Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.167
123.224.383
 
Tính cách con người Nam bộ qua trang văn của các tác giả ĐBSCL
Thu Trang

Từ những tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, Phi Vân, Bình Nguyên Lộc... cho đến các trang văn của phần lớn các tác giả sau này và hiện nay, tôi đọc, chiêm nghiệm và tìm kiếm để nhận ra một mẫu số chung cho tính cách con người Nam Bộ được khắc họa. Đó là mẫu người hảo hán trọng đạo nghĩa theo kiểu “Nhớ câu kiến ngãi bất vi, làm người thế đấy cũng phi anh hùng” của Lục Vân Tiên, là mẫu người lạc quan, hào phóng, thiệt thà chân chất, đôi khi bị tác động bởi hoàn cảnh có biến đổi một chút, nhưng rồi cũng trở về với bản chất nhân hậu, hành hiệp vì nghĩa. Các tuyến nhân vật trong các trang văn của các tác giả ĐBSCL thường được phân chia rạch ròi giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa thiện và ác, hoạt động theo định tính đã mang trong suốt chiều dài tác phẩm. Hiếm khi có những nhân vật đa tính, với sự đấu tranh đầy mâu thuẫn, dằng xé trong cùng một con người được thể hiện ở một số truyện ngắn của Trang Thế Hy, Lê Đình Trường, Vũ Hồng, và một vài tác giả khác. Những tính cách nhân vật như thế, tôi nghĩ phần nào đã thoát ra được cách xây dựng nhân vật theo kiểu truyền thống từ một khuôn mẫu đã quen cảm nhận. Dù rằng từ thời đại Phục Hưng thế kỷ 16 Shakespeare đã xây dựng nên những điển hình nhân vật như vậy bằng cách đào sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật. Trong tác phẩm của kịch tác gia vĩ đại này, không có những nhân vật hoàn toàn được ưu ái hoặc hoàn toàn bị ghét bỏ. Nhân vật  điển hình Hamlet cũng có lúc bị ông chế giễu, còn gã Sailoc (trong Chàng thương gia thành Vơnizơ) có chỗ lại được ông biện hộ.

 

Có nhận định cho rằng văn chương ĐBSCL (dù gì cũng là vùng đất mới) không thể so được với sự chỉnh chu truyền thống của văn chương miền Trung, miền Bắc. Điều đó một phần có thể do ngôn ngữ mộc mạc miền Nam, giọng điệu dân dã mà các tác giả ĐBSCL hay lạm dụng tạo sự “chướng ngại” trong cảm nhận. Cũng có ý kiến cho rằng, nếu thận trọng, dùng đúng lúc đúng chỗ, phương ngữ mộc mạc, giọng điệu dân dã ấy hoàn toàn có thể cấu tạo thành một nhánh văn chương đặc biệt, không giống, nhưng chuẩn mực không kém những miền khác. Tôi nghĩ điều mà các nhà văn, tác giả văn xuôi ĐBSCL còn “mắc nợ”, là chưa mô tả, khắc họa được những nhân vật xứng đáng với tầm vóc, tính cách điển hình của con người Nam Bộ. Sự phóng khoáng, hào hiệp, trọng đạo nghĩa vốn được xem là bản chất của người miền Nam, những cư dân sinh sống nơi vùng đất có nhiều sự ưu ái của thiên nhiên. Thực tế, ĐBSCL đâu chỉ có chín nhánh sông quanh năm bồi đắp phù sa cho vườn cây trĩu trái, đồng ruộng tốt tươi. Từ thuở đi mở cõi, những cư dân Nam Bộ đã phải đương đầu với muôn vàn hiểm nguy với thú dữ, với rừng thiêng nước độc rồi chinh chiến triền miên để trụ lại, cải tạo vùng đất mới nầy. Và cũng bởi Nam Bộ là nơi đón nhận những cư dân di trú từ tứ xứ, vùng đất này cũng là nơi hội tụ, giao thoa các luồng văn hóa khác nhau. Hấp thụ một “linh khí” văn hóa như thế, tôi nghĩ tính cách con người Nam Bộ xưa và đặc biệt trong xu thế hội nhập hiện nay, cũng đa diện và vô vàn phức tạp chứ không chỉ đơn giản trong cái cốt cách hào phóng, lãng tử, chịu chơi.

 

Lại nói về bản sắc văn hóa, vấn đề mà nhiều nghị quyết của Đảng đặt ra là song song với phát triển kinh tế, phải bảo vệ, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nhưng hiểu như thế nào cho đúng khái niệm văn hóa của dân tộc? Và trong cái bản sắc văn hóa chung của dân tộc, có hay không một bản sắc văn hóa của vùng ĐBSCL? Tôi cho rằng bên cạnh những đóng góp của ĐBSCL về mặt kinh tế là điều dễ thấy và dễ nhất trí thì phần đóng góp của Nam Bộ về mặt văn hóa dường như chưa được nghiên cứu thỏa đáng. Lẽ nào Nam Bộ chỉ là cánh đồng oằn lúa, là vườn cây trĩu quả với những “anh Hai” nhiều tiền, học hành dang dở và thích chơi ngông? Hoàn toàn không có tư tưởng cục bộ địa phương, tôi cho rằng về mặt văn hóa, sự đóng góp của ĐBSCL là không nhỏ. Văn hóa ăn, văn hóa ở, văn hóa cư xử, văn hóa tín ngưỡng ở Nam Bộ có những đặc trưng không lẫn với bất cứ vùng nào của đất nước. Nhưng cho đến nay vẫn còn rất nhiều sự đánh giá khác nhau.

 

Nêu một vài nhận định như thế để thấy rằng quả thật là khó khi muốn nắm bắt cái “thần” trong nghệ thuật. Ngay cả đối với những người cầm bút là con dân ĐBSCL, không phải lúc nào cũng hiểu hết về bà con mình, về vùng đất mình đang sinh sống. Chính vì vậy, điều đáng sợ nhất trong văn chương là mô tả như thế nào mà những người thân thiết nhất lại trở nên xa lạ. Nêu một vài suy nghĩ như vậy với tư cách một người cầm bút, cũng là để tự nhắc nhở mình trách nhiệm viết cho đúng về đồng bào mình trong một giới hạn địa lý nhất định, để trước hết phục vụ cho chính họ; đồng thời với tư cách một người đọc yêu mến dòng văn học “đặc sản” miền Nam, tôi mong mỏi và hy vọng sự thăng hoa của các tác giả ĐBSCL sẽ mang lại những tác phẩm văn học xứng đáng với vùng đất và con người chúng ta đang sinh sống.

Thu Trang
Số lần đọc: 5377
Ngày đăng: 29.11.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ghe xuồng miền Tây Nam Bộ: Nét đẹp văn hoá độc đáo - Khuyết danh
Bắt sấu rừng U Minh hạ - Sơn Nam
CHỢ ÂM DƯƠNG - NƠI - Khuyết danh
Chợ Việt Nam - Khuyết danh
Bảo vật quốc gia ở đâu? - Khuyết danh