Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.152
123.225.030
 
Nỗi lo hậu sự
Việt Thư

Tôi đã đi qua không biết bao nhiêu Nghĩa địa. Những năm gần đây, đứng trong Nghĩa địa, tôi thường âm thầm tự nhủ : “Xóm này, chính là  xóm cuối của một đời người”. Nhà tôi phải chuyển đổi hàng chục lần chỉ vì hàng xóm. Có lần chuyển đổi thiệt đơn, thiệt kép, nhưng bù lại, ổn định được sự bình an. Cái xóm yên nghỉ vĩnh hằng này, ai người lựa chọn cho tôi ? Và, cũng thật khó, biết lựa thế nào đây ? Con người khi sống luôn quay quắt, gian trá, không biết hồn ma lúc chết có cao thượng, tử tế hơn ? hay vẫn xác nào hồn ấy ??? Tôi ngồi cô độc, đăm đăm hướng về chân trời thăm thẳm…

 

*

Hình như trong cái thăm thẳm vô cùng ma mị, mờ mờ, tỏ tỏ, có một Nghĩa địa thật trang nghiêm, thật hoành tráng. Sự trang nghiêm, hoành tráng không hề phụ thuộc vào màu sắc, hoặc kiến trúc lạ lẫm, độc đáo gì. Tất cả bình dị. Bình dị như một trang trại quê mùa miền sơn cước : Một mái lá, một rặng rào bàng bạc ánh trăng. Bình dị như dòng suối nhỏ êm đềm trôi chảy giữa bình minh. Rồi, trời chiều đổ bóng. Hàng cây phong cổ đại rực rỡ buông màu đỏ úa. Thảm cỏ kim sâm sẫm, len lỏi đan xen quanh những nấm mồ như nét chấm phá của dòng tranh thủy mạc. Lác đác khóm anh đào, khóm thiên điểu, hay một vài cụm địa lan trái sáng, hằn nét đìu hiu tĩnh lặng. Bạt ngàn hàng thánh giá rêu phong, nhân ái và bình đẳng nép mình dưới bàn tay chở che của Chúa.

Tôi đã đến Nghĩa trang Trường Sơn – một trong Nghĩa trang lớn nhất Việt Nam. Nơi yên nghỉ của những người lính chiến. Giữa núi rừng hùng vĩ, lớp lớp ngôi mộ xếp hàng quy củ, được xây theo hình chữ nhật, chiều cao, chiều dài, chiều rộng đồng loạt như nhau, trùng trùng điệp điệp, chẳng khác nào đoàn quân oai hùng đang cúi đầu lắng nghe Nhật lệnh. Màu vôi trắng, trắng xóa rừng chiều. Anh bạn cùng Đoàn với tôi thầm thì như rót thẳng vào tai : “Cuộc đời người lính phút này là phút thanh thản nhất !” Tôi bảo : “Chưa hẳn thế”. Anh bạn lại nói : “Cái chết của người đàn ông là ở chỗ này”. Tôi bảo : “Những dòng chữ trên mộ ghi rõ nơi đây có rất nhiều phụ nữ”. Anh bạn tôi than thở : “Mỗi khi mở trang sử nước mình, lòng lại nao nao chinh chiến !” Tôi nín lặng bồi hồi.

 

Tôi cũng đã đến Nghĩa trang Nghệ sĩ Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh. Có lẽ đây là Nghĩa trang lạ lùng nhất ở Cõi Người. Nghĩa trang nằm trong khuôn viên chùa Nghệ sĩ. Hai câu thơ bên vách chùa như thức tỉnh kiếp người, thức tỉnh phần nào nỗi lênh đênh, nhân tình thế thái : “Người vào cởi áo lau son phấn / Trả lại vinh hoa lẫn đoạn trường”. Những Nghệ sĩ an nghỉ nơi đây hầu như đã rũ sạch bụi trần, rũ sạch mọi công danh phù phiếm, nhẹ lòng về với thiên nhiên cây cỏ, về với tiếng kệ, tiếng kinh, về với tiếng chuông, tiếng mõ.

Khi chưa hiểu gì về Nghĩa trang Nghệ sĩ, tôi cứ tưởng Nghĩa trang do UBND thành phố xây dựng. Ngày đêm tôi nhấp nha nhấp nhổm muốn chuyển hẳn gia đình vào thành phố đó. Tôi nghĩ, ít ra mình cũng nhanh chân xí được cái phần hậu sự cho mình. Bởi, xét cho cùng, tôi có khá nhiều chữ “sĩ” gắn liền với tên tuổi. Thằng bạn tài hoa Phan Chí Thành, giáo viên khoa triết… chỉ có mấy câu thơ mà cao giọng : “Anh đây thi sĩ một bài / Em là trinh nữ đã hai đời chồng...” Mình chẳng phải mấy câu, mà có đến hai, ba bài thơ đăng tạp chí Văn hẳn hoi, dù tự nhận là Thi sĩ cũng chẳng có gì quá. Về họa thì đấy, bức chân dung tự họa của tôi, treo lù lù ngay giữa gian phòng khách chả phải trác tuyệt đó sao. Biết bao khách vãng lai, nâng nhẹ  tách trà, rồi trầm trồ rằng “nghệ thuật trừu tượng”, “nghệ thuật không tưởng”. Họ dùng những cụm từ dễ nể, dễ sợ để ngợi ca cái thần bút pháp : Trường phái động vật Từ Bi Hồng. Học thuyết thời tiền sử, hay sắc màu Vangoc. Họ nói. Họ bàn. Họ lí luận cứ như những Viện sĩ trong phòng Hội thảo. Tôi hiểu cái thời “kĩ thuật số” lên ngôi này, họa dễ lẫn sang trò ú tim. Tôi chơi trò ú tim với họ. Tôi thích được nhìn tận mắt những con người tỏ ra rất đỗi thông minh, nhưng thật ra, họ chẳng hề biết gì về cái gọi là thông minh ấy. Tôi khoái trá với bức chân dung của mình, vì ít nhiều nó đã khai thác được điểm yếu, điểm lòe bịp của con người. Về nhạc thì chỉ một hành khúc “Hu ra” với ca từ, tiết tấu, gầm gào thét réo, thúc giục con người nhẩy vào nước sôi, lửa bỏng cũng đủ mê hoặc lắm rồi. Con người cuồng như say rượu. Con người điên như nhập đồng. Con người thoát xác như cơn sóng ngả nghiêng, vẫy vùng, ồ ạt, cổ vũ cho nền bóng đá nữ nước nhà, nền bóng đá vinh quang và non trẻ. Ca khúc này, nói theo cách khiêm nhường cũng đánh đổ tất tần tật các nhạc sĩ đương thời, đương đại. Tôi có vỗ ngực nhận là Nghệ sĩ, giành chút phần mộ cho mình cũng chẳng một ai dám ghen, dám tị.

 

Nhưng, sau khi đứng giữa Nghĩa trang Nghệ sĩ, tôi biết mình nhầm. Mình chỉ là thứ rởm. Nơi đây hội tụ những tâm hồn lớn. Những tâm hồn cả đời sống chết với nghề. Nghề ở đây được nâng lên thành Đạo. Sinh vì Đạo. Tử cũng vì Đạo. Nghệ sĩ chọn nghề, là chọn Đạo, chọn cả vị thế chông chênh làm chỗ đứng. Nếu một khi bất trắc, cuộc đời, hay tạo hóa trớ trêu, tước đoạt chất “Nghệ” trong con người Nghệ sĩ thì người Nghệ sĩ lập tức trở thành phế nhân, sống cũng dở, mà chết cũng dở. Đặc biệt, có mảnh đời hương trời, sắc nước, vang bóng một thời, nhưng bạc phận, lúc chết cô đơn, không người huyết thống, không manh chiếu bó thân. Các bạn bè Nghệ sĩ giang tay ôm bạn, đưa bạn về Nghĩa trang, sớm tối sum vầy. Đây không phải Nghĩa trang quốc doanh. Đây là Nghĩa trang tư. Tư - nhưng không chủ quyền độc chiếm. Nghĩa Trang được hình thành và gây dựng từ Tâm Hồn Nghệ sĩ thứ thật !

 

Có người đàn ông hỏi tôi : Suốt hai mươi năm trời, chả lẽ bạn không một lúc nào chợt nhớ đến tôi ? Tôi lắc đầu : Không, tôi không nhớ ! - Không nhớ tôi, nhưng vợ tôi thì bạn phải nhớ chứ ? Người đàn ông cố tình níu kéo. Tôi miễn cưỡng : Không, không hề. Người đàn ông vẫn đeo đẳng tâm tình : Sau khi sống với cô ấy, tôi khám phá ra, cô ấy thích làm người phạm lỗi. Cô ấy đã làm tan nát trái tim bạn, trái tim tôi, bạn làm sao quên cô ấy được ? - Tôi quên thật mà. - Ước gì tôi được thế ! Ai đã cho bạn phép màu để quên đi những người đáng ghét ? - Chả ai cho tôi. Trong lòng tôi có Nghĩa địa. Những người như bạn và vợ bạn, tôi xếp cả vào đó lâu rồi. Tôi trả lời người đàn ông thế.

 

*

Lại một đêm khó ngủ.

Tôi dậy muộn. Chẳng buồn ăn sáng, cổ họng khe và đắng, tôi chuẩn bị bộ cánh gụ về quê, về cái làng Hào Phi đầy tai tiếng. Ông Hào, anh thúc bá tôi, trờn trợn con mắt, nẹt : “Cóc chết ba năm quay đầu về núi. Anh có thấy chú ra thăm Nghĩa địa làng bao giờ. Giở chứng hả ? Định ngắm chỗ hậu sự cho mình chứ gì ? An tâm đi. Trời cho anh chú còn sống thì các chú còn nhờ vả được. Bất kể lúc nào, nói dại mồm, nếu thím và các cháu đưa quan tài chú về đây, anh hứa sẽ lo liệu chu tất, chỉ có đẹp trở lên”. Ông Hào đã ngoại tám mươi tuổi mà giọng nói cứ sang sảng, dáng đi cứ phăm phăm. Ông vốn là phó đô đốc một đơn vị Hải quân. Cả đời gắn bó với biển, chất giọng mặn mòi, nhưng lúc nào ông cũng thích nhận mình là dân lực điền chính hiệu.

 

Tuần trước, tôi lên Nghĩa trang Yên Kì, lân la thăm dò cái hậu sự cho mình. Gặp bạn đồng hành, vỡ ra nhiều lẽ. Tôi vốn lớn lên dưới mái trường Xã Hội Chủ Nghĩa. Khát vọng Thế Giới Đại Đồng, Bình đẳng Xã hội, ăn sâu vào xương, vào tủy. “Thôi thì lúc sống có thể còn có nhà giàu, nhà nghèo, nhưng mong sao khi chết, được nằm bình đẳng bên nhau, để khỏi tủi cho con cho cháu”. Tôi chia sẻ với bạn đồng hành. Ông bạn đồng hành quát : “Sống đã không bình đẳng thì chết bình đẳng thế chó nào được. Ông ở hành tinh nào về vậy ? – Ông bạn đồng hành ngó sát vào mũi tôi. Sau cái ngúyt lườm thân thiện, ông giảng giải -Thành phố Hà Nội tới đây sẽ đầu tư xây dựng Nghĩa trang Yên Kì trở thành Công viên Nghĩa trang. Đẹp như mộng. Đẹp như Thiên đường. Sẽ chiều theo mọi hoàn cảnh. Gia đình nghèo, mua vài ba mét phần mộ. Gia đình giầu, có thể mua hàng trăm mét vuông đất. Kiến trúc lăng tẩm, tùy. Thích sao chiều vậy. Nhiều Đại gia dự tính mua tới héc ta dành riêng cho gia đình mình kia”. Tôi bảo : “Thế thì tủi cho người nghèo quá !” Ông bạn đồng hành mắng : “Ông tưởng lúc sống không tủi à ? Sống còn chịu được nữa là khi đã chết”. Tôi bảo : “Thế thì tôi về quê. Quê tôi không bất bình đẳng thế này. Quê tôi đùm bọc thương nhau…” Ông bạn đồng hành lại mắng : “Thì ông về. Chắc lâu lắm rồi ông cũng chẳng buồn về quê hở ?”

 

Tôi men theo bờ lúa chiêm trĩu hạt. Bông lúa mẩy và dài như mừng, như tủi, quấn lấy bước chân. Làng tôi trước đây có hai Bãi tha ma : trước làng, và sau làng. Những năm gần đây, Công nghiệp hóa xâm lăng, đuổi Bãi tha ma phía trước làng hội nhập vào Bãi tha ma phía sau làng, chiếm chỗ cho Nhà máy. Gọi là hội nhập nhưng không được mở mang lấn phần canh tác. Bởi vậy, Bãi tha ma sau làng mỗi ngày một quá tải, không tường bao, không hàng lối. Lộn xộn. Hoang dã. Nhìn tổng thể địa hình Bãi tha ma chẳng khác nào tấm áo rách nham nhở, nơi thò ra, chỗ thụt vào, vừa mả chôn người chết, vừa mồ đã cải táng. Đời đời cứ tiếp nối nhau, moi lên, vùi xuống. Những khi có đám ma mới, trống, chiêng ầm ĩ, thật tội cho con cháu có mộ giáp mộ mới láng giềng, phải chia nhau ôm mộ nhà mình, khóc gọi rả rích, mong sao hồn vía mộ không bị kinh động lạc loài.

 

Đúng là quá lâu rồi tôi mới tới đây. Bãi tha ma làng tôi đâu còn tình đùm bọc yêu thương nữa. Nó biến dạng lâu rồi (!)Tôi ngẩn người, lặng nhìn những nấm mồ úa cỏ, liu riu, len lén bên những nấm mồ ốp gạch men kính. Những nấm mồ ấp đá hoa cương, cao to sừng sững. Những nấm mồ vươn dài vòm cong mái ngói. Những đầu đao chạm phượng, trổ rồng chen nhau tua tủa. Rồi, những lâu đài tám mái, mười hai mái. Rồi, tầng tầng tháp nhọn cứ như tháp chùa Thiên Mụ, ý chừng muốn chọc thủng trời xanh, ganh nhau, đua nhau, chen nhau, quyết liệt đòi quyền ngôi chủ soái Cõi Ma Làng.

 

Tôi tiến về ngôi mộ cao tam cấp, tám mái, cạnh búi tre đằng ngà, hỏi ông anh Hào : “Có phải đây là mộ ông năm vồ không hở bác ?” Ông Hào đáp : “Phải. Trí nhớ chú tốt đấy. Thằng con bất hiếu, thẳng tay nện bố năm vồ, bố chết. Thằng con vào tù, đánh nhau trong tù, chết. Đứa con trai thằng con bất hiếu lớn lên, chịu thương, chịu khó, chăm chỉ làm ăn, vừa xây mộ cho ông , cho bố đấy. - Ông Hào chỉ tay vào ngôi mộ bốn mái nằm cạnh, và bảo – Đây, mộ thằng con bất hiếu đây”. Tôi bảo : “Xây to quá ! Xây để bêu à ?” Ông Hào cười cợt : “Con thằng bất hiếu nói, người nào ở đời cũng có tội cả. Bố nó cũng là con người. Tội của bố nó là quên mất Đạo Người. Bố nó có tội, đã phải đền tội. Nó là con, nó cần giữ Đạo. Giữ Đạo cho mãi mãi”. Ông Hào tiếp : “Anh cứ ngỡ chú đi nhiều, tư tưởng tiên tiến nhiều hơn. Mà chú đã đi được bao nước nhỉ ?” Tôi lơ đễnh : “Em mới đi bẩy nước”. Ông Hào cười : “Anh đi dễ đến hơn tám mươi nước. Nhưng con mắt anh là con mắt lực điền, nhìn nhận hạn hẹp. Có điều, xem ra chú vẫn cố chấp đấy !”

 

Tôi hỏi về cái đĩ Ngát, con bé chửa hoang, ém giỏi lạ lùng. Tối trước nó còn lên sân khấu diễn vai Thị Mầu, hôm sau đẻ con, thắt cổ con chết bằng cái xà cạp, bỏ vào rổ dây lang, đem ra nghĩa địa này phi tang, không may bị dân làng phát giác. Không hiểu nó còn bén mảng về làng nữa hay thôi ? Ông Hào lớn tiếng, nó vẫn về. Nó giầu, nên nhơn nhơn hơn trước. Nó vừa về xây lăng cho đứa con nó thắt cổ. Kia. Lăng con nó đó. Ông Hào chỉ cái lăng mộ con con, khoảng bốn mét vuông, có tường hoa bao bọc, sắc màu diêm dúa hệt màu nhà trẻ. Ông Hào nói thêm, ý đồ nó muốn bêu rếu cái thằng Sở Khanh làng, chủ tâm lừa hại đời nó. Nhưng nó biết một, mà chẳng nghĩ hai, chính nó lại bêu nó còn gì.

 

Tôi lách mình len lỏi qua những nấm mồ, nghĩ và xót thương cho thân phận người cha quá cố. Cả cuộc đời cha long đong, lận đận với những chuyện không đâu. Vẻ mặt mẹ tôi lúc nào cũng âu sầu, mệt mỏi. Mỗi khi nói về cha, dù cho mẹ an bài cam phận, vẫn không giấu lời trách cứ : “Ông ấy sống bằng mồ bằng mả / Chứ không sống bằng cả bát cơm”. Cái vạ của bố tôi là trong cơn nước lũ vùng biên ải, đã cứu sống ông thầy địa lí người Tầu. Từ đấy, ông Thầy địa lí nhất thiết bám lấy bố tôi đòi đền ơn, đáp nghĩa. Ông Thầy địa lí dắt bố tôi đi khắp các vùng quê tìm huyệt mộ. Bất chợt, thấy huyệt đẹp, Thầy dừng lại nghỉ ngơi, bắt bố tôi quay về, mang hài cốt người thân đến táng. Đàng hoàng thì mua đất. Khó khăn thì vụng trộm. Xoay quanh chuyện mai táng mộ của bố tôi thật li kì, mạo hiểm, hệt như những truyện truyền kì thần thoại. Kết thân với Thầy địa lí mới năm năm trời, của nả, ruộng nương, đồ vật gia đình tôi cứ lần lần đội nón ra đi. Và, điều quan trọng nhất là mồ mả cha ông, chú bác tôi, không còn cái nào nằm trong nghĩa địa làng. Tất cả đều bay biến, mù tít, mù khơi, mà chúng tôi không bao giờ được biết. Chỉ láng máng, thoảng nghe lời rì rầm đồn đại, những mộ phần đều đại phúc, đại lộc, đại vinh hoa phú quý, nằm trong võng, lọng, kiệu, ngai… có huyệt mộ còn tọt hàm rồng, hoặc chính giữa bành voi, nếu phát, là phát Đế vương kia.

 

*

Tôi ngủ lại quê.

Thao thức vì tiếng chó sủa, tiếng chão chuộc cầm canh. Thao thức vì lâu rồi mới được nghe tiếng gà râm ran ấm ngọt. Vắt tay lên trán, tôi vẩn vơ thương cho giấc mộng Đế vương của Tào Tháo. Tào Tháo đã cho đắp tới 72 mộ giả, để thi gan với Thiên hạ, thi gan với Đời – bởi Đời thích đào mồ cuốc mả những kẻ gian hùng nổi tiếng. 72 cái mộ giả, vẫn không sao cứu nổi mộ chính. Cái mộ chính vẫn bị đào, bị quật. Tôi nghĩ tới Tần Thủy Hoàng, con người mưu mô xảo quyệt, sai người đúc tới trăm ngàn tượng binh sĩ, tùy tùng ; nhẫn tâm chôn sống hàng vạn con người, mong bảo vệ được nắm xương tàn. Cuối cùng, xương cũng tan, mộng cũng vỡ, còn chăng chỉ lời rủa nguyền, khinh nhạo. Tôi biết ở làng quê, cái Nghĩa địa khốn khổ này cũng ỉ eo lắm chuyện. Ông Hào bảo : “Có kẻ thù nhau, ức nhau, đêm đêm lẻn ra nghĩa địa, vạch quần đái vào phần mộ bố nhau cho hả”. Tôi nhăn mặt : “Đúng là cái tệ của con người vô học !” Ông Hào nổi giận : “Ờ ờ… Cái tệ của con người vô học chỉ đểu đến thế là cùng. Nhưng cái tệ, cái đểu của con người có học thì tởm lợm gấp trăm, gấp ngàn lần thế phải không ? Chú kể cho anh chú nghe nào ?” Tôi rùng mình khiếp hãi cho thân phận kiếp ngừơi !

Tối qua, anh em tôi trò chuyện quá khuya. Tôi cố tình chọc tức ông Hào. Trưa nay, ông Hào nhìn tôi vẻ khiêu khích :

- Chú đã ra biển chưa nhỉ ? Được đi thăm mấy Đảo rồi ?

- Dạ. Mới được vài chục Đảo. So với bác thế nào được. Bác là đại thụ biển cả mà.

- Sao chú chưa mua ôtô ?

- Vì… Vì em chưa nhặt được tiền. Lâu nay hiếm người đánh rơi quá !

- Nói chuyện với chú chán bỏ mẹ. Nếu chú không phải em anh thì anh cạch mặt chỉ mồ. Anh cho chú biết, trước đây cả cơ ngơi nhà anh không nổi một chỉ vàng. Bây giờ chỗ mặt đường này, hai chỉ một mét vuông. Chú biết nhà anh tổng cộng có bao nhiêu mét vuông đất không ? Gần năm trăm mét. Anh hỏi chuyện mua ôtô, không phải anh thăm dò vay mượn chú. Anh chú giờ đây đang ngồi trên vàng đấy. Phú ông rồi đấy. Nhưng, anh hỏi chú, giữa lúc loạn tiền, loạn vàng này, tích cóp để làm gì chứ ? Tại sao không đắp vào người ? Tại sao không đắp vào nhà ? Tại sao không đắp vào mồ, vào mả ? Đắp vào người, vào nhà thì khoe được cái mẽ. Đắp vào mồ, vào mả thì được tiếng là hiếu thảo. Được phúc âm, phúc dương. Chú không thấy những lăng mộ ở Nghĩa địa làng là phúc ấm gia đình, là Văn hóa tri thức sao ?

 

Tôi buồn rầu :

- Em đã đứng hàng giờ trước lăng vua Tự Đức, lăng vua Khải Định để nghĩ về kiếp người. Em cũng đứng trước lăng Hoàng Cao Khải, bên cạnh gò Đống Đa, Hà Nội, và em hiểu rằng, cho dù một trăm năm sau, làng ta giầu có thế nào, cũng khó ai có thể xây nổi một cái lăng đá khổng lồ như thế. Em dám chắc, vì em căn cứ vào mức thu nhập của người dân làng ta. Em cũng tự hỏi, Hoàng Diệu là Tổng đốc Hà Nội. Hoàng Cao Khải là Tổng đốc Hà Đông. Tuy thời điểm khác nhau, nhưng chức vụ đều là Tổng đốc. Tại sao Hoàng Cao Khải giầu đến thế ? Tại sao hương vị, tên tuổi hai ông Tổng đốc lại một trời, một vực ? Rút cục lại, thì con người ta sống để làm gì… cái gì tồn tại đây ?

Ông Hào quắc mắt :

- Chú lẩm cẩm quá rồi ! Đừng bao giờ đặt những câu hỏi ngẩn ngơ như thế. Cái bả vinh hoa, tiền tài và danh vọng mấy ai đã thoát. Cũng đừng có cao đạo làm gì. Đừng thích dạy đời chú ạ. Anh biết ngày ngày chú vẫn viết. Vậy viết để làm gì ? Anh biết rõ chú có lương hưu, chú không phải viết vì miếng cơm, manh áo. Vậy thì vì cái gì nào ? Vì sự háo danh phải không ? Hay vì có con đàn bà chảnh nào chài chú, thích chú viết thế ? Chính vì những cái tào lao vô vị ấy mà những điều chú viết ra anh hoàn toàn không hiểu, không đọc được. Một thằng lực điền không hiểu văn chương, chẳng có gì đáng trách. Nhưng thằng anh chú, không hiểu chú mới là nỗi thẹn, nỗi nhục. Anh nghe, chú cũng được giải thưởng này, giải thưởng nọ. Nhưng anh nói thật, thưởng chỉ khiến chú ngu thêm mà thôi. Chú hãy nói thật, nói hết với anh, tại sao lúc này chú lại đi lo hậu sự ?

- Em thích tự mình sắp đặt cho mình.

- Không có thù, có oán ?

- Không.

- Không vỡ nợ nần gì?

- Không. Sao bác dám nghĩ thế ?

- Tại… Tại vì… cái lo hậu sự của chú làm anh phát hoảng. Vừa rồi, anh có nói đến phúc âm, phúc dương, nói đến phúc ấm gia đình, nói đến Văn hóa tri thức, tất cả là anh bịp. Anh thử thế thôi. Làm gì có những cái đó. Bãi tha ma làng ta cũng là Bãi bịp. Chú cứ nhìn kĩ, nghĩ kĩ sẽ thấy. Biết làm sao được. Mọi người đều thế, đều bịp, mình cũng đành thế, đành bịp vậy ! Chú có nhìn thấy con người xâu xé, tàn sát, ăn thịt lẫn nhau không ? Nhan nhản chứ gì ? Tại sao chú lại đi lo hậu sự ? Tại sao ? Tại sao lại thế hở giời ???

 

*

 

Tôi trở về Hà Nội.

Lòng trĩu nặng tình quê. Đã ba đêm rồi, tôi day dứt nghĩ về mình, nghĩ tới một nhà bác học, trước khi chết, viết di chúc gửi lại đời, tha thiết hiến thân mình cho khoa học, cho chính học trò mình giải phẫu, truy tìm từng tế bào chứa chấp vi trùng lạ, giúp ích cho nền y học loài người. Tôi nghĩ đến nắm tro xương của cựu thủ tướng nước cộng hòa nhân đân Trung Hoa Chu Ân Lai, thể theo ý nguyện di chúc, được máy bay đem rắc trên những ngọn đồi, những thung lũng… Tôi cứ miên man… miên man nghĩ và nhận ra, mình lẩm cẩm quá rồi ! Cuộc đời đúng là có nhiều điều cần nghĩ, cần lo, nhưng không phải cái lo chết tiệt này (!)./.

Việt Thư
Số lần đọc: 1741
Ngày đăng: 10.05.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Khát Vọng Yêu Thương - Trần Minh Nguyệt
Cha và Dì - Minh Hương
Chuyện ông thiện, ông ác - Khải Nguyên
Giấc Mơ Của Bão - Nguyễn Thị Thanh Bình
Ngôi Nhà Số 11 - Nguyên Minh
Ký ức làm báo - Đỗ Ngọc Thạch
Mây Núi Sapa - Khải Nguyên
Lão và hắn - Vinh Anh
Giấc Mơ - Nguyễn Lệ Uyên
Những mảnh vở (15) - Nguyễn Thị Hậu