Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.214.961
 
Phép “cộng” hai trận bão trong một bài thơ của Kim Chuông:
Nguyễn Chính

NGÀN NĂM

 

Vẫn còn đêm ấy trăng xa

Nhưng trăng của bóng mây. Và gió thôi

Bão bùng em đổ sang tôi

Thành hai trận bão mê tơi còn gì

Vẫn còn mưa nắng thường khi

Nắng như em tuổi dậy thì hồn nhiên

 

Nhưng mà thoáng đó đã em

Đã tôi ngoảnh lại . Đã nên ông bà

Vẫn còn mỏng mảnh trời xa

Liệu em còn đứng đợi ta cuối ngày

 

Vẫn còn em đấy. Anh đây

Ngàn năm trăng khuyết, trăng đầy tìm nhau.

 

Kim Chuông

 

Chắc là tác giả đã ở tuổi trên dưới lục tuần, cái tuổi thường hay vơ vẩn nghĩ về ... ngày xưa, để da diết nhớ và hoài niệm về một thời mới đấy mà đã vời xa. Và, cũng thật tự nhiên thôi , trong biết bao nhiêu là kỷ niệm của những giây phút vơ vẩn ấy, cuối cùng đọng lại cũng vẫn là hương vị ngọt ngào hay chát đắng của tình yêu thủa nào :

 

Vẫn còn đêm ấy trăng xa

Nhưng trăng của bóng mây. Và gió thôi

 

Vâng ! “Đêm”  và “trăng” của trời đất thì muôn thủa, lúc nào mà chả vậy. Nhưng cái đêm ấy của riêng chúng mình thì vẫn “còn” nguyên vẹn trong anh, bởi cái đêm định mệnh  ấy của tình ta, “trăng” chỉ là của mây và gió thôi. Để rồi trời đất như  báo trước điều chẳng lành :

 

Bão bùng em đổ sang tôi

Thành hai trận bão mê tơi còn gì

 

Không phải là “gió” nữa mà là “bão”. Thậm chí, không phải là bão thông thường cấp 4 cấp 5, mà là “bão bùng”. Không phải thổi mà là “đổ” . Theo kinh nghiệm ngàn đời, trong đêm vẫn có trăng, có mây và gió, thì trời đất không thể đột ngột chuyển thành một trận bão lớn ngay được. Vậy mà điều ấy đã xảy ra mới ghê gớm làm sao. Bão của trời (có lẽ bé thôi) và “bão” của em cộng lại, đã thành hai trận bão siêu cấp độ, với sức tàn phá đến mức “mê tơi”, quả là đáng sợ !  Nhưng thật lạ lùng, tại sao chàng trai của chúng ta lại không “chống bão”, hoặc giả có chống đi nữa cũng rất thụ động, thụ động đến mức yếu ớt để bão cứ  việc “đổ sang” mình ? Phải chăng lúc ấy vì cả giận mất khôn, nên cô gái trẻ quá nóng nảy, không để cho anh chàng được phân bua, giải thích ? Còn chàng trai thì vì quá yêu, vì  một sự việc “tình ngay, lý gian” nào đó, hay cả vì bất mãn với thái độ của nàng, mà  mặc kệ, buông xuôi không muốn thanh minh, thanh nga gì nữa, cứ  lặng im “chịu trận”, vân vân và vân vân. Sau này khi trời tạnh, mây tan, tất cả đều đã tỉnh ra, nhưng sự thể đã quá muộn không còn cứu vãn được nữa, thì chàng trai mới có cơ hội thanh minh rằng, lúc ấy em cứ ào ào, cứ nhất quyết “luận tội”, “ kết án” có cho anh mở lời đâu. Cả em, cả trời đều tới tấp nổi giông, nổi bão đến mê tơi như thế, thử hỏi anh còn gì để mà chống, mà  đỡ ? Nhưng mà thôi ! tất cả  chỉ còn là kỷ niệm. Một kỷ niệm buồn mà ấm nóng, đã theo chàng trai đi suốt cuộc đời. Để mỗi lần hồi tưởng lại chuyện xưa :

 

Vẫn còn mưa nắng thường khi

 

Còn mưa, còn nắng đấy, nhưng trong hoài niệm của anh bây giờ “mưa” đã mờ đi, khuất lấp. Chỉ còn “nắng” sớm bừng lên thôi, rạng rỡ, tinh nghịch :

 

... như em tuổi dậy thì hồn nhiên

 

Chỉ với sáu câu thơ đầu, tác giả đã khéo léo khép lại một thủa yêu bồng bột, xốc nổi, cả tin và cố chấp. Nhưng dù sao thì những năm tháng hồn nhiên ấy thật đáng quý biết bao, đáng nâng niu biết bao, đối với mỗi đời người.  Cuộc đời cứ kéo anh và em đi mỗi người mỗi ngả, bươn trải mưu sinh. Đến khi giật mình  nhìn lại, mới hay quả là “thời gian như bóng câu qua cửa ...” :

 

Nhưng mà thoáng đó đã em

Đã tôi ngoảnh lại . Đã nên ông bà

 

Sau cái đêm “bão mê tơi” định mệnh ấy, thì thời gian nào có chờ, có đợi.  Mới thoáng đó thôi, mà cả hai đã không còn là người của ngày xưa nữa. Em đã là em và tôi đã là tôi bây giờ, đã nên ông, nên bà cả rồi ? Nên ông, nên bà thì có bao nhiêu là ràng buộc. Vậy mà anh chàng, dù đã trắng râu, bạc tóc :

 

Vẫn còn mỏng mảnh chiều  xa

Liệu em còn đứng đợi ta cuối ngày

 

Năm tháng qua đi, nhưng lửa yêu trong anh chàng thì vẫn không chịu tắt. Dẫu biết, tất cả chỉ còn là hoài niệm “mỏng mảnh trời xa” thôi, mong manh lắm, khẽ chạm vào là tan biến ngay. Nhưng vì yêu, vì tin nên hoài niệm vẫn cho chàng trai ảo giác, để thốt lên câu hỏi thật nao lòng : Cuối ngày rồi, ta và em đều đã về chiều rồi, liệu em còn đứng đợi ? Và, câu trả lời là, nàng vẫn đứng đó, hiện hữu còn hơn cả bằng xương, bằng thịt. Vì nàng đã đứng trong hoài niệm, trong tâm tưởng chàng trai.  Như chính người trong cuộc đã khẳng định đầy thuyết phục rằng :

 

Vẫn còn em đấy. Anh đây

Ngàn năm trăng khuyết, trăng đầy tìm nhau.

 

Ngàn năm, vạn năm hay mãi mãi ... đều là vô cùng, vô hạn. Còn anh và em thì hữu hạn lắm. Vừa mới hồn nhiên như nắng, rồi bồng bột cố chấp “bão bùng mê tơi” đấy, mà thoáng đó đã thành ông, thành bà. Giờ, tuy “vẫn còn em đấy. Anh đây” mà nghìn trùng cách trở, hết trăng khuyết, lại trăng đầy cứ mê mải tìm nhau trong vô vọng, mông lung, bể khổ của cõi người.

 

Bài thơ cô đọng, mạch lạc, như  chính mối tình chân thật trong sáng thủa nào của chàng trai và cô gái.  Tác giả đã sử dụng dấu chấm ngắt đột ngột ở một số câu, song vẫn  không làm mất đi “hiệu ứng” lục bát của thể thơ này. Đã có nhiều bài thơ hay, hoài niệm về  những thiên tình sử : đẫm lệ chia ly, tan vỡ, khổ đau ... Nhưng Ngàn năm  của Kim Chuông, với “phép cộng” của hai trận bão, khiến người đọc cứ  bị ám ảnh mãi.

Nguyễn Chính
Số lần đọc: 1732
Ngày đăng: 16.05.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phạm Thiên Thư - Khi sư ông xả thân làm tín đồ thơ ! - Thái Doãn Hiểu
Lê Khánh Mai - Những Câu Thơ Hồn Vía - Tạ văn Sĩ
Mâm chữ đơn sơ mời khách muôn đời - Nguyễn Hàn Chung
Đọc: * Tưởng Chừng Đã Quên * Ngôi Nhà Số 11 của Nguyên Minh - Khuất Đẩu
Sông sao có thể trả lời - Lâm Xuân Vi
Trước khi viết về văn hoá đọc, hãy nên đọc. - Phong Lan
Đọc Tập Thơ Chép Tay của Nhà Thơ Nguyễn Như Mây - Mang Viên Long
Một mảnh rời - Chân Phương
Những điều giản di - Bùi Công Thuấn
Phản-sến, và… như là thông điệp phi thông điệp - Inrasara