện tượng mới

 

Phân quyền là một biện pháp tổ chức để giới hạn khả năng lạm quyền. Phân quyền không có khả năng giới hạn sự bất lực của chính quyền. Hiện tượng này mới, ít nhất trong hình thái đặc biệt của nó trong những năm cuối của thế kỷ 20. Nó xuất hiện cả trong các nước xã hội chủ nghĩa hiện thực lẫn các nước tư bản, dẫn tới khủng hoảng chính trị. Khủng hoảng chính trị ấy đã làm chế độ xã hội chủ nghĩa hiện thực nhanh chóng tiêu vong. Nó đang làm chế độ tư bản lao đao. Sự bất lực của chính quyền, cuối thể kỷ 20, có hai trạng thái, thể hiện hai nhân tố hình thành chính quyền.

 

Quyền lực chính trị nẩy sinh qua sự hợp tác giữa người. Khi chính quyền không còn đại diện cho ý chí chung nhất của một dân tộc, đời sống chính trị tha hoá ; chính quyền, tuy không ai tích cực chống đối, lần lần bất lực, và cuối cùng phải tiêu vong. Ðiều đó đã xẩy ra ở các nước xã hội chủ nghĩa hiện thực. Nhưng đó không là hình thái duy nhất của sự bất lực của chính quyền.

 

Quyền lực chính trị nẩy sinh qua sự hợp tác giũa người để cùng hành động. Khi còn người bị tước đoạt khả năng hành động, khả năng tham gia thực thụ vào việc quyết định tương lai của mình và của đồng loại, "hành động" chính trị mất ý nghĩa, đời sống chính trị tha hoá, và chính quyền lần lần bất lực. Ðiều này có thể xẩy ra, ngay trong các nước dân chủ nhất, khi nhà chính trị được dân tín nhiệm không có khả năng thực hiện nguyện vọng của dân, hoặc vì đòn bẩy hành động không thuộc quyền sử dụng của họ, của dân, hoặc vì kiến thức của họ (tiêu biểu cho kiến thức của cử tri) không đủ khả năng tạo con đường hành động cần thiết. Tóm lại, họ được bầu để thực hiện một hoài bão, nhưng chính họ và những người cử họ đều không có khả năng thực hiện hoài bão đó. Sự bất lực của chính quyền thể hiện trước hết sự bất lực về kiến thức của một cộng đồng người và, cuối cùng, sự bế tắc của một nền văn minh. Dường như điều đó đang xẩy ra ở các nước tư bản tiên tiến. Chưa bao giờ giới chính khách lại xuống giá nhanh chóng và dai dẳng như hiện nay. Không phải vì vài vụ tham ô, lãng phí, cửa quyền. Về mặt này, có lẽ các nước tư bản tiên tiến khá hơn xưa nhiều. Vì họ là tấm gương bất lực phản ảnh bộ mặt bất lực của một xã hội, của một nền văn minh./.

 

Như thế, chính quyền chân chính khi nó thể hiện hai đặc điểm : tính đại diện cho ý muốn tự do của con người, và hiệu lực. Một chính quyền có hiệu lực khi con người cử nó còn khả năng hành động, còn tự do. Một cộng đồng nô lệ có thể sản sinh bạo quyền (như trong các nhà tù), chưa bao giờtạo ra chính quyền. Ngược lại, một chính quyền bất lực, dù do dân cử, không thể chân chính mãi : nó có thể do dân, nó không thể thực sự vì dân. Tính chính trị của chính quyền ở đó. Nó thể hiện sức sống, khả năng hành động, khả năng hiện thực của một nhân sinh quan.

 

Hai loại chính quyền, một lôgíc

 

Những cộng đồng người khác cộng đồng thú ở một điểm cơ bản : quyền lực trong cộng đồng người không chỉ dựa vào sức mạnh, mà phải dựa vào giá trị. Không có chế độ nào có thể tồn tại lâu dài khi chỉ dựa vào bạo lực. Trong lịch sử nhân loại, thời thịnh trị luôn luôn là thời đời sống chính trị ăn khớp với những giá trị văn hoá của thời đại. Ngược lại, khi bạo lực là nguồn gốc duy nhất của quyền lực, khi ấy có cơ đại loạn. Do đó, mọi chính quyền, dù được thành lập bằng bạo lực, đều phải tạo cho mình một nền tảng giá trị phi bạo lực. Vấn đề là tìm ở đâu ? Chỉ có hai hướng, tôn giáo hay con người.

 

Trong hướng tôn giáo, một đấng siêu nhân làm nền tảng cho mọi giá trị ở đời. Vì nó siêu nhân, để hiện thực trong đời, nó cần môi giới, cần một loại người vừa là người vừa có quan hệ trực tiếp với nó. Nó cần đạo sĩ, linh mục, thánh hiền, v.v. Nguồn gốc của đạo đức ở ngoài nhân loại.

 

Trong hướng thứ hai, chính người trần mắt thịt làm nền tảng cho đạo đức, sáng tạo đạo đức. Trong hoàn cảnh nào nó thực hiện được chuyện ấy ? Ðó là mâu thuẫn nan giải mà các nhà lý luận chính trị Hy Lạp đã phải đương đầu, mâu thuẫn giữa quan điểm duy lý của họ về con người và con người thực. Xác nhận chính trị là hình thái tổ chức quan hệ giữa người với người trong một cộng đồng, không mới lạ. Mọi người làm chính trị, dù không nói ra, cũng thừa biết. Khẳng định mục đích của nó là loại trừ bạo động trong quan hệ xã hội cũng không mới lạ, đó là tuyên ngôn của mọi chính khách, kể cả bạo chúa. Ðòi hỏi nó phải thuần lý, đó là đặc điểm của triết gia Hy Lạp. Những nền văn hoá lân cận Hy Lạp cổ không có quan điểm ấy về con người, về xã hội, do đó thể chế chính trị của chúng đều dựa vào tôn giáo. Bước vào thực tế, triết gia duy lý Hy Lạp đụng ngay sự thực phổ biến : con người bình thường lo cho thân mình trước, đeo đuổi quyền lợi riêng, sẵn sàng chà đạp người khác để thực hiện nguyện vọng của mình. Từ mâu thuẫn ấy nẩy ra hai thái độ về chính trị. Thái độ duy tâm của Platon, dẫn tới chủ trương nên trao quyền lực cho hiền nhân (sages) vì chỉ họ mới có đủ đạo đức và kiến thức để phân biệt đúng sai, phải trái. Thái độ thứ hai, của Aristote, có thể gọi là "thực tiễn" (pragmatisme). Aristote cho rằng chủ trương của Platon không thực tế. Ông chủ trương nên xuất phát từ con người hiện thực, với tất cả những giới hạn đạo đức và tri thức của nó, rồi tìm cách xây dựng lần lần chế độ chính trị tốt nhất có thể xây dựng được, mỗi lúc. Hai thái độ này, thực chất, chung một nhân sinh quan, chung một phương pháp suy luận. Chúng đều lấy người làm mục tiêucủa chính trị. Tính nhân bản ở đó. Nhưng quan điểm ấy cũng có mặt siêu nhân : chỉ hiền nhân (một loại người có trí tuệ đặc biệt) mới đạt được kiến thức chân chính. Mâu thuẫn ấy xuất phát từ phương pháp suy luận của họ. Họ tin rằng giá trị thực, và tồn tại độc lập với trình độ hiểu biết của con người, như 2+2=4. Như thế, trong quan hệ hiện thực giữa người với người, cần phân biệt Ðúng, Sai, Phải, Trái, Sự thật, Sai lầm... vì những quan hệ ấy là hình ảnh ít nhiều méo mó của sự thật. Ðó là nhiệm vụ của hiền nhân, những người có đủ kiến thức để tìm sự thật, và có đủ khôn khéo để hướng dẫn con người rời cõi u mê. Họ suy luận theo lôgíc hình thức. Ðúng hơn, họ lẫn lộn kiến thức khoa học với giá trị nhân bản, và do đó, muốn giải quyết những vấn đề thuộc phạm trù giá trị nhân bản bằng phương pháp khoa học, bằng lôgíc hình thức. Những mâu thuẫn họ nêu vẫn còn là những mâu thuẫn của thời đại này, đỉnh cao của lôgíc hình thức. Chúng vẫn khiến các nhà lý luận chính tri nhức đầu.

 

20 năm qua, nhiều nhà lý luận ở Tây Âu đã nhanh nhẩu cáo tử thời đại ý thức hệ. Có người còn hiên ngang xoá bỏ Lịch Sử. Ðối với họ, loài người đã bước vào thời đại Khoa học. Những hệ tư tưởng đều phá sản. Duy nhất đáng tin là Khoa học, đặc biệt khoa học kinh tế. Lá bài chủ yếu của chính khách, trong nhiều năm qua, là lá bài năng lực chuyên môn (compétence), nhất là kinh tế. Những quân sư quyết định của chính quyền là những bậc thầy kinh tế, những người có đủ kiến thức để hiểu những "quy luật" kinh tế thị trường. Kiến thức ấy hao hao giống lý trí của các vị hiền nhân Hy Lạp. Nó nằm ngoài khả năng hiểu biết của người thường. Nếu đúng vậy, có lẽ thường dân sẵn sàng ngoan ngoãn nghe theo các vị hiền nhân hiện đại để an hưởng hoà bình, hạnh phúc. Tiếc thay, kiến thức hùng hổ kia đã và đang dẫn tới sự khủng hoảng, đào thải con người ra ngoài vòng xã hội, tới mức ở một nước như Pháp hôm nay, nhiều người đã báo động : cứ đà này, xã hội sẽ tan nát. Những bậc thầy kinh tế thay nhau giảng bài, thay nhau cầm quyền, thay nhau bất lực. Khi chính quyền bất lực, quyền lực mất tính chất chính trị, người dân sa vào cảnh xé lẻ, cô đơn, bất lực, đời sống chính trị lần lần tiêu vong. Ðó là một đặc điểm hiện nay của các xã hội tư bản phát triển. Ðiều này không dễ hiểu như ta tưởng. Khó khăn vật chất, sự kém cỏi về kiến thức không tất yếu dẫn tới sự thờ ơ đối với chính trị. Trong chiến tranh, hoàn cảnh ấy khủng khiếp hơn nhiều. Nhưng khi con người biết vì sao nó chiến đấu, nó có khả năng vượt khó khăn để chiến thắng. Vì nó còn có khả năng hành động, quyết định tương lai của chính nó và đồng loại, nó còn là con vật chính trị. Nó thờ ơ với chính trị khi nó chấp nhận nó mất khả năng hành động, khi nó chấp nhận sự bất lực. Nó chấp nhận sự bất lực khi nó mất niềm tin vào những giá trị nhân bản của cộng đồng, của chính nó. Sự tha hoá của chính trị thể hiện sự suy thoái của văn hoá. Ngược lại, sự suy thoái của văn hoá mở đường cho sự suy vong của chính trị. Vì, trong chính trị, không có quyền lực suông (neutre), chỉ có chính quyền, ngụy quyền, cường quyền, bạo quyền... Người là một con vật chính trị vì nó là một con vật văn hoá. Khi những chuyên gia khoa học, kỹ thuật, kinh tế, v.v. và v.v., độc quyền chiếm lĩnh sân khấu dư luận, khi hàng hoá đè bẹp, thắt họng văn hoá, văn hoá suy nhược và chính trị tiêu vong.

 

Ðiều bất ngờ là hai quan điểm có vẻ xung khắc (tôn giáo và khoa học) đã dẫn tới những hậu quả tương đương. Có thể hiểu. Niềm tin tôn giáo và niềm tin khoa học chỉ xung khắc ở thế giới quan, không nhất thiết xung khắc ở nhân sinh quan. Ðối với tôn giáo, sự thật của vũ trụ nằm trong lòng thượng đế. Ðối với khoa học, nó nằm ngay trong vũ trụ, độc lập với tư duy của con người. Nhưng đối với cả hai, sự thật của con người, những giá trị nhân bản, đều có thể độc lập với người. Về mặt này, hai quan điểm trên giống nhau. Cả hai đều đồng nhất kiến thức với giá trị và cơ sở chung của chúng là lôgíc hình thức : Sự thật Sự thật, "A chính là A".

 

Những lớp phù sa của nhân cách

 

Thế kỷ 20 đã táng cho nhân loại một bài học xương máu. Ðức, Ý, Nhật, đều là những dân tộc có truyền thống văn hoá lớn và tương đối lâu đời. Tuy vậy, họ đã rơi vào chủ nghĩa Phátxít. Nền văn hoá Trung quốc, vĩ đại biết bao, không ngăn cản họ rơi vào chủ nghĩa Mao. Sinh mệnh văn hoá thật mong manh, mọi giá trị nhân bản đều mong manh. Dễ hiểu. Ngay một giá trị "tự nhiên" như tình yêu cũng vậy. Cứ phải thề đi thề lại với nhau mãi, chưa tắt thở, còn phải thề. Thủy chung là một giá trị nhân bản. Như mọi giá trị nhân bản, nó có khả năng tiêu vong bất cứ lúc nào. Do đó, thề bao nhiêu cũng không đủ. Khôn hồn, chớ thề thốt.

 

Những giá trị nhân bản từ đâu ra, tại sao mong manh thế ?

Con người phát triển xuyên qua ba quan hệ cơ bản, quan hệ với thiên nhiên (vật chất phi sinh tính), quan hệ với sinh vật khác, trong đó có người với tư cách thú, và quan hệ với người trong tư cách người. Qua ba quan hệ ấy, con người đeo đuổi ba mục đích, tồn tại (être), sống (vivre), làm người (humainement). Trước khi được làm người, phải được sống. Trước khi được sống phải có thực. Có thực một cách sinh động và có nhân cách, đó là hoài bão muôn thuở của con người.

 

Sự có mặt của ta trong vũ trụ, ngẫu nhiên và tạm thời, ngày nay khá nhiều người đã biết. Tồn tại là ảo vọng không thể đạt được. Äo vọng đó là nguồn gốc của tôn giáo. Trong quan hệ với thiên nhiên, con người ngày càng bớt tin vào sự vĩnh cửu. Nó đã hiểu, ngay quả đất này cũng sẽ tiêu vong. Rời bỏ thế giới quan tôn giáo, nó làm chủ các quy luật vận động của vật chất, vận dụng được chúng để phục vụ cuộc sống của con người. Kiến thức khoa học là giá trị nhân bản trong quan hệ giữa người với người để cùng làm chủ thiên nhiên. Một thí dụ điển hình hôm nay : bảo vệ môi sinh.

Ðể sống, phải ăn, phải sinh đẻ. Ðể sống, con người không những phải khai thác và bảo vệ thiên nhiên, các loài sinh vật khác, nó còn phải tranh giành miếng ăn, con đực, con cái với nhau. Bản năng sinh tồn, những năng khiếu nó tạo ra, là giá trị nhân bản trong quan hệ giữa người với người, trong tư cách thú. Thí dụ, con người biết ăn thịt gà, thịt chó, thịt heo, và biết không nên ăn thịt người, không nên giết người.

 

Người có khả năng yêu, ghét, "thấy" phải, trái, duyên ngầm, duyên nổi, vô duyên, thích cầm, kỳ, thi, hoạ, bóng đá, bóng bàn... và ... tán gẫu. Những giá trị ấy không liên quan tới tính vật chất, tính sinh học của con người. Ðó là những giá trị chỉ hình thành trong quan hệ giữa người với người, những giá trị thuần nhân tính, đó là văn hoá. Văn hoá là giá trị nhân bản trong quan hệ giữa người với người, trong tính cách người. Những nỗ lực tìm hiểu, bảo vệ di tích lịch sử của nhân loại là một thí dụ.

 

Một đặc điểm của con người là 3 hệ giá trị ấy thống nhất trong tư duy bằng ngôn ngữ của con người. Vì sao ?

 

Trong những tác phẩm cuối đời, Trần Ðức Thảo nêu một giả thuyết đáng chú ý. Quá trình hình thành bộ óc (vật chất) của con người cũng là quá trình tái tạo, xuyên qua kinh nghiệm và giáo dục, các tầng lớp giá trị của loài người, từ thời nguyên thủy tới ngày nay. Nếu đúng vậy, con người phải được học làm người mới thành người. Trước nhất, nó phải học làm một con vật biết đứng, biết đi, biết liên kết với người thân... Trong phạm vi ấy, nó như mọi con thú, nó học phát triển bản năng sống đàn. Nhưng đồng thời nó phải học kỹ năng của con người (sử dụng những phương tiện người xưa để lại), phải học tư duy. Trong quá trình ấy, nó tái tạo ngôn ngữ, kiến thức, và những giá trị thuần nhân tính của người xưa. Trong lãnh vực cuối này, nó tái tạo trong nó những giá trị nhân bản đã hình thành qua lịch sử : bộ lạc, bộ tộc, làng xóm, giai cấp, dân tộc, nhân loại, v.v. Những lớp phù sa ấy của nhân cách tạo dựng con người hôm nay. Học làm người, nó gánh cả lịch sử dân tộc và nhân loại để trở thành một con vật văn hoá. Sự học hỏi ấy luôn luôn, và chỉ có thể, thực hiện trong lòng một cộng đồng người. Con người chỉ có thể học làm con vật văn hoá, học làm người, vì nó là một con vật chính trị. Nhưng nó đã là một con vật chính trị thì nó bức thiết đòi hỏi văn hoá.

 

Trong Nền tảng sinh học của tư duy[1], G. E. Eldelman dựa vào sinh học để tìm hiểu khả năng tư duy của con người. Ông đi tới những giả thuyết tương đương. Con người, sản phẩm của quá trình tuyển lựa tự nhiên các giống (sélection naturelle des espèces), là loài sinh vật có khả năng khái niệm hoá (capacité de conceptualisation). Khả năng ấy, tuy đã được quá trình tuyển lựa tự nhiên ghi trong gien, chỉ hình thành xuyên qua học hỏi (kinh nghiệm và giáo dục). Nó hiện thực trong khối óc của con người ở một từng lớp ý thức cấp thấp (conscience primaire, répertoire [neuronal] primaire). Nhưng con người còn có khả năng ý thức cấp cao, khả năng tư duy trừu tượng (conscience supérieure, répertoire secondaire). Khả năng ấy chỉ hình thành qua quan hệ xã hội, qua ngôn ngữ, nó không tuân theo quy luật sinh học. Con người thoát thai từ sự cấu kết của hai nền tảng giá trị, sinh lý tính và nhân tính. Hình như tính đặc thù của sự kết hợp ấy ở chỗ con người chỉ ý thức những giá trị sinh lý tính xuyên qua những giá trị nhân tính. "Curieusement, nous autres humains, avec notre conscience d'ordre supérieure, nous ne parvenons pas à voir le monde à travers notre seule conscience primaire. Les créatures qui ne possèdent qu'une conscience primaire se forment des images mentales, mais n'ont pas la capacité de les considérer sous l'angle d'un moi socialement constitué. A l'inverse, les êtres qui possèdent un tel moi du fait de leur conscience supérieure en ont besoin pour relier chaque image mentale à la suivante afin d'apprécier les mécanismes de la consciences primaire[2] !"

 

Hai giả thuyết trên nhất quán, ít nhất ở hai điểm :

 

1) Tính lịch sử của nhân tính. Con người cụ thể là toàn bộ lịch sử cá nhân của nó. Lịch sử cá nhân đó tùy thuộc, một cách hữu cơ, lịch sử của cộng đồng ngôn ngữ của nó. Có nghĩa : con người chỉ thành người vì nó có gốc. Gốc ấy không ở trong thiên nhiên hay bản năng sinh tồn. Nó ở trong một nền văn hoá.

 

2) Nhân tính của con người chỉ là một khả năng. Tuy được ghi trong gien của nhân loại, khả năng ấy chỉ hiện thực qua quan hệ xã hội, qua văn hoá. Tóm lại, không được học làm người sẽ trở thành thú.

 

Nếu những giả thuyết này đúng, chúng tạo cơ sở cho ta tìm hiểu thể tổng hợp thống nhất của con người trong ba tính chất của nó, vật chất, sinh vật, người.

 

Chúng giải thích khả năng phi nhân hoá quan hệ xã hội, phi nhân hoá con người, bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu. Chúng khiến ta hiểu vì sao, trong thời đại loạn, tôn giáo có thể biến thành bức trường thành bảo vệ nhân cách : nó đặt những giá trị nhân bản, do nhân loại sáng tạo qua lịch sử hình thành nhân cách, cao hơn mọi người, mọi quyền lực đương thời. Nó là nhân loại tự bảo vệ, bảo vệ nhân tính của mình, một cách phi khoa học, thậm chí phi nhân đạo, đối với những lực lượng phi nhân. Như Marx đã viết, nó vừa là thuốc phiện, vừa là đòi hỏi nhân cách của dân đen. Vì thế, nếu tôn giáo chưa hề giúp tư duy khoa học phát triển, nó đã từng, và còn có khả năng, trong những điều kiện nhất định, kìm hãm quá trình phi nhân hoá xã hội. Thí dụ : vai trò của hầu hết các tôn giáo dưới chế độ xã hội chủ nghĩa hiện thực.

 

Nếu những giả thuyết này đúng, quan điểm về chính trị của người Hy Lạp cổ thật vĩ đại. Con người sơ sinh là một con thú có khả năng sinh lý để tư duy. Nhưng nó chỉ trở thành người xuyên qua quan hệ xã hội. Chính những quan hệ ấy khiến nó thực sự đạt khả năng ngôn ngữ, khả năng tư duy, khả năng khoa học, khả năng đạo đức. Tóm lại, khả năng văn hoá, khả năng chung sống trên cơ sở một số giá trị nhân bản, biến nó thành một con vật chính trị. Ngược lại, kích thước chính trị của nó càng rộng, nó càng có khả năng phát triển văn hoá, kiến thức của nó và của đồng loại, nó càng có khả năng làm người một cách toàn diện. Nội dung cơ bản nhất của cuộc cách mạng tư tưởng của người Hy Lạp cổ ở đó. Nó tạo nền tảng nhân bản cho những khái niệm như Chính trị, Tự do, Dân chủ... Nó cũng bế tắc ở đó. Con người là thể thống nhất của vật chất, sinh vật và văn hoá. Thể thống nhất ấy không thể hiểu được với "nguyên tắc đồng nhất" (principe d'identité) của lôgíc hình thức. Vì con người là một vật thể không là vật thể, là sinh vật là phi sinh vật, là người là phi nhân. Những giá trị nhân bản không thể hiểu được bằng khoa học cổ điển dựa trên lôgíc hình thức, cũng không thể hiểu được bằng quy luật tuyển lựa tự nhiên của Darwin. Ðã tới lúc phải tìm một tư duy lôgíc khác, vừa đảm bảo tính hữu hiệu của kiến thức khoa học, tính thuận lợi cho cuộc tồn sinh của cả nhân loại, và nhân cách của từng người ? Ðó có thể là nhiệm vụ cao cả của nhà văn hoá, nhà chính trị. Ðối với người thích triết học, có một điều đáng chú ý. Bất cứ lý thuyết vật lý nào cũng có thể, và phải, diễn tả được bằng phương trình toán học, bằng lôgíc hình thức. Tại sao lý thuyết của Darwin, được nhiều nhà khoa học rất sành vật lý và toán dùng làm cơ sở lý luận của họ, không thể diễn tả được bằng phương trình toán học ? Phải chăng vì nó thuộc một loại lôgíc khác ? Tại sao Marx và Engels đã đánh giá Darwin là nhà bác học biện chứng ? Nhưng không hề nói lý thuyết của ông biện chứng ở chỗ nào ?./.

Phan Huy Đường
Số lần đọc: 2998
Ngày đăng: 05.05.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thơ tình phổ quát và thơ tình hải ngoại - Trần Văn Nam
Thái sư, Tuy Thạnh Quận công Trương Đăng Quế -3 - Trương Quang Cảm
Thái sư, Tuy Thạnh Quận công Trương Đăng Quế -4 - Trương Quang Cảm
Thái sư, Tuy Thạnh Quận công Trương Đăng Quế -5 - Trương Quang Cảm
Vào Việt Nam (1533-1659), Công Giáo đã gửi Những Giáo Sĩ Trách Nhiệm - Trần Văn Cảnh
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê trả lời bạn đọc Văn nghệ Trẻ -2 - Nguyễn Khắc Phê
Thái sư, Tuy Thạnh Quận công Trương Đăng Quế -2 - Trương Quang Cảm
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê trả lời bạn đọc Văn nghệ Trẻ - Nguyễn Khắc Phê
Chất Dân Gian trong Thơ Nôm Nguyễn Khuyến - Trần Minh Thương
Góp thêm một cách hiểu về thơ nhìn từ thông diễn học hiện đại - Ngô Phương Quốc