Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.084
123.232.904
 
Nghĩ về Sáng tạo và tiếp nhận văn học hiện nay
Hồ Thế Hà

Sáng tạo và tiếp nhận văn học luôn là vấn  đề bản chất, then chốt của Khoa nghiên cứu văn học. Và thực tế, các nhà lý luận văn học đã  quan tâm nghiên cứu mối quan hệ này từ nhiều cấp độ lý luận với nhiều quan niệm khác nhau. Ở bài viết ngắn này, chúng tôi không bàn về mặt lý thuyết của vấn đề sáng tạo và tiếp nhận văn học mà chỉ suy nghĩ về thực tiễn và những giới hạn của chúng trong tình hình văn học hiện nay ở nước ta.

Quả là có những quan niệm trái chiều nhau về cách đánh giá và tiếp nhận văn học trong những năm vừa qua. Xuất phát của tình hình trên, theo tôi, trước hết là do sự thay đổi nhanh chóng và đa dạng của quá trình sáng tạo văn học. Nhiều tác phẩm của các tác giả – cả trẻ và cao niên – đã có cách thể hiện mới lạ và phong phú, khác xa với cách thể hiện truyền thống và họ tự gọi đó là văn học đổi mới hay văn học theo xu hướng hiện đại, hậu hiện đại…Thế nhưng, lấy mốc từ năm 2000 trở lại nay, trên văn đàn nước ta vẫn chưa có nhiều tác phẩm  nổi đình nổi đám và neo được sâu đậm trong lòng độc giả. Trái lại, có sự phân hóa rất sâu sắc trong đời sống văn chương nước nhà. Và đặc biệt là chúng chưa tạo ra được một thời đại văn học mới như họ từng nghĩ và lạc quan, chưa kể, có người tự ngộ nhận. Vì sao? Đó là câu hỏi mà nhiều người quan tâm nhưng không dễ giải đáp một cách bản chất và có tính thuyết phục.

Trước khi đưa ra nhận định riêng của mình về  thực trạng trên, tôi xin nêu thực tế sáng tác của nước ta trong những năm vừa qua, chủ yếu là mốc từ đầu thế kỷ XXI trở lại đây. Đó là hiện tượng có nhiều nhóm, nhiều người tự tuyên bố về khuynh hướng sáng tác của mình. Trong thơ, có nhóm Ngựa trời, nhóm Mở miệng, nhóm Tân hình thức, nhóm Dự báo phi thời tiết, nhóm @ này, @ nọ; trong văn xuôi, có những cách tân về chủ đề, đề tài, về quan niệm nghệ thuật về con người, về ứng dụng cách thể hiện phân tâm học, về chủ nghĩa cấu trúc, chủ nghĩa hiện sinh, về văn học tính dục… Và trong từng nhóm, từng cá nhân đều có cách riêng của mình trong xây dựng  tác phẩm. Đứng về phương diện in ấn và công bố, cũng có nhiều cách, nhiều hình thức. Nào là xuất bản thành sách, nào là xuất bản qua mạng, nào là tờ rơi, nào là diễn đọc trên các diễn đàn… Nghĩa là có sự phân hóa lớn trong đời sống văn chương theo định hướng của từng cá nhân và của từng nhóm. Dĩ nhiên là trong tình trạng chung đó, vẫn có những tác phẩm tiêu biểu, có giá trị mà tác giả của chúng không hề tuyên bố theo khuynh hướng này, khuynh hướng nọ. Họ viết với lòng tin sâu sắc vào cuộc sống và con người, vào sự hoàn thiện và sáng suốt đạo đức, sáng suốt nhân cách của mỗi cá thể hiện sinh. Nghĩa là chủ nghĩa nhân văn trong tác phẩm của họ vẫn sáng ngời với những tìm tòi, thể nghiệm mới mẻ về mặt hình thức và nội dung. Và chủ yếu là những tác phẩm ấy, đa số, có sự thống nhất trong đánh giá và tiếp nhận của công chúng bạn đọc, kể cả những người đọc cao cấp – nhà phê bình chuyên nghiệp.

Về phía người đọc, chúng tôi nhận thấy rằng ngày nay, mọi người đều có mặt bằng văn hóa cao và  khả năng tiếp nhận văn học của họ cũng đa dạng, phong phú và đầy sáng tạo. Đó là nhân tố cần thiết và thuận lợi cho quá trình phát huy và phát triển của nền văn học dân tộc, kích thích chủ thể sáng tạo liên tục tìm tòi, đổi mới. Vậy tại sao vẫn còn tình trạng nhiễu tiếp nhận trong những tác phẩm cụ thể? Tìm hiểu bản chất của vấn đề trên sẽ phần nào giải thích được những băn khoăn của nhiều người.

Theo tôi, trước hết là ở sự nhận thức của từng chủ thể sáng tạo. Nhà văn bất kỳ ở thời đại nào cũng đều sống trong một từ trường đời sống và văn hóa cụ  thể. Họ không thể thoát khỏi sự quy định có tính xã hội – văn hóa ấy. Vậy, những tác phẩm của họ – dù sáng tác theo khuynh hướng nào, kiểu tư duy nào cũng phải được chấp nhận, miễn là tác phẩm ấy mang chủ nghĩa nhân văn sâu sắc, vì sự sống và khát vọng cao đẹp của con người, vì giá trị chân – thiện – mỹ của từng thời đại. Hơn nữa, văn học là loại hình nghệ thuật đặc thù, nó phản ánh cuộc sống bằng hình tượng thông qua chất liệu ngôn từ cũng rất đặc thù. Cho nên, nó có thể miêu tả cuộc sống như nó vốn tồn tại, đang tồn tại hoặc như nó sẽ tồn tại, phải tồn tại. Khả năng đón đầu, dự báo của văn học nhiều lúc đi trước thời đại cả hàng vài, ba chục năm, có khi hàng nửa thế kỷ… là chuyện thường thấy trong văn học của nhân loại từ trước đến nay.

Vấn đề là, làm sao để tạo ra cho được một thời  đại mới trong văn học, tạo ra được cuộc cách mạng trong văn chương? Điều ấy, các văn nghệ sĩ phải thường trực suy nghĩ và động não tìm tòi, thể nghiệm. Tìm tòi, thể nghiệm không chỉ cho riêng mình – dù lúc đầu có thế thật. Nhưng quan trọng hơn là sau những tìm tòi, thể nghiệm ấy, chúng phải trở thành hấp lực và thu hút mọi chủ thể sáng tạo học tập, cộng hưởng để cuối cùng tạo ra một phong trào rầm rộ với hệ thi pháp độc đáo, mới mẻ, làm chuyển biến cho cả một thời kỳ hoặc một giai đoạn văn học với nhiều tác giả và tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc. Và đặc biệt là thi pháp văn chương của cả phong trào ấy được bạn đọc cả nước đón nhận nồng nhiệt. Tôi nghĩ rằng, nếu tạo ra được những chuyển biến có tính cách mạng  hợp quy luật như thế thì nền văn học giai đoạn ấy, thời kỳ ấy sẽ sống mãi, sẽ có giá trị như một nối tiếp giá trị mới cho từng chặng hành trình của cả tiến trình văn học.

Soi chiếu vào nền văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945, 1954 – 1975 thì vấn đề trở nên sáng tỏ. Thơ  mới, văn chương Tự lực văn đoàn, văn chương hiện thực phê phán giai đoạn 1930 – 1945 đã thực sự trở thành những phong trào có sức hấp dẫn lớn, thu hút bao thi sĩ, văn nhân tài danh cùng tự nguyện đứng vào hàng ngũ và sáng tạo theo những tuyên ngôn riêng của nhóm, theo một phương pháp sáng tác nhất định, để cuối cùng trong sáng tác của họ, những đặc điểm thi pháp chung và riêng hiện ra một cách đa dạng, mới mẻ, tạo thành “một thời đại văn chương” âm vang, lộng lẫy. Và quan trọng hơn nữa là toàn bộ những thành tựu ấy của cả phong trào được độc giả cả nước cổ vũ đón nhận, xem như sức mạnh tinh thần và tình cảm của mình. Và cũng chính độc giả là nhân tố kích thích tác giả luôn tìm tòi, đổi mới để không ngừng tạo ra những bước nhảy vọt mới về chất cho các sáng tác trong giai đoạn kế tiếp. Văn học Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975 cũng diễn ra trong quy luật như thế. Các văn nghệ sĩ đã học hỏi và sáng tạo trong một từ trường lịch sử – văn hóa thống nhất và có chung một quan niệm về nghệ thuật và con người, về vai trò của nhà văn trong hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ. Và họ đã thực sự tạo ra một hệ thi pháp mới mẻ – thi pháp văn học chống Mỹ cứu nước, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của độc giả cả nước thời bấy giờ. Văn học chống Mỹ đã thực sự là sức mạnh tinh thần của toàn dân, làm thành một thời đại văn chương theo phạm trù yêu nước, cách mạng và sử thi. Các tác giả ưu tú và tiêu biểu của giai đoạn này đến hôm nay vẫn đang là những tác giả sung sức, chủ lực, luôn tìm tòi, đổi mới và có nhiều đóng góp cho nền văn học hậu chiến của chúng ta với những tác phẩm xuất sắc theo yêu cầu của con người hiện đại, theo tầm đón của công chúng đương đại.

Trở lại vấn đề văn học hôm nay, tại sao ta chưa có nhiều những tác phẩm lớn  có giá  trị như mong ước của mọi người? Tại sao ta chưa tạo ra được phong trào và chưa tạo ra sự  thống nhất về khuynh hướng sáng tác để tạo ra hệ thi pháp tiêu biểu cho cả một thời kỳ và giai đoạn? Đó là vì, theo tôi, các văn nghệ sĩ chưa ý thức được vấn đề trên một cách sáng rõ. Mỗi người mỗi quan niệm, mỗi tuyên ngôn, mỗi cách thể hiện riêng mà theo họ, đó là độc đáo, là cách tân mới lạ của mình. Hơn nữa, các sáng tác kiểu ấy, đa phần lại công bố trên mạng, trên các phương tiện đặc biệt khác, chỉ một số người đọc được, còn đa số các độc giả khác chưa có dịp tiếp xúc. Vậy thì làm sao tạo ra được sự cộng hưởng về dư luận tiếp nhận, làm sao tạo ra được sự thống nhất nhưng đa dạng về thi pháp, khả dĩ đại diện mới mẻ và hợp quy luật cho văn chương thời đại mình? Vì vậy, sau những tuyên ngôn của họ, một thời đại văn học mà họ mong muốn vẫn ở tận đâu đó trong hút hắt của im lặng.

Ở đây, ta chưa kể những cách tân cực đoan, những thăm dò và thể nghiệm vô tăm tích, ngoài tầm đón nhận và đón đợi của đa số độc gả đương thời. Không đón nhận và  đón đợi không phải vì họ không hiểu hay cố  tình không hiểu mà khách quan cũng có sự non kém do học đòi và tiếp thu nước ngoài một cách sống sượng, thiếu chọn lọc từ phía chủ thể sáng tạo. Mà theo tôi, một tác phẩm không được độc giả số đông ( cả số ít ) thừa nhận thì tác phẩm ấy cũng tự nó đi vào quên lãng. Đó là nói về một tác giả. Ở đây, còn có hiện tượng nhiều tác giả, nhiều nhóm văn hữu, thi hữu tuyên bố rùm beng, nhưng cũng không tạo được sự hưởng ứng của độc giả (cả số đông và số ít) với tác phẩm của họ. Đó là tình trạng đang diễn ra với văn học mạng, văn học diễn đàn. Tình trạng đó kéo dài trong sự hờ hững đáng thương, chứ không phải như có trường hợp do ngộ nhận hoặc đánh giá sai, thiếu thiện chí. Bởi vì, nếu đánh giá sai và thiếu thiện chí thì bao giờ cũng được những người đánh giá đúng và có thiện chí bênh vực, thừa nhận. Nói ra điều này, tôi vẫn khẳng định rằng, văn học Việt Nam thời đương đại vẫn đang trên con đường khẳng định và phát triển, vẫn thể hiện sức sống mãnh liệt của mình với một chủ nghĩa nhân văn sâu sắc, với chất lượng nghệ thuật ngày càng cách tân, hiện đại của các tác giả tâm huyết, luôn tìm tòi và cách tân độc đáo. Những nhà văn chân chính bao giờ cũng là những nhà tư tưởng, nhà mỹ học và nhà đạo đức học trên hành trình sáng tạo không mệt mỏi của mình để hoài thai những tác phẩm có giá trị. Tôi chỉ không đặt niềm tin vào những giá trị dởm, những giá trị ảo. Mà điều đó, những độc giả có trình độ cao thì không dễ gì đánh lừa được họ.

Dĩ nhiên là chúng ta cũng phải thừa nhân rằng những hạn chế, bất cập ở phía người đọc, đặc biệt là người đọc phổ thông, bình thường trước những đổi thay của đời sống văn học đương đại thế giới và trong nước là có thật. Chưa kể đến những thực tế có liên quan đến văn học hậu hiện đại thì vấn đề lại càng phức tạp hơn. Lúc ấy, những giới hạn của chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận cũng là một thực tế. Cũng chính lúc ấy, Khoa nghiên cứu văn học lại phải thể hiện vai trò là “mỹ học và triết học” đang vận động của mình để trừu xuất và định hướng các vấn đề có liên quan đến quy luật sáng tạo và tiếp nhận văn học để những gì còn tiềm ẩn, tranh cãi được hiện lên một cách hiển minh và khoa học, nhằm định hướng thẩm mỹ cho người đọc và cả người sáng tác.

Hơn lúc nào hết, trước mắt và lâu dài, những người làm công tác văn học nghệ thuật phải cùng nhau tìm một lối thoát và lối mở cho văn chương với một khát vọng thành thực, một tri thức và tinh thần học thuật cao để đưa văn học Việt Nam nhanh chóng hội nhập với văn học thế giới, vừa hiện đại, vừa đậm bản sắc dân tộc, vừa nhân văn chủ nghĩa, rút gần khoảng cách xa lạ với những gì mà văn chương nhân loại đang hướng đến và theo đuổi trong thời đại ngày nay. Hãy đề cao những giá trị thật, độc sáng và phát huy chúng không chỉ trong phạm vi dân tộc mà cả trong phạm vi thế giới; đồng thời cảnh báo, xóa bỏ những giá trị giả, giá trị ảo, giá trị phi nhân bản để văn học mãi mãi là sức mạnh tinh thần, có tác dụng thanh lọc và cứu rỗi tâm hồn con người trong hiện tại và lâu dài. Có như vậy, chúng ta tin rằng văn học Việt Nam  sẽ nhanh chóng tiến về phía trước, tránh lãng phí thời gian vàng ngọc để lao vào những thể nghiệm xa vời, thiếu khả năng thành hiện thực, dù nhiều lúc, chúng ta cũng biết rằng “thất bại là mẹ thành công”. Nhưng chúng ta cũng biết rằng có những thất bại vô cùng xa xót, chúng làm cho những thành công về sau cảm thấy buồn cười và đáng trách./.

Vỹ Dạ, tháng 8 năm 2009

Hồ Thế Hà
Số lần đọc: 2402
Ngày đăng: 07.05.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chính trị, kích thước cơ bản của con người - Phan Huy Đường
Thơ tình phổ quát và thơ tình hải ngoại - Trần Văn Nam
Thái sư, Tuy Thạnh Quận công Trương Đăng Quế -3 - Trương Quang Cảm
Thái sư, Tuy Thạnh Quận công Trương Đăng Quế -4 - Trương Quang Cảm
Thái sư, Tuy Thạnh Quận công Trương Đăng Quế -5 - Trương Quang Cảm
Vào Việt Nam (1533-1659), Công Giáo đã gửi Những Giáo Sĩ Trách Nhiệm - Trần Văn Cảnh
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê trả lời bạn đọc Văn nghệ Trẻ -2 - Nguyễn Khắc Phê
Thái sư, Tuy Thạnh Quận công Trương Đăng Quế -2 - Trương Quang Cảm
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê trả lời bạn đọc Văn nghệ Trẻ - Nguyễn Khắc Phê
Chất Dân Gian trong Thơ Nôm Nguyễn Khuyến - Trần Minh Thương