Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.216.075
 
Lão và hắn
Vinh Anh

Gọi như vậy, xưng hô như vậy chẳng hề có ý xúc xiểm hoặc coi thường gì nhau đâu. Chẳng qua chỉ là phân biệt cái gọi là tuổi tác của hai người mà thôi. “Lão” thì già hơn, còn “hắn”, đặt ở cái vế so sánh, đương nhiên là trẻ hơn. Gọi là “lão” thì chắc là không được tôn kính lắm mà “hắn thì càng không..

 

Cả lão và hắn đều gốc gác từ các miền xa, chuyển về định cự và thành công dân Hà Nội. Bây giờ người Hà Nội hầu như có nhân thân gốc gác từ khắp mọi miền đất nước. Đứng đầu bảng không trật vào đâu được là dân Nghệ Tĩnh. Có người nói đùa: “Tiếng Nghệ là tiếng của Thủ đô”. Nhưng sau câu nói đùa, ngẫm lại, thấy đúng và cả chút đau ra phết!

 

Lão không phải dân Nghệ. Lão nói nhẹ nhàng và nói chung là rõ ràng dễ nghe. Cái đó chỉ chứng tỏ lão đi nhiều, biết nhiều. Chắc là người vùng đồng bằng Bắc Bộ. Người vùng này có tật nói ngọng “l” và”n”. Nhưng lão chẳng ngọng tí nào. Nghe nhiều người vùng này nói lẫn “l” với”n” nhiều lúc cứ tức anh ách.

 

Hắn cũng không phải dân xứ Nghệ. Nghe tiếng hắn, người ngoài Bắc ít quảng giao, thường gọi chung đó là giọng miền Nam. Kỳ thực hắn ở vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi gì đó. Cũng có khi ở tận cái miền Nam Trung Bộ không biết chừng. Nào dân ta có mấy ai sành sỏi đến độ phân biệt được người từng địa phương qua giọng nói.

 

Từ cái độ ra trường với cái lon “ếch dì đằng” rồi vào rừng Trường Sơn, qua dăm năm lăn lộn trên đường mòn Hồ Chí Minh, đến độ về được Thủ đô thì lão leo được đến cái Trung uý. Chững chạc và vững vàng hơn khối người chỉ chống Mỹ ở Hà Nội.

 

Lão tính khiêm nhường, chỉ coi mấy năm ở Trường Sơn là mấy  năm“quanh quất” cùng ăn ở với đồng bào Tà Ôi, Vân Kiều mà thôi. Cũng như chỉ coi mấy cái sẹo nơi phần mềm, cả tay và chân, đều như vết sẹo chó cắn. Ai thân lắm lão mới chỉ cho xem. Sẹo bị chó cắn. Nghe cũng hay hay mà lại hợm hợm. Thì ngày đó, sách báo ta, cách nói của ta, đều gọi “bọn chúng” là “chó” cả đấy thôi. Nói mãi, nghe mãi thành quen. Chả bao giờ nghĩ đến cái từ “lịch sự”. Vết sẹo bị chó cắn hay bom đạn của Mỹ nguỵ va vào cũng đều một ý cả.

 

Hắn có lẽ phải kém lão đến chục tuổi. Hết chiến tranh thì được chọn đi Tây học đại học. Hồi đó, nói đi Tây là hiểu ngay đi mấy nước trong phe Xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu ấy. Thời đó con người ta cũng đã bắt đầu có cái tính thực dụng rồi. Tính thực dụng nảy sinh và phát triển mạnh từ ngay sau ngày đại quân ta vào Sài Gòn ấy chứ. Cái đó thì lão biết. Hắn cũng biết nhưng không thể biết bằng lão. Lão có thâm niên ở cuộc đời lâu hơn hắn mà lị. Chẳng gì cũng cỡ chục năm, chục năm thì biết bao nhiêu điều xảy ra.

 

Lão lấy vợ hơi muộn. Cứ theo kiểu lão nói, mấy năm nhì nhằng quanh quất ở rừng Trường Sơn thì lấy ai mà yêu. Gần ba mươi, hết chiến tranh, ra đất Hà thành mới yêu. Ngoài ba mươi mới cưới. Thời đó vậy là già. Đơn vị lão ở, nhàng nhàng như lão chẳng có mấy ai gọi là son trẻ, tất cả đều đã con bế con bồng, đều đã có thằng chống gậy. Lão hơn vợ đến chục tuổi, cũng cỡ cỡ tuổi hắn.

 

Hắn học xong đại học thì chốp ngay một cô cùng học bên Tây. Cứ theo cách nói của hắn, hắn coi như có vợ ngay từ hồi mới sang Tây. Hắn bảo cả cuộc đời thanh niên của hắn bị giam cầm trong tình yêu. Chả bù cho lão, muốn được cầm tay một cô gái vừa vừa mắt cũng không dễ. Nơi lão ở, gặp được mấy cô gái, nếu không Lào Thưng thì cũng Vân Kiều.

 

Không hiểu có phải vì bị giam cầm sớm trong tình yêu như vậy nên với lĩnh vực tình yêu, sau này hắn “tung hoành” lắm. Mà cũng phải công nhận là cái thời thế nó cũng thay đổi rồi cơ. Thời của lão mà lăng nhăng trai gái ấy a, kiểm điểm cứ là “tướt cù mướt, tơi bời khói lửa, lý lịch đen đúa”. Có thể chính vì một thời ta đã “ấu trĩ”, nghiêm “dã man” như vậy, nên sau này cái chuyện đó, người ta lại coi nhẹ hẳn đi, coi nhẹ đến ngỡ ngàng, như một lời nhận tội với ngày xưa. Thế mới lạ chứ. Lão là người trong cuộc cái thời  “l…tù cu hãm “ấy, lão hiểu rõ lắm. Quả thật, thời của lão, con người sống sao mà đơn điệu, mông muội, ép xác nhau đến khổ sở như vậy cơ chứ. Sau này nghĩ lại, lão thấy cũng lạ, sống như vậy mà vẫn cứ sống được. Tuyệt chẳng thấy một lời kêu ca. Nếu có chăng, thì những tiếng kêu đó cũng rất lạc lõng và nó bị chìm vào ngay trong cái thâm u rừng già. Nó chỉ như những hạt cát bé nhỏ giữa mênh mông sa mạc, như những giọt nước mưa trong những trận mưa rừng Trường Sơn xối xả mà thôi.

 

Nhờ giời, với cái tính khí đặc sệt bao cấp, lão lại lấy được cô vợ đảm. Đảm với cái nghĩa biết lo toan chu tất mọi việc nhà. Cái thời đó cũng chỉ mới đây, chưa xa là mấy đâu nhưng mà nghĩ lại, lão rùng mình, lão không thể tưởng được làm sao lão lại tồn tại đến ngày hôm nay, nếu không có được người vợ như vợ lão.

 

Cũng vì có cô vợ đảm, biết lo toan việc nhà nên lão hết sức ú ớ trước khó khăn thường nhật cuộc sống. Lão không hề biết chuyện chợ búa, cơm nước, càng mù tịt trước những ô tem phiếu lủng củng những thịt với cá, đậu phụ với mắm tôm…Chỉ khi tết đến, công đoàn cơ quan ban phát cho cân thịt, cân cá lão mới “dính” đến. Chính vì vậy lão đâu có nghĩ đáng ra lão cần phải là thương binh, cần một cái thẻ thương binh.

 

Tuy cũng gọi là bị thương, tay chân cũng đôi chỗ bị sứt sẹo nhưng không đến nỗi nào. Chỉ được có tám, chín phần trăm gì đó. Đấy là chuyên môn người ta tính. Chưa được coi là thương binh. Lão nhận một lần đâu được gần 100 đồng từ lâu lắm rồi. Vậy là lão hả hê: nhân dân và đất nước đã ghi công lao của lão.

 

Ngày vợ lão đẻ đứa con đầu lòng, mọi công việc nhà cửa, cơm nước dồn vào vai lão. Đáng sợ nhất là khoản mua lương thực và thực phẩm. Muốn mua gạo phải dạy từ bốn năm giờ sáng xếp “lốt”. Chuyện gạo ngon gạo dở lão rất tù mù. Thôi thì miễn là mua được. Mình thế nào cũng xong. Riêng chuyện nuôi gái đẻ, phải lo cho nó có cái gạo quê, ngon ngon, có chất một chút. Cứ nghĩ đến gạo là lão lo sốt cả ruột, bủn rủn chân tay. Cũng may có gia đình vợ chi viện cho một ít, cũng đủ cho gái đẻ ăn một tháng.

 

Nhưng sợ hơn hết là sợ phải mua thực phẩm. Mua cái gì cũng phải xếp hàng. Bấy giờ lão mới nghĩ đến cái ưu việt của thẻ thương binh. Có cái thẻ đỡ tốn biết bao thời gian. Lão đã thử mượn thẻ của mấy ông thương binh, nhưng lại thấy nó thế nào ấy. Lão nghĩ đến các bạn lão nằm lại nơi rừng rú lạnh lẽo, lão lại thôi. Cái “sĩ” của người lính năm xưa không cho lão mượn. Lão đành xếp hàng. Đến lượt mua thì trên phản thịt của cô mậu dịch chỉ còn lại mấy miếng bèo nhèo bạc nhạc, con ruồi bay qua bay lại cũng đã uể oải vì đã no say, muốn thái được cho nó ra miếng ra khúc lão phải luộc miếng thịt lên, nhìn vợ lão ăn miếng thịt bèo nhèo mình mua, lão xót cả ruột.

 

Lại nghe gái đẻ thì cần phải ăn chân giò để có sữa cho con bú. Lão cũng lặn lội xếp hàng từ tinh mơ. Khốn nỗi một con lợn chỉ có bốn cái chân, đa phần bên hàng ưu tiên có thẻ thương binh  mua hết. Sau vài lần lỡ, lão nghĩ phải liều. Lão dở hơi đến độ thắp hương, lẩm bẩm xin phép các liệt sĩ cho lão được dùng cái thẻ giả để mua. Vậy mà lần đó lão mua được cái chân giò to tướng nặng đến một kí lô cho vợ. Lão sướng đến nỗi lập cập đánh rơi ngay xuống đất, sướng đến tận tối đi ngủ. Vợ lão nhìn cái mặt hả hê của lão sau chiến công mua chân giò mà ứa nước mắt.

 

Còn hắn thì lại khác. Chuyện chợ búa bằng tem phiếu hắn đảm đang hết. Hắn có cái thẻ thương binh thứ thiệt mặc dù hắn chẳng vào chiến trường đánh đấm trận nào. Đó thực là điều lạ với lão. Lão vẫn đang sống với những ngày vinh quang đã qua chẳng hề biết cái thời oanh liệt của lão đã sắp qua. Một thời kỳ ganh đua cạnh tranh đang tới. Chất con người xã hội chủ nghĩa “mình vì mọi người”cũng đang phai nhạt. Đạo đức theo nếp nghĩ cổ xưa, tuy chẳng ai nói ra nhưng lại như đang bị coi là cổ hủ. Ra đường động một tí là dừng lại cãi nhau, đi đến chém giết nhau vì những lý do chẳng đâu vào đâu. Nhiều cái tưởng như chân lý bị xem xét lại. Cuộc sống đang bị những rối bời các khái niệm và định nghĩa bao vây, che phủ. Người ta vẫn tìm đường đi và vẫn nói đường đi đã được định hướng. Nói để an ủi nhau và cũng để lừa dối nhau. Biết đấy mà cứ im lặng. Lão cảm như thấy cái số im lặng càng ngày càng nhiều. Lão buồn. Lão đã vào cái tuổi chiêm nghiệm và ngẫm nghĩ rồi. Lão buồn.

 

Hắn thì lại phới phới. Hắn trẻ hơn lão và nhạy cảm với cuộc sống hơn lão. Cuộc sống công chức và có chút quyền thế làm hắn có bộ mặt thụ hưởng, hả hê lồ lộ. Công chức nhà ta hễ có một chút bổng lộc là nó cứ lồ lộ ngay trên nét mặt cấm có dấu đi đâu được. Một điều nữa là thể hiện trong câu chuyện, qua lời ăn tiếng nói. Chuyện gì của công chức quay đi quay lại rồi cũng sẽ là bàn, là nói về con đường thăng tiến. Đúng thôi! Làm quan ai chẳng mong muốn con đường đó thành đạt.

 

Phải nói là hắn thành công trên đường quan. Cứ bước thúc thắc từng bước, từ thấp lên cao. Không có khó khăn. Vậy cũng là tại số. Công chức bây giờ tin vào số lắm. Nhiều nơi vẫn có bàn thờ thắp hương ngày rằm mùng một. Nơi nào cấm thì vào những ngày đó vẫn cứ có thể làm “chui”. Phong thuỷ cũng được tôn trọng và đi vào cuộc sống rất tự nhiên. Bàn ghế ngồi là phải đúng hướng, hợp tuổi. Vì vậy mới có chuyện nhận ghế mới là phải thay đổi nội thất, trang thiết bị. Mới đây nghe nói, ngay cả cái ông tổng thống bên Hoa Kỳ cũng đã sắp xếp lại phòng bầu dục cơ mà. Khoa học về phong thuỷ mặc nhiên được công nhận và đi vào cuộc sống khi đất nước có chiều phát triển đi lên.

 

*

Lão và hắn quen nhau vì công việc. Kiểu quen biết như vậy thường không bền. Lâu lâu mới gặp nhau đều chỉ vì công việc, xong việc ai về cơ quan đó. Mỗi khi tình cờ gặp nhau đâu đó, mà đa phần lại hay ở quán bia hay nhà hàng, chỉ gật đầu chào nhau. Công chức ta là như vậy mà. Mà có lẽ không chỉ công chức ở ta, ở đâu trên thế giới này không như vậy. Có điều, công chức ta hay đi nhậu bằng tiền chùa nhiều hơn mà thôi. Đi chơi bằng tiền chùa thì dễ thổ lộ những điều ngày thường thường khó nói.

 

Hai cơ quan luôn có những việc phải bàn bạc để thống nhất trình lên lãnh đạo cao hơn. Lão muôn thuở vẫn là chuyên viên nhì nhằng (đấy là cách mà lão tự trào). Với truyền thống luôn tôn trọng và biết ơn quá khứ như lão thì chỉ suốt đời nhì nhằng. Đấy là cách hiểu theo nghĩa đen. Bóng bảy hơn người ta chê lão là thủ cựu. Hắn thì đã chức lãnh đạo to to, đi đâu có xe đưa xe đón. Chuyện lão suốt đời “nhì nhằng” còn hắn cứ “tằng tằng” thăng tiến người ngoài nói nhiều lắm. Tỉ như, lão vào loại cổ hủ, người xưa lắm, vào cái mùa người ta xét lương lậu chức vụ, lão cứ bơ như không. Trong đầu, lão vẫn nghĩ cái sự “chí công vô tư” của người đời, của lãnh đạo. Còn hắn, hắn cười tươi tuốt tuồn tuột bốn mùa với từng ông trong cấp uỷ đến từng thành viên có chân trong cái “hội đồng xem xét”. Phải mở ngoặc thêm, cường độ tất cả những nụ cười đó cũng tuỳ từng thời điểm và trọng trách từng người. Cái đáng nói là như vậy. Vậy là hắn cứ “tằng tằng” và lão thì cứ “nhì nhằng”. Chuyện khác:

 

Hắn và lão nhiều khi phải xuống địa phương công tác. Lão chẳng thích thú nỗi gì khi phải xa nhà, xa cái nếp có cô vợ đảm bên cạnh. Nhưng mà vì công việc nên phải đi và cũng có đi thì mới có thêm thu nhập. Công chức mà lị, ai chả biết điều đó. Hắn thì khác. Mỗi lần đi công tác xa vài ngày là hắn sướng phởn phơ. Còn nhớ cái hồi đầu một tuần làm việc được nghỉ hai ngày, hắn như bị bó chân bó cẳng, không biết làm gì cho hết hai ngày nặng nề dài dằng dặc đó. “Bên cạnh mụ vợ già và lắm mồm luôn xét nét, thời gian đi chậm kinh khủng” Hắn đôi khi nửa đùa nửa thật, than thở với lão. Những ngày này, ngoài giờ làm việc là những buổi vui chơi, quan dưới lo cho quan trên, mọi việc như đã thành nếp. Vui chơi như thế nào thì đã có nhân viên “chỉ điểm”. Hắn rất khoái và “tung hoành” bù cho những ngày tháng bị tình yêu ngày xưa kìm kẹp.

 

Chẳng hiểu vì sao với những tính cách khác nhau như vậy, lão và hắn lại chơi được với nhau. Kiểu dùng chữ “chơi” ở đây phải tuỳ hoàn cảnh. Cũng phải nói là hắn cũng khôn, làm việc trong cái sự tôn trọng và nể nể lão. Mặt khác, cũng phải công nhận là lão nói gì thì nói, cũng xem xem ý của hắn. Những gì không đồng ý thì dấu ở trong bụng. Mọi người đều biết. Vậy là hợp tác được với nhau. Bây giờ đối xử với nhau biết điều như vậy là quý lắm rồi. Sợ nhất là những ông ra roi ngầm, những ông cứ thơn thơn trước mặt, còn sau lưng ta thì cứ liều liệu, bổ nhào dao găm vào sườn lúc nào không biết…

 

Có điều lạ mà không lạ làm lão thích thú, hắn cũng làm như một thói quen. Mọi công việc gì cần hỏi trước khi kết luận, bao giờ hắn  cũng quay sang lão: “Ý ông anh thế nào?”. Lão cười tươi “Tuỳ sếp…” Mọi người đều hiểu coi như công việc đã xong, hai cơ quan đã nhất trí, chuẩn bị ra uống với nhau cốc bia được rồi…

 

Như đã nói, công chức là phải nói chuyện “tiến lên”. Sự tiến bộ thể hiện đẳng cấp. Khi đã ngồi ôtô đi làm việc là đẳng cấp thay đổi rồi, khi đã mang cái hàm cục kịch, vụ viện là có sự đổi đời rồi. Một niềm vui xôn xang, tự hào tràn ngập những ngày đầu ngồi ôtô đi làm việc. Hắn chỉ loáng thoáng liếc mắt nhìn bâng quơ trong khi bao nhiêu con mắt để ý, nhìn hắn, thầm hỏi… Cái đó chính là một trong những cái đích phấn đấu của công chức. Nhưng mà có mấy ai đạt được đâu, vài phần trăm chứ mấy.

 

Lão ít nghĩ về chuyện đẳng cấp. Lão không mong đến lượt. Thời lão là thời của “thép đã tôi”. Từ rừng ra Hà Nội với lão đã là một sự đổi đời. Lo lấy vợ và những ngày tháng gian nan lo miếng cơm cho vợ con đã làm tâm trí lão đủ mỏi mệt. Thời của hắn khác. Ngay thời đang học, hắn đã thấy cần sự đua chen để đảm bảo cho một tương lai. Thời của thực dụng mà. Lý lẽ về cuộc sống  đã có nhiều biến đổi. Đi học và đi buôn phải kết hợp, nhiều người còn tính đi buôn là chính. Trong muôn vàn mục tiêu thuộc kỹ năng cuộc sống, tiền tài và quyền lực luôn được đánh giá cao. Người ta không khoe nghèo và giấu giàu nữa. Và mục tiêu đó hầu như không thay đổi suốt quá trình tiến hoá lịch sử. Hắn nghĩ vậy và cũng ối người nghĩ như vậy. Cho dù vấn đề có được diễn đạt bằng nhiều mỹ từ bóng bảy khác nhau, thì với đại đa số người trong guồng máy hành chính cai trị, quyền lực và đồng tiền vẫn là mục tiêu. Hắn biết như vậy và lão cũng đã nhận ra điều đó. Nhưng lão và hắn cách nhau một thế hệ, những chục năm cơ mà. Một chục năm với đời người là dài rồi còn gì.

 

Ấy vậy mà có những cái, người sống qua “nhiều thời kỳ” như lão lại chẳng thấy thay đổi gì, nếu không nói là kém hơn, xuống cấp hơn. Đấy là cái chuyện vào nằm “nhà thương”. Cái độ ngày xưa, cách đây hơn hai chục năm, nói cho lâu là đã một phần tư thế kỷ, khi đứa con đầu lòng của hắn phải vào bệnh viện cấp cứu đúng vào ngày đầu năm dương lịch vì hóc xương. Con bé chỉ khóc, ăn là khóc. Lão sợ đến nỗi lúng túng không bấm cả được cái khoá cửa. Vợ lão đứng ôm con dưới nhà hét toáng lên, một việc chưa từng có: “Sao lâu thế?”. Đến lúc đó lão mới bấm được cái khoá.

 

Hôm đó nhờ giời, đưa con đến khám gặp ngay ông trưởng khoa. Sau khi khám, hoá ra con lão bị cái xương cá nhỏ như cái tăm mà lại có ngạnh chắn vào cổ họng. Theo thầy thuốc thông báo, vậy là rất nặng. Phải làm giấy cam đoan tránh cho “nhà thương” những điều phiền phức khi có tai biến. Trong cái tình cảnh đó, ai còn nghĩ xa xôi được điều gì. Lão ký, phó thác số phận đứa con cho “nhà thương”. Nửa tiếng như đứng trên đống than, lòng như lửa đốt, thập thò bên phòng cấp cứu, lão thấy người ta bó chặt đứa con bé bỏng, tiêm cho nó một liều thuốc mê…rồi thì mọi việc êm đẹp. Lão nhận từ tay cô y tá phụ giúp ông trưởng khoa đứa con và cả cái xương cá trong cổ họng của nó mà cảm động, chỉ biết nhìn cô y tá và ông bác sĩ trưởng khoa với cái nhìn biết ơn mà thôi.

 

Đến cái hôm rồi, lão đi thăm vợ hắn. Vợ hắn phải cấp cứu vì xuất huyết não, liệt nửa người. Cũng vẫn cái bệnh viện đó, bề ngoài hiện đại hơn, khác hẳn cái “nhà thương”ngày xưa lem luốc. Nhưng vào sâu bên trong thì lại bệ rạc lem nhem hơn ngày xưa, cách đây một phần tư thế kỷ. Quanh cái khuôn viên người thiết kế cố làm đẹp bệnh viện bằng cái vườn hoa nho nhỏ có ghế đá ngồi thì thấy toàn là người và người. Thêm nữa là giường gấp, ghế gấp, là chăn chiếu lộn xộn, ngổn ngang và đặc biệt nổi hơn cả là những bộ mặt nhợt nhạt, hốc hác, bơ phờ vì thiếu ngủ của người nhà bệnh nhân đang phải vật vờ ăn nhờ ngủ đậu ở một xó nào đó để có thể trông nom được người nhà đang ốm đau. Lão bỗng rùng mình, liệu những người này có trụ nổi khi người nhà của họ qua cơn hoạn nạn?

 

Vào tới phòng bệnh trong giờ thăm nom còn đông người hơn. Căn phòng ba bốn chục mét vuông mà cảm như có cả trăm người đang kẻ đứng, người ngồi, người nằm… lố nhố đủ mọi tư thế,  chả khác gì buổi chợ đang đông. Vợ hắn nằm được hai ngày như bị liệt thêm một tay vì bị bà bệnh nằm chung giường “lợi dụng” thể trọng lớn đè cho không xoay sở được.

 

Vợ hắn đâu có thuộc lớp người bươn chải lặn lội, đùng một cái bỗng dưng trở nên nheo nhếch, tha thếch như những người cùng khổ bới rác ngủ đường, cứ mỗi lần thấy hắn là khóc. Hắn  nhờ vả người quen chuyển sang phòng “tự nguyện”. Chuyện “tự nguyện” này thì hắn khá am tường. Được vào phòng “tự nguyện” này cũng khó lắm. Cái khó đó hắn không nói nhưng ai cũng có thể hình dung. Chỉ lão là không hình dung hết. Lão vẫn nhớ cái ngày vị trưởng khoa gắp cái xương cá cho con lão. Một cái phòng hơn chục mét vuông, kê hai giường và cũng phải đóng thêm hai trăm rưởi ngàn một ngày. Hắn thông báo với lão một cách tỉnh bơ. Không có tiền như hắn thì cũng đành vái. Lão bỗng động lòng nghĩ đến cân cam mang vào làm quà mà ngượng cho sự nhỏ nhoi của người thanh bạch. Vậy là nhờ có tiền, vợ hắn thoát bị bà bệnh nhân kia lợi dụng “thể trọng” bắt nạt, cũng thoát khỏi phải nằm trong khu nhà chợ, nhưng quan trọng hơn cả: “Như vậy mới có cơ khỏi bệnh”. Lão đã sáng ra một chân lý. Ai trong hoàn cảnh đó mới thấu hiểu.

 

Lão buột mồm: “Đúng là khác quá…” Ngày xưa vợ lão còn được ôm con ngủ trên một giường. Hai mẹ con ngủ  suốt đêm không động cựa. Bây giờ hắn phải trải một cái chiếu nhỏ dưới gầm giường bệnh của vợ để cũng ngủ chung với người nhà bà bệnh có “thể trọng” lớn đang nằm với vợ bên trên. Nghe chuyện hắn kể tình cảnh mấy hôm đầu vợ nhập viện, lão thật không thể tưởng tượng nổi. Vậy mà sự việc nó sờ sờ ra trước mặt lão đó. “Nhờ giời, nhà lão không có ai phải vào “nhà thương” lúc này…” Nhưng rồi lão lại nghĩ, rồi gì mà chẳng xong. Nhưng xong là xong thế nào? Ra Văn Điển cũng là xong … Lão cười, nụ cười khô héo và lại nhớ về ngày xưa

 

Rồi cũng đến cái ngày nhận sổ về nghỉ hưu. Cũng vẫn như ngày xưa, mà thật ra lão cũng biết mình đâu có cái ngày xưa đó. Ngày xưa đây là ngày xưa của ông thân sinh ra lão. Ông thân sinh lão có câu “sống ăn lương hưu; ốm, chết bệnh viện… chẳng phải nhờ vả ai, chỉ nhờ mỗi Chính phủ”. Lão vẫn thương cái lẽ sống ở đời đơn giản của ông thân sinh lão. Và để an ủi cái thời gian khó, lão  tự nhủ: “Thời đó nó thế”.

 

Lão về hưu và sống cuộc đời bình lặng như bao công chức khác. Chỉ có điều lão không tham gia vào các hoạt động xã hội, chỉ tham gia hội “giao ban nước chè buổi sớm”ngẫu hứng phát sinh bên ông hàng xóm. Các cụ hay nói chuyện nhân tình thế thái, bàn chuyện chính sự và lão thấy thời xưa, thời các cụ còn đi làm việc ấy, cụ nào cụ ấy đều giỏi. Lão cứ đùa đùa thật thật: “Tôi không suốt đời hy sinh chiến đấu đến giọt máu cuối cùng như các cụ được, các cụ bỏ quá cho…”. Các cụ trong tổ hưu nhìn lão, im lặng không nói năng gì. Hình như ai cũng đang ngẫm nghĩ câu nói của lão.

 

Hắn biết được chuyện của lão, một lần đến chơi, hắn nói: “ Em cũng sẽ như bác, nhưng bây giờ bác thông cảm, em phải diễn…” Đến về hưu rồi, lão vẫn cảm thấy chơi được với hắn. Chỉ có điều lão biết “mình suốt đời ngay thẳng, còn hắn chưa chắc…Hắn nói hắn còn đang phải diễn”. Lão nghĩ “Đúng thôi, ai mà chả vậy. Ngay cả mình đây, cũng ối lần diễn. Chỉ có điều nên diễn ít thôi, diễn nhiều một bài, nhạt lắm!”

 

Lão có nhiệm vụ phải đưa đón cháu đi học. Thằng bé mới vào lớp một. Lão chứng kiến thằng cháu lớn lên từng ngày như mẹ nó ngày xưa. Lão có niềm vui là thằng bé học giỏi và ngoan. Nhưng rồi qua học kỳ đầu, lão thấy thằng bé buồn. Hỏi vì sao. Thằng bé khóc không nói. Lão tìm hiểu. Hoá ra thằng bé không được cô yêu bằng các bạn khác. Hắn đến chơi, lão kể chuyện thằng cháu. Hắn bảo: “Bác để em lo chuyện này…” lão tưởng hắn nói chơi chơi. Học kỳ sau, cháu lão  nhất lớp. Lão khoe với hắn. Hắn cười: “Bác cứ trên mây trên gió, phải biết định hướng cho nó đi là vừa”. Lão cười: “Còn bé quá, định hướng làm gì vội…” Hắn không cười nữa, biết nói với lão chuyện này rất khó. Thôi cho qua đi.

 

Thời gian cứ trôi như dòng sông ngày nước lớn. Lão cảm thấy rất rõ khi thấy thằng cháu lớn dần. Nó nhận học bổng và ra nước ngoài học từ lớp chín. Lão cười sung sướng khi nghĩ đến cháu. Đúng là hơn ông, hơn cha. Chỉ có điều khi về nước, nó cứ tìm mấy cái công ty nước ngoài làm việc. Nó bảo với ông nó: “Cháu làm ở đây nuôi được cả ông bà và bố mẹ.” Nghe cháu nói, lão không buồn cũng không vui. Lão nghĩ đến ông thân sinh ra lão. Thời kỳ mới bắt đầu từ lâu rồi, sao mình vẫn cổ hủ vậy nhỉ? Và lại cười, nụ cười chẳng ra buồn cũng chẳng ra vui./.

 

Ngày đầu năm rét buốt

25/01/10

Vinh Anh
Số lần đọc: 2170
Ngày đăng: 06.05.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Giấc Mơ - Nguyễn Lệ Uyên
Những mảnh vở (15) - Nguyễn Thị Hậu
Phượng hồng - Minh Hương
Chiếc Radio cũ - Nguyễn Đức Tùng
Chùm truyện ngắn : Xạo /Con mèo - Huỳnh Văn Úc
Trái tim chết - Nguyễn Văn Thịnh
Tình Yêu Vô Tận - Âu thị Phục An
Bản tin giờ thứ 25 - Trần Trung Sáng
Yêu anh như yêu màu nắng… - Dạ Quỳnh
Làng ma - Trọng Huân
Cùng một tác giả
Mưu sinh (truyện ngắn)
Chuyện vặt (truyện ngắn)
Lão và hắn (truyện ngắn)
Phượng (truyện ngắn)
Công chức (truyện ngắn)
Gặp lại ngày xưa (truyện ngắn)
Lời từ nơi hư ảo (truyện ngắn)
Vào hội (truyện ngắn)
Bãi giữa (tạp văn)
Mùa thu (tạp văn)
Người quê (truyện ngắn)
Nhớ làng (truyện ngắn)
Bạn thời lính (truyện ngắn)
Ánh mắt sông quê (truyện ngắn)
Ngõ nhỏ ngày xưa (truyện ngắn)
Đất làng (tạp văn)
Ở rừng (truyện ngắn)
Chuyện tình kể lại (truyện ngắn)
Hai thằng nó và tôi (truyện ngắn)
Hương vô tình (truyện ngắn)