Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.218.491
 
Cuộc trò chuyện sau cùng với nhà thơ Hoàng Cầm
Nguyễn Việt Chiến

9 giờ 13 phút sáng 6.5.2010, nhà thơ của Bên kia sông Đuống đã từ biệt cõi trần ở tuổi 89.

Nghe tin dữ, tôi chạy ngay đến chỗ ở của gia đình ông ở phố Lý Quốc Sư. Gia đình cho biết, ông ra đi sau 4 ngày nằm cấp cứu vì sốt viêm phổi ở Bệnh viện Việt -Xô, tang lễ nhà thơ sẽ được Hội Nhà văn tổ chức dự kiến vào ngày 12.5.

 

Điều trăn trở lớn nhất của gia đình là chưa biết đến bao giờ cuốn hồi ký của nhà thơ Hoàng Cầm được xuất bản. Cuốn hồi ký này đã ký hợp đồng xuất bản với NXB Phương Nam mấy năm nay nhưng không hiểu vì sao vẫn chưa được ra mắt bạn đọc.

 

Mấy năm gần đây, nhà thơ Hoàng Cầm sau tai nạn bị gãy chân, hầu như không ra khỏi nhà. Gia đình cho biết, khoảng hơn một năm trở lại đây, ông không còn sáng tác và không còn minh mẫn để đối thoại với bạn bè, để kể lại những thăng trầm của một đời thơ lừng lẫy từng “vang bóng một thời”. Trước thời điểm đó, tôi may mắn được hầu chuyện Hoàng Cầm trong một buổi chiều tĩnh lặng, trên căn gác vắng vẻ của gia đình ông ở phố Lý Quốc Sư. Tôi cũng không ngờ, đấy là lần sau cùng, nhà thơ Hoàng Cầm còn ngồi dậy được, để trả lời những câu hỏi phỏng vấn của tôi với tư cách là một nhà báo.

 

Lần đó, sau một hơi thuốc lào khá say sưa, Hoàng Cầm phả khói lên không và chậm rãi nói:

 

- Tôi ngày một già yếu, mỗi bữa ăn được bát cháo ninh xương, mệt cả ngày. Đêm chỉ ngủ vài ba tiếng, ngày không ngủ được, cứ toàn nằm thao thức. Muốn đi thăm bè bạn cũng không được. Cái tuổi già nghĩ khổ lắm. Tôi đã gửi cuốn băng ghi âm ghi những lời tôi kể về cuộc đời tôi đưa cho NXB Phương Nam để họ làm cuốn hồi ký. Hiện tại thì tôi không viết được nữa, tuy có những xúc cảm về thơ nhưng cầm bút lên thì không viết được nữa.

 

* Bác đánh giá thế nào về nhóm nhà thơ cách tân đầu tiên ở thế hệ bác như Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng, Dương Tường?

 

- 5 người chúng tôi không chỉ là một nhóm thơ cùng chí hướng mà còn là tình bạn gắn bó lắm. Tất cả những bài thơ mới viết, chúng tôi đều đọc cho nhau nghe, không ai giấu ai cái gì, tất cả đều vì thơ ca. Vì là bạn thân nên chúng tôi hiểu được những điều muốn nói của nhau trong thơ, cái mà người khác có khi không hiểu được.

 

* Bác đánh giá thế nào về những cách tân thơ của Trần Dần?

 

- Trần Dần là số 1, ông ấy lù lù như núi Thái Sơn về cách tân thơ và có rất nhiều đóng góp cho thơ hiện đại. Trần Dần chủ định đổi mới thơ và tìm tòi, cân nhắc trong từng câu chữ. Trần Dần lặng lẽ kiên trì đổi mới thơ sao cho bài sau phải khác bài trước theo một cách làm khác người. Trần Dần đổi mới ngay từ trong kháng chiến khi viết bài thơ dài Việt Bắc. Ông Trần Dần quyết định chôn “Thơ mới Tiền chiến”. Thật ra, “Thơ mới Tiền chiến” cũng có đóng góp lớn cho nền thơ Việt Nam nhưng nếu chúng ta cứ nhai đi nhai lại mãi thì cũng nhàm chán. Do vậy Trần Dần phải cách tân.

 

* Còn về Đặng Đình Hưng với 2 tập thơ Bến lạ và Ô mai, thưa bác?

 

- Đến Đặng Đình Hưng thì thơ thật mới lạ. Sau khi đọc tập Bến lạ của Đặng Đình Hưng, thì Trần Dần khen hết lời. Ông bảo tôi: “Mày phải đọc Đặng Đình Hưng đi, thằng này mới là ghê, là lớn đấy”. Tôi đọc mới đầu cũng thấy thơ ông Hưng hơi lủng củng, khó hiểu nhưng sau rồi đọc kỹ mới thấy lạ, thấy hay thật vì cách dùng chữ mới lắm, nó cứ bắt buộc người ta phải đọc lại, không thể bỏ qua được mà phải đọc đi đọc lại tới bốn, năm lần mới vỡ ra được. Và đọc Đặng Đình Hưng không phải dễ đâu. Đến tập Ô mai thì là một truyện thơ trữ tình với những suy nghĩ của Đặng Đình Hưng khi gặp một cô gái ở trong một quán rượu.

 

* Hôm cháu gặp bác Lê Đạt, bác ấy nói với cháu về thế hệ thơ cách tân đầu tiên như thế này: Trần Dần là trưởng môn phái, còn Hoàng Cầm thì giời cho ông ấy thơ, ông ấy không cố tình cách tân mà thơ vẫn cách tân. Bác đánh giá thế nào về thơ cách tân của Lê Đạt?

 

- Có thể nói Lê Đạt là một nhà thơ “bạo phổi”, nếu có một cái mới nào đó đưa được vào thơ mình là ông ấy bất chấp dư luận xung quanh và đấy chính là một ưu điểm của Lê Đạt. Tôi làm thơ là theo bản năng và tôi không định làm một cái gì cả. Tôi không bao giờ thích lý luận về thơ ca, làm thơ thì cứ làm thế thôi. Tập thơ về Kinh Bắc nhiều người khen ngợi quá tôi cũng thấy ngượng. Thỉnh thoảng có Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo lại chơi. Vừa rồi có một đoàn làm phim từ Mỹ về có đến quay phỏng vấn tôi mấy lần.

 

Thấy nhà thơ có dấu hiệu mệt mỏi, tôi không dám hỏi chuyện ông nhiều nữa. Buổi chiều hôm ấy, khi chia tay, tôi còn nhớ mãi dáng vẻ của ông với mái tóc bạc lãng đãng như khói sương cổ kính. Hôm nay, Hoàng Cầm đã từ bỏ chúng ta để trở về “bên kia sông Đuống”.

 

Nhà thơ Hoàng Cầm tên khai sinh là Bùi Tằng Việt, sinh năm 1922, quê xã Song Hồ, H.Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, tham gia Việt Minh từ năm 1944, hoạt động văn nghệ quân đội trong những năm kháng chiến chống Pháp, từng là Trưởng đoàn Văn công Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân VN, ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn VN. Ông được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007. Đã xuất bản gần hai chục tác phẩm, gồm: truyện ngắn, truyện vừa, thơ, kịch, thơ dịch, truyện thơ. Trong đó, có các tập thơ nổi tiếng: Bên kia sông Đuống, Về Kinh Bắc, Tiếng hát quan họ, Lá diêu bông, Mưa Thuận Thành, Men đá vàng, 99 tình khúc...  /.

 

Theo TNO

Nguyễn Việt Chiến
Số lần đọc: 1876
Ngày đăng: 07.05.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Khi Trái Tim Biết Khóc - Vương Chi Lan
Mùa thu không trở lại - Trần Áng Sơn
Một Thoáng về “chữ ăn” - Lâm Bích Thủy
Nỗi ám ảnh của tên hề mất trí - Lê Huỳnh Lâm
Thư ngỏ gửi Tổng Giám đốc BBC - Đinh Kim Phúc
Thư gửi bạn hiền - Vũ Quốc Hùng
Vĩnh Biệt Nhà Văn Trần Bình Dương – Người Tôi Không Quen - Phạm Ngọc Hiền
Suy nghĩ về câu tục ngữ: cha mẹ sinh con Trời sinh tánh… - Mang Viên Long
Tháng tư về - Nguyễn Thị Hậu
Tượng đài - Trần Quang Vinh
Cùng một tác giả
Em gái tôi (tuyển thơ)